Search

Bài 2186. Vay Mượn Hạnh Phúc | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Thu Hằng đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!

Hôm nay ngày thứ hai đầu tuần, Bảo Thành kính mời các bạn trong buổi đồng tu ngày hôm nay hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam bảo, thanh tịnh thân tâm của mình để bắt đầu đồng tu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thưa Phật! Chúng con thành kính nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở, tinh tấn thiền định Trí Tuệ và Từ Bi để nhận rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin Chư Phật gia trì cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch. Thành tâm nguyện xin Chư Phật luôn luôn gia độ cho chúng con được tinh tấn tu học, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc. Nguyện siêu cho chư vị hương linh nương theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Xin Chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái; tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Tịch tĩnh thân tâm, nhẹ nhàng hít thở, Chánh Niệm Từ Bi và Trí Tuệ, từng hơi thở vào ra, mật ngôn Từ Bi Mu A Mu Sa sẽ nối kết chúng ta với mười phương Chư Phật và đón nhận được năng lượng Từ Bi. Cũng trong hơi thở Chánh Niệm đó, mật ngôn Trí Tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang sẽ thắp sáng đuốc tuệ của chúng ta, để trong giây phút Chánh Niệm này, mỗi người chúng ta đều có thể nhìn rõ được thân tâm của mình và an trú trong sự thuần tịnh trong suốt của Phật tánh.

Chúng ta hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:26) Chào các bạn! Thứ hai, Bảo Thành hạnh phúc bởi vì chúng ta lại bắt đầu một tuần mới bằng sự đồng tu ngồi cùng với nhau ở những khung thời gian, quốc độ, hoàn cảnh, ngữ cảnh khác biệt nhưng đồng một cái tâm hướng về ba ngôi Tam Bảo, gắn kết chặt chẽ trong chánh niệm từ bi – trí tuệ để có một sự liên lạc mật thiết với Phật, với chư vị Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng và các bạn đồng tu với nhau. Không có một cái gì có thể làm cho chúng ta hạnh phúc được bằng sự đồng tu. Và trong sự đồng tu này dưới cái nhìn của người thế gian bận rộn trong công việc, có lẽ họ thấy chúng ta hơi ngộ ngộ. Không sao! Ngộ như Ngộ Không mà có thể đi thỉnh kinh được, thì tu mà thấy ngộ thì cũng có thể gặp được Phật mà!

Các bạn! Sự đồng tu rất tốt bởi chúng ta trong những ngày và trong mỗi ngày hiện tại, quá khứ và mãi mãi trong tương lai, sẽ luôn bận rộn với hàng trăm thứ khác nhau biến hiện trong cuộc đời; có thể nằm trong cái sổ bộ ta liệt kê việc phải làm mà cũng có thể chuyện trên trời rơi xuống, ta xía vào, nhảy vô, bận rộn quá trời, vậy mà chúng ta vẫn chọn lựa một khung thời gian phù hợp cùng nhau trong cái hoàn cảnh đại dịch này, tuy không gặp mặt nhưng có thể diện kiến nhau một cách trực tiếp qua mặt hình của cái phone thật nhỏ để đồng tu!

Các bạn ơi, sự đồng tu của chúng ta là một điều hạnh phúc nhất! Bởi chúng ta ngồi xuống, ngồi xuống với tâm khiêm tốn, lòng khiêm cung, hòa hợp vào từng hơi thở; Bảo Thành gọi là hơi thở thánh đức bởi hơi thở đó được thánh luyện bằng chánh niệm từ bi – trí tuệ, tăng trưởng công đức và phước báu. Tuyệt vời! Và đúng như vậy, dù chúng ta nối tiếp hay trực tiếp, hay gián tiếp, thì chúng ta cũng tiếp được năng lượng của Phật. Từng câu từng chữ Bảo Thành nói ra với lòng chân thành các bạn nghe và với tâm hành kính hướng về Phật, Bảo Thành và các bạn trong mật ngôn từ bi Mu A Mu Sa và mật ngôn trí tuệ để hiểu rõ được pháp vô thường, khổ, vô ngã NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, sẽ đưa chúng ta sống trong chánh niệm, sống trong thực tại, sống ngay chỗ này, tại đây và luôn luôn thấy rằng Phật ở trong ta.

Những ai cùng đồng tu với Bảo Thành với cái tâm như vậy, nhất định trong từng giây phút đồng tu, sẽ đón nhận được thật nhiều nguồn năng lượng siêu thế gọi là tha lực Phật điển đại từ đại bi – trí tuệ. Và năng lượng đó sẽ lan tỏa mãi trong từng giây phút đang sống. Và nếu ta có tâm hồi hướng nghĩ tới tất cả những người ta quen biết hoặc gặp được trong cuộc đời trần thế, phiêu bạt trong bể khổ này, nhất định những người đó cũng sẽ đón nhận được bởi cái tâm hồi hướng của chúng ta nguồn năng lượng vô thượng từ bi – trí tuệ của Phật.

Một chủ đề thật nên thơ, đẹp như là mơ, làm cho con người của Bảo Thành bay bổng bơ bơ ở cõi nào không hay. Không biết ai gửi về chủ đề này, nghe thấy, nghe thấy thật tuyệt vời! Các bạn nhìn lên trên màn hình các bạn thấy chủ đề chưa? “Vay Mượn Hạnh Phúc”, nghĩ riêng về mình thôi và tự hỏi rằng mình thực sự có vay mượn hạnh phúc của ai đó hay không? Hay mình có vay mượn hạnh phúc từ việc gì, vật gì hay không? Các bạn hỏi thử bản thân đi và suy nghĩ một chút xíu cùng với Bảo Thành. Chúng ta lấy chỉ 02 giây thôi, không cần lâu, suy nghĩ ta có thật sự vay mượn hạnh phúc hay không?

Các bạn, chắc có lẽ ta còn mù mờ có vay mượn hay không, nhưng ai trong chúng ta cũng muốn hạnh phúc! Trong khu rừng Jeta, Đức Bổn Sư ngự ở đó, có một vị tiên nhân tới hỏi Phật rằng: “Thưa Phật! Chư Thiên và loài người đều suy nghĩ về hạnh phúc, đều muốn có hạnh phúc. Vậy thì chân hạnh phúc là gì?”.

Các bạn! Câu hỏi đó có lẽ ta cũng từng hỏi với chính mình hoặc với cha mẹ, hoặc các bậc lớn hơn, hoặc những đấng trưởng thượng, những bậc xuất gia nơi tôn giáo mình theo: “Hạnh phúc chân thật là gì?”. Hoặc chúng ta tự đi tìm tòi trong kinh sách, trong những sách mà kinh nghiệm người xưa viết lại, có thể là những phóng tác, tiểu thuyết về tình yêu, về tình cảm. Chắc có lẽ là về tình yêu nhiều hơn, bởi vì khi nói hai chữ “hạnh phúc”, tất yếu người tại gia hay người xuất gia mà chưa nhìn thấy rõ, nói chung đại khái là con người, chúng ta luôn nghĩ rằng hạnh phúc là hạnh phúc đôi lứa, hạnh phúc của tình yêu nam nữ, tình yêu mà người nữ có thể bỏ cha mẹ kết thân với một người nam, ăn ở suốt cuộc đời trăm năm gọi là tóc bạc, răng rụng, chân run, mắt mờ mà vẫn cứ yêu. Nếu có được cái nguồn và tình yêu như vậy gọi là hạnh phúc.

Hình như hai chữ “hạnh phúc” được gắn với nhau qua những đêm tân hôn hoặc những lúc mà chúng ta bắt đầu đi về với cuộc sống. Các bạn, nhưng rồi khi người ta sống với nhau gọi là hạnh phúc trăm năm ấy, thì trăm năm kia có phải rằng từng giây phút là hạnh phúc hay không? Không cần trả lời thì ai cũng có sự trải nghiệm đó nếu đã lập gia đình!

Hồi còn nhỏ, hạnh phúc của chúng ta là được cha mẹ yêu thương, cha mẹ giáo dưỡng, muốn gì thì cha mẹ cho đó; đó cũng là sự hạnh phúc của tuổi thơ. Nhưng thêm một chút xíu nữa đến cái tuổi mà ngày nay gọi là tuổi xì tin, tuổi teenager (thiếu niên), hạnh phúc là được tự do không bị cha mẹ ràng buộc. Đến tuổi đó là tuổi bắt đầu khám phá thế giới – thế giới của con người, thế giới của cảm xúc, của vật chất. Những hoóc-môn tăng trưởng để người ta trưởng thành nó thôi thúc sự thoát ra, sự thoát ly và mong cầu một điều gì đó hạnh phúc. Và ở tuổi đó ngang bướng dễ sợ nhưng nếu thực hành được điều mình mơ ước thì đó là hạnh phúc của tuổi xì tin.

18, 19, 20 hạnh phúc là gì? Là có thể học được những kiến thức cao, ra trung học, vào đại học có ngành nghề; không những hạnh phúc đó là mơ ước của ta mà còn làm nhiều người khác hạnh phúc. Thêm chút nữa là lấy vợ, lấy chồng, lập gia đình. Thêm nữa hạnh phúc là có được căn nhà, có được chiếc xe ô tô. Ngày xưa thì cần xe đạp thôi, xe Honda, nhưng ngày nay không rồi.

“Yêu anh phải lấy ô tô

Còn như không có thôi đừng yêu tôi.”

Định nghĩa của tình yêu mang lại hạnh phúc của đôi lứa ngày nay là nhà và ô tô. Thêm chút xíu nữa là làm phải có tiền.

“Lương kia một vài triệu đừng yêu

Nếu như trăm triệu ngỏ hầu tôi thương.”

Cứ như vậy thôi, chúng ta định nghĩa hạnh phúc tới với ta bằng tình yêu dựa trên vật chất, kiến thức, quyền lực và cảm xúc. Từ đó mà nếu như có được một ngôi nhà, nó tăng trưởng cảm xúc vui sướng là ta có nhà, ta gọi đó là hạnh phúc. Nên ai đó lấy ta mà tặng ta một ngôi nhà – ngôi nhà ngày nay là ngôi nhà một tầng, nhà trệt cấp bốn chắc có lẽ tình yêu cũng nho nhỏ, bủn xỉn lắm, mà ngôi nhà hai tầng, ba tầng thì tình yêu vĩ đại nhưng dễ sụp đổ. Đâu còn ngôi nhà như thuở xưa một túp lều tranh hai trái tim vàng nữa, hết rồi. Và hạnh phúc cũng được dựa trên những vật chất như nhà, như ô tô, như chiếc nhẫn hột xoàn hoặc là cái phone (điện thoại), phone mới thời đại, thời trang, phong trào, đi chơi, du lịch, đi ăn, đi uống, dự tiệc. Hạnh phúc tới từ những cái nguồn như vậy và ta hạnh phúc lắm khi được bạn mời đi ăn, đi uống, đi dự tiệc, đi chơi. Hoặc khi sắm được chiếc ô tô, cái nhà hoặc khi có được công việc tiền bạc trăm, bạc triệu, hoặc được yêu, được thương, được người ta chiều chuộng để có được cảm xúc vui và đó là hạnh phúc đó. Hạnh phúc dựa trên vật chất, dựa trên kiến thức, quyền lực, dựa trên tiền, tình và hạnh phúc dựa trên cảm xúc được chiều chuộng, cung phụng, có đầy đủ những điều ta mong muốn, ta gọi đó là hạnh phúc.

Hình như nó là như vậy phải không các bạn? Đôi khi cũng có những cái hạnh phúc rất bình thường như một người nằm bên lề đường, mình trần không gối, chẳng chăn êm, giữa trời giá lạnh khư khư mỉm cười. Có! Đơn giản vậy họ cũng hạnh phúc! Hạnh phúc nó muôn hình vạn trạng, thiên biến vạn hóa mà chỉ có một con người nào đó lắng đọng một chút xíu thì gọi là hạnh phúc lắm. Bởi họ thỏa mãn với những điều họ có! Có cái thật là lớn như tiền tài danh vọng, có cái thật là nhỏ như chẳng có gì trong tay cũng hạnh phúc mà. Cho nên người giàu cũng hạnh phúc mà người không có gì cũng hạnh phúc; hạnh phúc khó định nghĩa, nhưng nếu hỏi chi tiết “Ai định nghĩa được hạnh phúc?” thì cũng chẳng qua chúng ta gán ghép những cái định nghĩa của riêng ta chứ chưa có một nhà triết học, một nhà đạo sư nào định nghĩa về hạnh phúc hết. Mà theo như Bảo Thành thôi, cảm nhận của Bảo Thành thì hạnh phúc chúng ta chưa biết, chúng ta chỉ biết được những cảm xúc vui sướng bởi có – có cái gì thì liệt kê ra: có tình, có tiền, có danh vọng, quyền lực, có được những điều ta thỏa thích, có được những điều ta mong ước thì ta có được cảm xúc vui sướng, vui sướng lắm và ta lầm tưởng sự vui sướng trong cảm xúc có được đó, là hạnh phúc.

Các bạn có thể lên Google tìm thử coi hạnh phúc nghĩa là gì. Ôi, nhiều người định nghĩa hạnh phúc nó mê hoặc dữ lắm! Mà nếu chân thật hỏi những người lớn trong gia đình như cha mẹ “Hạnh phúc là gì?”, có thể cha mẹ nói hạnh phúc là có được các con ngoan ngoãn, bởi vì cha mẹ luôn hy sinh để cho con được ngoan ngoãn học và thành tựu được những điều các con mơ ước. Đó là nguồn hạnh phúc của cha mẹ, hầu như ai cũng cảm nhận được!

Bảo Thành nói như vậy sơ sơ thôi, và bây giờ đi về với kinh Hạnh Phúc trong khu rừng Jeta, Đức Thế Tôn có định nghĩa hạnh phúc hay không? Trước khi nói như vậy, thì những điều Bảo Thành đã nói từ nãy đến giờ nhìn cho kỹ, thì đều là vay mượn hạnh phúc thôi! Bởi vì chúng ta vay, chúng ta mượn cái nhà; vật chất là ngôi nhà đó để tạo cảm hứng, cảm xúc gọi là vui sướng, nhưng định nghĩa là hạnh phúc. Ta vay mượn sự nuông chiều của ai đó tới chiều chuộng, cho ta cái này, biếu ta cái kia, tặng ta cái này, ta sung sướng, ta gọi đó là hạnh phúc. Ta vay mượn quyền lực để cố gắng vươn lên đỉnh cao của quyền lực và cảm xúc vui sướng tột đỉnh khi đứng ở trên cao là một bậc đế vương hay là một vị gì đó có quyền sinh sát người khác, ta gọi là hạnh phúc. Ta vay mượn tiền, tiền thật là nhiều, nhiều, nhiều, nhiều, giàu, ta sung sướng, ta vỗ ngực ta là người giàu, đó là hạnh phúc ta định nghĩa. Nếu mà cứ nói như vậy thì nhiều nhiều lắm, nhưng nhìn cho rõ thì tất cả chỉ là vay mượn cảm xúc, vay mượn vật chất, vay mượn tiền tài, vay mượn quyền lực, vay mượn tình yêu.

À mà trong tình yêu người ta cũng vay mượn để có hạnh phúc đó! Là bởi vì đôi khi có đôi lứa tới sống với nhau, vợ chồng không hạnh phúc, người đàn ông có thể mượn vợ người khác hoặc mượn người khác để có được chút hạnh phúc trong cuộc đời, và người vợ cũng có thể đi theo như vậy cho nên gia đình đổ vỡ. Ở đời cái gì người ta cũng có thể mượn được, mượn từ bàn nhậu, mượn từ bữa tiệc, mượn những buổi họp mặt, mượn những cuộc đi chơi du hí, mượn muôn thứ để mong cầu hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc nào có đâu bởi đó là chỉ vay mượn!

Bạn ơi, bạn và Bảo Thành có vay mượn cái gì để có được hạnh phúc chưa? Chắc có! Chúng ta đã cứ lần mò để vay mượn và khi có được điều vay mượn đó, ta vui sướng và ta lầm tưởng sự vui sướng khi có được điều ta vay mượn là hạnh phúc. Ta đã lầm!

Trong rừng Jeta, Đức Thế Tôn ở đó, một vị tiên nhân hỏi Phật: “Thưa Phật! Chư Thiên và loài người đều suy nghĩ về hạnh phúc, đều mong cầu và tìm kiếm hạnh phúc. Vậy thì chân hạnh phúc tức là hạnh phúc chân thật là gì?”.

Đức Phật lúc đó không như chúng ta vội vàng đâu, là định nghĩa hạnh phúc là gì. Phật không định nghĩa hạnh phúc! Trong bài kinh Hạnh Phúc, Phật không định nghĩa hạnh phúc là gì mà Phật chỉ chỉ cho chúng ta làm được những điều gì, có được những điều gì thì hạnh phúc. Trong bài kinh Hạnh Phúc có đầy đủ những cái gì Phật liệt kê ra nếu có và hành được, sẽ hạnh phúc.

Bảo Thành sẽ nói sơ qua, sơ thôi trong cái khuôn khổ thời gian cho phép buổi đồng tu. Phật dạy nếu có thể làm được việc thiện đó là hạnh phúc. Nếu có thể làm được việc thiện sẽ mang lại hạnh phúc. Các bạn có khi nào làm việc thiện chưa? Đi làm từ thiện giúp người, mà việc từ thiện như phóng sanh, mà việc từ thiện như nói ái ngữ để người ta được vui, biết đối xử một cách tôn trọng yêu thương, biết tương tác một cách hài hòa kính mến, biết sống đúng những nghĩa cử như vậy, chúng ta hạnh phúc lắm. Làm được việc thiện sẽ mang lại hạnh phúc, Phật dạy.

Gần bậc tri thức sẽ mang lại hạnh phúc. Tránh xa việc ác và những nơi trú xứ không tốt sẽ mang lại hạnh phúc. Gần được Phật, biết được Phật là hạnh phúc, sẽ mang lại hạnh phúc. Biết được pháp, học được pháp, chánh pháp của nhà Phật, sẽ mang lại hạnh phúc. Gần gũi chư Tăng hòa hợp sẽ mang lại hạnh phúc. Tăng trưởng được kiến thức Phật học, kiến thức loài người và sử dụng đúng theo luật của nhân quả và những luật sống của con người theo luân thường đạo lý, sẽ mang lại hạnh phúc.

Nhìn rõ được thế giới thế giới vô hình, hữu hình, mọi hiện tượng là vô thường, sẽ mang lại hạnh phúc. Nhìn thấu được trong cái vô thường đó ta bám víu sẽ tạo ra khổ, sẽ mang lại hạnh phúc. Nhìn thấu được vô ngã, không có gì có ngã tướng từ pháp đến Phật, đến hiện tượng, đến màu sắc đều không có ngã, các pháp đều vô ngã, sẽ mang lại hạnh phúc.

Các bạn, Phật dạy giữ giới không sát sanh sẽ mang lại hạnh phúc. Không trộm cắp sẽ mang lại hạnh phúc. Không tà dâm, không nói dối, không uống và sử dụng các chất gây mê, say sẽ mang lại hạnh phúc!

Phật dạy nếu chúng ta hiểu được giới luật của nhà Phật, thực hành được điều đó sẽ mang lại hạnh phúc. Phật dạy nếu chúng ta hiếu kính cha mẹ sẽ mang lại hạnh phúc. Phật dạy nếu chúng ta biết thực hành theo sự giáo dưỡng của Phật, của các bậc trưởng thượng, các bậc tôn túc của cha mẹ, của kinh điển chánh pháp của Như Lai, sẽ mang lại hạnh phúc.

Và Phật còn dạy nếu chúng ta sinh ra trong một gia đình có đầy đủ sự giáo dưỡng của cha mẹ, hấp thụ một nền giáo dục tốt, gặp được Phật – Pháp – Tăng, sẽ mang lại hạnh phúc.

Nhiều nhiều những thứ thuận lợi vô cùng! Trong kinh Hạnh Phúc, Phật định nghĩa như vậy! Và nguồn hạnh phúc như thế chẳng phải là vay mượn bởi nó trường tồn mãi mãi, nó vĩnh hằng vĩnh cửu. Chẳng phải là hạnh phúc trong cảm xúc của tình yêu đôi lứa, hạnh phúc từ nhà lầu, xe ô tô, từ người làm hàng trăm, hàng trăm triệu để ta có thể kết thân vợ chồng hay có quyền lực, có sắc tướng đẹp, hay gọi là một buổi dạ vũ, một buổi tiệc tùng, một chuyến du lịch dã ngoại. Không! Tất cả những cái đó chỉ là vay mượn để tạo thêm cảm hứng và niềm vui sướng rất thật trong kiếp người. Nó rất thật trong kiếp người nhưng nó vô thường trong sanh diệt, nên hạnh phúc tới từ đó chẳng bao giờ trường tồn vĩnh cửu. Nó tới như một cơn gió nhẹ rồi nó đi cũng nhẹ nhàng như cơn gió ấy. Hạnh phúc đó, là hạnh phúc vay mượn! Sau những cảm hứng vui sướng được gọi là hạnh phúc vay mượn đó, điều còn lại là đau khổ!

Kết lại cho đơn giản hơn, hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là sự vắng mặt của đau khổ! Suy nghĩ câu này ta thấy thích thú! Bởi biết bao nhiêu những chuyện ta cho là hạnh phúc như vừa nói đó, nó vẫn xen lẫn, trộn lẫn như ăn độn giữa gạo và bắp và khoai, đủ thứ hầm bà lằng hết. Tức là chúng ta vẫn còn nhiều sự đau khổ trộn lẫn với những niềm vui sướng, để niềm vui sướng kia vừa cười lệ đã tuôn rơi, lòng như dao cắt ôi đau quá trời. Khổ nhiều mà! Cho nên đối với Bảo Thành dựa theo kinh điển và kinh Hạnh Phúc, kết lại một câu thật đơn giản: “Hạnh phúc là sự vắng mặt của khổ đau!”.

Hỏi rằng trong chúng ta có khổ đau hay không? Dạ thưa có! Vậy thì không có hạnh phúc! Hỏi khổ đau có còn tồn tại trong ta hay không? Thưa có! Vậy thì hạnh phúc chẳng tồn tại trong chúng ta. Có chăng chỉ là những cảm xúc vui sướng bất chợt tới như tia sáng của đom đóm rồi tắt liệm trong màn đêm u tối; đó chỉ là vay mượn hạnh phúc mà thôi!

Nếu các bạn mượn một người nào đó để có hạnh phúc thì hạnh phúc đó không bao giờ có bởi mượn người, người đâu có thủy chung, hạnh phúc kia tới rồi thì cũng đi. Nếu các bạn mượn vật chất, danh vọng, địa vị, mượn những buổi tiệc, những bàn tiệc, những bữa nhậu, những buổi liên hoan, họp mặt, dã ngoại, đi chơi, có cái này, có cái kia, tất cả đều là vay mượn.

Nói như vậy không phải là chúng ta không nên, nhưng phải hiểu rằng đó chỉ là những cảm xúc vui sướng vay mượn trong những hiện tượng của loài người, còn để có cái chân hạnh phúc, hạnh phúc chân thật thì chúng ta chỉ cần vắng mặt đau khổ trong cuộc đời, thì hạnh phúc chân thật đó có.

Mà để cho đau khổ vắng mặt thì ta phải hiểu thấu được vô thường sanh diệt của các pháp trong từng sát na. Và để cho đau khổ vắng mặt, hiểu được vô thường ấy, thì chúng ta cần phải giữ được năm giới của nhà Phật thì đầu óc mới được sáng, trí tuệ mới được khai mở để nhìn thấu các pháp vô thường và vô ngã. Thì đau khổ liền vắng mặt và không bao giờ mon men tới cửa thềm cuộc đời của chúng ta để làm cho chúng ta vui sướng, cười mừng, lệ rớt trên môi.

Các bạn ơi, các bạn! Chúng ta – Bảo Thành và các bạn bao ngày tháng qua đã vay mượn hạnh phúc để mong cầu những điều kiện thích ứng hoặc mong muốn riêng tư của mình mà thôi! Đó không phải là hạnh phúc nha các bạn! Bởi trong những cảm xúc ấy luôn có tràn đầy đau khổ! Hôm nay để không vay mượn hạnh phúc theo những quan niệm xưa đến giờ ta nghĩ rằng đó là hạnh phúc. Ta nghe theo Phật phải làm cho đau khổ vắng mặt trong cuộc đời thì hạnh phúc chân thật sẽ tới với chúng ta! Thật là nhiều điều có thể làm vắng mặt thật sự sự đau khổ! Vắng mặt thật sự sự đau khổ mà trong Thiền Mật song tu, mật ngôn trí tuệ giúp cho chúng ta có thể làm vắng mặt đau khổ toàn diện muôn đời bằng cách là thiền trí tuệ và từ bi để có thể nhìn thấu được vạn pháp vô thường.

Trong mật ngôn số hai, mật ngôn trí tuệ, ta tu tập để thiền trí tuệ, nhìn thấu được Tam Pháp Ấn Đức Phật đã dạy, đó là gì? Là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã! Chúng ta tu tập mật ngôn này một năm trời và chúng ta nói thật nhiều những góc cạnh cảm xúc của kiếp người để thấu rằng các pháp đều vô thường sanh diệt. Nhất định trong sự đồng tu miên mật thực hành, chúng ta thực hành được điều này, cùng với Bảo Thành đồng tu mỗi một ngày, tự sách tấn và tinh tấn, nhất định Bảo Thành và các bạn sẽ làm cho đau khổ dần dần phải lùi xa, sẽ làm cho đau khổ trong ta dần sẽ vắng mặt để có được sự trải nghiệm hạnh phúc vĩnh hằng.

Chúng ta làm được điều đó bởi Thế Tôn đã dạy như vậy! Chư Thiên và loài người, mọi con người đều suy nghĩ về hạnh phúc, đều mong cầu hạnh phúc, đều tìm kiếm hạnh phúc, và hạnh phúc chân thật mà Phật dạy đã thật rõ là vắng mặt đau khổ. Trong Tứ Thánh Đế, có khổ thì có diệt, tức là có khổ thì có hạnh phúc. Mà để có hạnh phúc thì phải vắng mặt đau khổ; có hạnh phúc. Hiện diện đau khổ thì hạnh phúc không có. Đây thật là rõ bài kinh Tứ Thánh Đế chuyển pháp luân đầu tiên ở vườn nai Đức Phật dạy cho năm anh em Kiều Trần Như, năm đệ tử đầu tiên khi Ngài giác ngộ. Chuyển pháp luân dạy bài Tứ Diệu Đế, Tứ Thánh Đế!

Có khổ đế thì có diệt đế; khổ đế tức là những chuyện khổ, diệt đế tức là hạnh phúc. Nếu có đau khổ thì có hạnh phúc, nhưng nếu muốn hạnh phúc này có hay không còn lệ thuộc vào đau khổ. Hạnh phúc có khi vắng mặt đau khổ, đau khổ có thì hạnh phúc biến mất. Rõ ràng!

Và cách để làm cho đau khổ này vắng mặt trong sự thiền tu của chúng ta, Thiền Mật song tu của chúng ta, là chánh niệm hơi thở từ bi và trí tuệ quán để hiểu thấu, để nhìn rõ và để nhận diện và thực hành được Tam Pháp Ấn – cái mà chúng ta xoay tròn tâm tư, quán chiếu thật rõ từng giây phút để thấu triệt và thẩm nhập để thể nhập, thể hội vào sự hiểu về vô thường. Khi chúng ta hiểu được vô thường thì chúng ta sẽ tiếp hiện được hạnh phúc ngay trong cuộc đời. Hiểu được vô thường là đã làm cho đau khổ vắng mặt. Thấu được vô thường thì làm cho đau khổ vắng mặt toàn diện vững bền.

Hiểu đã vắng mặt rồi, còn thấu được; mà hành được đau khổ tức là chúng ta làm ác, những pháp bất thiện là hành khổ và rồi khổ sẽ hành chúng ta. Còn nếu như chúng ta hành được cái trí tuệ để nhìn thấu vô thường, nhận ra vô thường, hành được pháp trí tuệ này đây, thì đau khổ sẽ bị triệt tiêu toàn diện, và chỉ có hạnh phúc mới hiện diện trong đời của chúng ta. Và hạnh phúc mà khi đau khổ vắng mặt toàn diện bền vững, thì đó là hạnh phúc không vay mượn! Còn cái cảm nhận là hạnh phúc mà vẫn xen lẫn những hương vị cay đắng, ngọt bùi của vật chất, tiền tài, danh vọng, địa vị, của tình cảm thì đều là vay mượn!

Mà các bạn biết ngày hôm nay, để có được một thứ gì qua sự vay mượn, thì tiền lãi nó thật nhiều. Vay mượn hạnh phúc trong cuộc sống tâm linh, vay mượn hạnh phúc trong cuộc sống của kiếp người sẽ phải trả lãi thật là cao, gọi là vay nặng lãi của xã hội đen. Xã hội đen tức là kiến thức đen. Kiến thức đen tức là những kiến thức trong vô minh, những kiến thức khi mà chúng ta còn lầm và nghĩ rằng chỉ có tiền tài, danh vọng, địa vị, vật chất, của cải, quyền lực của thế gian mới mang lại hạnh phúc, thì đó chỉ là vay mượn!

Dĩ nhiên chúng ta cũng muốn cuộc đời này sung túc về vật chất, nhưng các bạn nhớ, khi vắng mặt đau khổ, hạnh phúc sẽ miên trường, phước báu sẽ tăng trưởng, công đức sẽ đầy đủ, để từ đó những điều kiện cần có trong kiếp người luôn đầy đủ với bạn. Nếu bạn vô phước chẳng có công đức gì, chẳng có chút đức gì thì ôi thôi, bạn đang tự thiêu, bạn đang bị khổ nó hành và bạn được người ta gọi là kẻ vô phước!

Hãy chấm dứt vay mượn hạnh phúc trên vật chất, trên tình cảm, trên quyền lực, trên địa vị, trên nhà cao cửa rộng, ô tô, trên tiền tài, trên những thứ mà ta mon men tìm tới mà ngày nay định nghĩa hạnh phúc hầu hết là như vậy! Đừng, đừng vay mượn nữa mà hãy sống với nguồn hạnh phúc chân thật như trong kinh Hạnh Phúc Đức Phật đã dạy trong khu rừng Jeta! Và rõ ràng hơn, hãy sống với nguồn hạnh phúc viên mãn toàn diện khi sự đau khổ của chúng ta vắng mặt bền vững không bao giờ giờ tái xuất nữa bằng cách thiền trí tuệ để thấu được vạn pháp vô thường và vô ngã, để loại trừ đau khổ ra khỏi cuộc đời của chúng ta. Thì hạnh phúc đó chẳng phải là hạnh phúc vay mượn mà là hạnh phúc tới từ công hạnh thiền trí tuệ và từ bi!

Các bạn, hãy xé ngay cái hợp đồng vay mượn hạnh phúc trong cuộc đời ngay bây giờ, để chúng ta bắt đầu tái lập lại nguồn hạnh phúc vô biên từ pháp thực hành trí tuệ thâm sâu và pháp từ bi lan tỏa tới tận hư không!

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Chúng con đã hiểu những điều gì được định nghĩa là hạnh phúc từ xưa đến giờ đều chỉ là vay mượn dựa trên nền tảng của tiền, của tình, của danh vọng, địa vị, của nhà cửa, của phương tiện, của sự ăn uống, của giãi đãi. Nay hiểu thấu được hạnh phúc là vắng mặt khổ đau, mà để cho khổ đau vắng mặt, chúng con cần phải có Trí Tuệ để nhìn thấu được vạn pháp vô thường. Chúng con nguyện xin Chư Phật gia trì cho chúng con tinh tấn tu học, thiền Trí Tuệ và Từ Bi để nhận rõ được điều này và làm cho đau khổ hoàn toàn vắng mặt trong cuộc đời của chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo ra một chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.  

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts