Search

Bảo Diệu Tâm đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh YouTube và Facebook chùa Xá Lợi Thất Bảo Huyền Môn.

Các bạn thân mến!

Phàm mang thân làm người, nói sao thì nói, trong chúng ta mỗi người vẫn còn cái sự ích kỷ. Nếu không có sự ích kỷ, chúng ta không phải là người. Nhưng là điều chúng ta cần phải hiểu rõ, để tánh ích kỷ không trở thành cái đầu dẫn chúng ta đi mãi, mà chúng ta là người sống với sự ích kỷ vốn có, nhưng chỉ là một phần trong đời sống của kiếp người. Bởi tánh ích kỷ đó chỉ là một phần, chúng ta vẫn còn tánh thiện. Chúng ta vẫn còn lòng bao dung. Chúng ta vẫn còn có tâm rộng lớn yêu thương nhiều người. Nhưng nếu chúng ta không khéo, hầu hết cái tánh ích kỷ, cái tâm ích kỷ thường đứng ở đằng trước. Khi xếp hàng nó đứng ở đằng trước, và nó hay có nhiều sắc tướng đẹp để hấp dẫn. Do đó Bảo Thành cũng như các bạn thường dễ bị rơi vào, và bị tánh ích kỷ dẫn đi mà khó lường được hậu quả của nó. Có câu chuyện kể như vầy:

Có một anh chàng sống ở trong thôn. Anh ta nghèo từ thuở nào chẳng biết, có lẽ từ đời ông bà cho tới đời của anh ta. Cái nghèo truyền thống mà, nghèo bền vững và truyền thống khó có thể thoát ra. Và ai ai đi ngang nhà, hoặc ai ai ghé ngang qua, mọi người trong thôn đều cho anh ta gạo, nước, vật dụng cuộc sống hằng ngày, bởi anh ta nghèo. Thế nhưng, anh ta lại có tâm ích kỷ, sẵn sàng đón nhận của cải của muôn người. Nhiều người cứ cho, cho nhiều lắm, cho đến mức mà thôn xóm luôn luôn quan tâm. Bởi vì anh ta là cái nghèo truyền thống từ thời ông bà để lại rồi. Đời ông bà đã nghèo, đời cha cha mẹ nghèo, đến đời anh cũng nghèo, đến hầu hết mọi người trong thôn ai cũng biết kiếp nghèo của anh, và ai ai cũng hiến tặng thật nhiều đồ cho anh để cho anh ta thoát ra khỏi kiếp nghèo. Và thực sự khi anh ta nghèo như thế, được nhiều người quan tâm. Sự trao tặng của mọi người mỗi ngày một nhiều, và anh ta chỉ có một mình xài không có hết. Do đó chất chứa đầy ở trong nhà, ở trong kho đầy ắp. Một mình xài sao hết, cả thôn cho mà, và người ngoài xa gần gặp, tới cũng cho, tặng. Cho nên kho thì đầy, nhưng trong lòng của anh ta chưa bao giờ biết san sẻ cho những người nghèo, hoặc cho những người cơ nhỡ hơn anh ta. Những kẻ ăn xin đi ngang qua, những người nghèo đi ngang qua, anh ta không bao giờ biết hiến tặng và trao ra, mặc dù trong kho trong nhà đầy mọi thứ. Hàng xóm, thôn làng cho anh ta xài không hết, nhưng anh ta không bao giờ cho, cứ chất chứa đầy ở trong đó. Và bởi vì là một kiếp nghèo truyền thống, được gia đình truyền lại và bền vững như vậy.

Và người ta cứ cho đồ, lâu ngày anh ta cảm nhận rằng: Hình như hàng xóm, thôn làng, mọi người phải có cái trách nhiệm cung phụng giúp đỡ anh ta. Và anh ta không còn cảm nhận đến sự tủi buồn với truyền thống gia đình là nghèo nữa, mà cảm nhận như đây là một địa vị quan trọng, ngồi đó để mọi người phụng dưỡng, ngồi đó để mọi người trao tặng. Và tánh ích kỷ của anh ta tăng lên càng ngày càng nhiều, chẳng muốn động tay, động chân, chẳng muốn làm việc, chỉ ngồi một chỗ. Và rồi thiên hạ thì cứ theo truyền thống, với tình yêu thương nhiều đời của gia đình nghèo này rồi, cho nên cứ tặng, cứ trao. Còn anh ta thì nhà cửa cứ rộng ra, kho cứ đầy ắp những hàng và đồ đạc. Thôn làng, người xa người gần, trao hiến cho anh ta. Anh ta phây phây ngồi đó tự đắc, và nghĩ rằng mình có một phẩm vị gì đó, sinh ra trong một phận người thiêng liêng gì đó, để mọi người phải phục vụ mình. Anh ta sống ngất ngưỡng với tánh khí như thế, tự cao rồi lại còn ích kỷ.

Biết bao nhiêu những người nghèo, người khổ đi qua đi lại. Anh ta chưa một lần trong đời, biết trao của nhận nơi mọi người, tới những mảnh đời bất hạnh như thế. Và rồi sự cống cao ngã mạn, cộng thêm sự ích kỷ lớn, lớn đến mức mà nó tạo ra những suy nghĩ, hành động thật là ác. Có những người nghèo tới, không những anh ta không cho, mà anh ta còn đánh đập xua đuổi. Và hành động đó từ từ, từ từ, từ từ, hàng xóm thôn làng biết được, họ rất buồn. Họ thấy phẩm hạnh đơn thuần của ông bà cha mẹ của anh nghèo này, hồi xưa nghèo nhưng mà sạch, đúng như câu: “ Đói cho sạch, rách cho thơm”. Vẫn nhận của trao tặng mọi người, nhưng tâm hạnh rất tinh khiết, nhận nhưng vẫn biết san sẻ cho muôn người nghèo khi cảnh tới. Còn riêng đứa cháu, đứa con này, nhận không biết trao tặng lại cho người khác, mà còn xua đuổi đánh đập những người nghèo khổ.

Nhưng bản thân anh ta thì không biết, cứ vỗ ngực xưng tên, hình như phẩm vị cao quý mà mọi người phải trao tặng, và tánh ích kỷ cứ xua đuổi mọi người đi không bao giờ biết giúp đỡ. Và dân làng từ đó tránh xa anh ta, không còn trao tặng cho anh ta nữa. Tuy nhiên trong kho của anh ta đầy hàng, đầy đồ, bao nhiêu năm tích trữ, có lẽ xài cả đời không hết, nên vẫn vỗ ngực xưng tên.

Thế nhưng vào một ngày kia, hỏa hoạn ập tới, bất chợt thiêu cháy cả cái nhà kho mà nhiều năm trời anh ta đã tích trữ của người trong thôn cũng như người xa tình gần trao tặng khiêm cung. Thế là anh ta tay trắng lại hoàn tay trắng. Ngồi trước đống đổ nát của ngôi nhà bị cháy, của cái kho bị tàn lụi, chẳng còn gì nữa. Đến lúc này chẳng ai ghé ngang trao tặng, mà anh ta lại phải trở về với kiếp ăn xin, đi từng nhà, đi từng nhà gõ cửa xin ăn qua ngày.

Các bạn thân mến! Đây là một câu chuyện thật tế nhị trong cuộc sống, nói về tâm ích kỷ của mỗi người chúng ta. Ai trong cuộc đời chúng ta cũng có tâm ích kỷ như anh nhà nghèo này, phận nghèo truyền thống, phận nghèo bền vững khó thoát, được mọi người thương mến. Nhưng thế rồi, khi có được tích trữ cho nhiều, chẳng biết thương đến những người khác, để rồi tánh ích kỷ đó nó dẫn và anh ta đã tạo ra biết bao nhiêu những chuyện sai trái trong cuộc đời, đánh đập xua đuổi những người cùng khổ. Để cuối cùng bị lửa cháy hỏa hoạn kéo tới tan nát chẳng còn gì, hối hận chẳng còn kịp, lại trở về với cái kiếp ăn xin. Nói đến mọi góc độ của cuộc đời, câu chuyện này có lẽ vẫn còn xảy ra, ai ai trong chúng ta cũng thấy.

Nhưng nói đến đời sống tâm linh, chúng ta nghèo một cách truyền thống. Chúng ta khổ một cách bền vững, nhiều kiếp trôi qua bị khổ đau phiền não, bị những bất thiện nghiệp chôn vùi đè lấp, và rồi vẫn còn chút phước báu. Có những vị thật xa như ở mãi cõi trời. Có những vị thật xa như ở mãi cõi Niết bàn. Chư Phật Bồ Tát, Thánh Hiền. Các vị đã ghé ngang kiếp nghèo của chúng ta, và ban rải vào đó hồng phúc để khơi dậy nguồn sống. Chúng ta đã có đầy đủ năng lượng từ bi của Phật chất chứa vào trong kho tàng đời sống của chúng ta. Nhưng vốn là con người ích kỷ, được sự truyền lối của tánh ích kỷ nhiều đời, ta vẫn chỉ đón nhận điều đó nơi Phật Bồ Tát Thánh Hiền mà chẳng muốn mang những điều gì lãnh nhận được của bề trên, của chư Phật, hoặc sự khai tâm của những bậc Tôn Túc những vị minh sư, những vị thầy hợp nhân duyên để mà gửi tới những người đang đói khổ đời sống tâm linh ở ngoài đời. Chỉ muốn giữ cho riêng mình, ích kỷ thế thôi.

Có khi nào một cơn hỏa hoạn cuộc đời, có khi nào một cơn ác nghiệp nào đó nhiều đời nó trổ quả, nó lại quật ngược chúng ta trở về những thời đau khổ hay không? Đời sống! Con sông có khúc, con người có lúc. Vận mạng thay đổi, đời sống khó có thể giữ mãi mãi được. Bởi vậy đời sống kiếp nghèo bền bỉ trong cách truyền nối của nhiều kiếp, nhiều đời. Trong phận số nghèo của đời sống tâm linh nay có được tiến lý của nhà Phật, nay có được giáo lý của nhà Phật, nay có được Đức Phật ghé ngang vào cuộc đời dạy dỗ cho chúng ta, chúng ta phải biết loan truyền những điều mà ta học được. Chúng ta phải biết mang cái đó, gửi gắm, trao tặng lại cho những người đang đói khổ đời sống tâm linh. Ta đã học được Pháp Phật nhiệm màu, ta đã biết tụng kinh, ta đã biết Thiện –  Ác, ta đã biết làm phước, ta biết phóng sanh, ta biết làm thiện, ta biết tu chuyển hóa tánh xấu của ta. Nhờ đâu mà có? nhờ Thánh Hiền Cổ Đức. Nhờ đâu mà có? nhờ kinh sách truyền dậy. Nhờ đâu mà có? nhờ các bậc Hòa Thượng, Thượng tọa, Đại Đức Tăng Ni. Nhờ đâu mà có? nhờ Phật ghé vào cuộc đời, Bồ Tát thương mến, Chư Thiện Thần Hộ Pháp luôn che chở.

Tất cả mọi những cái điều đó ta đón nhận được, và cũng nhờ chúng ta còn có một chút phước báu để các Ngài ghé ngang cuộc đời. Để khi nhìn tới cuộc đời còn đang đau khổ kia. Câu hỏi ta làm gì khi được lãnh nhận quá nhiều. Ta có trao ra nữa không? hay ta cứ giữ mãi cho mình? Đừng ích kỷ như anh nhà nghèo kia, chất đống vào kho, một cơn lửa cháy tiêu tan chẳng còn gì. Cuộc đời ngắn lắm như một hơi thở lửa phiền nhiệt, nhiệt phiền não đốt cháy tâm can từng giây phút. Hãy rộng lòng bao dung thương đến những con người khổ hơn ta, thương đến những con người nghèo hơn ta và chúng ta biết mang bàn tay của mình đón nhận và trao đi, chứ đừng đón nhận mà chất chứa. Những ai biết đón nhận để rồi biết hiến tặng trao đi, người đó luôn có thêm, luôn có nhiều. Bởi vì những gì đón nhận được mà trao đi, thì ta chính là cội nguồn để điều tới, để tiếp tục nối tiếp truyền nối cho những con người không có. Chúng ta là gì? là bến đò cho những con thuyền cập bến, là bến đò cho Phật đi tới để mang ân phúc của Ngài trao truyền cho tới muôn người.

Các bạn thân mến! Phước báu về đời sống tâm linh, hay phước báu về đời sống của con người, đều cần rất cần tâm thiện hảo, bao dung rộng lớn, biết đón nhận và san sẻ. Đừng ích kỷ, đừng ích kỷ một cách truyền kiếp, đừng ích kỷ một cách bền vững, đừng ích kỷ một cách truyền thống từ kiếp này qua kiếp kia. Chúng ta phải phá vỡ cái truyền thống ích kỷ vốn có nơi mình. Chúng ta phải phá vỡ một truyền thống ích kỷ bền vững nhiều kiếp, nhiều đời. Để bắt đầu một cuộc sống mới, canh tân đời sống của mình, sửa đổi đời sống của mình, để đời sống của chúng ta là một mạng mạch nối liền sự sống của Phật Bồ Tát Thánh Hiền. Cái tâm thanh tịnh bao dung, biết che chở muôn người được thể hiện qua tất cả mọi nghĩa cử của chúng ta tương tác hằng ngày trong cuộc sống, rất cần, rất cần. Và mỗi người chúng ta có đủ khả năng để phá vỡ quy luật truyền thống của tánh ích kỷ nhiều đời đã ràng buộc chúng ta.

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts