Search

Bài 2227. Dung Dưỡng Cái Tôi | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tuệ Uyên đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi! Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.

Hôm nay ngày mùng 02 Tết năm 2022 Nhâm Dần, chúng con đồng tu với nhau, ngưỡng nguyện lên ba ngôi Tam Bảo ban rải tràn đầy hồng phúc, năng lượng yêu thương, thắp sáng trí tuệ cho mọi chúng sanh. Và nguyện cho mọi chúng sanh nương vào lòng từ ân của chư Phật, biết sống một đời sống Chánh Niệm quán chiếu, nhìn rõ và hiểu thấu các pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã. Xin chư Phật tác đại chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!

Chúng ta hãy cùng nhau nhớ lời Đức Phật dạy, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng giây phút hít vào và thở ra trong Chánh Niệm, thân tâm của mỗi người chúng ta sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng siêu thế, tha lực Phật điển của chư Phật để thanh lọc, tịnh hoá và chuyển hướng nghiệp chướng của cuộc đời. Mùng 02 Tết, đón nhận năng lượng và nghĩ tới ông bà, cha mẹ, gia đình, người thân, cộng đồng, xã hội, nguyện cho muôn người trong giây phút linh thiêng nhiệm mầu này, đều gắn kết với chúng ta, thể nhập vào tự tánh và được nuôi dưỡng trong năm mới bằng ân điển Từ Bi của mười phương Bồ Tát, Thánh Hiền, đặc biệt luôn có chư Phật hiện diện trong cuộc đời.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:00) Mô Phật! Các bạn thân mến! Hôm nay ngày mùng 02, truyền thống vẫn ưu đãi người Việt Nam, bao nhiêu cái khổ của năm qua dù có khó khăn như thế nào, thì những ngày Tết này, truyền thống của Việt Nam là phải chơi cho cháy mùng luôn. Độ chịu chơi của người Việt Nam thật lớn. Nhìn vào cái Tết thôi, thế giới sẽ phải khâm phục và trầm trồ khen ngợi. Dù hàng bao ngàn năm trôi qua, chiến tranh và biết bao nhiêu những sự càn quét của thiên tai bão lụt, tai ách, dịch bệnh nhưng khi Tết tới, chúng ta bung ra, tỏa ra muôn nơi như những cánh én mang xuân tới với mọi người. Vậy nên trên thế giới, khi am hiểu về truyền thống của người Việt, ai cũng cảm thấy thích thú vì người Việt đã độ cho cuộc chơi ở nơi đời này luôn luôn được vui dẫu vẫn biết đó chỉ là cuộc chơi, nhưng đã chơi, ta phải chơi cho hết mùng. Đó là ý nghĩa của mùa xuân truyền thống nhiều năm!

Trong Thiền Mật Song Tu, chúng ta trì mật ngôn Mu A Mu Sa. Mu A Mu Sa có nghĩa là quán chiếu tâm từ bi hay còn gọi là từ bi quán. Mu A Mu Sa là từ bi quán – pháp môn vi diệu mà nếu như các bạn từng tụng niệm phẩm Phổ Môn trong những nghi thức cầu an ở chùa hay ở nhà, chắc chắn các bạn đã nghe qua dòng chữ “từ bi quán”. Đức mẹ hiền Quan Thế Âm, hoá thân của Ngài ở khắp mọi nơi, mọi chốn, dưới mọi hình thức phù hợp với chúng sanh, với mọi người, mọi căn cơ, để mẹ hiền Quan Âm có thể đồng hành trong từng giây phút của cuộc đời của mỗi chúng sanh, dắt dìu, dạy dỗ, che chở để vượt qua tăm tối của cuộc đời. Làm sao mẹ hiền Quan Âm có thể làm được điều đó? Bởi vì Ngài đã thành tựu được từ bi quán – một phép thiền phương tiện vi diệu nhưng có năng lượng siêu thế xuất phàm rất đặc biệt, các bạn! Mọi sự thống khổ của loài người, của chúng sanh đều được chuyển hoá hết bởi lòng bao dung yêu thương của mẹ hiền Quan Âm. Ngài thành tựu được từ bi quán nên chúng sanh đã hết khổ nếu như có căn duyên, có niềm tin sâu vào mẹ. Mỗi người chúng ta tu tập Thiền Mật Song Tu khi thiền từ bi quán chiếu tâm từ bi, với trái tim của mẹ hiền Quan Thế Âm, để chúng ta được liên thông đón nhận năng lượng siêu thế từ bi của mẹ, từ đó khơi dậy lòng từ bi vốn có nơi chúng ta. Ngay trong cuộc đời trầm luân đau khổ này, chúng ta sẽ bình an nếu chúng ta biết thẩm nhập vào Mu A Mu Sa.

Các bạn! Mu A Mu Sa nói một cách khác nhẹ nhàng dễ hiểu là giếng nước tràn đầy nước từ bi, chỉ cần chúng ta tới với giếng nước Mu A Mu Sa trong mùa xuân này, trong mỗi ngày, trong mỗi giây, để múc nước từ bi ân điển tha lực của mẹ hiền Quan Âm uống vào hoặc sử dụng vào trong mọi sinh hoạt của cuộc sống, ta sẽ được thanh sạch, sạch sẽ hết mọi nghiệp chướng, và trong lòng của mỗi người chúng ta sẽ luôn luôn thơi thới, rộng lớn và bao dung để biết thương yêu hết thảy mà không mảy may dính mắc, chấp trược vào những mảnh vụn của cảm xúc riêng tư. Mu A Mu Sa rất đặc biệt, giếng nước của từ bi, chúng ta tu tập đã hai năm rồi, nhất định mỗi người không ít thì nhiều cũng đã uống được nước cam lồ tịnh thuỷ từ giếng nước Mu A Mu Sa!

Còn đối với mật ngôn thứ hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang ý nghĩa là quán trí tuệ. Quán trí tuệ để thấy rõ vô thường, khổ và vô ngã. Quán trí tuệ cũng nằm trong phẩm Phổ Môn, nói rõ lắm! Phật tử tại gia, hầu hết Phật tử chúng ta, ai ai cũng đã từng một lần tụng qua phẩm Phổ Môn, có lẽ ít để ý bởi chỉ tụng lướt qua như là để cầu an chứ không nhớ về kinh, các bạn nên đọc lại/ tụng Phổ Môn sẽ thấy chữ “từ bi – trí tuệ quán”. Gộp lại như vậy, từ bi – trí tuệ quán! Phật tử chúng ta nếu biết từ bi – trí tuệ quán, nếu biết tu luyện quán chiếu tâm từ bi và trí tuệ thì không có cái khổ gì mà ta không chuyển được. Bởi trong đời của chúng ta, trong cuộc sống của chúng ta, luôn có mẹ – mẹ Quan Thế Âm!

Bảo Thành nhắc lại để chúng ta ngày mùng 02 Tết nhớ được cái cốt lõi của Thiền Mật Song Tu và một lần nữa nhắc nhở mình rằng Mu A Mu Sa là giếng nước từ bi, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là mặt trời trí tuệ, khát thì múc nước từ bi mà uống, lạc lõng, không biết đường về thì thắp sáng mặt trời trí tuệ mà đi. Hai pháp thiền này song song với nhau, đời sẽ thêm hạnh phúc và tăng trưởng phước báu, bớt đi phiền não đau khổ và chẳng còn mấy nghiệp chướng!

Chủ đề hôm nay: “Dung Dưỡng Cái Tôi”, hầu hết mọi người chúng ta, Bảo Thành và các bạn không để ý, nhưng thực ra Bảo Thành và các bạn mỗi một ngày thường luôn dung dưỡng cái tôi của mình. Nhưng không hay, không để ý, không biết, cho nên cái tôi của chúng ta cứ như vậy mỗi ngày lớn dần và hầu hết chúng ta sống vì chính cái tôi của mình! Nhìn lại đôi chút trong cuộc sống khi có thời gian, Bảo Thành thấy xấu hổ bởi vì những việc làm hằng ngày hầu hết là chỉ dung dưỡng cái tôi của mình, bảo vệ cái tôi của chính mình, ca tụng cái tôi của chính mình, nhưng không có biết, không có hay. Nó được cài đặt một cách tinh tế, một cách siêu vi rồi, cho nên ta cứ lần lượt như cái máy chạy theo và không bao giờ suy nghĩ, quán chiếu cho rõ ta mới thấy: “À, hóa ra ta dung dưỡng cái tôi quá nhiều!”.

Ngày mùng 02 Tết, Bảo Thành và các bạn cùng nhìn lại thử lời của Đức Phật dạy cho chúng ta như thế nào, để nhận ra bấy lâu nay chúng ta đã dung dưỡng cái tôi quá nhiều! Các bạn nên nhớ, Đức Phật là bậc thầy, Ngài giác ngộ rồi, Ngài hiểu thấu cõi lòng của chúng sanh, Ngài hiểu thấu tâm tư nguyện vọng của mỗi người chúng ta, Ngài biết được những cảm xúc, những suy nghĩ của tất cả. Từ đó mà các bài dạy của Ngài hầu hết trong suốt cuộc đời hiện thân trên cõi trần là để đánh thức và chỉ thật rõ để chúng ta cũng nên Phật, thành Phật mà nhận ra những điều Ngài dạy, thực hành đúng những điều Ngài dạy, ta sẽ thành Phật, ta sẽ thành Phật thật rõ.

Vậy thì Bảo Thành và các bạn dung dưỡng cái tôi của chính mình như thế nào? Các bạn! Ở cuộc đời khi chúng ta được khen, khi Bảo Thành và các bạn được người ta khen, nếu có thước đo mà đo cái mũi của mình nó sẽ phình ra như trái cà chua. Đó chỉ là hình ảnh nói rằng khi được khen, mũi nó phình ra, sướng, sướng ngây sướng ngất. Được khen mà, mỗi khi ai khen Bảo Thành, Bảo Thành sung sướng lắm! Mà lúc đó quên hết trời đất rồi, nên không biết cái mũi nó bự cỡ nào, không biết câu nói đó đúng hay không, khen thì cái mũi phình ra đúng hay không không biết, nhưng chắc có lẽ khi khen cái mũi cũng to thêm một chút!

Các bạn và Bảo Thành được khen, mình sung sướng! Thậm chí mà khi được khen, mình còn nhảy cà tưng cà tưng như con ma cà rồng. Khen, thích lắm, bám vào đó, níu giữ nó, đắm mình trong cái sự khen, để rồi lòng khiêm tốn nó biến mất! Nhất định những ngày Tết này, người ta sẽ khen mình dữ lắm, không biết mình như thế nào, tả tơi ra sao, gặp nhau thì khen trước cái đã. Và nếu không có lòng khiêm tốn nhận ra sự khen đó là những điều giữ cho chúng ta vui trước để bớt khổ hoặc là khiêm tốn chút, lãnh nhận lời khen bằng tâm chân thật thì cái sướng đó tồn tại lâu hơn. Nhưng ta quên, ta nhảy ngay vào và cái đầu nó thì thầm: “Ôi, mình xứng đáng được lời khen đó, bởi vì mình tốt, mình làm được chuyện này chuyện kia người ta khen mà, là phải rồi!”, thậm chí trong tâm còn nói: “Anh chị khen tôi là đúng đó!”. Nhưng các bạn biết không? Khi người ta chê, mình buồn, buồn thui thủi lủi vào trong lòng, buồn thui thủi lủi đi mất, buồn thui thủi lủi vào những cuộc hành hạ thân xác, chơi bời trác táng. Buồn lắm! Rồi làm sao? Chúng ta tìm đủ mọi phương cách dối người dối mình để được người khác khen, tìm đủ mọi thứ để tự khen mình như câu trong dân gian nói: “Mèo khen mèo dài đuôi”, ta dùng thủ đoạn để người khen, ta dùng thủ đoạn tự khen mình. Nhìn kỹ, khi khen ta sướng, khi chê ta buồn, dùng thủ đoạn để được khen, dùng thủ đoạn để gièm pha, chê bai, đạp người ta xuống nhưng nâng mình lên để được khen, đó chính là hình thức mà Phật dạy rằng chúng ta – Bảo Thành và các bạn đang dung dưỡng, đang nuôi dưỡng cái tôi của mình!

Nó tế nhị đến mức mà Bảo Thành và các bạn nghe qua thấy giật mình. Bởi đâu ngờ chỉ trong sự khen chê thôi, Bảo Thành và các bạn đã bị dính vào một tật cố nguy hại là đang dung dưỡng cái tôi, cái tôi nó sẽ nuôi dưỡng bản ngã. Mà trong pháp quán thứ hai mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, ta đang dùng trí tuệ để quán chiếu nhận rõ tinh thần vô ngã. Nhưng thực chất, nếu ta không nhận ra ta đang nuôi bản ngã, cái tôi của mình, đang trưởng dưỡng nó qua lời khen tiếng chê ở đời, thì làm sao có thể thấu mà buông xả?! Điều này Bảo Thành nói tới, chắc chắn các bạn và Bảo Thành đều dính ở trong sự dung dưỡng cái tôi qua lời khen tiếng chê!

Đã bao nhiêu lần các bạn bị người ta chê, đau khổ đến cỡ nào, rồi dùng đủ mọi thủ đoạn hết, để người ta khen. Và đã bao nhiêu lần người ta khen, ôi chu cha, các bạn biết mà, cái cảm giác đó như thế nào! Chưa đâu, cuộc đời có những lúc ta sướng lắm, bởi ta có nhà, bởi ta có xe, bởi ta có đồ ăn, bởi ta có đầy đủ những phương tiện sinh sống, ta sướng. Ta được người ta chào hỏi, được người ta kính trọng, ta sung sướng. Ta được người ta ưu đãi, ta sung sướng. Sướng mà, sướng thì sướng, ai trong chúng ta cứ sướng thôi! Nhưng khi chúng ta khổ thì mặt mày ủ rũ. Ôi cha, ở đời sao lạ kỳ?! Khen chê đã là dưỡng cái tôi rồi, nuôi cái tôi rồi, còn khi sướng, chúng ta coi thường những người khổ, những người nghèo, và khi chúng ta khổ, thì chúng ta than, chúng ta trách, tìm đủ mọi cách để sướng trở lại, tìm đủ mọi thủ đoạn để được sướng, để được có, thậm chí chà đạp, cướp bóc, lừa gạt, chiếm đoạt để được sướng trở lại. Bảo Thành và các bạn nhất định đã nếm được mùi vị sung sướng của cuộc đời và cũng tràn đầy cái dư vị của sự khổ. Và khi chúng ta dùng mọi thủ đoạn như vậy để sung sướng trở lại, thì chính là ta đang dung dưỡng cái tôi!

Bảo Thành đang nói về bát phong suy – tám luồng gió chướng, cặp thứ nhất là khen – chê, cặp thứ hai là sướng và khổ. Lời Phật dạy trong bát phong suy – tám luồng gió chướng, nếu chúng ta tinh tế tu tập nhận ra, ta sẽ loại trừ được tánh dung dưỡng cái tôi, tịnh hóa thân tâm để tận hưởng sự an lạc, còn nếu không, thì Bảo Thành, các bạn chỉ biết dưỡng cái tôi của mình, chăm sóc cho cái tôi tự làm khổ mình.

Bạn tới nhà nào trong dịp Tết này được đãi một cái bánh chưng thật ngon, ôi cha ăn món bánh chưng truyền thống dân tộc rồi được thưởng lãm những món uống, đã, phê, sướng lắm! Nhưng nếu các bạn tới một nhà nào trong mùng 02 chúc Tết, người ta đãi khoai mì, có cốc nước lạnh hứng dưới trời mưa, các bạn sẽ thấy được cảm giác của mình ngay, so sánh tại chỗ và cái tôi nó chình ình ra. Và mỗi bước chân đi chúc Tết lại ngắc ngoải với điều mơ ước tới nhà đó, mong rằng họ tiếp mình bánh chưng bánh tét, đồ ăn đồ uống, thích nhậu cho say. Và dĩ nhiên trong đầu sẽ loại bỏ những thứ rất tầm thường của cuộc đời. Sướng – khổ làm cho tâm người ta loạn, tâm tánh loạn hết. Và khi rơi vào cái khổ, so sánh với cái sướng của quá khứ, chúng ta thường, có nghĩa Bảo Thành và các bạn thường chân tay nhúng chàm hết, thủ đoạn để tái tạo lại sự sung sướng cho chính mình. Mà trong những cái thủ đoạn đó, tay chân nhúng chàm, làm khổ người khác mà chẳng hay. Bởi khi sung sướng, mấy ai chúng ta, có mắt thương nhìn đời, đoái thương đến những mảnh đời bất hạnh đâu? Ta phung phí, ta xài hoang, không tiếc và cũng chẳng bao giờ nhìn tới những mảnh đời bất hạnh, cô quạnh, tật nguyền, bệnh hoạn, ốm đau, già nua, cô đơn bên lề đường, bên hè phố, trong các trung tâm. Ta ăn uống xả giàn phung phí, quăng bừa quăng bãi, tối ngày thâu đêm. Khi khổ, những thứ đó mất rồi! Lên voi xuống chó mà, buồn lắm, không còn, buồn, và thế ta tìm đủ mọi thủ đoạn, Bảo Thành và các bạn có! Những hành động nào để lập lại sự sung sướng khi khổ đều là những thủ đoạn thôi! Lúc đó nếu nghĩ về lời Phật, ta hiểu thấu ta đang dung dưỡng cái tôi, bản ngã, tổn phước, tạo nghiệp, sẽ khổ thêm!

Đó là hai cặp rồi! Bát phong suy là nói đến những phương thức nhận diện ra tâm tánh của chúng ta, để chúng ta ngăn ngừa, phá vỡ cái tôi (một phần trong đó), để dừng dung dưỡng cái tôi. Còn khi nói đến nhục – vinh, khi ta chiến thắng, ngực của ta phình ra, ta vỗ ngực xưng tên: “Ta là người thắng!”, ta nâng tầm cái tôi lên cao ngất, “Ta là anh hùng, ta là người hùng! Về làng, về xóm, về thôn, về thành thị, về quốc gia, về nơi ăn chốn ở, thành công mà, người ta phải khen tôi!”. Khi thành công ta muốn như vậy, thành công ta muốn được vinh hoa ở nơi đất tổ quê hương. Cho nên khi người thành công thường về làng, về xóm vỗ ngực inh ỏi hết, rồi tiệc tùng linh đình thể hiện sự vinh hoa thành công của mình. Lúc đó đi giày không cần cao gót đâu, mà mặt thì ngẩng lên tới trời. Bảo Thành, các bạn hay dính vào cái tật này. Nhục – vinh mà, khi vinh quang chiến thắng như vậy đó, còn khi bị người ta hạ bệ, bị nhục, bị thất bại, bị tổn thất, đau khổ tràn trề. Rồi cũng lại dùng thủ đoạn để đưa tới sự vinh hoa phú quý, cướp bóc, lừa gạt, chiếm đoạt, vay không trả, mượn không trả, của người cướp hết đưa về nhà, giết người cướp của. Có!

Những người bị thất bại, bị mất mát hoặc chẳng có gì ngày nay chúng ta nhìn thấy có, họ cướp bóc nhiều lắm! Đất của người ta, đất hương quả của người ta cũng cướp, gia tài của người ta cũng ăn cướp. Thậm chí có những con người nghèo lắm, chỉ có cái áo che thân cũng tìm cách lừa gạt. Cuộc sống bây giờ tràn đầy sự lừa đối, gạt gẫm lẫn nhau. Gạt từ miếng ăn manh áo, gạt tình, gạt tiền, gạt công danh, gạt sự nghiệp, gạt bằng cấp, gạt chiến tích để mong đạt được sự vinh hoa, để mong được người ta khen, người ta tặng. Những hành động đó đều dung dưỡng bản ngã, cái tôi!

Đi tới đâu mà khổ một chút xíu, ăn uống khổ, ở cái gì gọi là khổ thì than trời đất, trách móc, nói xiên nói xẹo, đâm chỗ này thọc chỗ kia, rồi tự nâng mình lên để người ta khen, chê bai người ta dữ dội lắm, bởi nghĩ rằng mình là người đã thành công, đã chiến thắng, đã thành tựu. Ở trong Phật pháp cũng vậy, có những người tu tưởng là mình đã thành tựu chứng đắc, đi đâu cũng muốn người khác khen, mà lỡ người ta chỉ lỗi của mình chưa chứng đắc đâu, thì buồn rười rượi, tìm đủ mọi cách hạ bệ người ta xuống. Đó là dung dưỡng cái tôi! Đó là cặp thứ ba các bạn, mà Bảo Thành đã đi qua: khen – chê, sướng – khổ, nhục – vinh. Ba cặp này nhìn cho kỹ, phân tích cho tận tường, toàn là những thủ đoạn để dung dưỡng cái tôi của mình, nâng cao bản ngã thôi!

Các bạn thấy không? Khen – chê, sướng – khổ, nhục – vinh, nay tới cặp cuối cùng là được và mất. Khi chúng ta được một điều gì, ui cha, không ai mà không biết! Ngày nay nếu được một cái gì thì cả thế giới phải rung động hết, bởi vì được rồi là phóng hỏa tiễn lên trên Facebook, trên mạng, trên phone (điện thoại), trên đài… Ngày xưa nếu được cái gì thì cũng chỉ mình biết thôi, ngày nay mà được rồi, thế giới đều rung động hết. Nhưng mất rồi, mất tiền, mất tình, mất công danh sự nghiệp, mất nhà, mất cửa, nhiều thứ lắm, mất mạng nữa đó các bạn. Khi được, ta không nghĩ đến cái giá trị tại sao được, nhưng khi mất, Bảo Thành, các bạn cũng lại lâm vào cái thủ đoạn để có cho bằng được. Ta mất tình, ta phải dùng thủ đoạn để có được tình. Vậy nên trong cuộc đời, chiếm đoạt tình yêu của người khác, phá rối gia can của người khác là chuyện thường như thay áo. Ta mất tiền, khi có tiền ta chẳng nghĩ tới, nhưng khi mất tiền rồi, thì thôi chết, trên đời này xong, ta tìm đủ mọi thủ đoạn để được tiền, để có tiền.

Được – mất là một trong những đầu mối gọi là chợ đầu mối để tạo ra những nguyên nhân cắm đầu vào nuôi dưỡng cái tôi, dung dưỡng cái tôi. Được người ta đối đãi tử tế thì chễm chệ ngồi như ông vua, mà mất đi sự đối đãi tử tế thì chửi ngay. Có những người lạ kỳ, sao thấy lạ kỳ, tới đâu, gặp ai, sự việc gì mà không được như ý muốn là thôi, xong rồi, chỉ trích, chê bai, gièm pha, đâm thọt, hạ bệ, đấu đá, nói toàn là những chuyện đâu không thôi! Được – mất đó, không được người ta đối xử như ý, không được như ý mong muốn. Và nếu được như ý mong muốn, thì vỗ ngực: “Ta là người phải như vậy! Người ta phải đối xử…, người ta phải đối xử…!”. Chúng ta luôn luôn nuôi dưỡng cái tôi bởi đi tới đâu cũng nghĩ rằng: “Người ta phải đối xử như vậy!”. Và khi người ta không đối xử như vậy, không được đối xử như vậy, mất đi sự đối xử như ta nghĩ, ta buồn lắm! Đi đâu cũng than trách, nói rằng bao nhiêu năm trời ăn mày ăn xin, tìm chỗ này, tìm chỗ kia mà không thấy chỗ nào được. Bởi vì các bạn và Bảo Thành chỉ đi tìm cái chỗ được dung dưỡng theo ý muốn, nên khi mất sự đối xử theo như ý muốn, ta khổ, ta dùng thủ đoạn nâng mình lên để người ta cho mình, tặng mình, biếu mình.

Được và mất cũng là một cặp trong bát phong suy – tám luồng gió chướng, tám sự trở ngại, mà nhìn kỹ hầu hết, bốn cặp này nói về tám thứ: khen – chê, sướng – khổ, nhục – vinh, được – mất là Phật dạy cho chúng ta rất tỉ mỉ để thấy rằng trong tám cảm giác như thế, cảm xúc như thế, cảm thọ như thế, chúng ta thường dễ rơi vào cái thủ đoạn, tìm đủ mọi cách dung dưỡng bản ngã, cái tôi. Mà hầu hết trong khen – chê, trong sướng – khổ, trong nhục – vinh, trong được – mất, Bảo Thành và các bạn đều đã từng trải qua. Có các bạn tuổi còn trẻ lắm, nhưng nhất định đã trải qua rồi, ai cũng phải trải qua! Mà nếu trải qua như vậy để thành người thì tuyệt vời, nhưng khi trải qua, chúng ta không thành người mà chúng ta đánh mất chính mình!

Ngẫm! Mùng 02 ngẫm lại, thấy tội lỗi nhiều quá! Mùng 02 mà sao nói chi tội lỗi?! Con đường đi học Phật để giải thoát là phải nhìn rõ! “Tích phước như tích điền” tức là phước báu cần phải nuôi dưỡng như là góp đất vào, điền là đất, mà điền đây là phước điền nha các bạn, chứ không phải như những tay đại gia buôn bán nhà đất, cướp đoạt của người khác hoặc là điền chủ ngày xưa nghe các bạn! Phước mới điền gọi là phước điền tại tâm, mình tu mình tích phước ở trong cái ruộng, ruộng tâm. Ngôn ngữ thôi, chơi ngược chơi xuôi chút vậy mà! “Dung dưỡng cái tôi” là phải nhìn rõ tám góc cạnh của chướng ngại thường xảy ra trong cuộc đời: khen – chê, sướng – khổ, nhục – vinh, được – mất. Nhìn kỹ ta thấy cuộc đời này, mỗi người chúng ta nghiêng ngả hết, sa ngã tội lỗi nhiều, tạo nghiệp nhiều, bởi cứ nuôi dưỡng cái tôi thôi, cái tự ái! Tự ái và cái tôi nó đi kèm với nhau dữ lắm! Để rồi nó biến chúng ta thành một con người toàn là chê bai, gièm pha, đâm thọc, hạ bệ người khác thôi, và nâng mình lên tới đỉnh cao của trí tuệ mù lòa trong lầm chấp. Gièm pha, hạ bệ, chiêu trò, thủ đoạn để tự nâng mình lên, ca ngợi cái tôi của mình lên tầng cao trí tuệ trong mù lòa và lầm chấp!

Dung dưỡng cái tôi là có thật! Nhiều kiếp rồi, nhiều ngày, nhiều năm, Bảo Thành và các bạn dính vào, không biết gỡ không được đâu, vậy sao mà tu? Rất may nếu các bạn có nhân duyên cùng với Bảo Thành đồng tu mỗi ngày! Bởi vì núi nghiệp của chúng ta tích trữ, chúng ta kết nó lại, nó lớn quá rồi, mà không tu mỗi ngày, làm sao có thể bào mòn nó được các bạn? Nhất định phải tu mỗi ngày! Hôm nay mùng 02 Tết, nhiều bạn vui, chắc có lẽ quên tu. Chúng ta không quên được các bạn ơi, 365 ngày một năm, bao nhiêu năm rồi, ăn chơi thoải mái rồi, cái gì cũng không thể thiếu, nhưng ngày nay thiếu tu là không được các bạn! Nghiệp nhiều quá! Nếu nghiệp không nhiều thì đâu có cộng nghiệp để đại dịch tràn lan trên thế giới. Các bạn và Bảo Thành nghiệp nhiều lắm! Thế giới này nghiệp nhiều lắm, cộng nghiệp rồi! Cho nên mỗi người phải ý thức tu để chuyển nghiệp của tự thân, hồi hướng đóng góp cho nghiệp chướng của thế giới giảm dần mà tai ương, dịch bệnh mới hết được.

Các bạn đừng quên tu tập hằng ngày. Ta cần phải tu, ta cần phải nương vào hùng lực của trí tuệ – từ bi quán – pháp phương tiện vi diệu của mẹ hiền Quan Thế Âm, để nhận thật rõ, quán chiếu thật rõ bấy lâu nay, Bảo Thành và các bạn đã dung dưỡng cái tôi của mình. Dung dưỡng đến mức ta giả dối với chính mình, lúc nào cũng nói rằng: “Ôi, tôi đi tìm chỗ nghèo, ta đi tìm chỗ khổ để chúng ta sống…” nhưng khi chúng ta đi tới chỗ nghèo, chỗ bị khổ, chúng ta chê bai. Bởi thực ra ta chẳng tìm chỗ nghèo, chỗ khổ để tới sống, để nương vào đó để tu thôi, ta tới đó để người ta ca tụng ta như đấng cứu thế, ta như đấng tới để giải phóng sự đau khổ, nghèo khổ cho người khác chứ đâu có nghĩ rằng dùng hạnh nguyện thiểu dục tri túc sống khiêm tốn, ẩn mình để tu đâu.

Ngày nay ta chẳng thể bỏ nhà, bỏ gia đình, vợ con, cha mẹ, ông bà, ẩn vào đâu đó để tu, nhưng ta phải ẩn vào năng lượng từ bi và trí tuệ. Đây chính là cái thất đó các bạn, cái thất trí tuệ và từ bi của Ngài Quan Âm đã xây dựng và hiến tặng cho chúng ta miễn phí toàn diện các bạn! Miễn phí toàn diện từ đời này qua đời sau, nếu các bạn có thể nhập thất vào trí tuệ và từ bi, thể nhập vào trí tuệ và từ bi, thẩm nhập vào trí tuệ và từ bi Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Bảo Thành và các bạn nhất định sẽ nhìn thật rõ sự lợi hại của bát phong suy – tám luồng gió chướng trong kinh Đức Phật dạy, thấy rõ từng cặp khen và chê, sướng và khổ, vinh và nhục, được và mất, thấy rõ được mình đã lụm cụm mò mẫm, chui vào trong đó để nâng tầm cái tôi, hạ bệ người khác. Ta đang dung dưỡng cái tôi của mình!

Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thể nhập vào trí tuệ quán chiếu rõ để nhận biết được vạn sự vô thường, quán chiếu vô thường, quán chiếu vô ngã, quán chiếu cái khổ trong mật ngôn thứ hai này, để tăng trưởng lòng từ bi Mu A Mu Sa, để biết làm việc thiện, biết phóng sanh, biết yêu thương, biết rộng mở, biết phụng hiến, biết vì tha nhân, biết san sẻ với những mảnh đời bất hạnh, biết bỏ đi cái tôi, cái tự ái, cái bị chạm vào tự ái, cái tôi.

Nhất định Bảo Thành và các bạn đã bị đau đớn quá trời khi người ta chê hoặc nói chạm đến tự ái, “tôi” đó, “tôi” rõ lắm đó. Rồi kể lể, rồi gọi phone người này, rồi đưa lên trên mạng gièm pha người kia, có hết! Bảo Thành tội lỗi nhiều, các bạn không thua gì Bảo Thành đâu, chúng ta cần phải trở về mật thất từ bi – trí tuệ của mật ngôn Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang!

Trí tuệ viên mãn nhất là trí tuệ có thể nhìn thấu được cái tôi và quán chiếu thông được tinh thần vô ngã. Trí tuệ viên mãn nhất là trí tuệ nhìn rõ được vạn pháp vô thường sanh diệt để hiểu được muôn sự khổ tới từ bản ngã của mình, từ chỗ không thấu được vô thường. Trí tuệ viên mãn nhất là trí tuệ nhìn rõ được tám điều chướng ngại trong khen – chê, trong sướng – khổ, trong nhục – vinh, trong được – mất, ta sẽ phá vỡ được cái tôi và ta sẽ nhận ra chân giá trị tuyệt vời của tinh thần vô ngã, và ta sẽ thấu hiểu được hoá ra bấy lâu nay, Bảo Thành và các bạn thực sự đã dung dưỡng cái tôi của mình quá nhiều, đã đến lúc đừng dung dưỡng cái tôi nữa, mà nuôi dưỡng trí tuệ và từ bi!

Các bạn! Xin hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Ngày mùng 02 Tết năm Nhâm Dần 2022, với chủ đề “Dung Dưỡng Cái Tôi”, chúng con phát nguyện thể nhập vào mật thất Trí Tuệ và Từ Bi của mẹ hiền Quan Âm quán chiếu thật rõ, để nhìn thấu bốn cặp trong lời dạy của Phật là Khen Chê, là Sướng Khổ, là Vinh Nhục, là Được Mất, nhìn thấu, nhìn rõ, nhận ra để không còn nuôi dưỡng bản ngã và cái tôi của mình nữa mà luôn luôn trưởng dưỡng đức hạnh bằng Trí Tuệ và Từ Bi quán pháp môn vi diệu của mẹ hiền Quan Thế Âm hướng dẫn cho chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts