Search

Tham Vấn Phật Pháp 20

Bảo Giác Tường đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và kênh Facebook “Chua Xa Loi”.

Giờ Tham Vấn Phật Pháp thứ 20 đã tới, Bảo Thành kính mời các bạn cùng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin Chư Phật Mười Phương ban rải năng lượng tình thương xuống cho tất cả chúng con, để chúng con hôm nay cùng trong buổi Tham Vấn Phật Pháp 20 với tinh thần cởi mở, trẻ trung, chia sẻ những điều suy nghiệm về con đường học Phật trong thế hệ mới này. Xin Chư Phật gia trì cho chúng con.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Các bạn có thể chia sẻ những câu hỏi cùng với Bảo Thành để Bảo Thành mang tất cả những gì hiểu biết được chia sẻ với các bạn trong tinh thần hòa hợp, thương yêu nhau. Mô Phật!

Dạ Mô Phật! Bảo Nghy kính đảnh lễ Sư Phụ, kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô cùng toàn thể chư vị đồng tu.

Câu 1: Bảo Tuệ Uyên – Thưa thầy, xin thầy khai thị và mở rộng thêm cho con. Con hiểu rằng chúng ta cần bớt mong cầu và tập trung tu phước. Phước báu có đủ thì vạn sự sẽ thuận buồm xuôi gió, công việc, con cái gặp nhiều điều tốt đẹp. Ngoài sự tu học Phật pháp như thầy hướng dẫn hằng ngày. Con thấy cũng có rất nhiều các khóa học mới rất hiện đại dạy những điều cụ thể và thực tế như: làm sao để làm một người vợ/ người chồng tốt, hiểu tâm lý con cái, dinh dưỡng thuận tự nhiên, như thế nào là một công việc tốt cống hiến cho xã hội… con thấy rất thiết thực và dễ ứng dụng để cuộc sống thay đổi tích cực hơn. Đó có phải là sự tham không ạ? Nếu như có những lúc con dành ít thời giờ hơn cho việc tu học Phật pháp thì liệu có phải đó là vì tâm tham hay không?

Trả lời:  Mô Phật! Các bạn thân mến! Hôm nay Bảo Thành không ngồi trong chánh điện, Bảo Thành đã đi ra khỏi chùa vào lúc 6h sáng nhưng tranh thủ 9h30 – 10h phải trở về với Phật sự tiếp tục. Tại nơi đây, người ta cho Bảo Thành mượn cái phòng này và ngồi đây mình chia sẻ Phật Pháp. Ngày hôm nay, thế giới này, thực ra Bảo Thành chỉ cần một cái phone và một cây gậy để cắm phone vào, thế thôi, là chúng ta có thể gặp nhau. Thật thực tế với câu hỏi của bạn vừa hỏi! Đức Phật dạy là buông bỏ tất cả, không vướng víu một cái gì nữa, buông bỏ vật chất, đời sống liên quan đến vật chất, buông bỏ những sự níu kéo ràng buộc, vào trong rừng sâu núi thẳm tu giải thoát. Cách suy nghĩ như vậy nhiều người vẫn thấy tốt và họ đã từ bỏ tất cả để làm theo lời Đức Phật.  Mối quan tâm hàng đầu của Đức Phật đối với dân chúng thời đó cũng như mãi mãi, làm sao để bớt khổ, và làm sao để tăng trưởng những kiến thức về loài người, và kiến thức Phật Pháp từ Đức Phật dạy để kiến thức của con người đó đúng với chánh pháp, sống bằng các pháp thiện để tăng trưởng phước báu có được cho đời sống của con người và cũng thành tựu được những điều cần thiết để cái tâm bớt khổ, bớt phiền não, có hạnh phúc trong suốt cuộc đời ta đang sống ở trần gian.

Tất cả các phước báu có được đều do các pháp thiện! Thực hiện các pháp thiện như Đức Phật dạy như hành thập thiện, nói đúng hơn chúng ta chỉ cần giữ năm giới, và những việc tốt ta thực hiện thì đã có đầy đủ phước báu, hạnh phúc, bình an, ngõ hầu phục vụ cho đời sống rất người của mình theo đúng thiện pháp, không tạo khổ. Đó là chúng ta không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống và sử dụng các chất say. Thực hiện các pháp thiện, các pháp lành thì phước vô cùng, cái gì cũng đều sẽ tới với chúng ta. Bởi lúc đó tinh thần ta sẽ an lạc, sẽ hạnh phúc. Khi tinh thần an lạc, hạnh phúc, não bộ của chúng ta hoạt động tối ưu để thu lượm những kiến thức rất người phục vụ lại cho đời sống của gia đình, như đời sống để thương yêu vợ chồng, chăm sóc cho con cái. Rất thiết thực như học cái gì, làm cái gì để con có lòng hiếu đạo với cha mẹ, và cách đối nhân xử thế như thế nào để cho cộng đồng sống chung luôn luôn được bình an và cách đối xử như thế nào đối với vợ chồng con cái, thân bằng quyến thuộc. Rồi Ngài còn dạy cho chúng ta cách xài tiền như thế nào để phù hợp. Ngài dạy cho chúng ta những kiến thức căn bản để phục vụ cho đời sống, kiến thức về khoa học, kiến thức về y học, xã hội học…tất cả mọi thể loại kiến thức Ngài đều muốn chúng ta học, học bằng cái tâm thiện, nghiên cứu bằng chánh pháp, và không quên tăng trưởng đời sống tâm linh. Nếu chưa nói đến quả vị Phật thì Ngài là một Thái Tử kỳ tài có trí tuệ thông thạo tất cả các nền văn hoá, kiến thức thời đó.

Cho nên Phật tử tại gia của chúng ta, nếu học hỏi các khoá như dinh dưỡng cho trẻ thơ, cách sống làm sao để có đạo hiếu với cha mẹ, những phương thức cụ thể mà ngày nay, người ta mang từ lời Phật diễn dải bằng ngôn ngữ, thực hành phù hợp, dễ học, phù hợp với xã hội, phù hợp với văn hoá hiện thời, phù hợp với phong cách của giới trẻ và phù hợp với nền kinh tế hiện đại. Những điều đó không nằm ngoài giáo lý của Phật giáo nhưng được chuyển hoá phù hợp và diễn giải phù hợp với thể loại ngôn ngữ mới theo sự phát triển thế giới. Nếu chúng ta học hỏi đúng với với tinh thần của chánh kiến, đúng với tinh thần của chánh pháp, lấy tâm thiện, tác ý thiện để hành thì là điều tốt. Do vậy các bạn học những môn đó không phải là khởi lên bởi cái lòng tham, tìm cầu học hỏi phù hợp với chánh pháp của Phật để phục vụ cho đời sống của mình trên con đường thực hiện pháp thiện lành, mang lại cho gia đình, cho con cái vợ chồng hoặc cho cha mẹ. Cũng là tham nhưng mà tham cầu, phát nguyện tham cầu học Phật, tăng trưởng kiến thức ở đời phù hợp đúng với chánh pháp theo chánh kiến! Điều này cần được sách tấn! Không phải là chúng ta tham lam, cũng tham mà là tham cầu học hỏi, đúng với tinh thần của Phật, giữ được chánh kiến, chánh pháp, thực hiện chánh tư duy để phục vụ cho đời sống của mình. Điều này sách tấn và chúng ta nên học hỏi thường xuyên hơn. Mô Phật!

Câu 2: Huỳnh Tấn Trường – Thầy ơi bản ngã con lớn quá thì con sẽ bắt đầu từ đâu để sửa sai ạ? Mô Phật!

Trả lời: Các bạn thân mến! Ai trong chúng ta cũng có bản ngã hết. Tùy theo lứa tuổi của mỗi người, hoàn cảnh của mỗi người, môi trường sống của mỗi người, cá tính riêng của mỗi người mà bản ngã của chúng ta khơi hình hài khác biệt. Cách để cho bản ngã có thể mềm xuống, có thể từ từ giảm xuống để ta có thể làm chủ được bản ngã đó, để bản ngã của chúng ta được chuyển hoá từ từ, đó là tình thương!

Đức Phật dạy quán tâm từ bi. Trong Mật Thiền Song Tu, quán tâm từ bi có nghĩa là Mu A Mu Sa. Mật ngôn Mu A Mu Sa là quán tâm từ bi. Chính cái năng lượng từ bi vốn có nơi tự thân, nơi Phật tánh của chúng ta và vốn năng lượng từ bi siêu thế của Chư Phật Bồ Tát luôn luôn rải xuống cho chúng ta như nước từ trời, chúng ta như những mầm cây, biết hứng nước mưa sẽ đầy nước, có sự sống! Mỗi một chúng ta, nếu biết đón nhận năng lượng từ bi của Phật thì nhất định bản ngã của chúng ta như những tảng đá, nước chảy đá mòn, năng lượng tình thương của Phật ban rải xuống và chúng ta thiền quán chiếu tâm của mình, từ bi quán, phát triển tâm từ bi yêu thương mọi loài, đối xử với nhau bình đẳng, mang tình thương đứng đầu tất cả mọi hành động, mọi suy nghĩ, mọi mối tương tác. Cứ từ từ như vậy, nước tình thương đó sẽ bào mòn những tảng đá bản ngã của mình.

Đừng vội vàng! Tảng đá lớn, nước chảy lâu hơn rồi cũng sẽ mòn! Mỗi người chúng ta có một bản ngã khác biệt, đôi khi cứng đầu lắm, đôi khi bướng dữ lắm! Bảo Thành cũng rất cứng đầu, rất bướng. Tuy nhiên, nhớ lời Tổ dạy qua giáo lý của Phật, hãy mang ứng dụng trên những đối tượng ta tương tác trong cuộc sống, và mang tình thương đó đặt lên đằng trước mọi sự việc, bản ngã của chúng ta sẽ dần dần lùi lại phía sau để cho tình thương đứng ở đằng trước như một chiến sĩ tiên phong, nhưng tới để hoà giải, dung hòa tất cả bằng tình thương.

Tóm gọn lại, để có thể chuyển hoá được bản ngã của mình, Bảo Thành nghĩ rằng, nếu có duyên, bạn nên thiền quán chiếu từ bi, tức là từ bi quán theo phẩm hạnh của Mẹ Hiền Quan Thế Âm, từ bi quán đó bạn có thể đọc trong Phẩm Phổ Môn và bạn có thể thực hiện qua Mật Thiền là mật ngôn Mu A Mu Sa. Mu A Mu Sa là năng lượng tình thương của Phật ban rải xuống và thúc đẩy tâm từ bi của chúng ta, để năng lượng tình thương của chúng ta được khơi dậy và lan tỏa tới muôn người mà ta đang có cơ hội tiếp cận và tương tác trong cuộc sống thời nay. Mô Phật!

Câu 3: Bảo Tường – Dạ thưa Sư Phụ, dựa vào dấu chỉ nào để chúng con biết được đó là tà pháp hay chánh pháp. Có những sự việc xảy ra rất vi tế và khó phân định chánh tà nên đôi khi khiến chúng con rất bối rối và loay hoay không biết đó là tà hay chánh. Chúng con xin thầy khai thị. Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Đức Phật dạy giữa chánh và tà tuy khó, nhưng có thể phân định được. Đôi khi chúng ta mông lung đi vào cả rừng ngôn ngữ, để rồi khó phân định chánh tà, hoặc là chánh tà ngày nay lẫn lộn, tà pháp mang hình hài của chánh pháp, chúng ta sẽ lầm đường lạc lối. Không phải riêng các bạn đâu! Thời xưa ngài A-Nan đã lo lắng về những điều như vậy nên đã hỏi Phật: Thầy ơi, nếu một mai Thầy đã nhập niết bàn rồi, giáo pháp còn lưu truyền là chánh pháp của Ngài hay tà pháp của những người khác tạo ra để làm mê muội mọi người. Thì lúc ấy Đức Phật dạy rằng không cần biết, dù là quỷ vương, dù là cư sĩ, dù ai cũng được, nếu nói về Tam Pháp Ấn, có nghĩa là diễn thuyết để hiểu thấu được tinh thần của vô thường, khổ, vô ngã – đó gọi là Tam Pháp Ấn, mà trong Mật Thiền chúng ta tu, trong mật ngôn Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang. Không nói về vô thường, khổ, và vô ngã, tà pháp là dạy cho chúng ta tâm sân, tâm tham. Còn chánh pháp là dạy cho chúng ta hiểu thấu được vô thường, khổ, vô ngã, tăng trưởng cái tâm từ bi và có trí tuệ sáng, có tình thương và đón nhận được hạnh phúc an lạc. Nói cho rõ hơn thì đơn giản thôi, chánh pháp là bạn học một điều mà đem lại an lạc hạnh phúc bền lâu, thấu được sự vô thường, khổ, vô ngã. Còn bạn học cái gì mà không thấu được vô thường, khổ, vô ngã, mà cái tâm sân, tâm si, vô minh nhiều, chẳng có sự trải nghiệm của hạnh phúc an vui, thì hình như có chướng ngại, là tà pháp.

Hãy dựa trên những điều như vậy trước. Đối với Phật tử tại gia chúng ta tu tập, chúng ta sẽ thẳng tiến trên con đường tiếp cận gần với Phật hơn. Mô Phật!

Câu 4: Tuệ Uyên – Thưa thầy, con vô tình có may mắn được làm một người mẹ và con thấy điều này rất tuyệt vời và tràn đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, khi được người thân hỏi đến việc sinh thêm bé thứ hai con có chút đắn đo vì thật sự con đã có nhiều suy nghĩ nghiêm túc hơn lần đầu. Con nghĩ con cái là phước duyên nhưng chính cha mẹ là người góp phần rất lớn và chủ động để đưa một em bé đến thế giới này. Con tự hỏi có thật sự là mình có quyền quyết định việc đó hay không? Nếu chỉ nghĩ đến những lý do như có thêm con cái cho vui, để có người lo cho mình về già, để anh chị em có người thân, v.v…. con thấy đó vẫn chỉ là những mong muốn vì lợi ích của cá nhân mình hay vì lợi ích của người khác trong khi cuộc đời hoàn toàn là của đứa bé. Khi thọ kiếp người cũng khổ ạ. Con nên quán chiếu vấn đề này như thế nào để không bị bám chấp xin thầy khai thị cho con ạ. Mô Phật!

Trả lời:  Mô Phật! Loài người của chúng ta, trong tình yêu giữa người với người tạo cái nhân duyên để một thần thức nhập thai. Và con người có trí tuệ để chủ động mang thai. Từ xưa đến giờ, nếu học Phật thì luôn chủ động! Nếu như tình yêu của mình tạo một nhịp cầu cho thần thức nhập thai là con cái của ta thì cần phải chuẩn bị đúng với chánh pháp rất tốt! Cái lục dục, sự mong cầu riêng để rồi đưa một người vào cuộc đời nếu ta không trao tặng những điều kiện phù hợp nhất để tăng trưởng và có một đời sống bình an hạnh phúc, thì chúng ta quả thật đã làm nhịp cầu cho oan gia trái chủ nhập thế làm người, phá hại cuộc đời của chúng ta, gây tang tóc cho mình và xã hội.

Chúng ta chẳng phải làm chủ để cái thần thức kia tới.  Chúng ta đâu có quyền làm chủ bởi tất cả đều là nhân duyên! Bởi thế mà trong thế giới này có biết bao nhiêu những cặp vợ chồng mong cầu vô cùng, nhưng không bao giờ có được con. Câu hỏi được đặt ra, vậy thì đâu thể gọi là làm chủ một sinh mạng, chỉ cần thực hiện những việc rất người là có được đứa con đâu! Không! Không phải vậy! Nhân duyên! Do đó, sự chủ động của chúng ta là chủ động tu theo chánh pháp, tạo điều kiện với một môi trường thiện phước báu, khi phù hợp với nhân duyên của loài người tương tác trong tình yêu, thần thức nhập thai là thần thức có được phương tiện tốt, đúng với pháp thiện mà cha mẹ đã chuẩn bị để khi nhập thai làm người trong môi trường ấy, thần thức đó trở thành một con người được nuôi dưỡng, tăng trưởng đời sống kiếp người, đời sống tâm linh thuận buồm xuôi gió, không có trở ngại để tiếp tục mượn kiếp người này, mang thân người này để tiến hoá lên những cảnh giới cao hơn, thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Cho nên bạn rất cần sự tư duy thật sâu. Bảo Thành chia sẻ thật ngắn, nhưng tin chắc nếu bạn suy nghĩ, bạn sẽ hiểu thấu và rõ hơn. Cám ơn câu hỏi của bạn.

Câu 5: Dạ thưa Sư Phụ, tại sao chúng sanh lại có rất nhiều nỗi sợ hãi, từ những nỗi sợ hãi hiện hữu rõ ràng trong đời sống hàng ngày đến những nỗi sợ rất mông lung và mơ hồ . Khi rơi vào trạng thái lo sợ, không tìm ra lối thoát thì chúng sanh rất hoang mang và gần như cạn kiệt năng lượng để có thể vui sống và tìm sự an lạc trong tâm hồn. Vậy thưa sư phụ, cái gốc của nỗi sợ hãi từ đâu mà ra và làm cách nào để chúng sanh có thể chuyển hoá sự lo sợ, để kiến phiền não thành bồ đề. Xin thầy khai thị cho chúng con. Mô Phật!

Trả lời: Sợ hãi tạo ra đau khổ, phiền não. Trong kinh của Đức Phật thường dạy, Sợ hãi tới từ hai chỗ, tới từ muốn mà không được và những điều cầu mà không được. Các bạn nghĩ đi, bạn cầu mà không được, bạn bắt đầu sợ. Những điều không như ý, bạn giận, bạn sợ. Sự sợ hãi tới từ căn nguyên cội nguồn của cầu mà không được và những điều không như ý mình. Để chuyển hoá sự sợ hãi do nghiệp của nhiều kiếp hoặc trong kiếp này, của những tháng ngày qua ta đã tạo ra bởi sự mong cầu quá mà không được, ta muốn mà không được như ý, thì chúng ta phải ngừng những điều mong cầu như ý của mình. Hai điều cầu mà không được đến từ cái bản ngã tham, tâm tham nó liền ngay với tâm sân và từ đó lửa sợ hãi nung nấu ở trong lòng làm cho ta sợ.

Bù vào đó là chúng ta hãy luôn luôn hướng tới cái trí tuệ để nhìn thấu được cái khả năng mình làm được cái gì, có được cái gì và an hưởng được điều gì phù hợp trong tầm tay, kiến thức, điều kiện mình có, để đừng mong cầu quá sức, không có được, ta sẽ sợ – thứ nhất. Thứ hai là sự tự tôn, muốn thiên hạ, mọi người phải phục tùng, làm theo ý mình; để rồi không như ý ta buồn. Cha mẹ không như ý ta cũng buồn, con cái không như ý ta cũng buồn, ra xã hội đụng chạm những người không như ý ta cũng buồn… Những cái buồn đó tạo ra sự sợ hãi, sợ rằng không đạt được ý muốn, không ai như ý. Nỗi sợ đó chuyển thành những năng lượng tiêu cực ngầm cuồn cuộn trong tâm, gây ra hoang mang sợ hãi, tạo ra bệnh tật của thân tâm và làm cho lý trí của chúng ta tiêu mất, không còn sức mạnh, niềm tin vào bản thân và thường sống ở trong sự sầu muộn, sợ hãi.

Hãy tăng trưởng trí tuệ và tình thương, làm việc phù hợp với khả năng, kiến thức và với hạnh khiêm tốn, khiêm tốn, khiêm tốn! Đừng mang cái bản ngã của mình đặt để đằng trước, để nó đứng đằng sau sự đón nhận và yêu thương, tha thứ và bao dung. Và điều đó có thể thực hiện được qua phẩm hạnh quán tâm từ bi, quán tâm trí tuệ và quán tâm tỉnh giác để chúng ta thấu rõ được bản ngã của mình từng phút từng giây để ta ngăn ngừa, tác động vào để phát triển lòng từ ân, sự bao dung, tha thứ và có thắp sáng được trí tuệ, nhìn rõ những gì ta đang làm để chuyển hoá mọi sợ hãi.

Trong sự sợ hãi này, Mật Thiền cũng có câu mật chú để quán chiếu sự sợ hãi này nhưng nó thuộc về năm thứ 6. Tuy nhiên Bảo Thành cũng nói về câu mật chú đó. Câu mật chú đó là quán chiếu sự sợ hãi và chuyển hoá chúng: “​Nam Mô Sa Ka Puốt Tế Nam Mô Sa Ka Puốt Tê”. Câu kinh này có nghĩa là quán tâm sợ hãi và chuyển hoá chúng tận gốc rễ. Mô Phật!

Câu 6: Thưa Thầy cho con hỏi những người buôn bán lời gấp nhiều lần so với giá trị thực của sản phẩm có phải là tạo nghiệp không ạ? Con xin Thầy khai thị ạ! Con cảm ơn Thầy

Trả lời: Mô Phật! Trong chánh nghiệp, làm những nghề nghiệp phù hợp như không sát sanh,  không buôn bán rượu, các chất độc, thì chúng ta đều có quyền làm để sự buôn bán phục vụ nuôi dưỡng bản thân và những người khác. Con người rất cần vật chất. Trong sự buôn bán, nếu như mua một, bán lời 100, người đó đã đi vào triền dốc trượt dài bởi cái tâm tham, rất nguy hại! Đức Phật dạy, bất cứ một sự trao đổi gì trong dân gian, cần dựa trên sự công bằng phù hợp thì chúng ta có quyền. Ở nước ngoài, người ta thường ấn định những giá trị của hàng hoá buôn bán vật chất phù hợp với mức theo ấn định của xã hội, luật của xã hội để giữ được sự cân bằng và cho phép mọi người có quyền. Những ai tăng giá quá mức sẽ được sự kiểm định. Chúng ta chẳng chờ xã hội truy quét theo luật để trừng phạt ta đâu, lương tâm cũng sẽ lên án bởi đó là điều tham, là ác pháp. Do vậy, khi buôn bán, cái lời là được phép, bởi vì buôn mà không có lời thì lỗ, buôn mà không có lời chẳng thể bảo vệ đời sống. Buôn bán lời phù hợp với mức định giá mà mọi người chấp nhận được, xã hội chấp nhận được, ở nơi xứ sở mà ta đang sống chấp nhận được, nên làm như vậy. Chuyển hóa tâm tham mà vẫn tồn tại cuộc sống này. Mô Phật!

Câu 7: Kính thưa thầy! Mỗi tối nghe pháp, con ưa thiền tọa và khi được nhận sự gia trì xong thì tâm con lại khởi 7 câu mật chú dù con không nghĩ tới. Rồi người con bị ù tai, con không hiểu, xin thầy khai thị con có bị sai trong pháp thiền không?

Trả lời: Mô Phật! Hiện tại bây giờ đôi khi các bạn cũng không nghe được tiếng của Bảo Thành bởi vì mạng yếu. Mỗi khi thần kinh mệt mỏi, đôi khi chúng ta cũng không nghe được tiếng của nhau. Đối với Mật Thiền Song Tu có bảy câu mật chú quán chiếu về tâm. Chúng ta đang tu tập năm thứ 3 trong mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, có nghĩa là quán tâm tỉnh giác. Câu hỏi này cho phép Bảo Thành giới thiệu qua 7 mật ngôn, 7 pháp quán tâm, dù chưa thực tập quán chiếu hết, nhưng vào mỗi thứ 7, chúng ta trì tụng 7 mật ngôn này. Chúng ta lấy thời gian đồng tu để luyện tâm, chứ không thể học thuộc bình thường mà thành công được. Cho nên bạn nghe giảng mà 7 mật âm này vang vọng trong tâm để nhắc nhở bạn, thì bạn phải nhớ và hiểu thấu được ý nghĩa của 7 mật ngôn. Mật ngôn thứ 1 Mu A Mu Sa: có nghĩa là quán tâm từ bi. Cần phải hiểu được để đưa vào tiềm thức hoặc các bạn trì niệm, các bạn nhớ đến tâm từ bi. Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang: là quán trí tuệ, hiểu được vô thường, khổ, vô ngã. Khi niệm chú, ta phải hiểu được là phải quán chiếu vạn pháp vô thường sanh diệt, khổ, vô ngã mới có thể khai mở trí tuệ đúng pháp của nhà Phật. Mật ngôn số 3 là quán tâm tỉnh giác Ma Sa Ốp Uê, ta phải nhớ được đây là mật ngôn quán sự tỉnh giác, đừng u mê. Mật ngôn thứ 4 là quán Phật tánh Sa Bi Mô U.  Mật ngôn thứ 5 là quán tâm phiền não Sa U Sa U Ba Thê Um: mọi sự phiền não tới với ta, quán chiếu để hiểu được tận gốc của cội nguồn của các pháp ác ta đã tạo gây ra phiền não. Mật ngôn số 6 quán chiếu sự sợ hãi Nam Mô Sa Ka Puốt Tế Nam Mô Sa Ka Puốt Tê: để chuyển hoá mọi sự sợ hãi do các ác nghiệp, giúp cho chúng ta chuyển hoá sự sợ hãi đó. Mật ngôn số 7 là Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha: có nghĩa là quán lòng bao dung và tha thứ.

Nếu bạn hiểu rõ được từng mật chú này có ý nghĩa như vậy, bạn suy nghĩ, bạn quán chiếu, bạn thực hành, bạn sẽ là một con người giải thoát tự thân của mình khỏi sự ràng buộc của đau khổ, bạn sẽ có được một đời sống an lạc và hạnh phúc, trầm tĩnh như nhiên, an yên và tự tại. Mô Phật!

Những hiện tượng xảy ra cho châu thân, không có gì đáng lo ngại. Hãy giữ tâm thanh tịnh để cho những luồng khí đó tự vận hành tự nhiên. Đó là điều phù hợp.

Cám ơn các bạn đã nghe. Và vì hoàn cảnh mạng không được tốt, các bạn lần sau có thể tham vấn nhiều hơn với tinh thần cởi mở hơn ở một môi trường tốt đẹp.

Xin chúng ta hồi hướng.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts