Search

Bài 2152. Thực Tế Chút Đi | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Lượng đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi! Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con giữ được Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Xin Chư Phật cũng gia hộ cho Việt Nam quê hương của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Nguyện xin Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật phóng quang tiếp dẫn chư vị hương linh đều theo nghiệp lành của mình mà tái sanh cảnh Tịnh Độ. Xin Chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái; bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy từ bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong từng hơi thở của Chánh Niệm, thiền trí tuệ và từ bi để gắn kết với mười phương Chư Phật trong sự thanh tịnh, trang nghiêm đạo tràng tự thân, và nguyện hồi hướng tới tất cả các đấng bậc sinh thành, chư vị ân nhân, gia đình, bạn bè, xã hội, cộng đồng và nhân loại.

Chúng ta hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng, quán chiếu thân tâm mình và đồng trì mật ngôn:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

 (15:26) Mô Phật! Các bạn thân mến! Chúng ta ở đời là con người, thường hay nói với nhau những câu mà ai cũng phải chấp nhận. Chắc chắn các bạn đã từng nghe những câu như vậy trong giao tiếp, trong xã hội, trong quan hệ của con người. Những câu như vầy thường hay nhắc nhở cho chúng ta để đánh giá lại sự việc ta đang làm, câu đó là “Thực tế chút đi!”. Đúng! Ta nghe từ bạn của chúng ta khi chúng ta kể cho bạn về một ước mơ, là chúng ta sẽ làm cái này làm cái kia, đi đến chỗ cao trào quá cao, bất chợt bạn đệm cho một câu nghe thấy êm tai nhưng cụt hứng, bạn nói: “Thôi thực tế một chút đi, mơ mộng hoài!”, mà chắc có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe cái câu “Thực tế một chút đi!”.

Là con người, ai trong chúng ta cũng có những ước mơ, có những nguyện vọng, có những sự ao ước thầm kín hay lộ liễu tùy theo hoàn cảnh, tùy theo mỗi một con người và nhân duyên, nhưng khi trao đổi về những ước mơ đó đối với bạn bè hoặc là người thân, chúng ta thường được nói: “Thực tế chút đi! Ước mơ cao với hoài không tới, vuột khỏi tầm tay rồi ngồi đó mà khóc”. Câu đó có! Đôi khi không chia sẻ với mọi người nhưng mình ngồi đó trầm ngâm suy nghĩ biết bao nhiêu những điều mộng ước và chúng ta cứ như vậy thôi. Và có những lúc trong tâm của chúng ta cũng vọng lên lời nhắn: “Thực tế một chút đi bạn ơi!”.

Trong cuộc đời của Bảo Thành, Bảo Thành đã gặp biết bao nhiêu những người tới với Bảo Thành, trước khi nói chuyện, hầu là cái chuyện của sự ước mơ; ước mơ không có tội, chẳng tốn tiền cho nên ước mơ được mà, đâu có sao, vậy nên họ thường nói cái ước mơ của họ, chia sẻ với Bảo Thành mà hầu hết là những ước mơ lớn, ước mơ anh hùng hào hiệp, hiệp nghĩa trượng phu, và tất cả mọi ước mơ đều bắt đầu bằng chữ “nếu”.

Thời xưa khi mà Bảo Thành ở đây, ngay ngôi chánh điện Tổ Đình Chùa Xá Lợi, thuở hoang sơ còn là chuồng bò, nhiều người tới gặp Bảo Thành bắt đầu bằng chữ “nếu”, nói với Bảo Thành rằng: “Nếu như trúng số, sẽ cúng dường biết bao nhiêu tiền, nhiều lắm để xây chỗ này thành ngôi chùa cho Phật tử tới tu tập”. Chữ “nếu” đó là một cái điệp khúc trùng trùng điệp điệp được nhiều người nhắc đi nhắc lại và sử dụng. Cho tới ngày hôm nay Bảo Thành vẫn còn nghe được cái điệp khúc “Nếu như trúng số”.

Và hình như không hẳn chỉ có ở chỗ này, đi tới đâu Bảo Thành cũng được nghe, và được các bạn bè, bằng hữu chia sẻ họ cũng nghe được “Nếu ai đó trúng số sẽ làm việc này việc kia…”. Mà có lẽ trong thâm sâu thầm kín của mỗi người chúng ta vẫn tự nói với mình: “Nếu trúng số hoặc nếu được, hoặc nếu một mai, hoặc nếu như thế này, hoặc nếu như thế kia,…”. Và sau chữ “nếu” đó, ta thêu dệt cả một bản đồ hoặc trình điều ta sẽ làm, người ta gọi là vẽ vời cho ước mơ nhiều màu sắc đẹp đẽ để rồi bay bay lơ lơ lửng lửng.

Nhưng các bạn có biết không, trong những ước mơ đó, nó không thực tế một chút nào, nhưng nó lẫn lộn của những cái ý khởi lên trong tâm ý mông lung, phóng dật, không được tự chủ, để tác thành những ngôn ngữ và hành động đôi khi hoặc là nhiều khi tạo ra ý nghiệp mà ta không bao giờ ngờ tới và hay được. Vậy nên trong cuộc sống, phước báu đôi khi bị suy giảm chính là bởi vì ta sống không thực tế chút nào.

Từ điều đó, nó lấn sang góc cạnh của cuộc đời mà chắc chắn Bảo Thành và các bạn từng nghe từ hàng xóm, từ thôn làng và từ bạn bè, có thể ngay trong gia đình, vào những dịp chúng ta đi chùa, đi tu hoặc chúng ta đi những pháp hội, lễ hội, những thời khóa bát quan trai hoặc là Phật thất, nói chung là những chương trình tu, gặp nhiều lúc người trong gia đình hoặc người thân nói thòng một câu mình nghe thấy choáng váng, rồi cũng phải cúi mặt đi tu, đi lễ rồi đi tham dự những khóa đó mà lòng hình như ngổn ngang dữ lắm.

Người thân thường hay nói như vầy: “Thực tế một chút đi! Tụng kinh một tiếng có no bụng không? Ngồi thiền hai tiếng có khát nước không? Rồi nước đâu mà uống? Chưa nói đến chuyện tiền bạc, nhà cửa, bao nhiêu chuyện khác. Thực tế một chút đi! Kinh mõ hoài có no bụng không? Túi có đầy tiền không? Có được nhà cửa, xe cộ hay không?”. Riết rồi chúng ta nghe những câu “Thực tế chút đi!” để so sánh giữa đời với đạo, sự thực tế đó rất thực dụng. Cuộc sống của con người là cần tiền, cần đồ ăn, cần nước uống, cần đồ mặc, cần nhà cửa, xe cộ và phương tiện, rất thực tế, mà lời nói thực tế đó, nó đi xuyên suốt vào sự thực dụng trong kiếp người.

Những chuyện mà có nhà, có cửa, có tiền, danh vọng địa vị, phương tiện sống ở đời hoàn toàn không sai, hoàn toàn không sai, nhưng nó sẽ rất sai khi chúng ta mang cái thực tế và rất thực dụng trong cái phương tiện sống của con người so sánh với đời sống tâm linh. Để nói rằng đi vào đời sống tâm linh tu tập chuông mõ, Kinh kệ như vậy, thiền định như thế, tụng niệm như vậy, có được những cái rất thực dụng và thực tế cho nhu cầu vật chất của đời sống hay không? Để rồi chúng ta không thấy có ở bên này có sự đáp ứng, chúng ta dần dần, dần dần bỏ đi con đường tu học và thấy rằng người kia nói đúng. Riết rồi con đường tâm linh bị đóng kín, phóng kín và chỉ có con đường đời sống thực tế, thực dụng.

Thực tế, thực dụng đến cái câu mà nó được biến thể thành câu mà hình như ai cũng thường hay nói tới: “Có thực mới vực được đạo”; nghe nó êm tai, nghe nó khoái chí, nghe nó đúng mà. “Có thực mới vực được đạo”, câu đó gắn liền với đời sống của con người. Có thực mới vực được đạo! Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ, suy nghĩ cho thật kỹ thì cái câu lạm dụng, thăng hoa và tô điểm cho những nhu cầu đời sống của con người trên bốn bề mặt của bốn câu, bốn chữ đó, gọi là “Có thực mới vực được đạo”, quá thực tế, quá thực dụng, quá đúng với kiếp nhân sinh, để rồi biết bao nhiêu con người chúng ta chẳng bao giờ đi vào con đường đạo, chỉ lo con đường có được thực mà thôi, được sự sống.

Lương thực ngày nay là một trong những nhu cầu. Trong cái lương thực đó nó bao gồm là tiền tài, danh vọng, địa vị, của cải, quần áo, nhà cửa, xe hơi, mọi phương tiện, thì ta tóm lại chữ “thực” cho nó dễ chứ thực không hẳn là chỉ có đồ ăn không thôi đâu. Thực tế, thực dụng! Suy nghĩ, chúng ta cùng nhau suy nghĩ, và tự nói với mình: “Chúng ta có cần thực tế một chút đi hay không trên con đường đồng tu học hỏi giáo pháp Như Lai?”. Những câu văng vẳng ở bên tai do người ở đâu đó nói tới: “Có thực mới vực được đạo”, “Thực tế một chút đi! Có ai ngồi gõ mõ, tụng Kinh mà có tiền đâu? Có ai ngồi thiền đó mà có nhà có cửa đâu?” nghe đúng quá, cứ so sánh riết rồi ta bỏ – bỏ con đường đạo.

Những cái mà cuộc đời của Bảo Thành và các bạn nghĩ rất thực tế, “Có thực mới vực được đạo”, tưởng nắm chặt ở trong lòng bàn tay, tưởng có mãi mãi muôn đời, thực tế, thực dụng tưởng là có đó, nhưng cuối cùng trở thành vô dụng, bởi muôn điều ta đầu tư vào trong sự thực tế, thực dụng để có được những điều ta mong muốn, nó vô dụng bởi thực ra có mà là không.

Mùa dịch vừa quét ngang (chưa hết đâu các bạn), biết bao nhiêu con người cũng từng nghĩ rất thực tế và thực dụng về đời sống vật chất, rồi đó, họ nằm xuống, trở thành vô dụng bởi muôn thứ họ gom được trong đời sống đâu có mang theo được, không có mang theo được. Có phải chăng những cái rất thực tế, thực dụng kia đã biến thành vô dụng ở phút cuối cuộc đời khi lìa bỏ thế gian này?

Đây không phải là một cách nói tiêu cực để chúng ta chán bỏ cuộc đời rất thực tế, thực dụng trong cuộc sống, nhưng là một cách nói để chúng ta nhìn thấy sự thăng bằng, khế hợp cho đúng trên con đường ở kiếp người đang sống giữa đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh.

Phật dạy, chúng ta tu phước là chúng ta có vật chất, có đầy đủ những điều ta có. Phật còn dạy chúng ta tu phước báu như thế nào để có tiền, tu phước báu như thế nào để có sắc đẹp, có sức khỏe, tu thể loại phước báu nào để được mọi người thương mến, để thành công, để gần gũi được nhiều người thương yêu. Phật phân tích thật kỹ, thật nhiều về mọi loại phước báu ta tu để có được trong cái phước báu nhân thiên nơi con người, nhưng Phật vẫn kèm theo chớ dừng ở chỗ phước báu đó, mà hãy mượn cái phước báu có được trong kiếp này để bước lên một bước nữa cao hơn. Còn không chúng ta đã tiêu hao mọi phước báu cho những nhu cầu rất thực tế, thực dụng của kiếp người và đi tới cuối đời trở thành vô dụng, không mang theo được.

Chúng ta nhớ, cái thực tế và thực dụng của cuộc đời này nếu được chuyển khoản, nếu được chuyển khoản vào đời sống tâm linh và đổi thành phước báu và công đức, thì muôn đời ở kiếp này qua kiếp sau, dù thân chẳng còn, hơi thở đã tắt, nhịp tim không còn đập, ta vẫn mang theo được trong sự tái sanh. Còn vật chất của cải của thế gian – một cái thực tế, thực dụng cho cái nhu cầu sống đó, không chuyển khoản vào đời sống tâm linh để tăng trưởng phước báu và công đức, thì nhất định chúng ta khi chết chẳng mang theo được. Nhưng ngược lại, những sự phiền não, đau khổ, oái oăm sẽ đeo đuổi chúng ta mãi mãi.

Ông bà mình thuở xưa, đây là cách sống thuở xưa mà chưa có nhà băng, tiền bạc đôi khi cứ chôn dưới đất, vàng cũng chôn ở dưới đất, lỡ chết không chỉ cho con cháu nên mất. Mà con cháu không biết, tiếc quá, muốn truyền lại cho con cháu lại hóa kiếp thành chó để giữ của. Câu chuyện này không nói chơi, thời Đức Phật, có một vị đại phú kia giỏi dữ lắm, nhà nuôi một con chó, con chó này gặp ai cũng sủa, ông ta thương con chó dữ lắm. Khi Đức Phật đi khất thực tới, con chó sủa, Phật mới nói với con chó rằng: “Ngươi đã quá tham! Chôn vàng mà khi chết không chỉ được cho con cháu nên đã hóa thành chó để giữ cái kho vàng đó”. Phật chỉ nói như vậy, con chó buồn quá, lủi thủi đi mất, không dám gặp ai. Khi người đại phú kia trở về thấy con chó mình buồn rầu, nằm một chỗ thì hỏi: “Tại sao?”. Giai nhân mới nói có Phật đi ngang khất thực và Phật nói với nó như vậy nên nó buồn. Thì vị đại phú kia liền gọi Phật ngày hôm sau đi khất thực và hỏi: “Tại sao?”. Phật mới nói: “Con chó này chính là hiện thân của cha ngươi kiếp trước tái sanh trở lại. Có hũ vàng chôn mà không để lại cho ngươi, nên chết rồi hóa thành chó trở về nằm ngay chỗ đó để giữ kho vàng. Ngươi không tin ta thì đào lên sẽ thấy kho vàng”. Ông ta đào lên thấy kho vàng nên tin vào lời Phật và từ đó học pháp của Chư Phật.

Nếu như chúng ta cứ khư khư sống rất thực tế và thực dụng, dồn toàn bộ tâm trí của cuộc đời đi tìm những thứ của cải như vàng bạc, châu báu, đồ ăn, nước uống rất thực tế đó, để rồi bất chợt chết đi mà không để lại cho ai được hoặc chưa tiêu xài hết, nhất định cái tâm tham và tâm sân của chúng ta sẽ đẩy đưa ta vào cõi si mê, vô minh để tái sanh, có thể trở thành những loài súc vật đào bới, ôm giữ như câu chuyện trong Kinh Đức Phật nói về mà ta vừa nghe.

Chúng ta nhớ rằng lời của Phật nói không phải hù dọa để đẩy đưa ta vào đời sống tiêu cực, mà Phật muốn ta nhìn thấy một cách thực tế như câu ta thường nói: “Thực tế chút đi!”, thì thực tế hơn rằng chúng ta có ba cách để sống mà đó là gói trọn cả cuộc đời. Là đời sống về vật chất, tinh thần và đời sống tâm linh, nhưng chúng ta nói gọn là thực tế, nhưng chỉ mới nghiêng về một phần trong đời sống, quá lắm là hai phần tức là về đời sống vật chất và đời sống tinh thần, còn thiếu đời sống tâm linh, có nghĩa là chúng ta chưa thực tế mà đi đâu cũng cứ nói rằng: “Rất thực tế!”.

“Thực tế và thực dụng, có thực mới vực được đạo”, câu đó như là một cái thương hiệu lập đi lập lại như kẻ khùng điên lảm nhảm trong cuộc đời, vậy mà vẫn thích. Nhưng nói cho rõ, chẳng thực tế chút nào, bởi còn thiếu – thiếu đời sống tâm linh. Nay ta phải nói với mình: “Thực tế một chút đi!”.

Thực tế từ chỗ này nữa, lần mò lại để hiểu, các bạn và Bảo Thành đi theo học Phật, đồng tu vẫn còn rất hoang tưởng bởi sự đồng tu của chúng ta, bởi sự học Phật của chúng ta, bởi sự tu tập của chúng ta là chỉ đáp ứng, là chỉ để đáp ứng và thỏa mãn những ước mơ “nếu”, kèm theo chữ “nếu”. Chữ “nếu” đó mà phân tích cho đúng vẫn là một chữ gọi là hoang tưởng trong sự hối lộ không thực tế. Chúng ta vẫn thấy ở các chùa, đình, miếu, có những vị tới cúng kiếng xong nói rằng: “Phật ơi, nếu ngày mai…, con sẽ…”. Các bạn có từng nói câu đó chưa? Chắc chắn có! Không sao, đừng sợ có tội, đừng sợ tạo nghiệp, phải sống thực tế và phải sống chân thực với chính mình, chắc chắn Bảo Thành và các bạn đã từng tới với Phật, có thể có đồ cúng, có thể có đồ như dâng lên cho Phật hương hoa, cũng có thể không có gì, ngồi đó với cái tâm thành thôi và nói với Phật: “Phật ơi, nếu…”. Nếu như ngày mai, nếu như tháng sau, nếu như công việc được trôi chảy, nếu như con trúng số, nếu như vầy nếu như kia, ôi cha, cái nếu đó như từng sợi chỉ, như từng sợi tơ đủ màu đủ sắc, dệt hoa thêu gấm làm mù lòa chúng ta. Bảo Thành đã từng một thời đã trải qua mộng mơ như vậy, sau này ngộ ra, thấy nó buồn cười cho cuộc đời của mình. Mà chắc chắn chúng ta là con người thường hay bị dính vào cái vòng đó, rất thực tế, thực tế đến mức mà mù lòa chẳng hay.

Nay nhìn lại, chúng ta phải xét lại ngay thực tế bây giờ, nếu như trên con đường tu tập của chúng ta chỉ là để đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống, nó không sai các bạn, nhưng nếu chỉ gọn và vỏn vẹn trong cái nhu cầu của cuộc sống về vật chất, tinh thần thì chúng ta chưa thực tế hiểu được lời của Đức Phật một cách trọn gói. Vậy thì hãy thực tế chút đi để cho lòng được thanh thản. Bởi vì trọn gói của chúng ta là 3 trong 1, là đời sống vật chất, đời sống tinh thần và đời sống tâm linh. Tu đúng, cả ba vấn đề này đều có thể tới với chúng ta, bởi chúng ta có đầy đủ phước báu và công đức. Hiện kiếp ở đời vẫn có đủ phương tiện để sống và thọ mạng viên mãn thì cũng có dư để đi tái sanh trong cảnh thiện lành.

Thực tế phải nói như vậy! Thực tế phải nói rằng: “Có thực tôi chuyển thành kho tàng phước báu và công đức”, chứ đừng nói: “Thực tế có thực mới vực được đạo” để rồi cứ lao đầu đi tìm của cải, vật chất thế gian, khi chết, nằm xuống mồ sâu, có gì ta mang theo được? Người ơi, một mai khi đã về rồi, về đâu? Về với lòng đất sâu thẳm đó, ta nhìn lại, ta thấy, ta có gì để mang theo? Không có gì hết!

Cho nên nhớ, khi còn sống, còn có trí tuệ, còn có sức khỏe, còn có sự tu, ta phải minh định rằng chẳng nghiêng về cái vật chất có thực để vực được đạo, nghiêng về thế giới của vật chất, của tinh thần thực dụng hóa thành vô dụng, mà phải nghiêng tới sự trọn gói mà Đức Phật dạy rằng trong đời sống tâm linh, nó sẽ tăng trưởng đời sống về tinh thần và vật chất kèm theo. Vậy nên, vậy nên thực sự người tu đúng, không phải là gạt bỏ đời sống vật chất và tinh thần, mà là người biết tăng trưởng đời sống tâm linh để đời sống vật chất và tinh thần luôn có đó, phù hợp trong cuộc đời như một phương tiện để sống trong kiếp người thành tựu được pháp an lạc.

Thực tế một chút đi các bạn! Và phải chân thực với lòng mình rằng chúng ta đi tu vẫn chỉ để là hoặc chúng ta đồng tu vẫn chỉ để là phục vụ cho nhu cầu cảm xúc và ham muốn vật chất đời thường, chưa nghiêng về đời sống tâm linh đích thực, thì hôm nay nghe tới chữ “Thực tế một chút đi!”, mỗi người chúng ta sẽ phải tư duy trở lại. Không sao, không sao cho những tháng ngày ta quá nghiêng về vật chất, về tinh thần, về sự tu tập để phục vụ cho nhu cầu đó. Không sao, có lớp 1 mới tới lớp 2, trước khi vào lớp 1 phải qua lớp mẫu giáo, trước khi vào lớp mẫu giáo phải qua chữ “ê”, “a” cha mẹ dạy, “papa”, “mama”, rồi từ từ ta học đi lên mà trưởng thành. Ngày hôm nay, chúng ta phải lên lớp, không thể cứ ngồi ì ở lớp mẫu giáo, lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 được. Không thể ngồi ì ở cái lớp mà chỉ tu cho đời sống vật chất, không thể ngồi ì ở cái lớp mà chỉ tu cho đời sống về tinh thần, chúng ta phải đi vào và đi lên cái lớp thứ ba là đời sống tâm linh với cái chí nguyện giải thoát toàn diện.

Lên lớp thôi các bạn ơi! Chúng ta ở đời học muốn lên lớp mà sao các bạn và Bảo Thành cứ muốn ngồi ì ở hai lớp nhỏ bé, quá bình thường của đời người như thế, hai lớp vật chất và tinh thần thôi? Lên lớp đi! Chúng ta hãy cùng nhau, hay chúng ta hãy cùng nhau nắm tay và nói rằng: “Bạn ơi! Cùng lên lớp, cùng lên một lớp nữa, lớp tu về chí nguyện giải thoát trong đời sống tâm linh toàn diện theo giáo pháp của Phật”. Bao nhiêu năm rồi, bao nhiêu kiếp rồi và bao nhiêu ngày tháng bạn bè của Bảo Thành và các bạn đã cứ ngồi ì ạch trong hai lớp vật chất và tinh thần trong sự tu của mình, thì ngày nay nhất định ta phải nói: “Lên lớp thôi! Ta ở lại hai lớp đó quá lâu rồi, không thấy nhàm chán sao?”. Đôi khi không thấy nhàm chán thật, nhưng qua thời kỳ đại dịch vừa rồi, ta có sự trải nghiệm thực tế, dù không nhàm chán cũng phải nhìn cho thấu để biết rằng, khi ngày cuối tới, ta chẳng có gì để mang theo. Nếu như trong kiếp nhân sinh này còn đầy đủ lục căn, còn đầy đủ sức khỏe và trí tuệ, sự tu luyện và quán chiếu mà không lên lớp thì mai mốt thụt lùi đau khổ lắm. Tu là phải tiến, tu là phải lên, lên lớp tâm linh, ta thấy nhẹ nhàng mà tinh thần, vật chất cũng có đủ như ai, không sợ.

Đây mới chính là sự thực tế và chúng ta phải chấm dứt cái câu tự mặc định, tự ám thị, một câu tự kỷ rằng: “Có thực mới vực được đạo”, câu đó hoàn toàn là sai. Dĩ nhiên nói trên vấn đề thực dụng, đã không có ăn làm sao mà tu. Đúng! Nhưng nếu có ăn, có tiền, có tài cũng chưa phải là cả một đời người. Bởi có tiền và vật chất đâu thể mua được hạnh phúc. Biết bao nhiêu người và trong đó có chúng ta, cày ra mà làm cho có tiền có của, để rồi khi mệt mỏi, bệnh hoạn, lại vùi đầu nhắm mắt xài cho nhiều tiền để giữ được sức khỏe. Mà khi còn trẻ thì hoang phí, làm việc cho có tiền nhiều lắm, mà làm quá hóa ra lao lực bệnh hoạn, rồi mang biết bao nhiêu tiền tài trả cho ông bác sĩ để rồi nuôi cái bệnh của chúng ta.

Cái đó là cái nhìn thực tế khi thấy được như vậy để chúng ta cẩn trọng và đánh giá cao hơn về sức khỏe, về điều kiện và phương tiện ta đang có để ta làm một cái gì đó ý nghĩa cao hơn, mà ý nghĩa này Bảo Thành nhắc nhở để mọi người phải suy nghĩ rằng hãy lên lớp, lớp sống tâm linh, đừng ngồi ì giữa hai lớp vật chất và tinh thần. Thì sự đồng tu của chúng ta sẽ tiến bộ vô cùng, càng lên lớp cao càng tiếp cận được với những bậc giáo sư thật là giỏi, những bậc thầy cao minh, tạo được phước báu tiếp cận với những bậc thiện tri thức, Bồ Tát, Thánh Hiền và Chư Phật, cao quý lắm. Lên lớp thứ ba đi, lớp tâm linh, chí nguyện giải thoát toàn diện trong cuộc đời, nhất định bạn sẽ có đầy đủ những điều cao đẹp tới với bạn trong cuộc sống!

Thực tế một chút và thực dụng một chút nghen các bạn! Thực tế ở đây tức là phải nhìn nhận rằng chúng ta đã thiếu đời sống tâm linh, thực dụng một chút là để chúng ta tu nữa để chứng đắc được đời sống tâm linh, và thực sự có thực mới vực được đạo, cái thực ở đây không phải là thực phẩm, vật chất nuôi thân mà cái thực phẩm nuôi đời sống tâm linh, thực phẩm đó chính là gì? Chính là phước báu của những pháp thiện các bạn làm được. Cho nên chữ “thực phẩm nuôi thân” và “thực phẩm nuôi tâm” nó không khác, chỉ cần chuyển hoá nó thôi.

Ngày xưa người ta trao đổi hàng với hàng, có thể có 01 ký khoai trao đổi với 01 ký gạo, sau này người ta chế tạo ra tiền và có cái định giá của nó, đồng tiền nó đại diện để đi trao đổi hàng hóa cũng như buôn bán. Y chang như thế, đời sống vật chất tu tập này, nếu như bạn chỉ ứng cho đời sống vật chất và tinh thần này mà bạn không chuyển ngân để thành cái công đức giải thoát cho đời sống tâm linh, thì khi kết liễu cuộc đời, tất cả những gì bạn có về vật chất, tinh thần đó đều bị tiêu hủy bởi vì nó nằm trong cái cõi vô thường sanh diệt.

Tất cả đều là vô thường sanh diệt, nếu không chuyển, không luân chuyển, không luân chuyển thì nó tới rồi nó đi, khi nó còn hiện hữu, đang tới, đang hiện hữu đây, ta không luân chuyển tới cái năng lượng cao cả hơn để đi đến sự giải thoát trong thanh tịnh thì nhất định khi nó đi chẳng còn gì.

Do đó, thực tế ở chỗ phải nhìn ra được kết quả cuối cùng của một kiếp người, ta đang thiếu đời sống tâm linh, ì ạch hai lớp mà muôn đời không muốn lên – lớp tu tập cho đời sống vật chất và tinh thần. Vậy nên ở đời có những lớp tu tập về vật chất là những lớp tu để trở thành tỷ phú cho nhanh, những lớp tu tăng trưởng bán hàng, lớp tu này lớp tu kia, ui cha người ta chạy theo rần rần, rần rần rồi đó, được đào tạo những lời thét lên to tướng với trời đất, thật là điên khùng, vậy mà cũng sướng bởi vì nó hấp dẫn quá. Còn những lớp tu thầm lặng về đời sống tâm linh, tăng trưởng đầy đủ, khai mở được trí tuệ, nhìn thấu và vận dụng được mọi phương tiện trong cuộc đời, thành tựu được trong kiếp người, ta lại không tu. Bởi nó thầm lặng, âm thầm. Cái gì càng thầm lặng, âm thầm càng cao quý!

Thực tế một chút nghe các bạn! Hãy cùng với Bảo Thành phát tâm đứng dậy, lên lớp tâm linh mà học, đừng ngồi ở lớp vật chất và tinh thần quá lâu. Thực tế và thực dụng để không đi tới cái vô dụng khi còn mang thân kiếp làm người bởi các bạn biết không, được làm người khó lắm, Phật dạy như vậy, khó vô cùng, và kiếp người rất mong manh. Nếu bạn thực tế và thực dụng nghiêng về vật chất và tinh thần, tức là đi tới sự vô dụng; nếu bạn thực tế và thực dụng nghiêng về đời sống tâm linh nữa, thì không trở thành vô dụng, nó trở thành hữu dụng trong cuộc sống. Và lúc đó chúng ta hãnh diện nói câu: “Có thực mới vực được đạo” ở chỗ này. Con đường đạo mà có thể thăng tiến được là nhờ lương thực, tức là nhờ được tư lương của đời sống tâm linh, chứ không phải nhờ vật thực của đời sống vật chất. Cho nên câu “Có thực mới vực được đạo” mà thực đây là tư lương, là thiền duyệt, là đồ ăn của sự tu tập, là công phu chứng đắc, thì đạo của chúng ta sẽ luôn bền vững, chắc chắn, vững chãi. Còn không cái đạo mà dựa trên cái thực của vật chất thì cái đạo đó gọi là ma đạo chứ không phải là chánh đạo. Và con đường chánh đạo không dựa trên vật chất, con đường chánh đạo dựa trên cái tâm được làm chủ. “Có thực mới vực được đạo”, đạo đây là chánh đạo, thực ở đây tức là công đức của sự công phu tu tập, tư duy Chánh Kiến lời của Phật để gạn lọc trở về với thể tánh thanh tịnh vốn có ở trong ta.

Mời các bạn đặt bàn tay phải – bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – bàn tay Từ Bi!

Thưa Phật! Chúng con nhất định sẽ lên lớp, sẽ sống một cách thực tế trên con đường tu để hiểu rõ chân lý ở đời, thăng bằng được đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh.

Xin Chư Phật gia trì cho chúng con trên con đường đồng tu này! 

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng!

Thưa Phật! Sự đồng tu ngày hôm nay, nếu chúng con tạo dựng được chút phước báu nào, xin hồi hướng cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn