Search

Hãy Sách Tấn Nhau

Bảo Như đánh máy

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào tất cả các bạn trên kênh Youtube – Thất Bảo Huyền Môn.

Các bạn thân mến. Chúng ta ngày hôm nay khác với ngày hôm qua. Và chúng ta đang sống trong năm nay khác với năm ngoái. Tất cả mỗi một giây phút trong cuộc đời trôi qua đều khác biệt, khó trùng hợp. Và sự trôi nhanh của dòng thời gian đó làm thay đổi toàn bộ sự suy nghĩ của con người – có thể từ tốt thành xấu mà cũng có thể từ xấu thành tốt. Sự khác biệt đó đều do nhân duyên của mỗi chúng ta. Nhưng dù là nhân duyên nào đi nữa thì cái đặc biệt trong cuộc sống của chúng ta nếu có được sự khuyến khích, sự sách tấn, sự nâng đỡ để vươn lên, vươn lên theo chiều hướng tốt đẹp thì đều là tuyệt vời. Có những con người khi sống tuổi còn trẻ, suy nghĩ và làm việc có giới hạn. Thay vì được cha mẹ anh chị em cô bác hay các thầy cô sách tấn chăm sóc một cách đặc biệt thì lại bị chì chiết, chửi mắng, đôi khi còn bị nhục mạ làm cho tổn hại đến tinh thần của trẻ thơ và đôi khi làm cho đầu óc đã chậm càng chậm phát triển hơn. Ngược lại, cũng có những em cũng rất là chậm khi tuổi còn trẻ còn thơ, cũng bị người ta chì chiết, gièm pha, chê bai nhục mạ. Nhưng chính trong cái chì chiết, gièm pha, chê bai nhục mạ đó, họ lại đạt được thành tích ngược lại bởi tự vươn lên và thành tựu được. Có thật nhiều người đã làm được điều đó. Có nhiều người đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời từ trong chiều hướng xấu và môi trường xấu như vậy biến thành tốt. Điều này luôn luôn xảy ra ở nhiều quốc gia và với nhiều người, nhưng không phải ai cũng làm được.

Chúng ta phải biết rằng sự chê bai, phỉ báng, nhục mạ, chì chiết rồi gièm pha, đẩy xuống, luôn luôn tạo sức ép cho những người có vẻ hình như chậm hơn chúng ta, luôn luôn tạo ra một sự ảnh hưởng lớn trong cuộc đời của họ theo chiều hướng xấu. Những nhà phân tích tội phạm trên thế giới thấy rằng, hầu hết những trẻ em tội phạm thường là: hoặc là thuộc tình trạng mồ côi hoặc là tình trạng sinh ra mà sống trong gia đình xấu, môi trường xấu, bị ảnh hưởng. Hoặc có thể hồi nhỏ vì lý do gì đó bị chửi, bị chê bai nhục mạ, chì chiết rồi đâm ra tự kỷ, nuôi ở trong lòng những điều xấu xa. Và khi lớn lên đến tuổi vị thành niên thì nó bộc phát gây ra tội phạm. Chính vì điều đó mà các nhà giáo dục hiện nay ở tất cả mọi quốc gia đều luôn luôn nâng tầm quan tâm đối với những trẻ em chậm chạp. Và không bao giờ cho phép những người lớn chê bai, nhục mạ, chì chiết những đứa trẻ đó. Người ta đã thành lập luật để bảo vệ trẻ thơ như vậy. Ngay cả cha mẹ mà chê bai, nhục mạ, chì chiết, chửi bới những đứa con chậm chạp một chút xíu cũng là phạm tội. Đôi khi bị nhốt tù và còn bị tách ra. Bởi vì người ta thấy rằng chăm sóc cho trẻ thơ như vậy, với tất cả tinh thần yêu thương sẽ làm giảm đi những tai họa và tội phạm trong tương lai, tốt đẹp cho xã hội, nên người ta đã thành lập những chính sách để bảo vệ trẻ thơ.

Đức Phật cũng nhìn thấy điều đó, Ngài nhìn thấy trong con người của kiếp nhân sinh, chúng sanh thường lấy mạnh để mà ép yếu, lấy thông minh để mà chà đạp lên những người chậm hơn chúng ta. Nhưng nhớ rằng những người chậm chưa hẳn là những người không thông minh. Bởi có những người rất chậm khi tuổi trẻ, học thật là chậm, học ít hiểu nhưng khi lớn lên lại thành tựu trở thành những vĩ nhân như ông Albert Einstein – là nhà khoa học gia, khi tuổi nhỏ cũng chậm chạp lắm, khù khờ tới mức mà người ta tưởng là bị tự kỷ, thế mà trở thành một nhà bác học vĩ đại mà ngay nay ai cũng biết tiếng của ông ta.

Chúng ta hãy trở về với lời dạy của Đức Phật. Khi Ngài thành Phật thì Ngài đã nhìn thấy chân giá trị tuyệt mỹ nơi chúng sanh là có phẩm cách làm Phật – nghĩa là có đầy đủ phẩm chất và nhân cách, mầm mống chủng tử để tu tập cho tới sự đại giác đại ngộ, để chuyển hóa mọi đau khổ phiền não, thoát khỏi sự ràng buộc của vô minh. Từ đó trong suốt cuộc đời của Ngài – 49 năm đi giảng đạo giác ngộ – luôn luôn sách tấn. Và Ngài ứng dụng thật nhiều mọi phương tiện như khuyến khích, dạy bảo, nâng đỡ người ta, nâng đỡ mọi đệ tử, mọi chúng sanh với diệu dụng pháp phương tiện để sách tấn, để nhắc nhở chúng sanh đạt được quả vị là Phật. Cho nên suốt chiều dài 49 năm giảng đạo của Ngài là chiều dài của đa phương tiện diệu dụng, vi tế để dắt dìu từng con người, sách tấn từng chúng sanh đi trên con đường giác ngộ, thành tựu được quả an lạc.

Từ đó chúng ta thấy rằng con đường dẫn dắt là nhắc nhở mỗi một chúng sanh luôn luôn nhớ mình là Phật sẽ thành và luôn luôn kèm sát để hướng dẫn cho họ đi đúng con đường chánh pháp để thành tựu được quả đó. Phật đã làm được chuyện đó. Và ngày nay nhắc nhở cho người ta đi tới sự chứng đắc thành quả vị Phật như Đức Phật quả là một sự khó khăn và quả là một công lao thật là lớn. Các bậc giáo thọ sư, các bậc hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni, những bậc xuất sĩ là con Phật luôn quan tâm đến sự nhắc nhở tất cả những bằng hữu, tất cả mọi người, mọi Phật tử nhớ rằng ta là Phật sẽ thành, và luôn luôn mài dùi những chân lý của Đức Phật đã dạy, áp dụng vào đời sống để đi tới sự tỉnh giác đó. Các bạn, chúng ta thấy rằng đây là một trách nhiệm của những người đã xuất gia, và cũng là trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Và công việc nhắc nhở sách tấn để đi tới thành tựu quả vị Phật rất cần thiết, rất cần thiết. Từ đó để chúng thấy rằng chúng ta không nên miệt thị chê bai người này người kia chậm, giỏi, thông minh, nhớ dai hay không nhớ, và càng không chê bai ứng xử giữa sự khác biệt của các pháp môn. Tùy căn cơ phước báu và nhân duyên mà Đức Bổn Sư đã ứng dụng pháp phương tiện khác biệt để dắt dìu chúng sanh từng bước từng bước đi lên. Chính vì lẽ đó mà nay chúng sanh khác biệt về căn cơ, nhân duyên và phước báu mới có thật nhiều các pháp môn phương tiện để dắt dìu chúng ta đi tới sự thành tựu, sự tỉnh giác.

Do vậy mà chúng ta nhớ rằng hãy luôn luôn sách tấn lẫn nhau và nhắc nhở nhau về con đường cao cả là trở về với bổn tánh Như Lai, cố gằng tinh tấn tu học, tạo điều kiện sách tấn. Tùy hỷ hài hòa với mọi phước báu nhân duyên để làm sao chúng ta có thể nâng đỡ cho mọi người hiểu thấu được giá trị cao cả mà sẵn sàng tinh tấn đi vào con đường đại giác. Ngài Phổ Hiền dạy hằng thuận chúng sanh. Chúng ta hằng thuận với căn cơ nghiệp thức của chúng sanh để dắt dìu chúng sanh đi tới cảnh giới an lạc hơn. Từ đó mà chúng ta phải luôn luôn tự nhắc nhở tránh những lời chê bai, phỉ báng, nhục mạ nhau, tránh những lời chê bai, so sánh, phỉ báng, nhục mạ các pháp môn khác mà chúng ta không tu tập. Nhớ rằng mỗi một người chúng ta có nhân duyên với một pháp môn khác nhau như có người tu theo niệm Phật tịnh độ, có người tu theo thiền sổ tức, thiền định, thiền chỉ, thiền quán, thiền Vipassana, thiền mật tông… Ôi, thiền có nhiều phương pháp, rồi có người đi sâu vào mật tông hoặc có người đi vào nghiên cứu kinh điển. Có người ứng dụng lời Phật để quán chiếu tịch tĩnh. Có người tụng kinh. Có người trì chú. Có người hành thiện đa phương tiện và thật nhiều phương tiện khác biệt phù hợp căn cơ của từng người. Hằng thuận chúng sanh tức là thấy được chúng sanh có được những căn cơ phù hợp và học được những pháp phù hợp như vậy để họ có sự an lạc và mang lại sự lợi lạc cho muôn người. Ta hằng thuận với điều đó và rồi tùy hỷ tán thán công hạnh, nâng đỡ.

Nhớ! Pháp môn vô lượng thề nguyện học, Phật đạo vô thượng thề nguyện thành. Như vậy, tất cả những pháp môn của Chư Phật dạy đều là Phật đạo vô thượng chúng ta phải thành tựu, nhưng pháp môn thì vô lượng mỗi người thề nguyện học một pháp môn, sách tấn nhau nhắc nhở nhau. Nhớ được điều đó và tránh đi sự nhục mạ, gièm pha, chê bai, so sánh hơn thua. Cái hơn thua là ở lòng mình có hơn được chính mình, ở chỗ chiến thằng được bản thân, vươn lên từ vùng tối để đi vào vùng sáng của trí tuệ bằng cách chọn lựa đúng pháp môn, đúng con đường, đúng môi trường để chúng ta tu.

Do đó sách tấn nhau, sách tấn nhau cùng thành tựu được pháp của nhà Phật, sách tấn nhau cùng thành tựu được quả vị Phật rất cao quý. Nhớ! Chúng ta đừng bao giờ – tuyệt đối chê bai, gièm pha, nhục mạ, đè những người khác mà căn cơ chậm hơn ta xuống. Nhưng phải luôn luôn, luôn luôn sách tấn để xiển dương nâng đỡ tinh thần, để cho tất cả mọi người đều hoan hỉ bước vào tu học với khả năng vốn có của họ, để thành tựu được sự an lạc. Sự sách tấn như vậy rất cần trong đời sống hiện tại của kiếp người. Chúc các bạn luôn hoan hỉ, biết sách tấn lẫn nhau, đừng nhục mạ và chê bai nhau. Cảm ơn các các bạn đã lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts