Search

Bài 1191: Lắng Nghe Khổ Đau – Thất Bảo #1-Mu A Mu Sa

Bảo Đức đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô và các bạn thân mến!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

MU A MU SA.

  Chúng con đồng nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Các bạn thân mến, mỗi một ngày chúng ta gặp nhau để đồng tu. Chúng ta chứng nghiệm được và nhận ra rằng phước báu vô cùng, bởi sự sống của con người đã là cao quý, cao quý hơn là chúng ta còn có thời gian đồng tu. Ở đây, ngay chỗ này, mỗi người chúng ta đã ngồi xuống, lắng tâm hồn của mình trở về với cội nguồn thanh tịnh với bổn tánh mà Chư Phật đã khai thị cho chúng ta, từ bổn tánh an nhiên tự tại, từ bổn tánh thiện lành đó, chúng ta đồng nhau trở về và đón nhận ân điển của Phật, như một đề mục cao quý nhất, để nương nhờ vào đó, lấy hơi thở chánh niệm MU A MU SA vận dụng tánh thấy và biết quán chiếu nội soi thân thọ niệm xứ thấu rõ từng cảm giác của cơ thể, tương tác với tha lực Phật điển qua 7 luân xa từ dọc cột sống bên trong chúng ta lên đỉnh đầu. chuyển hóa bệnh tật, giúp thân ta được an yên và tinh thần được an lạc. Các bạn:

-Luân xa thứ 1: từ cột sống, xương cùng phía trước.

-Luân xa thứ 2: ở dưới rốn của chúng ta 1 đốt rưỡi ngón tay, người ta gọi là vùng dưới, ngay đan điền khí hải.

-Luân xa thứ 3: nằm trên rốn của chúng ta 1 ngón tay, gọi là bụng trên.

-Luân xa thứ 4: nằm tiếp giáp giữa huyệt chấn thủy, tức là giữa vùng xương ngực với phần mềm của bụng dưới và bụng trên.

-Luân xa thứ 5: nằm tiếp giáp giữa cổ và xương.

-Luân xa thứ 6: Từ giữa 2 con mắt.

-Luân xa thứ 7: trên đảnh đầu.

7 luân xa phân đều, khoảng cách khoảng chừng 1 gang tay nhỏ từ mặt trước xương cùng lên tới đảnh đầu.

Khi chúng ta hít vào với hơi thở chánh niệm, các bạn phải thấy được hơi thở đi vào. Hơi thở đi vào đi sâu xuống dưới vùng đan điền khí hải, rồi đi sâu xuống luân xa số 1, từ đó phần bụng dưới phình ra, và biết được bụng ta phình ra khi hơi thở đi vào. Khi ta thở ra, ta thấy hơi thở ra từ luân xa số 1 và bụng hóp dần dần vô, đồng thời đưa tâm quán chiếu trong mật chú MU A MU SA. Có bốn từ, mỗi một từ như vậy, ta quán chiếu hai luân xa.

-Từ đầu tiên – MU: ta lấy tâm dẫn ý đi từ luân xa số 1 sang luân xa số 2, rồi tiếp tục

-A: đi từ số 3 tới số 4

-MU: đi từ số 5 tới số 6

-SA: quán chiếu trên đỉnh đầu luân xa số 7

Dẫn ý từ từ như vậy, các bạn sẽ nhận ra một luồng hơi nóng, một luồng tha lực Phật điển phối hợp với ngọn lửa tam muội vốn có nơi vùng luân xa số 1, sẽ từ từ tỏa hơi nóng theo dọc xương sống chúng ta lên đỉnh đầu phía bên trong theo chiều dọc của bảy luân xa.

Có sức khỏe sẽ giúp tâm các bạn tĩnh lặng, có đề mục quán chiếu bên trong, nhìn rõ tất ca những suy nghĩ của mình, chuyển hóa nhũng năng lượng tiêu cực tồn đọng trong cơ thể của chúng ta. Giúp cho tâm không bị tán loạn, không bị phan tâm, không phóng tâm, không chạy ngược chạy xuôi; bởi tâm có một đề mục vững chắc đó là tha lực Phật điển tác động vào bảy luân xa trụ trong đó, giúp ta bình tĩnh, an nhiên. Giờ đây mời các bạn chúng ta đặt bàn tay phải – bàn tay tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái – bàn tay tượng trưng cho từ bi, vận hành 7 biến vi diệu âm chánh niệm MU A MU SA. Đề mục hôm nay các bạn gửi tới để quán chiếu đó là “LẮNG NGHE KHỔ ĐAU” – một đề mục rất tuyệt vời trong giáo lý thoát khỏi sanh tử của Chư Phật. Các bạn cố gắng chúng ta cùng tham luận đề mục này và lắng nghe để chuyển hóa tất cả mọi khổ đau, lắng nghe tận tường mọi khổ đau vốn có trong ta và trong mọi người và trong mọi tha nhân đang sống với chúng ta.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực khai mở 7 Luân Xa để chúng con lắng nghe khổ đau ở trong mỗi một con người đang sống xung quanh. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng, phình bụng. Thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu Luân Xa, đồng trì mật chú

Mu A Mu Sa (7 biến)

Các bạn hãy tiếp tục ngồi tĩnh tọa theo dõi hơi thở và lắng nghe tha lực Phật điển tác động vào Luân Xa toàn bộ trong thân của chúng ta và cùng với Bảo Thành lắng nghe sự chia sẽ về Pháp quán chiếu lắng nghe khổ đau. Khổ đau là một phần lớn trong kiếp con người.

Các bạn, trong thói đời cười ra nước mắt, bởi đau khổ, họ cười mà nước mắt tuôn ra như sông như suối tràn ngập cả cuộc đời, làm cho họ bị đắm chìm ngộp thở, đưa cuộc sống tới vùng bế tắc khó có thể thoát. Rồi những cái thói đời đau khổ cười ra nước mắt đó, nhuộm đầy một màu đen khổ não, đau phiền, day dứt, dằn vặt, làm cho sầu muộn tâm can, thân xác tiều tụy, khóe mắt thâm cuồng, đầu óc tán loạn. Rồi trong thói đời cười ra nước mắt đó, họ đi tìm một phương pháp giải sầu bằng rượu chè, bằng thuốc, bằng các chất kích thích, bằng ăn uống nhậu nhẹt, bằng chơi bời bê tha, bằng tạo nghiệp mà chẳng sợ gì, hại đến thân. Bởi vì, họ nghĩ rằng, trong thói đời cười ra nước mắt đó, ta phải tìm những thói ở đời để chuyển hóa khổ đau.

 Nhưng từ xưa đến giờ, những phương pháp đó không làm giảm khổ đau mà còn làm tăng thêm sầu muộn, tăng thêm đau đớn, khổ ái, làm cho con người tiều tụy, sức khỏe tiêu tan, tinh thần bị tán loạn. Và rồi, cuộc sống của người đó không được hạnh phúc, đồng thời hảnh hưởng xấu đến gia đình và xã hội. Trong tinh thần của người con Phật, Đức Thế Tôn – bậc thầy cao cả của trời đất, dạy cho chúng ta thấy rõ tất cả khổ đau và hạnh phúc, phiền não và an lạc, chẳng phải ở bên ngoài đưa tới, như tưởng ông trời trừng phạt, hay các vị thần, các vị thiên hay chư Phật Bồ Tát trừng trị và trừng phạt khi ta sai, để rồi ta bị khổ đau và phiền não. Cũng chẳng ai có thể tạo ra khổ đau và phiền não cho ta, chúng ta là người tạo ra khổ đau và phiền não, và cũng chính ta mang lại hạnh phúc và bình an. Trời đất không ban hạnh phúc và bình an. Chư thiên Chư Bồ Tát, Thánh Hiền, Chư Phật cũng không mang hạnh phúc và bình an.

Các bạn, khổ đau là có thật. Nếu khổ đau không có, thì Đức Phật không đi xuất gia khi là một thái tử nhìn thấy sự khổ đau của con người trong sinh lão bệnh tử. Ngài đã nhận diện được khổ đau ngay từ thuở đầu. Ngài thấy được khổ đau ngay từ thuở ấy. Ngài lắng nghe thật sâu khổ đau của chúng sanh, rồi suy ngẫm khổ đau của chính mình, nhìn thật sâu, thật rõ, thật kỹ, và hiểu thấu được tất cả căn nguyên cội nguồn, nhân duyên tạo ra sự khổ đau đó. Từ đó Ngài mới đi xuất gia, là tìm một con đường nhìn cho sâu, cho rõ, cho hiểu, cho thông, và tìm ra phương thức, phương pháp chuyển hóa khổ đau vốn có tồn tại mãi từ đời này qua đời sau của con người và chúng sanh. Chính vì thế, Ngài đã đi, đi mãi, học, thực hành và cuối cùng giác ngộ, tìm ra được chân lý để chuyển hóa khổ đau. Mà để chuyển hóa khổ đau, chúng ta, mỗi một người, phải biết lắng nghe thật sâu, thật kỹ, để thấu hiểu được những niềm đau nổi khổ trong con người, những khổ đau đang tràn ngập một cách âm ỉ hay hiển lộ thật rõ để nước mắt tuôn tràn, hay ray rứt ở trong tim, hay phiền não ở trong đầu.

Chúng ta phải nhìn rõ, chỉ có Đức Phật là bậc thầy cao cả mới chỉ cho chúng ta một cách nhìn quán chiếu sâu sắc như thế. Còn thói đời thì thấy khổ đau lại đâm đầu vào khổ đau, hoặc thói thường thấy khổ đau chúng ta chạy trốn. Mà càng chạy, thì khổ đau càng như bóng ma chập chờn đuổi theo ta, càng trốn thì nó càng hiện ở trong tâm. Xưa cho tới giờ, có ai mà trốn được khổ đau! Xưa cho tới giờ, có ai mà chạy thoát khỏi khổ đau. Các tôn giáo khác coi khổ đau như một sự hãnh diện, bởi khi chạy tới với Thượng đế, với đấng bề trên, tất cả mọi khổ đau của chúng ta sẽ được đấng đó an bài, an ủi, và chuyển hóa. Và cứ như thế, đời này qua đời kia, hình như ỷ vào sự ban ơn mà có thể làm hết khổ đau của ta đó, để rồi cứ tội lỗi tạo khổ cho nhau, rồi chạy tới đấng đó xin để hết khổ hết đau, mà nào có hết. Biết bao nhiêu con người đã khổ, đang khổ và sẽ khổ, đã xin đã cầu có hết đâu, bởi vì họ chạy trốn không dám trực diện, không dám lắng nghe thật sâu thật rõ nhìn thật kỹ mọi cái nhân quả, mọi cái duyên tương tác trong cuộc sống quá khứ và hiện tại tạo ra khổ đau trong luân hồi.

Chỉ có Phật mà thôi! Phật đã dạy mọi chúng sanh rằng phải biết lắng nghe khổ đau của tự thân, tức là của chính mình. Khi ở trong lòng của chúng ta khởi lên một điều gì đó đau khổ, đau khổ vì gia đình cho mối quan hệ giữa vợ và chồng, chúng ta đừng chạy trốn cũng không cần thiết phải mất tiền đi tới những vị này vị kia giúp đâu. Bởi ai có thể giúp được và chuyển hóa khổ đau của vợ chồng gây ra, ngoại trừ ta biết ngồi xuống lắng nghe khổ đau của ta đã tạo cho người yêu là chồng/ là vợ và từ đó nhìn nhận ra được nguyên nhân cội nguồn; sửa là đau sẽ hết, còn không sửa thì như vết thương đang chảy máu mà cứ dùng dao cắt vào, nó loang ra, rách ra, rồi nó lên mủ rồi nó bị tổn thương cả thân, cả phần đó phải đau đớn. Đức Phật dạy, phải lắng nghe khổ đau của mình, đừng chạy trốn, đừng kêu gào than khóc, đừng thống thán rầm trời, chẳng ai cứu được, lắng nghe khổ đau của mình.

Cho nên, mỗi khi các bạn khổ đau, các bạn phải ngồi xuống bình tĩnh; nếu như chỗ đó ồn ào khó, thì các bạn hãy đi tới một chỗ nào tự tại hơn, có thể là một mái chùa, một tư thất, một khu rừng, một bờ sông nhìn bờ nước chảy, nhìn mây trôi, nhìn sự hùng vĩ của khu rừng, nhìn thiên nhiên tự tại, thả tấm lòng vào đó và nhìn rõ khổ đau đang dâng tràn trong lòng chúng ta. Chỉ cần nhìn rõ thôi, nhìn và lắng nghe khổ đau, nhìn cho rõ khổ đau đó, đồng thời hít thở trong chánh niệm, nhất định khổ đau đó sẽ bộc lộ cho rõ để nhìn thấy, và nó làm giảm đi khổ đau, hết khổ đau của các bạn. Và rồi các bạn còn biết chặn bởi nhìn thấy rõ được cội nguồn khổ đau đó để ngăn ngừa không để nó xảy ra nữa. Đây là một phương pháp trị liệu không phải là tâm lý, không phải là tâm thần, mà là một phương pháp trị liệu chân lý chuyển hóa khổ đau vi diệu đời đời không bao giờ trật, chính xác.

Phật đã thực hiện, Ngài đã thành công. Phật đã dạy và nhiều chúng sanh đã thực hiện được điều đó để mang lại hạnh phúc và bình an. Những mối quan hệ trùng trùng duyên khởi trong cuộc đời, từ quan hệ đấng bậc sinh thành với con cái, với vợ chồng, với cha mẹ, với bà con cô bác, với bạn bè thân hữu, với cộng đồng sống chung, những mối quan hệ chằng chịt, trùng trùng duyên khởi, có duyên thuận, có duyên nghịch, luôn luôn tạo cho chúng ta nhiều khổ đau. Khổ đau cho chúng ta trong sự nghịch ý, nghịch tâm, nghịch hành động, khổ đau trong thuận mà phải chia ly. Thương nhau dữ lắm, nhưng rồi cũng khổ đau; bởi vì tình thương yêu đó, vẫn lồng vào sự trông đợi quá lớn để rồi chẳng đạt được như ý để khổ đau. Muôn sự khổ đau ở đời luôn hiện hữu. Lắng nghe khổ đau là một pháp để mà hiển lộ hạnh phúc. Chính trong niềm đau khổ hiện hữu trong cuộc đời, nếu ta biết lắng nhìn thật sâu, ta sẽ thấy được mầm mống trỗi dậy. Như muôn người nói, ở trong rừng có cây khô, trong cây khô có mầm sống đang vươn lên. Người ta nói trong hoa có rác, trong rác có hoa, trong phân có nguồn lương thực, trong nguồn lương thực có phân để tái bón lại cho đất đai. Trong đau khổ có hạnh phúc, trong phiền não có an lạc nếu chúng ta biết nhìn sâu lắng nghe, không chạy trốn. Nhiều người tạo cho mình một thói quen chạy trốn khổ đau, rồi vùi đầu vào những thú vui lục dục của thế gian, để lấp đi, để khổ đau được khuây khỏa, nhưng mấy ai làm được đâu. Chúng ta cứ tới các quán nhậu, quán bia quán rượu, tới các sàn nhảy, biết bao nhiêu con người khổ đau mượn rượu, mượn khói thuốc, mượn á phiện, mượn trò chơi tham ái trong cuộc đời để thỏa mãn cho khổ đau vơi đi. Nhưng mà không có. Bởi vì từng giọt rượu rót vào trong lòng, khổ đau càng dâng tràn, từng khói thuốc bay ngập trời đó, che phủ hết trí tuệ, khổ đau vẫn ở đó.

Ta là người con Phật, ta có phước báu vô cùng, được đấng Thế Tôn là bậc thầy khai thị cho chúng ta có tự lực dũng mãnh không sợ hãi, cang cường, nhìn rõ lắng nghe khổ đau của chính ta. Trực diện, gặp nó, hỏi nó, bắt tay với nó và tìm hiểu coi nó tới từ đâu bằng hơi thở chánh niệm Mu A Mu Sa. Như người thấy vết dơ, nhìn thật rõ và cứ đổ nước sạch, nước dơ sẽ dần được loại trừ. Một dòng suối thật nhỏ nhưng nước luân lưu luôn trong suốt; một cái hồ thật to, nước ô đọng cũng bốc mùi hôi thối. Chỉ cần nước thanh lương Phật điển luân lưu trong luân xa châu thân của các bạn và hơi thở chánh niệm lắng nghe mọi khổ đau từ tự thân khởi dậy do những duyên nghiệp trái ý nhiều đời, do ác nghiệp ta tạo ra với ta với người nay nó trổ quả. Nhìn, lắng nghe sâu bằng hơi thở chánh niệm, ta sẽ chuyển hóa được tất cả. Và chúng ta sẽ vui và hạnh phúc.

Những người hạnh phúc và vui không phải là không có đau khổ. Những bậc thiền sư, những bậc thầy, những bậc hòa thượng, thượng tọa đại đức tăng ni, họ an nhiên tự tại chẳng phải là họ sinh ra ở trên đời này không có đau khổ. Phật sinh ra cũng có đau khổ, là thái tử đau khổ trùng trùng điệp điệp; nhưng khi Ngài đi tu hiểu được rồi, thì cái đau khổ tới với Ngài do nhân duyên nghiệp quả trỗi dậy trong sự tương tác giữa những nghiệp tiền kiếp của chúng sanh khác, Ngài tự tại, Ngài thấy rõ được cội nguồn, Ngài lắng nghe thật sâu, Ngài nhìn cho rõ bằng tâm từ bi. Chính cái năng lượng từ bi của Ngài lan tỏa mà mọi sự khổ đau khi Ngài lắng nghe, khi được Ngài lắng nghe thì mọi chúng sanh đau khổ và mọi khổ đau hiện hữu ngày trong lúc đó được chuyển hóa thành sắc sen hồng thơm ngát mười phương.

Các bạn, lắng nghe khổ đau là một pháp thiền vi diệu, không cần biết các bạn khổ đau trên các bình diện gì, trên góc độ nào; về tiền tài bị mất bị hao tổn hoặc thiếu không đủ; vì tình, sự phản bội giữa người này với người kia hoặc có những con người không tôn trọng trong mối giao hảo của tình người; về danh, bị sụp đổ; về nhà cửa, bị hư tán; về những phương tiện trong cuộc sống, bị tổn thất chẳng còn. Tất cả những khổ đau liên quan đến ngũ dục, tức là những điều cần sống trong cuộc đời, để tái tạo lại năng lượng nguyên thủy tự tánh thiện lành trong tâm, ta phải đi về với hơi thở chánh niệm Mu A Mu Sa để đón nhận tha lực Phật điển từ bi của mười phương Chư Phật, để chúng ta biết lắng lòng nghe, nghe thật sâu những nổi niềm đau khổ của tự thân, để nhìn rõ cội nguồn nhân quả. Và trong hơi thở chánh niệm đó, vào ra trong tánh thấy biết, chuyển hóa với tha lực Phật điển, chúng ta sẽ làm cho tất cả những năng lượng đau khổ khổ đau đó dần dần dung thông với năng lượng từ bi, như một vùng nước đục được cả một bể nước trong hòa vào, nó sẽ được trong suốt. Cả một bể cam lồ tịnh thủy thanh lương từ bi Phật điển ban rãi xuống cho chúng ta, thì những đốm đen phiền não đau khổ, những vùng sình lầy đau khổ sẽ được hòa tan trong suốt dần dần.

Người con Phật không chạy trốn khổ đau, người Phật tử là người tu biết lắng nghe khổ đau. Khi khổ đau tới, họ biết lắng nghe bằng chánh niệm hơi thở, họ không nổi sân để cải, để si, để giận, để quay lưng phản bội lại tình bạn, tình vợ chồng, tình cha mẹ, tình thầy trò, tình bằng hữu, tình chúng sanh, tình phạm lữ đồng hành. Và họ không nhìn cái khổ đau đó là do tác nhân của người khác gây ra, mà họ biết lắng nghe nhìn sâu để thấy tất cả những nổi niềm khổ đau đó tới do chính nghiệp ác của họ trong kiếp này không biết cách ứng xử trong cuộc đời hoặc trong kiếp trước đã tạo ra trái duyên nghịch ý. Oan gia trái chủ, nay phải gặp lại người đó bằng hình tướng của thân người hoặc chúng sanh đó bằng hình tướng của súc sanh, hoặc chúng sanh đó bằng hình tướng của vô sắc tướng. Các bạn, dù bất cứ hình tướng nào, khi khổ đau đến với chúng ta, chẳng phải người tạo ra, chẳng phải chúng sanh đó tạo ra, mà do chính chúng ta đã tạo ra mối cộng nghiệp đó nay trở về hoàn đầu trổ quả để ta trả. Nhưng nếu chúng ta chạy trốn thì chẳng khác gì chúng ta nâng cao tầm quan trọng của mình, để rồi tự ngã cống cao ngã mạng chỉ đổ thừa tất cả mọi nguyên nhân cội nguồn đau khổ đó là của người ta gây ra, người ta không hiểu, người ta không biết, người ta không có trí tuệ, người ta không biết sống. Những chẳng bao giờ chịu khép mình lại tĩnh tọa lắng nghe trong hơi thở chánh niệm để lắng nghe được khổ đau của tự thân, thấy rõ cội nguồn đó là do nghiệp của ta; từ đó chan hòa thân tâm của ta bằng tha lực Phật điển dung thông với trí tuệ của nhà Phật, nhìn thấu, nhìn rõ để rồi buông, để rồi bỏ. Chẳng ai có thể buông bỏ mà không nhìn thấu nhìn rõ.

Các bạn, trong cái tánh thấy biết vào ra của hơi thở chánh niệm, an trú trong 7 luân xa với tha lực Phật điển giúp cho tâm trí của chúng ta tăng trưởng được tầm thấy và tầm nhìn, tầm hiểu tầm biết để nhìn xuyên suốt tất cả những khổ đau, biết lắng nghe, chẳng đổ thừa cho ai tạo cho ta khổ đau. Biết lùi lại vài bước để trời cao đất rộng tịnh tọa trong cõi thiên nhiên, ngồi lắng nghe tự tánh bằng hơi thở vào ra chánh niệm Mu A Mu Sa, bạn sẽ thấy được tha lực Phật điển dung thông với cuộc đời, để tuệ giác của các bạn được khai mở. Phật tánh như mặt trời, như mặt trăng, nếu chúng ta nhìn không rõ, chẳng qua bởi vì đó là sương mù mây đen phủ mà thôi. Nhưng rồi khi chúng ta biết lắng lòng nghe tất cả những khổ đau đó, thì mây đen sương mù kia sẽ tan dần, và hiển lộ mặt trời, hiển lộ mặt trăng. Phật dạy chúng ta, là một con người hiểu thấu vạn vật và chân lý nhân quả để chẳng sợ có cái dục biết đứng biết đi biết nằm biết ngồi trong sự tịnh tĩnh lắng nghe.

Lắng nghe khổ đau cũng là một pháp cao quý vô cùng, mà một vị Bồ Tát thường niệm, đó là “Nam mô đại từ đại bi tầm thanh cứu khổ quan thế âm Bồ Tát”. Ngài đại sĩ quan âm Bồ Tát, mẹ quan thế âm Bồ Tát có hạnh lắng nghe mọi khổ đau trong chúng sanh. Bởi Ngài đã lắng nghe khổ đau của chính ngài, nên hết khổ đau rồi, và từ đó phát tâm lắng nghe mọi khổ đau của chúng sanh, và ứng hóa thân dưới hình thức của mẹ thiên thủ thiên nhãn ngàn mắt ngàn tay nhìn xuyên suốt vô lượng kiếp của chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới mười phương. Để từ đó ứng hóa thân phù hợp với căn duyên, bước vào cuộc đời của mỗi chúng sanh đang đau khổ để đồng hành, để dìu dắt. Chính hạnh lắng nghe đó, mẹ quan âm thật gần gũi với con người ngày hôm nay, bởi mẹ quan âm là thể hiện của lòng đại từ đại bi, của hạnh lắng nghe tầm thanh cứu khổ. Còn chúng ta, chúng ta lắng nghe theo thói đời. Cái lắng nghe của mẹ quan âm là lắng nghe theo vị Bồ Tát để tầm thanh cứu khổ, còn thói đời là lắng nghe tạo khổ thị phi. Chữ lắng nghe đó cũng không xứng đáng để gọi là lắng nghe đâu, mà gọi là hóng nghe, để thị phi tạo khổ cho nhau. Thói đời thì lắng nghe thị phi tạo khổ cho nhau, Bồ Tát thánh hiền thì lắng nghe tầm thanh cứu độ chúng sanh. Mà đúng vậy các bạn, đi ra ngoài đường nghe xì xào xì xào là hóng, hóng cho nó nghe rồi phỏng, mình hóng, mình nghe rồi phỏng nó lên, mình thổi phồng nó lên…rồi thị phi cả một khu phố. Phố thị an yên đẹp như thế, mà chỉ vì cái chuyện mà ta hóng nghe, rồi chúng ta thổi phồng thồi khống nó lên, cả một phố thị đẹp yên ấm trở thành ồn ào, xáo động, khổ đau, chia rẽ, hận thù, tranh chấp. Có mà! Chỉ một lời thị phi do hóng nghe, do khống thì tạo khổ cả một khu, một xóm, một phố thị, một gia đình, một cộng đồng xã hội. Một lời thị phi vu khống có thể gây chết bao nhiêu con người, tổn hại đến sinh mạng của hàng ngàn sinh linh. Cho nên, chữ lắng nghe đó chỉ ứng dụng cho những vị Bồ Tát hoặc những người có tâm hạnh Bồ Tát  mà thôi. Còn Phật ở trong đời này, thói đời là con người, ta chỉ biết hóng nghe chứ nào biết lắng nghe.

Hôm nay là Phật tử rồi, chúng ta nghe rõ lời đức Phật dạy, phải học theo hạnh của Ngài Bồ Tát , đó là phương thức mà Phật Thích Ca đã dạy, lắng nghe khổ đau chứ không hóng nghe thị phi để tạo khổ nhé các bạn! Đừng làm nghịch, đừng làm ngược lại. Lắng nghe khổ đau của ta và lắng nghe khổ đau của muôn chúng sanh trong hơi thở chánh niệm Mu A Mu Sa, đón nhận tha lực Phật điển từ mười phương Chư Phật; năng lượng siêu thế đó được ban rải xuống cuộc đời của chúng ta, để tẩy rửa, để gội rửa, để rửa sạch mọi cấu nhiễm, uế trược, những năng lượng tiêu cực bất thiện nghiệp, ác nghiệp nhiều đời ta đã tạo ra. Chứ đừng hóng nghe những chuyện của thiên hạ hoặc của ta, tiếng được tiếng không, thổi phồng nó lên, khống nó lên thi phi tạo khổ cho muôn người. Nghiệp đó nó sẽ tới. Và rồi ai chịu? Các bạn sẽ chịu! Khổ đau không hết mà lại dâng trào, để rồi chết chìm trong bể khổ đó. Thay vì chỉ có một vài nổi niềm khổ đau trong cuộc đời, lắng nghe chuyển hóa bằng tha lực Phật điển chánh niệm hơi thở là hết; nay chúng ta không thực hành giáo lý chân lý thiền định đó của Phật, mà lại hóng nghe thổi phồng, vu khống, khống lên để thị phi tạo khổ, thì một chút khổ đau của ta thành bể khổ. Chả trách trên đời này đã có câu “đời là bề khổ” bởi hóng nghe vu khống thổi phồng thị phi khắp chốn khổ đau cho muôn người.

Mau mau theo đấng từ bi tu hạnh Bồ Tát lắng nghe muôn loài. Khổ đau tới ta vui, vui bằng ân điển năng lượng từ bi để san sẻ cho muôn người hết đau, bởi đó là Nam Mô Đại Từ Đại Bi tầm thanh cứu khổ quan thế âm Bồ Tát . Một hạnh vi diệu, một pháp môn tu tập để chuyển hóa khổ đau. Lắng nghe khổ đau nghe các bạn! Khi các bạn khổ đau, đừng sợ, đừng chạy, đừng đổ thừa, đừng trốn, đừng xoay lưng. Hầu hết trong cuộc đời khi khổ đau, ta không biết lắng nghe tự thân khi nổi khổ đau dâng trào để hiểu về cội nguồn, ta hay xoay lưng bỏ đi chạy trốn rồi đâm đầu vào suy nghĩ sai, những tư tưởng của vọng niệm tà kiến, để tạo chia rẽ, gây hận thù, phản bội tình nghĩa huynh đệ tỷ muội anh chị em, phản bội tình nghĩa của đấng bậc sinh thành nuôi nấng giáo dục, phản bội tình nghĩa của anh em chị em ruột thịt, con cái, cha mẹ bạn bè người thân phản bội lẫn nhau; huynh đệ sư trưởng tình nghĩa chẳng còn chỉ vì một chút khổ đau nó tạo nên do chính nghiệp của ta tạo ra, chẳng biết lắng nghe để chuyển hóa bằng tâm từ hơi thở chánh niệm, sẵn sàng xoay lưng gạt bỏ tất cả mà ra đi trong những điều ngang trái như thế. Chúng ta chẳng phải lắng nghe mà chúng ta chỉ hóng nghe thôi. Chưa có tâm từ, chưa đạt được tâm từ, chưa có ý thức được tâm từ bi năng lượng từ ái, vẫn còn rất nhỏ mọn trong cuộc đời.

Các bạn, cuộc sống cần có một trái tim lớn như vậy đã gọi là trái tim Bồ Tát, chúng ta có thấy trái tim Bồ Tát ở Việt Nam Chưa? Sẵn sàng hủy hoại cả thân người, trong lửa trong đạn trong hận thù, trong chiến tranh, để còn một trái tim vẫn đó tồn tại bằng tình yêu, đó mới gọi là trái tim Bồ Tát. Còn trái tim của chúng ta, khổ khổ chút chút của tự thân đã chạy trốn rồi thì sao nghĩ đến cái khổ đau của chúng sanh khác mà có thể cứu được. Các bạn, trước khi cứu khổ đau của người, của chúng sanh, thì chúng ta phải tự cứu khổ đau của chính mình. Phải biết lắng nghe khổ đau của tự thân, chuyển hóa bằng chánh niệm hơi thở, bằng năng lượng từ bi dung thông với Chư Phật, Phật luôn đồng hành với chúng ta, Bồ Tát luôn đồng hành với chúng ta. Đừng tạo một thói quen chạy trốn quay lưng mà bỏ đi đối với những ai đó tạo khổ cho ta hay khi khổ đau dâng trào. Thói quen đó sẽ dần dần tạo nên một tập khí của bất thiện nghiệp, nó tạo thành thói quen để rồi xoay lưng với người và xoay lưng chính với tự thân khi đau khổ. Người đó sẽ không bao giờ thành công trong cuộc đời bởi họ đã nhảy xuống hố sâu để khổ đau vùi lấp. Các bạn, người con Phật, chúng ta phải tự hào về giáo lý của đức bổn sư, hãy đứng dậy, thắp đuốc tuệ, lắng nghe mọi nổi niềm khổ đau của tự thân nơi ta và của chúng sanh, đón nhận ánh mắt tuệ của Phật thắp sang tuệ giác của chúng ta, đón nhận biển trời mênh mông, năng lượng từ bi của mười phương Chư Phật để dẫn đường tuôn tràn xuống tất cả những chúng sanh đang đau khổ, và đặc biệt nhất là của chúng ta. Và chúng ta phải lắng nghe để nhìn lại đau khổ của ta, của gia đình ta, của vợ chồng ta, của con cái ta, của cha mẹ ta. Sửa ngay từ trong cái ta đó, thì nhất định cộng đồng sẽ ổn, sẽ hạnh phúc, an vui vô cùng. Mời các bạn đặt bàn tay trí tuệ vào bàn tay từ bi, chúng ta vận hành 7 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa để chúng ta có được trí tuệ biết lắng nghe khổ đau của tự thân, mời các bạn!

Chúng con đồng nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực khai mở 7 Luân Xa để chúng con có trí tuệ biết lắng nghe khổ đau của tự thân. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng, phình bụng. Thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu Luân Xa, trì mật chú:

Mu A Mu Sa (7 biến)

Các bạn, 7 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa, Bảo Thành và các bạn tràn ngập tha lực Phật điển tác động vào luân xa tự thân của chúng ta. Khi mỗi một nỗi niềm khổ đau ở trong con người tâm khảm của chúng ta trổi dậy, khơi dậy, khởi dậy, chính ngay lúc đó, chúng ta đừng sợ và chạy trốn.Cchúng ta hãy hít vào từ từ nhẹ nhàng đưa hơi thở sâu xuống luân xa số 1 phình bụng ra, lắng nghe khổ đau đó, nó đang khởi lên từ đâu. Năng lượng khổ đau đó khởi lên trên đầu thì thấy nhức đầu, ở ngực thì tức ngực, ở dưới bụng thì đau bụng; ở đâu đó, ở tay thì tay ta nắm chặt vô run rẩy, ở trên miệng thì môi tím, ở trên mặt thì mắt đỏ, và thấy được thật rõ năng lượng đau khổ đang dâng trào trong vùng luân xa nào. Các bạn có trải nghiệm chưa? Khi các bạn đau khổ, có những khi đau rát cả bụng dưới, đau chột lên bụng trên, đau ức cả ngực, đau chặn lấy cổ, đau đỏ con mắt, đau nhứt cả đầu, đau toàn thân run rẩy, đau chân tay đập phá, đau chạy cuốn cuồn, đau tán loạn hơi thở…khổ đau rất nguy hại. Chẳng phải khổ đau sẽ giúp chúng ta đi tới hạnh phúc bằng cách chìm mình trong khổ đau đâu! Khổ đau rất nguy hại nếu chúng ta cứ chìm mình vào đó, không những bị luân hồi 6 nẻo đau khổ, mà ta ngay trong kiếp này, thân này sẽ sinh ra bệnh, tâm này sẽ sinh ra điên khùng trầm cảm khó chữa, đời sống sẽ bệ rạc, và chẳng còn năng lượng để sống. Sống không ra sống, chết cũng chẳng được, vất vưởng như thây ma. Khổ đau nguy hiểm lắm. Các bạn biết lắng nghe và học giáo lý của Phật ngày hôm nay thấu rõ được chân lý, các bạn sẽ nhìn rõ được tầm nguy hại của khổ đau. Càng chạy trốn khổ đau càng tới. Đừng mượn men rượu, đừng mượn thuốc, đừng mượn bạn bè trong tiệc nhậu say sưa, đừng mượn tất cả những tham ái tham dục của cuộc đời để phủ khuất đi khổ đau của chính mình.

Hãy thắp đuốt tuệ bằng hơi thở chánh niệm xin Chư Phật ban rải tha lực Phật điển để tưới tẩm vào các luân xa. Trong hơi thở đó, ta tìm một chỗ tĩnh lặng, tại nhà, tại phòng, tại một chỗ nào không ai làm phiền, ta hít vào thở ra và chúng ta lắng nghe nỗi niềm khổ đau của chúng ta đang ở đâu? Ở ngực, ở bụng, ở đầu, ở miệng, ở mắt, ở tay, ở chỗ nào trên cơ thể của chúng ta. Nó có liên quan đến 7 luân xa ở vùng đó, và chúng ta tác động theo ý dẫn hơi thở chánh niệm vào luân xa tại vùng đang đau đó, đang khổ đó. Có những người khổ mà rơi nước mắt, thì ta biết rằng nó đang ở vùng luân xa số 6. Khổ mà đau hai màng tai, khổ mà nhức cả cái đầu, khổ mà miệng không cầm được, cứ thế mà chửi, cứ thế mà la, cứ thế mà khống, cứ thế mà than thở. Những cái khổ như vậy, tập làm bác sĩ của tự thân, với hơi thở chánh niệm quán chiếu; và màng tha lực Phật điển tưới tẩm vào những vùng đó là hết ngay. Đời sẽ tươi, mặt sẽ sang, nụ cười sẽ thơm như hoa, hành động mười phương Chư Phật Bồ Tát thánh hiền đều nghe, bởi hành động đó là hành động từ bi. Phương pháp vi diệu, Pháp Bảo đã ở trong tay rồi, đừng chạy trốn luẩn quẩn làm chi, hãy học hạnh lắng nghe của Bồ Tát , mọi nỗi niềm khổ đau của tự thân và của muôn người mang năng lượng từ bi ban rải, hồi hướng để mọi người hết khổ. Đừng học hạnh của thói đời hóng nghe vu khống thị phi, khổ đau sẽ tới, muôn đời không có kêu than. Các bạn, các bạn muốn khổ hay muốn hạnh phúc? Pháp Bảo ở trong tay, đã có sẵn rồi, hãy đặt tay phải vào tay trái, chúng ta tu tập 7 biến nữa, ứng dụng Pháp Bảo này để lắng nghe khổ đau của ta và chuyển hóa tất cả, đừng chạy trốn nghe các bạn. Lắng nghe khổ đau của tự thân, đừng hóng nghe khổ đau, vu khống thị phi, tạo khổ cho nhau. Mời các bạn!

Chúng con đồng nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực khai mở 7 Luân Xa để chúng con có trí tuệ biết lắng nghe khổ đau của tự thân. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng, phình bụng. Thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu Luân Xa, trì mật chú:

Mu A Mu Sa (7 biến)

Mô Phật! Chúng ta đã vừa hoàn thành đồng tu! Hãy chắp tay vào hồi hướng công đức này!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

Chúng con đồng nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh và khai mở các luân xa để chúng sanh biết quán chiếu và lắng nghe khổ đau của tự thân. Công đức có được trong sự đồng tu hôm nay, chúng con nguyện hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia trên thế giới biết ngồi xuống thành lập được những chính sách giữ được nền hòa bình cho thế giới.

Nguyện cầu cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra vắc xin và thuốc trị bệnh đại dịch. Cầu nguyện cho các bác sĩ, các y tá, các nhân viên y tế, nhân viên cứu trợ trên toàn thế giới luôn luôn có tâm rộng lớn chữa lành tất cả những bệnh nhân. Hồi hướng cho tất cả chúng sanh trên thế giới đang đau khổ, phiền não, sợ hãi cũng như nơi quốc độ yêu thương Việt Nam của chúng con được bình an hạnh phúc, tinh tấn tu tập. Hồi hướng đến các vong linh tử vong được siêu sanh miền Lạc Độ.

Con nguyện xin Chư Phật mười phương Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts