Search

Tham Vấn Phật Pháp 23

Bảo Giác Tường đánh máy

Câu 1: Thưa thầy, xin thầy hãy cho con lời khuyên làm sao vượt qua hoàn cảnh khi bản thân cảm thấy yếu đuối nhưng hoàn cảnh vẫn ép mình phải gánh gồng, mạnh mẽ ạ. Con cám ơn thầy ạ

Câu 2: Thưa Thầy, xin Thầy khai thị và hướng dẫn cho con cách có thể tĩnh tâm và bình thản trước những lời nói thị phi, đâm thọc của người khác đối với mình.

Câu 3: Con đi mua cá phóng sanh, con thấy những con cá khác như cá chép, cá trắm đã bị giết thịt mà trứng cá thì bị moi ra vứt bên ngoài, con mua trứng cá thả xuống sông phóng sanh có được ko thưa Thầy. Xin Thầy khai thị

Câu 4: Thưa thầy, con có người bạn quan niệm chỉ giúp người mới tạo được phước đức và có tâm từ bi thiện lành, còn việc phóng sanh thì không tạo được phước đức vì bạn ấy chỉ nhìn những điểm bất cập của phóng sanh. Như là: phóng sanh quá nhiều gây mất cân bằng hệ sinh thái của khúc sông đó (ví dụ như cá trê sẽ ăn thịt các loài cá nhỏ khác hoặc sẽ ăn hết thức ăn của các loại khác), hoặc các loài vật thả đa số được nuôi nên không phù hợp để trả về môi trường tự nhiên, ….
Ý thứ 2, bạn ấy cho rằng Phật cũng không dạy về pháp phóng sanh. Liệu bạn ấy nói có đúng không ạ? Phóng sanh có phải là pháp phương tiện do chư tổ tạo ra sau khi Phật vãng sanh k ạ?
Xin thầy giúp con khai thị để bạn có thêm phương tiện để thực hành tâm từ bi và tăng trưởng phước lành, còn chúng con thì thêm sự hiểu biết và tín tâm vào những việc mình đang làm ạ.

Câu 5: Nhà con có một hồ cá cảnh nuôi cá 7 màu, cá nhỏ như đầu đũa và sinh sản rất nhanh. Trẻ con trong xóm hay sang xin về để chơi và khi mưa lớn thì nước tràn ra làm cá cũng bị trôi ra ngoài và chết. Nay con muốn phóng sanh những con cá nhỏ này ra sông vì không muốn giam cầm chúng, muốn chúng tự sinh tự diệt thuận theo tự nhiên và khi trẻ con sang xin cá về chơi, con không muốn cho vì biết rằng lũ trẻ sẽ làm chết cá nhưng không thể không cho vì sẽ làm mất lòng và cha mẹ chúng sẽ nghĩ có mấy con cá nhỏ cũng keo không cho. Nhưng khi thả ra sông lớn thì con sợ cá nhỏ quá sẽ làm mồi cho các loài khác. Xin Thầy khai thị, con cám ơn Thầy.

Câu 6: Thưa thầy, là một câu hỏi hơi trừu tượng chút ạ. Con mong được thầy chia sẻ tuỳ theo nhân duyên, con xin thành tâm đón nhận lời thầy khai thị. Thưa thầy, tự do có phải là khi chúng ta không bị sự sợ hãi khống chế nữa?

Câu 7: Thưa Thầy xin Thầy khai thị cho con: Tại sao đi tu phải xuống tóc. Nếu không xuống tóc tu tại gia có giải thoát khỏi luân hồi sanh tử không ạ?

Câu 8: Thưa Thầy, Bé Dũng nhà con mới hơn 8 tuổi nói: Con thích được theo thầy 🙏 Nhưng con chưa hiểu rõ theo thầy học đạo là như thế nào? Chỉ thích được theo thầy thôi. Dạ nếu con cho bé đi con không biết bé có tu học được không, Vì còn nhỏ nên còn mãi chơi, thì có sao không thưa thầy? Mô phật 🙏

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và các kênh Facebook các bạn chia sẻ.

Hôm nay thứ bảy, chương trình Sống Trong Chánh Niệm, thời giờ đã tới, mời tất cả các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu. Chúng ta sẽ tụng Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo trong ngày hôm nay.

 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy miên mật tu tập, thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm tỉnh giác và quán chiếu vạn pháp đều là vô thường, khổ và vô ngã.  Chúng con cũng nguyện cho cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, tất cả những người yêu thương, thân bằng quyến thuộc đã quá vãng nhiều đời đều được siêu sanh tịnh độ và nguyện cho song thân phụ mẫu, các đấng bậc sinh thành tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

CHÚ ĐẠI BI

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát (3 lần)

Thiên thủ thiên nhãn, vô ngại Đại-bi tâm đà-la-ni.

Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da.

Nam mô a rị da bà lô yết đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa.

Nam mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da, bà lô kiết đế, thất Phật ra lăng đà bà.

Nam mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà già, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án, a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, cu lô cu lô, kiết mông độ lô độ lô, phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê di hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, hô lô hô lô, ma ra hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ na ra cẩn trì địa rị sắc ni na, ba dạ ma na, ta bà ha. Tất đà dạ, ta bà ha. Ma ha tất đà dạ, ta bà ha. Tất đà du nghệ, thất bàn ra dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì, ta bà ha. Ma ra na ra, ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da, ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ, ta bà ha. Ma bà lị thắng yết ra dạ, ta bà ha.

Nam mô hắc ra đát na, đa ra dạ da.

Nam mô a rị da, bà lô yết đế, thước bàng ra dạ, ta bà ha.

Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ ta bà ha. (3 lần)

CHÚ VÃNG SANH (3 lần)

Nam-mô a di đa bà dạ
Ða tha dà đa dạ
Ða địa dạ tha.
A di rị đô bà tỳ
A di rị đa tất đam bà tỳ
A di rị đa tì ca lan đế
A di rị đa, tì ca lan đa
Dà di nị dà dà na
Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

THẤT BẢO

Mu A Mu Sa

Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang

Ma Sa Ốp Uê

Sa Bi Mô U

Sa U Sa U Ba Thê Um

Nam Mô Sa Ka Puốt Tê Nam Mô Sa Ka Puốt Tê

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha

Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến! Hôm nay thứ bảy, trong chương trình Tham Vấn Phật Pháp số 23, chúng ta chia sẻ với nhau về những câu hỏi, thắc mắc nhẹ nhàng là làm sao ứng dụng được Phật Pháp vào trong đời sống của người Phật tử tại gia. Chẳng đi sâu vào nghiên cứu kinh điển, chẳng giải nghĩa những huyền âm Phật pháp cao siêu, chỉ giải bày những tâm trạng và cho nhau cùng nghe những điều gì đó trong cái công hạnh của Phật tử tại gia, ta mang lời Phật ứng dụng lợi lạc cho đời sống gia đình, ngõ hầu hạnh phúc bình an, ngõ hầu chúng ta hiểu được cái trách nhiệm đời sống của mình để mà chúng ta sống bình an hạnh phúc, biết tha thứ, biết bao dung, biết nhận ra lỗi lầm để thay đổi. Và giờ đây, những câu hỏi các bạn gửi về, Bảo Thành xin lắng nghe.

Câu 1: Thưa thầy, xin thầy hãy cho con lời khuyên làm sao vượt qua hoàn cảnh khi bản thân cảm thấy yếu đuối nhưng hoàn cảnh vẫn ép mình phải gánh gồng, mạnh mẽ ạ. Con cám ơn thầy ạ. Mô Phật

Trả lời: Mô Phật. Câu hỏi bạn gửi về là làm sao có thể vượt qua những nghịch cảnh khắc nghiệt nhất đang xảy ra mà mình không thể đầu hàng, không thể buông xuôi. Các bạn! Tại vì ông bà cha mẹ không kể cho chúng ta về đời sống khi các đấng ấy đương đầu với nghịch cảnh. Ai trong chúng ta cũng luôn luôn phải đương đầu với mọi nghịch cảnh khi bắt đầu bước vào đời. Mỗi một người ở một thế khác nhau trong xã hội và gia đình, và nghịch cảnh khi tới khắc nghiệt quá, cái trách nhiệm trong gia đình và xã hội, ngay cả cộng đồng và quốc gia mỗi người đang lãnh lấy, làm sao để vượt qua, để giữ vững được thân tâm trụ, khoẻ, có trí tuệ, giải quyết mọi vấn đề êm đẹp. Thể loại của các nghịch cảnh và mọi hoàn cảnh quá nhiều, không thể liệt kê và bạn không đưa ra là nghịch cảnh gì, hoàn cảnh gì. Ở trên đời này, không có gì đương nhiên bạn có đủ cái sức mạnh để đương đầu với mọi nghịch cảnh và hoàn cảnh. Chúng ta thường không bao giờ để ý và chuẩn bị cho cuộc đời đương đầu với nghịch cảnh để giải quyết chúng.

Đạo Phật, nhân quả, mọi điều ác, mọi điều bất thiện, các pháp ác, bất thiện ta đã tạo nhiều kiếp hoặc trong kiếp này, khi trổ quả thường đưa tới nghịch cảnh, tai hoạ, xui xẻo. Còn các pháp thiện, ta đã tạo trong tiền kiếp hoặc kiếp này trổ quả mang tới sự may mắn, an lạc hạnh phúc, thuận trên con đường ta đi. Xuôi buồm thuận gió là cách nói của những con người làm nhiều việc thiện hoặc là chúng ta thường mơ ước. Làm sao vượt qua hoàn cảnh và những hoàn cảnh quá khắc nghiệt đè bẹp mình xuống, khó có thể ngoi dậy nhưng vẫn phải trụ? Có thể là vì sự tồn sinh của chính mình hoặc vì còn trong trách nhiệm với con cái, người thân, ta không thể buông xuôi. Quá khắc nghiệt, quá khắc nghiệt phải không bạn! Biết bao nhiêu nghịch cảnh khắc nghiệt đó xảy ra cho chúng ta và nhiều người đã phải bỏ mạng bởi không chịu nổi.

Người con Phật không sợ, chẳng sợ, các bạn! Bởi chúng ta luôn có Phật, Chư Bồ Tát, Long Thần Hộ Pháp gia trì, đồng hành với chúng ta. Người đã quy y Tam Bảo, thọ ngũ giới, ta chọn lựa một pháp môn phương tiện phù hợp căn cơ tu dù chỉ một giây một phút cũng luôn được Chư Phật Bồ Tát, Chư Vị Thiện Thần gia trì cho chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống, nhất là khi đương đầu với nghịch cảnh. Chỉ cần bạn giữ được tâm thái an yên, bình tĩnh, thì sẽ nhận được tín hiệu gia trì của các Ngài để sách tấn, để tấn tu, để vững bước. Nói là một chuyện, nhưng không phải chỉ nói là thành. Nói là để phổ cập cho nhau những kiến thức, còn tu tập, vận công là mang kiến thức đó vận hành chuyên chú để tạo ra cái lực khi nghịch cảnh tới, ta vững!

Có câu người xưa nói “nuôi quân ba năm, sử dụng có một giờ”, ý nói rằng công phu tập luyện ba bốn năm trời để đương đầu với hoàn cảnh khi nó xuất hiện mới vững chãi được! Còn nếu bạn không tu tập, khó lắm! Tuy nhiên trong Phật giáo, ta nương vào đại hùng đại lực của ba ngôi Tam Bảo, nương vào, các bạn! Như người chết đuối, nương vào bè chuối, nương vào khúc cây, nương vào cái ghe, cái thuyền vào được, vớt lên trên bởi máy bay, thì thôi ngon lành rồi! Sức không đủ bơi khi dòng sóng bão tố của cuộc đời nhấn chìm xuống, nhưng phải sống, bởi trong vòng tay còn có con, còn có người yêu thương, còn có bao nhiêu trách nhiệm không thể chìm, chẳng thể buông xuôi, ta phải sống. Niềm tin của người con Phật nương vào đại hùng đại lực của ba ngôi Tam Bảo cần phải được củng cố một cách vững chắc. Và niềm tin ấy tạo thành một tín tâm. Trong tín tâm vào ba ngôi Tam Bảo có tín lực. Lực có trí lực. Cái trí lực đó giúp ta nhìn thấu, cái tâm lực đó giúp ta vững chãi, cái nguyện lực đó giúp ta thấu rõ ta phải đi về đâu và cái tín lực giúp cho chúng ta nhận ra Đức Phật và Bồ Tát luôn hiện diện trong cuộc đời và nâng đỡ ta. Do đó, nếu bạn chưa tu hoặc vừa tu hoặc đang tu, cái công hạnh chưa dài lâu, bạn nhất định phải tăng trưởng niềm tin của mình vào Tam Bảo, nương vào hùng lực của các Ngài để vượt qua. Điều này có thật, chân thật!

Trong ngũ lực, tín lực rất quan trọng, tức là đức tin và niềm tin, tin sâu vững chắc vào Phật Pháp Tăng, sẽ có một cái lực trợ cho ta vượt qua. Bảo Thành đã nương vào cái tín lực này trong cuộc đời lưu vong tại xứ Mỹ trong những nghịch cảnh khốc liệt vô cùng, nhìn quanh không một ai ở đó, thân bằng quyến thuộc không có, bạn bè không có, đệ tử không có, trơ trọi một mình. Mà những nghịch cảnh khốc liệt như những cơn bão tưởng rằng mình bị nhấn chìm và chết đi. Lúc ấy chỉ còn tin vào Phật, niềm tin vững chãi vào Phật, tín lực đó có và phát cái nguyện vượt qua. Nguyện lực và tín lực đó trợ lực cho mình và mình nhận ra Đức Phật luôn hiện diện cùng với mình, không bao giờ bỏ mình. Nếu bạn rơi vào hoàn cảnh như vậy, hãy tin vào Phật, Pháp và Tăng, nương vào hùng lực của các bậc giác ngộ, nhất định bạn sẽ không cô đơn. Cuộc đời của bạn, dù muôn người đã bỏ rơi, vẫn có Phật, Bồ Tát kề cận. Còn nếu như bạn hiểu thấu, chưa xảy ra hoàn cảnh và để đương đầu với những nghịch cảnh sau này nếu xảy ra, Bảo Thành khuyên bạn cũng phải bắt đầu bằng tín tâm, tin vào Phật Pháp Tăng để có tín lực dõng mãnh và đưa tín lực đó vận hành, tăng trưởng phước báu trong công hạnh tu, đặc biệt là chánh niệm hơi thở. Dù bạn tu Thiền, tu Tịnh Độ, tu Mật Tông, tu các pháp môn tụng kinh, trì chú, kinh hành, cũng cần phải dựa trên nền tảng căn bản vững chắc được Phật sách tấn và khuyến khích, đó là chánh niệm hơi thở. Chánh niệm trong mọi phương tiện, chánh niệm trong mọi pháp phương tiện.

Mật Thiền Song Tu cũng là một pháp phương tiện nếu bạn giữ được chánh niệm. Để trong mật thiền đó, bạn quán chiếu tâm từ bi của mật ngôn Mu A Mu Sa, nhất định bạn sẽ an ủi được bản thân bởi năng lượng tình thương của Phật luôn rải xuống cuộc đời của bạn. Và mật ngôn Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang, nhất định bạn sẽ nhận được ánh sáng trí tuệ thông suốt truyền trao cho bạn để bạn nhìn thấy rộng ý nghĩa sống của cuộc đời, tăng trưởng sức mạnh của trí tuệ, trí lực để vượt qua những nghịch cảnh. Nhất định bạn sẽ đón nhận được năng lượng tỉnh thức của mật ngôn Ma Sa Ốp Uê để luôn luôn là người thức tỉnh trong mọi hoàn cảnh để nhìn rõ mà giải quyết. Và cái lực này, lực của từ bi, trí tuệ và tỉnh giác là năng lượng, là đại lực đại hùng của Chư Phật. Chỉ có tín tâm trong Mật Thiền với công hạnh tu, bạn sẽ có được để khi nghịch cảnh tới trong tương lai, bạn sẽ vượt qua.

Còn nếu như bạn chưa chuẩn bị, sự tu của bạn mới bắt đầu, bạn phải củng cố niềm tin sắt son, trung kiên, bất thối vào với Phật Pháp Tăng. Hãy nhớ, Đức Phật và chư vị Bồ Tát là những bậc đại giác đại ngộ có lòng từ bi vô hạn, các Ngài luôn luôn quan tâm đến mọi loài chúng sanh, nhất là những ai đang đau khổ. Tin tưởng vào các Ngài, và hơn nữa nếu bạn thực sự tin tưởng vào Mẹ Hiền Quan Thế Âm tầm thinh cứu khổ cứu nạn chúng sanh, trong cái lúc biển khổ cuộc đời đang dập vùi bạn, hãy thường niệm Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát, nguyện xin Ngài gia trì, tin sâu vào Ngài để mọi nỗi khổ của bạn sẽ được hướng dẫn để vượt qua bởi Mẹ Quan Thế Âm luôn che chở, dìu dắt bạn vượt qua mọi nghịch cảnh khốc liệt nhất đang xảy ra với bạn. Mô Phật.

Câu 2: Thưa Thầy, xin Thầy khai thị và hướng dẫn cho con cách có thể tĩnh tâm và bình thản trước những lời nói thị phi, đâm thọc của người khác đối với mình ạ. Mô Phật.

Trả lời: Mô Phật. Đức Phật dạy các pháp đều vô thường sanh diệt, tới rồi đi. Những lời thị phi lui tới từ người thân, người quen, hoặc không thân, thị phi mà, đều là vô thường tới lui, không tồn tại. Cái miệng của người ta, người ta được quyền nói những điều tốt đẹp hay xấu. Cái miệng của người có thể phun ra châu ngọc mà cũng có thể thải ra rác rưởi hôi thối. Quyền của họ, họ sử dụng sao tuỳ họ. Nhưng cái miệng của chúng ta – người học Phật, phải giữ đúng giới theo thập thiện: không thị phi, gian dối, thô ác, thêu dệt, đâm thọc, không nên làm chủ cái miệng của người nhưng phải làm chủ được cái miệng của chính mình. Nếu bạn làm chủ được cái miệng của bạn, bạn không thêu dệt, bạn không đâm thọc, bạn không gian dối, bạn không thô ác, bạn luôn ái ngữ và nói năng đúng pháp của nhà Phật, nhất định bạn sẽ có được cái tâm lực trợ thính cho nhĩ căn để muôn điều thị phi của người khác nói lọt vào tai đều được sàng lọc bằng tình thương, và từ đó, bạn luôn vững chãi. Đây là pháp quán âm thanh nhĩ căn viên thông của Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát. Tịnh khẩu, các bạn! Không nói, nhất định không nói!

Nếu nói, phải nói bằng ái ngữ thiện lành, không thể buông tuồng, nói theo thập thiện, tức là không nói thêu dệt, không nói đâm thọc, không nói thị phi, không nói thêm bớt, không nói gian dối, không nói thô ác. Nếu bạn nói không với những điều đó, thì dù người ta có nói gì đi nữa, nhĩ căn của bạn vẫn viên thông. Cho nên lời khuyên chân thật nhất, đừng gian dối, đừng thị phi, đừng thêm bớt, đừng thêu dệt, đừng nói thô ác với mọi người, thì dù người ta có nói như vậy với ta, ta cũng sẵn sàng mỉm cười với Mu A Mu Sa, có nghĩa mỉm cười với tâm từ bi yêu thương. Bởi bên ta và đời ta, ta chính là hoá thân của Ngài Thiên Thủ Thiên Nhãn, có nhĩ căn nghe thông được mọi chướng ngại để những điều chướng tai ta đều thuận lòng, bởi ta có tình thương, đó là pháp rất hữu hiệu. Bạn tu đi, bạn sẽ trải nghiệm được những được những điều vi diệu từ pháp tu này. Mô Phật.

Câu 3: Con đi mua cá phóng sanh, con thấy những con cá khác như cá chép, cá trắm đã bị giết thịt mà trứng cá thì bị moi ra vứt bên ngoài, con mua trứng cá thả xuống sông phóng sanh có được không thưa Thầy. Xin Thầy khai thị ạ.

Trả lời: Mô Phật. Tất cả mọi tâm nguyện khởi lên từ tâm tánh thiện lành thương xót cho chúng sanh khi đang lâm vào tình cảnh phải chết, bắt hại và bị giết đều là những điều Đức Phật sách tấn. Thấy con cá đã bị giết, moi bụng ra, trứng còn đó. Dĩ nhiên những cái trứng đó nếu không đặt để vào môi trường phù hợp, chẳng thể sinh ra cá con hoặc những cái trứng đó mổ ra trong thời kỳ quá sớm, đặt xuống chỗ phù hợp cũng khó. Tuy nhiên, rất nên, nếu bạn phát tâm, dù trứng đó không nở được cá, dù trứng đó chưa đủ thời hạn sinh ra cá, thì cái mầm bồ đề, cái giống thiện của bạn và cái năng lượng vi diệu đã hồi hướng cho sự sống nếu có nơi các trứng ấy, bạn tạo được phước báu và hồi hướng được cho muôn người muôn loài. Hãy làm điều đó, chẳng cần thắc mắc trứng khi thả xuống có sinh ra gì hay không. Nếu ngay giây phút bạn chứng kiến cá bị mổ bụng moi trứng ra, khởi tâm thiện muốn mua trứng đó để phóng sanh thả xuống sông, hãy làm bằng tâm thiện, đừng đắn đo suy nghĩ, đừng lăn tăn gì hết, giữ vững cái tâm chánh niệm hơi thở, nguyện Nam Mô Đức Đại Từ Tầm Thinh Cứu Khổ Quan Thế Âm Bồ Tát phổ độ cho các chúng sanh này nếu có căn cơ hiện hữu mang thân kiếp của sự sống nơi dòng sông, và chúng ta hồi hướng Mu A Mu Sa năng lượng tình thương xuống, vậy là đủ rồi. Không thắc mắc gì, không suy diễn, không suy nghĩ, giữ cái tâm thiện đó mà hành. Mô Phật.

Câu 4: Thưa thầy, con có người bạn quan niệm chỉ giúp người mới tạo được phước đức và có tâm từ bi thiện lành, còn việc phóng sanh thì không tạo được phước đức vì bạn ấy chỉ nhìn những điểm bất cập của phóng sanh. Như là: phóng sanh quá nhiều gây mất cân bằng hệ sinh thái của khúc sông đó (ví dụ như cá trê sẽ ăn thịt các loài cá nhỏ khác hoặc sẽ ăn hết thức ăn của các loại khác), hoặc các loài vật thả đa số được nuôi nên không phù hợp để trả về môi trường tự nhiên, ….

Ý thứ 2, bạn ấy cho rằng Phật cũng không dạy về pháp phóng sanh. Liệu bạn ấy nói có đúng không ạ? Phóng sanh có phải là pháp phương tiện do Chư Tổ tạo ra sau khi Phật vãng sanh không ạ?

Xin thầy giúp con khai thị để bạn có thêm phương tiện để thực hành tâm từ bi và tăng trưởng phước lành, còn chúng con thì thêm sự hiểu biết và tín tâm vào những việc mình đang làm ạ. Mô Phật.

Trả lời: Mô Phật. Mỗi người căn cơ khác nhau, chiều sâu và chiều nông của sự suy nghĩ đưa đến sự khác nhau. Thói đời thường tranh luận và mang những suy nghĩ của mình, kiến thức của mình đặt để lên phía trước của những người khác và áp chế người ta phải tuân thủ theo. Đức Phật quán chiếu nhân duyên, thấy mỗi chúng sanh khác biệt, tạo điều kiện cho chúng sanh tu học nên thường chế tác ra nhiều phương tiện dìu dắt có cấp bậc cao thấp tùy trình độ, nhưng khi chứng đắc đều bình đẳng như nhau. Pháp phóng sanh có phải của Phật hay của Chư Tổ tát chế ra? Dù gọi là Chư Tổ tát chế ra cũng dựa trên những nền tảng của Đức Phật dạy, nhưng phù hợp với căn cơ hiện thời. Nhưng cái điều này, phóng sanh là Đức Phật dạy cho chúng ta thật rõ trong Kinh Thập Thiện hoặc trong Ngũ Giới hoặc trong Bát Chánh Đạo, chánh nghiệp đó các bạn! Nói không sát sanh đó, các bạn! Nếu chúng ta không sát sanh trong kiếp này, nhưng kiếp trước đã sát sanh, thì nhất định để chuyển hoá cái nghiệp sát – sát sanh, thì đối nghịch là phóng sanh. Lời Phật không cứng nhắc ở một phương diện hoặc một chiều hướng, nói không sát sanh là không sát sanh là đủ. Bạn đã từng sát sanh chưa? Trong thập thiện suy nghĩ rộng, tư duy đúng chánh pháp, không sát sanh và để giải những cái nghiệp đã sát sanh thời xưa, cần phải phóng sanh. Không trộm cắp để giải những nghiệp trộm cắp xưa, ta phải biết hiến tặng và cho đi, bố thí! Nó rõ một cặp như vậy. Ta nói đừng đi theo hướng đó thì ta đừng đi theo hướng đó mà muốn đi, ta phải đi hướng ngược lại. Nó rõ lắm! Đó là chánh tư duy. Phật dạy không sát sanh trong thập thiện, nghĩa là phải phóng sanh để đền bù, để sám hối, nói đúng hơn, từ ngữ cho rộng hơn là để giải những cái tội, cái vạ, những cái nghiệp lực bất thiện do ta đã sát sanh.

Tuy nhiên, ở đời đừng tranh cãi nhiều nếu ai họ suy nghĩ như vậy. Đức Phật nói, Phật không thể độ được người không có duyên. Tuy nhiên, mỗi chúng ta đều có mầm mống bồ đề nó sinh và trổ quả phù hợp đúng thời đúng lúc. Hãy hồi hướng cho nhau tất cả những tâm tưởng và năng lượng thiện lành, ngỏ hầu những chủng tử Bồ Đề nơi ai đó có cơ hội phát sinh để họ có cái tâm từ bi. Nếu chúng ta tụng Nam Mô Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn của Mẹ Hiền Quan Âm, chúng sanh đang mắc cạn phải chết, ta cứu và thả ra. Đó là phóng sanh, là tầm thinh cứu khổ đó các bạn. Cho nên, phóng sanh, bạn tin hay không tin không quan trọng, mà ít nhất chúng ta phải phóng sanh chính mình khỏi những tư tưởng kiến văn ràng buộc chấp thủ mà ta thủ đắc rằng ta suy nghĩ đúng. Hãy cho mình có cơ hội thoát ra khỏi sự ràng buộc bởi những sự thủ đắc của kiến thức, của chân lý, của suy niệm, trải nghiệm cá nhân để ta có cơ hội nhìn rộng hơn với cái nhìn của bậc thức giả, của bậc trí tuệ, của Phật, của Bồ Tát, hoà mình vào đó, đừng cô quạnh như giọt nước run rẩy ôm ấp sự sống của mình. Thả mình xuống đi, trôi về với dòng sông, nơi dòng sông ấy, chỗ nào cũng có sự hiện diện của ta, hơn là ôm ấp giọt nước rồi khô, biến mất khi mặt trời mọc lên hoặc rớt vung vãi khi một cơn gió lùa qua! Buông và xả đi sự thủ chấp của kiến thức, bản thân và đừng để cho cái ngã, ngã chấp đó quá bền vững nơi cuộc đời, ta khó có cái nhìn rộng và cao. Còn nếu ai cứ giữ điều đó, ta hồi hướng cho họ, không nên tranh luận. Mỗi người có một cái duyên và cái căn cơ khác biệt, nhận thức và tu tập khác nhau. Nhưng đồng quy tới một mức nào rồi sự giác ngộ sẽ đưa họ tới sự biết viên dung bình đẳng không khác ta. Mô Phật.

Câu 5: Nhà con có một hồ cá cảnh nuôi cá bảy màu, cá nhỏ như đầu đũa và sinh sản rất nhanh. Trẻ con trong xóm hay sang xin về để chơi và khi mưa lớn thì nước tràn ra làm cá cũng bị trôi ra ngoài và chết. Nay con muốn phóng sanh những con cá nhỏ này ra sông vì không muốn giam cầm chúng, muốn chúng tự sinh tự diệt thuận theo tự nhiên và khi trẻ con sang xin cá về chơi, con không muốn cho vì biết rằng lũ trẻ sẽ làm chết cá nhưng không thể không cho vì sẽ làm mất lòng và cha mẹ chúng sẽ nghĩ có mấy con cá nhỏ cũng keo không cho. Nhưng khi thả ra sông lớn thì con sợ cá nhỏ quá sẽ làm mồi cho các loài khác. Xin Thầy khai thị, con cảm ơn Thầy.

Trả lời: Hãy trả về thiên nhiên, ở đâu trả về đó! Nếu những loài cá đó, sự sống gắn liền với sông ngòi, ta cứ thả về đó đi, tự sinh tự diệt theo cái phúc duyên, thọ mạng của chúng. Chứ chi mà giữ trong hồ để xin phải cho rồi chúng phải chết, mưa tràn ngập trôi ra ngoài cũng chết. Nếu đã khởi tâm phóng sanh, thả đi, cứ thả! Và dĩ nhiên trong cái phóng sanh đó, ta phải nghiên cứu coi đoạn sông nào, chỗ nào phù hợp với môi trường để không phá vỡ môi trường như người bạn lúc trước nói, đúng! Ta thả đúng chỗ đúng nơi để giúp ích, cân bằng cái trạng thái và quân bình được môi trường và sự sống, đó cũng là một sự quan tâm đúng mức. Bạn trước nói thật là đúng, phóng sanh phải có kiến thức. Ở Mỹ, nơi Bảo Thành ở, nhiều người Á Đông mang cá lóc thả. Mỹ không thích bởi không phải là dạng cá sống ở đây. Cá lóc rất hung dữ, sống dai trên bờ và giết, tiêu diệt môi sinh, môi trường của những loài ở dưới nước, ngay cả cá chép nữa. Không đúng! Thả đầy hết! Nhà nước phải trả thật nhiều tiền cho những người khác bắt cá chép và cá lóc. Điều này nhắc nhở rằng chúng ta khi phóng sanh phải nghiên cứu môi trường sống của những loài ta thả ra phù hợp ở nơi đó. Ta không thể phóng sanh mang rắn thả vào nhà người khác được. Và nếu như ta phóng sanh rắn mà thả vào những môi trường không phù hợp, rắn có thể chết hoặc tiêu diệt những loài khác. Cho nên khi phóng sanh, các bạn cố gắng dùng cái kiến thức nghiên cứu môi trường phù hợp, đặt để các loài ta phóng sanh đúng chỗ để họ, để chúng có được sự chúc phúc của Chư Phật và có được thọ mạng phù hợp với căn cơ. Bạn hãy phóng sanh đi, đừng giữ, đừng đắn đo, không cần suy nghĩ gì nhiều, cứ phóng sanh đi. Mô Phật.

Câu 6: Thưa thầy, là một câu hỏi hơi trừu tượng chút ạ. Con mong được thầy chia sẻ tùy theo nhân duyên, con xin thành tâm đón nhận lời thầy khai thị. Thưa thầy, tự do có phải là khi chúng ta không bị sự sợ hãi khống chế nữa, đúng không ạ?

Trả lời: Mô Phật. Có những người sống họ không biết sợ, họ bị đứt cái thần kinh sợ rồi. Họ gan dữ lắm, họ lì dữ lắm, họ xăm mình dữ lắm, dao chém vào mình chảy máu họ không sợ, đánh đập họ họ không sợ, tra tấn họ họ không sợ. Cho nên nếu họ không còn sợ hãi là tự do, thì điều đó không đúng, không hoàn toàn đúng với tất cả mọi người. Đối với Đức Phật, tự do là không còn ràng buộc bởi những nghiệp lực bất thiện, những nghiệp lực ác. Khi không còn bị ràng buộc bởi những nghiệp lực bất thiện, những nghiệp lực ác, hoà mình vào với những năng lượng thiện để từ từ làm chủ được cái tâm, điều đó ta đi về thuận theo quy luật nhân quả để an nhiên, thì đó chính là tự do theo lời Đức Phật dạy. Và dĩ nhiên, lúc đó bạn không sợ bởi bạn không phải là gan lì, có cái gan cóc tía không sợ gì mà bạn hiểu thấu được các pháp đều vô thường, đều vô ngã. Và trong cuộc đời của bạn không còn tàng giữ những năng lượng bất thiện, bạn không còn ràng buộc bởi nghiệp lực xấu thì sự sợ hãi chẳng bao giờ xâm chiếm bạn, không cần gan cóc tía, chỉ cần trí tuệ thấu được vô thường trong chánh niệm. Khi thể nhập vào cái chánh niệm của hơi thở, thấu rõ được vô thường là bạn đã được tự do. Mô Phật.

Câu 7: Thưa Thầy xin Thầy khai thị cho con: Tại sao đi tu phải xuống tóc. Nếu không xuống tóc tu tại gia có giải thoát khỏi luân hồi sanh tử không ạ? Mô Phật.

Trả lời: Xuống cái gì mà không bỏ được chấp ngã, chấp thủ thì chẳng bao giờ giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Bạn cứ ở nhà để tóc dài tới chân đi, không sao. Bạn cứ vô chùa cạo trọc đầu đi, không sao. Đó chỉ là về thể tướng, cái tâm bạn không thể buông khỏi những cái thủ chấp, chấp hoá ra mê, mê thì trở thành vô minh. Chấp rất quan trọng, buông bỏ chấp ngã! Người xuất gia xuống tóc mang lời nguyện buông bỏ mọi chấp ngã. Đánh thức cái điều đó thôi, ta xuống tóc là ta xuống mọi chấp ngã đó. Ngoài ra còn đặt để rất nhiều những ý nghĩa khác của Chư Tổ đặt để vào đó. Còn thời xưa theo kinh Đức Phật khi giác ngộ tóc tự rụng, các bậc A-La-Hán tóc tự rụng. Ý nghĩa rằng không phải tóc rụng hết! Ngày nay thiếu gì người Mỹ tóc rụng, họ không cần phải giác ngộ, họ tắm một thời gian với xà bông, với chất hoá học, tóc rụng hết à! Đầu hói đầy! Nhưng cái đầu không có tóc hoặc xuống tóc không phải là vấn đề, mà cái vấn đề là bạn có cạo đi tất cả mọi chấp ngã, chấp tướng, chấp pháp hay không. Nếu bạn đã đối pháp – không chấp pháp, đối tướng – không chấp tướng, đối cảnh – không chấp cảnh, tâm – cảnh – pháp đều không chấp, bạn để cái gì trong cuộc đời, bạn đặt bạn vào hoàn cảnh nào đi nữa, thì bạn cũng là người đang trên đường giải thoát tự thân khỏi luân hồi sanh tử. Mô Phật.

Câu 8: Thưa Thầy, Bé Dũng nhà con mới hơn 8 tuổi nói: Con thích được theo thầy 🙏 Nhưng con chưa hiểu rõ theo thầy học đạo là như thế nào? Chỉ thích được theo thầy thôi. Dạ nếu con cho bé đi con không biết bé có tu học được không, Vì còn nhỏ nên còn mãi chơi, thì có sao không thưa thầy? Mô phật 🙏

Trả lời: Mô Phật. Thuở xưa con của Phật A-hầu-la 7 tuổi, được Phật giao cho thầy Xá-lợi-phất hướng dẫn con đường tu. Dĩ nhiên lúc ấy, mẹ của Ngài La-hầu-la không biết tu là gì. Một người mẹ, một người cha có con đi tu, lớn tuổi hay nhỏ tuổi cũng thường gặp chướng ngại; bởi tình cha, tình mẹ không muốn con đi vào những con đường mình không thấu không hiểu. Nhưng ngày nay đã rõ lắm! Có các học viện có, các chùa, có các thầy! Ta đi tới đó đi, tới các nơi mà có các chú tiểu học, các bé nhỏ tuổi, ta ngồi đó một ngày. Cũng có những nơi cho phép ta ở đó một tuần để quan sát, để tìm hiểu, ta sẽ yên tâm hơn; và nếu như các bậc phụ huynh có con còn nhỏ tuổi, vì một cái duyên nào đó con muốn theo quý thầy tu học, đừng sợ vì bé đó chưa hiểu. Ở bên Mỹ, con cái muốn học điều gì, cha mẹ cho học thử. Nếu phát hiện đó là năng khiếu, là cái điều con muốn, đầu tư cho thật giỏi! Còn nếu một thời gian con bỏ cũng không sao.

Con cái còn nhỏ nếu phát tâm theo một thầy nào đó bởi có cái nhân duyên từ kiếp nào hoặc kiếp này mến mộ một vị thầy, một vị sư cô và muốn theo vị thầy đó tu học, ta thử đi thử lại nhiều lần coi bé có còn giữ cái tâm nguyện đó không, có còn giữ cái sự vui sướng gần gũi với con đường tu với vị đó hay không, hay chỉ là tức thời. Nếu qua một tháng, hai tháng, một năm hai năm, ta thử mà cháu vẫn còn cái mơ ước đó, là cha mẹ phụ huynh, ta hãy cho cháu đi thử một thời gian. Nếu là bé trai, tới các nơi của quý thầy, quý thầy sẽ cho học kinh học hỏi. Và dĩ nhiên trong các chùa ngày nay, các bé vẫn được tới trường để học kiến thức ở đời song hành với kiến thức của nhà Phật một cách rất nhẹ nhàng, hài hoà để bồi đắp kiến thức phù hợp sau này nếu có căn duyên xuất gia. Lời khuyên, nếu cháu mong muốn đi vào, hãy cho cháu thử! Đừng sợ thử một tuần cháu về rồi mình buồn. Không sao! Hãy cho thử đi, gửi gắm cháu một tháng. Một tháng cháu vẫn tiếp tục được thì cho ở thêm vài tháng nữa, và sau vài tháng, một năm, kéo dài hơn, cứ như vậy. Cứ suy nghĩ hoài, sợ, chẳng bao giờ làm được gì! Nếu cháu đã muốn, bạn nghiên cứu đi, tình thương của người mẹ và người cha cao quý nhất dành riêng cho con là chỗ tạo điều kiện cho con cái có kiến thức phù hợp như chúng mong muốn để làm lợi lạc cho đời sống bình an của chúng. Hy vọng bạn suy nghĩ kỹ, đừng chần chờ. Mô Phật.

Mô Phật. Cám ơn các bạn thật nhiều trong cái buổi Tham Vấn Phật Pháp số 23. Những câu hỏi rất đơn sơ mộc mạc giản dị với tâm tình của các bạn đồng tu. Nguyện Chư Phật, Ba Ngôi  Tam Bảo đổ tràn đầy hồng phúc xuống cho tất cả mọi người chúng ta, để chúng ta được khoẻ, được vui, được an và tinh tấn tu học. Chúc các bạn an lành. Mô Phật.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts