Search

Bài 2153. Không Giận Đâu | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tuệ Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình  thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã.

Chúng con đồng nguyện cho quê hương Việt Nam và thế giới mau thoát khỏi đại dịch, và chư vị hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh.

Xin Chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Luôn ghi nhớ trong lòng sự tu tập của chúng ta phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Luôn nghĩ tới các đấng bậc sinh thành, gia đình, người thân, bạn bè, cộng đồng, xã hội, nhân loại, hồi hướng cho tất cả năng lượng vi diệu tiếp cận được qua sự đồng tu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(14:47) Mô Phật! Các bạn, đi vào chủ đề ngày hôm nay, một chủ đề rất tích cực trong đời sống, có lẽ ai trong chúng ta cũng biết cái phương pháp, ai trong chúng ta cũng từng sử dụng nhưng sai chủ đề mà thôi.

Chủ đề Không Giận Đâu, có nhiều lúc ai hỏi có giận không khi họ nói một câu, làm một hành động hoặc có sự xô xát trong gia đình, người ngoài, người thân, họ nhìn mặt của mình hình như đằng đằng sát khí, đỏ dữ lắm, họ hỏi: “Có giận không?”. Nếu ở trên thì cha mẹ hỏi: “Con có giận cha mẹ không?”, thì chúng ta liền nói ngay: “Con không giận đâu!” nhưng thật ra trong lòng rất giận. Chúng ta rất vội vàng nói: “Không giận đâu!” nhưng trong lòng có giận đó.

Từ đó mà suy diễn trong cuộc đời, chúng ta vẫn thường sử dụng câu “Không giận đâu!”, nhưng giận. Ta hay nói ngược! Nói ngược như vậy làm cho chúng ta không thuận buồm xuôi gió giữa thân tâm và ý. Nó cứ tréo cẳng với nhau chồng chất, đâm ra sự xáo trộn năng lượng của sức khỏe, của tinh thần và tâm linh.

Giận là sân giận, một trong ba thứ độc dược mà Đức Phật nhắc nhở chúng ta thường xuyên là Tham – Sân – Si. Trong sân có giận, trong giận có sân; trong sân có giận, giận lại còn có hằn thù, trả thù. Tùy theo cấp độ cao hay thấp mà nuôi dưỡng sự sân trong lòng, sự tức giận trong lòng, chồng chất khó chịu, rồi cứ ấp ủ, nó vươn mình trỗi dậy trổ gai, thế là cáu gắt, đôi khi đưa đến những hành động trả thù cá nhân tiêu cực.

Ai trong chúng ta nhất định cũng đã nhiều lần có kinh nghiệm từ bản thân của mình, tánh giận sân trỗi dậy nhưng chúng ta không để ý và hình như sự việc xảy ra ở đời, câu cuối cùng hay nói với mọi người sau cơn giận sân của ta rằng: “Ồ, tánh tôi hay sân giận lắm bạn ơi, bạn thông cảm bỏ qua!”.

Các bạn nghĩ kỹ đi, có phải các bạn và Bảo Thành đã nhiều lần từng nói: “Ôi bạn ơi, cha mẹ ơi, hoặc các huynh đệ ơi, tánh mình hay sân giận, lần đó mình có lỗi, thôi bỏ qua!”. Rồi thì cũng bỏ qua thôi, nhưng chúng ta lại không chuyển hóa được tâm sân giận đó. Nó cứ nung nấu trong lòng và rồi cáu gắt, bực bội, la mắng, hành động thô lỗ. Và rồi mát mái nữa là bắt đầu đi tới những lời thô ác, đâm thọc, thêu dệt, nói dối. Nó đi liền với cái miệng, vì người sân giận thường tạo ra cái thân những hành động thô ác gắn liền ngay cái miệng tuôn ra biết bao nhiêu thứ khó có thể ngờ được. Mà hai hành động từ miệng và thân do sự sân giận của chúng ta được tự do thỏa mãn để tác thành ngôn ngữ và hành động. Mỗi lần như vậy, chất độc lại ngấm vào cuộc đời, phước đức lại tiêu hao, sức khỏe suy giảm và dĩ nhiên thần khí sẽ u ám, xám xịt.

“Không giận đâu!”, các bạn có giận không? Các bạn nhớ Đức Phật tới với chúng ta, Ngài nhìn thấu ở trong mỗi một con người nơi trần thế này đều có tánh sân giận, Tham – Sân – Si có đủ cả. Nhưng hôm nay ta nói đến sự sân giận mà thôi!

Vốn là người là có tánh sân giận, ai cũng có! Bạn có, Bảo Thành có, các bậc tôn túc có, cha mẹ, anh em, người thân, cộng đồng, xã hội, con người, chúng sanh đều có sân giận. Nhưng chúng ta nếu thấu hiểu được sự hướng dẫn của Phật, chú ý vào rèn luyện, chúng ta sẽ thành công. Để chuyển hóa tánh sân giận đó do chính cái tâm được làm chủ qua phương pháp thật đơn giản trong cuộc sống, đó là Chánh Niệm hơi thở từ bi và trí tuệ. Cái này rất hữu dụng!

Nay trở về thời kỳ cách ly, giãn cách, có thể một số nơi các học trò đã tới trường, nhưng trong thời gian qua, các em không thể tới trường được, đều phải học online trên mạng. Và rồi có những gia đình có phone (điện thoại), có laptop (máy tính xách tay), có phương tiện gắn kết cho con em của mình học, nhiều  người không có, phải qua nhà hàng xóm để học chung. Hồi xưa các em đến trường học, ta bỏ mặt cho thầy cô dạy, chẳng khi nào để ý, chiều về có bài tập nhiều thì cũng ít có khi nào ngồi cùng để hướng dẫn, vì bận rộn, ta cho mình sự tự do trong bận rộn nên không có thời gian đối với con cái.

Giãn cách phân ly, học trên mạng tại nhà, chúng ta bắt buộc phải ngồi cùng với con cái để xem chúng học. Bởi kinh nghiệm đã nhìn thấy nhiều em không có cha mẹ, không có người lớn kèm cặp khi học online (trực tuyến), các em chơi game (trò chơi). Và rồi một trong các phụ huynh hoặc người lớn được hướng dẫn tham dự cùng với các em trong buổi học đó, cô giáo dạy, chúng ta tham dự, trong sự tham dự đó, ta có nhiều điều thật hay mà có lẽ trong cuộc sống của mình thời tuổi trẻ không có cơ hội học qua. Để rồi đôi khi bỡ ngỡ, không hiểu, không biết làm sao hướng dẫn cho các em, con em của mình. Lại có những người đã học rồi nhưng cái phương pháp giáo dục thời xưa nó khác, nay các thầy cô hướng dẫn nó khác, nên bỡ ngỡ, rồi tham dự đó nhưng thật ra lại tham học. Mà chúng ta hình như suy nghĩ nhanh hơn, nên sự tham học cùng với các con giúp các con thật nhiều (vì sau đó, chúng ta hướng dẫn lại cho các con).

Có nhiều trường hợp phân tích ở trong đó, nhiều tình huống dữ lắm, Bảo Thành mượn hình ảnh đó để nói rằng, để chúng ta có được một khối kiến thức vừa đủ để đi vào cuộc đời của xã hội để thành công về những mặt phương diện của cuộc đời như tiền, tình, danh vọng, địa vị, như có được mái ấm gia đình hoặc có đồ ăn đầy đủ, mái nhà, đó là điều rất thường tình, thì chúng ta cần phải trau dồi học hỏi. Khi vô học, không được học, chúng ta rất khó khăn và cực khổ.

Ở đời thôi, chúng ta tin tưởng vào một ngày mai xán lạn, một tương lai đẹp đẽ, chúng ta bắt đầu đi tìm nền kiến thức của xã hội qua nền giáo dục nơi xứ sở mà ta đang cư trú học hỏi. Rồi còn đầu tư cho con cái mình học thêm thật nhiều để mai mốt đi vào đời có đầy đủ kiến thức để sống. Nhưng nếu đặt để các con vào những môi trường học hỏi đó, chúng ta luôn luôn tin tưởng vào bậc giáo sư, thầy cô đó, tin vào môn học đó, nên trao cái sứ mệnh đó cho quý thầy cô. Tin ai thì giao con của mình cho họ để được học!

Nhưng ngược lại trên con đường tu tập tâm linh, chúng ta tin Phật. Nếu hỏi rằng: “Các bạn có tin Phật hay không?”, ai cũng nói: “Tin Phật lắm, niềm tin bất thối! Con đã quy y rồi, quy y Phật – Pháp – Tăng, nhất định tin vào ba ngôi Tam Bảo, thọ giới nữa nên rất tin”. Chúng ta tin một cách sâu sắc, ai đụng tới chúng ta có thể cãi, ai đụng tới chúng ta có thể phản luận, phản biện để chứng tỏ niềm tin của mình vào với Phật.

Các bạn trở lại một chút để thấy rằng, nếu chúng ta tin thầy cô mà không giao thầy cô học trò của mình, tức là con cái của mình, và rồi đặt con cái của mình dưới nền giáo dục đó, con cái không bao giờ có được kiến thức. Nay ta tuyệt đối tin vào Phật, nhưng chúng ta lại không đặt mình dưới cái lớp là học trò để học Đức Phật dạy, ta chỉ có tin thôi. Tin mà không học hóa ra mù chữ, tin mà không nghiên cứu, thực tập hóa ra chẳng biết gì, lâu dần nó trở thành tin mà mê, ngược lại gọi là mê tín. Điều đó có!

Nay nói về tâm sân, Phật dạy cái cách để đối trị tâm sân giận của chúng ta, các bạn nhớ hồi nhỏ, khi các bạn đúc cơm cho con cái của mình ăn (đến tuổi chúng bắt đầu biết nói rồi), đôi khi no quá, nó mới đưa tay ra nó nói: “Con không ăn nữa đâu!”. Và khi đứa con không ăn nữa, ta ép chút xíu mà thấy nó no rồi, ta ngừng. Và trong cuộc sống tương tác có những sự việc mà bạn bè rủ ta đi đâu đó, ta không đi được, ta nói: “À, mình không thể tới được!”. Hoặc kêu mình uống, mình nói: “Tôi không thể uống được nữa, tôi ngưng”, hoặc làm một việc gì đó thì mình nói rằng: “Tôi không thể làm được”. Và câu “Không giận đâu!”, có, ta có nói: “Tôi không giận đâu!”, nhưng ta không tu tập nên cách nói đó chưa có công hiệu, nhưng ít nhất đây là một cách tham thoại trực tuyến với bản thân của mình.

Chúng ta không đợi người khác hỏi rằng: “Anh có giận không?” mà trong tương tác bằng Chánh Niệm từ bi và trí tuệ, trí tuệ giúp cho chúng ta nhìn thấu được cơn giận sân của ta bắt đầu trỗi dậy, thì khi đó ta như trẻ thơ nói với chính mình rằng: “Ta sẽ không giận đâu!”. Và các bạn nhớ, khi có ai giận hờn, họ đang giận dữ lắm, mình đừng hỏi dồn dập là “Có giận không, có giận không?”, họ đập bàn đập ghế. Nhất là ai có chồng hoặc có vợ, có người thân như cha mẹ hoặc bạn bè tương tác mà khi những người đang tương tác đó, họ sân giận mà ta cứ vặn vẹo hỏi: “Có giận không?”, thì họ bực bội. Nhưng ngay lúc đó, nếu người có tâm lý một chút, pha một ly nước chanh, một ly cà phê hoặc cắt một vài thứ trái cây mang lên, miệng mỉm cười, nhẹ nhàng mời họ ăn, họ nguội ngay. Cái hành động tử tế đó đối với nhau giúp cho cơn giận của họ nguôi dần và thông thường khi giận, người ta hay uống nước cho hạ hỏa.

Y chang như vậy, nay ta không cần người khác cung phụng, mang những điều đó để ta hạ hỏa, mà ta là người phải quán chiếu bằng trí tuệ. Khi thấy trong tâm khởi lên sự sân và giận trong tương tác đối với mọi người, mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi lúc, mọi thời gian, khi ta nhận ra được nó khởi lên; mà nhận ra được nó khởi lên nhanh hay chậm là tùy vào sự công phu tu tập. Chánh Niệm hơi thở thường xuyên, quán chiếu trí tuệ và từ bi giúp cho chúng ta có khả năng nhận diện được tâm sân vốn có trong ta thật nhanh. Rồi tương tác với tâm sân bằng cách tu tập như thế nào theo Phật dạy để làm cho cái hỏa nó hạ xuống, đó là phương thức thứ hai cần phải tu tập.

Đạo Phật là tu tập, và chúng ta đồng tu mỗi ngày là thực tập, như học trò cần phải ngồi mỗi một ngày cùng với giáo viên trên lớp hoặc trên online để thực tập trong suốt 09 tháng, chỉ có 03 tháng mùa hè được nghỉ, thậm chí ngày nay còn phải học thêm. Chúng ta cả một thời tuổi trẻ là học trò học nhiều lắm, thậm chí có các bạn sau khi ra lớp 12, học tới trình độ đại học 4 năm, nhiều môn học thêm đến 8 năm là thêm 12 năm nữa (4+8=12). Nói trung dung là 18 năm đi, 18 năm trời học đó các bạn, mới có cái nghề để sống, có kiến thức để tương tác. Nhưng con đường học Phật chuyển hóa đau khổ và phiền não, chuyển hóa tâm sân đi tới Niết Bàn tại thế để không còn luân hồi sanh tử nữa, các bạn nhìn kỹ đi, các bạn học tổng số giờ là được bao nhiêu giờ? Ta học đến 18 năm, tức là mỗi một ngày đều phải học và làm bài tập. Có bạn học 12 năm trời, dĩ nhiên có những bạn học chỉ có 10 năm, 08 năm, 06 năm, tùy, nhưng ít nhất cũng phải học từ lớp 01 đến lớp 06, tính ra cũng 03, 04 năm trời học, mà ngày nào cũng học. Còn cả con đường đồng tu học Phật để đi đến sự giải thoát, làm chủ được cái tâm để tánh sân giận của chúng ta có thể chuyển hóa được, ta đầu tư quá ít. Thậm chí nhiều khi có một vài tiếng trong cuộc đời hóa ra ta toàn cúp cua, trốn đi coi phim, trốn đi chơi. Chúng ta là học trò lười biếng, chẳng học được bao nhiêu, nhưng kể ra thì có vẻ lớn lao lắm, nhưng nhìn kỹ cái chất lượng và sự học rất ít các bạn.

Các con của mình học ngày nay ít nhất là phải 4, 5, 6 sáu tiếng, chúng ta học chút xíu đã mệt rồi. Dĩ nhiên chúng ta nói trẻ thơ không có bận rộn còn ta thì có quá nhiều. Nhưng chuyện sanh tử mà; chuyện chuyển hóa cái sân giận để giữ được phước báu và tăng trưởng phước báu nữa thì thành công vô cùng.

Nay nói đến làm sao để có thể chuyển hóa được sân giận, chúng ta phải thật sự thấy được cái giá trị của tâm được làm chủ, chuyển hóa tánh sân giận thì mới tăng trưởng phước báu vô cùng, còn không thì thiếu phước, mất phước, tổn hại, tai họa, xui xẻo, nhiều điều ngang trái thường tới với chúng ta.

Sự thực tập của Chánh Niệm hơi thở quán từ bi và trí tuệ trong lớp học mà chúng ta thường học mỗi ngày, giúp cho chúng ta có được cảm ứng với chính mình và cảm ứng gắn kết với Chư Phật. Xưa khi chưa học, ta sân giận nhiều, bực bội nhiều và năng lượng của sân giận nó lan tỏa ra, nó chiêu cảm oan gia trái chủ tới với chúng ta. Vậy nên nhớ lại quá khứ, cái tâm sân giận nhiều chiêu cảm những chuyện ngang trái, để rồi thân bị bệnh, tâm phiền não, cuộc sống sinh hoạt khó khăn, luôn luôn bị chống kình. Từ thuở ta đồng tu quán chiếu bằng trí tuệ, lấy cái tâm từ bi lan tỏa dần, ta cảm ứng, ta không còn chiêu cảm với oan gia trái chủ, với cuộc đời, có chăng cũng chỉ chút xíu, còn bớt đi thật nhiều. Nhưng chúng ta cảm ứng được thật gần với Chư Phật, với cái tâm từ bi, với trí tuệ của chúng ta. Từ đó mà ta có khả năng cảm nhận được tánh sân nó vươn, nó trỗi dậy, nó bị kích hoạt.

Trong sự tu Chánh Niệm từ bi – trí tuệ đó, bước đầu sẽ giúp cho chúng ta nhận ra cái tánh sân giận bắt đầu được kích hoạt. Nhận diện nó và điểm ngay mặt nó, nói thẳng với chính mình: “Ta không giận đâu!”. Và như một người thật tử tế với chính mình đó, ta pha một ly nước đại Từ đại Bi; được dùng tia sáng của Trí Tuệ chiếu qua nước Từ Bi để diệt khuẩn diệt trùng. Ly nước thanh tịnh này, đây là nước thanh tịnh, nước Cam Lồ, nước của Mẹ Hiền Quan Âm, ta tử tế với chính ta, nói thật rõ khi thấy tâm mình giận vì con, vì vợ, vì chồng, vì cha mẹ, bạn bè tương tác, mọi sự sinh hoạt trong cuộc sống làm sân giận. Do xưa đến giờ ta đồng tu Thiền Mật song tu, dùng trí tuệ – từ bi quán chiếu thấy rồi: “À, giận rồi đó nha, đang giận đó!”. Ngay lúc đó nói thẳng với chính mình (lẩm bẩm một chút không sao hết, cứ nói): “Không giận đâu, ta nhất định không giận!”. Cái câu tự tham thoại với chính mình là một câu phương tiện trong tham thoại đầu, nói thẳng với chính ta: “Ta không giận đâu!”, tức khắc tánh sân giận đó, nó chùn bước, dừng lại, nó nhìn ngơ ngác.

Bạn cứ để ý đi, khi bạn tương tác với ai, người ta chọc giận, có thể là vì người ta nói những điều ta không thích, thêu dệt, đâm thọc làm cho ta bực bội. Nói đúng hơn là cái tôi, cái bản ngã của mình có, luôn luôn mong muốn người khác phải nói đúng theo cái kiểu khuôn mẫu của ta, ứng xử đúng như cái khuôn mẫu của ta, nay họ làm khác, cái tôi bị chạm, chạm tự ái. Khi tự ái rồi, cái tôi nó phình ra như bong bóng, như bụng con cóc, che kín hết con mắt, không nhìn thấy, thế là sân giận nó lan ra. Nay chúng ta nhận thấy được điều đó, các bạn thấy trong tình huống đó, nếu mình nói với bạn mình rằng: “Mình không giận đâu! Bạn có làm gì, tôi cũng không giận bạn, bởi vì tôi kính trọng bạn, tôi thương yêu bạn”, người bạn kia sẽ dần dần ngừng ngay những cái tạo tác chọc giận bạn.

Y chang như vậy nếu bạn nói với cái thân của mình trong trí tuệ và từ bi, thấy tánh sân giận trỗi dậy trong tương tác của cuộc sống, chúng ta liền nói với chính mình: “Ta sẽ không giận đâu!”. Và tử tế một chút, mời mình ly nước Cam Lồ Tịnh Thủy Từ Bi được tia nắng Trí Tuệ của Phật chiếu vào, diệt khuẩn diệt trùng trong suốt, uống vào một cái, tâm và gan mát, hỏa hầu bị chìm xuống, tan biến không còn.

Đôi khi chúng ta có thể phải tự nhắc bản thân đến 3, 4, thậm chí đến 7 lần, nhiều lần để điểm mặt, để nhận diện cơn sân giận đang trỗi dậy. Và đôi khi chúng ta phải uống một ly, hai ly, ba ly, nhiều ly Nước Cam Lồ Từ Bi, dùng Từ Bi để đổ vào trong tâm. Đối với kinh nghiệm của Bảo Thành y như các bạn, vốn sinh ra Bảo Thành cũng có tánh sân giận cao, dễ bị chạm (tự ái), nổi khùng, nổi điên. Mà trong quá khứ Bảo Thành thường nói với huynh đệ, với người quen: “Đừng có chọc giận à! Tớ mà điên lên rồi là biết mặt”. Chắc có lẽ các bạn cũng từng nói với ai đó: “Đừng chọc giận! Mình khùng lên rồi đó, là có chuyện đó”.

Đôi khi trong tình nghĩa vợ chồng cũng vậy, chúng ta tương đối bình tĩnh chút xíu, ta nói với vợ, với chồng, với cha mẹ, huynh đệ, con cái, ngay cả con cái nữa, chúng ta nói: “Sắp sửa khùng rồi đó nha, ngưng ngay đi, không là khùng là có chuyện đó”. Và hình như cách nói đó, với những người hiểu biết khi nghe, họ dừng lại một chút, chỉ có những người điên quá cỡ hơn ta, họ điên trước ta, cho nên khi ta nói: “Sắp sửa khùng điên rồi đó, ngưng lại đi” thì họ điên khùng hơn. Những người như vậy, ta từ từ giải quyết, nhưng ít nhất cái cách ta cho họ biết là một cách giúp họ nhận thức rằng, hành động đó cần phải ngưng, giảm lại.

Tâm làm chủ, lấy hơi thở Chánh Niệm và từ bi để như lý mà tác ý. Ta tác ý, cái tâm của ta nói với chính ta như lý, như lý thiện: “Không giận đâu!”. Uống từ bi, thắp sáng trí tuệ, nhìn rõ nó, tâm sân giận đó dần dần hết. Đây là kinh nghiệm của Bảo Thành!

Sau khi tu tập một thời gian, Bảo Thành nhìn thấy, quán chiếu thấy, nhận ra tánh sân giận của mình ngoáy ngoáy rồi đó, nó ngóc đầu trỗi dậy như con hổ mang vậy. Thì khi nhận ra rồi, Bảo Thành nói thẳng với bản thân: “Không giận đâu! Mu A Mu Sa, uống từ bi vào. Không giận đâu! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, đổ cái trí tuệ nhìn thấy các pháp vô thường, pháp sân giận này cũng vô thường, nó tới rồi nó đi, và người ta có chọc giận mình thì nó đi rồi tới, nó mất chứ không có còn”. Cho nên dùng ngay Mu A Mu Sa đổ vào trong tâm, nói thẳng: “Không có giận đâu! Mu A Mu Sa. Không có giận đâu! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang”. Không cần nói to cho người khác nghe, thầm thầm trong tâm, nhiếp tâm mà niệm từ trong tâm, đi đến sự vô niệm rồi, chỉ cần nghĩ tới thì năng lượng tuyệt vời của từ bi và trí tuệ nơi mười phương Chư Phật gắn kết với chúng ta ngay. Ngay chỗ đó mà tánh sân giận được chuyển hóa!

Có thật nhiều các phương pháp tâm lý học ngày nay làm sao để chuyển hóa cáu gắt, sân giận. Nhiều lắm! Tâm lý mà! Đức Phật cũng có nhiều phương pháp lắm, nhưng trong phương pháp của Thiền Mật song tu mà kinh nghiệm của chính bản thân Bảo Thành đã thực tập, thấy nó hữu dụng, thấy nó có tác dụng và nó chuyển hóa được bản thân của Bảo Thành. Xưa nhiều sân nhiều giận, nay bớt. Chính là bởi vì luôn luôn uống vào Mu A Mu Sa và thắp sáng trí tuệ, nhìn rõ, nhận được cái sân giận đi qua trong hơi thở Chánh Niệm và điểm mặt ngay: “Không giận đâu!”, hết.

Các bạn! Trong cuộc sống, có những bạn thường hay nói rằng: “Tại sao ở trên đời này, không ai thấu hiểu được nỗi lòng của tôi?”. Có không? Có! Các bạn chắc chắn đã có! Các bạn nói với ai đó có thể là tri kỷ, có thể là người yêu, có thể là cha mẹ, có thể là bạn bè trong một lúc sân giận, bực bội đập bàn đập ghế, hét lên: “Tại sao không ai thấu hiểu được nỗi lòng của tôi?”.

Câu hỏi ngược lại: “Tại sao chúng ta lại mong cầu một người ở bên ngoài thấu hiểu được nỗi lòng của mình, mà ta, ta biết được nỗi lòng của mình như thế nào, ta không hiểu, ta không tác động vào, thì cầu chi người ở bên ngoài?”. Đức Phật dạy, té ở đâu, vịn đó đứng dậy, tự thắp đuốc mà đi, chúng ta phải tự thấu hiểu được nỗi lòng của mình và chuyển hóa ngay, chứ không vịn vào những người khác hiểu được nỗi lòng.

Mà thông thường, khi chúng ta phát ra cái năng lượng tiêu cực rằng: “Không ai sao? Tại sao ở trên đời này, trời ơi ở trên đời này, người thân như cha mẹ, như vợ, như chồng, như người yêu, như bạn bè, chẳng ai hiểu được nỗi lòng của tôi?”. Khi bạn than van như vậy, bạn phát ra một năng lượng tiêu cực, và bạn sẽ chiêu cảm được những con người có tư tưởng, hành vi tiêu cực. Họ ngửi thấy cái năng lượng đó, họ cảm nhận bị chiêu cảm và họ sẽ tới để lợi dụng cái tâm trí rối loạn của bạn, làm thỏa mãn những cảm xúc của bạn. Và rồi từ đó, xỏ mũi, dẫn bạn đi lạc đường vào Tà kiến, Tà pháp.

Tà kiến, Tà pháp, chữ “Tà” ở đây tức là con đường chướng ngại trong cuộc sống. Có! Bởi vậy những ai đang khóc mà ta có thể khóc cùng với họ, tâm sự cùng với họ, ta dễ lấy lòng họ. Những ai đang có cái nỗi lòng mà tâm sự với ai, nó chiêu cảm được rồi thì họ cũng mớm cho ta những nỗi lòng của họ, một hồi rồi mình có cảm tình, mình thích, và thế là có nhiều người giận bạn, thấy người khác hiểu được nỗi lòng của họ nên bỏ bạn, theo người ta. Có nhiều người giận chồng, giận vợ cũng như vậy. Tại vì chiêu cảm được ở đời có những con người đồng với nghiệp thức, nỗi lòng của ta, họ chiêu cảm, họ tới, và như vậy họ phá vỡ sự an lành của ta. Ta đã từ từ bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ anh, bỏ em, bỏ vợ, bỏ chồng, bỏ bạn bè để đi theo cái người được gọi là thấu hiểu nỗi lòng của mình. Mà trong khi hỏi lại, ta cũng không hiểu được nỗi lòng của mình huống chi là ai. Chẳng qua họ tới, ta cứ rao bán rằng: “Không ai hiểu được nỗi lòng của ta” để rồi chiêu cảm được họ, và họ tới, họ thỏa mãn cái cảm giác, cảm xúc, thế là ta ngã vào vòng tay của họ, để rồi, để rồi ta đã phá vỡ cái hạnh phúc riêng tư của chính mình cần phải bảo vệ bằng sự tử tế đối xử với ta. Ta đã đánh mất ta!

Tất cả các pháp môn Phật dạy giúp cho chúng ta trưởng thành như các con cái cần phải ngồi vào lớp để học, để thành tựu. Ta hãy mượn ngay những sự việc đang xảy ra. Trong lớp học về Chánh Niệm từ bi và trí tuệ giúp cho chúng ta có đủ kiến thức để nhận diện tâm sân giận khởi dậy, phát tâm từ bi, thắp sáng đuốc tuệ, nói thẳng với mình: “Ta không giận đâu!”. Bạn thử đi, bạn sẽ thấy thoải mái, hạnh phúc lắm, khuôn mặt của bạn sẽ nhẹ nhàng, tươi và sáng!

Người thường nhắc nhở mình khi cơn giận trỗi dậy rằng: “Ta không giận đâu!” và mang Mu A Mu Sa, tức là từ bi, quán chiếu từ bi và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang trí tuệ quán chiếu vô thường, vô ngã, khổ thì người đó, trên gương mặt của họ sẽ sáng! Bởi vì sao? Tướng do tâm sanh, tâm mà tràn đầy năng lượng từ bi, tâm mà được thắp sáng trí tuệ thì nhất định thân tướng của họ cũng sáng, kề cận với họ, ta sẽ hạnh phúc bởi được lan tỏa năng lượng ấm áp trong cuộc đời đối với chúng ta.

“Không giận đâu!” là một câu tham thoại rất tốt để nói với chính bản thân. Đó là một sự đối xử đầy tử tế với chính mình để không bộc phát những năng lượng sân giận, cấu uế, ô nhiễm, rồi chiêu cảm những thành phần tiêu cực trong xã hội tới với chúng ta. Tác hại, làm cho chúng ta mất thăng bằng trong suy nghĩ, cảm xúc và sự đối xử ở đời thường. Để rồi từ đó sa đà vào những con đường tội lỗi.

Các bạn, chuyện này có! Ai trong chúng ta cũng từng bị vướng vào những điều này rồi. Ôi cha người ta đồng cảm, hai người gặp nhau mà đồng cảm tức là cùng bị cảm thì hết thuốc chữa. Cảm với chuyện cảm và say đó, là hết thuốc chữa. Rồi từ chỗ mà đồng cảm bởi người ta thấu hiểu được nỗi lòng của mình cho đến say, đến tê tê, phê phê hết thuốc chữa. Cho nên phải ngăn chặn ngay, đừng mong cầu người bên ngoài thấu hiểu được nỗi lòng của mình, đừng bao giờ thốt ra rằng: “Trời ơi, không ai hiểu được nỗi lòng của tôi”. Nói được câu đó và tự than trách câu đó hoặc viết ra câu đó là mở cửa xả giàn cho lũ nó tràn xuống, nó giết chết hết biết bao nhiêu con người.

Chúng ta thấy những cái đập điện người ta xả lũ, người ta nói đập điện không có lũ nhưng mà lũ đi ngang qua, mượn chỗ đập điện đó cho lũ đi ngang qua, trời đất, thiên nhiên đi ngang qua, cho họ mượn để họ đi. Nhưng một cái lũ được xả ra từ những đập điện bảo vệ cái đập điện đó, thì biết bao nhiêu con người đau khổ. Ta thấy lũ lụt miền Trung là một sự góp tay tích cực của những cái đập điện xây dựng một cách quá cỡ, chúng ta cũng y như vậy, khi sân giận, chúng ta xây dựng một bức tường của nỗi lòng không ai hiểu, để khi nó nhiều quá, ta phải xả ra, thế là ta đã làm hại những người thân. Và nếu như người hiểu được nỗi lòng của ta, họ nhảy vào bơi, lặn ngụp trong bể điện của ta, để làm cho cảm xúc của ta thấy thích thì gọi là sự đồng cảm. Hai người mà cảm với nhau rồi thì cái này là cảm nặng đó, cảm cái thứ này bác sĩ chữa không hết, thuốc uống vào cũng không hết nữa. Tại vì cảm, nó lây nhau rồi thì thôi, sinh ra bệnh bệnh, bệnh triền miên, bệnh trong bóng tối, bệnh trong lạc đường, bệnh trong vô minh.

Ý thức được, người Phật tử – chúng ta phải luôn luôn ý thức được điều đó! Đừng mong chờ một ai hiểu được nỗi lòng của mình mà phải tu Thiền Mật song tu, lấy trí tuệ – từ bi hiểu thấu được mình, khi khởi lên tâm sân, liền điểm mặt ngay: “Ta sẽ không giận đâu!” để nó không tăng trưởng thành lửa sân. Và uống vào ly nước Mu A Mu Sa, lấy từ bi của mười phương Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền uống vào, gắn kết ngay. Thay vì chúng ta chiêu cảm với những con người tiêu cực để hiểu được nỗi lòng thì chúng ta lại cảm ứng với Chư Phật mười phương để chuyển hóa nỗi lòng của mình, và thắp sáng trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, cơn giận của bạn sẽ hết và đời sống của bạn sẽ an lạc. Không những như vậy, sự tu tập này tăng trưởng nội công, nội lực để bạn có thể hồi hướng hỗ trợ cho những người thân và bạn bè khi họ yếu, bởi chúng ta là bạn hiền tri kỷ ở trong nhóm được gọi là bạn thiện tri thức. Nên nhất định chúng ta tới không phải là chiêu cảm năng lượng tích cực hoặc tiêu cực nữa, mà chúng ta tới là để lan tỏa năng lượng yêu thương từ bi. Không còn giữa hai vế tích cực và tiêu cực của cuộc đời mà chỉ còn từ bi và trí tuệ, bạn bè, người thân thừa hưởng được năng lượng đó và tánh sân của họ được giảm dần, có lợi vô cùng. Nếu ai tu đúng Thiền Mật song tu sẽ không bao giờ giận, giận dai và sẵn sàng nói với tự thân: “Không giận đâu!”.

Hãy nói với mình: “Không giận đâu!”, hít vào một hơi, đưa xuống bụng, thở ra nhẹ nhàng, trì mật ngôn Mu A Mu Sa, hít thêm một hơi, đưa xuống bụng, thở ra từ từ và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thắp sáng trí tuệ, nhìn rõ được vô thường sanh diệt tới lui của những cơn giận trong cõi lòng, bạn đã là người đang trên con đường làm chủ được hơi thở, làm chủ được tánh sân giận, và như vậy có nghĩa bạn đang tu tập đạo nhẫn, nhẫn nhục – một trong sáu phép Lục Độ Ba La Mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ). Và bạn có bố thí nữa, bạn bố thí cho chính bạn cái năng lượng yêu thương, bạn tử tế với chính bạn, bạn mang từ bi – trí tuệ của Phật bố thí cho cái thân Phàm phu này, và nhẫn nhục nhìn được cơn giận, điểm mặt ngay đó: “Không giận đâu!”, bạn là người sống trong hòa bình và an lạc.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Chúng con nhất định sẽ thanh tịnh nơi bản tính của Phật qua hơi thở Chánh Niệm từ bi – trí tuệ quán. Và nhìn rõ hơn tánh sân giận trỗi dậy trong cuộc đời và tử tế với bản thân, nói thẳng với chính mình: “Sẽ không giận đâu!”, và uống vào trong tâm thức năng lượng từ bi, nước Cam Lồ Tịnh Thủy Mu A Mu Sa, thắp sáng ngọn đèn trí tuệ của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để được an, được vui và thấu hiểu được nỗi lòng của mình mỗi ngày mỗi giây.

Xin Chư Phật gia trì!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng!

Thưa Phật! Nếu trong sự đồng tu hôm nay, chúng con có tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts