Search

Bài 2185. Tu Mướn | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Phước biên tập

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu để thấy rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Nguyện xin Chư Phật gia trì cho quê hương Việt Nam – quốc tổ của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Và nguyện cho tất cả các đệ tử luôn được tràn đầy hồng ân Tam Bảo, tinh tấn tu học, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc. Nguyện siêu cho các chư vị hương linh luôn theo thiện nghiệp của mình nương bóng từ ân Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật tái sanh cảnh thiện lành. Chúng con xin Chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái; bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Hãy trở về với hơi thở nhẹ nhàng, hãy Chánh Niệm nhìn cho rõ, hãy quán chiếu để khơi nguồn Từ Bi, thắp sáng Trí Tuệ, nhận diện thật rõ từng sát na vô thường sanh diệt hiện hữu tại đây. Hãy một lòng khiêm tốn với tâm thành kính đón nhận năng lượng Từ Bi và Trí Tuệ của mười phương Chư Phật!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn, sự đồng tu của chúng ta tuy rằng ở trên mạng, nhưng khác biệt thật nhiều với những bài giảng được nghe. Chúng ta chú trọng cả hai phần. Đồng tu là pháp hành thực chứng. Trong sự đồng tu này, chúng ta miên mật chánh niệm trong hơi thở, trở về cội nguồn, gốc gác, bản nguyên của Đức Phật khai thị cho chúng ta, để chúng ta tu mà đi đến sự chứng đắc an lạc và hạnh phúc. Đó chính là thiền trí tuệ và từ bi – pháp môn thượng thừa vi diệu phương tiện thiện xảo, dễ tu mà Đại Sĩ Thiên Thủ Thiên Nhãn Mẹ Hiền Quan Âm đã tu để có cái trí tuệ nhìn thấu mọi chúng sanh, đã tu để có mắt thương nhìn đời, đã tu để có nhĩ căn viên thông, nhìn thấy sự thống khổ của muôn chúng sanh, của nhân loại, từ đó mà có thể ứng hóa mọi thân, mọi tướng; chỗ này rất đặc biệt. Từ đó Đại Sĩ Quan Âm có thể ứng hóa mọi thân, mọi tướng phù hợp với mọi căn cơ của từng chúng sanh cao thấp, đồng hành với chúng sanh, mang trái tim yêu thương, che chở, đùm bọc, dìu dắt cho tới khi thoát vô minh và đặt chân lên bờ giác ngộ; đây là điểm rất đặc biệt. Cho nên phần một chúng ta hít thở nhẹ nhàng trong chánh niệm, đồng trì mật ngôn từ bi – Mu A Mu Sa và trí tuệ để hiểu thấu vô thường, khổ, vô ngã – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Trí tuệ – từ bi quán – pháp tu này, ai ai trong chúng ta dù là Phật tử tại gia hay xuất gia, dù là người theo Phật hay không theo Phật. Để có một sự bình an và hạnh phúc, có sự sáng suốt nhìn nhận cuộc đời, thì pháp thiền quán của Thiền Mật song tu này là phương tiện thích ứng ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, mọi con người, mọi quốc độ, mọi trình độ. Vậy khi chúng ta bắt đầu buổi đồng tu, ta trì 07 biến của mật ngôn từ bi – Mu A Mu Sa và 07 biến của mật ngôn trí tuệ, tổng cộng 14 hơi thở. Trong 14 hơi thở của chánh niệm tổng trì hai mật ngôn này, nếu mỗi người chúng ta thành thật trở về trong chánh niệm với tâm niệm luôn luôn nhiếp vào trong hơi thở đó, thể nhập, hội nhập để tiếp hiện nguồn năng lượng của Chư Phật, thì Bảo Thành và các bạn sẽ tràn đầy năng lượng. Như hiện tại, Bảo Thành thấy tràn đầy khối năng lượng thanh tịnh. Từ bi và trí tuệ của Chư Phật đã tới mà Bảo Thành có thể nhiếp tâm vào đó để được thực chứng sự tiếp hiện của năng lượng đó vào thân tâm. Trải qua bao nhiêu năm tháng tu tập, Bảo Thành đã chứng nghiệm điều đó. Và các bạn cũng thế, chúng ta sẽ đón nhận được năng lượng tinh khiết và tuyệt đối thanh tịnh, tích cực, sống hạnh phúc, sống khỏe, sống an, sống vui.

Phần hai là chúng ta nghe chia sẻ về những chủ đề có thể còn rất thường trong cuộc đời, nhưng đó là những chủ đề rất gần gũi với sinh hoạt đời thường của Phật tử tại gia. Và rồi kết thúc là 14 hơi thở nữa trong hiện tại, cũng chánh niệm đó. Sự đồng tu tuy ngắn, nhưng có sự thực chứng! Và rồi nghe những điều ta thắc mắc, diễn giải đôi phần đơn giản để thấy rằng mọi suy nghĩ của đời thường nếu nhìn thấu, chúng ta sẽ thấy được Phật pháp ngay đời thường mà không cần phải ngoảnh mặt chạy trốn. Hãy sống ở trong môi trường mà mình sinh ra; tại cái hiện trường thực tế ta đang sống đó, pháp của Phật đầy hết, chỉ cần nhìn một cách tinh tường, ta sẽ nhận ra. Và pháp ấy sẽ làm lợi lạc cho ta thật nhiều!

Chủ đề “Tu Mướn”! Ở đời mà đi làm mướn đã khổ rồi; người làm mướn là người không có công việc làm ổn định, là người không có tay nghề, là người có thể vì một hoàn cảnh nào đó mà xin việc không được. Nhiều hoàn cảnh và nguyên nhân đưa tới cho người ấy phải đi làm mướn. Người làm mướn là không biết chắc chắn ngày mai sẽ ra sao. Có ngày nào được nhận việc thì làm ngày đó, có đồng nào xào đồng đó, không biết tương lai sẽ đi về đâu. Làm mướn hiện tại nơi Việt Nam chúng ta tràn đầy bởi công ăn việc làm không ổn định. Làm mướn hiện tại tràn đầy bởi vì đại dịch kéo tới, mọi công việc đều không ổn, nhưng đời sống cần thiết của con người về cơm ăn áo mặc, về sự sinh hoạt tối thiểu vẫn cần. Do đó mà chúng ta vẫn thấy thật nhiều mỗi một ngày thức dậy chờ đợi được nhận làm việc, đi làm mướn. Làm mướn là chứng tỏ cho sự khổ, còn tu mướn thì có phải là khổ mới phải đi tu mướn hay không? Chủ đề “Tu Mướn”, cứ suy nghĩ thấy thật là thấm. Mà không biết ai tu mướn, ai là người tu thật?! Nhưng cái nhìn riêng tư thiển cận, hạn hẹp của Bảo Thành thì thấy rằng (mà điều thấy này chắc chắn chứ không sai đâu, dù rất thiển cận) là Bảo Thành và tất cả các bạn đồng tu, tất cả mọi người tu, đều chỉ là tu mướn! Nghe khó chịu! Bởi có thể ai đó là những bậc chân tu, ai đó là những bậc xuất gia với phẩm vị cao, ai đó là những người học thức, là thức giả, là trí giả, nghe thấy Bảo Thành khẳng định rằng tất cả cũng chỉ là tu mướn thì chột dạ khó chịu. Nhưng thôi nghe chút xíu đi, để Bảo Thành nói coi nó có hợp lý không. Nếu hợp thì uống một tách cà phê gọi là thưởng Bảo Thành, còn không hợp coi như một chuyện nhẹ nhàng thoáng qua rồi mất!

Ngày xưa có một vị thiền sư bên Nhật; Ngài tên là Bạch Ấn, có một đệ tử tục gia còn trẻ thường than vãn với Ngài, nói với Ngài thiền sư Bạch Ấn rằng cha của mình lớn tuổi rồi, chẳng chịu tu. Chẳng chịu tu! Và rồi anh ta khuyên cha tu thì cha nói nếu đi tu hoặc là tu mà có thể tạo ra tiền, có thể đẻ ra tiền, có thể được tiền thì ông cụ mới tu, còn không thì đừng bao giờ nhắc tới. Thiền sư Bạch Ấn nghe xong và nói với cậu học trò trẻ đó rằng: “Ta bây giờ bận rộn nhiều quá, sự tu cũng khó, cho nên ta cần một người tu giùm ta trong sự bận rộn đó. Ta mướn người đó tu và ta sẽ trả mỗi một lần sâu chuỗi là 108 biến, ta sẽ trả tiền. Và mỗi một lần xâu chuỗi được hoàn thành, ta sẽ trả cho một đồng (một đồng ngày xưa lớn lắm quý vị). Nhưng ta cần một người lớn tuổi”. Cậu thanh niên nghe thấy hình như cha mình cũng lớn tuổi, phù hợp, về nói với cha rằng: “Thiền sư Bạch Ấn cần người tu, mướn người tu giùm bởi Ngài bận rộn và mỗi một lần tu như vậy, Ngài trả cho một đồng. Nhưng cần tu đến mười chuỗi mỗi ngày”. Người cha liền nhận và lấy tiền mỗi một ngày; lần xong mười chuỗi tới gặp thiền sư Bạch Ấn lấy mười đồng. Dần dần trải qua một thời gian, ông cụ để dồn tiền đó, một tuần mới tới lãnh một lần. Sau đó một thời gian, ông cụ không tới lãnh tiền nữa. Người con nói với thiền sư rằng: “Cha của con đang ngồi tịnh thiền lâu lắm rồi mà vẫn thấy ngồi, hơi thở nhẹ nhàng, khuôn mặt thật đẹp”. Thiền sư Bạch Ấn mới tới nơi, thấy hơi thở nhẹ như tơ, thấy khuôn mặt bừng sáng, khí sắc thanh tịnh, thì lời nói của thiền sư Bạch Ấn với cậu con trai đó cũng nhẹ và nhắc rằng: “Cha của con đã nhập vào định!”.

Các bạn thân mến! Tu mướn một đồng một chuỗi, một ngày lấy tiền một lần, rồi một tuần, rồi chẳng tới lấy tiền nhưng nhập định, nhập định thiền không, tâm thái nhẹ nhàng, tướng hảo quang minh. Cuộc sống bận rộn của chúng ta ngày hôm nay, người Phật tử tại gia của chúng ta đo đạc mọi thứ bằng đồng tiền, bằng tiền tài. Bởi đó là sự thực dụng, không có tiền mình sẽ khó xử trong cuộc đời. Như Phật tử tại gia phải mướn nhà ở, chúng ta phải sinh hoạt cơm ăn áo mặc, lo cho con đi học, lo cho đời sống bình thường. Hoàn cảnh đã đưa đẩy mỗi một người Phật tử tại gia trong hoàn cảnh khó khăn, không những ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, thậm chí phải làm 07 ngày một tuần hoặc 06 ngày một tuần, 12 tiếng một ngày. Và mọi hành động của chúng ta trong công việc được mướn, được đi làm đó, đều dựa trên sự trả ơn hoặc là đền đáp bằng đồng tiền để đo cái giá trị cống hiến và làm việc. Đồng tiền đó do ta tạo ra bằng sức, bằng mồ hôi, bằng nước mắt và đồng tiền đó chúng ta sử dụng cho cuộc sống. Rất chân lý, rất thực tế! Nhưng rồi mỗi người chúng ta có cái nhân duyên học được Phật, dưới hình thức tới chùa thường xuyên để tụng niệm kinh theo những khoá thọ Bát Quan Trai, khóa tu Phật Thất 01 ngày, 07 ngày một tuần, hoặc nghe những pháp hội của những bậc thượng tọa, hòa thượng, đại đức tăng ni, hoặc những bậc thiện trí thức giảng dạy, hoặc nghe trên đài, trên YouTube, trên Facebook như các bạn đang nghe Bảo Thành đây. Và chúng ta tu một thời gian, chúng ta cảm thấy chúng ta là người hãnh diện bởi đã phát tâm tu. Nhưng thực tế ở trong gia đình của chúng ta, có thể là vợ tu mà chồng không tu. Và đôi khi ông chồng đó nói y như người cha già kia: “Nếu mà tu được tiền thì tôi tu!”. Con người mà, rất thực dụng! Mọi giá trị của cuộc đời đều đo và đong bằng tiền. Thậm chí có người chồng đi tu, khuyên vợ tu, vợ cũng nói như vậy, cha mẹ cũng vậy, bạn bè cũng vậy, hoặc là người ta sẽ gièm pha: “Tu có được tiền đâu? Trời ơi, khổ quá trời mới mần ra đồng tiền để sống. Bà hoặc ông, hoặc anh chị cứ tu như vậy, gào thét mỗi một ngày cái lời kinh gì nghe không có hiểu, mõ chuông rình rang hết, không biết được gì hay không?”. Và nhất định khi các bạn và Bảo Thành có những người thân nói những lời như vậy y như ông cụ của cậu đệ tử trẻ của thiền sư Bạch Ấn kia, chúng ta bắt đầu suy nghĩ là làm sao để có thể sách tấn và khuyên người thân của mình hoặc khuyên những người đối nghịch đó đi tới sự tu hoặc tạo nhân duyên cho họ hiểu thấu để tu. Và ước muốn của chúng ta là làm sao có thể gần chùa hoặc gần được một vị thầy như thiền sư Bạch Ấn, diệu dụng phương tiện, mượn người tu để trả tiền, gọi là tu mướn đó mà. Ít nhất, Ngài Bạch Ấn đã thiện xảo phương tiện, sẵn sàng mượn người tu mướn để trả lương cho họ. Nhưng cuối cùng họ đã không lãnh lương và nhập được định. Chúng ta có điều mơ, điều ước, ước gì đó gặp được một vị thầy, một vị minh sư, một người thiện tri thức, hoặc một đấng nào đó, phương tiện chút xíu, để giúp đỡ cho người thân của chúng ta được một lần tu mướn; biết đâu lại nhập định như ông cụ kia thì tuyệt vời quá.

Các bạn có mơ ước điều đó hay không? Bởi chúng ta đang tự hào rằng chúng ta tu, tu tốt đấy. Để rồi cần ai đó thiện xảo, giỏi, vị thầy có tình thương, hướng dẫn cho người thân tu mướn. Tu mướn mà nhập được định là đặc biệt à! Còn tu thật như chúng ta, không biết nhập vào cái gì đây? Nhưng nghĩ cho cùng, chúng ta chỉ là tu mướn mà thôi! Bảo Thành sẽ nói thêm về “Tại sao chúng ta là tu mướn?”! Ông cụ kia tu là mong có tiền, nhưng cuối cùng nhập định. Các bạn bây giờ hãy cùng với Bảo Thành chân thật nha, phải chân thật! Trong bốn nghiệp của cái khẩu là nói giả dối, nói thêm nói bớt, nói thô ác, nói gièm pha đều tạo ra nghiệp. Lúc này ta không thể nói những cách nói như vậy mà phải nói chân thật để tạo phước. Hãy chân thật với Bảo Thành ngay trong lúc này! Mọi người chúng ta tu có muốn được trả ơn, có muốn được trả công, có muốn được cái gì hay không? Hay chúng ta chỉ tu với chí nguyện giải thoát hoặc chỉ là tu mà thôi? Trên đời này không có chuyện làm việc gì đó mà không được cái gì! Không được cái gì không ai làm hết; phải được! Vậy thì từng người trong chúng ta – Bảo Thành và các bạn đang tu đều muốn được! Đều muốn được! Được cái gì?

Có nhiều bạn khổ quá, tu để muốn được sự an lạc và hạnh phúc. Với nhiều người túng thiếu nghèo khổ quá, tu để có được cái phước về tịnh tài, làm ăn ổn định, lo lắng cho gia đình. Có người đang đau khổ về tình cảm giữa vợ chồng, giữa cha mẹ, người thân khó hàn gắn hoặc đang lục đục, muốn tu để có đủ phước, để cái tình người được thấm đượm và gia đình được hoà hợp, người thân yêu mến. Có người thất bại trên thương trường, trên tình trường, trên mọi hiện trường của cuộc đời, tu để có được phước, để mà thành tựu. Nhìn kỹ đi, Bảo Thành và các bạn tu đều muốn được một cái gì đó! Đó là ta tu mướn đó! Tu mướn cho chính cái điều ta đang thiếu thốn, nhưng khuôn mẫu văn hoa cho chữ đẹp một xíu là ta khoả lấp điều đó đi và hãnh diện rằng ta là người tu. Nhìn kỹ đi, các bạn tu có phải chăng với cái tâm và chí nguyện giải thoát hay không? Hay vẫn còn những ý niệm rằng tu để được? Tu mà để được một điều gì đó chính là tu mướn. Tu mướn cho phước báu nhân thiên, cho kiếp người cần có! Được mà, đâu có sao! Ta là con người, là chúng sanh, mọi việc làm đều phải được trả ơn, trả công, đền đáp.

Và chúng ta thấy rằng chúng ta chỉ là những người tu mướn. Các bạn thấy không? Nhưng tiếng tăm ở đời, chúng ta hay xỉa xói những người khác: “Ôi người ta tu ra cái gì đâu, tu cũng vì mục đích để cầu tài, cầu tiền, cầu tình. Tu cũng chỉ cầu nguyện lăng nhăng, cũng xin đủ thứ. Tu cái gì mà tu?”. Và rồi có những bậc tôn túc hoặc Phật tử trong chúng ta hãnh diện bằng sự gọi là ngôi vị tu chính đáng của mình đó, tu chánh đạo của mình đó, mà thường hay nghĩ lệch lạc về người tu gọi là tu mướn, tu cầu, tu xin đó. Ta chê bai!

Tu để được cái này cái kia, chê bai. Và luôn khuyên họ tu đừng có cầu, đừng có cưỡng cầu, đừng có mong cầu cái gì hết. Nó hình thành hai nhóm: một nhóm cho mình là chánh đạo, tu đúng (không biết họ tu như thế nào là đúng) nhưng nhìn về góc độ khác thì nhóm kia là tu cầu, tu xin, tu để được – được phước báu nhân thiên, được tiền, được tình, được tài, danh vọng, địa vị, được, được, được …..đủ thứ được, rồi bắt đầu khinh bỉ, chê bai hoặc là luôn luôn thôi thúc khuyên bỏ đừng có tu theo kiểu đó, tu sai rồi. Tu mà để được là sai. Nhiều khi chúng ta còn chỉ trích họ, gièm pha họ. Nhưng nghĩ cho cùng, ta cũng chỉ là kẻ tu mướn bởi ta – Bảo Thành và các bạn tu đều để được tình, tài, danh vọng, địa vị, được những điều ta muốn, được đời sống an lạc và hạnh phúc, được cái này được cái kia. Và tâm nguyện, chí nguyện tức là nói cho nó vậy thôi, chứ là ta tu để xin, để cầu, để được, nhưng chữ “nguyện” thì nhẹ hơn. Bạn có thể phân tích dài dòng vào chữ đó, mình không đấu lý bằng ngôn ngữ, nhưng thực tế các bạn tu đều muốn được một cái gì đó. Còn nếu tu mà không được cái gì, nhất định không ai tu. Thậm chí mà người ta tu được, được để kiếp sau được, được tái sanh, kiếp sau được cái này được cái kia, chứ kiếp này họ còn không màng nữa, họ màng đến kiếp sau; đó cũng là tu mướn cho kiếp sau.

Một người tài giỏi như thiền sư Bạch Ấn biết phương tiện diệu dụng, câu hỏi rằng: “Đức Thế Tôn có tài giỏi như thiền sư Bạch Ấn diệu dụng phương tiện dẫn dụ chúng ta hay không?”. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa kinh, phẩm Dụ và phẩm Phương Tiện đã nói lên rằng Đức Phật là bậc đại giác đại ngộ diệu dụng phương tiện và Ngài nhìn rõ kết quả, giải thưởng cho mỗi một người tu là thực tế. Thực tế nói rõ! Bởi khi chúng ta tu, mọi người đều nói rằng: “Người nào không tin sâu vào nhân quả thì chẳng thể tu!”, ta tin sâu vào nhân quả thì lời Phật nói rõ rằng: “Trong luật nhân quả có tưởng thưởng cho sự tu” bởi làm thiện thì được phước (rõ ràng, hiển nhiên mà), làm ác thì gặp họa. Cái phước và cái họa là sự trả, sự đền đáp lại cho sự việc tốt là thiện hoặc là ác, xấu mà ta tạo ra. Nhân quả đã trả lại cho chúng ta; đó là sự công bằng. Mà Chư Phật thường nói với mọi người về hai góc độ; thôi cứ gọi là tu mướn đi, chúng ta được đó, được cái gì? Ít nhất là được phước báu nhân thiên, còn hay hơn nữa là được công đức để khai mở trí tuệ, khơi nguồn từ bi giải thoát.

Chúng ta cứ vặn vẹo nhau bằng ngôn ngữ chứ hóa ra ta cũng như ông cụ của cậu đệ tử trẻ kia, luôn đòi hỏi sự tu phải thành tựu, phải được một cái gì. Và Đức Phật thật khéo, Đức Phật đã mướn chúng ta tu trong đúng luật nhân quả để được đền đáp, được trao thưởng, được trao tặng, được thành tựu, được trả công. Luật nhân quả trả công cho chúng ta. Các bạn, đây là cách nói! Đừng chấp, đừng chấp! Chấp thì phiền não, đó là do các bạn, không phải Bảo Thành! Luật nhân quả đã trả công cho chúng ta đúng và công bằng đối với mọi sự việc chúng ta làm ở trên đời. Mọi suy nghĩ, mọi lời nói, mọi hành động, luật nhân quả đều trả cho chúng ta. Đây là cách nói nhân cách hóa để cho dễ hiểu nghe các bạn, đừng chấp vào ngôn ngữ! Nhưng suy ra đúng, nhân quả thật đúng! Người ta có thể không trả công cho bạn nhưng nhân quả sẽ trả lại cho bạn. Gieo nhân nào trả quả đó! Nhân ác trả quả họa, nhân thiện trả quả phước, rõ rõ ràng ràng cho cuộc đời của mình mà. Mà Phật đã khéo như vậy rồi! Khéo ở đây không phải là Ngài bày ra phương tiện, khéo là bởi vì Ngài đã ứng cả cuộc đời tu và tìm ra nguyên lý của nhân quả, thấu rõ. Nhân nào quả đó, quả là trả!

Bạn có nghe câu chuyện ăn khế trả vàng chưa? Đó, chúng ta làm việc tốt, chúng ta suy nghĩ việc tốt, ta được trả cái phước báu. Rõ mà, rõ mà! Ta chỉ là những người tu mướn! Nhưng mà tu mướn theo lời Phật, theo đúng nhân quả để có được trí tuệ và từ bi; đây là cách tu mướn viên mãn, là một tuyệt kỷ cao, không có tầm thường như các bạn nghĩ đâu!

Thiền quán trí tuệ và từ bi là một cách tu mướn theo Thiền Mật song tu Thất Bảo Huyền Môn để mỗi người chúng ta có thể hội nhập, có thể thể nhập, có thể tiếp hiện được với nguồn năng lượng tha lực Phật điển đại từ đại bi của các đấng giác ngộ và được thắp sáng trí tuệ của những bậc đạo sư. Cách tu mướn này có lợi vô cùng! Lợi cái gì? Lợi sự an lạc trong tâm, sự bình an trong tâm. Lợi cái gì? Lợi được sức khỏe, lợi được về mặt tinh thần và thể chất. Lợi được cuộc sống hạnh phúc, lợi được gia đình luôn hoà hợp. Lợi được phước báu mà chúng ta có thể tạo ra mọi phương tiện trong cuộc sống. Và lợi được cái trí tuệ để nhìn thấu, ứng dụng mọi điều ta có đúng với tinh thần thiểu dục tri túc, tăng trưởng trí tuệ và từ bi hơn là đắm chìm trong sự đam mê của hưởng dục vật chất, tiền, tình, tài của thế gian. Rất hay rất hay!

Hãy tu mướn đi! Đức Phật đang mướn chúng ta tu để có được trí tuệ và từ bi qua Thiền Mật song tu. Đừng khi nào nói rằng chúng ta không tu mướn, chúng ta cứ nhận! Hãy khiêm tốn và thành thật, tâm chân thật rất quan trọng! Đừng tự lừa gạt mình để đặt mình vào điều gọi là cao siêu. Nhưng các bạn nhìn kỹ đi, đừng chơi trò chơi ngôn ngữ để lách mình ra ngồi trên địa vị quá cao. Hãy bình đẳng, hãy lột bỏ những cái gọi là tiềm ẩn, huyễn hoặc của sự hoang tưởng nơi suy nghĩ bởi sự vô minh của chúng ta để biến thành một đạo diễn mù lòa để thêu dệt nên những chuyện không đúng. Chúng ta đang tu mướn! Tu mướn bởi được Phật nhận là điều phước báu!

Thiền sư Bạch Ấn đã mướn ông cụ kia tu và ông ta đã nhập được định. Nếu chúng ta được Phật mướn tu thì nhất định có được trí tuệ và từ bi. Thiền Mật song tu là một phương tiện mà đúng theo luật nhân quả, khi tu các bạn sẽ được tưởng thưởng trí tuệ và từ bi. Và trí tuệ – từ bi, năng lượng ấy sẽ giúp bệnh được hết, tâm được bình an, thân xác được khỏe mạnh, gia đình được hạnh phúc, xã hội được thái bình. Thật rõ, thật rõ! Không cần đợi đến kiếp sau! Người tu ngay trong kiếp này chuyển hóa được mọi nghiệp chướng đã tạo ra từ vô lượng kiếp trước; đó là được trả cái phước báu, trả cái công đức. Nhân quả, tu nhân nào được quả đó thì ta gọi theo ngôn ngữ thể loại tu mướn đi! Ta tu cái này, ta được trả phước, trả công đức. Và phước báu, công đức đó chuyển hóa nghiệp chướng, mang lại sự lợi lạc cho đời sống của kiếp con người. Vậy nên tất cả các Phật tử tại gia lam lũ hằng ngày bận rộn với cuộc sống cơm ăn áo mặc, các bạn hãy nhớ rằng Phật thật khéo phương tiện, Phật đã trao truyền cho các bạn thật nhiều phương tiện để được trả cái quả – quả trí tuệ, được trả cái quả – quả từ bi. Quả trí tuệ và từ bi đó là tổng hợp của quả phước báu và công đức!

Có đức mặc sức mà ăn! Có phước thì chuyện gì không có? Phước báu và công đức đó là thành quả bạn được trả trong cái công hạnh tu Thiền Mật cũng như tu Tịnh Độ, tu Mật Tông, tu thiền Vipassana, tu niệm Phật, trì chú, đọc kinh… Ôi, tu đủ các thứ tu, đều được trả quả, trả ơn! Cái quả và ơn đó gọi là phước báu và công đức. Ta đang tu mướn cho chính ta! Tâm Phật, tâm giải thoát đang mướn chúng ta tu để chuyển phàm thành thánh. Phật không mướn đâu, mà chính ta! Bởi chúng ta vẫn có cái cứu cánh giải thoát khỏi vô minh để đi về sự viên mãn với Chư Phật. Hãy ký hợp đồng dài hạn với tâm chân thật, với nguồn sáng thuần tịnh của Phật tánh để làm người được mướn tu trí tuệ và từ bi. Để được trả phước báu và công đức. Để trong kiếp người này, các bạn Phật tử tại gia đang bận rộn ngoài đời ở ngoài kia, sẽ vẫn hưởng được sự trả công trong sự tu thật rõ ràng. Nhất định nếu bạn tu một ngày, một thời thật nhỏ để được trả cái quả, cái ơn trí tuệ và từ bi, phước báu và công đức, thì sự khó khăn hằng ngày của các bạn trong cuộc sống bận rộn của người rất bình thường trong nền kinh tế quá phức tạp hiện tại, dần dần đời sống của bạn sẽ ổn định. Điều đó là điều thực chứng, điều thật rõ!

Ông cụ kia tu mướn, trả một đồng một chuỗi, ông ta còn khuyến mãi cho vị thiền sư Bạch Ấn đó rằng sẽ sẵn sàng tu mười hai chuỗi nhưng lấy mười đồng thôi. Chúng ta còn khuyến mãi cho tâm Phật của chúng ta là chúng ta tu mà không hưởng phước. Chúng ta mang công đức, phước đức hồi hướng cho muôn loài chúng sanh; ta khuyến mãi toàn diện kìa. Các bạn thấy không? Ta khuyến mãi toàn diện những cái được gọi là trả cho ta, ta hồi hướng cho chúng sanh. Vậy thì ta là đệ tử tốt rồi, là người tu mướn thiện xảo, hoàn hảo, tốt lắm! Hãy nhận mình là người được tu mướn! Và trên đời này ai cũng như thế mà thôi! Cái khéo là chơi trò chơi ngôn ngữ lắp đặt hai bên để ta cao người thấp; đó vẫn là sự phân biệt, phân biệt một cách vi tế mà chỉ những người đang say xưa trên những ngọn gió huyễn ảo của những tư tưởng gọi là hoang tưởng mới thích ngồi trên cái địa vị để phân chia. Còn thực hành đúng nhân quả và với sự bình đẳng tánh trí, chẳng mướn cũng chẳng tu, chẳng hơn cũng chẳng kém, chẳng cao cũng chẳng thấp, đi giữa dòng đời ngược xuôi, cứ tu đi, tu đi, sẽ được trả quả rõ ràng. Hãy tu đi, tu đi, mọi người sẽ được trả quả rõ ràng!

Rõ quá mà! Bạn có suy nghĩ cùng với Bảo Thành không? Và bây giờ nếu như các bạn lúc đầu nghe Bảo Thành nói tất cả chúng ta chỉ là người tu mướn thì ngay lúc đó nghe mà dựng gai gọi là nổi mề đay khó chịu đó. Thì bây giờ nhất định nó đã xuôi xuống rồi, bởi rõ ràng các bạn đã nhìn rõ chúng ta chỉ là người tu mướn. Đừng phân chia! Phương tiện để làm cho một ông cụ luôn nghĩ đến tiền nhập vào đại định, thì xứng đáng là một người tu mướn được trả công!

Chúng ta thấy ngày nay khởi nghiệp luôn gặp khó khăn. Khởi sự tu, hãy bắt đầu bằng sự tu mướn, tu cầu, tu xin, tu nguyện. Đừng sợ người đời, miệng thế gian chê bai: “Ôi anh tu sai rồi, cô tu sai rồi. Tu gì mà cứ cầu, cứ xin, cứ nguyện”. Và nhất là những người nói người khác tu cầu, tu xin, tu nguyện đó, thì họ còn cầu, còn xin, còn nguyện nhiều hơn nữa, mà họ âm thầm giấu kín thôi. Để đặt mình lên ngai vàng của cái tôi quá cao, khinh chê người khác. Tất cả chúng ta chỉ là người đang tu mướn; muốn được trả công một cách hoàn hảo thì Thiền Mật song tu, thiền trí tuệ và từ bi – pháp thiền vi diệu của vị Đại Sĩ Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm sẽ trả công cho chúng ta một cách bội hậu bằng trí tuệ và từ bi, bằng phước báu và công đức. Có được phước báu, có được công đức, người xưa nói: “Có đức mặc sức mà ăn”, bạn sẽ dư dả đồ ăn về tinh thần và thể chất hằng ngày trong cuộc sống.

Hãy mướn nhau tu đi! Và Phật đang mướn các bạn tu! Hãy hãnh diện là người được Phật mướn, để tu được trả quả trí tuệ và từ bi! Ai nói kệ họ! Ai nói mình tu cầu, tu xin kệ họ, không sao hết! Bạn tu cầu, tu xin mà bạn có thể như ông cụ kia, nhập vào đại định còn hơn tu theo kiểu của họ mà cuối đời của họ cứ lăng nhăng, chê bai, gièm pha, thêm bớt, thì cái thiền đó, cái tu đó có ý nghĩa gì đâu? Ta tu thật công bằng, nhân quả thật công bằng, ta tu mà được nhân quả trả công cho chúng ta. Gọi là công phu tu mà, có công phu để tu thì dĩ nhiên có thành quả. Thành quả là sự trả quả!

Ngôn ngữ thôi, ngôn ngữ thôi, có gì đâu mà rối não, có gì đâu mà rắc rối, có gì đâu mà khó chịu?! Nếu chúng ta không chấp giữa hai bờ của ngôn ngữ, của thuật ngữ. Như thiền sư Bạch Ấn đâu có chấp gì đâu, phương tiện đó mà ông cụ được vào đại định. Phật không bao giờ chấp chúng sanh bởi vì Phật là bậc đại giác đại ngộ, Ngài đã ứng dụng phương tiện thiện xảo từ trong những ngày đầu khi Ngài khai nền đại đạo Phật giáo. Phương tiện đến mức mà mỗi một con người ở trình độ khác biệt, ngôn ngữ khác biệt, phong tục khác biệt, căn cơ khác biệt, Ngài đều dẫn dắt cho họ tu để được. Mà chữ “được” đó được ẩn tàng trong ngôn ngữ thật cao siêu gọi là thực chứng.

Thôi! Ngôn ngữ là như thế! Đừng vòng quanh như ông Trịnh Công Sơn đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Loanh quanh trong ngôn ngữ như cái cù nó quay, hết lực nó té, đổ ngã xuống mà thôi. Đừng tranh luận nhiều để cuối cuộc đời hết sức, té xuống vực sâu than ôi cuộc đời đã qua, bao nhiêu năm tháng chẳng tu để được gì.

Hãy là phận tu mướn và được Đức Phật mướn ta tu! Hãnh diện vô cùng!

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Chúng con thật là vui khi nhận ra mình cũng chỉ là phận tu mướn để được trả cái quả Trí Tuệ và Từ Bi theo Thiền Mật song tu. Trí Tuệ và Từ Bi chúng con được lãnh nhận là phước báu và công đức nhưng chẳng bao giờ giữ cho mình, biết theo lời Phật khai thị, hồi hướng cho mọi chúng sanh. Xin Phật gia trì cho chúng con vẫn luôn luôn giữ phẩm hạnh tu mướn trong cuộc đời!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng!

Thưa Phật! Sự đồng tu hôm nay, chúng con nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts