Search

Tham Vấn Phật Pháp 22

Bảo Giác Tường đánh máy

Câu 1: Thời gian là thứ quý giá nhất, nên dành cho đúng người. Nhưng khi bị cuốn vào vòng xoay, đôi lúc con không còn đủ khả năng phân định lúc nào cần gặp ai, làm gì trước và sau. Mình thiền và đồng tu để ngộ ra mỗi ngày, nhưng sao con vẫn chưa có khả năng nhận ra, dừng lại và thay đổi. Xin Thầy khai thị cho con 🙏

Câu 2: Dạ thưa Thầy. Trong gia đình con, con có cách nghĩ và làm việc khác với mọi người nên mọi người không thích, cũng là do mọi người chưa thấy đó là tốt, chưa thấy con tốt, nhưng bản thân con thấy được có rất nhiều điều tốt. Dạ thưa thầy nếu sự khác biệt tốt thì chúng con vẫn nên nương theo chứ ạ? Mô phật 🙏

Câu 3: Thưa thầy, con nên gieo những nhân gì để có duyên gặp được nhiều thiện tri thức ạ? Nơi con ở, con tiếp xúc nhiều với những điều tiêu cực, con mong muốn gặp nhiều thiện tri thức để sách tấn con trong việc tu ạ. Con xin thầy khai thị. Con cám ơn thầy!

Câu 4: Thưa Thầy khi chúng con tu, dạo gần đây thì có rất nhiều chuyện bất như ý xảy ra với chúng con như gia đình, chồng con, công việc và nhiều cái khác nữa. Như tụi con đã tu, đã hiểu là nhân quả nên hoan hỷ chấp nhận. Nhưng sự việc đôi lúc cùng thời điểm mà quá nhiều, rồi bị gia đình, người thân nói tu sao mà bị như vậy, rồi không đồng thuận cho tu. Vậy chúng con phải làm sao để kiên định và không thoái chí ạ?

Câu 5: Con xin thầy khai thị cho con biết có phải tất cả các bệnh đều do nghiệp không ạ? Nếu là do nghiệp thì mình chỉ cần phóng sanh, làm thiện thì sẽ chuyển hoá được bệnh đúng không ạ?

Câu 6: Thưa Thầy người ta thường nói: con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ. Như vậy có đúng không ạ? Hay phước báu do mình tự tạo. Con xin Thầy khai thị ạ!

Câu 7: Muốn nâng cao sức khỏe thể chất, chúng ta có thể tập thể dục, chơi các môn thể thao khác nhau, kết hợp với một lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ có khoa học. Vậy muốn nâng cao sức khỏe tinh thần, muốn luyện cho Tâm vững chãi an lạc, muốn luyện cho trí tuệ minh mẫn sáng suốt thì chúng đệ tử nên tập luyện và thực hành như thế nào ạ. Xin Thầy khai thị cho chúng con

Câu 8: Khi nhắc tới làm từ thiện, đa số mọi người thường nghĩ tới việc phải có thật nhiều tiền mới có thể làm từ thiện, nếu cho người khác ít quá thì kỳ. Vì vậy nên trong cuộc sống, họ chỉ sống cho bản thân mình mà ít khi nào nghĩ tới giúp đỡ người khác. Cũng có những người thường không tin vào các trung tâm từ thiện vì sợ những người đứng đầu trong đó chặn tiền và những vật phẩm được mạnh thường quân đóng góp. Là người Phật tử, con nên quán chiếu về vấn đề này như thế nào để tâm thanh tịnh và nếu như có thể, làm cách gì để giúp cho họ có cái nhìn tích cực hơn về vấn đề này không ạ?

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và các kênh Facebook các bạn chia sẻ.

Hôm nay thứ 7, chương trình Sống Trong Chánh Niệm, chúng ta có cuộc Tham Vấn Phật Pháp số 22 mỗi tháng một lần. Và giờ đồng tu tham vấn đã tới, kính mới các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con, để chúng con biết tự lực thắp sáng đuốc tuệ qua công hạnh miên mật tu tập Mật Thiền Song Tu, thể nhập vào tâm tỉnh giác, đánh thức Phật tánh, chuyển hoá mọi phiền não và sự sợ hãi, mở rộng lòng bao dung, yêu thương và tha thứ. Chúng con đồng nguyện cho tất cả các chư vị hương linh vừa quá vãng theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Nguyện cho hàng Phật tử thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học. Nguyện cho thế giới hoà bình, chấm dứt chiến tranh. Xin Chư Phật chứng minh.

Giờ đây mời các bạn đồng trì tụng Thất Bảo Huyền Môn đón nhận mật điển từ Chư Phật và quay trở về với hơi thở chánh niệm, nguyện hồi hướng năng lượng vi diệu, tha lực mật điển siêu thế đón nhận được từ cõi Phật tới tất cả những người chúng ta yêu thương và mọi loài chúng sanh.

Mu A Mu Sa

Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang

Ma Sa Ốp Uê

Sa Bi Mô U

Sa U Sa U Ba Thê Um

Nam Mô Sa Ka Puốt Tê Nam Mô Sa Ka Puốt Tê

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha

Mô Phật! Các bạn thân mến! Bảy mật ngôn trong Mật Thiền Song Tu – pháp môn Thất Bảo Huyền Môn là bảy mật ngôn quán chiếu bảy cái tâm của chúng ta để phá vỡ đi mọi chấp trược, đẩy lùi màn đêm tăm tối của sự u mê, gần gũi hơn với Phật và chư vị Bồ Tát và đón nhận được thật nhiều năng lượng cho cuộc sống của chúng ta. Từ đó mà chúng ta có được tha lực hài hoà với sự tự lực quán chiếu, nhìn thấu những hiện tượng, những sự việc đang xảy ra để chuyển hoá tốt đẹp hơn mỗi ngày. Mỗi một tháng, vào thứ 7 của tuần cuối, có nghĩa là thứ 7 cuối tháng, chúng ta có một buổi Tham Vấn Phật Pháp. Trong sự tham vấn này, ta không truy và tìm những giáo lý nhiệm màu, nghiên cứu kinh điển, bởi đã được truyền dạy quá nhiều và kinh điển cũng đầy đủ để ta nghiên cứu. Nhưng trong sự tham vấn này, chúng ta bày tỏ những thành tựu trong công phu mà ta tu tập, những thắc mắc ứng dụng pháp môn Mật Thiền cũng như những chuyện liên quan đến đời sống của hàng Phật tử tại gia, nhè nhẹ để tăng trưởng tín tâm và sách tấn nhau trên con đường tu. Giờ thì thời đã tới rồi, các bạn có câu hỏi gì chia sẻ hoặc có lời gì tán dương nhau để sách tấn trên con đường tu, mời các bạn bắt đầu.

Phật tử Bảo Nghy: Dạ Mô Phật!  Bảo Nghy kính đảnh lễ Sư Phụ, Quý Thầy, Quý Sư Cô, kính chào toàn thể chư vị đồng tu.

Câu 1: Thời gian là thứ quý giá nhất, nên dành cho đúng người. Nhưng khi bị cuốn vào vòng xoay, đôi lúc con không còn đủ khả năng phân định lúc nào cần gặp ai, làm gì trước và sau. Mình thiền và đồng tu để ngộ ra mỗi ngày, nhưng sao con vẫn chưa có khả năng nhận ra, dừng lại và thay đổi. Xin Thầy khai thị cho con 🙏

Trả lời:  Mô Phật! Hầu hết trong chúng ta, cả cuộc đời cứ vội vội vàng vàng, chẳng bao giờ đầu tư kiến thức bằng sự học hành tinh tấn để tăng trưởng kỹ năng, kiến thức của đời người để giải quyết mọi vấn đề. Và từ đó, vào con đường học đạo, ta cũng chẳng miên mật tu tập mà chỉ thoáng qua một chút, vội vàng một chút, tăng trưởng tâm mong cầu là sự đồng tu ấy giải quyết hết mọi vấn đề. Nhiều câu chuyện đã được ví dụ, chẳng thể xây lầu thứ 3, thứ 4, hoặc thứ 5, thứ 10 mà không xây một nền tảng vững chắc rồi xây dựng lầu 1, lầu 2, chẳng bỏ qua được những bước đầu đâu! Sự đồng tu của bạn đã có, bạn đã đồng tu, có được năng lượng, có được sự tư duy và suy nghĩ, cũng như người khởi đầu bước ra từ đám mây mù. Bạn đã bắt đầu bước rồi, nhưng bước chân đầu tiên của bạn là bước chân bắt đầu rời xa đám mây mù dày đặc hàng trăm cây số, thì dù bạn có bước 10 bước, 100 bước, khi chưa đủ cái độ dài cả trăm cây số mà thoát ra khỏi mây mù, vẫn còn trong mây mù, nhưng bạn vẫn bước đi, đó là điều tốt! Sẽ có một ngày bạn sẽ bước đủ dài để thoát ra những đám mây mù bao phủ bạn, để đạt được chánh định, để đạt được cái sự tư duy và định được tâm an trú trong hơi thở của Mật Thiền. Những gì bạn đồng tu là sự khởi đầu, không sao đâu bạn! Bạn chưa định được thời gian, chưa biết người nào cần phải tiếp chuyện như thế nào, nghĩa là chưa làm chủ được một chút xíu gì về những điều bạn mong muốn, nhưng ít nhất bạn đã nhận biết ra rằng bạn chưa làm chủ được chính mình.

Khi biết rằng ta chưa làm chủ được nhưng lại biết thêm rằng ta đang đồng tu, có nghĩa là ta đang luyện công phu để cho vững chãi hơn, mạnh mẽ hơn, và công phu ta luyện qua sự đồng tu nhất định sẽ dần dần đưa ta bước về, tiến về phía trước để lìa xa đám mây mù đang phủ đến chúng ta. Bạn có quý thầy, quý cô, có các bạn đồng tu, có sự gia trì của Mười Phương Chư Phật, của năng lượng qua mật ngôn bạn trì tụng tiếp nhận được, có cái tâm tịnh tĩnh trong chánh niệm qua hơi thở. Hôm nay, bây giờ bạn thấy nhưng chưa làm chủ được, cố gắng lên đi, bạn sẽ làm chủ được khi tích lũy đủ cái công lực. Không có gì phải hoang mang bởi bên bạn luôn luôn có quý thầy, quý sư cô, có quý bạn đồng tu. Chúng ta nếu kết lại như một cái bè, dù bản thân của bạn chưa đủ lực, đủ sức, những phần còn lại của các bạn đồng tu, của quý thầy, quý cô cũng có thể nương vào đó để thành cái bè lớn vượt qua sóng gió mà thành tựu được sự an lạc. Hơn thế nữa, bạn còn có sự gia trì đặc biệt của Phật, của Bồ Tát. Cho nên, nhất định dần dần bạn sẽ làm chủ được thôi!

Hãy tiếp tục trở về với chánh niệm hơi thở, hãy tiếp tục tổng trì mật ngôn từ bi Mu A Mu Sa, mật ngôn trí tuệ Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang, mật ngôn trí tuệ và mật ngôn tỉnh thức Ma Sa Ốp Uê, tất cả mật ngôn này không phải ta cứ nghiền đi nghiền lại để có được, nhưng là một sự đánh thức cái tâm do năng lượng được gia trì và sự tự lực đứng dậy để tư duy, y như ở trong bóng tối có Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang là bóng đèn được bật sáng để bạn nhìn rõ hơn. Nhưng khi nhìn rõ rồi, bạn phải tự tư duy để giải quyết vấn đề, không phải nhìn rõ là vấn đề nó biến mất. Có được năng lượng của Mu A Mu Sa là tình thương để giải quyết vấn đề bằng những phương tiện hữu hiệu, bằng chân tình và tha thứ, năng lượng tình thương qua sức mạnh để chuyển hoá, đứng dậy giải quyết khi nhìn rõ vấn đề bằng năng lượng tình thương và bằng sự tỉnh thức Ma Sa Ốp Uê, bạn sẽ nhẹ nhàng vượt qua thôi, và từ từ định hình được tất cả mọi chuyện bạn cần phải làm và định hình được những ai bạn nên tiếp xúc hằng ngày để tăng trưởng thiện duyên, gắn kết với những năng lượng thiện lành để có đời sống an vui hơn. Đúng như lời Đức Phật dạy: “Hãy kề cần những bậc thiện tri thức và tránh xa những người có cái tâm rối loạn u mê”, thì bạn, với sự tu tập như thế, đồng tu mỗi ngày, bạn đang tiếp cận với thiện tri thức, các bạn đồng tu có tâm lành và những giây phút đó bạn đã tránh xa được những người bạn dữ; nhưng chưa có định hình được ai là người cần phải gặp, cần phải tiếp xúc nhưng bạn đã nổ lực để kề cận với thiện tri thức và các bạn lành rồi, đây là điều tốt, hãy tiếp tục, tiếp tục! Và trong cuộc sống, bạn sẽ trưởng thành hơn qua sự đồng tu để bạn xác minh được ai là người bạn nên tiếp xúc mỗi ngày để giúp cho bạn có được môi trường lành mạnh sống cho đời của bạn, cho gia đình của bạn và cho những người trong thân tộc. Mô Phật!

Câu 2: Dạ thưa Thầy, trong gia đình con, con có cách nghĩ và làm việc khác với mọi người nên mọi người không thích, cũng là do mọi người chưa thấy đó là tốt, chưa thấy con tốt, nhưng bản thân con thấy được có rất nhiều điều tốt. Dạ thưa thầy nếu sự khác biệt tốt thì chúng con vẫn nên nương theo chứ ạ? Mô phật 🙏

Trả lời: Các bạn thân mến! Chúng ta hay hùa vào những cái nhóm, những phong trào, những cái cao trào theo số đông, nó dễ lôi cuốn chúng ta đi vào đó; còn đơn độc một mình, ta khó giữ. Đi đâu có đông bạn bè vui là thích, còn có một mình thấy không thích! Những điều bạn tu hoặc những điều tốt bạn đang làm, bản thân bạn thấy là tốt, có lợi lạc cho sự hạnh phúc, an lạc cho bản thân. Phương pháp bạn làm việc thuận hảo với tâm mình, thấy hoan hỷ, thuận lợi lắm, nhưng người trong gia đình không đồng ý, bởi trái ngược đối với họ. Sống trong môi trường như vậy cũng đôi khi hơi khó bởi những người ấy đều là những người trong gia đình, có thể là cha mẹ anh chị em. Nhưng các bạn phải nhớ, điều tốt lành ta làm dù ông Phật, Bồ Tát không ưa, ta vẫn làm; điều xấu ta làm, dù thánh thần Bồ Tát có sách tấn, ta cũng phải ngừng; bởi chuyện tốt xấu là sự tư duy suy nghĩ và quyết định của ta tạo ra nghiệp thiện hoặc nghiệp ác, do chính ta, ta chịu. Bồ Tát, Chư Phật, người nhà không có chịu dùm chúng ta đâu!

Quán chiếu mà thấy đó là điều tốt mà gia đình không thích – không sao, bạn cứ bền bỉ, đừng chống kình với họ, đừng giải thích với họ, đừng lý lẽ bàn luận, bởi khi đã không thích, bạn nói suốt cuộc đời cũng chẳng ai ưa. Tốt nhất là bạn hãy cứ tiếp tục tập, nhà Phật gọi là thân giáo, có nghĩa là hành được những điều bạn làm một cách thực tế bằng cái sự chứng minh rõ ràng đời của bạn, cuộc sống của bạn an vui hạnh phúc, có năng lượng tích cực, có tình thương, biết tha thứ bao dung, có trí tuệ và luôn luôn sống tỉnh thức, giải quyết mọi vấn đề thấu đáo, có kỹ năng sống hài hoà với người thân. Dù họ không ưa, dần dần họ sẽ nhận ra. Mặt trời đâu tự khoe rằng mình sáng đâu, tự thể mình sáng thì cứ sáng, người trong bóng tối sẽ nhận ra và thay đổi. Sự tu của ta y như là sự sáng, chẳng cần vỗ ngực khoe, cãi lý, biện luận với họ làm chi để họ theo mà hãy tự sáng trong cuộc đời. Hãy tự sáng trong những ngôi lời ta ứng dụng, hãy tự sáng trong những hành vi và suy nghĩ, sự sáng nơi những việc lành, tạo tác lành, suy nghĩ lành, nó sẽ tỏa ra, nó sẽ lan ra và những người khác ở xa, nhất là những người gia đình họ thường nhìn ta mỗi ngày, sẽ nhận ra từ từ và thay đổi cái quan niệm cũng như cách tiếp xúc với chúng ta.

Bảo Thành hồi còn rất nhỏ cũng có những tư tưởng đột phá, suy nghĩ và thực tập tu luyện những cái rất khác người. Dĩ nhiên như bạn, gia đình khó có thể hài hoà, bạn bè cũng khó chấp nhận, thôn xóm không ai ưa, nhưng chẳng bao giờ vì những chuyện ấy mà Bảo Thành dừng bước, bởi bản thân nhận thấy những điều Bảo Thành làm trong cái sự suy nghĩ một cách chuẩn mực, rõ ràng, chính chắn, thấy nó tốt. Cho nên không bị ảnh hưởng từ những lời dèm pha, ngăn chặn, nói thêm nói bớt của người thân cũng như người ngoài, giữ vững cái tâm của mình đối với những điều mình đang học, đang tu tập. Và như vậy, dần dần cũng trải qua mấy mươi năm trời, trên 30 năm trời, nay thì gần 50 năm rồi, những người xưa không thích dần dần cũng hiểu được mình một chút. Còn những người xưa không ưa, bây giờ cũng tiếp cận được.

Các bạn nhớ, chúng ta tu là tu cho chính mình! Thiện ác do ta tạo, ta hưởng cái thiện là phước, ta chịu cái ác là hoạ, trời Phật không chịu dùm chúng ta, người thân không chịu dùm chúng ta, và chúng ta chịu trách nhiệm đối với chính bản thân. Nếu việc tu, việc làm của bạn thiện lành, tốt, hãy tiếp tục dù không một ai thích bạn, hợp với bạn, dù luôn luôn có nhiều người chống đối, dèm pha và chê bai. Con đường bạn đi, tư duy đã đúng, suy nghĩ đã đúng, thấy có lợi lạc, cứ tiếp tục. Xin được sách tấn bạn trong tinh thần đó. Mô Phật!

Câu 3: Thưa thầy, con nên gieo những nhân gì để có duyên gặp được nhiều thiện tri thức ạ? Nơi con ở, con tiếp xúc nhiều với những điều tiêu cực, con mong muốn gặp nhiều thiện tri thức để sách tấn con trong việc tu ạ. Con xin thầy khai thị. Con cám ơn thầy!

Trả lời: Mô Phật! Việc đầu tiên để tạo được phước báu gặp các bậc thiện tri thức là giữ Năm Giới! Đôi khi chúng ta làm việc thiện nhiều lắm mà không giữ giới thì việc thiện đó chẳng khác gì đổ vào cái túi mà không có đáy. Chỉ cần giữ Năm Giới thôi là các bạn đã được Long Thần, Hộ Pháp, Chư Thiên, chỉ cần giữ Năm Giới thôi là các bạn đã biết hộ mạng bản thân để mà Chư Phật, Chư Bồ Tát luôn luôn gửi thông điệp tình thương và thắp sáng trí tuệ cho bạn rồi. Năm Giới tối quan trọng trong đời sống để gieo cái nhân hộ mạng chính mình, ngăn ngừa, chặn đứng mọi nghiệp ác, như vậy đã đủ gieo duyên để gặp thiện tri thức và bạn hiền rồi. Người giữ giới luôn luôn được Long Thần Hộ Pháp tiếp cận, nói theo danh từ ở đời là luôn luôn có quế nhân phò trì tới giúp đỡ, luôn luôn có thiện tri thức và tạo được nhân duyên để những bậc đó tiếp cận đời sống, hướng dẫn cho chúng ta. Ngoài ra, chúng ta có thể hành thập thiện, nói đơn giản hơn cho rõ là biết bố thí, biết san sẻ yêu thương, biết sám hối, biết cúng dường, biết làm từ thiện. Đó là những cái duyên mà ta tạo ra thật lớn bởi những điều đó là những nhân tốt lành đó các bạn!

Cho nên, đối với Bảo Thành, các bạn hãy quay về giữ giới cho đúng và làm những điều như vừa nói, những cái nhân đó sẽ giúp cho bạn có đầy đủ phước báu gặp gỡ được những bậc thiện tri thức, tiếp cận được những người hài hoà với nhân duyên để chuyển hoá mọi chướng ngại vốn có nơi ta. Bảo Thành đã kinh qua những điều như vậy và Bảo Thành thấy rất lợi lạc. Giữ Năm Giới là tối quan trọng, hành thập thiện là nhân duyên tốt mà chúng ta thường đơn giản hoá bằng cách san sẻ yêu thương, từ thiện, thương người, bác ái, giúp đỡ, nâng đỡ, phóng sanh, rồi nhìn những lỗi lầm của mình biết sám hối – sửa, thì bạn nhất định đã có đủ duyên để gặp mọi người có cái tâm lành, tâm thiện, và nhất định bạn sẽ có cơ hội để gặp các bậc thiện tri thức. Trước tiên là giữ giới, người ấy sẽ có được Chư Phật, Bồ Tát tiếp cận thường xuyên, người ấy có được Long Thần Hộ Pháp luôn luôn kề cạnh, hộ mạng. Đó là cách nhìn của Bảo Thành đối với quý Phật tử bận rộn tại gia. Nếu làm được điều này rất tốt, rất tốt! Mô Phật!

Câu 4: Thưa Thầy khi chúng con tu, dạo gần đây thì có rất nhiều chuyện bất như ý xảy ra với chúng con như gia đình, chồng con, công việc và nhiều cái khác nữa. Như tụi con đã tu, đã hiểu là nhân quả nên hoan hỉ chấp nhận. Nhưng sự việc đôi lúc cùng thời điểm mà quá nhiều, rồi bị gia đình, người thân nói tu sao mà bị như vậy, rồi không đồng thuận cho tu. Vậy chúng con phải làm sao để kiên định và không thoái chí ạ?

Trả lời: Mô Phật! Chúng ta sống ở đời thích làm ông toà án, gặp việc gì của người khi họ đang đương đầu – thường chỉ chỏ, chê bai, miệt thị, đôi khi chính trong gia đình làm cho chúng ta đau buồn lắm! Những cái câu ví dụ như “tu như thế nào mà để nó đổ nghiệp, tu như thế nào mà để cho những chuyện như vậy xảy ra”. Hoặc đôi khi những người lớn hay nói “học như thế nào mà thi hoài không đậu, thông minh quá mình, sao lại chuyện xảy ra đau lòng thế!”. Ta cứ tìm tòi đủ mọi cách! Khi người ta đang bị thương lại xát muối và đâm thọc vào đó, hình như đó là cái cách rất thường của đời người đang sống trong vô minh, cứ vội vội vàng vàng chê bai, dèm pha, đâm thọc người khác. Các bạn, chúng ta đồng tu đều hiểu rõ lời Phật dạy, mọi sự ở trên đời xảy ra đều do nhân quả của chính mình, và sự cộng nghiệp nhân quả tương tác với nhiều người. Dù bạn tu hay không tu, những nhân quả ác tới ngày nó trổ, như trong kinh nói “trốn lên trên trời cũng không trốn được, chui xuống dưới động cũng không trốn được đâu, lặn sâu ở dưới nước cũng không trốn được, lẫn vào trong chợ chỗ đông người cũng chẳng trốn được”. Nghiệp ác mà trổ rồi thì không ai trốn được hết! Mà nghiệp thiện nó trổ quả tốt lành rồi thì bạn ở đâu trên sa mạc, rừng sâu núi thẳm, bạn cũng được phước, được hưởng phước. Cái thiện và ác tạo thành cái quả tốt hoặc là xấu cho chúng ta. Dù bạn tu hay không tu, đến thời nó trổ quả là nó tới, người tu khi cái xấu tới dồn dập – có, người không tu nhưng cái xấu tới dồn dập – có. Như vậy sao chúng ta không chỉ tay vào những người không tu khi những chuyện xui xẻo xấu xa tới, nói với họ rằng “anh không tu nên chuyện xấu nó tới, anh không chịu tu, anh không thấy nó dồn dập sao?”, mà ta chỉ chỉ trích những người đang có tâm tu và nói với họ rằng “tu như thế nào để chuyện đó xảy ra”. Người mà hay miệt thị chê bai đâm thọc như thế là tâm còn vướng mắc, chấp và dĩ nhiên người ấy đang tạo nghiệp cho bản thân.

Riêng với những bạn đồng tu, chúng ta phải giữ vững cái sự hiểu biết rằng dù bạn đang tu, thì những cái nhân của tiền kiếp hoặc của ngày tháng qua, đến ngày trổ quả, nó phải hiện ra, nó phải xảy ra. Nhưng khác với cái thuở ta không ta, là khi chưa tu, sự việc nó xảy ra, ta rối tâm, ta bối rối, ta không có sự tỉnh giác, ta không có cái nhìn thấu và ta chẳng có tình thương để giải quyết vấn đề một cách thuận hảo. Còn khi ta tu, ta có tình thương để sự việc xảy ra, ta có từ bi để chúng ta dung thông, lan tỏa, chữa lành những cái sự đau đớn, bởi những cái ác pháp ta tạo, ta có trí tuệ nhìn thấu để tìm cách giải quyết cho phù hợp, ta có sự tỉnh thức để không u mê, để giải quyết một cách rốt ráo hơn. Khác biệt ở chỗ, khi tu, ta có cái nhìn của trí tuệ, ta có cái tâm của tình thương, ta có sự tỉnh giác để giải quyết vấn đề. Còn khi chưa tu, ta rối y như người học lái xe, khi chưa biết lái xe, ngồi lên mà vận hành, chiếc xe nó lạng quạng sợ lắm. Còn khi đã thực tập lái xe rồi, thì gặp những sự cố trên trục lộ giao thông, ta biết lèo lái, tránh phải, tránh trái hoặc dừng đúng để không xảy ra những tai nạn.

Bạn hãy cố gắng tu, dù người nhà có chỉ cả năm ngón tay vào mặt bạn, dù có mắng bạn, có nguyền rủa bạn, có chê bai bạn, có xỉa xói bạn, bạn hãy nhớ rằng bạn đang tu theo pháp môn từ bi. Ngay cái chỗ người ta mắng, rủa, xỉa xói, bạn cần phải ứng tâm Mu A Mu Sa để thương họ hơn. Ngay cái chỗ người ta đang xỉa xói, bạn cần phải ứng cái tâm trí tuệ Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang để soi sáng lại cho họ. Ngay cái chỗ người ta đang chỉ tay, dèm pha, chê bai, ta phải dùng cái tâm tỉnh giác để giữ cho sự tỉnh thức của mình, để bình tĩnh giải quyết vấn đề. Như vậy, lợi cho ta và lợi cho người, ánh sáng từ tâm của bạn sẽ dần lan tỏa và một ngày nào đó, họ sẽ hiểu và sẽ đồng hành với bạn trên con đường tu. Mô Phật!

Câu 5: Con xin thầy khai thị cho con biết có phải tất cả các bệnh đều do nghiệp không ạ? Nếu là do nghiệp thì mình chỉ cần phóng sanh, làm thiện thì sẽ chuyển hoá được bệnh đúng không ạ?

Trả lời: Chúng ta thường bị cái chữ “nghiệp” nó ám ảnh rồi đi vào u mê, riết rồi cái gì ta cũng nói rằng “nghiệp”; để rồi có một tệ nạn ở Việt Nam cũng như các nước Á Đông, bệnh gì cũng tìm tới thầy cúng, thầy bùa, thầy ngải, các thầy mà được nhập xác, được gián xuống, rồi các thầy mượn hồn, các thầy thông thiên địa đến giải quyết. Đôi khi cảm mạo bởi khí hậu thay đổi, chỉ cần xông một cái, uống một tách trà sâm là khoẻ rồi, hoặc theo phương pháp dân gian là cạo gió một chút, hoặc giác cảm, giác hơi các bạn, là khoẻ! Nhưng mà ta thì cứ lậm  vào trong cái nghiệp, rồi bệnh căn, bệnh này bệnh kia đủ thứ, người ta phán lung tung hết. Theo Phật kiểu đó là đang làm mê mụi bản thân!

Đức Phật dạy, thân tứ đại đất – nước – gió – lửa, bốn thành phần đó là duyên giả hợp do duyên kết lại, nó có thành – trụ – hoại – diệt. Cái khổ trong Ấm Xí Thịnh là cái khổ của môi trường ảnh hưởng đến thân, đến cảm xúc của chúng ta. Các bệnh về tâm nó ảnh hưởng đến thân xác. Khi tâm bạn buồn thì cái thân nó cũng xìu xuống, đau khổ, nó hiện trên đôi mắt. Bạn thấy có những người buồn ở trong tâm, vì thất tình hoặc mất tiền mất của, mất quyền lực, mất này mất kia đó bạn, buồn dữ lắm, người ta gọi là buồn thối ruột á, thì nhìn trên mặt nó u ám dữ lắm. Mà người tâm vui là con mắt họ sáng, mặt họ tươi, nụ cười họ bao giờ cũng hớn hở. Bạn thấy chưa!

Cho nên nhớ rằng cái sầu trong tâm, cái bệnh nơi thân có hai loại: một là do nghiệp, hai là do môi trường sống bởi thân tứ đại ảnh hưởng của vật lý rất tự nhiên. Bạn đi xa, cơ thể yếu, có nhiều người ngồi trên xe bị say, rồi uống thuốc, đâu thể đổ lỗi cho cái nghiệp. Lửa nó đang cháy, nóng, thân này vật lý đụng vào bị bỏng, biết thì ngăn ngừa tránh xa, cứ đâm đầu vào cho bỏng tay bỏng chân xong nói đến nghiệp – không đúng! Nhiều người u mê cứ nói nghiệp nghiệp rồi thách đố, “nếu nghiệp tới quật thì tôi mới bị còn không tôi bước vô lửa chẳng sợ gì”, đó là không có trí tuệ.

Các bạn! Tất cả mọi căn bệnh của thân này đều do nghiệp – đúng! Nhưng nó cũng có đều do cái thân vật lý theo quy luật của thành – trụ – hoại – không, của sinh – lão – bệnh – tử, nó là điều rất hiển nhiên. Cho nên, phóng sanh, sám hối, ta cứ phóng sanh, sám hối để chuyển hoá tất cả mọi năng lượng tiêu cực vốn có nơi ta hoặc nơi xa ảnh hưởng tới. Còn những chứng bệnh thông thường của vật lý, ta phải dùng phương pháp khoa học như bác sĩ, thuốc than, giữ môi trường sống vệ sinh cho đúng, ăn uống cho tốt, có đầy đủ các chất protein, vitamin, dưỡng tố hài hoà cơ thể vật lý, sức khoẻ này. Bởi nhớ rằng Đức Phật thời xưa cũng bệnh và người cũng dùng thuốc. Bảo Thành còn nhớ trong kinh nói rằng ở chùa Kỳ Viên đầu tiên, khi mà tập trung đệ tử nhiều quá, có một số các vị tỳ kheo, đại chúng tới không am tường về cách vệ sinh cá nhân, ăn ở không đúng, vệ sinh không phù hợp, thường hay bị bệnh. Lúc đó người ta đã tới thỉnh với Phật, nhất là ông Cấp Cô Độc, ông tới nói với Phật: “Phật ơi! Thôi bây giờ con xây dựng một trạm xá ở đây để cho các vị thầy thuốc dạy dỗ cho những người kia ăn cho đúng, ở cho đúng, vệ sinh cho đủ và chữa trị bệnh cho họ”. Phật nói: “được, hãy xây dựng một trạm xá giúp cho họ”. Phật mà còn dùng khoa học mà! Về y học để tác động vào những căn bệnh của thân!

Cho nên chúng ta đừng cái gì cũng đổ thừa cho nghiệp! Những bệnh cảm mạo, những bệnh đau bao tử, những bệnh này bệnh kia là do suy nhược thân xác bởi ăn uống, hoặc những chất độc tố bên ngoài ảnh hưởng tới, hoặc do sự thành – trụ – hoại – diệt của cơ thể, ta không tu dưỡng cho đúng, ăn uống cho đủ, chữa trị cho đúng theo khoa học mà u mê, cái gì cũng nghiệp, cái gì cũng nghiệp là đang tự giết chết mình và đang phỉ báng Phật pháp. Bạn phải rất cẩn thận, tiếp cận với các bậc thiện tri thức để nhận rõ căn bệnh của bạn là gì. Khoa học và y học, đó chính là một phương tiện vi diệu mà ứng dụng trí tuệ và kiến thức để giúp cho mỗi người lành mạnh, khoẻ mạnh và trị bệnh về thân vật lý này một cách phù hợp khi còn có thể. Bạn đừng quá điên cuồng cái gì cũng nghiệp cái gì cũng nghiệp để rồi chúng ta mất tiền, tổn phước, tạo nghiệp khi cứ mò đầu tới các vị đại diện cho thần thánh cầu nguyện lung tung, phù phép đủ thứ để trị bệnh cho chúng ta. Như vậy bạn đang u mê! Phật xưa còn trị bệnh, còn lập bệnh viện, trạm xá thì bạn đừng tránh xa bệnh viện, bác sĩ, trạm xá khi những căn bệnh bình thường vật lý do thân nó ảnh hưởng. Đừng xa lìa điều đó và đừng quá mê muội trong cái bệnh của nghiệp. Cứ phóng sanh, từ thiện, bố thí, yêu thương thì nhất định mọi cái bệnh về nghiệp sẽ được chuyển hoá rồi. Còn những chứng bệnh vẫn tới, cần phải ngăn ngừa chúng đúng theo những y học phối hợp giữa tâm linh và tâm thần vật lý rõ ràng, ta có một đời sống hài hoà giữa đạo và đời. Mô Phật!

Câu 6: Thưa Thầy người ta thường nói: con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ. Như vậy có đúng không ạ? Hay phước báu do mình tự tạo. Con xin Thầy khai thị ạ!

Trả lời: Chúng ta thường tạo ra những câu nói để khuyến khích nhau. Đúng theo nhân quả thì nghiệp ai tạo, ác ta phải chịu, thiện ta đón nhận, không ai ăn cho người khác no nhưng người khác có thể mang đồ ăn tới cho chúng ta để chúng ta ăn phải không các bạn? Chứ người khác không thể ăn rồi nói ta no được! Chúng ta nhớ cái câu hồi hướng hay không? Dĩ nhiên chúng ta tu thì không thể tu cho người khác, nhưng chúng ta tu, chúng ta có khả năng hồi hướng những phước báu thành tựu được cho muôn loài chúng sanh, và khi hồi hướng như vậy, ai đó có lòng thành kính, có tâm chân thật, hướng về, sẽ đón nhận được. Là con trai hoặc con gái đều hưởng được phước báu của cha mẹ, cửu huyền thất tổ, bạn bè, những bậc thiện tri thức và của muôn loài chúng sanh đang hồi hướng tới cho chúng ta. Chẳng phải chỉ trong gia đình đâu! Như con gái hưởng phước của cha, con trai hưởng phước của mẹ, những cách nói đó chỉ để sách tấn thôi, nó không phải là định nghĩa chuẩn mực chính xác. Chúng ta thực ra đang thừa hưởng phước đức của cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, thừa hưởng phước đức của muôn loài chúng sanh và đặc biệt đang thừa hưởng phước đức của Chư Phật, Chư Bồ Tát, Long Thần Hộ Pháp Chư Thiên. Chỉ cần chúng ta có lòng thành chí kính, tu cho đúng, mở lòng ra mà đón nhận, nhất định ta sẽ nhận được thật nhiều những ân phước đó. Cho nên, những cách nói như bạn vừa hỏi rất tốt, nhưng đừng ấn định quá mức như vậy, mà phải nhớ, tứ ân phụ mẫu, ân tổ quốc, các bạn, ân các bậc sinh trưởng, ân của Phật – bậc giác ngộ, nói đúng ra, rộng hơn là ân của muôn loài chúng sanh đã luôn luôn hồi hướng những năng lượng thiện lành cho chúng ta. Mô Phật!

Câu 7: Muốn nâng cao sức khỏe thể chất, chúng ta có thể tập thể dục, chơi các môn thể thao khác nhau, kết hợp với một lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ có khoa học. Vậy muốn nâng cao sức khỏe tinh thần, muốn luyện cho Tâm vững chãi an lạc, muốn luyện cho trí tuệ minh mẫn sáng suốt thì chúng đệ tử nên tập luyện và thực hành như thế nào ạ. Xin Thầy khai thị cho chúng con.

Trả lời: Mô Phật! Bạn nói chính xác về cơ thể! Hồi xưa Bảo Thành đi học, thường có môn thể dục, đức dục, trí dục. Dục là giáo dục á các bạn, để mở mang trí tuệ về đạo đức và về sức khỏe. Tất cả mọi môn thể dục như đi bộ, chạy bộ, cử tạ, học võ, bơi lội, yoga…dưới mọi hình thức, ngày nay thật nhiều các môn thể dục khác biệt được chế tạo ra phù hợp, bởi y học phát triển quá nhanh, họ nhìn thấy những động tác có thể gọi tên khác nhau, dưới những hình thức tập luyện khác nhau để tăng trưởng sự bền bỉ sức mạnh của cơ bắp, dẻo dai của gân và làm cho sự tiêu hoá, nhịp thở của tim được đều đặn tốt đẹp. Cơ thể bạn phù hợp, con người bạn ưa thích môn nào, đối với Bảo Thành khuyến khích các bạn nên tập. Thể dục rất tốt, có sức khoẻ, đi bác sĩ giờ họ cũng khuyên. Và nhớ Đức Phật ngày xưa tập thể dục rất nhiều, nhưng không nói là thể dục thôi! Thật ra Phật thể dục, Ngài đi kinh hành, tức là đi bộ đó các bạn! Đi bộ là thể dục mà! Ngôn ngữ nó khác chút xíu nhưng chúng ta chẳng bao giờ nghĩ rằng Đức Phật thể dục thường xuyên! Ngài ăn xong, Ngài ngồi chút xíu, Ngài hỏi các Phật tử, đệ tử Ngài có gì thắc mắc, Ngài diễn giải xong, Ngài đi tìm gốc cây Ngài ngồi thiền rồi Ngài đi kinh hành, là thể dục! Ngồi thiền là thể dục tâm linh, còn kinh hành là thể dục thân và tâm. Ngày nay chúng ta cũng đi bộ đó các bạn! Cho nên mọi phương thức thể dục đều tốt nha các bạn!

Ngồi đón nhận năng lượng để cơ thể được chuyển động một cách tự nhiên, hài hoà cũng là một cách thể dục bằng năng lượng siêu thế, nếu giữ cái tâm đừng dính mắc, đừng tạo ra những cái ngã tướng cao siêu như thần linh gián vào, thì đón nhận mật điển, năng lượng để cơ thể chuyển động là một hình thức thể dục tâm linh phối hợp phần tâm và thân rất hài hoà mà những đấng bậc cổ đức xưa ở trong rừng sâu núi thẳm thường tu tập. Bảo Thành đã tu tập cái cách này trên 45 năm, thấy lợi lạc, có sức khoẻ, tâm lại vững. Bởi trong cái sự tu tập đón nhận năng lượng của Phật chuyển hóa vào thân – thân khoẻ, chuyển hoá vào tâm – tâm sáng và có trí tuệ. Vì sao? Vì ta hướng thân tới cái năng lượng siêu việt để khai thông các huyệt đạo, năng lượng lưu thông, máu huyết chảy đều, ta hướng tâm tới những nguồn năng lượng tốt đẹp hướng thượng hơn, năng lượng của từ bi và tỉnh giác, giúp cho tâm sáng, thư thái nhẹ nhàng, an yên.

Ngày nay bạn chọn môn thể dục nào cũng được nha bạn! Còn làm sao để tâm bạn được khoẻ, gỡ bỏ mọi dính mắc, chấp trược, có thật nhiều môn! Ví dụ như người ta có thể nghe nhạc, các bạn, đi du lịch, nghe thuyết pháp hoặc nghe thuyết trình, hoặc đọc truyện đọc sách thư giãn cái tâm. Còn đặc biệt, thiền, trong tất cả các pháp môn thiền, ngay cả đọc kinh, trì chú, đi lễ, bái sám, tụng kinh…đều là những cách tu để tâm được thư thái nhẹ nhàng và mạnh khoẻ. Riêng đối với Bảo Thành phù hợp với cách tu của Mật Thiền, thường quán chiếu Thất Bảo Huyền Môn 7 cái tâm trong hít thở thật sâu và thở từ từ, kích hoạt được các luân xa, tăng trưởng được năng lượng, gần gũi được với Chư Phật và tâm luôn luôn được tiếp ứng những cái suy nghĩ tích cực và Bảo Thành thấy lợi lạc lắm.

Thì lời khuyên riêng với sự phù hợp của Bảo Thành, nếu các bạn có căn duyên có căn duyên với pháp môn nào trong thiền định, trong tôn giáo bạn theo, bạn hãy tu tập. Và nếu bạn có duyên với Mật Thiền Song Tu, bạn tu tập, quán chiếu tâm từ bi, trí tuệ và tỉnh giác sẽ giúp cho sức mạnh và sức khoẻ của tâm bạn tăng trưởng nhiều hơn và cũng giúp cho cái sự mạnh khoẻ của thân nữa. Dĩ nhiên là bạn hãy kèm theo cho sức khoẻ của thân bằng những phương pháp thể dục thể thao. Bảo Thành thích tập võ lắm, bóng bàn cũng biết chơi, không giỏi đâu nhưng biết; những môn thể thao biết chút chút nhưng mà thích nhất vẫn là võ thuật! Đó là một môn thể dục cho sức khoẻ và giúp cho tâm của mình dõng mãnh hơn, tinh thần võ sĩ đạo. Cho nên các bạn hãy lựa chọn thể dục thể thao, môn nào phù hợp. Còn vấn đề tâm linh, tuỳ theo phương tiện. Còn nếu theo Bảo Thành, thì tập cùng với Bảo Thành đi, đồng tu với Bảo Thành đi, Mật Thiền Song Tu quán chiếu tâm từ bi trí tuệ tỉnh giác, sẽ giúp thật nhiều cho sức khỏe của tinh thần và tâm linh lẫn thể xác. Mô Phật!

Câu 8: Khi nhắc tới làm từ thiện, đa số mọi người thường nghĩ tới việc phải có thật nhiều tiền mới có thể làm từ thiện, nếu cho người khác ít quá thì kỳ. Vì vậy nên trong cuộc sống, họ chỉ sống cho bản thân mình mà ít khi nào nghĩ tới giúp đỡ người khác. Cũng có những người thường không tin vào các trung tâm từ thiện vì sợ những người đứng đầu trong đó chặn tiền và những vật phẩm được mạnh thường quân đóng góp. Là người Phật tử, con nên quán chiếu về vấn đề này như thế nào để tâm thanh tịnh và nếu như có thể, làm cách gì để giúp cho họ có cái nhìn tích cực hơn về vấn đề này không ạ?

Trả lời: Mô Phật! Người ta nghĩ sao kệ họ đi, vướng mắc vô đó làm chi! Đời mà! Phật dạy rồi, mỗi người mỗi nghiệp, mỗi duyên, và ai cũng có suy nghĩ khác nhau. Đừng bận tâm với những sự suy nghĩ, hành xử, quan niệm, học thức, kiến thức của người ta! Đừng nghĩ tới phải làm sao để cho người ta giống mình, đừng nghĩ tới phải làm sao để xoay chuyển, sửa đổi người khác.! Có sao làm vậy người ơi! Có sao nói vậy người ơi! Không cần để ý đến hàng xóm đâu! Để ý đến trong ta, bạn có khả năng như thế nào, bạn làm bằng cái tâm thành, đó là từ thiện, từ là bi, từ bi yêu thương, từ phải đi liền chữ bi, san sẻ yêu thương, từ là yêu thương các bạn ạ! Thiện là thiện lành, ta yêu thương là thiện lành rồi, chỉ cần yêu thương người ta thôi đã gọi là từ thiện rồi đó, chứ huống hồ chi có một đồng, một cắc, một xu, một chén cơm, một ly nước, tặng cho người khác, hiến dâng cho người đó một manh áo khi rách rưới, một viên thuốc khi bệnh hoạn, một lời hỏi thăm, an vấn họ khi họ cô đơn sầu muộn cũng là từ bi. Đừng để ý, người ta muốn gì kệ họ, đừng thay đổi họ, hãy tự tỏa sáng một cách chân thật với khả năng bạn có thể làm được trong từ thiện! Năng lượng từ thiện yêu thương đó sẽ dần dần lan tỏa như một mồi lửa cũng có thể đốt cháy được một khu rừng, thì một hành động rất nhỏ bé khả năng bạn có thể làm bằng tâm thiện lành, đó là từ thiện, có được vô lượng công đức. Đừng so sánh với người khác, đừng mong cầu thay đổi họ, nhưng hãy thay đổi quan niệm của mình để sống tốt với lòng từ thiện, khả năng mình cho phép! Mô Phật!

Mô Phật! Tham Vấn Phật Pháp số 22 trong tinh thần học hỏi, chia sẻ, gọn, nhẹ, phù hợp với ngôn ngữ của các bạn, mong các bạn thông cảm và chúng ta giữ vững cái tinh thần này để tâm được trong sáng, tới với nhau gần gũi hơn. Một lần nữa xin tri ân và cám ơn các bạn đã hỏi Bảo Thành trong cái buổi Tham Vấn Phật Pháp số 22 này. Nguyện chúc Chư Phật luôn gia trì và gia hộ cho gia đình thường an lạc, hạnh phúc và luôn luôn tinh tấn tu học. Mô Phật!

Sự đồng tu này nếu có tạo được chút phước nào, chúng ta hãy cùng nhau hồi hướng cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts