Search

Bài 3001. Tu Hành Như Thuyền Ngược Nước | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi.

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thưa Phật! Chúng con đã bước qua sự đồng tu của năm thứ ba với Mật ngôn Ma Sa Ốp Uê. Chúng con nguyện xin chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh và thắp sáng trí tuệ để chúng con quán chiếu tâm tỉnh giác và thành kính đón nhận đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn trong năm nay.
Xin chư Phật gia hộ!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái.

Các bạn thân mến! Với Mật ngôn Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là quán chiếu tâm Tỉnh Giác và thành kính đón nhận đại thủ ấn trí tuệ an lạc viên mãn. Chúng ta hôm nay bắt đầu sự đồng tu này, đón nhận năng lượng Từ Bi và thắp sáng Trí Tuệ, thể nhập vào sự Tỉnh Giác, hòng đón nhận đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn. Năng lượng sẽ đổ tràn đầy xuống với chúng ta qua hơi thở của chánh niệm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác.

Chúng ta hãy bắt đầu hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)


Bảo Thành kính chào các bạn đồng tu!
Các bạn! hôm nay ngày đầu tiên chúng ta bước vào tu tập thiền mật Mật ngôn số 3. Bước vào năm thứ ba, mỗi một Mật ngôn trong Thất Bảo Huyền Môn, Bảo Thành cùng các bạn phát tâm tu luyện một năm trời để thể nhập vào Mật ngôn ấy, ứng dụng vào đời sống hàng ngày để có được tâm an lạc và hạnh phúc.

Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang nghĩa là quán Trí Tuệ để thấu rõ được Vô Thường sanh diệt, thấu rõ được Khổ và Vô Ngã. Hôm nay đi vào quán chiếu tâm Tỉnh Giác Ma Sa Ốp Uê để lãnh nhận đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn. Mật ngôn này linh diệu vô cùng, bởi khi chúng ta thể nhập vào trong chánh niệm hơi thở, tâm tỉnh giác sẽ được khơi dậy, để mọi người có cơ hội nhìn thật rõ vào đời sống của chúng ta, thấy được tất cả những sai lầm, những nghiệp chướng. Chuyển hóa, sửa đổi để cho được sạch sẽ, không còn uế trượt mà lãnh nhận đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn, hay còn gọi là nhận quán đảnh Trí Tuệ An Lạc viên mãn. Nói theo Ngài Bồ Tát Phổ Hiền là thỉnh Phật trụ thế ở trên tâm hay quán tâm tỉnh giác thỉnh Phật trụ thế. Phật là bậc tỉnh giác, ta thỉnh Phật trụ vào cuộc đời của ta, là ta thỉnh tâm tỉnh giác của chư Phật vào với ta. Nói như vậy có lẽ hơi mường tượng, hơi trừu tượng. Nhưng kỹ thuật ghép cây ngày nay dễ để cho chúng ta hiểu thấu được. Thỉnh Phật trụ thế không khác gì nghệ thuật ghép cây. Ta lấy một cành cây này ghép vào gốc của cây kia, nương vào sức sống của gốc cây kia. Mà cành khi rời gốc của chính mình sẽ được ghép vào gốc khác, tiếp dưỡng sức sống trở thành một và sẽ trổ bông kết trái. Ai trong chúng ta thời đại ngày nay đều thấy được nghệ thuật cấy ghép. Trong y học cũng có cấy ghép các cơ phận nội tạng, cấy ghép tay chân, nội tạng, mắt…, là những nghệ thuật y học ngày nay để sống lâu, sống thọ và trị bệnh. Và cũng để làm đẹp nữa, tóc rụng còn cấy được mà, cái gì cũng cấy được. Chữ cấy ghép đó có thể thay đổi một tên khác gọi là gắn kết. Khi gắn kết lại với nhau bằng một nghệ thuật đặc biệt thì có sự liên kết lưu truyền sự sống, điều này thật rõ ai cũng thấu.

Ma Sa Ốp Uê là một nghệ thuật sống tâm linh siêu mật viên dung, vì sao? Vì mỗi một người Phật tử tại gia hoặc các bạn khi có nhân duyên tu tập, chúng ta tiến hành một cuộc giải phẫu toàn diện, cắt lìa cuộc đời của chúng ta khỏi gốc vô minh của phàm phu và gắn kết, tức là cấy, tức là ghép vào cái gốc tâm tỉnh giác của chư Phật. Khi chúng ta liên kết, khi chúng ta ghép cành cuộc sống của chính mình lìa khỏi gốc vô minh và liên kết với gốc tâm tỉnh giác của Phật. Gắn kết mật thiết đến khi nó có thể liên kết, để dòng tâm tỉnh giác từ gốc là Phật, là Bồ Tát có thể lưu dẫn truyền vào trong cuộc đời của ta. Thế là ta đã thay đổi cuộc đời một cách tự nhiên. Đây là một nghệ thuật sống tâm linh, không nhất thiết phải gượng ép vào tôn giáo để cho nó trở thành vĩ đại cao siêu hơn. Hãy quan niệm rất bình thường. Thiền mật song tu là một nghệ thuật sống về tâm. Đã gọi là nghệ thuật chúng ta cần phải học hỏi, cần phải thực hành những thao tác cho đúng để có thể thành tựu được những điều ước muốn. Nói chung một cuộc giải phẫu toàn diện mang đến sự thành công viên mãn. Ma Sa Ốp Uê là quán tâm tỉnh giác, là đón nhận đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn.

Các bạn có hiểu đơn giản khi cuộc đời chúng ta nói theo Phật học, ngôn ngữ Phật giáo thông dụng hàng ngày. Chúng ta sinh ra từ cái gốc, cái nhân là vô minh, nếu không lìa vô minh thì vô lượng kiếp ta vẫn luôn là vô minh, là không thấy rõ, là mê, là tối tăm, phải lìa xa gốc đó. Mà thân và cành lìa gốc sẽ chết, mà đúng vậy, nhưng lìa gốc vô minh mà được ghép vào gốc tỉnh giác của Phật nó cũng sẽ đau đớn các bạn ơi! Cành cắt lìa cây, lìa gốc cũng đau, đau đấy. Bởi ta không chung một cảm giác và cảm xúc như cây chẳng thấy nó đau, nhưng thực ra nó có đau. Khi chúng ta cắt lìa cuộc đời khỏi gốc vô minh, mà gốc vô minh là tham sân si, cắt lìa khỏi gốc chính là hành động ngược dòng nước mà chủ đề ngày hôm nay chúng ta gợi ý để đi vào mật ngôn số 3 Ma Sa Ốp Uê.

Chủ đề “Tu Hành Như Thuyền Ngược Nước”. Thật là ngược, tại sao phải cắt lìa gốc vô minh? Bởi gốc vô minh sẽ sản sinh ra toàn là những tham sân si, không thể kết trái, kết hoa đẹp. Nó sẽ trổ sinh sâu bọ gặm nhấm cuộc đời, làm cho đau khổ và phiền não. Tu tập Ma Sa Ốp Uê chúng ta phải có một sức mạnh nội tâm, minh xét thật rõ con đường lìa xa gốc vô minh. Lành thay chúng ta đã nhận diện ra gốc tâm tỉnh giác từ Phật. Một lòng phục kính Chư Tôn, theo Ngài Bồ Tát Phổ Hiền thỉnh Phật trụ thế, để chúng ta dõng mãnh cắt lìa cuộc đời này khỏi gốc vô minh kia mà ghép vào gốc tỉnh giác của Phật. Từ đó đón nhận đại thủ ấn trí tuệ an lạc viên mãn, có nghĩa là được cấy ghép và hoàn thành viên mãn, đóng dấu, đóng mộc. Đại thủ ấn tức là đóng mộc, để khẳng định rằng từ nay cuộc đời của Phật tử tại gia đã phát nguyện lìa vô minh mà trụ vào tâm tỉnh giác. Đại thủ ấn trí tuệ viên mãn là một ấn pháp để chúng ta có thể thông hành đi xuyên suốt từ cõi giới vô minh lầm lạc của loài người vào cảnh giới thanh tịnh tỉnh giác của chư Phật. Để lìa mê mà cập bến giác, để xóa sổ sự đau khổ phiền não mà ứng được sự an lạc, hạnh phúc trong ngay đời thường của Phật tử tại gia. Trong từng giây phút chánh niệm hơi thở, mỗi một người chúng ta hiểu được ý nghĩa đó thì phải có những bước chuẩn bị kỹ càng, để khi lìa gốc vô minh ghép vào gốc tỉnh giác của Phật nó có thể liên kết nhanh chóng, để luân lưu dòng chảy của tâm tỉnh thức vào cuộc đời để sống.

Nhớ lại một câu chuyện năm xưa của Đức Phật khi Ngài ăn chén cháo sữa của một cô gái hiến tặng cho. Ngài uống sữa xong và phát nguyện ngồi ở gốc cây bồ đề cho tới khi Giác Ngộ. Để chứng nguyện cho nguyện lực dõng mãnh đó, Ngài thả cái bát xuống dòng nước bên dòng sông Ni Kiện và phát nguyện rằng nếu ấn chứng điều đó thì cái bát kia phải trôi ngược dòng nước. Mà thực sự sau đó cái bát đã xoay tròn trôi ngược dòng nước. Đây là một hình ảnh diễn tả về sức mạnh lội ngược dòng đời, phá bỏ những tập khí, thói quen truyền kiếp trong ác nghiệp, rất cần một sự chuẩn bị. Hình ảnh này để nhắc nhở cho chúng ta khi phát tâm tu hành thiền mật song tu, sẽ phải đau đớn cắt rời bỏ khỏi vô minh, khỏi cái tham, tham tiền, tham ái, tham dục, tham đủ thứ. Khỏi những tâm nóng giận, sân si, bực bội, khó chịu. Khỏi những ngu ngơ, mù mờ, lần mò để đi ngược lại những thói quen đời thường đã tạo ra phiền não cho chúng ta. Các bạn không dễ gì từ bỏ những thói quen đã lập đi lập lại nhiều năm, nhiều kiếp. Các bạn cứ nhìn thẳng vào đời sống của chính mình sẽ thấy được. Biết bao nhiêu những thói quen mà chúng ta đôi khi quyết định từ bỏ rất khó, bởi nó đã quen, nó ăn sâu vào cái cảm xúc rồi, lạ lạ một chút là khó chịu. Có những thói quen ăn uống mặn nay ăn lạt chịu không được. Có thói quen ăn cay mà hôm nay ăn cái gì không có ớt ăn không có vô. Có những thói quen nói năng buông tuồng, thô ác, chửi tục, nay nói lịch sự, bặt thiệp ngượng miệng. Có những thói quen đi ngang về ngược, nay phải đi xuôi khó lắm. Có những thói quen thích làm anh hùng, gà cồ gáy cho to nay phải tĩnh lặng, tịnh khẩu chịu sao nổi. Rồi thật nhiều những thói quen tai hại, đơn giản như có các vị có thói quen hút thuốc với khái niệm lần đầu chỉ là hút thuốc thôi. Tuổi trẻ mà, không nghĩ sâu, nhưng khi phát hiện những thông tin khoa học về y học chứng minh hút thuốc sẽ bị lao phổi, nguy hại đến sức khỏe, chết sớm, ta thấy được lợi lạc muốn bỏ cũng thật khó, bởi nó thành một cái thói quen, quen riết rồi ghiền, ghiền đến mức mà không thể bỏ được.

“Tu hành như thuyền ngược nước” ý nói rằng đi vào con đường tu ta phải có sức mạnh lội ngược những thói quen xấu. Có những thói quen tốt ta cần phải tiếp tục giữ, vận dụng vào đời. Để nhận biết được những thói quen xấu nhất định ta phải cắt lìa khỏi gốc vô minh, quán vào tâm tỉnh giác của chư Phật, đón nhận đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn để có cơ hội nhìn rõ những thói quen tận cố, những tập khí xấu lâu đời nhiều kiếp để dừng, để chuyển. Và như vậy đó là một sự phát nguyện thật lớn, cần có một công hạnh thật rõ ràng, cần có một sự sách tấn và nỗ lực của tự thân mới có thể đi ngược lại những thói quen xấu hàng ngày. Không phải tu hành như thuyền ngược nước là phải từ bỏ cuộc đời, không. Tất cả những gì trong cuộc đời ta không cần phải bỏ, ta không cần phải sửa, mà chỉ bỏ là bỏ thói hư tật xấu, sửa là sửa những lầm lỗi sai phạm ác nghiệp mà thôi. Đừng gán ghép rằng tu hành như thuyền ngược nước là phải từ bỏ tất cả, đó là một khái niệm đánh tráo chân lý lầm lạc, dẫn đưa đến sự hiểu lầm cho nhiều người. Từ đó họ suy nghĩ Phật giáo tiêu cực, đi tu hành theo Phật giáo phải bỏ hết mọi thứ, đó là hiểu sai. Người Phật tử tại gia làm sao có thể bỏ chồng, bỏ vợ, bỏ con, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ nghề nghiệp, bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ hết,.. để chui vào trong động trong núi mà tu. Ngoại trừ các đấng bậc muốn làm bậc xuất gia, thì sự từ bỏ là vô hại không nói tới. Còn tu hành mà bỏ, theo Phật tử tại gia phải xác minh thật nghĩa của nó là từ bỏ thói hư tật xấu, tập khí nhiều đời gây ác nghiệp. Và khi chúng ta cắt lìa khỏi những thói hư tật xấu, tập khí nhiều đời không dễ, không dễ. Nhất là hàng Phật tử tại gia bận rộn quá, lo toan cho đời thường quá nhiều mà sống như đời xuất gia thì không thể đâu. Có những vị xuất gia luôn luôn mong cầu các Phật tử tại gia phải sống như họ, nhưng không thể. Vậy nên từ ngàn xưa ông bà đã đặt cho chúng ta một câu để tư duy, nói rằng Phật tử tại gia cần phải cố gắng nhiều lắm. Nhưng sự cố gắng của chúng ta sẽ đưa đến sự thành công cao cả. Đó là: thứ nhất là tu tại gia. Phật tử tại gia mà tu được thì công hạnh còn lớn lao hơn cả những vị xuất gia. Ông bà nói như vậy không phải là nói suông nhưng nói dựa trên chiều dài kinh nghiệm thực tế bao nhiêu ngàn năm, vì sao? Vì đời sống tại gia thật khó tu, quá nhiều chuyện bận rộn trong đời, nhưng nếu có thể tu được thì là bật nhất không thể nghĩ bàn.

Các Phật tử tại gia thân mến! Các bạn đang có cơ hội để trở thành đệ nhất cao thủ xuất, xuất phàm, rời phàm tánh để đi tu đấy. Ta có cơ hội đó, nếu chúng ta suy nghĩ một cách chính chắn và tu hành thật sự như con thuyền đi ngược nước, nghĩa là đi ngược những cái thói quen xấu, tội lỗi, những tập khí không hay. Thì tại gia đình cương vị là chồng, là vợ, là cha, là mẹ, là ông bà, là con cái,.. cương vị nào không quan trọng, ở chính cương vị đó ta quán tâm tỉnh giác, lìa xa những thói xấu tật hư để gắn kết mật thiết với tâm tỉnh giác trí tuệ của Phật. Đón nhận cái mộc, đại thủ ấn thông hành trên con đường trí tuệ và an lạc viên mãn, để không gặp trắc trở chướng ngại trong cuộc sống hàng ngày. Điều này ta làm được. Nó là một nghệ thuật để sống và nghệ thuật đầu tiên để chuẩn bị cắt lìa gốc vô minh, gắn kết với tâm tỉnh giác đó là phải lau sạch những thói hư tật xấu, phải gọt cái vỏ của những tập khí lâu đời của ác nghiệp.

Các bạn! Ghép cây các bạn biết rồi. Thứ nhất là phải cắt ra cái cành cây lìa khỏi cái gốc kia, sau đó là gốc mình muốn ghép vào phải lột vỏ, ghép nó vô rồi cột chặt, cho một chút xúc tác, phân xúc tác để tạo cái rễ cho nhanh. Phần xúc tác tạo rễ cho nhanh khi ghép cây đó chính là chánh niệm hơi thở, từ bi trí tuệ. Rễ tỉnh giác sẽ mọc ra bám chặt vào gốc của Bồ Tát, của chư Phật. Thế là cành vô minh lìa gốc vô minh mọc trên gốc tỉnh giác tâm Phật, ta sẽ có an lạc và hạnh phúc. Chỉ cần nghĩ thật đơn giản và thuần thục những cái thao tác như vậy. Chúng ta làm một cuộc chuyển dời cực phẩm để đưa đến sự thành công và có được một đời sống an lạc. Ma Sa Ốp Uê là đại thủ ấn trí tuệ an lạc viên mãn, là một sự chuyển di cái thân tội lỗi, tập khí nhiều đời rời xa gốc vô minh. Ghép và liên kết vào gốc tâm tỉnh giác của Phật. Các bạn nghe kỹ không, dễ lắm. Chỉ cần những thao tác gọn lẹ, mỗi một ngày tưới tẩm nước cho đều đặn bằng hơi thở của chánh niệm trong sự đồng tu thế là xong. Thế là Ma Sa Ốp Uê.

Bảo Thành không ứng dụng những ngôn từ Phật pháp cao siêu huyền bí. Các bạn nghe, Bảo Thành không ứng dụng những ngôn từ Phật pháp cao siêu huyền bí, chế tạo ra bởi những đầu óc có giới hạn và nghiệp chướng tràn đầy để gượng gạo giải thích về sự giác ngộ của Phật Bồ Tát. Mà Bảo Thành sử dụng những ngôn từ ghép cây của một nhà nông với tâm chân thật, nhìn rõ được sự sống khi biết lắp ghép đúng cái gốc mà mình lựa chọn để tạo cảnh và kết trái tốt nữa.

Chúng ta, Phật tử tại gia là những nhà nông dân, miệt mài cày cấy trên ruộng phước cằn cõi sỏi đá của ác nghiệp nhiều đời. Nhưng nhờ vào đó mà ta hiểu rõ cần phải di dời và học ngành ghép cây chuyển gốc, chuyển thân. Chuyển thân từ gốc vô minh, chuyển đời từ cõi vô minh vào trong cõi tỉnh giác, gốc tỉnh giác của Phật là một nghệ thuật thật đơn giản mà ai cũng có thể làm được. Nên hãy ứng dụng những ngôn ngữ ghép cây đơn giản thôi, đừng cầu kỳ hóa, thần tượng hóa ngôn ngữ rồi chấp vào ngôn ngữ, đấu đá ngôn ngữ, xỉa xói nhau. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện chế tạo ra để truyền tải sự hiểu biết của nhau. Ngôn ngữ ghép cây là một ngôn ngữ thực tế trong đời thường. Mà Đức Phật dạy là dạy phương pháp sống an lạc tỉnh thức và hạnh phúc, để không còn khổ đau và phiền não. Do đó, cắt cành khỏi gốc vô minh ghép vào tỉnh giác, tâm ta an lành, đúng. Hãy cùng nhau làm một cuộc giải phẫu, hãy tự cắt lìa cuộc đời của mình một lần khỏi gốc vô minh, khỏi cái gốc tham sân si. Đau đớn có, khổ có, mệt mỏi có, chán nản có, muốn bỏ cuộc có, nhưng hãy nhớ nếu quá trình giải phẫu toàn diện ghép gốc kia được thành tựu bằng những cái thao tác chuẩn mực. Sau đau đớn, sau phiền não, sau chán nản, sau những giây phút cảm xúc muốn bỏ cuộc, ta sẽ có được sự An Lạc viên mãn, Trí Tuệ và Từ Bi.

Phật tử tại gia rất cần sự an lạc trong cuộc sống. Mà chúng ta thường nói với nhau xin cho tôi xin hai chữ bình an. Bình an có nghĩa là an lạc, ai tới trong cuộc đời để cho bạn bình an? Nếu nói rằng xin cho tôi hai chữ bình an, cho được. Bởi ngày tết ta có thể đi tới ông đồ xin chữ bình an, nhưng dù có vẽ theo dạng thư pháp nào đi nữa thì bình an sẽ không thể có. Nó chỉ trên bề mặt của chữ nghĩa để khoe mẽ, để trang trí, để trang điểm. Nhưng nếu để khoe mẽ, trang trí, trang điểm cho bình an ta không cần. Bình an thật sự sẽ có, an lạc thật sự sẽ có, nhưng có bằng một sự quyết tâm cắt rời khỏi vô minh, ghép vào sự tỉnh giác qua chánh niệm tỉnh giác của Ma Sa Ốp Uê. Thì bạn quán chiếu trong từng giây phút với mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, với một lòng thành kính thỉnh Phật trụ thế, chư Phật sẽ hiện tiền trong đời sống của bạn, sẽ che chở, sẽ hộ pháp, sẽ hộ mạng, sẽ dạy dỗ và sẽ luôn luôn nhắc nhở bạn vượt qua mọi chướng ngại. Đức Phật là đấng đại từ đại bi, gốc tâm tỉnh giác của Ngài luôn luôn kề cận chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta phải tự cắt lìa khỏi gốc vô minh mà ghép vào gốc tỉnh giác của Phật, qua chánh niệm hơi thở quán chiếu tâm tỉnh giác chúng ta sẽ làm được điều đó.

Nếu bạn vẫn có thói quen đi xin hai chữ bình an thì ngừng ngay, mà hãy giải phẫu cuộc đời của mình lìa xa vô minh, ghép vào sự tỉnh giác qua thể nhập và niệm hơi thở Ma Sa Ốp Uê, bạn sẽ có được sự an lạc và bình an.

Chủ đề “Tu Hành Như Thuyền Ngược Nước”. Có nhiều cách giải thích tùy theo tâm cảm của các bạn, nhưng đối với Bảo Thành câu chuyện của Đức Phật thả cái bát xuống dòng sông và nó đã lội ngược dòng, ý nghĩa rằng chúng ta phải có một sự quyết tâm phát nguyện thật lớn, đi ngược lại những thói quen xấu trong cuộc đời, những tập khí ác trong nhiều đời đã kết lại. Rất khó nếu không có sự quyết tâm, rất khó nếu không phát nguyện dõng mãnh. Nhưng thời đại bây giờ dể quá, là bởi vì chúng ta đã được chính đời sống của Đức Phật luôn luôn cận kề và mời gọi chúng ta là hãy cắt rời xa góc vô minh, ghép vào gốc tỉnh giác, sự sống sẽ lưu truyền. Và chúng ta, chúng ta đã có Thầy là Đức Bổn Sư, không thầy đố mày làm nên. Có Thầy rồi chúng ta sẽ dễ học, dễ làm mà thôi, không còn phải lần mò nữa. Đức Phật đã khám phá ra phương pháp tu, thay đổi di dời khi lìa xa vô minh, chuyển vào tánh giác qua chánh niệm hơi thở Ma Sa Ốp Uê. Nay trong thời đại hiểu biết và có nhân duyên tiếp cận được với thiền mật song tu, các bạn cùng với Bảo Thành không cần phải lần mò nữa mà chỉ cần thực tập theo những thao tác mà Phật đã dạy. Để hiểu dễ hơn các bạn hãy tới những nơi trồng cây và ghép cây, hãy tự nguyện nhìn những nhà nuôi dưỡng cây kiểng, ghép cây kiểng đó, chúng ta sẽ nhìn thấy thao tác cắt ghép cành qua những cái gốc. Đức Phật là nhà làm kiểng đời sống tâm linh để thoát khổ, phiền não và làm đẹp cho sự an lạc và hạnh phúc. Tới với Phật học những thao tác cắt ghép rời xa vô minh, chủng tử bất thiện từ gốc vô minh sẽ không còn cơ hội xâm nhập vào đời sống của chúng ta nữa, nhưng những chủng tử tỉnh giác từ tâm Bồ Đề, từ gốc Bồ Đề sẽ luân lưu trong cuộc đời của mình, để mình hạnh phúc và an vui.

“Tu hành như thuyền ngược nước”. Công hạnh này cần phải có một sự quyết tâm đi ngược lại thói hư tật xấu, tập khí ác nhiều đời, chúng ta có khả năng làm được. Đừng như một kẻ ăn xin, xin hai chữ bình an mà hãy đứng thẳng dậy, tự mình trụ vào tâm tỉnh giác của Phật, để lãnh nhận đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn.

Các bạn! Chúng ta trở về với hơi thở.

Thưa Phật! Xin Ngài hãy luôn gần gũi với cuộc đời của chúng con, để chúng con học hỏi cho đúng những thao tác, cắt xa cuộc đời lìa khỏi vô minh, ghép vào gốc tỉnh giác Ma Sa Ốp Uê, để lãnh nhận đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn. Nguyện cho sự an lạc viên mãn tới với muôn người, nhất là với các đấng bậc sinh thành.

Chúng ta hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới.

Xin chư Phật chứng minh! 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts