Search

Biết Rồi Sẽ Chẳng Tìm

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và kênh facebook “Chùa Xá Lợi.”

Các bạn thân mến! Chúng ta khi đã quyết tâm học một điều gì thì nhất định mong muốn học cho nhanh, mong muốn học làm sao đó đốt cháy thời gian mà có thể thành công. Ai cũng như thế, không khác đâu. Cuộc đời ai cũng muốn nhanh, tâm lý ở đời mà, sự muốn nhanh đó nó đưa tới ăn uống cũng phải nhanh, cho nên có những quán ăn bán thật nhanh cho người ta ăn vội vàng rồi đi làm. Ăn nhanh đến mức mà bao tử phải làm việc nhiều hơn bởi có nhai đâu. Và cuộc sống hình như cái gì cũng phải nhanh, cái gì cũng phải vội đến mức mà khi về nhà ngủ, chúng ta thấy hình như ta như cái đồng hồ quay tròn, thời gian bay qua quá nhanh mà sự việc ở nhà, sự việc trong cuộc sống vẫn còn quá nhiều thứ bừa bộn.

Thời gian quả thật trôi quá nhanh! Ta mất phương hướng, bị thời gian cuốn trôi khó có thể dừng. Nhiều bạn nói rằng đúng, nhìn dòng thời gian trôi qua mà không thể dừng được, như con thoi, bây giờ không như con thoi đưa, mà ra ngoài đường cứ như xe honda chạy, chạy như nước chảy, như dòng sông liên hồi liên hồi không thể dừng được. Các bạn cứ ra ngã tư hoặc ra trên những đường lộ trên thành phố, xe chạy đầy hết, kín mít, đường càng làm lớn xe càng nhiều và tiếng xe nổ, tiếng máy nổ, tiếng con người, tiếng sinh hoạt ồn ào đến mức nó chui vào trong nhỉ căn, nó trốn vào trong tâm thức, ngủ không yên, nó còn vang trong đó. Chúng ta thấy hình như cuộc đời khó dừng. Điều này đúng, bởi có lẽ chúng ta không nghĩ rằng mình đã mất đi căn bản của cuộc sống. Hay vì một mục đích nào đó, chúng ta không chú trọng tới những điều cần thiết để bảo vệ cho sự sống của mình nên đã để dòng thời gian trôi qua quá nhanh, và cứ chạy theo thời gian, cuối cùng bị thời gian xỏ mũi kéo ta đi. Vì sao, vì chúng ta luôn luôn muốn bắt cho kịp, và chụp được cái đuôi của những cao vọng trong cuộc đời, của những điều gọi là lớn lao, những cái hay, còn những cái rất bình thường ta quên.

Có câu chuyện kể về một người đi tu thành chú tiểu, ở trong chùa với một vị thiền sư. Vị thiền sư đó chỉ cho chú cách ăn, cách uống, cách rửa chén, cách súc miệng, đánh răng, rửa mặt, đi đứng, tươi cười mỗi ngày. Chỉ dạy cho chú như vậy, đang làm gì thấy đang làm chuyện đó thôi, đang cười biết cười, đang nói biết nói, rửa chén biết rửa chén, nấu cơm biết nấu cơm, đang tụng kinh biết tụng kinh, đang nói chuyện biết nói chuyện, dạy cho chú biết. Bởi vì chú kính trọng vị thiền sư, vị thiền sư dạy gì cũng học theo. Nhưng trong lòng chú nghĩ những chuyện này mình biết từ thuở nhỏ rồi vậy mà thiền sư vẫn dạy. Thiền sư dạy cho chú ba năm trời, chú không thấy thiền sư dạy những điều cao siêu như về tánh không, về chân như, về khổ, niết bàn, về những cái nhị nguyên, rồi về những thế giới huyền bí cao siêu. Chú mới tới hỏi thiền sư: “thưa thiền sư, con theo ngài ba năm rồi, ngài chỉ dạy con cười, rót nước, nấu cơm, rửa chén, lau nhà, đi bộ, hít thở, chẳng dạy con về chân như, về Phật tánh, về niết bàn, về tánh không, về cảnh giới của Chư Phật, Chư Bồ Tát”. Vị thiền sư nói với chú rằng “Con ơi, con hôm nay làm thêm một việc ngoài những việc thầy đã dạy cho con, con làm thêm một việc nữa là hãy đi đánh đại hồng chung và nhớ rằng khi con đánh con biết con đánh, khi âm thanh vang ra, con biết và nghe được âm thanh nghe con”. Chú làm theo được một tuần thì chú trở về nói với thiền sư “con làm tất cả những điều ba năm qua con đã làm, đánh thêm đại hồng chung được một tuần rồi, con cứ nghĩ hoài sao thiền sư không dạy cho con những điều khác mà chỉ dạy những điều tầm thường”.

Lúc này thiền sư mới nói với chú rằng, tiếng đại hồng chung con nghe chưa rõ, đại hồng chung con nhìn chưa rõ, hơi thở con chưa biết, sao có thể biết được những cái gọi là chân như, niết bàn, Bồ Tát, Phật, hư không, tự tánh, tánh không. Con có biết không, tất cả những danh từ đó chỉ là chữ thôi, chữ nghĩa, chữ đặc ra cho có ý nghĩa, toàn là hư ảo không thực, cái thực là con có thể nghe được tiếng chuông vang khi nào con đánh vào và khi nào nó chấm dứt. Cái thực là con có thể nhìn rõ cái chuông đại hồng chung đó. Con nhìn rõ được đại hồng chung. Con nhìn rõ được động tác con đánh vào và con nghe thật rõ âm thanh khởi lên khi con tương tác, để rồi âm thanh dần dần mất đi như thế nào. Đó mới là hiện thực tại chỗ ngay bây giờ. Còn những thế giới hư không pháp tánh, Phật tánh, chân như, tánh không đều chỉ là ngôn từ hư ảo, không thực. Chú ấm ức lắm, bực mình, nhưng chú đi ra, chú nói trong đầu “mà thực nếu ta không thể nhìn thấy hơi thở và nhận diện ra được cái chuông trước mặt và nghe được âm thanh khi nó khởi lên và khi nó không còn nữa thì sao có thể nhìn thấy cảnh giới của tánh không, cái trước mắt không nhìn thấy sao thấy được những cái không không kia”. Khi đó chú mới thấy, nhận ra được lời của vị thiền sư dạy có ý nghĩa, chú mỉm cười, hướng đầu về phía thiền sư đa tạ tri ân. Và từ đó, chú đi thực tập những chuyện ba năm qua cộng thêm nhìn rõ chuông, nghe âm thanh đại hồng chung.

Sau này vị thiền sư mất đi, khách du lịch cứ tới ngắm đại hồng chung bởi người ta đồn rằng đại hồng chung này có âm thanh vi diệu, bởi xưa khi vị thiền sư còn sống đã truyền một bí kiếp tu luyện đại hồng chung nên vị trụ trì ngày hôm nay giác ngộ vẫn còn đây, cho nên họ không tìm đến điều gì nơi ngôi chùa này mà chỉ tìm tới đại hồng chung để được đánh đại hồng chung.

Các bạn! Câu chuyện này là câu chuyện thực tế. Ở trên đời, hầu hết chúng ta mong muốn những cái cao để học cho thành tựu, để rồi những điều đó, những phương tiện đó ta coi như một vị thần. Ở đời đồn thổi cái chuông, đại hồng chung trong chùa linh thiên nên ai tới cũng muốn đánh bởi vị thiền sư xưa đã dạy cho vị trụ trì cách đánh đại hồng chung đi tới sự giác ngộ. Họ tin vào đại hồng chung có thần lực, chứ họ không hiểu được ý nghĩa của vị thiền sư truyền cho người chú tiểu năm xưa – nay là trụ trì là tu tâm như thế nào qua phương tiện đánh đại hồng chung, mà người đời đã hư ảo biến đại hồng chung thành một pháp khí vi diệu, thần thông. Tới chẳng gặp vị trụ trì hỏi phương thức vị thiền sư xưa khai thị như thế nào mà tới chỉ để đánh đại hồng chung, mong rằng hồng chung có thần thông.

Các bạn! Chúng ta bị dính và bị kẹt ở chỗ đó. Học gì ở trên đời ta cũng chạy, cứ rượt, cứ đuổi mà quên đi cái căn bản trong cuộc sống là nhận biết được mọi hành vi, suy nghĩ và đồng hành với hơi thở để làm chủ được cuộc đời ngay bây giờ, thì những điều ta muốn học, muốn thành tựu sẽ tới ngay mà thôi, bởi chưa thể làm chủ được hơi thở, chưa thể nhìn rõ hành vi của mình thì bạn học cái gì bạn cũng không rõ. Pháp của Đức Phật dạy là pháp nhận biết được ngay những điều gì đang sống, đang làm, đang hành. Thực tế lắm, cái chuông không phải có hùng lực mang đến sự giác ngộ mà sự giác ngộ của vị trụ trì – xưa là chú tiểu chính là chỗ chú đã tu luyện được tánh biết, thấy rõ cái chuông, biết rõ âm thanh khởi lên và tắt lịm dần đi. Tánh biết đã hiển lộ và chú đã nhận biết được tánh biết mới là quan trọng, chứ còn ba cái gọi là tánh không, niết bàn, chân như, Phật tánh, Bồ Tát, những cái chuyện A-la-hán, thần thông…nó nằm ở cõi hư không, không có thực tế. Và nếu như cứ chạy theo cái không, chẳng thực làm sao mà có thể trở thành những vị kia, bởi vì nó là không, quan trọng là hãy về với mình, nương vào tánh biết, nhìn rõ cuộc đời, sống cho hạnh phúc và bình an là tối hậu và quan trọng trên con đường tu tập pháp Phật nhiệm màu.

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts