Search

Tham Vấn Phật Pháp 19

Bảo Giác Tường đánh máy

Câu 1: Thưa thầy, trong cuộc sống hàng ngày cả về công việc, con luôn mong chờ vào những ngày nghỉ lễ hoặc những buổi đi chơi, và xem nó như là cột mốc để giảm áp lực công việc và là những cột mốc để giảm bớt thời gian nhàm chán. Ví dụ như nếu có cuộc hẹn đi chơi ở tháng sau thì tháng này con rất hào hứng làm việc. Và sau khi đi về thì con lại cảm thấy lơ lửng, ko tập trung được. Cảm giác đó làm con như lơ lửng, kéo dài một thời gian và ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều. Chuyện đó cứ lập đi lập lại từ hồi con còn rất nhỏ cho tới giờ, con nến quán chiếu như thế nào và tu tập như thế nào để dừng lại và chuyển hoá được. Xin Thầy chỉ dạy thêm cho con 🙏

Câu 2: Truyền Băng nhờ Bảo Nghy hỏi giúp Thầy, mỗi khi mình toạ thiền gần đây hay bị đau hông phải, vậy phải làm thế nào mới hết, chỉ tầm hơn tuần đây thôi, thường khi mình ngồi hai tiếng vẫn bình thường 

Câu 3: Mô phật! Con Nhuận Tường đảnh lễ sư phụ. Thưa sư phụ cho con xin hỏi làm cách nào cho con học bài nhanh thuộc ạ.

Câu 4: Dạ thưa thầy! Cho con hỏi ạ 🙏 Dạ con đã phát nguyện tu học nhưng có quá nhiều thứ làm con không tập trung vào được. Điều này là do con chưa đủ phước lành hay do con thực hành chưa tốt ạ 🙏.Mô phật

Câu 5: Thưa Thầy có bạn hỏi con ngồi thiền lâu năm có đi mây về gió được không? Con không biết trả lời sao cho bạn hiểu nên xin Thầy khai thị cho bạn con ạ!

Câu 6: Càng lớn càng thấy rõ về sự chết của những người xung quanh, biết rằng cha mẹ rồi cũng sẽ ra đi theo luật vô thường. Mặc dù dần thích nghi với những nhân duyên tới lui trong cuộc sống nhưng đối với sự mất mát của một người là điểm tựa trong cuộc đời, con vẫn cảm thấy mình cô đơn, trống trải và buồn đau rất nhiều. Con phải thực tập thế nào để thay đổi tâm của con tích cực hơn? Xin Thầy khai thị!

Câu 7: Thưa thầy. Xin thầy khai thị giúp con. Khi quán chiếu việc gì đó mà hiểu được đó là vô thường và mình chỉ biết như văy là đủ rồi, không đặt nặng đến nó thì nó không tạo khổ cho mình đúng không ạ?

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và kênh Facebook “Chua Xa Loi”.

Hôm nay thứ 7, trong đời sống trong chánh niệm đồng tu với nhau. Giờ tu đã tới, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Xin Chư Phật thắp sáng đuốc tuệ cho chúng con để chánh niệm hơi thở, chúng con có thể thể nhập vào tâm tỉnh giác, quán chiếu thấy rõ được vạn pháp vô thường sanh diệt, khổ và vô ngã. Đặc biệt hôm nay chúng con nguyện xin Chư Phật gia trì cho thế giới được hoà bình, chiến tranh chấm dứt, chúng con cũng đồng nguyện cho các chư vị hương linh, liệt sĩ đã ra đi vì sự tự do của tổ quốc của thế giới cũng như các chư vị hương linh vì sự tự do mà đã bỏ mạng trên biển cả và đất liền. Chúng con cũng thành tâm cầu an cho Phật tử Tâm Sỹ và quý Phật tử đang lâm bệnh để thân tâm thường lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt và tinh tấn trên con đường tu học. Giờ đây, Bảo Thành kính mời các bạn cùng với Bảo Thành trì niệm Hồng Danh Chư Phật, Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn.

CHÚ ĐẠI BI

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát (3 lần)

Thiên thủ thiên nhãn, vô ngại Đại-bi tâm đà-la-ni.

Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da.

Nam mô a rị da bà lô yết đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa.

Nam mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da, bà lô yết đế, thất Phật ra lăng đà bà.

Nam mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà già, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án, a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, cu lô cu lô, yết mông độ lô độ lô, phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê di hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, hô lô hô lô, ma ra hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ na ra cẩn trì địa rị sắc ni na, ba dạ ma na, ta bà ha. Tất đà dạ, ta bà ha. Ma ha tất đà dạ, ta bà ha. Tất đà du nghệ, thất bàn ra dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì, ta bà ha. Ma ra na ra, ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da, ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ, ta bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta bà ha.

Nam mô hắc ra đát na, đa ra dạ da.

Nam mô a rị da, bà lô yết đế, thước bàng ra dạ, ta bà ha.

Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ ta bà ha. (3 lần)

CHÚ VÃNG SANH (3 lần)

Nam-mô a di đa bà dạ

Ða tha dà đa dạ

Ða địa dạ tha.

A di rị đô bà tỳ

A di rị đa tất đam bà tỳ

A di rị đa tì ca lan đế

A di rị đa, tì ca lan đa

Dà di nị dà dà na

Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

THẤT BẢO

Mu A Mu Sa

Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang

Ma Sa Ốp Uê

Sa Bi Mô U

Sa U Sa U Ba Thê Um

Nam Mô Sa Ka Puốt Tê Nam Mô Sa Ka Puốt Tê

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha

Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến! Hôm nay thứ 7 cuối của tháng 4, trong chương trình sống trong chánh niệm Tham Vấn Phật Pháp 19, Bảo Thành sẽ lắng nghe các bạn chia sẻ những câu hỏi đơn giản xung quanh sự đồng tu của chúng ta. Và giờ đây, Bảo Thành xin được lắng nghe. Mời các bạn! Mô Phật!

Dạ Mô Phật! Bảo Nghy kính đảnh lễ Sư Phụ, Quý Thầy, Quý Sư Cô, kính chào chư vị đồng tu. Thưa thầy, con có câu hỏi đầu tiên của Bảo Minh.

Câu 1: Thưa thầy, trong cuộc sống hàng ngày cả về công việc, con luôn mong chờ vào những ngày nghỉ lễ hoặc những buổi đi chơi, và xem nó như là cột mốc để giảm áp lực công việc và là những cột mốc để giảm bớt thời gian nhàm chán. Ví dụ như nếu có cuộc hẹn đi chơi ở tháng sau thì tháng này con rất hào hứng làm việc. Và sau khi đi về thì con lại cảm thấy lơ lửng, ko tập trung được. Cảm giác đó làm con như lơ lửng, kéo dài một thời gian và ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều. Chuyện đó cứ lập đi lập lại từ hồi con còn rất nhỏ cho tới giờ, con nến quán chiếu như thế nào và tu tập như thế nào để dừng lại và chuyển hoá được. Xin Thầy chỉ dạy thêm cho con. Mô Phật!

Trả lời:  Mô Phật! Không phải đang nhiên Đức Phật dạy cho chúng ta tu tập để cái tâm của mình được làm chủ, và cũng không phải đang nhiên Đức Phật mượn hơi thở chánh niệm để giúp cho chúng ta thực tập làm chủ cái tâm. Ngài là Bậc giác ngộ, Ngài nhìn rõ mỗi người chúng ta và tất cả mọi loài chúng sanh luôn luôn bị cái nghiệp lực nhiều đời hấp dẫn, lôi kéo, khó có thể kiềm. Đây là một sự thật hiển nhiên! Hiểu được để chúng ta chuyển hoá, không bị ràng buộc bởi những nghiệp lực hoặc những thói quen dẫn đi, xa rời cái thực tại để sống vất vưởng như bóng ma chập chờn. Đối với bạn và đối với mọi người, không hẳn chỉ có riêng bạn đâu! Chúng ta thường vọng về cái điều của tương lai. Đặc biệt như bạn nói, là những sự hứa hẹn vào những ngày nghỉ để được đi chơi, gặp những người bạn yêu thương của mình, những người bạn đồng nhóm, những người bạn gọi là tâm đầu ý hợp để quên đi những giờ phút làm việc mệt nhọc hoặc những giây phút căng thẳng bởi những va chạm của đời thường. Đây là điều phù hợp, rất phù hợp! Mỗi người chúng ta phải tự tạo cho mình những cuộc chơi, dạo nhẹ, thư giãn, phục hồi tinh thần, sức khoẻ để tiếp tục đời sống của chúng ta. Bạn và nhiều người luôn luôn bị những cái buổi nghỉ đi chơi đó nó hấp dẫn bởi sự chờ đợi của ngày nghỉ, của cuộc vui. Chúng ta có sức mạnh làm việc tận lực. Và rồi khi cuộc chơi tới, ta đã đi, đã chơi, đã tận hưởng. Khi trở về, sức nó cạn, tinh thần vướng víu vào những cuộc vui đó, chẳng còn chú tâm vào công việc. Bình thường mà! Con người là vậy, ham vui mà quên cả hiện tại! Vì vui mà ra sức thi công làm việc, đó là tâm lý rất bình thường của con người. Mà nếu như chúng ta cứ để cái sự bình thường của con người nó vận hành như thế, thì cái sự bình thường nó dần dần sẽ làm cho ta mất sự tự chủ của tâm. Do đó, tâm cần phải được tự chủ, tâm cần phải được làm chủ để chúng ta từ cái đời sống bình thường của loài người có thể tiến lên một đời sống phi thường, có được hạnh phúc bình an, làm chủ được vận mệnh của cuộc đời. Đừng để đời sống bình thường lôi kéo chìm xuống thành dị thường, bất thường rồi để cho cái vòng xoay vô thường làm cho ta mất hút, cuốn tiêu vào trong luân hồi sanh tử.

Làm sao để chúng ta có thể tự chủ được, vui vẫn vui, làm việc vẫn làm việc? Vui với kiếp người, làm việc với kiếp người nhưng vẫn từng bước thong dong và nhẹ nhàng, chẳng dính mắc, bước lên trên cái thềm của đời sống cao thượng phi thường? Đức Phật dạy để có thể làm được điều đó, mỗi người chúng ta phải thật sự công phu. Công phu là gì? Là phải ra công, ra sức thực tập với chiều dài của thời gian để bẻ bánh lái của sự bình thường của con người vào cái vòng xoay của năng lượng thiện lành hơn để có thể thoát ra và làm chủ. Phương pháp đó chính là chánh niệm hơi thở.

Bạn hướng đến một cuộc vui trong những ngày nghỉ, rồi cuộc vui đó sẽ kéo bạn rời xa cái hiện tại để trở về cuộc sống. Thì Đức Phật dạy cho chúng ta chánh niệm hơi thở, hướng tâm tới! Hướng cái tâm mình tới chẳng phải là một cuộc chơi, nhưng mà hướng tâm tới năng lượng của tình thương Mu A Mu Sa, tới ánh sáng trí tuệ để nhìn rõ cuộc chơi trong cuộc đời Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang và bước vào đời sống tỉnh giác của Ma Sa Ốp Uê! Năng lượng từ bi trí tuệ và tỉnh giác là nguồn năng lượng siêu thế tới từ Phật, giúp cho bạn trụ lại ngay trong sự chánh niệm của hơi thở hiện tại. Và bạn không hẳn chỉ có thể vui để rời xa sức ép của cuộc sống khi vào ngày nghỉ, mà bạn có thể thoát khỏi sức ép của cuộc sống trong từng giây phút và tận hưởng niềm hạnh phúc trong từng phút giây của cuộc đời mà chẳng cần rời xa trong những ngày nghỉ. Chúng ta nghỉ ngơi trong chánh niệm, chúng ta dạo chơi trong cái tâm từ bi trí tuệ và tỉnh giác, thì bất cứ một ngày nào vận hành những sự việc trong kiếp người, hay gọi là làm việc hay không làm việc, thì chúng ta đều ở trong cái tâm thái dạo chơi trong sự tự tại và hạnh phúc.

Bảo Thành đã thực tập nhiều năm rồi. Cuộc đời của Bảo Thành rất bận rộn và gặp thật nhiều thử thách. Cũng như thuở xưa, y như các bạn, mong có ngày nghỉ để có thể chạy trốn với những điều gì chúng ta đang đương đầu. Nhưng vẫn luôn luôn nhớ lời Thầy Tổ dạy qua sự tu tập của Mật Thiền, và dần dần Bảo Thành đã tăng trưởng được cái năng lượng tự chủ cho cái tâm để mỗi một ngày sống của Bảo Thành đều là một ngày nghỉ, đều tận hưởng. Những công việc không còn gọi là sức ép, mà gọi là sự hoạt động để san sẻ tình yêu thương. Dưới cái góc độ nhìn của tâm từ bi trí tuệ và tỉnh giác, nhất cử nhất động, mọi sự việc, mọi hành vi lời nói và suy nghĩ của chúng ta trong từng giây, không phải trong từng ngày từng tháng, mà trong từng giây đều tận hưởng được nguồn an vui và hạnh phúc. Từ đó mà những cảm xúc, sức ép của cuộc đời, công việc trong cuộc sống chẳng còn là gánh nặng nhưng lại nhân tố để tiếp cận với hiện tại của chánh niệm. Bảo Thành khuyên bạn tiếp tục học và tu tập chánh niệm hơi thở từ bi, trí tuệ và tỉnh giác quán. Khi nào bạn tăng trưởng được cái năng lượng này thật nhiều, thể nhập vào trong cuộc sống, thì mỗi giây phút của bạn là một ngày nghỉ để bạn tận hưởng, dù vẫn loay hoay làm việc những công sự hằng ngày ta phải đương đầu. Nhưng sự loay hoay đó chẳng phải là gánh nặng, chẳng phải là sự ép buộc mà là sự sắp xếp, chuyển xoay để san sẻ năng lượng yêu thương tới cho mọi người.

Câu trả lời, hãy thực tập chánh niệm hơi thở từ bi trí tuệ và tỉnh giác quán mỗi một ngày ít nhất là 5 phút, còn công phu hơn thì đồng tu với Bảo Thành để chúng ta cùng nhau, cùng nhau vượt qua những khúc cạn của cuộc đời để có thể xuôi về dòng trôi của chánh niệm hơi thở, thoát khỏi những phiền ưu và làm chủ được cái tâm, tự chủ được cuộc sống. Cảm ơn bạn đã hỏi. Mô Phật!

Câu 2: Truyền Băng nhờ Bảo Nghy hỏi giúp Thầy, mỗi khi mình tọa thiền gần đây hay bị đau hông phải, vậy phải làm thế nào mới hết, chỉ tầm hơn tuần đây thôi, thường khi mình ngồi hai tiếng vẫn bình thường. Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Bảo Thành có một người bạn thuở xưa còn học sinh chung trường rất khoẻ. Trong lớp, người bạn này là một người khỏe, có sức mạnh. Thời gian gần đây bị bệnh, tâm hồn hoảng hốt, tâm thần bất định, hơi hơi đau, hơi hơi cảm, hơi hơi mà thấy cơ thể nó khác, nó hoang mang và sợ hãi. Dần dần đi sâu vào cái bệnh tâm lý, cứ chút chút gì đó thay đổi là sợ.

Bạn thân mến! Đức Phật dạy trong tứ thánh đế: sinh, lão, bệnh, tử. Sanh ra trong cuộc đời làm người biết bao nhiêu những thứ bệnh ta phải trải qua, đó là sự bình thường của kiếp người. Già, yếu, bệnh rồi chết, đây là chân lý không ai có thể chạy trốn được. Cơ thể của chúng ta là sự vận hành của tứ đại – có nghĩa là bốn thể chất hợp nên thân người. Đôi khi có người còn gọi là ngũ đại: đất, nước, gió, lửa (tứ đại), nhiều người còn có thêm không đại nữa. Đó chỉ là định luật đặt ra, nhưng ý nghĩa rằng thân này là thân vật chất kết hợp do duyên bởi các nguyên tố hình thành; khi xáo trộn và khi sử dụng tới một thời gian nào đó, hoặc khi sử dụng quá sức, thì cái bệnh, cái đau và cái già nó sẽ xảy ra là chuyện rất thường. Đừng để cho nhức đầu, cho bị cảm (gọi là trúng gió), đau bụng, mờ mắt, đau xương hông, xương cốt rụng rời, chân tay mỏi mệt, hoảng loạn sợ hãi, không biết chút gì. Đơn giản đó là già, đó là bệnh, đó là sự yếu đi! Phật đã dạy! Chẳng trốn được! Bởi chính đức Phật cũng phải từng trải qua những cơn đau đớn như nhức đầu, mỏi gối, đau bụng, mệt mỏi.

Khác biệt là những triệu chứng như thế Phật không buồn không khổ, bởi Phật hiểu được thân xác này, đời sống này và tất cả các pháp đều vô thường sanh diệt trong từng sát na, tới và đi, khoẻ và yếu luôn luôn là hai mặt. Khoẻ và đau yếu đó các bạn, khoẻ và đau bệnh là hai mặt! Quán chiếu tâm vô thường, quán chiếu vạn pháp vô thường, quán chiếu thân này là vô thường, các pháp hiện hữu là vô thường sanh diệt từng giây phút, bạn sẽ hiểu được đó là chuyện tự nhiên để tâm không bị hoang mang khi các hiện tượng đau đớn của cơ thể nó xảy ra, bởi ta biết rằng đó là hiện tượng bình thường của sinh – lão – bệnh – tử. Tuy nhiên, thân người khó có thể có được và thân người là phương tiện vi diệu. Hiểu được sự vô thường đó để chúng ta không bám víu, cũng hiểu được sự vô thường sanh diệt xoay chuyển đó để chúng ta có chút thời gian chăm sóc cho nó khi còn có duyên mang cái thân này tới cuộc sống. Bạn nói bạn ngồi hai tiếng, có thể bạn ngồi không thẳng lưng, có thể bạn ngồi bạn cố giữ cho cái thân cứng như pho tượng Phật, máu huyết lưu thông không đồng đều, xương hông của bạn nó bị xơ cứng và đau – đó là bình thường. Ngồi lâu bị đau lưng, đau hông.

Trong Mật Thiền Song Tu, chúng ta không cố tình trở thành một nhà tạo tướng, tạo hình, tạo dáng để tạc cái tượng của thân này cứng ngắt cho thành dáng vẻ của Phật. Mà Mật Thiền là chúng ta tu thể nhập vào năng lượng của Phật và để cho thân của chúng ta chuyển động tự nhiên để sự vận hành của khí huyết, máu huyết lưu thông, các huyệt mạch khai mở, trợ lực cho cái thân không bị mệt mỏi, bệnh tật, già nua làm phiền não. Và từ đó, sẽ giúp cho bạn chống được cũng như chuyển hoá được những cái đau thường tới khi cố gượng ép, giữ mình cho cứng như một pho tượng Phật. Đồng thời trong Mật Thiền Song Tu, hơi thở đi sâu xuống dưới bụng dưới, đan điền khí hải, phình bụng và hóp bụng, thở sâu và thở dài, trì mật chú, các bạn sẽ đón được mật điển chuyển vào thân, khí huyết được lưu thông, các luân xa và đại huyệt được khai mở. Sự dung chấn của cơ thể vận hành bởi mật điển qua hơi thở trầm sâu xuống đan điền khí hải tác động vào các luân xa sẽ hỗ trợ cho thân của bạn bớt đau, bớt mệt và sự điều hoà khí huyết vận hành đúng sẽ làm cho bạn an nhiên và tự tại.

Cái đau của cơ thể nếu không nằm ngoài cái bệnh của sự suy giảm từ nội tạng bên trong tạo ra thì chúng ta chỉ cần giữ sự hít thở sâu và đều tác động vào các huyệt mạch của cơ thể học tự nhiên, chúng ta sẽ khoẻ và hết đau. Ngoại trừ bạn bị bệnh ở bên trong cần phải khám bác sĩ để được điều trị cho đúng, còn nếu như vì cố gượng ép cái người ngồi hai tiếng cho cứng như một pho tượng, máu huyết không lưu thông, đau ở xương hông là chuyện thường. Hãy trở về với hơi thở thật sâu, thật dài, đưa xuống đan điền khí hải, bình bụng và hóp bụng khi thở ra, chậm rãi trì mật chú trong Mật Thiền Song Tu, bạn sẽ tiếp được mật điển hỗ trợ cho bạn. Chủ động thực tập như vậy, những cơn đau bởi bế tắc các huyệt mạch, máu huyết không lưu thông, hoặc xương cốt giữ ở một tư thế quá lâu sẽ hết ngay. Sách tấn bạn thực tập như vậy để chuyển hoá cái đau của xương hông. Những sự đau đớn như vậy là bình thường, không có gì đáng lo ngại. Hãy tinh tấn tu tập. Mô Phật!

Câu 3: Mô phật! Con Nhuận Tường đảnh lễ sư phụ. Thưa sư phụ cho con xin hỏi làm cách nào cho con học bài nhanh thuộc ạ.

Trả lời: Mô Phật! Dù các bạn là lớn tuổi hay nhỏ tuổi, thật nhiều thời gian chúng ta mơ ước là đọc cái gì thì nhớ cái đó, học cái gì thì thuộc cái đó. Và chính vì sự mong muốn đó, nó là sức ép làm căng thẳng não bộ của chúng ta. Và như vậy càng khó nhớ. Cuộc sống mỗi người mỗi khác, có một số bạn sinh ra có phước báu như ông A-Nan, nhìn qua, đọc qua là nhớ, nghe qua là thuộc. Nhưng những người tối căn như Bảo Thành và một số các bạn, đọc nghe nhìn mà không hiểu, không thấy, không thuộc, khó lắm! Rồi ta muốn thuộc, muốn hiểu, ta cố gắng, thần kinh càng căng càng khó. Như đất đóng thành đá, khó có thể thấm nước. Đất càng mềm, nước càng thấm vào. Ta cần thư giãn não bộ!

Chánh niệm hơi thở là một phương pháp Phật dạy giúp cho chúng ta thư giãn não bộ bởi Phật hiểu thấu được sự vận hành của não bộ nơi cơ thể này. Đừng mong muốn học thuộc quá đáng, chỉ cần chú tâm vào hơi thở chánh niệm và học những điều mình cần phải học trong sự thư giãn của chánh niệm, nhất định bạn sẽ thuộc, sẽ nhớ. Bởi cái thuộc và cái nhớ của bạn không nằm trong phạm trụ ép buộc cần phải nhớ phải thuộc, mà nằm ở trong chỗ được thư giãn não bộ, thể nhập vào tình thương của Phật, thắp sáng đuốc tuệ và tỉnh giác, thì bạn đạt tới cái chỗ gọi là khai mở được chút phần về trí tuệ; thì những sự học, sự thuộc của chúng ta sẽ thấm bởi hiểu được chân nghĩa của nó, còn hơn là thuộc lòng như con két hoặc như máy thu băng.

Bảo Thành ngày xưa cũng đần độn dữ lắm! Nói một chữ không ra, suy nghĩ hoài không tới, học hoài không thuộc, nhưng vẫn luôn luôn nghe lời Phật, dạy và tu tập chánh niệm, dần dần thấy không học mà nhớ, không đọc mà biết. Đây là sự trải nghiệm thực tế của bản thân. Đức Phật quả thật Ngài nói không có sai, chỉ cần các bạn tin tưởng vào Tam Bảo Phật – Pháp -Tăng, mang sự tin tưởng đó ghi nhớ lời Phật dạy, thực hành cho đúng, nhất định bạn học sẽ thuộc, bạn đọc sẽ nhớ, đừng ép quá đáng. Trở về với chánh niệm hơi thở, thuận hảo theo chiều thời gian ta đang vận hành, cứ tự nhiên, cứ đi, cứ học, sẽ có ngày tới đích. Chỉ cần chánh niệm, trí tuệ sẽ được khai mở. Mô Phật!

Câu 4: Dạ thưa thầy! Cho con hỏi ạ. Dạ con đã phát nguyện tu học nhưng có quá nhiều thứ làm con không tập trung vào được. Điều này là do con chưa đủ phước lành hay do con thực hành chưa tốt ạ. Mô phật!

Trả lời: Chúng ta thường hay đổ thừa cho cái nghiệp, làm việc gì đó khi thấy rằng không thành công thì nói nghiệp, “thôi cái nghiệp của tôi, hoặc nghiệp của người đó”. Hoặc làm một việc gì không được, không như ý, thì cũng đổ thừa không đủ phước báu, không có phước. Suy nghĩ sơ sơ thôi thì bạn đang là người có tất cả các cái căn lành lặn: tai, mắt, mũi, miệng, thân, ý lành lặn; khoẻ, có sức khoẻ, có đời sống bình thường, có vợ chồng con cái, có cha mẹ ông bà, sống trong một quốc độ hoặc một xã hội tương đối bình ổn. Thì đó là đại phước duyên rồi! Bây giờ bạn nói bạn không có phước, thiếu phước, điều đó hình như bạn quá khắt khe với cuộc sống của các bạn. Ai trong chúng ta cũng có phước, và Phật nói là bình đẳng, không hơn không kém. Khác biệt là chúng ta có thể ứng dụng, diệu dụng cái phước báu của chúng ta để tăng trưởng những điều ta phát nguyện hay không. Khi bạn phát nguyện tu học, bạn quá bận rộn, bạn khó tu; thì bạn cần phải ứng dụng một cách diệu dụng hơn cái chất xám, sự suy nghĩ của kiếp người này, để hoạch định, để sắp xếp, để có một cái lập trình thời gian, có một khuôn làm việc đúng, bạn sẽ làm được! Chẳng qua là bạn để muôn sự bề bộn, như cái kiểu Tấm Cám hồi xưa bị bà mẹ trộn lẫn lộn thứ này thứ kia trước ngày đi hội, cho nên nhặt hoài nhặt hoài mà không thoát. Các bạn đã có ngày đi dự hội, các bạn đã có ngày đi nghỉ ngơi, thì bạn phải sắp xếp công việc. Cái người mà trộn hỗn tạp những thứ lung tung đó chính là người không biết sắp xếp thời gian. Bạn đã phát nguyện tu rồi, bạn phải nhất định sắp xếp cái khung thời gian làm việc. Chỉ cần bạn sắp xếp cho thật rõ, và phát tâm thực hành đúng cái khuôn khổ bạn đã sắp đặt, dần dần bạn sẽ thoát ra khỏi sự ràng buộc của muôn sự lung tung rắc rối trong đời lôi kéo làm cho bạn không thể thực hành được những điều bạn phát nguyện.

Cái đó gọi là trí tuệ, bạn cần phải ứng dụng. Ai cũng có được điều đó, bạn chưa quen thôi. Hãy gần gũi với những người biết sắp xếp thời gian, hoặc là gần gũi với bạn hiền hoặc những bậc thiện tri thức, hoặc cố gắng đồng tu, lắng nghe chút xíu, mang vào sự thực hành, bạn sẽ làm được những chuyện bạn phát nguyện và những sự rắc rối bận rộn trong đời vẫn luôn luôn xảy ra, nhưng bạn làm chủ được những sự việc đó để tâm nguyện của bạn vẫn đi theo chiều hướng tăng trưởng đúng và phù hợp. Mô Phật!

Câu 5: Thưa Thầy có bạn hỏi con ngồi thiền lâu năm có đi mây về gió được không? Con không biết trả lời sao cho bạn hiểu nên xin Thầy khai thị cho bạn con ạ! Mô Phật!

Trả lời:  Mô Phật! Nếu như bạn muốn đi mây về gió thì bạn chỉ bỏ ít tiền thôi, mua một vé máy bay, ngồi trên máy bay, ta có thể lên chín tầng mây, cao ngất trên đỉnh trời. Nhìn thấy mây còn hơn Tề Thiên Đại Thánh nữa! Nếu bạn muốn đi mây về gió, bỏ chút ít tiền đi du lịch hoặc là đi phượt lên những đỉnh núi cao. Ở Việt Nam có đỉnh núi Fansipan, hoặc những đỉnh núi cao đó, là bạn đi mây về gió rồi. Cái chuyện mà ngồi thiền đi mây về gió đó là ép chúng ta đi vào trong cái tưởng thức của sự tưởng tượng. Đi mây về gió để cuối cùng cũng rớt xuống mồ sâu huyệt lạnh mà thôi! Vậy thì ngồi thiền để đi mây về gió để cuối cùng cuộc đời chôn vùi dưới lòng đất có lợi ích gì đâu!

Giáo lý của đức Phật và trong Mật Thiền Song Tu của chúng ta chẳng phải ngồi thiền để xuất hồn bay bay, lơ lơ lửng lửng cõi trời chẳng thể nhập vào thân xác, hóa thành khùng điên. Người ta gọi là ngớ ngẩn, người ta gọi là bơ bơ, hoặc người ta gọi là khùng khùng, khìn khìn đó các bạn! Thế giới ngày nay, bạn nào có chú tâm đến vấn đề thiền với mục đích đi mây về gió, xuất hồn từ cõi này cõi kia, xuống cảnh giới địa ngục rồi về kể chuyện cho nhau nghe, thì những bạn đó đang tự hủy diệt cuộc đời và làm uổng phí thời gian của kiếp người.

Đối với thiền, đức Phật dạy là để nhìn rõ được những nguyên nhân tạo ra khổ đau trong đời người và từ đó ta tác động vào, chuyển hoá để đau khổ không là những sự dằn vặt trong cuộc đời, mà hạnh phúc là nguồn nhiên liệu vô giá để cho chúng ta sống. Thiền là phá mê tới bờ giác. Còn đi mây về gió là còn mây. Bỏ mây bỏ gió, bỏ tất cả, nhìn thẳng vào những gì đang tạo khổ cho bạn, hiểu được nguyên nhân ấy để rồi chúng ta rời xa các pháp ác, thực hiện các pháp thiện làm đòn bẩy và điểm tựa để sống hạnh phúc hơn. Đó chính là thiền mà đức Phật dạy! Quán chiếu vạn pháp vô thường, thân này là vô thường, cảm thọ là vô thường, tâm ta là vô thường, các hiện tượng là vô thường sanh diệt lui tới. Nếu đi mây về gió cũng chỉ là vô thường trong hư ảo, đừng bám víu vào đó như cứu cánh để học thiền. Nếu bạn lấy đi mây về gió trong sự ngồi thiền để thành tựu được, bạn đang đi vào thế giới huyền thoại của những chuyện thiền mà người ta chế tác ra như những dòng văn chương để thư giãn vui vui. Còn nếu thực tế đi vào cái lời Phật dạy, thiền không phải là đi mây về gió, mà thiền là thoát ra khỏi cái mây gió của khổ đau do ác nghiệp tạo ra.

Và phương pháp duy nhất là chúng ta hãy dùng chánh niệm nhìn thẳng vào trong ta vẫn còn năng lượng của tình thương, vẫn còn ánh sáng của trí tuệ, vẫn còn sự tỉnh thức của tâm Phật để tiếp cận với niềm hạnh phúc, an vui, bằng những pháp thiện mà ta có thể thực hành được, hầu chuyển hoá tất cả mọi khổ đau đang có, đang hiện hữu trong cuộc đời của mình. Bạn ơi! Bạn hãy ngừng thiền để đi mây về gió bởi quan niệm đó không đúng và sẽ tạo khổ cho bạn hoặc sẽ làm cho bạn bị tẩu hỏa nhập ma, sống trong huyễn giã, sống trong ảo tưởng, sống xa thực tế. Cảm ơn bạn đã hỏi. Mô Phật!

Câu 6: Càng lớn càng thấy rõ về sự chết của những người xung quanh, biết rằng cha mẹ rồi cũng sẽ ra đi theo luật vô thường. Mặc dù dần thích nghi với những nhân duyên tới lui trong cuộc sống nhưng đối với sự mất mát của một người là điểm tựa trong cuộc đời, con vẫn cảm thấy mình cô đơn, trống trải và buồn đau rất nhiều. Con phải thực tập thế nào để thay đổi tâm của con tích cực hơn? Xin Thầy khai thị! Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Câu hỏi này đúng ra cũng là một bài pháp dài nửa tiếng. Vô thường của sự chết ai cũng dần dần cảm nhận được sâu sắc. Sự ra đi hay là sự chết của những người ta yêu thương sẽ làm cho cuộc đời của chúng ta hụt hẫng, đau khổ và luôn luôn chới với, chẳng còn điểm tựa, nhất là những người ra đi của chúng ta là cha mẹ. Đức Phật dạy,: đời sống vô thường, thân xác này nằm trong quy luật của sinh – lão – bệnh – tử (là chết). Sanh ra bị bệnh, già và chết, hiển nhiên! Nhưng vẫn còn một thứ bất sanh bất diệt đó chính là những cái điều thiện bạn đã làm tạo ra năng lượng thiện pháp, tạm gọi là thần thức. Ở một cái góc độ nào đó, nhìn theo cái nhìn của vật lý, khi cha mẹ của chúng ta mất đi, như Bảo Thành đây (cha đã mất, tháng 8 này là vừa tròn 5 năm, còn mẹ thì tháng 9 này là tròn 30 năm) cũng trải qua biết bao nhiêu năm hụt hẫng, đau khổ, chới với bởi không còn điểm tựa là cha mẹ nữa. Ai chúng ta cũng phải trải qua những nỗi niềm đau đớn ấy để trưởng thành. Đừng chạy trốn cái cảm xúc đó, lắng nghe cảm xúc đó, tiếp cận với cảm xúc của sự mất mát đó, ta sẽ có cơ hội hiểu thấu về cuộc đời.

Chúng ta càng lớn thì sẽ có cơ hội trải nghiệm qua sự mất mát của người thân, cũng như những người chúng ta quen biết và dần dần hiểu thấu được như vậy. Cuộc đời sinh ra là đi dần về cái chết. Cái quan niệm và khái niệm về sự chết có phải là đáng sợ hay không thì chúng ta cần phải hiểu thấu, còn nếu không thì sự chết là kinh khủng và sợ hãi. Đức Phật dạy: vạn pháp tới lui, sanh diệt vô thường, sanh sanh diệt diệt liên tục, và sự sanh diệt đó đều vận hành bởi nhân quả. Cho nên, để bất sanh bất diệt như Tâm Kinh Bát Nhã nói, chúng ta phải vượt qua, nằm ngoài sự vận hành của nhân quả. Để có thể vượt ngoài cái sự vận hành của nhân quả, không còn luẩn quẩn trong sự sanh diệt đau khổ kia, ta phải nương nhờ vào thiện pháp, trụ vào đó hành pháp thiện, làm sức bật để thoát ra khỏi sự xoay chuyển của nhân quả.

Mật Thiền Song Tu chánh niệm hơi thở đưa chúng ta có cái công năng vi diệu gắng kết với Mười Phương Chư Phật để thực hành thiện pháp, thoát ra khỏi sự xoay chuyển của luân hồi nhân quả, bạn phải làm sao? Hãy nhớ lời Đức Phật dạy. Bạn cô đơn bởi cha mẹ đã mất, nhưng bạn không bao giờ cô đơn bởi Phật luôn kề cận bạn trong chánh niệm hơi thở. Và gắn kết với Mười Phương Chư Phật, chúng ta tạo ra được biết bao nhiêu phước báu để hồi hướng, chuyển tới cha mẹ, đấng bậc sinh thành của chúng ta. Và qua sự hồi hướng đó, cha mẹ của chúng ta, chúng ta sẽ luôn luôn tiếp cận được với nhau qua sự chứng minh và hiện diện của Chư Phật Bồ Tát trong đời sống thiện lành của chánh niệm hơi thở Mật Thiền Song Tu mà ta vận hành, ta tu hằng ngày. Bạn hãy cố gắng tu theo lời Phật dạy, giữ chánh niệm, hành pháp thiện, tạo phước đức và công đức hồi hướng cho cha mẹ. Và qua sự thể nhập của tâm tỉnh giác Ma Sa Ốp Uê, bạn sẽ gần gũi với Phật và Bồ Tát và cha mẹ của bạn vẫn luôn luôn gần gũi với bạn.

Nhớ rằng cha mẹ dù có ra đi, cơ thể vật lý của chúng ta vẫn còn có dòng máu của cha của mẹ trong đó. Nhìn theo một cách nhìn nhẹ nhàng hơn, trong ta vẫn có cha mẹ luân lưu trong trái tim và nuôi dưỡng từng tế bào của ta trong từng giây phút. Tin không, bạn đi thử máu sẽ thấy trong dòng máu của bạn sẽ có máu của cha và máu của mẹ. Thân xác cha mẹ đã đi, thần thức cha mẹ vẫn hiện hữu trong cuộc đời nơi từng giọt máu luân lưu bởi trái tim nuôi dưỡng từng tế bào trong từng giây phút bạn đang sống. Bạn không mất cha, bạn không mất mẹ, hãy chánh niệm hơi thở để từng hơi thở của bạn, bạn cảm nhận được từng giọt máu đang chuyển động trong thân này là cha mẹ để bạn cảm ứng được với Phật trong từng giây phút chánh niệm của cuộc đời. Mô Phật!

Câu 7: Thưa thầy. Xin thầy khai thị giúp con. Khi quán chiếu việc gì đó mà hiểu được đó là vô thường và mình chỉ biết như vậy là đủ rồi, không đặt nặng đến nó thì nó không tạo khổ cho mình đúng không ạ?

Trả lời: Mô Phật! Hãy suy nghĩ như vầy: vô thường là bức tường ngăn cách chúng ta nhìn rõ được những điều chưa thấu. Các bạn! Vô thường là bức tường ngăn cách chúng ta, nó cản trở chúng ta không nhìn thấy rõ được những điều ta chưa thấu. Khi chúng ta thấu hiểu được vô thường thì bức tường của vô thường kia sẽ vỡ vụn ra, sẽ tan biến mất, để mình bước qua cái bức tường vô thường, khám phá sự huyền nhiệm, sự lạ lùng của tự tánh chân thật hiển lộ. Hãy thực tập quán chiếu vô thường Nam Mô Tà Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang để bức tường vô thường không cản trở chúng ta và để chúng ta trở thành những nhà trinh thám đi sâu vào miền đất chân như, để tận hưởng những kỳ quan siêu việt của phật tánh mà Phật đã chỉ cho chúng ta. Đừng để vô thường cản trở bạn. Quán chiếu, thấu được vô thường, bước qua đi, bạn sẽ khám phá được cả một khung trời cao rộng, huyền bí, bạn sẽ hiểu được những gì Phật dạy và bạn sẽ thực sự trở thành người luôn luôn hạnh phúc và an lạc. Mô Phật!

Cám ơn các bạn đã hỏi! Chúng ta hãy hồi hướng công đức. Thưa Phật, sự đồng tu của chúng con hôm nay, nếu tạo được chút phước, xin nguyện hồi hướng cho tất cả các chư vị vong linh của các chiến sĩ đã tử vong vì sự tự do của đất nước, của thế giới, hồi siêu cho tất cả các vong linh đã ra đi trên biển hoặc trên đất liền vì tìm sự tự do. Nguyện xin Chư Phật gia trì cho thế giới có được sự hoà bình, chấm dứt chiến tranh. Chúng con xin Chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts