Search

Khôn Ngoan Và Trí Tuệ

Bảo Diệu Tâm đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải Tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và trên kênh Facebook chùa Xá Lợi

Các bạn thân mến! Chúng ta cứ vẫn xoay mãi trong cái xã hội hiện thời, để đi tìm cho mình một vốn liếng kiến thức. Và kiến thức đó sẽ giúp cho chúng ta sinh hoạt trong cuộc sống dễ dàng hơn. Bởi ở đời ta thường nói, kẻ có kiến thức nhiều và ứng dụng khéo léo sẽ bảo đảm được cuộc sống về vật chất, sẽ bảo đảm cuộc sống về gia đình và cũng bảo đảm cuộc sống cho con cái có được nền giáo dục cao. Và thế là mọi người chúng ta đổ dồn đi tìm kiến thức.

Hãy nhìn lại những gia đình hiện tại của giới trẻ khi có con. Đầu tư cho sự học hỏi của các con trong một xã hội hiện tại thật là phức tạp, đôi khi cha mẹ phải lao nhọc vô cùng để có tiền đưa con tới trường. Ở trong hoàn cảnh hiện tại, thật là nhiều bạn ở nhà trọ, hoặc ở những ngôi nhà cha mẹ cho. Với hoàn cảnh mà cả hai vợ chồng đều đi làm mới mong có đủ tiền để cho con mình học, bởi chi phí của con cái học ngày nay thật là nhiều. Trước khi đi học thì lại phải gửi nhà trẻ cho các cô coi. Sau khi đi học cũng lại phải gửi, cho đến khi tối về mới rước con về. Tất cả mọi kiến thức của con cái ngày hôm nay hầu hết được đặt vào bàn tay của các thầy cô. Sự căng thẳng tăng trưởng thật là nhiều, từ đó mà đi đến sự quyết định trong những vấn đề ta thường thường dùng kiến thức.

Như có một anh chàng kia tới hỏi một vị Thiền sư rằng: “Thưa Thiền sư! con đi ở giữa đường thấy nhiều người ăn xin, nửa thì muốn cho họ, biếu tặng họ một chút gì, nửa lại không muốn. Con không muốn cho là bởi vì con sợ họ lừa gạt, bởi xã hội ngày nay sự ăn xin lừa gạt quá nhiều. Cho nên nếu cho thì lừa gạt, còn không cho thì cũng áy náy không biết họ như thế nào, xin Thiền sư cho ý kiến?” Vị Thiền sư mới trả lời với anh ta rằng: “Nếu anh không cho tức là anh là người khôn, còn anh cho anh là người có trí tuệ“. Anh chàng này bối rối tại sao không cho là khôn mà cho là có trí tuệ. Tình ý Thiền sư giải thích cặn kẽ để cho thông lý đạt tình, vị Thiền sư nói: Khi con không cho là con dùng kiến thức, con suy nghĩ thiệt hơn, đúng sai. Bởi vậy con không cho, con là người khôn, con biết suy nghĩ, còn khi con cho, con là người có trí tuệ, bởi vì con nhìn thấy hiện cảnh của một người ăn xin. Con mang tâm từ bi bao dung ra đối xử một cách bình đẳng, không phân biệt và suy nghĩ trong sự thiệt hơn. Chính với cái tâm từ bi bao dung và đối xử bình đẳng không phân biệt thiệt hơn đó, con khởi lên hành động thương yêu, thân ái và sự cho đi đó thể hiện trí tuệ của người con phật. Bởi trong nhà Phật cho đi trong sự bình đẳng tánh trí. Cho đi khởi nguồn từ tâm từ bi yêu thương. Cho đi từ cái mắt yêu thương nhìn đời và bàn tay biết nâng đỡ, san sẻ là người có trí tuệ.

Và thưa các bạn!  Anh ta nghe tới đây, anh ta hiểu được, anh ta hạnh phúc vô cùng. Trở về vấn đề cho con cái của mình kiến thức, thì chúng ta cho con của chúng ta thể loại kiến thức nào để trở thành người khôn ngoan, thể loại kiến thức nào để thành người trí tuệ. Đây là chỗ không phải cứ đi làm tiền như các bạn trẻ ngày nay để cho con cái đi học, hoặc như những người nhà giàu, bỏ thật nhiều tiền mướn các giáo sư từ các trường nổi tiếng. Con cái được dồn nén nhiều thể loại kiến thức, để trở thành người thông minh, thông thái, hay người khôn ở trong đời. Có biết bao nhiêu gia đình rất bình thường, tiền bạc không đầy đủ, con cái không được đặt để vào những trường học nổi tiếng, hoặc không được gửi gắm cho những vị giáo sư, thầy cô lỗi lạc, nhưng những đứa trẻ đó sống, lớn lên tràn đầy trí tuệ.

Các bạn! Chúng ta suy nghĩ thật là kỹ muốn con cái của mình có trí khôn hay có trí tuệ. Và ngược lại, chúng ta cũng có thể trở nên những trẻ thơ, tái tạo lại sự suy nghĩ của cuộc đời để trở thành người khôn ngoan hay người có trí tuệ. Nếu các bạn không phải là Phật giáo hay các bạn nào Phật giáo chẳng có sự phân biệt, chẳng có sự khác biệt giữa các tôn giáo. Bởi sự sống ở cuộc đời này, ngoài trí khôn để truy lùng mọi thứ, làm việc cho đúng, vẫn rất cần trí tuệ của tâm từ bi, hành động trong sự bình đẳng để đối nhân xử thế. Cuộc sống mà không có trí tuệ, chỉ có tính toán hơn thua thiệt thòi. Cuộc sống đó sẽ trở thành héo hắt và vô nghĩa, để rồi tất cả túi khôn của loài người, suy nghĩ đúng sai đó, chết cũng chôn vào lòng đất, mà không thể ứng dụng được trong cuộc đời

Như trí tuệ viên mãn của nhà Phật, mọi tạo tác, mọi suy nghĩ, mọi hành động đều tới từ tâm từ và tâm bình đẳng để san sẻ yêu thương. Trong tình yêu mà cứ tính toán thiệt thòi thì tình yêu đó trở thành một công thức máy móc. Nó sẽ bị gãy vụn. Trong cuộc đời khi va chạm, trong sự tương tác mà mỗi người tính thiệt hơn, công thức lời lỗ, thì có gì được gọi là con người có trái tim bao dung đâu. Do vậy mà đức Phật tới trong cuộc đời, Ngài không truyền đạt một nền giáo lý của mỗi tôn giáo để thống lĩnh xã hội, nhưng Ngài tới để phổ truyền, để khai thị, để hướng dẫn một chân lý cho chúng ta sống. Sống trọn tình người, sống mở rộng trái tim, sống để chúng ta luôn luôn tiếp cận với mọi hiện tượng trong cuộc sống bằng tâm từ, bằng trái tim đối xử với tất cả mọi loài, mọi người một cách thật bình đẳng. Có tâm bình đẳng và lòng từ bi, xã hội này sẽ đẹp biết bao. Còn nếu như chỉ ứng dụng trí khôn của mình, cái khôn ngoan của mình thì xã hội này chỉ là một xã hội bầy đàn tính toán thiệt hơn về vật chất. Các bạn có thể trở thành những tỷ phú, tiền bạc thật là nhiều, nhưng chưa chắc các bạn đã có được niềm an vui trong cuộc sống. Có những người cuộc đời vừa đủ hoặc thiếu thốn, nhưng họ có trí tuệ bởi biết san sẻ cho những người đồng loại cùng khổ, hoặc những người thiếu thốn.

Từ đó dù thiếu thốn dù không đủ, mà trên môi miệng luôn luôn nở nụ cười, hành động luôn luôn bao dung. Hạnh phúc chẳng được cân đo bằng tiền bạc, bằng trí khôn. Nhưng hạnh phúc tới từ trí tuệ mà trí tuệ được thể hiện qua trái tim từ bi, và sự suy nghĩ đối xử với nhau trong sự bình đẳng.

Các bạn, cuộc sống này còn rất dài đối với mọi người, và cuộc sống cũng thật ngắn ngủi đối với một người. Mọi người chúng ta có cuộc sống dài hay ngắn cũng chẳng có quan trọng, bởi cuối cùng ai cũng phải ra đi. Nhưng dù chỉ sống một giây, một phút mà chúng ta sống trọn vẹn trong cái tâm bình đẳng đối xử yêu thương, để chớ lậm vào cái chữ gọi là khôn ngoan, tính toán chi li, thiệt hơn có được. Ở trên đời có gì gọi là có để mang theo ở ngày cuối cuộc đời đâu? Thì phải chăng chúng ta không nên quá khôn ngoan, mà phải nên như người có trí tuệ. Bởi sự khôn ngoan của ta luôn luôn chỉ vơ vét giữ cho ta mà thôi, còn sự trí tuệ của ta sẽ làm cho cả tập thể, cả xã hội và đặc biệt nhất là đối với gia đình của chúng ta được hạnh phúc. Bởi người khôn ngoan gia đình sẽ cằn cỗi, người trí tuệ gia đình sẽ ấm áp. Do vậy đặc biệt đối với các bạn trẻ hy sinh thật là nhiều cho con cái có được kiến thức trở thành người khôn, chúng ta cũng phải suy nghĩ cho thật kỹ. Rằng sự khôn ngoan ở đời không phải là cái nhất thiết cần có. Chúng ta không phủ định sự khôn ngoan là không quan trọng. Nhưng cái quan trọng nhất vẫn là gì? Cái quan trọng nhất vẫn là trí tuệ. Trí tuệ tới từ đâu? trí tuệ tới từ lòng nhân ái. Trí tuệ tới từ đâu?  trí tuệ tới từ tâm biết đối xử bình đẳng với mọi người. Hãy cho con cái của mình một nền giáo dục có được kiến thức ở trong đời để trở thành người khôn ngoan, nhưng cũng hãy giáo dưỡng con cái của mình về đức hạnh, có tâm bình đẳng đối xử với muôn người và có tình thương, lòng từ bi, để con cái của chúng ta, hoặc bản thân của chúng ta là người khôn ngoan và trí tuệ. Tức là biết vận dụng kiến thức để suy nghĩ, để làm sao ứng xử với muôn người, muôn loài bằng tâm bình đẳng. Và mọi suy nghĩ, lời nói, hành vi được tác động khởi nguồn từ chân tâm từ bi. Như vậy ta không đầu tư cho con cái của chúng ta có kiến thức để khôn ngoan, mà ta còn đầu tư cho con cái của chúng ta, cho bản thân của chúng ta sự khôn ngoan và trí tuệ.

Suy nghĩ một chút xíu ta sẽ thấy giá trị của cuộc sống nó tuyệt vời vô cùng. Cho nên các bạn trẻ ngày nay, các bạn cố gắng suy nghĩ để dồn sức, tiền tài, hoặc là thời gian của mình, đầu tư kiến thức khôn ngoan và đức hạnh cho con cái, để con cái của chúng ta sẽ trở thành người khôn ngoan và trí tuệ. Và vì ta biết đầu từ sự khôn ngoan trí tuệ cho thế hệ sau chính là đầu tư cho chính mình. Và khi đã biết được điều đó, đầu tư cho con cái khôn ngoan và trí tuệ, chính ta đã là người khôn ngoan và trí tuệ. Mọi sự việc ở trên đời, các bạn biết lựa chọn đúng và hành động, để sự khôn ngoan song hành với trí tuệ làm lợi lạc cho muôn người đang sống gần gũi với chúng ta.

Các bạn khôn quá thì hoá khô sẽ bị gãy, trí tuệ sẽ làm cho nhẹ nhàng cuộc sống hơn. Khôn ngoan và trí tuệ cần phải đồng hành với nhau trong cuộc sống hiện tại.

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe! Nguyện chúc các bạn hãy tư duy chút xíu để chúng ta thấu hiểu được khôn ngoan và trí tuệ rất cần trong cuộc sống hiện tại của những thế hệ trẻ là con cái của chúng ta.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts