Search

Bài 2226. Xuân Vị Quê Hương | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Thu Hằng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật!

Ngày mùng 1 năm Nhâm Dần chúng con lại tiếp tục đồng tu, nguyện xin chư Phật ban rải tràn đầy hồng ân Tam Bảo tới mọi loài chúng sanh để chúng con đón nhận được thật nhiều năng lượng tình thương và thắp sáng được Trí Tuệ trong năm mới. Chúng con nguyện xin chư Phật gia trì cho thế giới được hòa bình, chấm dứt chiến tranh và nguyện cho toàn thế giới này cũng như Việt Nam quê hương của chúng con mau thoát khỏi đại dịch. Cúi xin chư Phật gia trì cho ông bà cha mẹ của chúng con tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc. Nguyện một lòng ngưỡng cầu đến Đức tiếp dẫn đạo sư Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật phóng quang tiếp dẫn chư hương linh cửu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ, những người thân đã quá vãng. Chúng con nguyện xin chư Phật tác đại chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta luôn ghi nhớ trong ngày đầu năm lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương.

Phật ơi! Trong ngày đầu năm này, xin cho mỗi người chúng con biết quay trở về nương vào Tam Bảo Phật – Pháp – Tăng, tin sâu vào nhân quả thiện ác, giữ trọn vẹn năm giới, tăng trưởng phước điền. Và nguyện hồi hướng cho tất cả muôn người trong năm mới vạn sự kiết tường, thân tâm an lạc. Chúng ta giây phút này hãy nghĩ tới người thân của chúng ta, gia đình của chúng ta, mang năng lượng Từ Bi của chư Phật rải tới tất cả những người ta yêu thương.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ, hóp bụng lại, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)

Chúc Mừng Năm Mới!

Chúc Mừng Năm Mới!

Chúc Mừng Năm Mới!

Các bạn thân mến, Bảo Thành, sư cô trụ trì chùa tổ đình chùa Xá Lợi – sư cô Bảo Cơ, thầy Bảo Đình và cô Island, đại diện cho Chùa Xá Lợi chúc mừng năm mới tới với tất cả các bạn đồng tu.

Các bạn ơi! Hôm nay ngày mùng 1, ngày đầu xuân, ngày mà niềm vui sướng tột độ trong tận cội nguồn của trái tim mỗi người đang dâng trào, bởi chúng ta vẫn còn ở nơi đây, trên hành tinh này và vẫn theo cái truyền thống của ông bà, cha mẹ, nhất định đang hiện diện nơi nhà, ngôi nhà chung của gia đình chúng ta. Trong văn hóa dân tộc và văn hóa của Phật giáo, dù cho chúng ta có đi ngược về xuôi, ngày mùng 1 Tết vẫn phải luôn luôn trở về với cha mẹ, với gia đình nơi mái ấm của tình thương ta có ông bà, ta có cha mẹ, ta có toàn bộ anh chị em con cháu sum vầy. Có lẽ đã bắt đầu từ đêm giao thừa ngồi thật là xôm tụ quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét. Các bạn ở Việt Nam đã trải qua một buổi sáng của ngày mùng 1, đã có một bữa ăn ấm cúng thâm tình cùng với toàn gia đình của mình. Còn bên này, Bảo Thành chút nữa 10 giờ 30 có lễ đầu năm. Đêm hôm qua cũng đón giao thừa ở xứ người ở một thành phố lẻ, tỉnh lẻ đó các bạn. Ở xa cũng có Phật tử lui về dù dịch vẫn còn.

Chúng ta thật hạnh phúc đó các bạn ơi, truyền thống là về với cha mẹ, với ông bà, cái câu “nước thì có nguồn, cây thì có cội”, chúng ta con người sống ở trên đời có tổ có tiên, ngày Tết là về với tổ tiên, cùng với ông bà cha mẹ của chúng ta, cả gia đình đứng trước bàn thờ ngưỡng cầu lên chư Phật, dâng nén tâm hương rồi kính về cửu huyền thất tổ, bởi chúng ta thường theo thói cái văn hóa rất thương, rất dễ mến, rất tuyệt vời là thỉnh ông bà về ăn Tết. Hành động đó là để cho chúng ta truyền lại cho con cháu, đời đời nhớ rằng luôn luôn nhớ về cội nguồn và ghi nhớ công ơn của tổ tiên. Không cần biết một năm bôn ba làm ăn như thế nào, chẳng cần biết một năm qua sự va chạm trong đời thường giữa những thành viên trong gia đình, thì năm mới tới những cái sự lủng củng, lẩm cẩm, khác biệt va chạm đó đều chẳng còn. Và mỗi người chúng ta trên miệng biết mỉm cười, cười tươi như hoa mai, hoa đào, cười thật đẹp, khoe sắc xuân và chúc cho nhau những lời chân thành, với cái ước nguyện trong năm mới người người, nhà nhà, bác gia bá tánh, những người yêu thương được khỏe mạnh, được bình an và khởi sự những ước muốn, những ước mơ được thành tựu theo ý.

Nụ cười không thể thiếu trong ngày xuân, chúng ta cười bởi ngày Tết ta thênh thang, ta dạo chơi khắp cõi với hương xuân. Chủ đề “Xuân vị Quê Hương” đã nói lên cái hương vị tuyệt vời của quê hương Việt Nam của chúng ta. Bảo Thành đã lâu lắm rồi, cũng mấy mươi năm rồi chưa có cơ hội hưởng cái hương vị xuân tại quê hương Việt Nam bởi bận rộn Phật sự ở nước ngoài. Nhưng dù ở nước ngoài thì cái vị quê hương trong mùa xuân vẫn thấm đượm trong tình người khi gặp nhau. Chẳng phải riêng gì quê hương mới có cái hương vị ấy, nhưng xuân vị quê hương gợi nhớ cho chúng ta về quê hương Việt Nam, một truyền thống lâu đời của ông bà, cha mẹ, mời gọi con cháu vân du tứ phương vì công ăn việc làm, sinh sống mọi nơi trở về nguồn cội.y     

Trong đạo Phật khởi đầu của năm mới chúng ta gọi là Xuân Di Lặc, tức là mừng Xuân Di Lặc, mừng Đức Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc giáng trần trong mùa xuân. Các bạn đã quá quen thuộc với hình ảnh tôn tượng theo truyền thống của người Việt Nam Đức Phật Di Lặc cười thật là tươi và cái bụng của Ngài to, bởi theo cái cách nhìn về nhân tướng học của người Việt chúng ta, cái bụng của Ngài Di Lặc to lắm. Và khi nhìn thấy to như vậy, thói thường ở đời ta nghĩ chắc có lẽ mùa xuân chúng ta phải ăn thật là nhiều, bởi vì chúc Tết cho ông bà, cha mẹ, ăn uống cùng với gia đình, rồi thăm cô bác, chú dì, rồi chúng ta đi thăm bạn bè, nhà nào cũng sẽ phải ăn thôi, ba ngày Tết chắc bụng cũng to như Ngài Di Lặc. Bảo Thành chúc cho các bạn một mùa xuân có cái bụng to thật là to, nhưng không to bởi đồ ăn, bởi thứ uống, để cái bụng phình ra rồi sợ bị mập, lên cân. Nhưng Bảo Thành chúc cho các bạn một mùa xuân mới, cái bụng của tâm thật là to, cái tâm của chúng ta to như bụng của ngài Di Lặc để vạn sự trong đời dù khác biệt, dù trái ngang, dù không như ý ta muốn, dù thật đau đớn phiền não, dù sao đi nữa thì cái tâm của chúng ta cũng bự như Ngài Di Lặc để có thể dung nhiếp, để có thể chứa đựng vào tất cả mà muôn sự ở đời đó không lỉnh kỉnh làm cho ta đau đớn. Để rồi trên miệng của chúng ta biết mỉm cười như Ngài Di Lặc, cười thật là tươi, nụ cười của cái tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả. Nếu nói đến Từ Bi thì không thể thiếu đi sự tha thứ, sự buông xả. Sự tha thứ và buông xả rất quan trọng, nếu không có thì chẳng thể thể hiện được tâm Từ Bi. Mà cái bụng của các bạn lớn tức là cái tâm của các bạn lớn như Ngài Di Lặc, thì chúng ta năm mới này chúng ta xả bỏ hết, chúng ta buông hết để nở nụ cười như Ngài Di Lặc.

Nhiều cái tư tưởng nghĩ rằng, nói đến Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật hay còn gọi là theo truyền thống Việt Nam của chúng ta, nhất là ở miền Tây hoặc đôi khi ở miền Bắc cũng thế, gọi là Long Hoa Giáo Chủ, người ta cứ đợi chờ cái Hội Long Hoa để đón mừng Đức Phật Di Lặc giáng trần. Mà chúng ta nhớ Đức Bổn Sư không dẫn dắt chúng ta hướng về một cái tương lai mịt mù để chờ đợi một đấng cứu tinh là Long Hoa Giáo Chủ Di Lặc tới độ trần thoát khỏi mê hoặc và khổ đau. Chúng ta tu là tu Chánh Niệm hơi thở. Đức Phật Di Lặc chẳng phải là vị ở tương lai, mà Đức Phật Di Lặc đối với riêng Bảo Thành, trong cái công hạnh tu tập của Thiền Mật Song Tu nhận thấy Đức Phật Di Lặc chính là ở cái nơi nụ cười tươi của chúng ta, nụ cười Từ Bi và Trí Tuệ, nụ cười biết hoan hỉ với mọi hoàn cảnh thuận nghịch và biết buông xả tất cả, không chấp. Ta làm được như vậy thì tâm tính của Đức Phật Di Lặc đã quang giáng trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, cần đâu phải đợi đến cái Long Hoa Hội để đón Phật Di Lặc. Chỉ cần ngay trong Chánh Niệm, ngay giờ phút linh thiêng của năm mới này, ta nhận diện ra rằng Đức Phật Di Lặc đã giáng trần nơi cái tâm tánh thiện lương, hiểu biết thật rõ nụ cười, biết buông xả và tràn ngập tình yêu thương, đôi mắt của ta sáng ngời cái Trí Tuệ thấu rõ được nhân quả thiện ác và cõi Vô Thường trong kiếp nhân sinh. Các bạn làm được như vậy trong năm mới nghĩa là ta đã cung nghinh Đức Phật Di Lặc thể nhập vào tự tánh của chúng ta và sống trọn vẹn có ý nghĩa hơn là thờ, là cúng, là lạy, là chờ, là mong một cái Hội Long Hoa để Đức Phật Di Lặc giáng trần cứu chúng ta, mà mỗi người chúng ta quên sống với cái thể tánh Phật của ngài Di Lặc để tự cứu độ và dẫn dắt mình vượt u mê tới bờ Giác Ngộ. Đạo Phật là đạo tự giác, nếu mỗi người chúng ta không tự giác thể nhập vào với cái tinh thần của Phật Di Lặc để sống an vui, để chuyển hóa tam độc Tham, Sân Si, để có thể gạn lọc tinh tuyền qua ngũ uẩn của chúng ta, nhận lãnh được những điều cao cả, năng lượng thanh tịnh tuyệt vời từ chư Phật, mà cứ ngồi chờ, chờ, chờ, chờ cho tới bao giờ để dự Hội Long Hoa, đó là điều sai đấy.

Cái “xuân vị quê hương” mà ông bà chúng ta thật ra đã thay đổi ngôn ngữ truyền dạy cho con cháu về Đức Phật Di Lặc, đó là “xuân vị quê hương” trở về với cội nguồn của gia đình, của ông bà, của gia tiên, của cửu huyền. Trở về với cửu huyền, với gia tiên, với ông bà, với cội nguồn tức là trở về theo tinh thần của Phật giáo, với tự tánh Phật. Mùa xuân tự tánh Phật khai nở tưng bừng đẹp lắm, đó là tinh thần của Phật Di Lặc, ta phải biết cười như Ngài Di Lặc, bụng ta phải bự ra, bao trùm tận hư không, dung nhiếp vạn sự khó lường tới với chúng ta. Dù bất cứ chuyện gì xảy ra nhất định phải biết mỉm cười thật tự tại, an nhiên trong Chánh Niệm. Nhất định phải luôn ghi nhớ Đức Phật Di Lặc, ta đã thể nhập Ngài vào tự tánh riêng và sống thật riêng biệt với nụ cười biết buông xả, biết yêu thương, biết khoan dung, biết tha thứ.

Truyền thống của Việt Nam trong mùa xuân là trở về với cội nguồn ấy thì truyền thống mà Đức Phật dạy cho chúng ta: mỗi một ngày là một mùa xuân Di Lặc, mỗi một khắc là một nụ cười tươi, sống được như vậy thì tuyệt vời vô cùng. Năm mới này, các bạn đang chờ đợi gì? Mùa xuân tới gặp gỡ nhau, trao cho nhau một bao lì xì tượng trưng cho văn hóa cổ truyền của cái Tết và chúc cho nhau muôn sự lành tới. Đức Phật đã phó chúc Đức Di Lặc tới với mọi người chúng ta và Đức Phật Di Lặc không có phải phá vỡ truyền thống lì xì đâu. Đức Phật Di Lặc đã lì xì cho chúng ta một nụ cười tươi như xuân, đẹp như xuân, hương vị đậm đà nét quê hương Việt của chúng ta. Chúng ta tới cửa Phật, cửa thiền môn, chúng ta thấy Đức Phật Di Lặc thường là ở trước cửa chánh điện. Vừa tới chùa thì Ngài Di Lặc đã hoan hỉ đón mời ta và lì xì ngay cho chúng ta nụ cười tầm xuân vi tiếu nhẹ nhàng. Mà chúng ta mấy ai đón nhận cái bao lì xì của Phật Di Lặc đâu, ta đã vội vàng vào trong chùa, quỳ xuống lạy ầm ầm rồi than, rồi thở, rồi khóc, rồi sầu, rồi bi, rồi lụy, rồi kể lể. Tới ngay cửa chùa đã được Ngài Di Lặc tặng nụ cười rồi, nụ cười xuân vi tiếu đẹp thế mà vô trong chùa thì ảo não. Không hay! Không hay! Đã bao nhiêu năm trời khi xuân về, đã bao nhiêu lần chúng ta tới chùa, ai đã thật sự nhận ra cái giá trị của cái bao lì xì chính là nụ cười Phật Di Lặc tặng cho chúng ta đâu? Chúng ta cứ đi tìm những cái thứ gì không à. Mà tới chùa, Phật Di Lặc nói: “Này các bạn ơi! Đây ta lì xì cho nụ cười, hãy mang bao lì xì nụ cười vi tiếu này về và luôn luôn cười như ta thì vạn sự hanh thông, muôn sự kiết tường và bệnh tật sẽ tiêu trừ”. Nụ cười của Ngài Di Lặc sẽ làm cho bệnh tật, làm cho phiền não, làm cho đau khổ, làm cho những sự xui xẻo tai họa đều phải nhường bước tránh xa. Thế mà có ai đón nhận nụ cười vi tiếu của Ngài Di Lặc khi Ngài lì xì cho chúng ta? Không phải chỉ có mùa xuân, mỗi lần các bạn tới chùa gặp Phật Di Lặc là chúng ta phải thành kính đón nhận bao lì xì ấy, nhất định các bạn sẽ tươi vui trong từng giây phút của cuộc sống.

Chánh Niệm hơi thở, hít vào miệng cười nhẹ nhàng với mật chú Mu A Mu Sa là chúng ta đã lãnh nhận cái bao lì xì của Đức Phật Di Lặc. Chẳng chờ tới Hội Long Hoa để đón mời giáo chủ Di Lặc xuống đâu, Đức Phật Di Lặc là người bạn thân chí cốt, là tri kỷ đã tới rồi đó, đã tặng cho ta cái nụ cười đó. Hãy cười lên các bạn, cười lên để cho những giọt đắng nơi cung lệ mà ta đã nuốt sâu vào bên trong được một lần nữa khơi nguồn, tuôn ra như châu ngọc, để trong năm mới này, năm Nhâm Dần, không những chỉ nghĩ đến gia đình là ông bà, cha mẹ, người thân, mà ta còn nghĩ tới biết bao nhiêu những mảnh đời cô quạnh, bất hạnh, thiếu may mắn hơn chúng ta. Chúng ta hãy rải bước chân yêu thương và từ bi của mình, dấu chân an lạc theo Như Lai, mang cái nụ cười của Ngài Di Lặc mà lì xì cho muôn người, để cho cõi nhân thế sự khổ đau tan biến dần, để cho lòng người sự u uất, sầu não, sự đau khổ cũng chẳng còn, chẳng còn ở nơi đây.

“Xuân vị quê hương”, nhớ đấy, ngày đầu xuân ta mang bánh chưng, bánh tét, bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, bánh tét tròn tượng trưng cho trời, thì tâm của chúng ta phải vuông cạnh thật rõ, bốn bề thẳng ngay để nhìn thấu được bốn cái vấn đề chân thật trong cuộc sống. Đó là tinh thần của Tứ Thánh Đế, bốn cái pháp lành mà Chư Phật dạy về Khổ, Tập, Diệt, Đạo, Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Và tâm ý của chúng ta phải tròn trĩnh, nhìn thấu được muôn sự ở đời dù sao cũng vậy đều dung nhiếp được tròn trĩnh như cái bụng của ngài Di Lặc. Các bạn nhất định nếu ở Việt Nam đã ăn bánh chưng hoặc bánh tét rồi, Bảo Thành chút nữa sẽ ăn. Ăn trong ngày đầu xuân khác ăn trước ngày xuân, cái hương vị của bánh tét bánh chưng trong ngày đầu xuân là hương vị vi diệu của Ngài Di Lặc. “Xuân vị quê hương” là xuân vị của Đức Phật Di Lặc đã giáng trần thực sự nơi mỗi con người của chúng ta. Đừng biến Ngài Di Lặc thành cái lời chúc sáo rỗng, mà mang cái tinh hoa vi diệu của Ngài ứng dụng vào đời sống để môi miệng biết cười thật tươi. Đừng để cho môi của chúng ta như bờ đê khô cằn nứt nẻ, đừng để cho biển trời mênh mông nơi đôi mắt của chúng ta cạn khô trong đau đớn. Ánh mắt của chúng ta phải là biển trời, phải là tinh tú diệu vợi, soi đường cho muôn người vượt qua cái bể ái hà để nếm được vị xuân yêu thương, xuân quê hương. Môi của chúng ta phải tươi như hoa đào, hoa mai, tươi như những loài hoa khoe sắc với cuộc đời, san sẻ tình yêu thương và bàn tay của chúng ta phải tràn đầy nhân ái, mở thật là rộng ôm ấp bao dung tất cả.

Đức Phật Di Lặc phải được đón vào trong đời sống của mỗi người và ta phải sống được với tinh thần của Đức Phật Di Lặc. Lúc đó, mỗi người chúng ta mới thật sự nếm được cái vị của chúa xuân mang tới nơi quê hương xứ sở của mình đang sinh sống. Người Việt Nam chúng ta ngàn xưa ông bà thường dạy con cháu phải nhớ về cội nguồn, thì Đức Phật cũng nhắc nhở chúng ta cội nguồn trong ngày xuân ta cần nhớ đó chính là Đức Phật Di Lặc. Mà Đức Phật Di Lặc là tượng trưng cho sự hoan hỷ, sự buông xả và tâm Từ Bi vô lượng, tình yêu thương cao vời, tình yêu thương diệu vời, chẳng chấp chẳng bám, chẳng vướng mắc. Tình yêu thương cao diệu đó tới từ cái trái tim biết thương yêu, biết nghĩ tới tất cả mọi người, mọi chúng sanh và phụng hiến cho tha nhân. Mùa xuân này, ngày đầu tiên sau khi Tết gia đình, sau khi cùng với ông bà cha mẹ và người thân ăn Tết, nếu như mỗi người chúng ta biết mang cái hương xuân, cái vị của mùa xuân quê hương tới những mảnh đời bất hạnh, trung tâm dưỡng lão, những trại mồ côi, những con người mà kém may mắn hơn chúng ta, mang nụ cười xuân này tới gửi cho họ một chút tịnh tài hoặc những vật dụng cần thiết cúng dường cho họ, tức là chúng ta đã mang Phật Di Lặc tới với mỗi một con người. Đừng thỉnh Phật vào trong tâm mà quên mang Phật nhập thế, truyền lại cho nhau xuân vị quê hương.

Phật giáo khi tới Việt Nam đã hòa quyện với cái tinh thần của dân tộc Việt, chẳng còn những cái ngôn ngữ huyền bí cao siêu mà đồng nhất thể với những ngôn ngữ dân dã miền quê. Nếu chúng ta thấm được cái đạo vị của thiền môn trong ngôn ngữ của người Việt thì thẩm thấu được tinh thần Phật đạo ở trong đó. “Xuân vị quê hương”, nhớ về cội nguồn là nhớ về tâm tánh thiện lương, nhớ về gia tiên là nhớ về Đức Phật và nhớ về nhau để tha thứ yêu thương, chúc Tết những lời tuyệt vời tức là nhớ đến Đức Phật Di Lặc. Nhưng ông bà ta quá khéo, phương tiện hóa chuyển ngữ Phật môn thành ngôn ngữ dân tộc. Cái ngôn ngữ dân tộc đó nó tràn đầy đạo vị của thiền môn, đẹp lắm. Chúng ta chẳng cần phải đào bới trong ngôn ngữ huyền bí cao siêu của một dân tộc, của một cuốn kinh nào hết, trở về với ngôn ngữ đời thường của ông bà truyền dạy, suy nghĩ một chút xíu thôi thì đã thấy trong ngôn ngữ bình dân của người Việt chúng ta, Phật ở trong đó. Ông bà của chúng ta, tổ tiên của chúng ta đã sống trong tinh thần của đạo Phật một cách hài hòa đến khó có thể suy nghĩ và bàn được. Trở về với lời dạy của Phật là trở về với tâm Từ Bi và Trí Tuệ, là trở về với nụ cười bao dung của Ngài Di Lặc. Nói đúng hơn “Xuân vị quê hương” là mỗi người chúng ta phải biết tới với Phật Di Lặc. Trong bao nhiêu năm, ngày tháng qua ta không biết, nhưng nhất định lần này ta tới, ta nói với Phật Di Lặc rằng: “Thưa Phật! Bây giờ con mới biết Ngài có một cái bao lì xì, lì xì cho con nụ cười vi tiếu để vượt khổ, thoát mê, để nếm được cái vị giải thoát và an vui, và bao dung tha thứ, và yêu thương. Thế vậy mà bao nhiêu năm qua con không biết, con cứ lướt qua, lướt qua, tới chùa con chẳng để ý Ngài. Nay nhận rõ rồi con xin lãnh nhận cái bao lì xì của Ngài để môi miệng của con biết cười, để mắt của con là biển trời yêu thương mênh mông vô tận, để nụ cười này như tinh tú diệu vợi trên cõi trời”. Đẹp lắm! Đẹp lắm!

Lì xì của Ngài Di Lặc các bạn không nhận mà còn chờ Long Hoa Giáo Chủ, đến cái Hội Long Hoa để đợi Phật Di Lặc, đó là một sự sai lầm. Thật ra Hội Long Hoa ở trong cõi lòng của mỗi một người nơi trần thế, biết đón nhận cái tinh thần Hỷ Xả và Từ Bi. Từ, Bi, Hỷ, Xả, tinh thần tứ đại tâm mà ngôi chùa nào cũng có bốn chữ, bốn chữ đạo màu siêu thế Từ, Bi, Hỷ, Xả. Chỉ có tôn tượng của Đức Phật Di Lặc mới nói thật rõ về tinh thần Từ, Bi, Hỷ, Xả. Bạn hãy trở lại chùa một lần nữa, đứng một cách trang nghiêm, quán chiếu tôn tượng của Phật Di Lặc, thấy được cái tướng hảo của Ngài đã được điêu khắc bởi nhân tướng học, cái nhìn của Việt Nam Á Đông chúng ta để thấy được và thể nhập vào tinh thần ấy, bạn nhất định thẩm thấu được tinh thần Phật tánh của Ngài Di Lặc, để chúng ta năm nay không những chỉ lãnh nhận bao lì xì nụ cười vi tiếu của Ngài mà còn mở ra tức là còn nở cái nụ cười liên tục mỗi nơi, mỗi lúc. Nụ cười Di Lặc cần phải có trên môi của chúng ta, ánh tinh tú của Trí Tuệ cần phải bừng sáng trong đôi mắt của chúng ta. Đừng để những giọt lệ cay đắng của cuộc đời nuốt sâu vào bên trong, rồi rỉ máu trong con tim. Đừng để cho bờ môi khô héo bởi sự cay đắng, sầu bi, ai oán. Cười tươi như Phật Di Lặc đi, ánh mắt sáng như tinh tú ở trên trời, đời của bạn sẽ bớt khổ, bớt phiền, bớt não và dĩ nhiên cuộc sống của bạn sẽ dư giả phước báu mà thôi. Muốn thoát khổ, muốn hết phiền não, muốn tiêu tan bệnh tật, muốn giải tam tai đại nạn chẳng có gì khó, chỉ cần cười tươi như Phật Di Lặc, chỉ cần bao dung thâu nhiếp tất cả vạn pháp hư không vào trong cái tâm không có vướng mắc và chỉ cần nhìn thấu vạn pháp vô thường, tin sâu nhân quả. Đó chính là xuân vị Quê Hương, xuân vị Di Lặc, Phật Di Lặc đã tới với mỗi người chúng ta.

Hôm nay ngày mùng 1 Tết năm Nhâm Dần, hòa quyện vào với tinh thần của xuân vị quê hương, Bảo Thành kính chúc tất cả các bạn đồng tu. Chúc cho ông bà, cha mẹ của các bạn tăng long phước thọ, sống đời với con cháu. Chúc cho ông bà và cha mẹ của các bạn tăng trưởng được đạo hạnh để nơi các đấng ấy là kho tàng vô giá cho con cháu, là chúng ta có thể trở về để đón nhận những phẩm vật cao quý qua công hạnh tu của các Ngài. Chúc cho các bạn có cái sức khỏe, có độ bền của tuổi trẻ, có sự tươi vui và luôn luôn biết dấn thân phụng hiến cho tha nhân. Chúc cho người người, nhà nhà, mọi người nhà nhà luôn luôn có cái nụ cười của Ngài Di Lặc, ánh mắt của chúng ta luôn sáng như tinh tú để mỗi một cuộc đời của chúng ta trong năm mới này, để mỗi một tạo tác, mọi cái sự suy nghĩ, mọi hành vi của chúng ta đều là ánh sáng của chân tâm thiện lành, đều là dấu ấn của sự an lạc rải tới muôn nơi. Và đặc biệt chúc cho các bạn luôn tinh tấn đồng tu với Bảo Thành, dù muôn sự có đổi thay, dù thế giới có vần xoay như thế nào thì chúng ta nhất định phải nhớ lời của Phật, lời của sư tổ dạy cho chúng ta là lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương.

Chúc mừng năm mới!

Mời các bạn đặt bàn tay phải, bàn tay của Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái bàn tay của Từ Bi vào với nhau.

Thưa Phật! Ngày mùng 1 Tết, chúng con đồng tu với nhau để thành kính đón nhận bao lì xì của Đức Phật Di Lặc, biết nở nụ cười thật tươi, biết nhìn thấu vạn pháp Vô Thường và biết yêu thương, san sẻ, phụng hiến cho tha nhân. Chúng con nguyện đồng nếm cái xuân vị quê hương qua Đức Phật Di Lặc thể nhập vào cuộc sống của chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Ngày mùng 1 đầu năm, chúng con đồng tu với nhau để đón nhận bao lì xì của Đức Phật Di Lặc. Nếu tạo được chút phước báu nào, chúng con nguyện hồi hướng và lì xì cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts