Search

Bài 3074. Chuyện Của Dòng Sông

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu.

Giờ đồng tu đã tới kính mời mọi người chúng ta hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết nỗ lực tinh tấn, tự lực đứng dậy công phu sớm tối để thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, có được trí tuệ nhận rõ các pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện siêu cho chư vị hương linh vừa quá vãng, nương theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành. Nguyện cầu an cho tất cả quý Phật tử thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não phiền não đoạn diệt. Chúng con cũng đồng nguyện cho nền hòa bình của thế giới.
Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn ngồi xuống nhẹ nhàng buông thư, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, giữ lưng cho ngay, cổ cho thẳng, buông lỏng. Chúng ta sẽ nghe theo lời Phật cả cuộc đời này luôn phát nguyện lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong mật thiền song tu mật ngôn số một chúng ta đọc Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, phẩm hạnh của Ngài Quan Âm Bồ Tát, mật ngôn số hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang quán tâm Trí Tuệ và mật ngôn số ba Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là quán tâm Tỉnh Giác. Từ bi, trí tuệ, tỉnh giác quán là một pháp thiền nương theo chánh niệm hơi thở và mật ngôn để đón nhận được thật nhiều tha lực siêu thế từ chư Phật ban rải xuống, hòa vào với tự lực phát nguyện cầu đạo giác ngộ của mỗi người, sự tương tác giữa tha lực và Phật lực sẽ giúp cho chúng ta tăng trưởng sự kiên định để quán chiếu đề mục vô thường, khổ, vô ngã, chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, mới đó thôi mà sự đồng tu của chúng ta đã được hai năm rưỡi rồi, có nhiều bạn bắt đầu đồng tu với Bảo Thành từ thuở đầu, cũng có nhiều các bạn thời gian gần đây mới làm quen. Đồng tu từ lúc đầu hay đồng tu mới, chẳng có sớm cũng chẳng có trễ, khi đã đi vào dòng chảy rồi, luân lưu trong vòng pháp vũ của Phật dạy, của chánh pháp, của sự công phu, ta sẽ có được sự trải nghiệm giác ngộ, hạnh phúc, an vui. Như chủ đề “Chuyện Của Dòng Sông” đó ta thấy mà, nước từ trời, nước từ kênh, từ rạch, từ sông, từ suối, từ bờ, từ mé, đầu trên đầu dưới không cần biết, khi đã xuống với dòng sông rồi chẳng còn phân biệt nữa đâu khi thành dòng chảy ra biển Đông, chẳng còn giọt nào trước giọt nào sau, chẳng còn giọt nước ở trời rơi xuống hay bờ ruộng, chẳng còn nước lũ hay nước mưa, nước trong hay nước đục, mà là một dòng nước của dòng sông.

Chủ đề hôm nay bạn gửi về “Chuyện Của Dòng Sông”. Đức Phật nói mỗi một người chúng ta chỉ như một giọt nước riêng lẻ rớt xuống hành tinh nhỏ bé gọi là trái đất này, nếu cứ chơ vơ hoặc độc tôn một mình, đứng trên đỉnh cao giữa núi cũng chỉ trong một sát na là biến mất, bởi phải bốc hơi theo thời gian năm tháng của vô thường chẳng tồn tại gì hết. Nhưng nếu mỗi một đời người là một giọt nước kia, biết buông xả, biết hạ mình và cùng trôi về với nhau trong sự đồng tu, trong sự hòa hợp, tấn tu để tiến tu, nhất định dòng sông pháp vũ đồng tu kia sẽ chảy mãi quanh co theo dòng đời và mang phù sa nước để nuôi dưỡng sự sống tự thân, cũng như nuôi dưỡng sự sống trên hành tinh này. Có một dòng sông chắc chắn các bạn cần biết, cần nhớ chứ không phải là dòng sông bên làng, bên xóm hoặc dòng sông đẹp như trong thơ ca thường diễn tả, nhưng là dòng sông của Phật giáo, dòng sông mà Đức Thế Tôn trước khi đi đến sự giác ngộ đã ngồi ở đó. Dòng sông đó có tên là Ni Liên Thiền ở bên Ấn Độ. Khi Ngài thọ bát tức là Ngài ăn chén cơm của cô Sutrata cúng dường, Ngài mới đặt bát xuống dòng sông Ni Liên Thiền và phát nguyện rằng “Nếu ta có thể chứng được đạo Bồ Đề đưa đến sự giải thoát giác ngộ thì cái bát này đặt xuống dòng sông phải trôi ngược”, đó là lời nguyện của Ngài. Khi cái bát đó đặt xuống dòng sông, xoáy nhiều vòng rồi trôi ngược lại, trôi ngược dòng sông, trôi ngược dòng nước, trôi ngược dòng chảy. Chúng ta thấy hình ảnh đó thật rõ trong cuộc sống của người tu, khi đọc kinh những chuyện về đời thực của Đức Phật như hình ảnh chén bát, cái bát mà Ngài đặt trên dòng sông, ta đọc lướt qua rồi ta vội vàng đi thôi. Nhưng đối với những người học Phật thật sự ý nghĩa của các bát đặt xuống và ngược dòng sông nói lên tất cả công hạnh tu của người Phật tử chúng ta, cũng như của tất cả những ai tu theo đạo giải thoát. Không có một dòng nước nào ở sông có thể trôi ngược, không có một vật gì ở sông có thể ngược dòng mà trôi, cái bát kia cũng như thế. Nhưng cái bát của Phật với lời nguyện thành đạo Bồ Đề đã trôi ngược, mang ý nghĩa thâm sâu để nhắc nhở cho chúng ta và mọi người thấy rằng công phu tu tập phải đi ngược dòng với cuộc đời. Ta phải hiểu ngược dòng là như thế nào? Có phải ngược dòng là bỏ tất cả những gì rất đời thường hay không? Như bỏ tiền, bỏ của, bỏ nhà, bỏ vợ, bỏ con, bỏ tất cả, tất cả, bỏ luôn cả kiếp người, ngược lại tất cả. Hình như có thật nhiều người xiển dương đã đi tu là phải bỏ tất cả, nhưng rồi họ chẳng bỏ được tất cả bởi vì họ bảo họ bỏ những gì xuôi dòng, nhưng họ lại bám vào những gì ngược dòng. Câu này ta phải suy nghĩ các bạn ạ! Các bạn chiêm nghiệm một chút đi, nhiều người tu họ bỏ tất cả những gì xuôi theo dòng sông, nhưng bám chặt, bám chặt vào những gì ngược dòng, dù xuôi dòng hay ngược dòng bạn còn bám, bạn còn chấp thì chưa phải là con đường học Phật. Cái bát của Đức Phật trôi ngược lại chẳng phải là buông bỏ sự đời, để đi ngược lại tất cả những lẽ sống mà ông bà cha mẹ đã sống. Ông bà ta sống với phương châm đơn giản làm lành lánh dữ, ăn hiền ở lành, sống đời đạo đức ngay thẳng là đủ và những ý tưởng đó cũng là những chân lý Phật dạy. Cái bát chảy ngược dòng đời ở đời là gì? Là chấp, là vô minh, chính vì chấp trượt hóa ra vô minh, trôi ngược ở đây chẳng phải buông bỏ tất cả, mà là không chấp vào tất cả dù xuôi hay ngược trong dòng đời, để sự vô minh kia dần dần được đẩy lùi bằng cái nhìn thấu rõ kiếp người của chúng ta. Cho nên trôi ngược dòng sông là buông bỏ ở chỗ buông gì? Bỏ gì? Buông bỏ những chấp trượt, chữ chấp mới nguy hiểm. Còn bạn cầm trên tay một cục đá ý nghĩa của nó là chấp vào nó, hay ý nghĩa của nó là buông, là thả xuống, chữ buông trong nhà Phật chẳng phải thả cục đá xuống mà là buông đi cái chấp của cục đá ta đang nắm giữ trong tay. Cuộc đời sinh ra mỗi người một cảnh, đời của chúng ta như một dòng sông nó chảy có nhiều lúc quanh co, có nhiều lúc thẳng, người ta hay nói câu con sông nó có khúc, con người có lúc, nghĩa có những khúc của con sông nó thẳng, cũng có khúc những khúc của con sông nó quanh co, nó đục ngầu, sông thẳng – sông quanh, sông sâu – sông cạn, sông đục – sông trong. Dòng đục trong của cuộc đời như thế vui buồn lẫn lộn, đau khổ trộn vào với nhau và tạo ra thật nhiều cảm xúc cay đắng ngọt bùi. Dòng chảy của cuộc đời như thế và không bao giờ ngừng cứ chảy mãi. Con đường tu chẳng phải đi ngược lại dòng đời đó, trốn vào trong sơn lam chướng khí, trong rừng sâu, trong cốc, trong hang, từ bỏ gia đình, từ bỏ tất cả đi vào chỗ u tịch để tu. Tu là sửa tất cả những sai lầm trong cuộc đời, hành thiện bỏ ác để tích phước báu. Ông bà nói tu tại chợ cũng được, tu tại gia cũng được, tu tại chùa cũng được, ba hình ảnh chợ chùa hay ở nhà là nói lên bất cứ ở cảnh nào người tu hiểu được chữ đi ngược dòng là phá chấp thì điều tu được. Ở gia đình có nhiều chuyện chấp tại gia, ở trong chợ có nhiều chấp của chợ, ở chùa cũng như vậy, nói chung ba cảnh này được gọi là ở mọi cảnh đời, dù nơi ồn ào, thanh tịnh, nơi phức tạp phải có nhiều trách nhiệm với gia đình bản thân, thì luôn luôn có nhiều sự chấp trượt ở trong đó. Chính vì cái chấp đó mà chúng ta, người trong thế gian tình nghĩa với vợ chồng con cái, cắn đắn nhau hoài, không thuận, không hòa, chấp thôi. Một câu nói sơ ý của cha, của mẹ, của con, rồi nhà lộn xì ngầu hết, rồi một hành động mà ta không ưa, không hợp với ta là cả nhà loạn lên như chiến tranh. Thế mới nói và các bạn đã thấy rồi không phải ở người khác mà chính trong gia đình của chúng ta đôi khi có sự xào xáo giữa cha mẹ, giữa con cái, chỉ vì bất đồng ý kiến, chữ bất đồng thôi chứ đúng ra là bởi vì mỗi một người đều chấp vào điều mình làm, điều mình suy nghĩ và tự tôn, tôn lên cho quá cao rằng ta là đúng. Chẳng bao giờ lắng nghe cha mẹ con cái, chẳng bao giờ mang những sự suy nghĩ khác biệt trong gia đình ngồi lại với nhau trong một môi trường ấm cúng, cho cha mẹ hướng dẫn cặn kẽ để hiểu hoặc cho con cái giãi bày để thấu, nhưng cứ lấn lướt hoài theo tư tưởng riêng. Từ đó con gặp cha mẹ thì sợ, cha mẹ gặp con cái thì cảm thấy bực mình, anh chị em cũng như vậy và rồi cứ người trên người dưới, người nghe người dọc, không xuôi cũng không ngược, cứ trái chiều xoay vòng vòng tạo thành vòng xoáy của dòng sông nơi gia đình.

Bạn có khi nào thấy được dòng nước xoáy chưa? Tức là hai dòng ngược xuôi nó chạm đầu nhau, nó trái chiều và rồi nó lẩn quẩn tạo thành vòng xoáy và cái xoáy này tăng tốc nếu mà chúng ta rơi vào vòng xoáy đó nó sẽ cuốn trôi đi mất, nhận chìm chúng ta xuống. Dòng xoáy nơi dòng sông của gia đình, của xã hội, dòng xoáy nơi cuộc đời của mỗi người. Nếu chúng ta cứ trái chiều, trái ý, tôn vinh suy nghĩ lòng tự tôn quá đáng, thì nhất định cái tôi đó sẽ tạo thành vòng xoáy khi đụng với cái tôi của người. Nó sẽ nhận chìm đi tất cả những nghĩa cử đẹp, những tâm tình, những tình cảm, rồi nó sẽ cuồn cuộn sự sân giận, khó chịu. Chuyện của dòng sông Ni Liên Thiền của Đức Phật ngày xưa, dòng sông ấy, dòng sông đã trôi ngược nhằm nhắc nhở cho mỗi cuộc đời của chúng ta, từ trong gia đình cho tới chính cá nhân của mình luôn luôn là một dòng chảy, luôn luôn phải là một dòng chảy. Cuộc đời là một dòng sông chảy như vậy, tất cả mọi cảm xúc đục trong, buồn vui, cay đắng, thành bại, hạnh phúc hay khổ đau, phiền não hay bình an, khen hoặc là chê, tốt hoặc là xấu,.. nó chảy vào cuộc đời, nhưng cứ phải để cho nó chảy. Bạn có thể đi ngược lại chẳng phải là không gặp những thứ đó, mà ngược dòng sông ở chỗ là bạn chẳng chấp vào những hiện tượng đã, sẽ và đang xảy ra, vì theo lời Phật dạy nó đều là vô thường. Cứ để cho tâm của chúng ta buông thư nhẹ nhàng, sống ngay trong cái điểm của hiện tại và luân lưu trong dòng đời của hơi thở với năng lượng của từ bi vận chuyển chảy mãi với ánh sáng của trí tuệ chiếu vào và với sự tự tại tỉnh giác. Ta cứ đi như thế để nhìn cuộc đời của mình trong chánh niệm, muôn sự khổ, muôn sự phiền não, nhiều hạnh phúc và an lạc, nhiều cái ta ưa hay ta không ưa cũng chẳng có gì dính vào tâm của ta, tâm chất thì hóa ra mê, phá chấp mới quan trọng, ngược dòng sông tức là phá chấp các bạn. Chúng ta còn chấp quá nhiều, chấp người tu phải vô chùa hoặc chấp tu thì ở nhà, hoặc chấp tu thì như vầy, tu như kia. Như Bảo Thành vừa nói ta đã buông bỏ tất cả đi ngược dòng sông, ta bỏ cái xuôi nhưng chấp vào cái ngược cũng là chấp, vậy thì ngược dòng sông chẳng có ích. Ngược dòng sông đối riêng với Bảo Thành có ý nghĩa là phải phá chấp. Trong công hạnh tu mỗi người chúng ta khi nói về chuyện dòng sông tâm thức của cuộc đời của chính mình, bạn đừng trốn tránh những hiện tượng đang xảy ra với cuộc đời, đôi khi bạn gào thét giữa gầm trời và nói rằng “tôi đã không chịu được nữa rồi, tôi đã không chịu được nữa rồi”. Nhưng bạn phải nhớ mọi chuyện xảy ra cho bạn chẳng phải lỗi của người ta, mọi chuyện xảy ra cho bạn chẳng phải là những điều người khác mang tới hay là ngang trái của người đổ vào cuộc đời nơi dòng sông tâm thức, mà tất cả những gì xảy ra đối với bạn đều do nhân quả của bạn. Điều đầu tiên phải khẳng định thật rõ đời ai cũng hãnh diện ta trong sáng, ta tốt đẹp, cứ gặp rắc rối là đổ thừa cho cha cho mẹ, cho ông cho bà, cho anh cho em, cho người hàng xóm, cho thiên hạ đại loạn ngoài kia, làm loạn lên nhức đầu khó chịu. Ta quên mất rằng lời Phật dạy chuyện to chuyện nhỏ, tất cả mọi chuyện xảy ra trong đời của ta đều do nhân quả của chính ta. Câu này rất hay, mọi lỗi lầm, mọi ngang trái, mọi điều bất như ý xảy ra đều là do lỗi của chính ta. Nhận diện được điều đó giúp cho tâm an, nhận diện được điều đó giúp cho tâm ổn định không hốt hoảng, chửi bới lung tung, tru tréo cả ngày, nhận diện được điều đó ta sẽ có cơ hội nhìn thấu vào cái gốc của những nguyên nhân, của những nhân ác ta tạo trổ quả để sửa các bạn ơi. Cho nên người tu của chúng ta cần phải phá chấp bằng sự quán chiếu, có những cái chấp thực đơn giản trong cuộc đời. Phật luôn luôn cặn kẽ dạy cho chúng ta người Phật tử tại gia hay người xuất gia ở trong chùa, luôn luôn dính vào những cái chấp, bởi sự va chạm trong tương tác giữa người với người, gia đình hai vợ chồng chính vì chấp cái suy nghĩ khác nhau, cách hành xử khác nhau, mà rồi vợ chồng cứ cãi nhau hoài và con cái anh em cũng vậy. Vào trong chùa sư huynh sư đệ, sư chị sư em cũng là người đồng tu thôi, nhưng mỗi người mỗi cảnh mỗi riêng, mỗi người mỗi nghiệp có ai giống mình. Thế vậy mà khi đi vào rồi gặp những chuyện ngang trái ta lại chấp, ở nhà chấp, vô chùa chấp, nên dòng sông của ta đã biến thành dòng lệ chảy mãi buồn rầu. Ở đâu cũng là một dòng sông, dòng sông cứ chảy có đục có trong nhưng, đừng để dòng sông của cuộc đời biến thành dòng lệ bi ai đau khổ, như vậy ta mau già, ta cạn kiệt sức của chúng ta và rồi chúng ta đã làm cho tinh thần sức khỏe chẳng còn tốt đẹp gì đâu.

Các bạn nhớ, chính vì chấp mà ra, những chuyện đã xảy cũng đã qua, những chuyện chưa qua cũng sẽ tới, tới rồi cũng sẽ qua, tới lui là chuyện bình thường của vô thường, trong quán chiếu vô thường ta sẽ phá được chấp, quán chiếu vô thường rất quan trọng. Cả cuộc đời khi đã giác ngộ Phật luôn luôn dạy chữ vô thường cho mọi tầng lớp trong xã hội, tại gia xuất gia, bởi nguyên nhân tạo ra khổ và phiền não, luân hồi trong sanh tử cũng từ cái chữ chấp hóa ra mê, chấp mê rồi hóa ra biết bao nhiêu thứ, hóa hiện ra khổ đau phiền não. Phải phá được chấp này, mỗi một người chúng ta có một cái chấp riêng biệt dữ lắm và ta phải quán chiếu để nhận ra tại gia hay xuất gia cũng đều chấp cả. Nếu bạn chẳng phá được chấp thì lòng của bạn sẽ bị co thắt lại quặn đau, sân và giận sẽ phùn phụt như núi lửa bốc ra bất cứ lúc nào. Để cho những tư tưởng độc ác, những lời nói cay đắng, những hành động không tốt sẽ trào ra nhận chìm tất cả các mối quan hệ trong cuộc đời và như thế ta chẳng bao giờ bình tĩnh được. Chuyện của dòng sông của cuộc đời là chuyện mà chúng ta phải đi qua để có sự trải nghiệm, chuyện dòng sông của tâm thức, của người tại gia xuất gia, của người tu theo công hạnh mà Đức Phật dạy là chuyện mỗi người phải bơi trong dòng sông đó để có sự trải nghiệm trong thăng trầm mới đưa đến sự giác ngộ, mới đưa đến sự giác ngộ. Chính những cay đắng ngọt bùi, thăng trầm, lên voi xuống chó, thành bại, khen chê, tốt xấu dập vùi các bạn cho đến trầy vi tróc vẩy, đau đớn khôn cùng đã làm cho bạn sự trải nghiệm ở đẳng cấp cao hơn. Nếu trong sự trải nghiệm đó bạn có chánh niệm hơi thở, thì sự trải nghiệm đó là những vốn liếng, là những tư lương tuyệt vời giúp cho bạn thành tựu đi đến sự giác ngộ. Hãy nhìn đời sống của Phật trước khi giác ngộ, xảy ra biết bao nhiêu chuyện lộn xộn từ cung đình, rồi đến khi tu khổ hạnh, cả con đường của Ngài đi luôn luôn gặp biết bao nhiêu những thử thách, đến khi giác ngộ cũng như thế. Cuộc đời của ngài 80 năm trời thì hằng hà sa những sự việc thử thách luôn tới, thì tâm của Ngài vẫn trong vẫn sáng, Ngài chẳng chạy trốn dòng sông thăng trầm vận mệnh cuộc đời kiếp người mà Ngài hòa mình vào đó để mang dòng chảy của trí tuệ soi sáng vào tâm trí của tất cả mọi người, mọi chúng sanh, mang sự sống của chánh pháp qua năng lượng của từ bi, tình thương để đánh thức mọi chúng sanh trong cõi u mê. Chúng ta không chạy trốn những hoàn cảnh xảy ra nhưng chúng ta đặt mình vào trong những môi trường tốt đẹp hơn, để sử dụng trí tuệ quán chiếu trải nghiệm mọi hiện tượng trong cuộc đời, để gạt bỏ đi những u mê chấp trượt trong cuộc sống và ứng dụng khả năng với những phương tiện phước báu ta có được một cách hay hơn.

Các bạn thân mến! Tại sao các bạn cứ dậm chân tại chỗ để rồi than oán với những hoàn cảnh trong đời chẳng theo hình ảnh trôi ngược lại dòng đời tức là phá chấp của mình mà cứ cũng tu cái buông cái xã, nhưng mà không buông xả chấp mê, mà là từ bỏ những mối giao hảo với cha với mẹ, với anh chị em, với thầy trò, với những người ta tương tác. Bởi ta nghĩ rằng “Cha đó, mẹ, anh chị em, người này người kia mang tới cho tôi sự rắc rối, tôi phải cắt đứt mối quan hệ này, tôi phải từ ly họ, tôi phải từ bỏ họ, tôi không còn công nhận họ là cha là mẹ, là người thân nữa thì tôi mới được sung sướng, mới được bình an, bởi những người đó mang cay đắng tới cho tôi”. Bảo Thành và các bạn có tâm lý như thế, cứ đổ lỗi tại anh, tại cha tại mẹ, tại tại hoài, cho nên ta không bao giờ có được sự tự tại vì ta cứ đổ thừa. Đạo Phật dạy cho chúng ta có sự dũng cảm nhận diện lỗi lầm của chính mình, không tại anh cũng chẳng tại em, hình như nghe thấy vang vọng trong tâm có bài hát không phải tại anh cũng không phải tại em, tại vì chúng mình yêu nhau, câu đó là một ca từ tại vì mình yêu nhau nên kết thân. Trong cuộc đời này cũng như vậy, không phải tại cha tại mẹ và tại mọi người đâu, chúng ta tới với nhau bằng tình thương thì chẳng còn cái tại là do lỗi mà là cái tại của sự tự tại, tình thương chữa lành mọi vết thương, hàn gắn mọi rạn nứt trong gia đình và có được sự tự tại. Tình thương không có tại cha tại mẹ, tại anh tại em, tại người này người kia mà chỉ có tại lòng nhìn rõ nỗi lòng, biết sám hối, biết sửa và từ đó cái tại đó không còn là tại lỗi người mà cái tại đó là tự tại trong tâm, bởi chẳng còn chấp, nơi ta chan chứa tình yêu thương. Ở đâu có tình yêu thương ở đó có sự bình an hạnh phúc, ở đó có gia đình, ở đó có sự hài hòa và chữ tình thương của nhà Phật là từ bi, tình thương không chấp thủ, không bám víu để phục vụ cho nhu cầu mong muốn của chính mình theo sở kiến riêng tư. Mà từ bi là tấm lòng rộng mênh mông như biển trời, như dòng sông, như dòng chảy dù đục dù trong, dù nước lũ hay nước ô uế ở đời chảy ra, dòng sông đó vẫn chảy và gạn lọc thành trong suốt trước khi nó gặp biển đông. Dòng đời ta cứ chảy, muôn sự người ta thả xuống nếu ta không chấp vào cứ chảy đi, cứ chảy đi, cứ tự tại, cứ quán trong chánh niệm ta sẽ đi tới điểm giác ngộ của dòng chảy cuộc đời và thong dong tự tại. Bạn, bạn đừng than trách người trên kẻ dưới, môi trường cay nghiệt, phước phần không đủ để rồi muốn từ biệt tất cả, cắt đứt mối quan hệ. Hãy nhớ mọi sự rắc rối đều do nghiệp quả của ta, đừng la gầm trời lên cho dữ dằn, ta đó lỗi tại ta lỗi tại ta. Ta phải nhìn thấy được điều đó ngay, để nhìn thấy điều đó mà phá được thì cần phải quán chiếu vô thường nha các bạn, quán chiếu vô thường là mấu chốt để thành tựu được sự an lạc, thành tựu được chánh định và thành tựu được phước báu, công đức thật nhiều. Trong mật thiền song tu, từng hơi thở vào ra với mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang ta phát nguyện, câu đó có nghĩa ta phát nguyện rằng xin Phật mười phương thắp sáng đuốc tuệ để con có thể nhìn thấu được vạn pháp đều là vô thường và bám víu vào những điều đó, nó vô thường ấy cho nó là thường hằng chúng con sẽ khổ và sẽ tạo ra những bản ngã. Từ đó vô thường là mấu chốt quan trọng để quán chiếu, bạn nhìn đi thân xác bạn cũng vô thường thôi chẳng tồn tại mãi, tư tưởng bạn cũng vô thường, cảm giác cảm xúc của bạn cũng vô thường, người thân cũng vậy, vạn vật cũng vậy, hành tinh này cũng vậy, mặt trời mặt trăng tất cả đều vô thường, đều thay đổi, chẳng có gì tồn tại mãi. Hiểu được điều đó muôn sự xảy ra cho ta chẳng bao giờ tồn tại mãi, nên ta dễ nhẹ nhàng quán chiếu để dòng tâm thức khi chảy như một dòng sông, có đục có trong, có quanh co, có quanh co, có thẳng thớm, có nhẹ nhàng.

Các bạn! Bạn và Bảo Thành sẽ có một sự trải nghiệm tuyệt vời trong đục trong, trong sướng khổ, trong an lạc và phiền não, trong thành công và thất bại, trong khen và chê, trong tốt và xấu,.. Những điều đó là sự tất yếu của dòng tâm thức của dòng sông cuộc đời luôn luôn chảy qua, đừng sợ cứ chảy theo dòng tâm thức thanh tịnh của chánh niệm, quán chiếu với mật thiền tự lực đứng dậy thắp đuốc tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang nhìn rõ vạn vật trong vũ trụ này cũng chỉ là một dòng chảy trong tâm thức, tất cả rồi sẽ qua, chỉ còn lại sự bình an duy nhất nếu chúng ta phá được chấp. Còn nếu không phá được chấp cho nó là có thì chẳng nói đến chuyện to lớn đâu, chuyện rất nhỏ thôi là ta luôn luôn có cảm xúc đau khổ phiền não, thì đâm ra bon chen và chấp thủ, vơ vét và tàn khốc, mất đi tánh hiền nhân vốn có nơi mỗi người chúng ta.

Các bạn hãy trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Ngày xưa ngồi bên dòng sông Ni Liên Thiền, Ngài đã đặt cái bát xuống và phát nguyện thành đạo bồ đề thì nhất định bát trôi ngược dòng sông. Chúng con hôm nay đặt cuộc đời trong biển thức trầm luân nhiều kiếp, cũng phát nguyện trôi ngược dòng sông phá chấp mê để thành tựu được sự an lạc trong cuộc đời này. Xin chư Phật gia trì cho chúng con và gia trì cho tất cả những ai phát nguyện đi ngược dòng đời để phá chấp phá mê, thành tựu được đạo quả an lạc trong cuộc sống.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Nếu chúng con có được chút phước báu nào trong sự đồng tu ngày hôm nay, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts