Search

Đừng Đánh Mất Sự Tử Tế

Bảo Diệu Tâm đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook chùa Xá Lợi.

Các bạn thân mến! Trong sự giao tiếp ở đời, đấng bậc sinh thành cha mẹ, thầy cô, những vị thầy hay người lớn tuổi, thường dạy cho chúng ta là hãy giao tiếp với nhau bằng lòng tử tế, và hãy đối xử với nhau bằng sự tử tế. Nếu ở trên đời này, con người với con người sống tử tế với nhau, thì nhất định sẽ hạnh phúc lắm. Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng có thể làm được điều này, và cũng chẳng phải Bảo Thành và các bạn học hỏi được từ người trên đối xử với mọi người tử tế, là tất cả mọi người sẽ đối xử tử tế với chúng ta.

Có hai ông cháu, đứa cháu này sống chung với ông khi còn nhỏ lắm, bởi cha mẹ đi làm xa mấy năm mới về một lần. Ông thường dạy cháu: “Con ơi! Ở trên đời cái cao quý ngoài vấn đề kiến thức về xã hội, các môn học cần thiết trong đời, và kiến thức về đời sống đạo đức, thì sự ứng dụng kiến thức đời sống con người, kiến thức đạo đức đó, khi giao tiếp cần nhất vẫn phải luôn luôn tử tế với mọi người. Cho nên con nhớ, khi con sống chung với ông, hãy cố gắng học sống tử tế với ông và tử tế với mọi người”. Đứa cháu vui lắm, học cách sống tử tế của ông và rồi nó thực hiện được.

Một ngày kia, ở trên tỉnh thành có một lễ hội thật đông, mỗi năm một lần. Ông dắt đứa cháu lên trên tỉnh thành để đi xem lễ hội vui chơi vào dịp tết đó. Đứa bé nhỏ này đi gặp ai cũng tử tế chào hỏi đàng hoàng, thân thiện lắm. Nhưng hình như tiếng chào với cung cách khiêm tốn tử tế của đứa cháu, nó rơi vào khoảng trống lạnh lùng của những người trong lễ hội. Khi đứa cháu chào một người lớn: “Thưa chào ông!” Khuôn mặt tử tế lịch sự đó, thì những người đó hình như nhìn lại đứa cháu với một cái nhìn lạnh ngắt, sắc và xa lạ lắm. Đứa cháu này mới thấy hoảng hốt ở trong lòng, bởi nó sống chung với ông nội, đối xử tử tế với ông, ông đối xử tử tế ông cháu vui lắm. Hôm nay lên trên kinh thành lễ hội mình mang sự tử tế ông dạy, đối xử tử tế với mọi người mà sao người ta nhìn mình một cách lạ lùng quá. Nhưng tuổi còn bé, thoáng qua vậy thôi, thấy những gian hàng chơi chú bé lại đi tới đó để tham dự. Nhưng những người làm chủ những gian hàng chơi đó, khi chú tương tác bằng sự tử tế, họ lại nhìn chú bằng cách bỡ ngỡ, nhìn chú bằng một cách lạnh lùng, xa lạ làm cho chú bé này rụt mình lại và từ từ giữ khoảng cách đối với tất cả mọi người trong buổi lễ hội ngày hôm đó.

Cuối cùng hai ông cháu về, trên đường đứa cháu hỏi ông nội: “Thưa ông! Con đã học của ông phải biết cách đối xử tử tế với mọi người, bao nhiêu năm con học với ông, ông cháu mình tử tế với nhau. Lần đầu lên lễ hội con mang sự tử tế ông dạy để đối xử tử tế với mọi người, nhưng chẳng ai đối xử tử tế với con”. Ông nội lúc đó cười và nói với cháu: “Con ơi sự tử tế là điều cao quý của ta. Ta đừng vì ai đó mà đánh mất đi sự tự tế của mình. Con hãy nhớ, khi con đối xử tử tế với mọi người chẳng phải họ mà chính con tăng trưởng được năng lượng sống tốt đẹp hơn. Còn ở trên đời không phải ai cũng đối xử tử tế với con đâu bởi vì khi con đối xử tử tế với một người tử tế như ông con sẽ vui đấy, nhưng không phải ai cũng như ông con ạ. Bởi con đối xử tử tế với những người có tâm sư tử, như con sư tử đó, mà con tới đối xử tử tế với sư tử, thì sư tử ở đâu có thể vì con không ăn thịt, con tử tế, mà sư tử không ăn thịt con mà tử tế lại với con đâu.

Cho nên ở đời quan trọng con phải học cách ứng hóa phù hợp với mọi hoàn cảnh. Gặp sư tử thì đối xử như thế nào tử tế trong khoảng cách an toàn. Gặp nai, gặp thỏ, con đối xử tử tế trong sự gần gũi. Hãy học cách biến hóa trong sự ứng xử, nhưng đừng để tự đánh mất đi lòng tự tế của con”.

Các bạn đúng quá! Chúng ta có lẽ cũng học theo gương đức hạnh của cha mẹ, của các thầy cô, những vị lớn, để mang sự tử tế ứng dụng trong cuộc đời. Nhất định các bạn và Bảo Thành đã có sự trải nghiệm thật rõ. Không phải ta cứ đối xử tử tế với mọi người là họ đối xử tử tế với ta đâu. Đôi khi trong tình nghĩa vợ chồng vợ đối xử tử tế, nhưng một trong hai người lại không đối xử tử tế với nhau. Trong tình bạn cũng như thế. Đôi khi ta đối xử tử tế với bạn chưa chắc bạn đối xử tử tế với mình. Trong xã hội, biết bao nhiêu con người ta đối xử tử tế nhưng họ chưa chắc đối xử tử tế với chúng ta.

Ông dạy cho cháu: “Con ạ! Không phải vì con tử tế mà khi gặp sư tử nó cũng tử tế không ăn thịt con. Bởi sư tử là loài ăn thịt. Ở đời đừng để sư tử đánh mất nhân phẩm sự tử tế của mình. Hãy học biến hóa thật hay trong sự ứng xử ở đời, giữ một khoảng cách an toàn khi tiếp cận với sư tử, vẫn tử tế nhưng an toàn trong khoảng cách, đừng để mất tử tế trước sự hung dữ của sư tử làm tổn thương và làm cho tự ái trỗi dậy, để từ đó ta đánh mất sự tử tế của ta.

Đức Phật tới trong cuộc đời và Ngài thấy rõ được sự khác biệt nhân duyên của từng chúng sanh. Cuộc đời của Đức Phật cũng là cái gương để soi sáng rằng biết bao nhiêu con người đối xử với Phật một cách không tử tế, họ chửi, họ mắng, rồi họ vu khống hàm oan làm nhiều điều trái ngang hãm hại Phật, chẳng tử tế chút nào. Nhưng chẳng vì những người có dã tâm như vậy mà Phật ghét bỏ họ, Phật không tử Tế với họ. Phật vẫn rất tử tế bởi nhìn thấy chúng sanh khác biệt. Chúng ta nhớ! chúng ta theo Phật, học noi gương của Đức Phật. Đời có sư tử và có con thỏ, chúng ta nếu gặp phải sư tử cũng đừng vì sư tử đánh mất lòng tự tế. Hãy giữ lòng tử tế, thương họ, bởi vì căn cơ của họ. Chúng ta thực tập tình yêu thương lớn mang lòng tử tế xây dựng cuộc đời, cho phép ứng xử và biết biến hóa một cách linh hoạt, nhẹ nhàng, tế nhị, để không để cho những ai như sư tử làm tổn hại cảm giác, để rồi từ đó ta đánh mất sự tử tế vốn có ở trong ta.

Đời là cả một đoạn đường dài vô tận, trên đó có những người rất tử tế với chúng ta nhưng cũng có thật nhiều người không tử tế với chúng ta. Ta sẽ học được thật là nhiều trong phép ứng xử. Ta sẽ biết biến hóa phù hợp để gần gũi tiếp xúc với những con người có căn cơ khác biệt, dù họ chẳng bao giờ tử tế với ta. Và vì ta đã ứng dụng thật nhiều, khéo rồi, mà họ không tử tế cũng không sao. Bởi họ có quyền đối xử với ta như điều họ mong muốn, nhưng họ không thể tước đi cái quyền là ta đối xử tử tế với họ.

Hãy sống tử tế để tăng trưởng năng lượng sống trong cuộc đời chẳng thể vì họ mà làm cho ta tức giận, chẳng thể vì họ mà làm cho ta khó chịu, chẳng thể vì họ mà làm cho ta đánh mất bản lĩnh sống của ta, chẳng thể vì họ mà ta đã hạ thấp phẩm giá làm người ở đời sự cao quý nhất, như ông nội dạy đứa cháu đó là sự tử tế khi đối đãi đối xử với nhau. Đúng vậy! Trong pháp của nhà Phật, của Đức Phật, sự tử tế là tôn trọng bản thân của mình. Sự tử tế là sống đúng với phẩm hạnh của mình. Sự tử tế làm sáng cái tâm và làm cho con mắt nhìn rõ hết mọi sự khác biệt mà tâm vẫn tự tại. Sự tử tế quan trọng lắm. Giữ sự tử tế này trong tương tác dù cho cuộc đời có gạt bỏ các bạn ra. Hãy giữ sự tử tế này trong giao tế. Dù cuộc đời họ có trù dập, họ không đón nhận, họ hung dữ, họ không tử tế với bạn, nhưng nhớ sự tử tế là phẩm chất cao quí, chẳng thể vì ai đó mà Bảo Thành các bạn đánh mất đi cái sự cao quý đó của chúng ta.

Hãy nhớ lời của ông dạy cho đứa cháu và hãy nhớ sự trải nghiệm của đứa cháu như một sự thực hành đi vào cuộc đời. Chúng ta dù ở tuổi nào đi nữa vẫn luôn luôn gặp những thử thách, những thử thách vụn vặt trong cuộc đời, nhưng không thể để những thử thách vụn vặt đó bẻ gãy sự cao quý của chúng ta là sự tử tế. Sống ở trên đời bạn có thể hơn tôi, tôi có thể thua bạn về nhiều phương diện, nhưng tôi không bao giờ thua bạn vì trong tôi luôn luôn có sự tử tế. Và tôi sẽ sống với sự tử tế đó không cần biết bạn đối xử với tôi như thế nào.

Cảm ơn các bạn đã nghe!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts