Search

Bài 2184. Khóc Òa Tìm Bóng Tối | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi! Chúng ta đã vừa chào nhau và gửi lời từ bi, năng lượng trí tuệ tới với tất cả; đó là sự đồng tu. Lời chào đầu là sự chúc lành sự an lạc và chúc cho nhau luôn có trí tuệ tỉnh giác. Giờ đây đã đến giờ đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng từ bi xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con Chánh Niệm hơi thở quán chiếu thấy thật rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con một lòng nguyện xin Chư Phật gia trì cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Hồi hướng cho các bạn đồng tu và muôn người thân tâm thường lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học. Hồi siêu cho chư vị hương linh theo thiện nghiệp tái sanh cảnh thiện lành. Xin Chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái; bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi!

Từng hơi thở vào ra đi vào Chánh Niệm Thiền Mật song tu Thất Bảo Huyền Môn Trí Tuệ Và Từ Bi, mỗi một bạn đồng tu trong chúng ta sẽ đón nhận được thật nhiều, thật nhiều năng lượng của Chư Phật ban rải xuống. Đây là sự khác biệt! Các bạn phải có một lòng thành kính, chân thật và khiêm tốn khép mình lại trong Chánh Niệm để đón nhận và hồi hướng tới cho muôn người chúng ta yêu thương.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:20) Mô Phật! Các bạn ơi, đang như thế này mỗi người chúng ta vừa tổng trì hai Mật ngôn từ bi và trí tuệ; đó chính là lời hồi hướng – một lời hồi hướng siêu thế bởi chúng ta nương vào đấng đại giác đại ngộ, chúng ta tiếp nguồn năng lượng từ bi – trí tuệ từ các đấng giác ngộ ấy, rồi mang năng lượng từ bi đó, chúng ta hiến tặng, trao cho nhau qua lời chào Mu A Mu Sa. Chẳng phải đưa tay hứng nắng mặt trời mà chúng ta mang cả trái tim đón nhận năng lượng trí tuệ của Chư Phật. Để trái tim tăm tối ngục tù này đây bừng sáng ra, rồi mang cả trái tim tỉnh giác đó hiến tặng cho người mình yêu thương.

Lời chào nhau khi bắt đầu trong những buổi đồng tu, lời chào Mu A Mu Sa, lời chào NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là lời nguyện chúc tốt lành, thiện lành, vi diệu. Các bạn hãy nhớ, chúng ta hãy bắt đầu buổi đầu tu bằng những lời chào như vậy để dọn sạch cái tâm ngổn ngang trong bao nhiêu sự rắc rối của cuộc đời làm cho tâm mình thanh tịnh, tinh tuyền, trong sáng. Xứng đáng đón nhận năng lượng tha lực Phật điển đại từ đại bi và trí tuệ của Phật để sửa đổi cuộc đời của mình và hiến tặng đời mình cho nhau.

Đó là niềm vui mỗi một ngày Bảo Thành ngồi ở đây, dù ở trên khuôn hình của cái phone đơn giản để thâu. Nhưng thật sống động bởi chúng ta thật xa nhau trong thời kỳ giãn cách của đại dịch nhưng gần gũi với nhau bằng năng lượng tình thương và trí tuệ. Điều này chứng tỏ rằng pháp của Chư Phật không có giới hạn, nó là vô tận tận hư không pháp giới. Như biển trời mênh mông không có một vẩn đục đen của những đám mây mù hoặc là sương, mà là toàn năng lượng tỉnh giác và từ bi lan tỏa tới cho nhau.

Thật vui, vui vô cùng, vui khôn xiết khi chúng ta còn có thể gạt tất cả những lo lắng của đời thường ngồi xuống với nhau đồng tu. Chỉ một giây trực tiếp hay gián tiếp trên màn hình, chúng ta đều bình đẳng đón nhận được năng lượng vi diệu, năng lượng thanh tịnh, năng lượng tích cực để thúc đẩy chúng ta vượt qua những chướng ngại, vượt qua những thử thách, vượt qua những thất bại để đẩy lùi những bóng tối chập chờn như ma ở trong tâm để tiếp cận với Chư Phật và Bồ Tát, Thánh Hiền. Từng bước chân trong cuộc sống nhất định sẽ an lạc!

Các bạn! Hãy tinh tấn đồng tu!

Chúng ta trở về với chủ đề – một chủ đề mà thực tế ai trong chúng ta cũng đã từng trải hoặc có các bạn hiện trạng bây giờ đang như vậy: “Khóc Òa Tìm Bóng Tối”. Ai trong chúng ta không có nhiều lần khóc oà lên, vỡ òa ra khóc rồi vội vàng chạy chạy tìm một chỗ nào chui đầu vào – chui đầu vào trong bóng tối hoặc chui đầu vào trong cái giường, lấy cái mền, tấm đệm hoặc cái gối che kín đôi mắt, khóc òa từ giờ này qua giờ sau liên tục không ngừng bởi những uất ức, những tủi hận, những sầu đau, pha trộn lẫn sự ghen tuông, hơn thua, thắng bại ở đời. Con người luôn luôn mang ở trong lòng biết bao nhiêu những cảm xúc của vui buồn, của ưu tư, của sầu muộn, của lo lắng, của sợ hãi. Con người là như vậy! Và Bảo Thành cùng các bạn cũng đã từng khóc òa rồi. Vỡ òa ra không kìm được!

Nhớ lại thuở năm xưa cách đây khoảng chừng 20 năm, khi Bảo Thành lần đầu tiên tới ngôi chùa này đây; lúc đó hoang vắng, chỉ là một nông trại bỏ hoang. Tôn tượng Phật Thích Ca được cúng dường; đó là tôn tượng đầu tiên ở trong khu rừng cây chỗ mà Bảo Thành chọn để an vị Ngài. Nó nằm ở trong những cái cây che chắn chung quanh, xe không thể vào, hút đất cũng không được, ủi đất cũng không ra. Tại vì cây mà Bảo Thành cũng không muốn cưa cây, muốn giữ cho sự thiên nhiên tự tại vốn có nơi đây được luôn luôn trường tồn. Hơn thế nữa là thời đó không có tiền để thuê xe ủi, xe hút, có chăng là Bảo Thành chắt chiu mua được một cái cuốc chim dài cỡ bao đây (tầm hơn 35cm) và một cái xẻng vậy thôi, cùng một cái xà beng. Đó là ba thứ dụng cụ thật thô sơ của người Việt nhưng bên Mỹ họ vẫn sử dụng trong những trường hợp như thế.

Ngày ấy Bảo Thành một mình đào một cái hố sâu khoảng chừng 2m để xây tượng đài tôn trí Đức Phật. Một mình đào thôi, vào những giờ rảnh rỗi, nhưng giai đoạn đó, biết bao nhiêu thử thách ngang trái dồn dập tới từ oan gia trái chủ và biết bao nhiêu sự rời bỏ ra đi ở trong cái gọi là ái biệt ly đó: thương mến, thích thú, chấp thủ, bất chợt nó biến mất. Tủi tủi ở trong lòng, tủi đến mức mà cứ đào, cứ đào, cắm cúi đào. Đào xuống độ chừng 1m ở dưới đó nhìn lên, cứ ngóng ngóng rằng có đệ tử, có Phật tử hoặc có ai đó bất chợt nhận ra, tiến gần tới và hỏi, để rồi cùng nhau nhảy xuống để đào. Nhưng nhìn mãi nhìn mãi chẳng có một bóng người xuất hiện, thấy cũng tủi. Xứ lạ quê người, một mình dưới hố sâu, đào, đào như thế mà không ai giúp đỡ trong thuở ban đầu. Tủi, buồn, biết bao nhiêu cảm xúc dồn dập kéo tới. Và trong cái hố sâu chưa phải là tận cùng ấy, Bảo Thành đã vỡ òa khóc một mình.

Nghĩ lại thấy thương và cũng thấy kỳ kỳ, lớn tuổi rồi vậy mà vẫn khóc. Khóc một cách thoải mái, khóc một cách tự tại, khóc mà nước mắt chảy ra như suối không thể dừng lại được. Vừa khóc vừa nghĩ, tay chân run rẩy, mà ở đâu? Ở dưới hố sâu! Nhưng bất chợt nghĩ, đây chẳng phải là hố sâu chôn thân để cho mình khóc hoài, để tiếng vỡ òa kia ngân lên một khúc rồi tận diệt muôn thuở. Nhưng đây là hố sâu để xây dựng một tượng đài để tôn trí tôn tượng Đức Bổn Sư – bậc giác ngộ. Nghĩ sơ như vậy, nước mắt ngắn dài liền ngưng, nụ cười mở ra và có sức mạnh phi thường hình như được chuyển tới. Mình đào, mình bới và trong độ chừng 03 tiếng, thuở đó mình đào sâu đến 2m, rộng 1m5 chu vi hình tròn, bao nhiêu khối đất cứ hất lên với cái xẻng thật ngắn, với cái cuốc chim và cái xà beng.

Ngày nay đi nhiễu quanh chỗ tượng đài của Đức Phật Thích Ca đó, mình vẫn thấy biết bao nhiêu kỷ niệm của nước mắt hình như đã tẩm xuống ngay dưới chân của Phật đài. Để từng lúc nhìn lại, hồi tưởng về một thời quá khứ mình đã khóc oà, chẳng tìm trong bóng tối nhưng mà ở sâu dưới lòng đất. Ai trong chúng ta các bạn à, cũng từng vỡ òa khóc và chạy tìm một chỗ nào đó. Thuở nhỏ thì vùi vào lòng mẹ khóc tức tưởi không biết vì lý do gì. Lớn lên đôi khi có mẹ hoặc có cha, đôi khi chúng ta lại vùi vào chăn gối hoặc chạy tới một quán nhỏ bên góc phố, ngồi uống ly cà phê trong bóng tối, một mình tư lự, nước mắt dài ngắn. Cảm xúc luôn luôn tới với cuộc sống của con người!

Trong những cái khổ mà Đức Phật nó tới, ái biệt ly là phải chia tay với những điều ta yêu thích, những con người ta yêu quý. Đó là một trong những cái vô thường mà mấy ai nhận ra được? Đức Phật – bậc giác ngộ, Ngài đã nhìn ra! Trong ba tháng cuối của cuộc đời Đức Thế Tôn, khi đang trên con đường trở về Kushinagar. Trở về Kushinagar để tịnh diệt nhập Niết Bàn; đó là văn chương. Ba tháng cuối của cuộc đời Đức Phật nói rõ, là đang đi dần tới sự chết. Kushinagar là nơi địa điểm Phật muốn tới để trút hơi thở cuối cùng của đời người. Nhưng từng bước chân trở về đó, Ngài vẫn không quên chúng sanh đâu. Ngài luôn luôn tưởng nhớ và thương yêu chúng sanh như người mẹ. Bởi Ngài thấy rằng trong thế gian này, mọi chúng ta, thường vỡ òa ra khóc và vùi đầu vào bóng tối của tội lỗi, của bất thiện nghiệp. Thương xót cho chúng sanh như vậy nên từng bước chân an lạc cuối cùng, Ngài vẫn luôn luôn nhớ đến chúng sanh. Ngài nhận thấy chúng sanh như vậy, cứ cười cứ vui; chúng sanh chỉ biết cười biết vui trong những điều hoang tưởng trong khi ở những vùng tăm tối, tội lỗi, không có lối thoát. Mà cứ cười cứ vui thôi! Cho nên Phật mới khuyên chúng sanh là hãy tỉnh thức và tự thắp đuốc, mang đèn trí tuệ để mà đi. Đừng ngồi đó vùi đầu trong bóng đêm u tối của vô minh, tạo nghiệp, khóc òa, than vắn thở dài.

“Khóc òa tìm bóng tối” là tính trạng của con người vẫn còn trong vô minh, chưa nhìn thấu. Phật thương chúng sanh như vậy! Phút cuối cuộc đời, Phật luôn nhớ và hướng dẫn cho mọi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Đừng nương vào một vật gì, một thứ gì. Hãy nương vào chính tự lực của bản thân, hãy nương vào chánh pháp và chánh pháp là ngọn đuốc vi diệu để ta đi trên chánh pháp đó với ngọn đuốc trí tuệ của chánh pháp mà vượt qua những bóng tối ta từng vùi đầu trong vô lượng kiếp khóc òa than vắn cho những điều ta đã tạo tác ra bởi bất thiện nghiệp mà không hay.

Bảo Thành nhớ rằng Bảo Thành khóc một cách vu vơ cho ái biệt ly là bởi vì khi trở về ngôi chùa này, bạn bè lìa xa, đệ tử cũng chia tay, Phật tử cũng không bao giờ tới, chỉ có một mình trong thuở thời gian ban đầu. Đào cái lỗ sâu xây tôn tượng cho Phật đấy, mà khóc. Bởi vì ta bị rời xa, ta bị ruồng bỏ, không còn ai, cô đơn, tủi hờn, sao không khóc? Các bạn cũng khóc như Bảo Thành nếu ở trong tình trạng như vậy! Ở một đất nước xa xôi khi người thân không gần, khi muôn bạn bè đã rời xa, tủi, tủi phận cô đơn đó mà, và khóc. Nhưng chỉ một giây phút nhớ rằng dù chỉ có một thân một mình với những khí cụ thô sơ, vật dụng bình thường, xẻng, cuốc chim và xà beng, nhưng có thể đào được đấy nếu ta hướng đến điều cao đẹp. Chính cái lỗ này không phải chôn thân ta trong bóng tối để khóc mà là xây một tượng đài cho Đức Phật. Nếu nhìn thấy trong cuộc đời của mình, toàn bộ bao nhiêu ác nghiệp, điều xấu xa, tội lỗi, sai phạm của chúng ta như một hố sâu tăm tối, ta không thể thoát được và đang khóc than cho số phận đó, thì đúng thôi, không sai. Nhưng chúng ta liên tưởng hướng tới một điều cao cả hơn trong cái hố sâu của thân xác tội lỗi, nghiệp chướng nhiều đời của chúng ta đã phạm, nếu có thể đào sâu hơn nữa tới cái thềm của chân tâm thanh tịnh để đổ cái nền móng xây một tượng đài cho Chư Phật hiển ngự trong trái tim tội lỗi này, thì nhất định trong tâm của chúng ta sẽ trở thành một tòa sen tỏa sáng!

Hiểu được những cảm xúc là vô thường để trong chính cái vô thường đó, ta sẽ xây dựng một sự thường lạc, thường trụ của Phật trong tâm. Cảm xúc đau buồn cũng tới từ tâm tưởng và cảm xúc vui, hướng thiện cũng tới từ tâm tưởng; bắt đầu từ chữ “tâm” mà ra. Tâm ma hay tâm Phật cũng tùy theo sự suy nghĩ của chúng ta, sự tu tập và hướng tới của chúng ta. Nếu hướng tới bóng tối của sự bất thiện, ta sẽ chiêu cảm ma tới và khi chiêu cảm như vậy, ma sẽ tới, khổ cho ta, năng lượng bất tịnh sẽ tràn vào. Nếu chúng ta hướng tới điều thiện lành thì chúng ta sẽ cảm ứng được với Phật. Và Bảo Thành nhớ thật rõ, trong hố sâu bóng tối một mình cô đơn tủi hận đó, mình khóc. Đã chiêu cảm cảm xúc thầm lặng chất chứa ở trong lòng nên mới uất ức, mới tủi và nước mắt chảy ra. Đang như vậy mà òa, các bạn có biết khóc òa không? Các bạn có biết là khi ta vỡ òa ra khóc, khóc một cách ngọt xớt như những vũ điệu thăng trầm của cuộc đời bằng nước mắt mặn trên bờ môi? Đầy đủ mọi cảm xúc! Con người cần phải lắng đọng một chút để cảm nhận cảm xúc đó. Và nhất định trong cảm xúc đau đớn của bóng tối kia như Phật đã nói: “Có gì vui để cười trong sự thiêu đốt của bóng tối vô minh bất thiện nghiệp nhiều đời đang diệt tận chúng ta?”. Và câu kế tiếp là: “Sao không đi tìm một sự sáng tâm linh để vươn dậy, để thoát ra?”.

Hoàn cảnh của Bảo Thành chính xác là như vậy! Nghĩ tới hố sâu này, biết ngay đây là tượng đài cần phải tôn tạo, an vị Phật. Chính thời điểm đó, tâm đã tìm tới ánh sáng của tâm linh Đức Phật Thích Ca. Nên toàn bộ nước mắt kia không còn là sầu bi ai oán, tức tưởi, khóc than mà trở thành châu ngọc của sự soi dẫn ánh sáng tâm linh của Phật mà thấm xuống đất cho nó mềm ra, để mình có thể đào được nhanh hơn. Nếu nghĩ sâu một chút xíu, mọi hành động, mọi tạo tác, mọi sự việc trong cuộc đời của chúng ta, đều trở thành những ý nghĩa cao cả để sách tấn tự thân của mình tăng trưởng và sẵn sàng làm sạch tâm của mình bằng cách buông bỏ những cảm xúc vớ vẩn vô thường. Để trụ vào trong sự cảm ứng liên thông với tuệ giác của Chư Phật để trở thành một dũng sĩ đào thật sâu xuống cái mồ chết của cuộc đời nơi thân xác này, xây một tòa cho Đức Như Lai ngự tới trong cuộc đời.

Quán chiếu vô thường là Mật ngôn số 02, nhìn thấu được vô thường dù là cảm xúc tạo cho bạn vỡ òa, tức tưởi, khóc than, vùi đầu vào bóng tối, thì nhớ rằng đó vẫn chỉ là sự vô thường mà thôi. Ái biệt ly là một điều luôn luôn rất thật và xảy ra trong cuộc đời của mỗi người!

Có một bà cụ có một người con bị mất; người con duy nhất. Bà cụ buồn vô cùng, bà cụ khóc, khóc một cách tiều tụy. Bởi đứa con duy nhất đã chết! Rồi bà cụ tìm tới Đức Phật và hỏi Phật rằng: “Thưa Phật! Xin Ngài hãy thương xót con. Đứa con duy nhất đã chết rồi. Xin hãy mang nó lại, đánh thức nó để trở về với cuộc sống!”. Phật rất từ ái trong hoàn cảnh đau đớn tột cùng của người mẹ, đã nhắc nhở với người mẹ rằng: “Ta sẽ đánh thức và làm cho con của bà sống lại nếu kèm theo một điều kiện là bà hãy mang cây đèn đi tới nhà nào đó, xin họ một chút lửa thắp sáng vào ngọn đèn mang về. Nhưng phải là nhà của ai chưa có người nào chết!”. Tin vào Phật, bà cụ mang đèn đi khắp thôn xóm, thành thị, gõ cửa để xin chút lửa từ nhà của những ai chưa có người chết. Đi miệt mài mãi, nhà nào cũng có người chết và chẳng thể xin được một chút lửa nơi ngôi nhà chưa có sự chết. Trở về diện kiến Phật, Phật mới khai thông cho bà hiểu được sự vô thường của sanh tử biệt ly. Chấp nhận sự vô thường, hiểu được điều đó, bà bắt đầu sẵn sàng để cho đứa con trở về với thiên nhiên và theo Phật học đạo. Chúng ta cũng như thế, sự khóc òa trong cuộc đời là không thấu hiểu được sự vô thường sanh diệt của vạn vật, của cảm xúc, của cảm thọ.

Nhiều người tậu được một chiếc xe, một chiếc xe nếu nói như Việt Nam là Honda loại mới, đắt tiền. Nhưng rồi cho một người bạn mượn chạy đi, nó tông làm cho chiếc xe hư hết. Tức tưởi khóc, giận người bạn. Cứ nghĩ chiếc xe đó là gia tài vô giá và rồi ruồng bỏ bạn bè của mình. Nhưng đâu khi nào hỏi rằng biết đâu nếu trong giờ khắc đó không phải là bạn ngồi mà là ta ngồi, xe tông chưa chắc đã giữ được mạng. Suy nghĩ ngược suy nghĩ xuôi, suy nghĩ và tư duy dựa trên nền tảng phước báu của nhân quả để nhìn nhận mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời, ta sẽ phấn khởi hơn mà vượt qua chướng ngại và thất bại, sự hư hao, mất mát của cuộc đời để giữ được sự an vui và hạnh phúc.

Chúng ta nhất định đã nhiều lần mất của, rồi nối tiếc, rồi hối tiếc…Ôi cha khóc, ôi cha buồn! Chúng ta nhất định đã nhiều lần chia tay với người thương như tình bạn trong học đường hoặc là tình yêu trong cuộc đời. Khóc! Chúng ta nhất định đã có sự thành và bại. Khi thất bại, xuống chó, lên voi, mất hết của cải vật chất, gia tài, mất quốc gia, mất người thân, mất người kính trọng, mất cha, mất mẹ. Ta khóc, ta khóc và ta cứ khóc! Trong cái khóc òa, ta tạo điều kiện cho bóng tối của tội lỗi tràn về xâm chiếm chúng ta. Và nhất định trong những giây phút sầu bi ai oán đó, ta thường một mình chui đầu vào bóng tối hay một góc nào đó, tư lự một mình. Và đâu đó có những bóng ma chập chờn và nhìn thấu được tâm trạng cảm xúc đau khổ, buồn của chúng ta, nó tiến tới thật gần, mơn trớn bằng những lời ngọt ngào vuốt ve. Để rồi nhập vào tâm cảm của ta mà chạm vào nỗi buồn cô đơn, tủi nhục, tủi hận kia để đồng cảm trong cái nụ cười. Và thế là ta sa ngã vào bóng tối của tội lỗi nhiều lắm, nhiều lắm! Biết bao nhiêu những con người đã vì thế mà đánh mất đời sống trong sạch. Biết bao nhiêu con người đã vì thế mà làm những việc tội lỗi, sa đọa.

Các bạn hãy nhớ, muôn sự ở đời tạo cho bạn buồn, bạn khóc chính là bởi vì chúng ta chưa thấu hiểu được vạn pháp vô thường sanh diệt tới lui. Những cảm giác và tất cả những gì ta có, sờ được, chạm được, cảm được, thấy được đều có đó rồi mất đó. Phải hiểu thấu được điều này, thì ta sẽ không khóc òa cho những sự tủi phận của cuộc đời. Mà ta sẽ vỡ òa ra khóc bởi vui sướng thấy được ánh sáng đạo mầu hiển lộ trong sự chánh tư duy. Không phải trong hố sâu Bảo Thành đào đó, nghĩ đến cái hố này sẽ xây tượng đài để mà cười đâu. Vẫn khóc, nhưng cái khóc đó không phải vỡ òa trong tức tưởi, trong chia tay, trong sự ruồng bỏ của mọi người. Nhưng tiếng khóc vẫn chảy. Tiếng khóc lúc đầu là tức tưởi, tủi hận, buồn, tiếng khóc đoạn hai là tiếng khóc của điệp khúc vui mừng vì nhận ra nơi đây tôn tượng của Đức Bổn Sư Thích Ca sẽ thường trụ mãi mãi. Bởi vì khóc nó cũng có đầu bài và thân bài, nó cũng có khúc dạo và điệp khúc, lúc đầu khóc tức tưởi, điệp khúc là khóc vui mừng. Chúng ta nếu khéo nhìn và tư duy theo lời Phật hiểu thấu được vô thường, thì nước mắt tức tưởi, tủi hận ban đầu chỉ là sự dạo đầu trong cảm xúc mà thôi. Còn chiều sâu của sự suy nghĩ hiểu thấu, thì điệp khúc là những giọt châu ngọc chẳng phải là nước mắt khóc òa, vỡ òa nữa, mà là điệp khúc vui sướng của đời người. Ta đã nhận ra trong sự đổ nát của thân này, của trái tim tăm tối này, của khối óc bất thiện này, vẫn có thể hòa trộn chôn vùi lại với nhau tạo thành một khối thật cứng trong sự thanh tịnh, xây một cái trụ, một cái tượng đài để Phật hiển ngự nơi cuộc đời đổ vỡ của chúng ta.

Khóc, khóc vui sướng chẳng phải khóc òa cho tủi buồn, sân hận! Cũng là khóc thôi, nhưng cảm xúc khác biệt! Bạn muốn khóc òa tìm bóng bởi tủi hận, buồn, bởi chia tay với những điều thích thú, bởi ái biệt ly, hay bạn muốn khóc òa bởi sự sung sướng đều là do sự lựa chọn trong sự tư duy của chúng ta. Để biến cuộc đời tưởng chừng như vô dụng nơi mình thành một mảnh đất tức là Phật địa hữu dụng cho chính tự thân và cho biết bao nhiêu những người đang sống gần gũi với chúng ta. Các bạn khóc òa tìm bóng tối là chuyện rất thường của đời người. Nhưng nếu chúng ta cứ vỡ òa khóc lăn vào trong bóng tối để vùi đầu trong tội lỗi. Thì ta đang chôn vùi thân xác và cuộc đời mà đấng bậc sinh thành là cha, là mẹ, là ông bà, cửu huyền thất tổ đã dành dụm biết bao nhiêu phước báu nhiều đời để kết tạo nên cái thân này cho chúng ta. Chúng ta đang hủy diệt công đức của người xưa. Chúng ta nhất định không vùi đầu vào trong bóng tối để làm những chuyện tội lỗi điên khùng! Phải tư duy và hiểu thấu trong câu số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – một câu mà chúng ta tâm sự với Phật rằng: “Phật ơi! Xin Ngài cho con cái ánh sáng của tâm linh, ngọn lửa của trí tuệ, sự bừng tỉnh của giác ngộ. Để con có thể thắp sáng ngọn đuốc tự tâm, đi vào và xuyên suốt trong bóng tối của tội lỗi nơi con. Để nhìn ra giá trị của cuộc đời mà tái tạo, xây dựng lại một tượng đài viên mãn trong chánh niệm của hơi thở”.

Các bạn! Ngày đó Bảo Thành đào cái lỗ là bởi vì tôn tượng Phật đã tới. Xây dựng tượng đài, không phải đào lỗ để chôn thân mà khóc. Ngày nay chúng ta đào sâu vào cuộc đời là bởi vì Phật đã tới với mỗi người chúng ta qua chánh niệm hơi thở, qua Phật ngôn từ bi Mu A Mu Sa, qua Phật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Chánh tư duy bằng trí tuệ và từ bi, chúng ta sẽ khóc òa vui sướng bởi Phật đã tới, đã ghé ngang cuộc đời, đã chạm vào tâm cảm của chúng ta, đã gõ cửa và nói rằng: “Con ơi! Mở cửa ra đi, ta đã tới!”. Chúng ta có muốn mở cửa tâm thức tối tăm, vô minh, tội lỗi của ta, để đón mời ánh sáng giác ngộ của bậc đại giác là Phật đi vào hay không? Để từ đó ta có thể tự thắp đuốc trí tuệ của Phật chứ không phải trí tuệ của phàm phu nghe các bạn, để đi?

Chúng ta đau, chúng ta khổ, chúng ta buồn, chúng ta vùi đầu vào trong bóng tối của những sự hứa hẹn ai đó đang dùng những thuật ngữ tâm lý để làm cho lòng được vui, được sướng trong những chuyện rất phàm phu để đâu lại hoàn đó, ngựa quen đường cũ, lại trở về với vết tích của sầu muộn, tang thương. Những thuật ngữ tâm lý của loài người sẽ lại dẫn đường chúng ta, tròng mũi chúng ta, kéo về nơi cái hố sâu của đau khổ. Cho nên khi đã tìm, khóc òa tìm, thì đừng tìm bóng tối, phải tìm ánh sáng; đó là ý nghĩa của ba tháng cuối cùng ở Kushinagar mà Đức Phật dạy. Nếu trong cuộc đời chúng ta làm một cuộc đi tìm kiếm trong nước mắt, trong khóc oà, trong vỡ òa, thì sự tìm kiếm đó đừng tìm kiếm bóng tối mà phải tìm ánh sáng, tìm ngọn đuốc. Hãy tìm ngọn đuốc của tự thân nơi chính tự lực nương vào chánh pháp để giải thoát mình khỏi đau khổ. Đã vỡ òa và đã đi tìm, thì đi tìm ánh sáng; Phật nhắc nhở như vậy. Đừng tìm bóng tối!

Chúng ta cứ chạy rượt đuổi theo bóng tối khi đau, khi tủi, khi sầu, khi bi. Tại sao phải tìm bóng tối? Giữa cục kẹo và cục đá, trẻ con còn biết lựa cục kẹo huống hồ chi là chúng ta, giữa bóng tối và ánh sáng thì nhất định ánh sáng là điều ta phải lựa chọn; không có ép buộc, đó là sự tìm tự nhiên. Ai trong chúng ta không khóc òa, không vỡ òa ra trong những sự ái biệt ly, chia tay với điều và những con người ta yêu thích đâu? Chia tay với người yêu, với cha, với mẹ, với bạn bè, những người thân, thuở học đường chia tay với bạn học, thuở xa làng lên thành phố chia tay với thôn xóm, biết bao nhiêu những cuộc chia tay trong cuộc đời liên tục xảy ra. Và như vậy cứ khóc và đi tìm bóng tối vùi đầu vào trong quá khứ như đào mồ chôn thân. Đã đi tìm khi vỡ òa, khi khóc òa, thì tìm ánh sáng, ánh sáng của tâm linh; đó là lời nhắn nhủ của Phật trong ba tháng cuối cùng còn tại thế trên trần gian trước khi trút hơi thở cuối cùng. Nếu theo Phật, lời dặn dò cặn kẽ trong những giây phút cuối cùng ấy, chúng ta phải khắc cốt ghi tâm, nhớ nhớ ở trong lòng để thực hiện. Đã tìm khi vỡ òa khóc cho những sầu muộn của cuộc đời, thì tìm ánh sáng tâm linh để thắp đuốc mà đi, đừng tìm bóng tối để vùi đầu vào trong đó khóc mãi từ kiếp này qua kiếp sau.

Sự lựa chọn đó, các bạn có chọn như vậy hay không hay là vẫn trở về với bao nhiêu kiếp luân hồi khóc òa tìm bóng tối? Đừng, đừng, đừng! Thế Tôn như người mẹ, như người cha nhân từ, pháp của Ngài tồn tại muôn thuở không bao giờ bị tận diệt. Pháp của Phật chỉ tận diệt trong những cõi lòng khép kín, không biết mở ra đón ánh sáng mà thôi. Bởi pháp nhà Phật là chân lý, đã là chân lý thì không bao giờ bị tận diệt! Tận diệt là tận diệt nơi ta không biết mở ra để đón nhận, mà đóng kín nó lại như nhà tù nhốt mình trong đó.

Hãy vui sướng lên các bạn ơi! Bởi ta đã cảm ứng được qua chánh niệm hơi thở từ bi và trí tuệ, cảm ứng và nhận thật rõ Phật đã tới với chúng ta. Phật không còn trên thế gian bằng xương bằng thịt như một con người ta có thể diện kiến, chạm sờ và nhìn thấy. Nhưng Phật có thể tới bằng cái tâm Phật cảm ứng với Phật qua năng lượng từ bi và trí tuệ, qua tha lực Phật điển vi diệu siêu thế. Và như vậy, nhất định Bảo Thành và các bạn từ bây giờ và lúc này, chúng ta sẽ vỡ òa ra sung sướng, khóc trong sự vui mừng bởi trong kiếp này, đời này, ta có thể thể hội vào chánh niệm hơi thở, để tiếp hiện chân lý hằng sống của Đức Phật qua luồng Phật điển năng lượng tình thương. Và đó là ánh sáng vi diệu của bậc trí tuệ, của bậc đại từ đại bi! Thân phận làm người nhỏ bé tội lỗi, vậy mà kiếp này chúng ta còn có thể cảm ứng được, thì còn có điều gì vĩ đại hơn, còn có điều gì lớn lao hơn mà chúng ta không vỡ òa ra khóc trong sự sung sướng ấy?

Hãy vui lên! Hãy khóc trong sự sung sướng bởi Phật đã tới với chúng ta! Và nhớ, khi Phật đã tới với cuộc đời, hãy mang Phật tới với muôn người trong tiếng khóc sung sướng. Bởi ngày nay, trong phận làm người nhỏ bé của chúng ta, tội lỗi tràn ngập, Phật vẫn tới để tiếp hiện chân lý vào trong trái tim, trong ngục tù đen tối. Để khai thông trí tuệ, để chúng ta có thể nhìn thấu vạn pháp là vô thường, ái biệt ly là khổ. Đó là một hiện trạng luôn xảy ra trong kiếp người, nơi cõi nhân sinh!

Các bạn! Khóc òa tìm ánh sáng bởi sung sướng gặp được Phật, đừng khóc oà tìm bóng tối để vùi đầu trong tội lỗi!

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Chúng con đã hiểu chúng con sẽ vỡ òa khóc lớn trong sự sung sướng để tìm ánh sáng Trí Tuệ bởi Chánh Niệm hơi thở Từ Bi của Trí Tuệ mà mười phương Chư Phật đã ban rải xuống cho chúng con. Và hứa một lòng sẽ không khóc òa tìm bóng tối trong tội lỗi nữa. Xin Chư Phật gia trì cho chúng con luôn tinh tấn!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng!

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts