Search

Nhẫn Nhịn Là Trí Tuệ

Bảo Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Nhẫn nhịn là tránh giận sân
Giữ tâm thanh tịnh nhẹ nhàng bao dung
Hạ mình nhường bước khiêm cung
Là đem trí tuệ khai thông lộ trình 

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô, các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Hôm nay thứ bảy, trong đời sống chánh niệm, chúng ta sẽ tụng Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn. Giờ đây đã tới giờ, chúng ta hãy quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chuẩn bị đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con cùng với đại chúng Phật tử và tất cả mọi người trên thế giới đồng hướng về quê hương Việt Nam trong giây phút này, nguyện hồi hướng cho tất cả những nạn nhân vì Covid mà ra đi, nguyện cho tất cả các chư vị hương linh ấy đều theo thiện nghiệp của mình mà tái sanh cảnh thiện lành. Nguyện xin chư Phật mười phương ban rải năng lượng tình thương đến với tất cả chư vị hương linh và nguyện cầu cho Việt Nam quê hương cùng thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch, nguyện cho muôn người sống an vui hạnh phúc, nguyện cho thế giới hòa bình, hết chiến tranh, cho âm siêu, dương tới. Chúng ta hãy cùng nhau trì Hồng danh chư Phật, Đại Bi Chú, Vãng Sanh và Thất Bảo.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)

Chú Đại Bi (01 biến):

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)

Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.

Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)

Chú Vãng Sanh (03 biến):

Nam mô A Di Đa bà dạ

Ða tha dà đa dạ

Ða điệt dạ tha

A Di rị đô bà tỳ

A Di rị đa tất đam bà tỳ

A Di rị đa tỳ ca lan đế

A Di rị đa tỳ ca lan đa

Dà di nị, dà dà na

Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê.

Sa Bi Mô U.

Sa U Sa U Ba Thê Um.

NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.

      Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Mô Phật! Các bạn ơi, hôm nay nơi chỗ Bảo Thành đang ở là ngày thứ 7 nhưng rất lạnh, không khí ở bên ngoài dưới độ âm, tức là âm dưới 1 độ đó quý vị, âm dưới 1 độ, gần 2 độ, lạnh lắm, đóng băng, cho nên Bảo Thành cũng thấy lành lạnh, xịt mũi chút xíu. Nhưng mà chúng ta tụng kinh, chúng ta chia sẻ cái thời pháp này ngày hôm nay, nhất định năng lượng sẽ có thôi. Và giờ đây Bảo Thành cảm thấy ấm lòng rồi, nhẹ lắm rồi. Chủ đề hôm nay chúng ta chia sẻ, “Nhẫn nhịn là trí tuệ”. Thứ 7 cuối tuần Đời sống chánh niệm này chúng ta, quán chiếu về cái đề mục “Nhẫn nhịn là trí tuệ”. Ở đời người ta thường hay nói “Nhịn nhiều thì nhục”, nhịn quá nó đè đầu, nó lướt lên trên cổ, rồi nó coi thường, đó là cách nói dân gian. Nhưng trong Phật pháp, nhẫn nhịn không phải là bị người ta đè đầu, đè cổ, nhẫn nhịn không phải là luồn cúi, chui ở dưới để năn nỉ, van xin. Nhưng định nghĩa nhẫn nhịn là trí tuệ, là người có đại phúc, là người có đại đức.

Trong kinh nói, có một buổi nói chuyện, có một vị khen Đức Phật, tán thán công hạnh của Phật là bậc đại đức, bậc đại phúc. Có người kia nghe qua không chấp nhận, tại sao gọi là đại phúc được, tại sao gọi là đại đức được, người đại phúc, đại đức, người như thế thì không thể mới sinh ra chỉ mới có 7 ngày mẹ chết rồi. Ở đời, nếu 1 em bé sinh ra mà mẹ mất hoặc là các em nào đó cha mẹ mất, ta thường nói “Ôi, các em thật là vô phước, cha mẹ đã mất”. Cho nên khi người kia nói rằng Đức Phật là bậc đại đức, đại phước thì có người không chấp nhận, tức giận và nói “Bậc đại đức, bậc đại phước sao? Tại sao sinh ra có 7 ngày mẹ đã mất?”. Đây là cách nói bình thường của mọi người chúng ta. Nhưng rồi vị kia trả lời rằng: “Bậc đại phúc, bậc đại phước chẳng dựa vào cái tuổi thọ, hãy nhìn Đức Phật, dù mất mẹ hồi mới sinh ra 7 ngày, nhưng ngài là 1 bậc đại trí, đại phúc và đại nhẫn, nhẫn nhục không ai có thể so bằng. Hãy nhìn đi, người ta đã tới chửi bới Đức Phật, Ngài vẫn im lặng trong Chánh Niệm. Người ta đã xua quân giết hết dòng họ Thích, Ngài vẫn im lặng trong Chánh Niệm chẳng giận hờn. Người ta đã thả voi để cầu mong giết Phật, Phật chẳng hận thù, vẫn Chánh Niệm từ bi. Các vua chúa thời đó tìm đủ mọi cách bắt hại, Ngài vẫn không bao giờ sân giận, thực tỉnh an nhiên. Người anh em bà con Đề Bà Đạt Đa suốt cả cuộc đời của ông ta bắt hại Phật, Phật vẫn không bao giờ sân hận, vẫn nhẫn vẫn nhịn, vẫn thong dong, vẫn tự tại. Hàm oan, vu khống đủ điều, thậm chí người ta tìm đủ mọi cách để giết Phật, hại Phật, chửi Phật, mắng Phật, Phật vẫn nhận, thì có phải theo ngài có phải là bậc đại đức, đại phước, đại trí tuệ”.

Các bạn ơi, đúng, trong kinh Đức Phật thường dạy, nhẫn là trí tuệ, nhẫn là nhịn được nhưng không phải là bị nhục. Nhẫn là trí tuệ, người trí tuệ mới có hạnh nhẫn, mới có sự kham nhẫn, và kham nhẫn là cái lộ trình đi tới sự giác ngộ. Lục độ Ba La Mật nói: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, nhẫn nhục là lộ trình đi tới thoát khỏi luân hồi sanh tử. Nhẫn nhục, nhẫn nhịn là trí tuệ, có cái sức mạnh thắp sáng cái trí tuệ của chúng ta để chúng ta vượt qua muôn trùng thử thách. Nhẫn nhịn là tránh giận sân, các bạn ơi, bởi vì khi ta sân ta giận, người ta gọi là giận quá, tím môi, tím mắt, hóa ra khờ dại, giận sân quá hóa ra ngu, làm việc gì cũng không có tỉnh táo. Chắc chắn các bạn đã từng chứng kiến những người quen có thể là vợ hoặc chồng, anh em huynh đệ, ui cha, khi sân giận rồi không biết phải làm gì, dữ dằn và đôi khi nguy hiểm đến với người khác. Bởi vậy nên khi người thân sân giận, ta tránh mặt, ta bỏ đi cho họ nguôi. Nay ta nhìn thấy cái câu “Nhẫn nhịn là trí tuệ”, ta hiểu nhẫn nhịn là tránh sân giận. Vậy khi mà người nào sân giận đó, ta tránh họ cũng là chứng tỏ rằng ta là người trí tuệ, bởi ta tránh sự sân giận của người ta. Và nếu như ta tránh được cái sự sân giận của chính mình nữa thì ta chính là người có trí tuệ.

Nhẫn nhịn là tránh sân giận, các bạn ơi, bởi vậy trong cuộc đời ta hãy nhớ rằng, sự nhẫn nhịn đó ta tránh giận và sân. Giận là sân, mới đầu ta chưa có sân đâu, giận chút xíu, ai nói giận quá, tức quá đâm ra sân, sân là cục mịch, đập bàn, đập ghế. Cho nên nhẫn nhịn là tránh giận sân, giữ mình bao dung. Do đó, chúng ta thấy nhẫn nhịn là bao dung, bởi ai nhẫn nhịn thì người đó có cái tấm lòng bao dung để trí tuệ hiển lộ, người đó có tướng hảo nhẹ nhàng, khoan thai, thong dong và tự tại, đẹp. Vì sao ? Bởi vì người nhẫn nhịn được là người có lòng bao dung, độ lượng, có tình thương lớn, có tâm từ bi, có hạnh bồ tát, có cái nhìn không dính mắc, không bị kẹt cho nên họ chẳng bao giờ giận rồi sân, họ nhịn, họ nhẫn. Nhẫn nhịn là trí tuệ, bởi:

Nhẫn nhịn là tránh giận sân,

Giữ tâm thanh tịnh, nhẹ nhàng, bao dung.

Hạ mình nhường bước khiêm cung,

Là đem trí tuệ khai thông lộ trình.

Các bạn thấy chưa ? Thật là nhẹ nhàng bởi trong lòng của chúng ta rộng, không có dính mắc, bao dung, rồi chúng ta hạ mình nhưng không cúi mình luồn cúi, hạ mình trong cái nhân đức khiêm cung, khiêm tốn. Trong khiêm tốn, khiêm cung đó là chúng ta biết tử tế đối xử với nhau, chúng ta biết kính trọng dù cái đối tượng kia có giận có sân, có dữ dằn cỡ nào, ta vẫn nhẫn nhịn được bởi trong ta luôn biết tha thứ, bao dung. Bạn cứ thấy thực tế thôi, nếu như bạn giận sân mà bạn lấy gương ra soi thì mặt dữ dằn lắm, xấu lắm, mặt thì nhăn, tím tái cả môi, mắt thì trợn ngược. Mà các bạn biết rồi, mỗi khi như vậy, nó dồn máu cơ tim, coi chừng bị đột quỵ, người mà thường giận sân nhiều, giảm tuổi thọ, mà còn dễ làm hao mòn cái sắc đẹp của mình nữa, sức khỏe sẽ biến tiêu nhanh lắm. Những người đó thường thả cửa để cho bệnh hoạn đi vào, thường làm cho cái sức khỏe mình bị tiêu hao, về tinh thần sống thì lúc nào cũng hốt hoảng và những người thân xung quanh mình tránh xa. Dần dần người giận sân nhiều thường bị cô đơn và các bạn biết rồi, họ sẽ chẳng có ai chơi.

Cho nên Đức Phật cả cuộc đời Ngài luôn dặn các đệ tử rằng, chữ nhẫn rất quan trọng, người nhẫn được việc nhỏ sẽ làm được việc lớn, người nhẫn được nhiều việc là người đại trí, là người có lòng bao dung, là bậc đại đức. Dù dưới con mắt của cuộc đời, người ta chê bai Đức Phật không có phước, chẳng đủ đức, sinh ra 7 ngày mẹ đã mất thì gọi gì là đại đức, gọi gì là đại phúc, nhưng thực sự cái phúc đức của chúng ta tới chính là nhờ chữ nhẫn mà mỗi người thực hiện được. Cả cuộc đời Đức Phật 80 năm trời là 80 năm nhẫn nhục trong cuộc đời, chịu biết bao nhiêu sóng gió nhưng Ngài vẫn an vui, Ngài vẫn từ bi, bao dung, tha thứ. Biết bao nhiêu người bắt hại Ngài, tìm cách giết hại Ngài, Ngài vẫn kết thân với họ, chờ cho đến khi phù hợp sẵn sàng độ cho những người ấy. Biết bao nhiêu những con người phỉ báng Phật, chỉ tay chửi Phật trước mặt mọi người, Phật vẫn an nhiên, tự tại, tha thứ, chẳng bao giờ chấp, bởi vì Ngài bao dung, Ngài có lòng từ tâm, bởi vì Ngài là bậc trí tuệ.

Cho nên nhẫn nhịn là trí tuệ, nhẫn nhịn là 1 cái điều rất quan trọng trong đời sống Phật tử tại gia, nó là cái lá chắn che chở cho hạnh phúc của gia đình. Biết bao nhiêu vợ chồng cãi vã, vợ không nhẫn nhịn được, tay chân vung vẩy, miệng tuôn ra những lời thô ác, thô tục đối xử với vợ hoặc chồng, thậm chí là đập bàn, đập ghế, đánh vợ, đánh chồng. Đối với các bậc cha mẹ đôi khi cũng giận sân quá, đè con cái ra đánh bầm tím cả người. Không biết trẻ nó có lỗi gì, dù sai đi nữa nhưng dùng roi, dùng vọt đánh vào thân xác của con thì những giận sân đó nguy hiểm. Và cũng chính vì những sự giận sân như vậy mà vợ chồng đổ vỡ, gia đình giữa cha mẹ và con cái dần dần bị ảnh hưởng do cái sự xâm hại của sự giận sân đối với nhau, rồi chúng ta lớn lên sống chung với nhau chẳng có chút hòa bình, hòa khí, trong nhà lúc nào cũng căm phẫn hận thù, căng. Trong tình bạn, trong các mối quan hệ của cuộc sống, bởi vì không biết nhẫn nhịn, chúng ta thường giận sân và đối xử với nhau sai với cái đạo lý làm người, làm con Phật. Và từ đó kết oán với nhau, tăng trưởng những cái nghiệp bất thiện, tạo thành những cái luồng năng lượng tiêu cực thường chuyển vào cái cuộc sống của chúng ta, gây ra biết bao nhiêu những tai họa, nhưng chúng ta không nhìn thấy, cứ đổ thừa rằng là người này người kia, ít ai nhìn lại chính mình. Mình là Phật tử tại gia, mình học gương của Phật. Phật dạy nhẫn, nhẫn thì có thể bước vào Niết Bàn, nhẫn là trí tuệ, nhẫn là bao dung, nhẫn là tha thứ, nhẫn là nhìn sâu, nhìn rộng, nhìn xa, nhẫn là không dính mắc, chấp trược, nhẫn là tự làm cho mình hanh thông, tăng thêm sức khỏe, tăng trưởng cái tướng mạo hài hòa, phù hợp và có thật nhiều công đức, phước đức.

Nhẫn rất đặc biệt, nhẫn là phép màu, là chìa khóa mở cửa tất cả để đi vào con đường giải thoát, nhẫn làm cho gia đình hạnh phúc, làm cho cha mẹ tăng thêm tuổi thọ, làm cho muôn người ta quan hệ lúc nào cũng vui, làm cho sự thành đạt về phước báu nhân thiên, làm cho chúng ta an nhiên và tự tại, sống hạnh phúc. Mỗi khi bạn đau khổ, bạn không tự tại, mỗi khi vợ chồng xích mích, mỗi khi gia đình lộn xộn, mỗi khi có tranh chấp trong hãng xưởng, hoặc cấp trên cấp dưới, hoặc những người mà chúng ta giao tiếp hằng ngày bị đổ vỡ chính là bởi vì không có chữ nhẫn, chúng ta đừng đổ thừa cho đối tượng kia. Ta, nếu ta nhẫn được thì vạn sự an, muôn sự lành, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Nếu chúng ta nhẫn được thì nó tuyệt vời như vậy. Nhẫn là pháp bảo, là pháp khí vi diệu, ai có pháp khí này ở trong tay người đó sẽ thắng được tất cả, và vận mệnh sẽ đổi thay theo chiều hướng tốt đẹp. Nhẫn nhịn là pháp bảo Phật trao cho chúng ta bằng chính đời sống thân giáo của Phật suốt 80 năm trời. Chúng ta thấy như vậy, nay theo Phật mà không noi gương Đức Phật học hỏi cái chữ nhẫn nhịn thì chúng ta đã mượn danh Đức Phật, chúng ta đã mượn danh đạo Phật tôn giáo mình theo thật là trống rỗng ở bên trong. Dù bạn tụng kinh thật là nhiều, dù bạn tiếp xúc được với các bậc minh sư, được truyền trao và thọ những cái pháp thật là hay, thật là cao gọi là bí truyền á, nhưng bạn không nhẫn nhịn được thì bạn chưa có chìa khóa, bạn chỉ là gánh cái thùng thật rỗng kêu to, không thật. Nhẫn nhịn là trí tuệ, là pháp bảo vô thượng đưa người ta bước vào Niết Bàn, phá vỡ những cửa ngục, mang lại sự hòa bình. Do đó:

Nhẫn nhịn là tránh giận sân,

Giữ tâm thanh tịnh, nhẹ nhàng, bao dung.

Hạ mình nhường bước khiêm cung,

Là đem trí tuệ khai thông lộ trình.

Lộ trình của chúng ta đi là phải mang cái trí tuệ để khai thông, mà trí tuệ đó chỉ có được trên cái lộ trình ta đi bằng cách nhẫn nhịn. Để nhẫn nhịn được thì ta phải tránh giận sân với mọi người, ta phải giữ tâm thanh tịnh và nhẹ nhàng, và phải có lòng bao dung tha thứ, là biết hạ mình, biết khiêm tốn, khiêm cung, biết tôn trọng, biết yêu thương. Do đó nhẫn nhịn là pháp bảo vô thượng vi diệu giúp cho Bảo Thành và các bạn có được một đời sống bình an, có được sức khỏe, có được tướng mạo nhẹ nhàng, an vui. Dù ở đời họ có đối xử với ta như thế nào đó là quyền của họ, họ đối xử thậm tệ, họ muốn giết ta, họ muốn hại ta, họ phỉ báng ta, họ chê bai ta, họ coi thường ta, họ ruồng bỏ ta nhưng ta đừng phỉ báng, chê bai, coi thường, ruồng bỏ, dèm pha chính mình. Ta nhẫn chính là tôn trọng bản thân của mình. Ta nhẫn tức là ta nâng mình lên ở một cái địa vị cao hơn, địa vị cao đó là địa vị của người có tấm lòng bao dung vô lượng. Mà người có tấm lòng bao dung vô lượng, biết tha thứ, người đó luôn hạnh phúc và bình an, và dấu hiệu đó chính là hóa thân của Phật Di Lặc, Phật hoan hỷ. Người hoan hỷ là người biết bao dung và tha thứ, người hoan hỷ là người không có dính mắc, không giận sân, người đó có hạnh nhẫn.

Ngày nay trong thời này chúng sanh cang cường, giận sân thật nhiều, một chút thôi là nổi cáu, khó chịu, sẵn sàng sát hại những người khác, tuôn ra những lời thô ác. Thời này cần cái hạnh nhẫn, tu được hạnh nhẫn là đã có phẩm hạnh của Phật Di Lặc như mùa xuân mang hạnh phúc tới cho muôn người. Nhẫn nhịn là trí tuệ, mà thể loại trí tuệ này cần phải có sự thực hành. Trong cái sự tu mà Phật luôn nhắc nhở cho chúng ta, cái quan trọng là phải Chánh Niệm. Chánh Niệm rất quan trọng, trong Chánh Niệm giúp cho chúng ta tăng trưởng lòng bao dung và có khả năng tha thứ rộng lớn. Vậy mà chúng ta đôi khi coi thường Chánh Niệm. Chánh Niệm đời sống rất quan trọng, người nào có một đời sống Chánh Niệm thì an vui. Bởi chỉ Chánh Niệm thôi,

Hít vào thở ra nhẹ nhàng,

Nhiếp thâu vạn pháp đưa vào trong tâm.

Tâm kia chữ nhẫn làm đầu,

Không sân, không giận gọi là bao dung.

Chỉ có như vậy thôi bạn ơi, nhưng bạn sẽ tăng trưởng được cái năng lượng vô thượng, siêu thế để giúp cho bạn sống và bình ổn cuộc đời. Nếu bạn thiếu may mắn, hay gặp tai họa, bạn chỉ cần Chánh Niệm hơi thở, may mắn sẽ tới, tai họa sẽ qua. Nếu trong cuộc sống gia đình lộn xộn, vợ chồng cãi cọ, không có thể tâm sự được với nhau để chia sẻ gánh vác trong cuộc đời, bạn chỉ cần Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu Từ Bi, có lòng bao dung, lấy chữ nhẫn làm đầu thì vợ và chồng sẽ trở thành tri kỷ người thân, có thể san sẻ mọi thăng trầm trong cuộc sống và che chở cho nhau để tiến tới cái mục đích có được cái gia đình hạnh phúc. Trong tất cả mọi mối quan hệ, nếu như chúng ta thấy có sự trục trặc, trắc trở thì nhớ rằng chỉ cần nhẫn mà thôi. Khi nhẫn, nhẫn bằng Chánh Niệm nha các bạn, Chánh Niệm để nhẫn, nhẫn để thực hành Chánh Niệm và Chánh Niệm để tăng trưởng cái lòng bao dung, bạn sẽ thành công.

Bạn có thể hỏi Chánh Niệm là gì. Chánh Niệm đơn giản là hít vào thở ra, nhìn quán chiếu trong tự tại, tương tác với mọi người, và nhận rõ những sự việc đang xảy ra qua cái hơi thở đó thôi. Chỉ như vậy, đây là cái bước đầu nhưng rất quan trọng. Nền tảng của Chánh Niệm là từ chỗ hít vào thở ra, quán chiếu tự thân, sống ngay trong hiện tại. Thực hành được điều đó, Phật dạy, sẽ tăng trưởng được nội lực để rồi bạn có thể luyện thành cái pháp nhẫn, pháp bảo vô thượng để từ đó trong cuộc đời của bạn, trong cuộc sống của bạn, bạn có lòng bao dung và làm cho cuộc sống của bạn thêm và tăng trưởng được nhiều phước báu công đức. Bệnh tật của bạn sẽ tiêu, những cái gọi là cái hạn của bạn nó cũng sẽ được chuyển hóa, vận mạng của bạn sẽ hanh thông, sức khỏe của bạn cũng tốt đẹp, tuổi thọ của bạn cũng tăng, và cái tướng hảo của bạn cũng sáng ra mỗi ngày. Đây ra sự thật, nếu ai tu chánh niệm hơi thở, nhất định sẽ có sự trải nghiệm vô giá như vậy.

Trong ngày thứ bảy này, chúng ta nhớ nhẫn nhịn là trí tuệ. Gương của Đức Phật 80 năm trời, được người ta tán thán Ngài là bậc đại đức, đại phước, dù sinh ra 7 ngày mẹ đã mất, nhưng cả cuộc đời chỉ với chữ nhẫn thôi, ngài chính là bậc đại trí. Nhẫn nhịn là trí tuệ. Và ngày nay chúng ta học Phật cần nhất cái trí tuệ của sự nhẫn nhịn. Mà để tăng trưởng sự nhẫn nhịn này, Chánh Niệm hơi thở là 1 cái pháp thiền quán giúp cho chúng ta có thể thành tựu được, để từ đó chúng ta hiểu thông và làm được những cái ý nghĩa như vậy.   

Nhẫn nhịn là tránh giận sân,

Giữ tâm thanh tịnh, nhẹ nhàng, bao dung.

Hạ mình nhường bước khiêm cung,

Là đem trí tuệ khai thông lộ trình.

Chúng ta đang đi trên một cái lộ trình bình an và hạnh phúc, bởi biết nhẫn và tránh những sự giận sân, xô xát trong cuộc đời, là giữ cái tâm thanh tịnh nhẹ nhàng, bao dung, khiêm cung, nhường nhịn, che chở và san sẻ. Nhẫn nhịn là chìa khóa mở cửa mọi bế tắc để làm hanh thông mọi góc độ của cuộc sống. Nhẫn nhịn là trí tuệ bởi khi nhẫn khi nhịn bạn có khả năng nhìn thấu, hiểu thông và bạn có khả năng dung hòa cuộc sống của mình và mối quan hệ với mọi người chung quanh. Hôm nay thứ bảy, Chánh Niệm đời sống, chúng ta cùng với nhau thực hiện xuyên suốt trong tuần này thực hành sự Chánh Niệm¸ quán chiếu chữ nhẫn nhịn để có được trí tuệ sống hạnh phúc, an vui. Đặc biệt trong cái thời gian dịch lại còn đang lan tràn, rất cần sự nhẫn nhịn để trí tuệ luôn sáng để nhìn thấu, còn không chúng ta sẽ bị rối tâm thần, rồi đưa đến sự tự làm hủy hoại, kiệt quệ cái sức mạnh của nội tâm, và cái kết là đời sống của chúng ta sẽ thường than, khổ và rồi không nhịn được mà sân giận.

Hãy kiên nhẫn, Chánh Niệm hơi thở để trong giai đoạn dịch này mọi người sẽ có trí tuệ nhìn thâu hết để sống bình an, sống biết san sẻ, sống biết bao dung. Đừng để đại dịch làm cho ta giận ta sân, để rồi gây ra biết bao nhiêu tạo tác làm cho mọi người lo lắng và sợ hãi. Hãy sống an vui bằng thực hiện Chánh Niệm hơi thở từng giây phút, công phu quán chiếu cái nhẫn nhịn. Nhớ nhẫn nhịn là pháp bảo vô thượng Phật trao cho chúng ta. Hãy thực hành pháp tu này, Chánh Niệm quán chiếu nhẫn nhịn là người có trí tuệ, khi như vậy chúng ta sẽ có một đời sống an vui, hạnh phúc hơn. Đây là sự chia sẻ chân thành nhất của ngày thứ bảy này, nguyện mọi người chúng ta noi gương của Đức Phật Thích Ca, tu cái hạnh nhẫn nhịn để thành người có trí tuệ. Mô Phật!

PHẦN GIAO LƯU:

Phật tử Bảo Nghy: Mô Phật, con xin chào quý Thầy, quý sư cô và toàn thể anh chị em đồng tu. Thưa Thầy, con kính tạ Thầy khai thị. Có một câu hỏi đặt ra: Thưa thầy, ngoài cái sự nhẫn nhịn tránh giận sân, thì cái sự chịu đựng những cái sân giận của người khác, những cái đàn áp của người khác lên khi mà mình thực hiện cái tính nhẫn nhịn đó, thì cái đó nó làm cho người ta bị stress, cảm thấy nó bị áp lực nhiều quá, gây ra mất ăn mất ngủ, cảm thấy lo lắng lắm mà dễ dàng bị sai phạm nhiều hơn trong những cái điều mà mình sắp làm kế tiếp. Thì thưa Thầy cái cách quán chiếu như thế nào để mà giảm được những cái sự áp lực nội tại khi mà thực hành cái tính kham nhẫn ạ ? Mô Phật, xin Thầy khai thị.

Thầy Bảo Thành: Mô Phật! Cái bạn nói nó chưa phải là kham nhẫn, nó chưa phải là nhẫn nhịn. Bởi người nhẫn nhịn là người không bao giờ giận sân, người nhẫn nhịn được là người có lòng bao dung, như câu nói nhẫn nhịn là trí tuệ, nhìn thấu thì không có giận sân. Người giận sân là người chưa có nhìn thấu, cho nên khi người ta áp bức mình, họ giận họ sân là họ không có nhìn thấu, ta cũng sân giận với họ là ta cũng không nhìn thấu như họ. Cái như vừa nghe lúc nãy là cam chịu, bị áp bức, bị đè, cho nên khi ta cam chịu, bị chửi bới ta cam chịu nên nó bị nén ở bên trong, nó bứt rứt, nó khó chịu, đó là chưa có bao dung. Như cái thùng nhỏ bỏ một chút đá vô bên trong, ta lắc nó kêu cả ngày. Cái tâm bao dung là tâm rộng lớn, chứa cả tam thiên, đại thiên thế giới vào cũng không có bị chật, gọi là tận hư không mà, Nam mô tận hư không pháp giới, lòng bao dung phải tận hư không pháp giới. Bởi vậy chúng ta mới cần thực tập.

Không sao, không sao. Khi chúng ta chưa có đủ cái hạnh nhẫn bởi sự thực tập, mới chỉ là sự cam chịu thôi thì khó lắm, lòng của ta khó chịu, ăn thì không ăn được, và rồi cái tâm của mình bị đay nghiến bởi những cái chuyện người khác đối xử với chúng ta. Có nhiều người đâm ra hoảng hốt, có nhiều người đâm ra khủng hoảng, và nhiều người bị trầm cảm, bị bệnh, chuyện đó có. Làm sao để chuyển hóa cái cam chịu thành nhẫn nhịn? Bởi khi đã nhẫn nhịn được thì có giận sân nữa đâu, chúng ta biết khiêm cung, biết bao dung tha thứ, chúng ta có trí tuệ bước trên cái lộ trình hòa giải, yêu thương và san sẻ. Lúc nãy Bảo Thành đã nói để có thể thực hiện được hạnh nhẫn này cần Chánh Niệm hơi thở. Trong Thiền Mật Song Tu, cái Chánh Niệm hơi thở đi kèm theo với lòng từ bi, khơi nguồn từ bi. Ai trong chúng ta cũng có mạch nước ngầm của Từ Bi vốn có từ vô thỉ vô chung, chỉ cần khai nguồn cho cái mạch Từ Bi đó trong Chánh Niệm hơi thở tuôn ra thì chúng ta sẽ biết yêu thương và san sẻ, để không cam chịu sự bức bách của người khác, nhưng nhẫn nhịn bởi lòng bao dung, rộng lớn, cộng thêm cái thiền Trí Tuệ.

Cho nên Chánh Niệm hơi thở, thiền Trí Tuệ và Từ Bi là một cái pháp tu viên thông. Chỉ cần cứ thực hành miên mật từng ngày từng ngày, như người thợ xây biết đặt từng cục gạch cục đá gắn liền với xi măng thành một bức tường xây lên một tòa nhà, như con ong thật là khéo bay khắp mọi nơi đáp nhẹ trên những cánh hoa hút được cái mật tinh túy và tạo thành mật, cả một công trình. Người ta đi lấy mật ong, người ta không nhìn thấy công lao khổ cực, tận tụy, hy sinh cả cuộc đời của ong để lấy tích lũy mật nuôi những con ong khác. Cho nên khi những người lấy mật ong chỉ biết tận hưởng, tàn sát sự sống của những con ong nhỏ, mà thậm chí còn tiêu hủy cả một cái tổ ong, một cái công sức của một đàn ong xây dựng lên. Chúng ta cũng vậy, cái tâm tham thì dễ giận sân, gặp gì cũng vơ vét như người đi lấy mật chẳng chừa một chút. Thì ta cam chịu mà không thực hành được chân lý của Đức Phật qua sự thực tập, ta dễ bị bùng nổ và từ đó hại đến sức khỏe, tinh thần của mình, thậm chí có thể nổi khùng, nổi điên phản kháng lại một cách không hay. Do đó thực hiện thiền Chánh Niệm hơi thở là nhìn thấy cái công sức của mọi người như ong cố gắng kết tinh cái sự tinh túy của cuộc đời để tạo ra mật. Từ đó, ta thông cảm cái người giận sân này là họ cũng như ta thôi, họ đang đi tìm 1 con đường hạnh phúc, họ cũng ngưỡng cầu sự bình an, họ đang đi tìm hoa, hút mật để tạo thành mật, nhưng chưa đủ, rồi đã bị những cái tâm tham đến phá vỡ, từ đó họ giận, họ sân. Ta thiền Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu Từ Bi – Trí Tuệ, ta nhìn thấu được cái nguồn cơn giận sân của họ, ta thông cảm. Và chính vì thiền Trí Tuệ và Từ Bi nhìn thấu được điều đó sẽ giúp cho chúng ta có cái lòng bao dung, rộng ra, rộng ra, rộng ra. Cho nên Đức Phật dạy rằng chỉ có Trí Tuệ mới là con đường giải thoát mọi đau khổ, chỉ có Từ Bi mới gội rửa được mọi uế trược, là nguồn tận tất cả mọi nguồn cơn giận sân trong chúng ta.

Do đó Chánh Niệm hơi thở, thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi như con ong biết hút mật, như người thợ xây biết cần cù xếp từng cục gạch gắn xi măng thành 1 tòa nhà, như người Chánh Niệm biết mang từng hơi thở vào ra trong từng giây phút của cuộc đời, gắn kết giữa Từ Bi và Trí Tuệ để tạo nên một cái chữ nhẫn nhịn bao dung rộng lớn. Và nếu như bạn cam chịu, chưa tu được hạnh nhẫn, bị bực bội khó chịu trong người, có thể gây ra bệnh khủng hoảng tinh thần, bạn hãy thử thực hành. Khi bạn cảm giác như vậy, gặp cái đối xử như vậy, đang khi xảy ra hoặc khi đã về nhà sau khi xảy ra còn ấm ức, khó chịu, bạn hãy ngồi bình tĩnh, uống vào 1 ly nước nhỏ gọi là lạnh, đơn giản uống nước để cho nó có oxy đầy đủ. Rồi bạn hít vào thật là sâu, mang xuống bụng rồi bạn thở ra rất từ từ và bạn chỉ nhìn theo dõi hơi thở thôi, theo dõi hơi thở vào biết ta hít vào, hơi thở ra biết ta thở ra. Hơi thở vào, ta hít vào bằng ánh sáng Trí Tuệ, quán như vậy, ta thở ra, thở bằng cái tâm Từ Bi, hít vào bằng Trí Tuệ, thở ra tâm Từ Bi. Cứ như vậy, nhẩm đi nhẩm lại trong đầu, tôi hít Trí Tuệ của chư Phật vào trong người, tôi thở lòng Từ Bi của Phật ra đối với muôn loài. Tôi lại hít vào Trí Tuệ của mười phương chư Phật, rồi tôi lại thở ra cái năng lượng Từ Bi rải tới muôn người. Cứ như vậy thì tự nhiên cái sự ức chế, uất ức của bao nhiêu ngày tháng cam chịu, bị đè nén bởi những người khác đối xử không tốt với chúng ta liền được giải mã, được hóa giải và năng lượng tích cực hơn sẽ lưu thông trong con người của các bạn và bạn sẽ khỏe hơn. Bạn thực tập thử bạn sẽ thấy được vi diệu lắm.

Trả lời ngắn gọn, một khi như vậy trong sự cam chịu sắp sửa bùng nổ, sự uất ức dâng tràn khó có thể giữ, hãy thực hành thiền quán chiếu Từ Bi bằng Trí Tuệ: hít vào, tôi hít Trí Tuệ của Phật vào, thở ra tôi thở năng lượng Từ Bi của Phật ra. Nhẩm như vậy, và nói như vậy mỗi khi hít thở chừng 5 phút mỗi một ngày thôi các bạn. Hoặc đang khi bị giận hoặc sau khi người ta làm cho mình khó chịu, hít thở 7 hơi như vậy thôi, rồi nhẹ nhàng nhìn vào con người của mình, cảm xúc của mình, suy nghĩ của mình thì thấy cảm xúc của mình, suy nghĩ của mình lắng đọng dần hơn, những cơn giận sẽ nguôi ngoai, và lòng mình sẽ nhẹ nhàng. Mô Phật!

PHẦN HỒI HƯỚNG:

Mô Phật! Sống trong Chánh niệm thứ bảy đồng tu với nhau, chia sẻ những cái sự suy nghĩ rất bình dân, xin chư Phật chứng minh. Nếu chúng con tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho các chư vị hương linh trong đợt đại dịch vừa qua đã ra đi được Đức Tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật phóng quang tiếp dẫn và theo thiện nghiệp của mình mà tái sanh. Chúng con cũng hồi hướng cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts