Search

Bài 2156. Có Khác Biệt Mới Thấy Rõ | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con Chánh Niệm hơi thở quán chiếu Trí Tuệ và Từ Bi để thấy rõ các pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã.

Chúng con thành tâm hồi hướng và nguyện cầu cho quê hương Việt Nam cũng như toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch.

Và nhất tâm hồi hướng cho chư vị hương linh luôn theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành. Xin Chư Phật chứng minh!

Chúng ta đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong Thiền Mật song tu, Chánh Niệm hơi thở và tổng trì mật ngôn sẽ giúp cho mỗi người chúng ta gắn kết mật thiết với Trí Tuệ và Từ Bi, gần gũi hơn với những lời Chư Phật dạy dỗ và chúng ta sẽ đón nhận được tha lực Phật điển chuyển vào thân tâm như năng lượng vi diệu thúc đẩy chúng ta tinh tấn mỗi ngày.

Giờ đây, chúng ta hãy trở về với hơi thở để bắt đầu!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(14:43) Mô Phật! Hôm nay thứ hai đầu tuần rồi, chỉ một thoáng thôi, chúng ta đồng tu mỗi ngày là một tuần trôi qua thật nhanh. Nếu như chúng ta không để ý, khi nhìn lại, tay chân run rẩy mới nhận ra tuổi đã cao. Nhìn lại cả quãng đời còn trẻ, khỏe, nếu đặt dấu hỏi ta đã làm được gì? Và muôn sự gọi là thành công ở trong đời, những lúc như thế ngẫm lại, ta có được là bao nhiêu? Và cái có đó, liệu chúng ta có thể mang được mãi trong cuộc đời hay không?

Trong Thiền Mật song tu rất quan trọng, bởi mỗi người khi chúng ta có được nhân duyên và phước báu đầy đủ mới có thể tiếp cận được với Thiền Mật song tu – một pháp môn nhìn sơ qua rất bình thường, không có gì quan trọng, hấp dẫn đối với mọi người, nhưng rất vi diệu. Vi diệu ở chỗ không phải là chúng chưa bao giờ được học. Vi diệu ở chỗ không phải là chỗ ta chưa bao giờ từng nghe. Thiền Mật song tu vi diệu ở chỗ là khi chúng ta tiếp cận, học hỏi và thực tập, chúng ta lại được nghe được những chuyện đã từng nghe, đã từng hiểu. Mà khi học Thiền Mật, ta lại học lại những điều ta đã biết, đã nghe. Thoáng qua các bạn thấy rằng: “Ủa, cái này mình hiểu, mình biết mà, có chi đâu mà gọi là vi diệu?”. Các bạn, vi diệu lắm! Vi diệu vô cùng! Vi diệu lắm thay là bởi vì chính các bạn đã từng nghe và đã hiểu đó, nhưng chưa thể chạm vào hương vị của điều nghe, của điều hiểu qua sự thực hành những điều bạn nghe, hiểu bằng Trí Tuệ và Từ Bi.

Đi đâu trong đạo Phật, chùa, đọc Kinh sách, nghe giảng, chúng ta thường nghe diễn giải về Trí Tuệ và lòng Từ Bi. Nếu chúng ta đã từng tới chùa lạy Mẹ Quan Âm – biểu tượng của lòng Từ Bi; biểu tượng của Trí Tuệ kham nhẫn của tình thương lớn để độ cho tất cả mọi chúng sanh thoát khỏi đau khổ bằng chính những điều gì Ngài đã thực hành, chứng ngộ, và tiếp cận với chúng sanh để truyền dạy; đó là sự phổ độ cao nhất bởi truyền cho chúng ta bí pháp vi diệu để chúng ta thực hành mà thành tựu. Vi diệu lắm!

Các bạn! Trong Thiền Mật song tu, chúng ta luôn lấy nền tảng của Trí Tuệ và Từ Bi để xây dựng công hạnh tu tập, chuyển hóa mọi phiền não đau khổ, thành tựu được sự an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống. Đây chính là chỗ khác biệt để thấy rõ được tinh diệu siêu thế trong Thiền Mật mà các bạn đã biết, đã nghe. Khi các bạn thẩm nhập vào rồi, mới chợt nói lên một câu: “Ủa, ta đã biết, đã nghe mà giờ mới được thấm”. Đúng! Chính vì điều ta đã biết, đã nghe trong bao nhiêu năm qua, giờ này mới thấm và chính vì điều ta biết và hiểu bao nhiêu năm qua rất thường ấy, nay thấm được, mới cảm nhận được sự vi diệu tuyệt vời.

“Có Khác Biệt Mới Thấy Rõ”, đây là chủ đề chúng ta chia sẻ. Chúng ta là con người, khi đối diện với những cảnh giới ở bên ngoài – nói đúng hơn là những cảnh và sắc tướng, tức là đối diện với tất cả các hiện tượng bên ngoài, từ hiện tượng vật chất đến những sinh hoạt của tinh thần, chúng ta thường bị hấp dẫn bởi sự khác biệt. Có hai sự khác biệt hình như mỗi người chúng ta trong từng khung thời gian của từng độ tuổi nhận ra được nó. Có những thời ở cái tuổi ta nhìn cái gì cũng thấy khác biệt, và cái khác biệt của cái ta nhìn của người khác với cái ta nhìn của ta, nó theo chiều hướng rằng của người luôn đẹp, luôn tốt, luôn hay và thích thú. Nó lôi cuốn ta là phải tìm đủ mọi cách để có được cái người ta có.

Ví dụ: Có biết bao nhiêu người trong đó có Bảo Thành, thấy được ai có một chiếc xe, dù mình đã có chiếc xe rồi, nhưng khi thấy người ta có một chiếc xe thì luôn luôn có chiều hướng nhìn thấy rõ sự khác biệt là xe của họ đẹp, tốt, có giá trị hơn. Thế là về nhà dồn sức để thay xe, độ xe cho bằng hoặc là phải hơn người ta mới chịu. Bất chợt nhìn trên bàn tay của một người bạn thấy họ có chiếc nhẫn đẹp, ta đeo ba, bốn chiếc nhẫn rồi, nhưng nhìn cho rõ để so cho kỹ, thì chỉ chiếc nhẫn của họ thôi, nó đã cân bằng, thậm chí hơn cả năm, sáu chiếc nhẫn của ta nữa. Trong lòng xao xuyến, về đầu tư chút thời gian, kiếm thêm chút tiền, mua cái nhẫn phải hơn người đó. Chưa kể đến bao nhiêu thứ linh tinh khác về những vật dụng trong đời sống phương tiện của cuộc sống từ vật chất, tinh thần và tâm linh. Thậm chí chúng ta thấy, chúng ta đang tu ở trong ngôi chùa này với vị Thầy này, pháp môn này, chúng ta thấy một ngôi chùa khác, vị Thầy khác, pháp môn khác, chúng ta hình như thấy nó cao quý hơn nơi mà ta đang thường trú tu tập. Rồi từ đó, chúng ta bỏ chùa, bỏ Thầy, bỏ bạn đồng tu để đi tới. Hình như đó là một chiều hướng mà ta thấy được sự khác biệt để thấy rõ rằng phần của ta luôn thua kém phần của người khác. Để rồi tranh thủ, để rồi phấn đấu, gọi là tích cực hơn, mần mò cho có được cái hơn người. Đó là một chiều hướng mà ta thấy được sự khác biệt để rồi thấy rõ rằng ta thua người để nhất định phải bằng người, hơn người.

Vậy nên các bạn thấy không, nhiều nhà có những ông chồng hoặc bà vợ, hoặc thậm chí có con cái đi ra ngoài hay so sánh với bạn bè. Để rồi thấy tủi phận, tủi thân, về càm ràm ở trong nhà, làm cho mất hạnh phúc. Tâm thái trong nhà không được hòa hợp, lộn xộn, bởi luôn luôn chỉ tay rằng: “Có thấy nhà người ta chưa?” hoặc đôi khi chúng ta lại nói rằng: “Em có thấy chồng người ta như vậy/ Vợ người ta như vậy/ Con người ta như vậy?”. Ta cứ mang vợ mình, chồng mình, con mình, nhà mình, của cải mình, công sức của mình so sánh với nhà của người ta, nhưng toàn thấy người ta hơn thôi. Cho nên cứ buồn rồi càm ràm, gia đình lộn xộn, mất hạnh phúc.

Trong tình bạn, trong tình người, trong gia đình, thậm chí có những người con lại mang gia đình của người khác so sánh với gia đình mình để thấy được đấng bậc sinh thành của mình không có cung cấp đầy đủ, hoặc mình sinh ra trong một gia đình không như người khác, thiếu thốn, thua kém, xấu hổ. Nó cứ như vậy thôi, rồi chúng ta lại dằn vặt lương tâm, sống chẳng được vui. Đó là một chiều hướng. Chiều hướng thứ hai khác biệt hơn một chút xíu, nó đối nghịch hơn.

Chiều hướng thứ hai là chúng ta nhìn thấy sự khác biệt của người, nhưng luôn luôn cảm nhận mình hơn người. Nhìn thấy người có chiếc xe thì thấy chiếc xe mình hơn của họ. Nhìn thấy người có nhà; nhà của ta to hơn, đẹp hơn. Nhìn thấy người ta có cái này, có cái kia; cái gì mình cũng hơn hết. Để rồi đi ra đời, đất chẳng chịu nhìn, mắt cứ nhìn sao ở trên trời, mà ban ngày, sao có đâu. Ban ngày đâu có sao mà mắt cứ ngẩng lên trên trời ngắm sao, rồi cục đá giữa đường chẳng nhìn thấy, vấp té cái nhào, bể đầu rồi mới nói: “Sao ta lại đau thế này?”.

Trong cuộc sống, cả hai cách nhìn thấy sự khác biệt để thấy rõ người thua người hoặc mình hơn người, hoặc là mình thua người, chúng ta đều không nhận thấy được sự khác biệt đó để rõ được cái gì, mà chúng ta chỉ lao đầu vào cái thấy rõ rằng phân biệt cao thấp, hơn thua. Như cái thấy sự khác biệt rồi rõ được rằng ta thua người, thì khởi lên cái gì các bạn biết không? Khởi lên lòng tham và sân giận. Để rồi cố gắng bòn, tìm đủ mọi thứ để có tiền, có của mua bằng được, sắm bằng được những thứ đó cho bằng người. Tâm tham trỗi dậy, nhưng ta không nhìn thấy. Chính sự khác biệt đó, ta thấy rõ được tâm tham nhưng ta lại chỉ thấy rõ mình thua kém người nên nhất định phải bằng người hoặc hơn người. Chúng ta thấy được sự khác biệt mà nhận ra rằng mình thua kém với người để phấn đấu cho bằng người. Mà tinh tế hơn trong Thiền Mật song tu, chúng ta thiền Trí Tuệ và ngay lúc đó, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thắp sáng Trí Tuệ để ta không bị bóng tối của vô minh kéo ta trượt dài trên tâm tham. Để lao khổ trong cuộc đời, tìm cho bằng được tiền tài hoặc là tranh đấu, tranh đua để có được vật chất cũng như đời sống hơn họ. Tâm tham khởi lên ngay chỗ đó bởi sự khác biệt.

Các bạn lắng nghe, lắng nghe tâm của mình xem đã bao nhiêu lần điệp khúc tham đó, nó như sóng, như nước lũ vào mùa mưa kéo tới, làm cho tâm hồn khó chịu lắm. Hôm nay lỡ đi đám cưới, một tiệc vui mà nhìn thấy cô bạn hoặc nhìn thấy anh bạn mặc một bộ áo đẹp, có đồng hồ đẹp, rồi họ nhìn sang chảnh một chút trong cái gì đó, như bộ y phục của họ. Ôi cha! Thế là trong lòng ăn không vui. Rồi ngồi cứ khúm núm, sợ hãi, mất tự tin. Đi tiệc cưới vui mà hóa ra lại sầu. Chuyện đó chắc chắn có!

Cuộc đời của mỗi người như Bảo Thành và các bạn vẫn luôn luôn có sự so sánh bởi nhìn thấy khác biệt mà cảm nhận thua kém, nên xấu hổ và đôi khi cứ âm thầm tranh đấu mãi để cho bằng người, cho tới khi hụt hẫng, bởi cứ chạy đuổi theo cái bản ngã ở bên ngoài. Đó là tâm tham, rồi khi chúng ta mà không thành tựu, không có được, không mua được, không sắm được như của người trong sự so sánh – so sánh về vật chất, về tinh thần, thậm chí so sánh vợ mình với vợ người, chồng mình với chồng người, con mình với con người: “Không bằng! Không bằng! Không bằng!”. Nói riết nói riết mà không có tiến lên để bằng, để hơn vợ người ta, chồng người ta, con người ta, gia đình người ta thì cái tâm tham bực bội. Bởi không thành tựu được, đâm ra sân.

Cho nên, Khác Biệt Mới Thấy Rõ nếu quán chiếu bằng Trí Tuệ, thấy trong ta tâm tham và sân vẫn khởi lên. Đó mới là cái thấy ta cần phải rõ, chứ còn cái thấy ta thua kém để mang tiền, mang bạc lao đầu vào làm việc, trách cứ vợ đến chồng và gia đình, để rồi tranh thủ cho bằng, cho hơn người, thì cái thấy rõ đó là cái thấy rõ của tâm mê, tâm địa ngục, tâm đau khổ và phiền não. Cái thấy rõ đó không cần! Nhưng làm sao ta có thể thấy rõ trong sự khác biệt? Chỉ có Trí Tuệ  NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang trong Thiền Mật song tu!

Khi bạn tu Thiền Mật song tu, Trí Tuệ được bừng sáng và bạn có khả năng thật bình tĩnh trong Chánh Niệm hơi thở – sự rèn luyện, công phu đó, để khi bạn thấy sự khác biệt, ta nhận rõ được tâm tham, tâm sân đang trỗi dậy trong đống bùn lầy dơ bẩn của các pháp bất thiện ẩn tàng, ngủ ngầm trong ta. Từ đó, ta mang nước Cam Lồ Tịnh Thủy Mu A Mu Sa – Từ Bi đổ, rửa sạch. Thế là ta mới hãnh diện bởi vì ta đã thấy rõ khi chứng kiến sự khác biệt giữa người và ta, ta thấy rõ được tâm tham và tâm sân đang khởi dậy, ta liền lấy thiền Trí Tuệ – thiền Từ Bi trong Chánh Niệm hơi thở chuyển hóa ngay. Vậy là ta có lời bởi vì kho phước báu, kho công đức của ta có thêm đầy đủ hơn.

Sự khác biệt thứ hai mà ta thấy được rằng khi đối diện với người, so sánh vợ ta với vợ người; vợ ta đẹp hơn, cao quý hơn. Chồng ta với chồng người; chồng ta thông minh, nhà giàu, làm việc nhiều tiền. Xe của ta, nhà của ta, con của ta, cái gì của ta cũng cao hơn người để rồi ngẩng mặt lên nhìn trời, nhìn sao. Đó gọi là cống cao ngã mạn. Thấy sự khác biệt mà cứ khư khư ôm vào trong lòng cho rằng ta hơn người, luôn luôn hơn người, để rồi cái tự cao, cống cao ngã mạn trỗi dậy như một cái phao chèn ép lồng phổi, thở không được. Cho nên nó đẩy lên trên mặt, cứ phải ngưỡng ngưỡng ở trên cao rồi vỗ ngực xưng tên. Ta phải thấy được rằng trong sự khác biệt và so sánh, cảm nhận ta luôn luôn hơn người đó, ta đã để lộ tánh tự cao tự mãn, thấy được tánh tự cao, thấy rõ được tánh tự cao để chúng ta chuyển hóa. Và trong Thiền Mật song tu, mật ngôn số 02 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang hướng dẫn cho chúng ta thẩm nhập vào Trí Tuệ để thấu rõ được tinh thần vô ngã để chuyển hóa ngã tướng cống cao ngã mạn. Hay vô cùng!

Thiền Mật song tu có khả năng vi diệu bởi giúp cho chúng ta định được trong Trí Tuệ, trong biển tuệ của Chư Phật hiện diện trong cuộc đời và lòng Từ Bi của Ngài Quan Âm, của Chư Phật để gội rửa, để tẩy rửa mọi uế trược, cấu uế trong cuộc đời. Để ta nhìn thấy sự khác biệt, dù ta hơn người hay người hơn ta, để nhận ra trong ta có tâm tham, tâm sân, tâm ngã mạn. Để từ đó thấu rõ được tinh thần vô ngã, để tỏ lộ tình yêu thương. Đó mới gọi là tánh thấy của Bát Nhã, tánh thấy của Lăng Nghiêm, thấy thật rõ, mà rõ về chính ta, rõ về tâm tham, sân, tâm cống cao ngã mạn của ta. Cái thấy này là cái thấy đủ lực và Trí Tuệ để mở cửa Niết Bàn, bước vào hưởng sự an vui.

Các bạn thấy được điều như vậy, thấy được sự khác biệt, so sánh và nhận diện ra tâm tham, sân trong lòng trỗi dậy, lấy Trí Tuệ nhìn thấu, lấy Từ Bi tẩy rửa, an yên và tự tại trong Chánh Niệm hơi thở, bạn sẽ hết ngay chứng bệnh mất ngủ. Bởi vì tham mà trằn trọc, sân mà tức cho nên bạn sẽ chữa được bệnh mất ngủ, bệnh đau tim, những chứng bệnh về thân do sự ức chế, trầm cảm, so sánh rồi cứ chạy dông dài, đuổi theo, hơi bắt không kịp, đâm ra mệt, để từ đó mà lao tâm khổ trí, bị bệnh thật nhiều.

Nếu bạn nhận diện ra sự khác biệt đó để luôn luôn Chánh Niệm hơi thở Từ Bi và Trí Tuệ, để từng bước chân ta bước đi, ta nhận rõ được chính ta. Thì sự tu của bạn mỗi ngày như tiến gần tới hừng đông để đón nhận ánh sáng của buổi mai tuyệt vời, tràn đầy năng lượng. Người có được nhận thức trong Thiền Mật song tu để thấy được sự khác biệt mà rõ được tâm tham, sân và cống cao ngã mạn của mình, dùng 02 mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, liền tiếp cận được với năng lượng vi diệu Từ Bi – Trí Tuệ của mười phương Chư Phật – tha lực ấy trợ lực cho chúng ta để ta có tự lực nhận thấy rõ, bởi nương vào tha lực của Phật – tha lực của Trí Tuệ và Từ Bi. Và giữa cái tự lực bởi ta nương vào tha lực, ta nhìn rõ tâm tham, sân, nhìn rõ tâm cống cao ngã mạn. Và ta tự lực nương vào tha lực ấy để chuyển hóa. 

Các bạn nhớ, nghề nông Việt Nam của chúng ta ngày xưa là dùng con trâu đi trước, cái cày đi sau. Bởi vậy sự sản xuất ra sản phẩm thật là yếu, thật là kém, thật là ít, đôi khi chỉ đủ cho một gia đình thôi. Bởi cày sâu cuốc bẫm đâm ra bị lao lực. Sau này ta thế vào đó phương tiện hiện đại hóa của nền công nghiệp như xe máy cày, ta có thể gặt lúa, ta có thể cày, ta có thể làm đủ thứ bằng xe thôi. Sức của ta không bị lao lực mà thành quả lại cao. Trong nền công nghiệp cũng như vậy, hồi xưa ta làm thủ công, nay ta làm bằng công nghiệp hóa hiện đại, sản phẩm nhiều hơn, cao hơn, sạch hơn, hay hơn. Phương tiện của khoa học giúp cho chúng ta thành tựu được trong công ăn việc làm những sản phẩm cao, tốt, đẹp.

Tha lực Phật điển là phương tiện vi diệu mà Chư Phật luôn luôn hiến tặng cho chúng ta. Không mất một đồng để mua, không mất một chút xíu sức nào để tìm. Bởi Chư Phật, các vị Bồ Tát, Thánh Hiền có lòng Từ Bi vô cùng. Cho nên các Ngài luôn luôn vì thương chúng sanh lần mò trong phương tiện bất thiện nhiều đời, yếu kém nên không bao giờ thoát ra khỏi luân hồi sanh tử. Nay mới mang phương tiện tha lực, mà tha lực Trí Tuệ và Từ Bi để cho mỗi người chúng ta nương vào tha lực đó để tự lực. Dù là con trâu hay xe máy cày thì chúng ta cũng phải tự lực vận hành nó. Tha lực Phật điển vẫn rất cần tự lực công phu của chúng ta để tiếp cận, để đón nhận, để vận hành mang lại thành quả cao.

Thiền Mật song tu giúp cho chúng ta nương vào tha lực để tự lực vận hành tha lực đó, nhìn rõ được tâm tham, sân và cống cao ngã mạn của mình khởi dậy khi nhìn thấy sự khác biệt giữa ta và người, giữa những cảnh sắc ở bên ngoài. Và như vậy, chúng ta có nhiều cơ hội để chuyển hóa tâm thì tâm mới an được. Còn nếu chúng ta cứ bồng bềnh trôi nổi, rượt đuổi theo hoài với những cơn sóng của nước lũ, sự khác biệt hơn thua về tiền tài, danh vọng, địa vị, về tình cảm, về kiến thức, về mọi thứ, chúng ta sẽ bị chết đuối trong dòng trôi của cuộc đời.

Thói quen của con người giữa Bảo Thành và các bạn chẳng có gì khác. Khác là công phu nhận thức và tu sửa mà thôi. Chứ chúng ta vốn sinh ra luôn có những mầm mống tham, sân, si ngủ ngầm. Và sự khác biệt ở đời làm phiền não dữ lắm. Chắc chắn các bạn và Bảo Thành đã từng trải nghiệm qua thật nhiều thời gian cảm thấy thật mệt mỏi bởi cứ đeo đuổi hoài cho hơn người hoặc là cứ phải ưỡn ngực, ngẩng đầu lên trên trời để thể hiện ta hơn người. Đeo đuổi để tìm cách hơn người hay ưỡn ngực để xưng tên hơn người, hai cái hơn đó đều làm ngộp hơi, đều làm mệt hơi, đều làm hụt hơi, và đôi khi chết bất đắc kỳ tử trong sự lao lực quá đáng ở đời để rượt đuổi theo sự khác biệt của người ta.

Mấy hôm trước nhà mới xây xong, nhưng mà chợt hôm nay thấy nhà kia cao hơn một lầu là nhất định phải làm năm, sáu năm nữa có tiền để tăng thêm hai lầu cao hơn. Và cái nhà cao đến mười mấy tầng đi nữa, càng cao thì sức càng giảm, càng cao mạng thọ càng ngắn và càng cao như vậy thì sự lún sâu xuống mồ thẳm, đen tối của vô minh, luân hồi càng dễ.

Các bạn! Chúng ta học Phật, tu Thiền Mật song tu có lợi lạc vô cùng ở chỗ “Có Khác Biệt Mới Thấy Rõ”. Thấy rõ được tâm tham và tâm sân, thấy rõ được tâm cống cao ngã mạn và dùng năng lượng vi diệu, tha lực Phật điển Từ Bi – Trí Tuệ để chuyển hóa. Nhất định đã là người, khó tránh được sự so sánh khác biệt về tài danh, về tình, về tiền, về nhà cao cửa rộng, về sự sinh hoạt trong cuộc sống. Nhưng khi đã có pháp môn Thiền Mật song tu, chúng ta sẽ nhìn rõ được tâm tham, sân và cống cao ngã mạn để chuyển hóa. Cho nên rất hay! Và như vậy, bạn luôn luôn có ở trong người tha lực Phật điển Từ Bi – Trí Tuệ. Tâm hòa khí bình, tâm mình hòa hợp với muôn loài, với muôn vật, với muôn cảnh thì hơi thở của ta sẽ thanh bình, nhẹ nhàng, hết bệnh luôn, khỏe luôn. Và người tu được như vậy, mặt luôn tươi, người luôn khỏe và cuộc sống mình luôn vui. Và đi bất cứ nơi nào và bất cứ người nào ta tiếp cận, cảnh nào ta đối diện, lòng đều khởi lên sự hoan hỷ. Hay! Rất hay!

Nếu bạn thực tập và bạn thực tập, bạn sẽ có một sự trải nghiệm quý giá vô cùng. Và từ ấy, các bạn vẫn nhìn thấy sự khác biệt, nhưng tâm sân, si khởi lên sẽ giảm dần, tâm cống cao ngã mạn sẽ xẹp dần, xẹp dần. Và bạn suốt cuộc đời vẫn nhìn thấy sự khác biệt và bạn chắc chắn sẽ thấy rõ được tâm của bạn khởi lên như thế nào để điều chỉnh cho phù hợp. Và dần dần bạn sẽ làm chủ được cái nhìn khác biệt, tâm khởi tham, sân, si và nhận rõ gốc của tham, sân, si, cống cao ngã mạn đó, nó tới từ chỗ chấp trược. Chấp! Và chính vì chỗ chấp đó, ta nhìn thấu hơn nữa, là bởi vì ta vô minh, ta không hiểu, ta không thấu, nên ta hay chấp. Khi phá được chấp thì ánh minh giác ngộ sẽ hiển lộ như mặt trời, chẳng bao giờ phải lần mò trong tăm tối.

Các bạn! Phật pháp cao siêu nhiệm mầu không phải là ngồi xuống quỳ lạy để đón nhận, mà ở chỗ ta tự lực tương tác với tha lực Phật điển của Phật, để vận hành trong công phu tu dưỡng giới hạnh; giữ năm giới và đạo đức của chúng ta hàng ngày dựa trên năm nền tảng của giới đấy, để chúng ta huân tu, sửa đổi, để ta mang Từ Bi ra để rải xuống cho muôn người, để mọi người đồng hoan hỷ. Cho nên bạn sẽ vui mừng vô cùng là bởi vì sinh trong kiếp người này, ta có khả năng nhìn thấy sự khác biệt giữa người và ta để nhận rõ được tâm tham, sân và cống cao ngã mạn, và thấu hiểu được tâm đó khởi lên là bởi trong ta do vô minh nên có cái chấp, và phá được cái chấp mê đó, là đã nếm được hương vị giải thoát rồi. Mà hương vị giải thoát đầu tiên là bạn không bị tức ngực, bạn không bị trào khí, bạn không bị ức chế, bạn không bị trầm cảm, bạn không bị nhăn nhó khuôn mặt, lúc nào mặt bạn cũng tươi, lúc nào bạn cũng tự tại và thong dong như mây trời, vững chãi như núi xanh. Và bạn sẽ luôn luôn tận hưởng được cuộc sống này. Và gia đình của bạn lúc nào cũng sung sướng, từ vợ chồng, con cái, từ cha mẹ, người thân, ai ai cũng hoan hỷ, bởi giữa ta và người luôn có sự khác biệt, nhưng sự khác biệt đó giúp cho mỗi người thấy rõ bản tâm tham, sân, tự cao của mình còn dính mắc do vô minh tạo thành chấp nên ta chuyển ngay chỗ đó.

Chấp là miền đất khi được chuyển hóa thực sự bằng Trí Tuệ và Từ Bi sẽ có thể gieo trồng những chủng tử và mầm mống yêu thương, Bồ Đề, Trí Tuệ giác ngộ ở trong đó. Cho nên chấp trược không có gì là đáng sợ, đáng chê bai hết. Chấp trược đó, miền đất tăm tối đó, ta nhặt sỏi, nhặt đá, nhổ gai đi, bón phân, tưới nước Cam Lồ Tịnh Thủy, chiếu ánh mặt trời của Trí Tuệ vô. Thế là đất vô minh thành đất Niết Bàn, thành miền đất chân như, gieo trồng thật nhiều những chủng tử Bồ Đề, gặt hái được vô số những pháp thiện ở trong đó. Ta có khả năng chuyển hóa và trong ta có bản tánh thanh tịnh để từ đó có được tự lực giác ngộ nương vào tha lực, chuyển hóa tự thân chứ không phải đi gõ cửa nhà người ta để chuyển hóa người khác. Nhìn thấy sự khác biệt, nhận ra tâm tham, sân, si và cống cao ngã mạn nơi ta, để từ đó tự lực đứng dậy thắp đuốc mà đi, nương vào pháp phương tiện tha lực Phật điển của Phật để chúng ta thay đổi cách nhìn, cách sống.

——

Các bạn, rất hay! Nếu các bạn đang có một sự trải nghiệm đau khổ, phiền não, bệnh hoạn, buồn chán, trầm cảm hoặc dễ bị lôi cuốn vào giữa dòng đời của vật chất, tiền tài, danh vọng, địa vị để lao tâm khổ trí suốt cuộc đời mà không được vui, hoặc đang có sự trắc trở trong gia đình giữa vợ, giữa chồng, giữa con, giữa cha, giữa mẹ, giữa bạn bè, người thân, Bảo Thành khuyên rằng các bạn hãy nhín chút xíu thời gian thể nhập vào trong Chánh Niệm hơi thở, thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi của Thiền Mật song tu. Để mỗi người chúng ta có thêm thời gian nhìn rõ sự khác biệt là do cái tâm chấp trược, u mê, cống cao, ngã mạn của chính mình. Và dùng tự lực. Ta có khả năng, tự lực của ta có sức mạnh, nhưng khi nương vào tha lực của Phật, ta sẽ có phương tiện diệu dụng vi diệu hơn. Như nhà nông có máy cày, để mà mệt sức thì xe máy cày sẽ giúp chúng ta làm việc tốt đẹp hơn.

Nhớ hồi xưa, bất cứ một việc gì, đôi khi còn phải ghi chép, bây giờ có máy thu âm, bây giờ có máy computer (máy vi tính), bây giờ có phone (điện thoại), phone thông minh, phone cảm ứng. Phương tiện càng ngày càng cao, và mỗi một phương tiện, chúng ta ứng dụng được, sẽ giúp đỡ chúng ta thật nhiều. Phật có thật nhiều pháp phương tiện và sự chứng minh đó thật rõ trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Phương Tiện nói thật rõ. Phật luôn trao cho chúng ta thật nhiều pháp phương tiện, pháp phương tiện của Phật là tha lực, tức là một lực Trí Tuệ, một phương tiện ở bên ngoài đưa tới, gửi tới và ta phải tự lực học, vận hành nó.

Cho nên nếu bạn vận hành được tha lực Phật điển bằng sự tự lực với chí nguyện giải thoát cầu đạo giác ngộ, nhất định chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn trên con đường tu. Còn không, chúng ta cũng lần mò vô cùng. Câu tục ngữ xưa nói: “Có Thầy chúng ta học mới nhanh – Không thầy đố mày làm nên”. Ta đã có Thầy – Thầy Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, và vị Thầy ấy luôn luôn cung cấp cho chúng ta đầy đủ phương tiện vi diệu. Chỉ cần tự lực đứng dậy, tiếp cận, học hỏi và vận hành thì mỗi người chúng ta trên con đường đạo sẽ thong dong và tự tại, tận hưởng được sự sung sướng trong cuộc đời ngay bây giờ.

Và các bạn ơi, bây giờ hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau!

Trở vào trong Chánh Niệm hơi thở để tiếp nhận nguồn năng lượng siêu thế, vi diệu Từ Bi Trí Tuệ tha lực Phật điển.

Từ nay trở đi, với muôn sự khác biệt trong cuộc đời, ta nguyện thấy rõ được tâm tham, sân và cống cao ngã mạn. Chuyển hóa để chứng đắc được sự an tịnh, hạnh phúc, bình an trong cuộc đời.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Nếu chúng con có tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts