Search

Bài 2154. Chưa Hề Phân Ly | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bích Phượng đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi! Chúng ta hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu thấy rõ các pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn. Chúng con đồng nguyện cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Thành kính nguyện cầu cho chư vị hương linh theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Luôn nhớ rằng trong Thiền Mật song tu, hơi thở Chánh Niệm vào ra, thiền trí tuệ, thiền từ bi giúp cho chúng ta gắn kết, đón nhận được năng lượng từ Chư Phật qua mật chú Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Với lòng thành kính đón nhận năng lượng vi diệu này, chúng ta cũng hồi hướng tới cho những đấng bậc sinh thành, cho gia đình, bạn bè, cho người thân, cho cộng đồng xã hội và nhân loại.

Chúng ta hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(15:03) Các bạn! Hôm nay chúng ta đi thẳng vào chủ đề để Bảo Thành suy nghĩ đôi chút để chia sẻ về chủ đề này theo tinh thần của Phật pháp. Chưa Hề Phân Ly, bốn chữ này trong một câu nghe có vẻ sang, cái ngôn từ sang, sang thuộc về thể loại tình cảm yêu thương. Là con người chắc có lẽ ai cũng nhiều lần chạm vào cái cung bậc cảm xúc của một hoặc nhiều lần phân ly với người yêu. Và trong cái cung bậc cảm xúc khi phân ly với người yêu đó, ta vẫn cảm nhận như chưa hề phân ly với một người đã ra đi. Để từ đó nhìn hiu quạnh trên con đường xưa còn dấu chân ai đó song đôi một thuở nào, ta cứ ngậm ngùi nhớ mãi. Và hình như nhận thấy ta chưa hề phân ly với người đã ra đi, nước mắt chảy, buồn đến tê tái tím lịm tâm hồn, thật sự buồn bởi người ra đi xa tầm với nhưng trong lòng vẫn luôn luôn thầm nhắc: “Ta chưa hề phân ly!”. Đó là chuyện tình của con người; con người vẫn còn có ái tình, có cảm xúc!

Chúng ta có thể là bậc cha mẹ phân ly với con cái. Thuở xưa Bảo Thành thấy (thật sự là chỉ chia xa thôi), chứng kiến những cảnh đám cưới, ôi người mẹ vợ khóc lên khóc xuống, cô dâu thì khóc trời ơi bởi vì đi lấy chồng, hai người bị chia ra, cô dâu đi về nhà chồng ở thôi mà khóc. Đó cũng là một cảnh buồn khổ trong sự phân ly khi đã có tình cảm yêu thương giữa cha mẹ và con cái! Rồi trong tình bạn, có những chuyến tàu hoàng hôn chia tay bạn đi xa, tiếng còi vừa vang lên rồi vụt bay biến mất, ta lặng nhìn bạn đã xa. Đời có thật nhiều lúc ta đã chia tay với bạn trên những chuyến tàu hoàng hôn như thế! Cũng có thể có những chuyến tiễn bạn đi ra tới phi trường, đi mãi chẳng thể về. Có cả những người tiễn bạn ra đi trên những cái lượn sóng bồng bềnh của biển khơi, để rồi mãi mãi không bao giờ gặp được người đó trở về nữa, để ngồi buồn, nhớ. Mỗi khi ra tới bờ biển, họ nhìn sóng và mường tượng rằng như biển đưa em về hoặc biển đưa em đi.

Các bạn đã phân ly với ai chưa hay có một lần nào phân ly với ai đó, để rồi trong tâm thức của chúng ta vẫn ngồi đây; nhất là các bạn đa tình, uống một ly cà phê đắng hoặc có thể những chất đắng khác cho ngây ngây một chút mùi đời, để tưởng nhớ hay vọng về với cái tâm thức của người đã ra đi mãi mãi, nhưng mà thật ấm, bởi sờ trong trái tim hình như chưa phân ly?

Xưa có một bà cụ tới với Đức Phật và nói với Phật rằng: “Thưa Phật! Đứa con của con vừa mất. Xin Ngài hãy thương, cứu nó, bởi con thương nó. Bây giờ nó mất rồi con biết phải làm sao?”.

Cuộc đời của con người khi đứa con của mình ra đi, đây là một sự phân ly đau đớn nhất của kiếp người. Cầu Phật, Phật nói rằng: “Thôi, ta sẽ tới cứu con của bà sống lại nếu bà có thể xin được ngọn lửa từ một gia đình của ai đó chưa có người chết!”.

Bà cụ có niềm hy vọng vào Đức Phật, lấy cái đèn dầu đi xin khắp cùng đường cuối xóm, nhà ai cũng gõ cửa hỏi rằng: “Nhà của quý vị có ai mất bao giờ chưa, có ai từng chết chưa? Nếu nhà quý vị chưa có ai chết, xin cho tôi ngọn lửa để về Phật cứu con tôi”. Thế nhưng bà đi khắp, đi đến mệt mỏi, quỵ xuống rồi mà tới nhà ai, người ta cũng nói: “Nhà chúng tôi đều có người mất!”; không con thì cha mẹ, ông bà, chú bác, ông cố, bà ngoại trong dòng tộc ai ai cũng có người mất. Thế là bà cụ không thể xin được ngọn lửa tuyệt vời của ai đó chưa có một lần phân ly với người thân. Đứa con đành phải theo luật vô thường để ra đi theo điều đó, nhưng Đức Phật đã dạy cho bà cụ quán chiếu vô thường để hiểu thấu nhân quả, từ đó bà hoan hỷ trở lại.

Và trong bài Kinh đầu tiên Đức Phật dạy ở vườn Nai nói về cái khổ trong Tứ Thánh Đế, một trong những cái khổ mà Đức Phật nói về cái tâm khổ của chúng ta, đó là ái biệt ly. Phải chia tay với người mình yêu thương, phải chia tay với người mình thương kính là một sự đau khổ vô cùng đối với mọi người. Ai cũng phải trải qua cái cảm giác này không ít thì nhiều!

Thuở xưa, khi Bảo Thành từ Việt Nam ra đi tới nước Mỹ, chia tay với cha mẹ, đau khổ vô cùng bởi đâu biết rằng ngày nào ta mới có thể trở về để gặp được cha mẹ nữa. Mà thật vậy, năm 1992 mẹ mất, thế là từ đó Bảo Thành mất mẹ mãi mãi, phân ly với mẹ mãi mãi, chẳng thể gặp được mẹ sau một lần ra đi. Chắc chắn chúng ta khi có người thân ra đi trong sự chết hoặc chia tay để phân ly, ai cũng đau khổ!

Các bạn có khi nào phân ly với một người nào đó bởi cái nhân duyên tới đó, họ đành chia tay, rồi các bạn đau khổ muốn giữ mãi và không muốn phân ly với họ, đã từng tới với Phật cầu nguyện, đã từng tới với quý Thầy, quý Sư Cô hoặc các thầy tướng, thầy bói, thầy bùa, thầy ngãi, phong thuỷ, địa lý làm chuyện này chuyện kia để giữ người yêu thương trở lại hoặc làm sao cho họ trở về với cái mối tình chung thủy hồi xưa, còn hiện tại thì đã chia tay rồi? – Chắc là có!

Hôm nay, ta không đi vào chiều sâu của những tình cảm chưa hề phân ly. Bởi vì thực sự ở trên đời nếu nói về tình thì như Phật nói ái biệt ly là chân lý, Ngài đã tìm ra ái biệt ly, tức là thương nhau mà bị chia tay là khổ. Có nghĩa rằng sự chia tay luôn luôn hiện diện, sự phân ly luôn luôn hiện diện trong cuộc đời của mỗi con người chúng ta, không ai mà không bao giờ đương đầu với sự phân ly. Sự phân ly dưới mọi hình thức đều mang lại sự đau khổ! Vậy câu “chưa hề phân ly” có phải chăng chỉ là ảo tưởng của cảm giác mong chờ hoặc sống nuối tiếc cho miền quá khứ còn chập chờn trong dĩ vãng? Có lẽ là như vậy, đó là nói về góc độ của tình cảm ứng phù với câu “ái biệt ly” – điều Đức Phật nói không bao giờ sai. Nhưng Bảo Thành tin chắc rằng có một thứ mà có lẽ ít ai để ý, dù trải qua hàng vô lượng kiếp luân hồi sanh tử, chết đi sống lại rồi tái sanh từ Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh đến khi làm Người, Chư Thần, Chư Thiên, chúng ta đều ứng đúng với điều đó! Chưa bao giờ phân ly các bạn ơi!

Những thứ thực sự phân ly sẽ không bao giờ có cơ hội gặp lại hoặc thật là khó gặp lại mà ta cứ tưởng chưa hề phân ly để nuối tiếc. Nhưng những thứ chưa bao giờ phân ly mà ta đã lãng quên, những cái đó lại là cao quý tột đỉnh, chưa hề phân ly trong từng kiếp luân hồi. Nhưng ta chẳng bao giờ quay về kết nối để sống trọn vẹn với điều chưa hề phân ly, mà cứ mộng tưởng, chờ đợi, ôm ấp, ngóng trông những điều thực sự đã phân ly mãi mãi. Như vậy hoá ra chúng ta là những người hình như hơi khùng khùng!

Các bạn hỏi Bảo Thành: “Vậy điều gì là điều chưa hề phân ly?”. Rõ lắm, không phải Bảo Thành nói đâu, Phật nói! Khi Đức Phật giác ngộ, Ngài mới nói rằng: “Khi ta giác ngộ, ta mới thấy rằng giữa ta và chúng sanh đều có một thứ giống y như nhau, khác ở chỗ là chúng sanh không biết nhưng ta biết, đó chính là Phật tánh – bản tánh thanh tịnh”.

Các bạn! Bản tánh thanh tịnh của Phật tánh chúng ta chưa hề phân ly từng kiếp trong luân hồi sanh tử, vẫn luôn luôn kề cận với chúng ta, luôn hiện diện với chúng ta, dù là ta luân hồi trong Địa Ngục, thành Ngạ Quỷ, thành Súc Sanh muôn đời, vô lượng kiếp thì thể tánh thanh tịnh của Phật tánh đó chưa hề phân ly khỏi chúng ta, luôn luôn gắn kết với chúng ta. Các bạn có nghe kỹ không? Vạn pháp đều là vô thường sanh diệt, tới rồi đi, không bao giờ tồn tại, nhưng chính câu Đức Phật tuyên bố rằng thể tánh thanh tịnh trong Phật tánh của chúng ta luôn luôn hiện diện trong từng chúng sanh và Phật đã thành Phật thì mọi chúng sanh đều có cơ hội thành Phật. Sự khẳng định rằng thể tánh thanh tịnh nơi mỗi một con người, mỗi một chúng sanh đó là bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm và không bao giờ phân ly khỏi chúng sanh; từ những chúng sanh dù nhỏ bé li ti, thô sơ tới những chúng sanh mang thân người có được não bộ vận hành siêu xuất. Thể tánh thanh tịnh cao quý vô cùng! Đó chính là Phật tánh đó các bạn!

Chưa hề phân ly ở chỗ này! Chẳng phải chưa hề phân ly là những mối tình xa vạn dặm còn ngồi ảo tưởng trong sương khói của thuốc lá để chờ, trong giọt đắng của cà phê để mộng, trong đắm đuối khổ lụy của những giọt lệ để chờ trông. Không!. Bởi tất cả những cảm xúc qua tình cảm của con người nằm gọn trong những cái khổ về tâm Phật gọi là ái biệt ly luôn luôn phải xảy ra. Nhưng có một điều không bao giờ phân ly với chúng ta, đó chính là thể tánh thanh tịnh! Chúng ta có thể tánh thanh tịnh không bao giờ phân ly nhưng chẳng chạm vào đó để khế hợp hài hòa trong sự sống, mà luôn nghiêng mình té xuống, đắm đuối trong cái tánh bất tịnh, uế trược, vô minh, thiếu hành cái thể tánh thanh tịnh nên cứ khổ, cứ luỵ, cứ sầu. Rồi giả khùng, giả điên mơ mộng hão huyền, chập chờn trong những giấc mộng ban ngày để ôm lấy một phần trái tim của cuộc đời đã phân ly, vĩnh biệt hoặc chia tay mãi mãi.

Hôm nay, chúng ta hãy trở về thực tế để nhìn rõ rằng trong mỗi con người chúng ta, thể tánh thanh tịnh không bao giờ phân ly luôn luôn hiện hữu trong cuộc đời của chúng ta, thể nhập vào được thể tánh thanh tịnh ấy, chúng ta nhất định sẽ chuyển hóa được mọi khổ đau và phiền lụy. Những cái đau của sự mất mát người thân trong ái biệt ly, chia tay với người yêu thương có thể là cha, là mẹ, ông bà, con cái hoặc người yêu, người tình, người bạn tri kỷ, sự chia tay dưới mọi hình thức, chia tay vĩnh biệt ngàn thu hay chia tay không bao giờ gặp lại nữa, đó vẫn nằm trong ái biệt ly. Cái đó là có, và cái đau đó làm sao có thể nguôi, cái đau đó làm sao chúng ta có thể chữa lành các vết thương trong trái tim và tâm hồn khi mất đi người mình yêu thương? Sự phân ly như vậy để lại một sự đau đớn tột cùng cho kiếp nhân sinh! Chỉ có thể chữa lành được sự đau đớn đó nếu như chúng ta thể nhập trở lại với thể tánh thanh tịnh vốn vẫn luôn luôn thường hằng bất biến trong ta, thì mọi sự đau khổ đó, chúng ta đã hết, sẽ hết và mãi mãi hết, vì sao? Vì lúc đó trí tuệ bừng sáng, hiểu thấu vạn pháp vô thường sanh diệt nhưng thể tánh thanh tịnh kia là bất diệt! Chúng ta sẽ không còn theo hình bắt bóng nữa, mà trở về với thể tánh thanh tịnh bất diệt, thể nhập vào trong đó, chẳng còn vướng mắc, bám víu, sờ soạng trong sự mơ hồ về những điều đã ra đi mãi mãi trong cõi vô thường để lụy sầu đau khổ. Hạnh phúc chỉ có thể tới nếu mỗi người chúng ta nhận rõ lời Phật dạy dỗ là trong ta vẫn luôn luôn có và chưa hề phân ly với thể tánh thanh tịnh, thể nhập vào thể tánh thanh tịnh đó nơi trong ta, thì muôn sự ở đời dù có trái ngang, ngang trái, bất như ý, cay đắng, biệt ly, trái chủ, oan gia, thay đổi của cuộc đời, ta vẫn luôn vững chãi và hạnh phúc.

Câu hỏi là làm sao chúng ta có thể thể nhập vào tự tánh thanh tịnh ấy, tự tánh chưa hề phân ly với chúng ta trong vô lượng kiếp luân hồi sanh tử?

Thiền Mật song tu là một bí pháp phương tiện siêu thế, vì chỉ đơn giản trong Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu trí tuệ và từ bi, các bạn nhớ đây chính là chìa khóa, chính là mạng mạch để liên kết trở về thể nhập vào tự tánh thanh tịnh. Với hơi thở vào ra, với Chánh Niệm toàn diện trong cuộc sống từng giây phút khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ăn, khi nói, khi ngủ, Chánh Niệm, sống với nó và luôn luôn thiền trí tuệ và từ bi, thắp sáng trí tuệ bằng NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, và dùng năng lượng từ bi Mu A Mu Sa tắm gội, tẩy rửa thì nhất định thể tánh thanh tịnh nơi Phật tánh sẽ hiển lộ ở trong bạn. Và sự tu tập, đồng tu của chúng ta là luôn luôn nhắc tới lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi để nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu thương. Vậy trí tuệ và từ bi trong thiền quán niệm hơi thở Thiền Mật song tu sẽ giúp cho mỗi người chúng ta tìm lại được sự bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng giảm, đó chính là thể tánh thanh tịnh của tâm chưa hề phân ly với mọi người, với mọi chúng sanh.

Không cần phải ảo tưởng đâu, để ngồi đó chập choạng uống từng giọt cà phê đắng, phì phà điếu thuốc, thả khói lên trời, đắm mình trong mộng tưởng, đưa tay với tới cái tầm xa của một thời quá khứ để tìm về với những mối tình đã phân ly, đoạn diệt đâu. Không cần!. Ảo tưởng sức mạnh đó riết rồi khùng điên và rồi loạn thần loạn trí, làm bậy. Phật không dạy cho chúng ta phương pháp ảo tưởng, nhưng Phật dạy cho chúng ta chuyển hóa ảo tưởng, nhìn thấu được tưởng thức hoạt động như thế nào để thể nhập vào thể tánh thanh tịnh chỉ đơn giản qua hơi thở, mà hơi thở đó ta vẫn vận hành mỗi một ngày để tồn tại trong sự sống. Chánh Niệm trong hơi thở ngắn dài và thiền trong trí tuệ. Thiền tức là an trú trong trí tuệ và từ bi. Mật ngôn Mu A Mu Sa là chìa khóa hoặc như chiếc thuyền để chúng ta có thể ngồi trên thuyền Mu A Mu Sa để lướt sóng trên bờ hồ hoặc trên biển, trên sông suối tới điểm này điểm kia. Nếu các bạn có thể ngồi được trong cái hơi thở Chánh Niệm vào ra từ từ đó trên chiếc thuyền Mu A Mu Sa, thuyền Mu A Mu Sa sẽ đưa các bạn tới được cái đích để cập vào thể tánh thanh tịnh, nhất là nếu chiếc thuyền đó được chế bằng trí tuệ và từ bi; một bên mạn thuyền bên phải là trí tuệ, mạn thuyền bên trái là từ bi thành con thuyền như vầy, bạn ngồi lên và nó sẽ đong đưa theo dòng trôi của cuộc đời để cập bến thanh tịnh vốn có nơi ta. Hết khổ, hết phiền não!

Các bạn! Các bạn có thấy được điều đó hay không? Chánh Niệm hơi thở quán chiếu từ bi và trí tuệ, Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang trong Thiền Mật song tu giúp cho mỗi người chúng ta đón nhận được tha lực. Các bạn đôi khi không nghe quen chữ “tha lực” của Phật. Không có cái gì tồn tại mãi mãi nhưng lực của nghiệp ác và nghiệp thiện vẫn luôn luôn tồn tại song hành với chúng ta, và luôn hiển hiện, luôn hiện hình và tác động, trổ quả trong thân người, trong thân mọi chúng sanh. Thì cái tha lực của thể tánh thanh tịnh nơi Phật tánh vẫn luôn luôn tồn tại nếu chúng ta biết khế hợp vào với tha lực của Chư Phật, tha lực của trí tuệ và từ bi trong thể tánh thanh tịnh Phật tánh này. Qua mật âm Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mỗi một người chúng ta khi tu tập, nhất định sẽ đón nhận được tha lực đó chuyển hóa vào thân và tâm, thắp sáng đuốc tuệ và cảm ứng được với tình yêu thương vô cùng của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, Long Thần, Hộ Pháp, thiện trí thức và tất cả mọi người có nhân duyên dù là thuận hay nghịch trong cuộc đời, ta đều cảm ứng được năng lượng tình thương đó, để lan tỏa, để sống không hận thù, không chấp trước, để sống không vọng tưởng, sống chân thật với thể tánh thanh tịnh. Và khi các bạn tu tập quán chiếu bằng thiền trí tuệ – từ bi qua Thiền Mật song tu, mỗi người chúng ta sẽ thể nhập vào được thể tánh thanh tịnh của Phật tánh để thấu rõ mọi sự phân ly trong cuộc đời nơi các pháp vô thường sanh diệt kia, nhìn thấu để buông, nhìn thấu để bỏ, buông bỏ khi nhìn thấu các cái vô thường sanh diệt trong cuộc đời để thường trú, thể nhập vào sự bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng giảm. Và cái bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng giảm đó chính là thể tánh thanh tịnh chưa hề phân ly đối với mỗi người chúng ta. Nhưng luôn luôn hiện hữu có, mà Chư Phật nói: “Ta là Phật, chúng sanh là Phật sẽ thành!”, Phật đây là thể tánh thanh tịnh vốn có không hề và chưa hề phân ly!

Bạn đang đi tìm cái gì? Cái đã phân ly chia tay, cái đã vĩnh biệt ngàn thu hay cái đã ra đi, chẳng thể quay về vì nhiều lý do của nhân duyên, nghiệp báo nhiều đời? Hay các bạn muốn thể nhập vào thể tánh thanh tịnh chưa hề phân ly để thấu rõ cội nguồn sinh tử đau khổ và luân hồi, từ đó trong từng giây phút sống hiện hữu nơi kiếp người, ta có được tình thương rộng, ta được trí tuệ nhìn thấu và ta sống an vui, hạnh phúc. Và từng bước chân của chúng ta in dấu trên vườn địa đàng an lạc tại kiếp này, chẳng lần mò, tìm mãi, chờ kiếp sau để về với nơi gọi là Niết Bàn an nhiên?

Tu là ngay kiếp này hưởng được và cái không bao giờ mất luôn luôn tồn tại trong ta chỉ là thể tánh thanh tịnh, còn tất cả các thứ khác ngoài thể tánh thanh tịnh đều là vô thường sanh diệt tới lui. Nhưng sự thanh tịnh của Phật tánh là bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng giảm. Mà khi chúng ta tu Thiền Mật song tu với Chánh Niệm hơi thở trí tuệ và từ bi quán là chúng ta y như câu “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”. Là bởi vì từ bi – trí tuệ quán trong Chánh Niệm hơi thở giúp cho chúng ta như hoa khai; hoa khai tức là đầu óc, trí tuệ con người ta mở ra và nhận ra được, thấy được Phật tức là thấy được thể tánh thanh tịnh luôn ở trong ta, chưa hề phân ly, thì suốt đời trở thành đấng hoặc người vô sanh tùy theo cấp độ mà có thể đặt tên theo ước định và mặc định của con người, còn đối với Bảo Thành, những cái tên dù là cao hay là thấp không quan trọng, quan trọng là mỗi người chúng ta nhận ra thể tánh thanh tịnh nơi Phật tánh chưa hề phân ly, và thể nhập vào đó qua con đường Thiền Mật song tu, Chánh Niệm hơi thở, thiền trí tuệ và từ bi để trí tuệ bừng khai. Thấy được thể tánh thanh tịnh đó tức là thấy được Phật, thấy được thể tánh thanh tịnh đó là thấy rõ được vô thường của vạn pháp, thấy được thể tánh thanh tịnh đó là thấy rõ được Khổ – Tập – Diệt – Đạo và lòng luôn an vui, tự tại trước muôn nghịch cảnh của cuộc đời dù có tới tới tấp. Không sao! Ta vẫn hạnh phúc, rất hạnh phúc!

Bảo Thành mời gọi các bạn cố gắng chú ý đến điều này để chúng ta hãy tìm về thể tánh thanh tịnh chưa hề phân ly với chúng ta từ vô lượng kiếp qua. Để tận hưởng cuộc sống đầy sung sướng, hạnh phúc trong trí tuệ và từ bi, trong chánh pháp của sự tác ý như lý của Phật. Để từ đó mỗi người chúng ta sống vui, sống an lạc, sống hạnh phúc, sống thấy được Phật hiện hữu trong cuộc đời. Thấy Phật tức là thấy được thể tánh thanh tịnh, mà khi thể tánh thanh tịnh ta thể nhập vào được rồi, thì muôn sự ở đời dù có ngược xuôi xuôi ngược, ta vẫn luôn luôn thanh tịnh. Mà các bạn biết không, khi ta đã thanh tịnh rồi thì chúng ta thực sự sẽ thấy được giá trị tuyệt vời của những lời giáo lý Đức Phật dạy cho chúng ta. Hay lắm!

Và cái hay này chỉ có thể có khi chúng ta thật sự mang vào ứng dụng trong sự thực tập tu hành mà thôi! Còn nếu nghe cho đầy lỗ tai, hiểu cho đầy não bộ, mọi dữ kiện thông tin mà nằm chình ình trong kho tàng kiến thức hoặc trong viện bảo tàng của ngôn ngữ Phật học thì chẳng có lợi ích gì. Dù một chữ, một câu cũng như một hạt giống mà biết gieo trồng vào lòng đất, nó sẽ mọc lên, còn nếu hằng hà sa ngôn ngữ thông thái, bác học uyên thâm, đại học sĩ thấm nhuần mọi tư tưởng của nhà Phật nhưng không mang ra ứng dụng, chuyên tu, thực hành thì hạt giống kia, sao có thể nảy mầm, trổ sinh hoa trái?

Thực hành Thiền Mật song tu một cách miên mật và cứ từ từ vận hành như vậy, chúng ta từ từ thể nhập vào thể tánh thanh tịnh. Mưa lâu thấm đất! Vậy Bảo Thành đã phát nguyện cùng với các bạn đồng tu Thiền Mật song tu mỗi một ngày, dù khung thời gian có trái ngược đối với thật nhiều các bạn, nhưng nhớ, vẫn còn lưu ở trên YouTube của Thất Bảo Huyền Môn, Facebook Chua Xa Loi. Và đặc biệt các bạn nhìn trên màn hình có cái trang web: thatbaohuyenmon.org, các bạn vào đó, các bạn có cơ hội đọc và nghe hoặc các bạn vào kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn, các bạn sẽ tuần tự nhìn thấy các video mà Bảo Thành chia sẻ pháp thoại và cách đồng tu mỗi một ngày.

Tại sao Bảo Thành luôn luôn tinh tấn và siêng năng mỗi một ngày đều ngồi đồng tu với các bạn, là bởi vì ta là bạn đồng tu nhân duyên muôn lượng kiếp nay vẫn còn. Ta đồng tu để sách tấn, để khuyến khích, để mời nhau trong sự kiên nhẫn dù cho dòng đời thăng trầm muôn nẻo, ta vẫn vững chãi trong sự thực tập để thành tựu được sự tu, chứ không phải thành tựu được điều chúng ta nghe để thỏa mãn cảm xúc đâu. Tu, vận công đàng hoàng, công phu rõ ràng mỗi một ngày, không bỏ. Dù sao đi nữa cũng không bỏ, ngoại trừ ngày ấy tới với Bảo Thành, tức là thọ mạng viên chung, thì coi như nhân duyên tới đó. Nhưng nếu như chưa, thì nhất định chúng ta không bỏ. Bởi Phật pháp là phải tu, chứ không phải để nghe. Là phải công phu, là phải quán chiếu!

Cuộc đời quá bận rộn, ta có lớp đồng tu như vậy trên mạng rất hữu ích để nhắc nhở nhau. Cuộc sống của con người đôi lúc mệt mỏi, ta dễ quên, dễ bỏ cuộc. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, chúng ta cũng vậy, đồng tu là sách tấn, hỗ trợ, dù có yếu đuối, muốn bỏ cuộc, nhưng sự nhắc nhở và sự hồi hướng năng lượng cho nhau đó sẽ giúp cho mỗi người chúng ta vững mạnh hơn và trở về con đường tu thật sự.

Tu không phải làm thỏa mãn cảm xúc và cảm giác, tu là để thể nhập vào thể tánh thanh tịnh chưa hề phân ly với chúng ta. Và các bạn biết không, ái biệt ly chỉ đúng với những cảm xúc tình cảm của cõi nhân sinh mà thôi, nên khổ. Bởi thực sự, trong cõi vô thường đó luôn luôn có sự phân ly. Thể tánh thanh tịnh của Phật là không bao giờ phân ly, thấy được điều không bao giờ phân ly và thấy được một điều luôn luôn bị phân ly thì ta chọn điều gì? Thấy không, con người có quyền lựa chọn! Phật đã vạch ra một con đường để cho chúng ta chọn lựa một điều chưa hề phân ly, đó là thể tánh thanh tịnh. Các bạn, hãy trở về với thể tánh thanh tịnh qua Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và Mu A Mu Sa. Để chúng ta tận hưởng cuộc sống ngắn ngủi trên cuộc đời này bằng tình yêu thương, bằng trí tuệ, bằng sự an lạc và hạnh phúc luôn hiện hữu trong ta!

Mời các bạn đặt bàn tay phải – bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – bàn tay Từ Bi!

Thưa Phật! Tất cả rồi sẽ phân ly bởi là vô thường sanh diệt, nhưng thể tánh thanh tịnh luôn luôn hiện hữu trong mỗi chúng sanh và không hề phân ly. Chúng con phát nguyện thể nhập vào sự thanh tịnh này qua Chánh Niệm hơi thở, thiền trí tuệ và từ bi của Thiền Mật song tu. Xin Chư Phật gia hộ cho chúng con!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Nếu trong sự đồng tu hôm nay, chúng con có tạo được chút phước báu nào, xin đồng hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts