Search

Bài 2259. Một Ngày Hay Trăm Năm

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook chùa Xá Lợi. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và soi sáng Trí Tuệ cho các vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới để họ nhận ra chiến tranh là chết chóc, là đau khổ, là tàn khốc, và là đại gian đại ác, để họ có thể bình tâm ngồi xuống bàn thảo và thành lập nên nền hòa bình cho thế giới. Xin Chư Phật chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy lấy Trí Tuệ soi sáng cuộc đời và làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong từng giây phút Chánh niệm hơi thở, chúng ta quán chiếu tự thân là Vô thường, Vô ngã và Khổ, để bớt tham luyến ái dục trong cuộc đời. Nguyện hồi hướng năng lượng tình thương tới cho muôn người.

Chúng ta hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

(7 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến! Chúng ta đang gặp nhau hôm nay vào ngày thứ sáu, ngày cuối cùng sau hai năm chúng ta đồng tu Thất Bảo Huyền Môn – Thiền Mật song tu. Ngày mai thứ bảy sẽ bắt đầu năm thứ ba cho mật ngôn thứ ba, thể nhập vào thể tánh giác ngộ của Chư Phật. Thật là hạnh phúc, khi các bạn đã vượt qua biết bao nhiêu chướng ngại trong đời sống, để cho phép Bảo Thành có thời gian gặp gỡ các bạn online đồng tu với nhau mỗi một ngày. Trong thời buổi hiện đại, kinh tế mở rộng, biết bao nhiêu những thú vui về kỹ thuật số hấp dẫn, cám dỗ con người, thật khó để cho chúng ta có thời gian để tu. Bởi thông thường khi tu tập dưới mọi hình thức của các tôn giáo, chúng ta thường than rằng: Khô khan, buồn ngủ, khó chịu, kinh điển ngôn ngữ cổ xưa khó hiểu và sao nó xa rời thực tế, không có gắn kết với sinh hoạt hằng ngày. Từ đó mà chỉ có một số người tu mà thôi, rất ít người tu. Nhìn lại chúng ta tu được hai năm, tu từ một nhóm thật nhỏ, một số bạn biết được để tu khi đại dịch trên thế giới bùng nổ lan tràn giết chết biết bao nhiêu con người. Nhưng sau hai năm, chúng ta đã có thêm một số bạn ghé ngang trang Thất Bảo Huyền Môn trên YouTube và Facebook và chia sẻ để có cơ hội tìm gặp các bạn có nhân duyên phù hợp với Thiền Mật song tu.

Bảo Thành rất hạnh phúc! Không ngờ rằng chúng ta vẫn tiếp tục và sẽ bắt đầu bước vào năm thứ ba vào ngày mai

Khoảng độ chừng mười năm trở lại, ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, thật nhiều các bạn trẻ và Phật tử đã có cơ hội tiếp xúc với Phật giáo, với các pháp tu. Các thiền viện, các ngôi chùa, tịnh thất, am thất đã thường xuyên có mặt của các bạn để đọc kinh, để trì giới, thọ bát quan trai, để ngồi thiền, để niệm Phật. Nhiều pháp môn đã được giới thiệu và các bạn đã tiếp cận qua sự trải nghiệm ngắn, dài để lựa chọn cho mình pháp môn phù hợp mà tu. Đây là một sự khích lệ lớn trong thời đại này. Nếu nói rằng chúng ta tu thành tựu được hay không thành tựu, về chiều sâu ta không lấy thước để đo bởi ai biết được. Nhưng về hình thức thì rất là nhộn nhịp, vui, bởi gặp gỡ được nhau trong cửa thiền môn là điều cao quý.

Nay nói đến cái chủ đề của ngày cuối sau hai năm: “Một ngày hay trăm năm”. Chúng ta vừa tính hai năm, hai năm tròn rồi các bạn. Nay nghe đến chủ đề: “Một ngày hay trăm năm”, chúng ta đồng tu một ngày, hay một trăm năm, hay hai năm? Có lẽ hình như để so sánh cái giá trị một ngày có bằng một trăm năm, hay một trăm năm sẽ có giá trị hơn một ngày?  Thông thường các bạn và Bảo Thành trong cái đời sống ngắn ngủi, ai ai cũng tầm cầu trăm năm thọ mạng dài lâu. Cuộc đời của ai cũng mong muốn có được tất cả mọi thứ. Cái từ “trăm năm” nói đến một cái độ dài thời gian để tận hưởng. Do đó mà khi người con gái và người con trai lìa xa gia đình của cha mẹ, kết hợp lên một gia đình, họ cũng lại hứa trăm năm hạnh phúc. Từ trăm năm nói đến sự bền vững, nói đến độ dài của sự chung thủy, của vượt khó khăn, gắn bó. Có phải là trăm năm mới nhận định được điều đó hay chỉ một ngày thôi thì tuỳ mỗi một con người diễn tả cuộc sống như thế nào.

Nhưng Đức Phật lại dạy nó khác một chút. Ngài không tính một ngày, cũng chẳng tính trăm năm. Ngài không nói rằng một ngày hay trăm năm là cao quý hay không cao quý, mà Ngài tính bằng một hơi thở. Các bạn nghĩ thử chiều dài một hơi thở, một hơi thở đó là một ngày, một trăm năm, hay bao lâu? Ngắn lắm! Giá trị sự sống của con người tính bằng một hơi thở. Hơi thở của Chánh niệm hay hơi thở của thất niệm? Nghĩa có thể dịch ra rằng tính bằng từng giây, không tính phút nữa mà tính bằng giây, nói đúng theo văn tự là từng sát na. Một giây người xưa nói bằng 17 sát na. Có nghĩa một sát là chưa tới một giây nữa, bằng 1/17. Ngắn lắm! Đời sống của con người có cái giá trị tính bằng giây các bạn ạ, không phải một năm đâu, không phải một trăm năm đâu. Và trong một giây đó, một hơi thở đó, bạn giữ được Chánh niệm đã là cao quý, đã là thành tựu, đã có phước báu, đã có công đức. Và cũng trong một giây đó bạn thất niệm, bạn cũng phá hủy tất cả và còn bị đọa đày vào trong địa ngục. Từng giây đó các bạn ơi, nếu bạn nhận diện ra cái nhân quả nó tác động vào đời sống của con người không phải tổng kết trong một năm, hay một trăm năm, hay từ vô lượng kiếp, mà là từng giây phút, các bạn sẽ cảm thấy thật sợ hãi. Bởi là từng giây phút, cái thiện và cái ác đều được ghi vào sổ, đều ảnh hưởng trong cái luật nhân quả của mỗi người chúng ta. Không thể loại trừ ra được các bạn ạ, không thể xóa sổ dù chỉ là một giây ta thất niệm. Cũng không thể nói rằng không tính dù chỉ là một giây ta có Chánh niệm. Giá trị đời người được tính bằng từng giây phút.

Kinh Pháp Cú nói: “Sống một trăm năm không bằng sống một ngày mà biết được nhân quả thiện ác”. Nhưng Chánh niệm hơi thở thì ngược lại: “Sống một trăm năm hay sống một ngày, không bằng một giây trong Chánh niệm”. Đức Phật dạy cho chúng ta: Đời của con người có hai đại bi kịch mang đến sự tuyệt vọng và đau khổ nhất của đời người đó là:

  • Thứ nhất: “Chiếm được những điều mình mong muốn”.
  • Thứ hai: “Không chiếm được những điều mình mong muốn”.

Phật dạy như vậy. Đó là đại bi kịch mang lại thất vọng đau đớn cho đời người. Hai cái đó bi kịch lớn nhất.

Bảo Thành nhắc lại, điều thứ nhất đó là: “Chiếm được những điều mình mong muốn”. Nếu bạn mong muốn một cái điều gì dù to hay nhỏ mà bạn chiếm được thì đó là bi kịch của đời người. Và “Nếu bạn không chiếm được những điều mình mong muốn” cũng là đại bi kịch trong đời người. Phật dạy như vậy. Chúng ta phải rất cẩn trọng trong từng giây phút bởi hoặc là công đức phước báu, hoặc là nghiệp chướng bất thiện được tính bằng từng giây, chẳng phải một trăm năm hay một ngày đâu.

Có một câu chuyện cổ của Phật giáo. Chúng ta cùng kể cho nhau nghe để thấy được giá trị của từng giây phút trong cuộc đời, đặc biệt là Phật tử tại gia chúng ta. Ngày xưa, có một vị xuất gia, một vị tỳ kheo tu thiền định đã đến mức có thể nhập định được trong một thời gian ngắn. Vị tỳ kheo này thường đi đây đó ngao du. Một hôm, trời đã tối, vị tỳ kheo tá túc bên một cái chùa nhỏ ở trong làng. Ở nơi đấy có một số chư Tăng tu học theo giáo pháp của Như Lai. Buổi tối, vị tỳ kheo kia lên trên Chánh điện để ngồi thiền. Vị tỳ kheo đang ngồi thiền một thời gian rồi, sắp sửa nhập vào đại định thì bất chợt các nhà sư ở trong chùa kéo vào Chánh điện ồn ào, ngồi xuống bắt đầu chuông mõ tụng niệm kinh điển. Ồn ào quá! Vị tỳ kheo không nhập định được nên nói với bản thân: “Thôi để khuya, để giữa đêm ta ngồi thiền”. Vào giữa đêm, giờ Tý, vị tỳ kheo lại vào Chánh điện ngồi thiền, cũng sắp sửa nhập định rồi, thì các nhà sư lại vào Chánh điện kinh kệ, gõ mõ, gõ chuông, đọc kinh râm ran. Vị tỳ kheo lại thấy ồn ào quá, khó có thể nhập định. Ngài đợi đến sáng sớm thiền để nhập định cho bớt ồn. Tới buổi sáng sớm vị tỳ kheo vô Chánh điện ngồi thiền. Cũng lại sắp sửa vào định rồi thì các nhà sư lại kéo vào Chánh điện, lại tụng Kinh, lại gõ mõ, gõ chuông. Tỳ Kheo này không nhập định được, bực mình, tức tối, nói một câu: “Cái chùa này các nhà sư tối ngày chỉ kêu như con ếch, chẳng biết làm gì”.

Chỉ một giây phút không đạt được những điều mà nhà sư mong muốn – Đó là sự yên tĩnh để mà nhập định cho riêng mình. Nên đã phát ra ngôn từ bất kính với các Tăng tu học giáo pháp của Như Lai là: “Tối ngày chỉ kêu như con ếch thôi”. Do đó mà sau khi nhà tỳ kheo này chết đi, bị đọa thành thân con ếch đến 500 kiếp. Và cái kiếp cuối cùng đang ở bờ hồ gần một nhà người nông dân có tên là Hoan Hỷ. Người nông dân này có pháp danh là Hoan Hỷ. Ngài ở gần chỗ Đức Phật giảng dạy, nên mỗi một chiều khi nghe Đức Phật dạy, thường hướng về nơi Đức Phật mà nghe kinh nghe pháp. Buổi chiều đó, khi Đức Phật bắt đầu truyền pháp, người nông dân đang làm việc, đang chăn vịt, đang chăn những con thú của mình thì liền hướng về nơi Đức Phật mà nghe pháp. Chống cái gậy xuống dưới đất đứng cho vững, yên định không nhúc nhích, lắng nghe một cách toàn diện lời của Thế Tôn. Cái gậy mà ông Hoan Hỷ chống xuống lại găm vào ngay cái lưng của con ếch xanh kia. Con ếch xanh đứng kêu rên thật to. Nó suy nghĩ không thể, không thể. Bởi vì nó nghĩ rằng khi nó la to lên thì bác nông dân Hoan Hỷ này sẽ giật mình và hoảng sợ, không nghe pháp trọn vẹn, nên nó im lặng và cũng thành kính hướng về với Phật. Nhưng khi ông Hoan Hỷ nghe pháp xong thì cuộc đời của con ếch cũng kết liễu, nhưng sau đó con ếch được tái sanh về cảnh trời Tứ Đại Thiên Vương.

Các bạn, câu chuyện cổ của Phật giáo chuyện về vị Tỳ kheo, chỉ một giây phút giận dữ chê bai khi tá túc ở một ngôi chùa nhỏ là các nhà sư ở đây chỉ kêu như ếch, mà đã tái sanh thành súc sanh là loài ếch, để rồi phải trải qua 500 kiếp. Lần cuối của kiếp ấy nhận ra cái giá trị nghe pháp của Phật, dù bị cây cắm xuyên lưng vẫn im lặng chịu, để rồi thành tựu công đức thoát khỏi kiếp ếch sinh lên cõi Tứ Đại Thiên Vương. Trong Phật giáo nhân quả rất đặc biệt, dù là Phật tử tại gia hay là xuất gia, khi học về Phật thấu hiểu được nhân quả mới thấy sợ hãi nhân quả của cuộc đời. Nhân quả thiện – ác được tính theo từng giây, từng hơi thở. Chỉ một giây phút thất niệm, chê bai các nhà sư đọc kinh như ếch, đã bị đọa rồi. Mà cũng chỉ trong một dây kham nhẫn chịu đựng sự đau đớn của thân xác, hướng về Phật, để cho mọi chúng sanh đồng thành Phật khi nghe pháp, đã được tái sanh về cảnh giới Chư Thiên. Một giây đó các bạn ơi, chỉ một giây thôi. Đúng! Đức Phật dạy cho chúng ta Chánh niệm trong hơi thở. Hơi thở tính bằng giây, đôi khi chúng ta nghĩ tu cái gì đây? Chỉ có một giây hít vào, thở ra trong Chánh niệm, quán chiếu tâm Từ Bi Trí Tuệ thì có lợi ích gì? Không! Con ếch đó chỉ một giây nghĩ về thiện pháp hướng về Phật thôi đã sinh về cõi trời Tứ Đại Thiên Vương. Và một vị tỳ kheo cũng chỉ một giây phát lên những ngôn từ thô ác đã bị đọa thành thân súc sanh. Trong từng giây phút Chánh niệm hơi thở của chúng ta, chúng ta nghĩ về Phật, chúng ta gắn kết với chư vị Bồ Tát, chúng ta gần gũi với Long Thiên Hộ Pháp, Chư Thiện Thần, chúng ta liên kết với các bạn đồng tu. Chỉ một giây trong cái tâm Từ Bi, trong Trí Tuệ viên mãn đã đủ lắm rồi. Trong giây phút đó như con ếch kia, chúng ta đồng hướng về với Chư Phật, chúng ta đồng hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh không còn bị kinh sợ để có thể lãnh nhận được giáo pháp của Như Lai. Trong giây phút đó, chỉ trong giây phút đó thôi, các bạn ạ, Bảo Thành và các bạn đã thành tựu được phước báu vô cùng. Mà nếu như ngay trong giây phút ấy, thọ mạng đã hết nhất định chúng ta sẽ sanh về cõi trời. Con ếch kia, chỉ một giây phút kham nhẫn chịu đau, hướng về với Thế Tôn để cho vị nông dân kia nghe pháp, đã được sinh về cõi trời Tứ Đại Thiên Vương. Huống hồ gì chúng ta, chỉ một giây phút Chánh niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán, phước báu công đức nếu được tính thì bất khả tư nghì (có nghĩa không thể nghĩ bàn). Do vậy mà cuộc đời của chúng ta, đừng coi thường những cái việc thiện thật nhỏ, dù chúng ta làm chỉ trong một giây, đừng bao giờ bỏ qua.

Phật dạy trong Kinh Pháp Cú: việc thiện dù có nhỏ cỡ nào đừng bao giờ bỏ qua và cũng đừng bao giờ tác ý tạo việc ác dù là rất bé, rất nhỏ, rất ít. Ngay chỗ đấy, chúng ta thấy giá trị của nhân quả, của thiện nghiệp và ác nghiệp được tính chẳng phân biệt to, nhỏ. Đời sống Phật tử tại gia, chúng ta tương tác thật nhiều, và trong sự tương tác của cuộc sống ngày nay, biết bao nhiêu ý khởi nên ở trong đầu như cỏ dại nó mọc, cỏ hoang, cỏ gai, cỏ độc. Nếu chúng ta không giữ được Chánh niệm để từ cái ý đó được tu, được nguyện, được làm chủ, thì nhất định chúng ta sẽ như vị tỳ kheo kia nhiều lần chê bai người khác. Các bạn nhớ, tỳ kheo đó nha, không phải người thường như chúng ta, nếu được tính thực sự một vị tỳ kheo tu mà có khả năng nhập định rồi là phước báu nhiều lắm. Thế vậy mà chỉ một giây thất niệm chê bai các nhà sư khác khi tá túc chùa của họ rằng “họ kêu như ếch” mà bị đoạ làm thân thú. Còn Phật tử chúng ta chưa có cơ hội và khả năng nhập định như vậy, chưa thể tính như vị tỳ kheo kia, mà giờ giờ ngày ngày, tháng tháng, năm năm thất niệm, toàn nói, toàn suy nghĩ, toàn hành động một cách thô ác. Thôi rồi! Thân ếch khó tìm, thân ngạ quỷ cũng khó có thể, địa ngục mà thôi, biết rõ chẳng tránh được đâu, ta phải cẩn thận.

Bảo Thành hạnh phúc lắm, không nhiều nhưng mà ít ra trong hai năm, các bạn dần dần đã nhân rộng để gắng đồng tu với Bảo Thành. Dù chỉ một giây trong Chánh niệm, quán chiếu tâm Từ Bi của mẹ Hiền Quan Thế Âm và thể nhập vào nguồn sáng Trí Tuệ của Thế Tôn, chỉ một giây thôi các bạn, công đức vô lượng đầy, đừng coi thường bỏ qua. Các bạn nếu cứ tu thì nhất định cuộc đời của các bạn sẽ thay đổi thật tốt đẹp. Chẳng phải là một miền đất hứa mà đây là sự thật của công hạnh tu trong từng giây được thành tựu trong Chánh niệm. Có thật nhiều người trong chúng ta, không phải là tỳ kheo, chúng ta lê lết từ nhà này qua nhà kia nghe chuyện, hóng chuyện, ngớt chuyện, rồi bắt đầu phóng đại, khuếch tán, tạo khổ, rất nguy hiểm. Tâm cứ thất niệm như vậy, cứ loạn thần như thế, cứ phóng tâm lung tung, thì thôi, dù có một trăm năm hay một ngàn năm vô lượng kiếp cũng chẳng có giá trị gì.

Bảo Thành lại có một câu chuyện bổ túc. Có một vị tỳ kheo. Vị tỳ kheo này trong thời đại của kỷ nguyên 4.0. Vị tỳ kheo này đang sống trong thế kỷ này, trong thời nay, thời của Bảo Thành đó, Bảo Thành quen biết được vị tỳ kheo này trong một thời gian rất ngắn. Vị tỳ kheo  này có đại phước, phước báu lớn, bởi có nhân duyên tiếp cận được các bậc đạo sư cao cả, chứng đắc, nên vị tỳ kheo này đã học được các pháp mật truyền cao quý, hiểu thấu được nhân quả, thiện, ác. Vị tỳ kheo này rất sợ nhân quả thiện ác. Rất sợ nhân quả và rất sợ kiếp sau bị đọa vào địa ngục, nên kiếp này vị tỳ kheo luôn sám hối, luôn tu một cách chân chính miên mật và nhắc nhở mọi người phải biết sợ cái nhân quả, cái nghiệp ác. Ngõ hầu tu, tu đúng theo Phật pháp, tu đúng theo lời Phật dạy để mong sao sanh về cõi tịnh độ Tây phương cực lạc. Với một tâm nguyện lớn, chẳng phải như vị tỳ kheo trong câu chuyện kia là đi chơi tối rồi ghé ngang một ngôi chùa ở tá túc, mà vị tỳ kheo này đã phát tâm đi tới thật nhiều những ngôi chùa của Việt Nam, mong rằng mang cái giáo pháp giác ngộ của những bậc đạo sư cao cả học được truyền dạy, khai thị, giới thiệu và hướng dẫn cho những người có nhân duyên học để họ thoát khổ. Hình như cũng có chút cái máu của vị tỳ kheo trong cái câu chuyện kia, vị thầy này đi tới bất cứ một chùa nào cũng không ưng ý về cách sinh hoạt tụng kinh, cúng kính, bái sám của tất cả các ngôi chùa mà vị thầy này lui tới. Chỉ ở được dăm ba ngày thôi, ba, bốn ngày, cao lắm là hai tuần thì bắt đầu y như vị tỳ keo kia đã chê bai rồi. Không phải chỉ một lần chê bai các nhà sư kêu như ếch, mà còn lên kế hoạch công bố thiên hạ cho người ta biết về những ngôi chùa vị thầy này đã đi qua tu không đúng chánh pháp, tối ngày kêu như ếch, sinh hoạt những chuyện tào lao. Cho nên trải qua mười mấy năm, như một vị du già, nay tuổi đã già, vân du đã khó, chẳng thể tìm nơi trú ngụ ở trong chùa, cứ lang thang mãi. Dạy về nhân quả thiện ác mà chẳng thể nhận ra cái ác từ nơi những ngôn ngữ, văn tự, suy nghĩ của riêng mình, dù mang thân là một vị thầy, vị xuất gia, vị tỳ kheo.

Các bạn, chúng ta Phật tử tại gia chẳng khác gì vị tỳ kheo trong câu chuyện thứ nhất và câu chuyện thứ hai này. Dù chỉ là câu chuyện nhưng sao nó hợp với chúng ta quá. Nó hợp với Bảo Thành và các bạn quá. Các bạn và Bảo Thành đã bao nhiêu năm qua rồi chẳng giữ thân, ngữ, ý thanh tịnh, luôn luôn tạo nghiệp ác. Như lời Phật dạy: Hai cái đại bi kịch trong đời người dẫn đến sự đau khổ và tuyệt vọng, thứ nhất là: chiếm được những điều mình thích, chúng ta và Bảo Thành và các bạn đã tạo lên hai đại bi kịch này. Bởi biết bao nhiêu thứ chúng ta đã chiếm đoạt được rồi trong sở thích của mình, và cũng biết bao nhiêu những thứ ta không thể chiếm đoạt được. Cả hai đại bi kịch này có đầy nơi Bảo Thành và các bạn. Các bạn thử nghĩ coi, nếu kết thúc cuộc đời ngay bây giờ, Bảo Thành và các bạn nhất định sẽ bị đọa xuống địa ngục, chẳng hù doạ. Phải cẩn trọng thôi các bạn. Đời sống của con người có giá trị hay không tính bằng từng giây, không tính bằng ngày hoặc một trăm năm, một đời người. Phật tán dương chúng ta, nếu như chỉ sống trong một giây mà Chánh niệm, hành thiện còn hơn sống cả trăm năm vô lượng kiếp mà thất niệm tạo ác. Đâu nói một ngày, một trăm năm, chỉ một giây thôi, một giây mà Chánh niệm, phước báu vô lượng, một giây mà thất niệm thì nghiệp quả vô song không thể nghĩ tới.

Chúng ta tu Chánh niệm hơi thở trong từng giây phút và sự đồng tu mỗi ngày, có lẽ một số bạn chưa thể nhập vào cái giá trị đặc biệt này, nhưng vẫn tu đã là hay rồi. Cái công hạnh của từng giây Chánh niệm, quán chiếu tâm Từ Bi của mẹ hiền Quán Thế Âm, thể nhập vào nguồn ánh sáng Trí Tuệ của Thế Tôn, chúng ta mỗi người sẽ tiếp cận được năng lượng siêu thế tha lực Phật điển, khế hợp nhịp nhàng với tự lực cầu đạo giác ngộ, thì tha lực và tự lực như âm – dương thành một, kết lên biết bao nhiêu công đức và phước báu, dù chỉ một giây. Nghĩ và nhận ra được giá trị trong từng giây phút để chúng ta siêng tu, tinh tấn tu. Và nghĩ được giá trị sống của đời người tính bằng giây phút, để chúng ta cẩn trọng từng suy nghĩ, từng lời nói và hành động trong mỗi một giây phút ta tạo ra hằng ngày. Tránh tất cả các pháp ác, luôn nghĩ về pháp thiện, giữ tâm trong Chánh niệm, hít thở thật nhẹ nhàng, đồng hành với mẹ Quan Âm, thể nhập vào ánh sáng Trí Tuệ của Phật, các bạn rất hạnh phúc. Không những thế, chúng ta còn hồi hướng, còn liên kết tới với tất cả những người chúng ta yêu thương như ông bà, như cha mẹ, như vợ chồng con cái, người thân và cộng đồng xã hội. Hòa bình từ đó mà được khởi sinh, hạnh phúc từ đó mà được trổ hoa, giá trị con người sống tốt hay xấu tính bằng giây, tính bằng từng hơi thở.

Quả vậy! Trong Thiền Mật song tu, chúng ta từng hơi vào ra, từng Chánh niệm, giữ tâm Chánh niệm bằng cách quán chiếu, gắn kết với mẹ hiền Quán Thế Âm, giữ Chánh niệm bằng cách thắp sáng Trí Tuệ để hiểu thấu được vạn pháp đều Vô thường sanh diệt, tới lui liên tục trong từng giây, từng phút. Cái khổ nó khởi, nó tạo và cái ngã nó lớn hoặc nó biến mất cũng trong giây phút đó. Quán chiếu Vô thường – Khổ – Vô ngã, thể nhập vào lòng Từ Bi mẹ Quan Âm trong từng giây phút, chúng ta sẽ thành tựu được vô lượng công đức và phước báu. Chỉ một giây phút thất niệm, vị tỳ kheo trong truyện đã luôn luôn trách móc các nhà sư trong ngôi chùa nhỏ “Chỉ tụng kinh như ếch kêu” mà đọa thành thân súc sanh. Chỉ nhiều lần ghé ngang các ngôi chùa và luôn chê bai: “Các chùa đó tu không đúng, chỉ lo Kinh kệ cúng kiếng tào lao không thôi” mà mười mấy năm trời chưa thể tìm được một chỗ thường trú, dù đã học được pháp môn huyền bí cao siêu của các bậc đạo sư. Dù vị tỳ kheo đầu đã nhập định vì học được pháp môn cao mà, dù vị tỳ kheo thứ hai đã học được bí truyền, mật truyền, hiểu thấu được nhân quả, nhưng không hành được các bạn ơi! Không giữ được. Chỉ một câu nói thất niệm mà trở thành ếch, chỉ nhiều lần thất niệm mà mười năm không có nơi cư trú.

Chúng ta phải nhìn vào hai cái câu chuyện, đây chỉ là hai câu chuyện thôi các bạn, một câu chuyện cổ của thời đại, một câu chuyện của hiện tại, khế hợp để thấy rằng: Chúng ta không khác gì hai vị tỳ kheo đó. Là Phật tử tại gia chưa có công hạnh nhập định, cũng chẳng có phước báu tu được những cái pháp cao cả của những bậc đạo sư giác ngộ, vậy mà chúng ta cứ chê bai, cứ khinh bỉ, cứ tạo ác. Và mong muốn sống cả trăm năm, cả ngàn năm vô lượng kiếp trong cái ác đó. Hãy nhớ lời Đức Phật dậy, hai bi kịch của đời người mang đến sự tuyệt vọng và đau khổ cùng cực đó chính là: “Chiếm được những điều mình mong muốn”, hoặc là “không chiếm được những điều mình mong muốn” đều là hai bi kịch đau khổ, tuyệt vọng muôn đời. Sống trong cuộc đời hãy lấy và thụ hưởng những điều gì ta có thể làm được bằng thành tựu phước báu của chính mình trong công hạnh Chánh niệm tu tập. Đừng mang tâm chiếm đoạt, không của mình chiếm chi được? Những cái gì ta có do công hạnh tu bởi phước báu và công đức mang tới đều là bất diệt, bất sanh. Những gì không thuộc về mình mà đi chiếm đoạt, vị tỳ kheo thứ nhất không được như ý khi tá túc ở các ngôi chùa, mang lời bất kính với các vị xuất gia hành theo pháp của Như Lai nên hoá thành ếch. Vị tỳ kheo thứ hai đi khắp nơi muốn chuyển hóa, muốn thay đổi, muốn mang chùa của người khác sinh hoạt theo ý của mình mà không được, nên cuối cùng phải cuốn gói lang thang chẳng nơi trú ẩn.

Còn chúng ta? Chúng ta tạo biết bao nhiêu nghiệp ác nhất định vẫn có chỗ để trở về. Chúng ta tạo biết bao nhiêu nghiệp ác nhất định vẫn có chỗ để trở về. Chỗ đó là địa ngục. Là địa ngục. Các bạn có muốn trở về địa ngục hay không?  Nếu muốn không có gì phải làm, nếu sợ cái nhân quả phải vào địa ngục nơi chốn ấy, chúng ta trong từng giây từng phút phải Chánh niệm và phải hành pháp thiện, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, cúng dường, từ thiện ngay ở cái pháp thiện ta đang tu. Chẳng tính bằng tiền, bằng tài, bằng công danh sự nghiệp, mà bằng từng hơi thở Chánh niệm trong Từ Bi và Trí Tuệ. Một ngày hay trăm năm? Bảo Thành trả lời: Một giây! Giá trị của đời người kết lên hay không chỉ trong một giây của Chánh niệm hay thất niệm.

Mời các bạn trở về với Chánh niệm của hơi thở.

Thưa phật! Xin Ngài gia trì cho đệ tử tại gia chúng con biết Chánh niệm trong từng giây phút biết tinh tấn đồng tu.

Chúng ta hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

(7 biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức. Thưa Phật! Nếu trong sự đồng tu này chúng con tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đều giữ được Chánh niệm và thành tựu được Phật đạo!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts