Search

Bài 2155. Hứa Hẹn Suông Hoài | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Thiện Chí đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi! Tới giờ chúng ta đồng tu, mọi người hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu thấy rõ các pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Nguyện xin sự gia trì của Chư Phật xuống cho quê hương Việt Nam và thế giới mau thoát khỏi đại dịch. Hồi hướng cho chư vị hương linh đã quá vãng được tái sanh cảnh thiện lành theo thiện nghiệp của mình.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy Từ Bi nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu thương. Trong hơi thở Chánh Niệm, mỗi người chúng ta quán chiếu bản thể thanh tịnh tự tánh Phật, thể nhập vào với năng lượng từ bi của Chư Phật, nhìn cho rõ các pháp Vô Thường sanh diệt. Trong lúc hành trì hơi thở này, chúng ta sẽ đón nhận được năng lượng của Chư Phật qua thân tâm, hãy nghĩ tới tất cả những người ta thương yêu, các đấng bậc sinh thành, gia đình, bạn bè, xã hội, cộng đồng, nhân loại. Nguyện một lòng hồi hướng năng lượng ấy cho tất cả.

Chúng ta hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng, phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật ngôn:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:04) Mô Phật! Chúng ta đi vào chủ đề ngày hôm nay “Hứa Hẹn Suông Hoài”. Trong xử thế của cuộc đời, ít nhất là một lần chúng ta đã từng hứa hẹn suông với ai đó, mà không bao giờ thực hành, bởi chúng ta chỉ xuôi theo cái câu chuyện và ý tưởng khởi lên quá nhanh, ta liền nhập vào ý tưởng đó, hứa hẹn, hứa hẹn suông. Hứa hẹn suông như vậy hình như nó không còn là sự quan tâm, bởi mấy ai có thể cảm nhận được sự đau khổ, sự đau buồn của người bị thất hẹn bao giờ đâu. Vẫn biết chúng ta khi bị thất hẹn buồn lắm, thậm chí có người khổ bởi một lời hứa của ai đó không bao giờ được thực hiện. Cũng có những con người coi nhẹ lời hứa, hứa như chuyện đầu môi, nghe rồi bỏ qua, bởi đã từng trải qua biết bao nhiêu lời hứa của ai đó chẳng bao giờ họ thực hiện, nên cảm xúc và niềm tin vào nhau đã bị chai lì, để từ đó ai hứa thì họ cũng coi như là hứa cuội, hứa suông, chẳng quan tâm, nghe vậy thôi. Nhưng các bạn có biết không, những lời hứa suông dù là chuyện rất nhỏ mà cứ lặp đi lặp lại hoài, mặc dù chỉ một lần thôi, nếu nói trên góc độ mà giữ giới – giới thứ tư không nói dối, thì chúng ta đã phạm giới rồi. Mà mỗi khi chúng ta phạm giới chẳng phải là có tội với người mà chúng ta hứa; dĩ nhiên chúng ta có lỗi với người thương yêu, hứa mà không hành, đó là cái lỗi, nhưng cái đáng quan trọng là khi hứa suông, phạm giới nói dối, ta tạo nghiệp, tổn phước cho chính chúng ta.

Đó là chuyện ở đời, khi chưa thấu được nhân quả, chưa nhìn rõ được sự nguy hại của những lời hứa suông, phạm giới thứ tư, từ đó mà chúng ta cứ lặp đi lặp lại. Có người nói: “Lời hứa không bị đánh thuế, cũng chẳng bị ràng buộc trong những luật sở tại của chính quyền, đâu có bị bắt, hứa mà, cứ hứa đi”, ta chưa nhìn thấu được cái nhân quả, cái nghiệp tạo ra từ tư tưởng, lời nói và hành vi. Chúng ta không quán chiếu trong từng suy nghĩ khởi lên tác ý như lý mà hay để cho những tâm Tham – Sân – Si sấn vào làm chủ, tác hại chúng ta. Chúng ta chẳng bao giờ quan tâm nhìn vào cái ngôn ngữ ứng xử hàng ngày để cặn kẽ nhìn rõ cái nghiệp tạo ra từ ngôn ngữ đó, mà trong mười điều thiện Phật khuyên chúng ta không nên làm để tạo ra được phước báu. Thứ nhất là không nói dối từ cái miệng này. Không nói dối, các bạn nghe kỹ chưa? Không nói thêm bớt, thêu dệt, nói thêu dệt hay thêm bớt cũng tạo ra nghiệp thật nhiều, nguy hại. Không nói đâm thọt, nói cho người ta bị đau lòng, nói để phỉ báng, nói để gièm pha, nói để chà đạp, nói để sát hại – là cái thứ ba, cái thứ tư là không nói thô ác. Bốn cách nói như vậy ứng xử hàng ngày trong ngôn ngữ của cuộc đời, mấy ai bình tĩnh một chút trong Chánh Niệm để nhìn cái ngôn ngữ đi ra trong sự đối ứng đó để thận trọng mà ứng xử? Không ai làm như vậy! Chúng ta cứ nói, nói một cách vô tư, nói không cần suy nghĩ, nói chẳng có nhìn rõ và đồng cảm với những cảm xúc của những con người đang tương tác, cho nên lời nói của chúng ta làm cho biết bao nhiêu con người đau, nhất là những lời hứa hẹn. Vẫn biết hứa là hứa về những chuyện sẽ tới, sẽ làm, nó thuộc phạm trù của tương lai, nhưng hứa là sự chưa thật đó mà chúng ta sẵn sàng tiến hành tới để ít nhất thành tựu được một phần trăm hay một phần nhỏ thôi, thì dù lời hứa đó, cái ước định của tương lai đó, nó không như ước muốn, nhưng vẫn tác thành cái lời hứa qua sự suy nghĩ đầy đủ thật rõ về điều kiện ta có thể làm được hay không rồi mới hứa hẹn. Hứa suông là một thông lệ ngày nay như một cách nói chuyện cho vui, ít ai để ý sự tai hại của chúng.

Đi vào cái niềm tin tôn giáo. Tất cả mọi tôn giáo, tất cả mọi pháp môn, ngay cả Phật giáo, khi đi vào những cái niềm tin tín ngưỡng của dân gian, vẫn luôn luôn kèm theo những lời hứa, mà có lẽ theo như Bảo Thành là hứa suông, bởi vì chẳng ai chứng minh được lời hứa đó là đúng, là có thể thành tựu được. Có những tôn giáo hứa rằng cứ nghe theo như vầy và làm như vầy (không thể kiểm chứng được các bạn ơi) là khi chết được lên trên Thiên Đàng, Niết Bàn, cõi nào đó hoặc nếu như hại người, thậm chí mà còn giết người vì chân lý hoặc vì Thượng Đế, hoặc vì một đấng nào đó, thì sau khi đó, chết đi rồi, được thưởng về tình ái, sắc đẹp, tiền tài, của quý và ở cõi Trời, cõi Thiên Đường. Chẳng ai chứng minh được đâu! Lại có những lời hứa rằng nếu cứ thực hiện như vậy sẽ đi tới được chỗ này, chỗ kia, có thể là một miền đất hứa, có thể là một cõi nào đó hứa để được và hình như con người vẫn thích, dù hiểu thấu ở trong lòng đã gọi là hứa thì nó chẳng phải là một lời minh định rõ đâu, mà dân gian biến tấu chữ “hứa” thành con ma, con ma nhà họ Hứa. Không cần biết sự hứa hẹn đó tới từ đâu, tới từ những bậc cao cả, giáo chủ của các tôn giáo, những bậc đạo sư, thượng sư, nếu hứa mà không thể chứng minh thì đều là ma nhà họ Hứa, là ma. Ma ở đây không phải là con ma mà là sự chướng ngại, ma tức là chướng ngại, chúng ta đã tạo ra sự chướng ngại cho nhau về những lời hứa mà chẳng ai biết được rằng sẽ thành tựu hay không. Nhưng chúng ta cứ bị sa ngã vào lời hứa thật là nhiều. Để rồi khi tỉnh ra thì cuộc đời đã chín mùi, chuối đã rụng, lá đã vàng, Đông đã tới. Biết bao nhiêu người trong chúng ta hối hận nhiều lắm, bởi cứ đeo đuổi, rong ruổi theo những lời hứa hẹn của ai đó, từ đời sống của con người với con người đến đời sống của tâm linh.

Ngày hôm qua, Bảo Thành khi nhìn vào trên Facebook, thấy thật nhiều người đăng hình của một vị sư đã viên tịch và viết kèm theo một câu: “Hình ảnh của vị sư này rất may mắn, ai nhìn vào có thật nhiều phước và nên chia sẻ, nếu không chia sẻ hình ảnh này trên Facebook thì tà khí, chướng khí, những điều tai họa sẽ tới”. Và Bảo Thành thấy những người thân bắt đầu chia sẻ. Hình như cái chiêu trò đưa ra những cảnh giới đẹp, hứa hẹn sẽ được đạt tới, nếu không làm sẽ bị trừng trị, trừng phạt đó, nó xưa lắm rồi, nó xưa từ cái thuở mà người ta nói chuyện trên miệng rồi đến viết trên giấy, gửi thư. Những kiểu đó nhận được thường xuyên, nay lại ứng dụng vào những thông tin đại chúng, thậm chí mà trên những kênh, những trang Fanpage của những nhóm học Phật mà vẫn chia sẻ một lời hứa dưới một hình ảnh nào đó, hứa hẹn sẽ được và rồi hù dọa đến người yếu bóng vía, tức là người không có trí tuệ suy nghĩ, đọc qua thấy sợ, nói rằng chia sẻ cũng chẳng có gì mà không chia sẻ thì coi chừng xui, thôi ấn đại vài nút chia sẻ. Thế là cái thông tin thiếu trí tuệ và thẩm định được hay không đó, kèm theo những lời hứa suông thật là Tà Kiến, thật là Tà Kiến, chướng ngại, ta đã nhắm mắt xuôi tay làm theo. Bởi làm cũng chẳng có gì sợ đâu, mà không làm lỡ nó xảy ra nguy hại. Rất thật đáng buồn, bởi những người học Phật vẫn còn nhập nhằng trong những lời hứa và sự trừng phạt kèm theo, như một lời đưa ra để xếp đặt định mệnh, cài đặt cho người khác bắt buộc phải theo. Những cách như vậy, nó tới từ niềm tin tín ngưỡng dân gian hòa trộn vào những tôn giáo trải dài theo suốt lịch sử của nhân loại từ ngàn xưa cho tới ngày hôm nay vẫn sử dụng. Hỏi rằng Đức Phật có phải là một vị giáo chủ giác ngộ hứa hẹn suông chúng ta về một cõi Niết Bàn, về một cảnh giới cao siêu và một điều nói rằng làm như vầy thì được, không làm như vầy sẽ bị trừng phạt? Không!

Bài học đầu tiên Đức Phật dạy thật rõ, nói rất từ từ và chứng minh được bằng cách những ai tu tập quán chiếu, thiền hành trí tuệ, thực tập thấy rõ bằng sự trải nghiệm những điều Phật nói là sự thật. Phật không hứa hẹn, bởi Phật là bậc giác ngộ, Ngài không hứa một miền đất hứa, một Niết Bàn, một Thiên Đàng hay một cái gì đó may mắn, vui vẻ, hạnh phúc tới và kèm theo nếu không làm sẽ bị xui, bị trừng phạt. Nhưng Ngài đi tới với chúng sanh nói thật rõ về một chân lý sự thật đã, đang và sẽ luôn luôn xảy ra, tồn tại trong kiếp sống của con người, nếu mọi người lắng nghe, nhìn cho kỹ, quán chiếu cho thấu, đều nhận ra lời Phật nói là chân thật, là thực tế và sự chân thật, thực tế đó, họ đang trải nghiệm, họ biết. Và cái giáo lý chân thật đó là gì? Là giáo lý về Tứ Thánh Đế. Cái đầu tiên là khổ, cái nguyên nhân Đức Phật ra đi tìm đường thực hành để hiểu thấu, trả lời cho câu hỏi: “Tại sao phải khổ? Mà tại sao chúng ta không sống hạnh phúc và an vui mà phải sống khổ?”. Các bạn có khi nào hỏi: “Tại sao chúng ta sống để rồi khổ mà không sống để vui và hạnh phúc?”. Đức Phật tự hỏi bản thân: “Tại sao mọi chúng sanh sinh ra trên đời sống để chịu khổ mà không sống để tận hưởng niềm vui và hạnh phúc?”. Chúng ta cứ muốn hạnh phúc và niềm vui nhưng chẳng khi nào hỏi: “Tại sao sinh ra để khổ mà không sinh ra để hạnh phúc và vui? Rồi đi tìm cái nguyên nhân gây ra khổ và điều gì chuyển hóa cái khổ đó để có được vui và hạnh phúc?”. Đức Phật chỉ thật rõ là khổ và rồi cái đó là khổ, như vậy là khổ, và chúng ta không chối cãi được, bởi mỗi người chúng ta trải nghiệm được điều đó. Phật nói đúng, khổ thật!

Như Phật nói: “Sinh ra là khổ. Ai trong chúng ta cũng nhận sinh ra là khổ. Nói đứa nhỏ mới sinh ra nó đâu có biết gì đâu, nó khổ thật, bởi câu hỏi rằng: “Khi sinh ra sao nó không cười?”. Một trăm đứa nhỏ sinh ra đều khóc, tiếng khóc chào đời đã nói lên sinh là khổ. Không phân tích kỹ đâu, các bạn tự nghiên cứu sẽ hiểu được sinh là khổ. Sinh ra là khổ! Già là khổ. Có những ai già mà không khổ đâu. Chân tay đau đớn, mắt thì mờ, đầu óc thì quên trước quên sau, khổ, và đây là điều chứng minh được bởi mỗi một tuổi đời trôi qua dù vẫn còn ở lứa tuổi thanh niên, thanh nữ hay trung niên hay lão niên, chúng ta đều có những cảm nhận khi lớn tuổi lên có những cái khổ về thân. Bệnh là khổ. Bởi vì chứng minh được biết bao nhiêu con người bệnh khổ lắm. Chết là khổ! Không những khổ cho người chết là khi đau đớn, dằn vặt trong giây phút cuối, khổ vô cùng, mà người sống thấy cái cảnh chết cũng khổ. Nói đến những điều Sinh – Lão – Bệnh – Tử là khổ, chứng minh được, chứng minh được. Vậy thì Phật đâu có nói cái điều mà không chứng minh, Phật đâu có nói cái điều mà không ai trải nghiệm qua để mù lòa mà tin, Phật nói những điều thực tế đã, đang và sẽ luôn luôn xảy ra.

Phật còn nói đến ái biệt ly là khổ, chia tay những người mình yêu thương là khổ. Sự thật, ai trong chúng ta mà không bị khổ khi chia tay với người yêu thương? Cầu bất đắc là khổ các bạn ạ! Những điều cầu bất đắc là khổ. Cầu mong, mong muốn có mà không tới là khổ. Điều này có bởi vì Bảo Thành và các bạn từng trải nghiệm qua những cảm giác đau khổ như thế khi mong muốn một điều gì mà không được, khổ. Oan tắng hội khổ, oan gia trái chủ gặp nhau khổ, đấu khẩu, đánh nhau, chửi nhau, hại nhau khổ lắm. Ấm xí thịnh là khổ, tức là sự thay đổi về không gian, thời gian mà cái ngũ uẩn tương tác hàng ngày từ sắc, thọ, tưởng, hành, thức đó, nó tạo ra những cảm xúc khổ. Tám cái khổ đó Phật nói đều đúng, bởi ai cũng có thể kiểm tra lại, kiểm nghiệm lại và nhận thấy nó đúng. Nó đúng!

Phật không hứa bằng cách sẽ được hạnh phúc và bình an khi nói làm điều gì đó mà ta không biết đúng hay sai, Phật nói thật rõ: “Khổ là có thật!” và còn khổ hơn nữa khi chúng ta mù lòa, nhận thấy cái thân này sinh ra là có thật, trường thọ, không chết, không bệnh, không đau, không khổ, lời hứa của họ là thật, tất cả những điều gì sờ được, cảm nhận được, nhìn thấy được, nghe được, nếm được, ngửi được, chạm được đều là thật. Phật nói đó là cái nhìn sai! Từ từ suy nghĩ, bởi vì Phật nói sai là bởi vì tất cả cái đó đều vô thường sanh diệt như chúng ta cảm nhận được, kiểm tra được thực tế.

Ai có cha có mẹ lớn tuổi, luôn luôn nghĩ rằng cha mẹ ở đời với chúng ta, nhưng một khi các ngài mất rồi thì hiểu ngay cái cõi đời vô thường ấy. Bảo Thành đã mất cha, mất mẹ, hiểu ngay. Sự quán chiếu để không phải đợi đến người thân mất mới hiểu được vô thường, vậy nên chúng ta có thể kiểm tra được và chứng minh được lời Đức Phật nói là đúng. Ngài đã giác ngộ, Ngài thấy rồi, trong cái khổ đó là bởi vì chúng ta chấp vào cái gọi là không bao giờ mất, có đó, chẳng thấu vô thường nên khổ. Nên khi nhìn thấy vô thường không bám chặt vào đó nữa, như con đò ta có, mượn để qua sông chứ đừng giữ con đò tưởng nó là luôn luôn hiện hữu, để khi đò đã bị tan, bị mục, bị nát, ta khổ não vô cùng.

Tất cả thân Tứ Đại này có Sinh, có Bệnh, có Già, có Chết là sự thật, nhưng mỗi một mảng của cuộc đời đều là một miếng ván ghép vào làm con thuyền như phương tiện để đi. Ngay cả sự chia tay với một người thương yêu cũng đã chứng minh nên cái cảnh sống vô thường, ngay cả điều mong muốn không được cũng hiểu thấu sự sanh diệt tới lui, ngay cả ái biệt ly rồi đi tới oan gia trái chủ, ấm xí thịnh, tất cả điều đó chứng minh và thấy rõ gây khổ. Phật không hứa hẹn!

Rồi Phật còn chứng minh rằng trong cái khổ đó luôn luôn hiện hữu niềm an lạc và hạnh phúc, nếu chúng ta quay lại một hướng khác nhìn, sẽ có cơ hội chạm vào sự hạnh phúc, an vui ngay bên cạnh sự đau khổ của cuộc đời. Cho nên Phật nói: “Có khổ thì có hạnh phúc. Nếu có khổ và nguyên nhân tạo ra khổ thì có hạnh phúc và phương thức để chạm vào được hạnh phúc”, những điều đó đều chứng minh được trong Tứ Diệu Đế, khổ, nguyên nhân tạo ra khổ, hạnh phúc và phương thức tìm ra hạnh phúc. Những phương pháp Phật nói thật rõ, được trải nghiệm và được thực nghiệm qua nhiều đời và chứng minh được rằng những phương pháp Phật dạy, thực nghiệm để đạt đến bến bờ hạnh phúc ngay ở cuộc đời này là sự thật và khổ là sự thật ai cũng nếm trải, nguyên nhân gây ra khổ này hiểu rõ.

Chúng ta không đi vào Tứ Thánh Đế cho thật rõ chi tiết, nhưng chỉ thấy rằng Đức Phật không phải là một đấng hứa hẹn suông về một cảnh giới cao như một cõi gì đó an lạc lắm, để rồi kéo chúng ta đi vào một miền đất hứa, một miền đất hứa hẹn suông hoài mà chẳng thể chứng minh. Bởi Phật không nói về cảnh giới cao siêu, cõi nào hết, mà nói về chuyện sự thật của cuộc đời đang diễn bày và xảy ra trước mắt của chúng sanh, đó là khổ, nguyên nhân tạo ra khổ, niềm vui tại đây và phương thức để có được niềm vui, hạnh phúc.

Tám con đường Thánh là Bát Chánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, chúng ta thấy thật rõ. Chánh Tinh Tấn, Chánh Định và Chánh Niệm là tám phương thức chúng ta thực hiện được, làm đúng và thực hiện điều đó thì đều có sự trải nghiệm được hạnh phúc, an lạc tại trần gian. Còn nếu ta không làm theo tám điều đó, ta cũng có sự trải nghiệm nhưng trải nghiệm trong đau khổ và phiền não. Và khi chúng ta thực hiện theo tinh thần của Bát Chánh Đạo, chúng ta sẽ có trí tuệ.

Thiền trí tuệ và thiền từ bi bổ túc cho nhau để thể nhập vào tám con đường Thánh, có nghĩa là tám phương thức để thành tựu được Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Định, Chánh Tinh Tấn và rồi đến Chánh Niệm. Điều này thực hiện được bởi chúng ta thường thực tập mới chỉ có Chánh Niệm trong hơi thở để có thể thắp sáng được trí tuệ, lan tỏa từ bi yêu thương thôi, thì chúng ta đã dần trải nghiệm được cái cảm giác an vui và hạnh phúc. Vậy Phật không hứa hẹn suông, Phật nói chân lý là chân lý sự thật của cái mà Ngài nhìn thấu được qua sự trải nghiệm, tư duy, thiền định. Cho nên trong trí tuệ và từ bi không phải là chỉ có trí tuệ và từ bi tự nhiên trên trời kéo xuống, mà trí tuệ – từ bi, thiền trí tuệ và từ bi của Mẹ Hiền Quan Âm dạy qua hơi thở Chánh Niệm, là thiền trong cái hạnh kham nhẫn. Chính Đức Mẹ Quan Âm thể hiện sự kham nhẫn, tầm thinh cứu khổ chúng sanh. Ngài nghe thấy hết mọi âm thanh khổ, nhìn thấy khổ hết, để rồi hóa ứng hóa thân của Ngài phù hợp với từng chúng sanh để dìu dắt, đó là nói đến hạnh kham nhẫn, chẳng thừa hưởng cái Niết Bàn ở một cảnh giới cao mà hạ trần giáng thế, ứng thị nhiều thân phù hợp với nhiều chúng sanh để độ, kham nhẫn bởi Ngài biết lắng nghe.

Trong cái hạnh kham nhẫn đó còn đi tới cái thiền tuệ, thiền định tuệ, hành thiền bằng phước huệ song tu qua trí tuệ và từ bi. Thiền Mật song tu là một pháp môn tu hạnh kham nhẫn để phục vụ nhân sinh bằng cách hành thiền phước huệ song tu qua luôn Chánh Niệm bằng trí tuệ và từ bi. Để mỗi người chúng ta có cơ hội nhìn thấu và nhìn rõ các pháp vô thường, để thấy được thực tướng của cái khổ mà Phật nhắc tới nó là thật và nguyên nhân gây ra khổ. Từ đó chúng ta bước lên một bước nữa là hành miên mật không dứt đoạn. Hành thiền, thiền tuệ, phước huệ, dùng từ bi tăng trưởng phước báu, dùng trí tuệ để khai mở huệ giác. Rõ quá! Ta thấu được và chạm được, và hạnh phúc ngay kiếp này, an lạc ngay kiếp này. Phật không bao giờ hứa về một cõi Niết Bàn, một miền đất hứa ở một cảnh giới nào đó rồi cứ mù tịt, mù tịt mà đi theo, chẳng ai biết được, có hay không chỉ là những câu chuyện kể mà thôi, chẳng trải nghiệm, chứng nghiệm được.

Tất cả các tôn giáo, ngay cả Phật giáo thời nay vẫn luôn nói tới một sự hứa hẹn; bây giờ nói đến hứa hẹn suông hoài thì có lẽ sẽ tạo ra sự tranh luận, biện luận mà hình như chúng ta suy nghĩ kỹ đi, hầu hết là đều hứa hẹn về một cái gì cao đẹp, huyền bí, mà không thể trải nghiệm được khi còn sống, phải đợi đến khi chết. Một cái pháp tu thật kỳ quặc, dù nói rằng của Phật, nhưng mà đợi đến chết mới trải nghiệm được. Cho nên từ đó các tôn giáo bạn hoặc những người khác chưa biết về Phật giáo nghĩ rằng Phật giáo thật tiêu cực, cái pháp tu gì không biết, nói đến cảnh giới thật là tuyệt vời, hứa hẹn thật là cao nhưng phải chết rồi mới tới được. Thì đó là cái phép tu của những lời hứa, mà khi lời của Đức Phật lưu truyền trong dân gian trải qua nhiều thế hệ đã biến hình phù hợp với cái cảm thọ, cảm xúc, mong cầu của chúng sanh trong vô minh. Luôn luôn thay đổi để thỏa mãn cảm giác, cảm xúc, ước muốn của mình mà thôi. Chứ chẳng thực tập để có sự trải nghiệm rõ cái chân lý Phật đã chỉ rõ, rồi vô tình chúng ta đã đưa chân lý thực và rõ của Ngài dạy trong bài pháp Chuyển Pháp Luân đầu tiên tối quan trọng về Tứ Thánh Đế dần biến thành những cái hình ảnh hứa hẹn của Phật giáo về một kiếp mai sau, mà chẳng nghĩ đến chuyện hiện thời chuyển hóa để kiếp này được vui, an và hạnh phúc.

Kiếp này vui, kiếp này an, kiếp sau an, kiếp sau vui, hai đời đều an vui, rõ ràng! Tu là ngay bây giờ chứng nghiệm được, lời Phật nói, thực hành là một phương thức rất khoa học để chứng minh. Ai trong chúng ta dám cãi lời của Phật bởi là chân lý, Phật nói khổ. Những nguyên nhân Phật nói khổ rõ rồi. Sinh – Lão – Bệnh – Tử, các bạn thấy chưa? Cầu bất đắc, ái biệt ly, oan tắng hội, xí thịnh suy, nó rõ ràng quá, ai cũng biết, trải nghiệm thấy rõ và hiểu được cái nguyên nhân – nguyên nhân là Tham – Sân – Si, nó rõ lắm. Và chính vì cái nguyên nhân đó tạo ra khổ, cho nên Phật nói có cái phương thức để tìm được hạnh phúc và an vui, đó là phương thức bằng trí tuệ và từ bi trong Bát Chánh Đạo – đều thể hiện tinh thần trí tuệ và từ bi.

Chánh Mạng, Chánh Nghiệp là nói đến vấn đề chúng ta thể hiện lòng từ bi. Thật rõ! Tám cái tâm pháp từ Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, chúng ta tư duy đó, rồi hành động Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Tinh Tấn, Chánh Định, Chánh Niệm là tám cái tâm pháp thực tập qua cái tâm này để thể hiện lòng từ bi và thắp sáng trí tuệ. Cho nên tám con đường Thánh đó được gom thành hai câu trí tuệ và từ bi, bởi trong đó có hạnh kham nhẫn, có thiền định tuệ, phước huệ song tu thật rõ ràng. Người có trí tuệ và từ bi là người phải trải qua sự thực tập của thiền tuệ, của giữ giới, của kham nhẫn.

Các bạn thấy, mỗi một ngày chúng ta đồng tu từng giờ một ngày thì đã thể hiện, nếu các bạn đồng tu vậy là thể hiện sự kham nhẫn rồi và trong sự tu đó, hạnh kham nhẫn được tăng trưởng. Bởi khi chúng ta tương tác với xã hội, cộng đồng, gia đình, biết bao nhiêu chuyện nghịch ý, ta liền nhận biết và chuyển hóa thật từ từ. Kham nhẫn đó! Và trong sự nhận biết ra những sự đau khổ, phiền não tác hại gây tới với chúng ta, thì đó gọi là nhìn thấy, nhìn thấy đó gọi là thiền và chính cái nhìn thấy, biết rõ là Lăng Nghiêm, Bát Nhã, chúng ta có được huệ, thiền huệ, thiền định huệ rõ ràng trong đó, nhìn thấu tâm định.

Thiền Mật song tu, thiền trí tuệ và từ bi Mẹ Hiền Quan Thế Âm dạy cho chúng ta sẽ chứng minh được qua cái công hạnh của mỗi người nếu thực tập. Phật không hứa hẹn suông và hứa hẹn suông hoài về một cái điều gì đạt được hoặc một miền đất hứa gọi là Niết Bàn. Ngài nói cái điều gì mà ai cũng có thể chứng minh, trải nghiệm được. Ngài dạy cái điều gì mà chúng ta đều có sự trải nghiệm thực tế bằng công hạnh công phu để thấy: “À, Ngài nói đúng!”.

Mục đích của Đức Phật dạy cho chúng ta suốt 45 năm trời là chuyển hóa khổ đau bằng cách tu trí tuệ và từ bi, để có sự trải nghiệm an vui và hạnh phúc khi thấu được nguyên nhân tạo khổ và biết cách. Tức là biết cách để có được sự hạnh phúc, an vui qua con đường Bát Chánh Đạo, hay nói rõ hơn qua sự thiền trí tuệ và từ bi, trọn gói: kham nhẫn, thiền định tuệ, phước huệ song tu, cách nói nào cũng chỉ nằm trong trí tuệ và từ bi. Chú ý phần này, mỗi người chúng ta thực tập sẽ thành tựu được vô số công đức và có trải nghiệm hạnh phúc, an vui ngay cuộc đời.

Hãy suy nghĩ thật kỹ nếu như có ai đưa ra một hình ảnh thật đẹp về một cảnh giới, về những gì sẽ tới với chúng ta và hứa hẹn nó sẽ tới kèm theo một sự hù dọa để làm cho hoảng hồn, sợ hãi, phải đi theo mà chẳng thể chứng minh được. Hãy cẩn thận đừng rơi vào cái cạm bẫy để bị si mê, lầm lạc trong vô minh, tạo nghiệp vô số, tổn phước báu của chúng ta. Hãy tự nói với mình rằng: “Đức Thế Tôn không phải là đấng hứa hẹn suông hoài. Ngài tới khai thị, chỉ dẫn, giáo dục. Ngài là một nhà giáo dục, chỉ dẫn, khai thị tận tụy lắm, để cho mỗi người chúng ta nhận diện được cái chân lý sự thật đó bằng sự trải nghiệm, thực hành, công phu. Cuộc đời là một phòng thí nghiệm có thể chứng minh được tất cả những gì Phật nói là đúng. Cho nên Phật không phải là một người hoặc một đấng, hay một vị đạo sư, một vị thầy hứa hẹn suông hoài”.

Ở đời hứa hẹn suông đã khổ, đã tạo nghiệp rồi, nay lại gặp một vị hứa hẹn suông tài ba, thì chắc có lẽ ta sẽ khổ hoài hoài. May mắn, chúng ta còn có phước báu biết được Phật – Pháp – Tăng và thấy rõ Phật không phải như những vị khác hứa hẹn suông, mà khai thị, hướng dẫn, giới thiệu cho chúng ta một con đường nhận biết ra cái khổ ta đang nhào đầu, vùi vào trong đó và nguyên nhân tạo ra khổ đó, để rồi ý thức được, thực hiện những điều Phật nói để có sự trải nghiệm hạnh phúc, an vui ngay trong cuộc sống này, kiếp này, trong gia đình, xã hội, cộng đồng, quốc độ mình có nhân duyên sinh ra, lớn lên và đang sống.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Chúng con phát nguyện tu Trí Tuệ và Từ Bi, tu thiền Định Huệ, Kham Nhẫn để nhìn thấu và nhận ra thầy – Đức Phật, Đức Bổn Sư là đấng đạo sư, là bậc thầy không hứa hẹn suông, chỉ rõ một con đường để nhìn thấu bằng sự thực chứng qua công hạnh, công phu.

Xin Chư Phật gia hộ cho chúng con!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu nếu có tạo được phước báu nào, xin hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts