Search

Bài 2258. Càng Khổ Càng Phải Tu

Bảo Đăng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo Phật – Pháp – Tăng để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Thưa Phật! Trên thế giới hiện nay, vì lợi ích cá nhân và vì sự kiêu hãnh oai hùng của những tư tưởng độc bộ mà chiến tranh đang lan tràn, gây ra biết bao nhiêu đau khổ và sự chết chóc cho nhân loại. Chúng con nguyện xin Ngài ban rải năng lượng tình thương và soi sáng tâm trí của các vị lãnh đạo tinh thần cũng như các vị lãnh đạo các quốc gia để họ thực sự sáng suốt và khai mở được tình yêu thương, ngồi xuống với nhau để bàn thảo và thiết lập nên một nền hòa bình và trật tự mới cho thế giới. Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta luôn luôn ghi nhớ lời Đức Phật dặn dò là hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Ở đâu có tình yêu thương, ở đó có hòa bình và bình an, ở đâu có Trí Tuệ, ở đó có hạnh phúc và an lạc. Từng hơi thở của Chánh niệm, thiền quán chiếu tâm Từ Bi và Trí Tuệ, sẽ đưa chúng ta gắn kết mật thiết và thể nhập vào được tạng thức Như Lai để chuyển Khổ, để thấy Khổ và để diệt Khổ.

Chúng ta hãy bắt đầu hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)

Các bạn thân mến, sự đồng tu của chúng ta đã miên mật và liên tục. Chỉ còn hai ngày nữa là bắt đầu năm thứ ba. Hôm nay thứ năm, ngày mai thứ sáu và kế đến là thứ bảy sẽ khởi đầu cho năm thứ ba để đi vào sự đồng tu của mật ngôn thứ ba. Nhìn lại trong hai năm qua, mỗi một ngày, Bảo Thành và các bạn đồng tu có nhân duyên vào cái trang mạng YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi, cũng như các nhóm, các trang mà các bạn chia sẻ, như một phương tiện để chúng ta ngồi xuống lắng đọng tâm tư, nhìn thẳng vào cuộc đời của mình để trở về miền đất tâm, miền đất an lạc và hạnh phúc vốn có nơi chúng ta.

Mỗi một ngày chúng ta đều đồng tu, trong sự đồng tu ấy ai ai chúng ta cũng đối xử với nhau một cách bình đẳng, không cao không thấp, vậy nên Bảo Thành mới dùng cái chữ là bạn. Đã là bạn phải là tri kỷ, phải là thâm giao, phải không so sánh, không có cao không có thấp, chỉ có tình bạn, tình đồng tu, tình người con Phật, tình pháp lữ đồng hành trên con đường đi tới sự giải thoát. Ngồi xuống không hẳn chỉ ngồi như các bạn nhìn thấy Bảo Thành đang ngồi, cái chữ ngồi còn bao hàm rộng lớn ở chỗ là ta thư giãn, ta buông thư, ta buông bỏ, ta nghỉ ngơi, ta tịnh dưỡng. Ngồi thiền là phương pháp buông thư để buông bỏ mà tịnh dưỡng thân tâm trong sự an lạc vốn có nơi ta. Do vậy mà từng giây phút đồng tu, các bạn và Bảo Thành lĩnh hội được những điều chưa thấu và gắn kết thật mật thiết với chư Phật, chư Bồ Tát để đón nhận được nguồn ân điển siêu thế Từ Bi – tình thương trong sáng và Trí Tuệ viên mãn từ chư Phật, để soi sáng nội tâm, để chữa lành mọi đau khổ và vết thương vốn do chính ta tạo ra. Ta tu là bởi vì ta đã nhận ra Đức Phật khai thị hướng dẫn và truyền dạy cho chúng ta một con đường, một chân lý làm hoàn hảo đời sống của mình. Thật là hạnh phúc mỗi một ngày! Dù cho thân xác của chúng ta có thay đổi, thời gian cứ trôi mãi, sức khỏe cũng có lúc này lúc kia, nhưng tinh thần lúc nào Bảo Thành cũng hoan hỷ và hạnh phúc. Mỗi lần ngồi đồng tu với các bạn, Bảo Thành được liên kết mật thiết với các bạn đồng tu, với các bạn có nhân duyên trong sự liên kết tròn đầy, trong cái tánh trí bình đẳng không phân biệt, mọi người chúng ta đều thật gần gũi với Phật và mọi người chúng ta đều đón nhận được tràn đầy hồng ân Tam Bảo, năng lượng siêu thế, tha lực Phật điển, năng lượng tình thương và trí tuệ được thắp sáng dần để nhìn rõ chính con người của mình. Sự đồng tu có lợi vô cùng, nó hoàn thiện đời sống.

Hôm nay trở về với chủ đề “Càng Khổ Càng Phải Tu”, đúng, càng khổ càng phải tu, không thể, không thể buông một cách vô ý thức khi đời quá khổ mà ta lại sống một cách hoang đàng. Các bạn, trong tất cả các nền tôn giáo cổ xưa cho đến nay, các tôn giáo lớn có sự ảnh hưởng trên toàn cầu, hoặc các tôn giáo nhỏ, tín ngưỡng nhỏ ảnh hưởng trong những nhóm nhỏ rải rác nơi các quốc gia trên thế giới, thì bất cứ một tôn giáo nào cũng đưa tới một cái niềm hy vọng trong đời vào một cảnh giới, vào một ngày mai, vào một Niết Bàn, một thiên đàng, một cái phần thưởng gọi là hạnh phúc vĩnh phúc, vĩnh hằng, như một cái lời hứa hẹn mà ta sẽ được ban thưởng cho nếu như chúng ta thực hiện theo những điều giáo lý của tôn giáo ấy truyền dạy cho chúng ta. Thực hiện được lời giáo lý tin tưởng và làm theo những gì tôn giáo ấy truyền dạy sẽ được ban thưởng, còn ngược lại sẽ bị trừng phạt.

Hai chữ ban thưởngtrừng phạt, được ban thưởngbị trừng phạt như một sự răn đe, để rồi có. Chúng ta là con người tâm lý thật yếu, chỉ nghe hai chữ trừng phạt thôi ai cũng run sợ hết, bởi nó được tiêm nhiễm từ thuở rất nhỏ rồi các bạn ơi. Các bạn có còn nhớ mẹ của chúng ta thương yêu ta nhiều lắm, cha cũng như vậy, nhưng nhất định các bạn và Bảo Thành đã từng nghe và nếu là cha là mẹ rồi, ta cũng từng dùng hai chữ trừng phạt dưới mọi góc độ cứng hoặc mềm để tỏ lộ với con cái. Ta từng nghe cha mẹ nói con mà ngoan ngoãn mẹ sẽ thưởng, mẹ sẽ thương, cha cũng vậy, mà con mà hư thì cha mẹ sẽ trừng phạt con đấy. Nhiều thứ trừng phạt nho nhỏ như không cho chơi nữa, bắt ngồi một chỗ, úp mặt vô tường, nhiều hình thức khác biệt theo mỗi một thời đại. Ngày nay, trẻ thơ rất sợ bị trừng phạt bởi vì khi hư cha mẹ trừng phạt không cho xài phone, xài ipad, máy vi tính để chơi game. Bên cạnh sự trừng phạt là sự thưởng, sự ban thưởng hấp dẫn.

Nhưng chỉ có Phật giáo, Đức Phật tới chỉ thẳng vào cái khổ, giới thiệu cái khổ, vạch ra cái khổ, nói về cái khổ và tu từ chỗ khổ. Chỉ có Đức Phật nói đến khổ, các tôn giáo khác nói đến sự sung sướng, sự được ban thưởng và trừng phạt. Phật không nói đến sự ban thưởng, chẳng nói đến sự trừng phạt mà Ngài nói rõ về cái khổ. Và hình như Phật giáo sau này phát triển thành một tôn giáo do sự xếp đặt có trật tự, có tông môn, có giáo lý, có hàng ngang hàng dọc của sự tổ chức trong cái xã hội gọi là Phật giáo. Tại sao Bảo Thành gọi là xã hội Phật giáo? Bởi tổ chức Phật giáo ngày nay như một xã hội rồi, phân chia quyền lực lớn nhỏ ngang dọc và đặt để ra biết bao nhiêu chuyện. Để rồi từ đó, biết bao nhiêu người đã hiểu lầm Phật giáo không có tích cực, chẳng nhìn thấy chỗ nào là hạnh phúc, chỉ nhìn đâu cũng thấy khổ, cuộc đời là khổ, đời là bể khổ, khổ, khổ trăm chiều. Vậy thì tu theo đạo Phật là tu để có sức chịu đựng khổ?

Nhiều người quan niệm như vậy bởi sự dẫn dắt của những cái thành ngữ người ta ghép một cách gượng gạo, không có chân lý, nhưng mà thuận tai dễ nghe và như thế biến Phật giáo thành một tôn giáo khổ, tu để chịu đựng khổ. Người ta chửi thì chịu, người ta đánh thì chịu, cái gì cũng chịu, người ta cướp bóc cũng chịu, cái gì cũng chịu khổ, thôi tu đi, cố gắng chịu khổ, để làm gì? Để kiếp sau được sung sướng. Cái sung sướng của kiếp sau mà ngày nay được diễn tả gần gũi, thịnh hành, dễ nghe, hấp dẫn bởi dễ thực hiện, đó là về cõi tịnh độ của đức A Di Đà.

Ngày xưa Đức Phật dạy chỉ ra cái khổ, nhận ra cái khổ, thấu được cái khổ, hiểu được cái khổ và chuyển hóa cái khổ để hạnh phúc. Ngày nay, tu để chịu khổ, để ngày mai kiếp sau về Niết Bàn với Phật Di Đà và thế là người ta cứ Niệm A Di Đà Phật chịu khổ. Trong khi trong Tứ Thánh Đế, bài pháp đầu tiên Chuyển Pháp Luân tại vườn Nai, Đức Phật khai thị cho năm anh em Kiều Trần Như dạy về Tứ Diệu Đế, Tứ Thánh Đế, thì Ngài nhắc đến cái chỗ gọi là diệt khổ chứ không chịu khổ. Diệt ở đây không phải là tiêu diệt, chữ diệt ở đây có nghĩa là nhìn thấu, hiểu được căn nguyên cội nguồn của cái khổ ta tạo ra để chuyển hóa thành cái chữ đạo là hạnh phúc, là Niết Bàn. Nhưng ngôn ngữ cắt xén dần, chữ Khổ thôi phải chịu và dần dần nó lại biến tướng đâm chồi thành những cái gai góc, đâm cho chảy máu tinh thần nhưng vẫn thích, bởi vì cái thú vui đau thương. Cái câu nói gai góc là “càng khổ thì càng tu, càng tu thì càng khổ”. Cái câu “càng khổ càng phải tu”, người ta lật ngược lại “càng tu càng khổ”, thôi tu đi, gắng tu đi. Nhưng tu mà khổ thì tu làm cái gì? Các bạn có nghe qua “càng tu càng khổ” chưa? “Trời ơi hồi xưa tôi không có tu, tôi ăn chơi thoải mái không sao. Từ hồi tu, nghiệp nó đổ, nó khảo nghiệp, nó trả nghiệp, ôi xui nó tới, đúng là càng tu càng khổ, thôi gắng tu”. Nghe hoàn toàn không đúng nhưng mà thích. Nghe đi theo đã là chứng tỏ sự vô minh, tối mù, thiếu hiểu biết rồi, càng tu càng khổ. Và từ đó, người ta thấy những người đi tu là những người quá khổ mới đi tu thôi. Do vậy, họ chẳng cần tu bởi nếu tu sẽ bị khoác lên mình, sẽ bị vu khống rằng người này khổ nên phải đi tu.

Khi Bảo Thành đi tu, nhiều bạn bè và người thân suy nghĩ Bảo Thành chắc bị khổ dữ lắm mới đi tu. Trong cái khổ của thế gian chỉ có năm loại khổ mà thôi. Cái gì khổ? Thất tình nên khổ mà đi tu, nhiều bạn bè của Bảo Thành nói rằng chắc ổng bị thất tình, yêu ai không thích rồi đi tu. Nhiều người lại nói chắc không có tiền, không có khả năng làm ra tiền nên đi tu, nghèo túng đi tu, mồ côi đi tu, nghèo khổ đi tu,.. Đó là tiền và tình. Đến tài, chắc người đó bất tài không có công danh sự nghiệp ở đời nên phải đi tu; nghèo quá không có nhà cửa, không có đồ để ăn, đi tu để kiếm ăn. Đi tu để kiếm tiền, kiếm tình, kiếm tài, danh vọng, địa vị, đi tu để có chỗ ăn chỗ ở. Và thế là ở trên trần gian này, chúng ta thuận buồm xuôi gió theo những cái ngôn từ thiếu hiểu biết, vụng trộm, gán ghép những cái từ ngữ tạo nghiệp cho các nhà tu rằng họ khổ phải đi tu. “Càng tu càng khổ”, nghe hay, khổ vậy mà cứ tu, càng tu rồi càng khổ, đó là những cách nói của những người mù, của những người thiếu hiểu biết.

Đức Phật nói về khổ trong Tứ Thánh Đế, nhưng không phải nói rằng khổ để chịu khổ. Đức Phật nói về khổ là chỉ cho chúng ta thấy kho tàng kim cương, vàng bạc, châu báu nó lẫn ở trong cái cát của khổ, đi đãi vàng đó các bạn, đi đào kim cương đó các bạn. Khổ là kho tàng để tìm ra kim cương, vàng bạc, châu báu. Khổ là nơi chúng ta có thể sàng lọc để thấy được phước báu và công đức. Phải nhìn ra điều đó, Phật nhìn thấy trong cái sự khổ của cuộc đời là bình an, là hạnh phúc, là cái gọi là Niết Bàn, thiên đàng. Nhưng chúng ta không nhìn thấy những cái sự quý giá, kho tàng trân châu bảo ngọc đó. Ta bị cái khói mờ của vô minh che lấp, thấy khổ, tu để chịu khổ, mong chờ kiếp sau về cõi tịnh độ, được Đức Phật rước về cõi ấy. Thì cứ thế mà cứ tu cái cách cam chịu, chẳng chịu chuyển hóa, chẳng nghiên cứu, chẳng thiền định, chẳng trí tuệ để nhìn thấu cái khổ đang xảy ra trong cuộc đời, để từ cái khổ đó sàng lọc lấy ra được viên kim cương.

Kinh Pháp Cú nói: đời này khổ, đời sau khổ, hai đời khổ. Nếu cứ tu để chịu khổ thì đời này khổ, đời sau chắc chắn khổ. Cõi tịnh độ ở đâu để đi tới? Chỉ có địa ngục là nơi đau khổ nhất mà thôi. Vậy nếu đời này khổ, đời sau khổ, ta sẽ về địa ngục, thật rõ. Kinh Pháp Cú cũng lại nói: đời này hạnh phúc, đời sau hạnh phúc, hai đời hạnh phúc. Hạnh phúc là Niết Bàn, là diệt, là tận diệt mọi đau khổ để có được hạnh phúc, có được Niết Bàn. Nên nếu các bạn tu để đời này được hạnh phúc, đời sau bạn hạnh phúc và đời sau hạnh phúc ấy gọi là Niết Bàn. Niết Bàn không những ở đời sau mà Niết Bàn còn ở ngay cuộc đời, chỗ này, tại đây, bây giờ.

Trong Thiền Mật song tu, Đức Phật dạy cho chúng ta ứng dụng hai cái pháp bảo vi diệu, đó là Từ Bi, là tình thương đó quý vị, để sàng lọc trong cái đống cát thô của khổ để tìm ra được kim cương. Và dĩ nhiên kim cương bắt ánh sáng, bạn để ra dưới ánh mặt trời hoặc dưới cái bóng đèn, viên kim cương khi sàng lọc bằng tình thương sẽ phản chiếu ánh sáng. Mà ánh sáng chúng ta soi viên kim cương do năng lượng tình thương gội nửa kia chính là Trí Tuệ, ánh sáng Trí Tuệ. Pháp bảo Từ Bi Mu A Mu Sa và pháp bảo NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang sẽ dẫn đưa chúng ta sàng lọc trong cái đống cát khổ của cuộc đời để thấy được kim cương, soi vào ánh sáng Trí Tuệ để thấy và cảm nhận và thể nhập với hạnh phúc ngay trong cuộc đời này. Cho nên khổ tu càng hạnh phúc, bởi trong khổ sẽ có kim cương, sẽ có vàng bạc châu báu. Phật đã chỉ cho chúng ta qua cái khổ để thấy được kim cương, nhưng không phải dạy cho chúng ta cái khổ để chịu khổ. Vậy nên càng khổ càng phải tu để càng có được kim cương, vàng bạc, châu báu. Càng khổ càng phải tu để có được hạnh phúc và bình an. Càng khổ càng phải tu để thấy được chân lý của Phật dạy thật tuyệt vời. Bởi Ngài không hứa hẹn cho chúng ta sẽ được ban thưởng một Niết Bàn, một thiên đàng, nhưng Ngài dạy cho chúng ta trở thành những người biết khai quật những cái kho tàng lẫn lộn trong cái đống đất thô của khổ.

Do đó cái câu “càng tu càng khổ” phải sửa lại rằng “khổ thì càng tu”, thêm câu nữa “mà càng tu thì càng hạnh phúc”. Chữ “khổ” đứng đầu, chữ “hạnh phúc” đứng sau, “càng khổ càng phải tu, càng tu càng hạnh phúc”. Vì trong cái khổ Đức Phật chỉ thật rõ, chẳng phải yêu thương là khổ, chẳng phải tiền bạc là khổ, chẳng phải quyền lực trong thế gian là khổ, chẳng phải cái nhà cao cửa đẹp là khổ, chẳng phải những cái sự ăn uống nghỉ ngơi là khổ, những cái đó không khổ, chắc chắn. Bạn cầm trong tay 1 tỷ đô, làm sao mà khổ được? Bạn có quyền lực là thủ tướng, là tổng thống, làm sao khổ được? Bạn có vợ đẹp con khôn, có chồng giỏi, làm sao khổ được? Bạn có nhà cao cửa rộng, ăn uống, làm sao khổ được? Khổ không phải là những cái điều ta có, nhưng Phật chỉ cho cái khổ ở chỗ những điều ta có không tồn tại mãi mãi bởi nó luôn thay đổi. Chữ “thay đổi” trong đạo Phật gọi là Vô Thường. Tiền có nhưng mà tiền sẽ luôn bị thay đổi, có rồi hết, có rồi mất, chính nó vô thường, nó thay đổi, nó chuyển biến liên tục, cho nên ta không hiểu thì ta sẽ khổ. Chứ không phải tiền là khổ, tình là khổ, tài danh, quyền lực, nhà cửa, ăn uống là khổ, nhưng chính những cái thứ đó, những thứ thiết yếu là phương tiện trong cuộc đời luôn chuyển biến một cách vô thường và sanh diệt từng giây phút. Không hiểu sẽ khổ, còn hiểu thì thấy được sự chuyển biến trong vô thường ấy, thấy rõ được ta sẽ hạnh phúc. Cho nên Phật dạy nhìn vào khổ, tập cái tánh nhìn và thấy để hiểu.

Hơi thở Chánh niệm hít vào, thể nhập vào Mu A Mu Sa là tình thương của chư Phật để ta nhìn vào mọi cảm xúc của thân vật lý và tâm lý, nhìn thẳng vào nhận rõ sự Vô Thường sanh diệt trong từng giây phút của những cái cảm xúc từ thân như đau, như gọi là đau khổ đó, hoặc như vui như buồn, sung sướng đó. Mọi thể loại cảm xúc nó khơi dậy qua các giác quan, nghe, nhìn, ngửi, nếm, xúc chạm đều Vô Thường sanh diệt chuyển biến liên tục. Nếu cứ khư khư ôm lấy thì là khổ nhưng chẳng ôm cũng chẳng buông mà nhìn sự thay đổi đó thôi thì sẽ hạnh phúc bởi ta thấu được kiếp người là sự thay đổi liên tục. Và thấu được sự thay đổi liên tục này, ta sẽ hiểu ra chân lý ta không bao giờ chết mà chỉ thay đổi chuyển biến từ dạng này qua dạng kia. Càng khổ càng phải tu, càng tu càng hạnh phúc.

Các Phật tử tại gia, các bạn tu pháp môn nào, tôn giáo nào không có cần thiết và quan trọng bởi cái khổ chẳng dành riêng cho Phật giáo mà thôi. Bạn theo tôn giáo nào, bạn tu theo pháp môn, tông phái nào thì khổ cũng có trong cuộc đời của bạn. Gán cho cái mác khổ là của Phật giáo là sai. Khổ là của con người, bởi không nhận ra sự Vô Thường. Khổ không trực thuộc Phật giáo mà trực thuộc vào cái tâm chấp bám vô minh, bởi không nhận ra mọi hiện tượng đều vô thường, cứ cho nó là cố định trường tồn, nó khổ. Bạn thử hỏi người Thiên chúa giáo họ có khổ không? Có. Người Hồi Giáo họ có khổ không? Có. Người không theo tôn giáo gọi là vô thần có khổ không? Có. Như vậy cái khổ nó hiện diện nơi cuộc sống của mỗi một con người. Nhưng chỉ có Đức Phật nói thẳng về cái khổ, dạy về cái khổ, khai thị về cái khổ và hướng dẫn cho chúng ta tìm được hạnh phúc và an lạc ngay trong cái khổ đang hiện diện trong cuộc đời. Thấy được khổ, biết được khổ là có hạnh phúc, có được Niết Bàn. Bạn không thấy khổ, bạn không biết khổ thì bạn càng khổ.

“Kiến phiền não thành Bồ Đề”, kiến là gì? Nhìn thấy được phiền não đau khổ là có hạnh phúc, là có hạnh phúc ngay ở chỗ đó. Cho nên khi bạn hít vào thở ra trong Thiền Mật song tu, bạn nhớ thể nhập vào Mu A Mu Sa là tình thương. Bạn phải nhớ rằng khi dòng Phật giáo lưu truyền tới miền Á Đông của chúng ta, người dân Á Đông nhận ra cái tình thương nơi người mẹ. Bởi phần đông trong quá khứ các quốc gia Á Đông và trên toàn thế giới những người đàn ông, những người cha thường phải đi lính trong chiến tranh để bảo vệ Tổ Quốc và phục vụ cho những cái mưu cầu toan tính của những vị bạo chúa, vậy nên thường là chết trên chiến trường. Ở nhà những người con chỉ còn có mẹ, dưới sự che chở của người mẹ và từ đó những người con cảm nhận được tình thương của mẹ là tất cả. Hình ảnh của người mẹ là hình ảnh của tình yêu, tình yêu sẵn sàng chết vì con cái. Dù có moi tim, dù có chặt mình thành trăm ngàn khúc cũng sẵn sàng hi sinh vì tình yêu đối với con cái. Từ đó mà tinh thần Bồ Tát, Bồ Tát là tình thương, Bồ Tát là từ bi, Bồ Tát là những vị có tình thương lớn, Bồ Tát có nghĩa là những đấng đại từ đại bi, đã thành tựu được đại từ đại bi tình thương lớn. Và dưới con mắt nhìn như vậy, người Á Đông đã mang hình ảnh đại từ đại bi của những vị Bồ Tát đặt dưới cái sự tượng trưng của thân nữ là người mẹ và tạo nên hình ảnh của Mẹ Hiền Quan Thế Âm. Mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả biến hóa dưới mọi hình để yêu thương che chở cho con. Và như vậy hình hài của một vị Bồ Tát Quan Âm là tượng trưng cho lòng đại từ đại bi, tình thương lớn mênh mông vô tận như biển trời.

Mu A Mu Sa là con thuyền Từ Bi, ngồi lên trên Mu A Mu Sa thuyền Từ Bi ấy sẽ đưa chúng ta về tận cội nguồn, chân trời, chân mây của biển tình mênh mông vô tận của Mẹ Hiền Quan Âm, của thân tướng của tất cả những người mẹ trên thế giới, của lòng đại từ đại bi của những vị chứng đạo Bồ Tát. Và mỗi một hơi thở Chánh niệm ngồi trên thuyền Từ Mu A Mu Sa với ngọn hải đăng NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mọi cái khổ trong cuộc đời của chúng ta sẽ được nhận rõ, được nhìn rõ, nhìn thấu và hiểu. Trên con thuyền Từ Bi Mu A Mu Sa, tay cầm ngọn đuốc NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng ta lướt trên sóng của bể khổ cuộc đời, sàng lọc những cái tinh túy siêu việt để nhận ra tâm kim cang trong suốt, tinh tuyền, thanh tịnh, không uế trược, không nhơ, không bẩn, không sinh, không diệt, không già, không chết, rất là hay. Một đời sống bận rộn như vậy và một đời sống làm cha làm mẹ trong thời nay, ta đang là hóa thân của Mẹ Hiền Quan Thế Âm, ta đang là hóa thân của các vị Bồ Tát có lòng đại từ đại bi, nhìn xuống đàn con của mình, yêu thương cho đúng pháp, yêu thương cho đúng Trí Tuệ, bởi trên tay cầm ngọn đuốc NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và lái thuyền Từ Mu A Mu Sa. Như thế, đàn con của ta vượt xa dần những cái khổ của ái dục, của tham dục, của lầm mê, của chấp trược. Và vậy thì nhất định, nhất định, chẳng hứa, chẳng ban thưởng, chẳng trừng phạt, chỉ còn một sự thuận buồm xuôi gió với Từ Bi và Trí Tuệ để hưởng sự an lạc ngay trong cuộc đời này.

Càng khổ càng phải tu, càng tu càng hạnh phúc, bởi trong cái khổ có kim cương, có Niết Bàn, có hạnh phúc, có an lạc. Tu theo đạo Phật chẳng phải là kham khổ, chịu khổ mà tu trong nhà Phật là nhìn rõ khổ để tìm ra kim cương, hột xoàn của sự an lạc, của sự bình an, của hạnh phúc, của Niết Bàn tại đây, ngay hơi thở của Chánh niệm. Nếu bạn đang cảm nhận khổ, chẳng cần phải tự gán ghép mình là Phật tử bởi ai trong chúng ta cũng khổ, chẳng cần phải gượng ép mình vào là đệ tử của vị thầy này, là Phật tử hoặc là con dân của một tôn giáo nào hết để mong cầu được ban thưởng thoát khổ. Mà nếu bạn thật sự cảm nhận được cái khổ, hãy bình tĩnh trong hơi thở Chánh niệm, nhìn vào cái khổ đó, cứ hít vào thở ra, nhìn thẳng vào khổ đó, khổ nó loang tới đâu ta đổ tình thương tới đó, ta hòa trộn tình thương của ta vào cái khổ đang loang ra nơi cái thềm chân tâm của ta. Khổ loang tới đâu năng lượng Từ Bi, nước Từ Bi được đổ và hòa trộn tới đó, hòa quyện tới đó. Và dần dần nước Từ Bi càng đổ, thềm chân tâm chẳng còn loang màu đau khổ mà ánh lên sự hạnh phúc và bình an. Nếu bạn biết mang tình thương đó để che chở cho đàn con, cho vợ, cho chồng, cho gia đình, cho nhân quần và xã hội thì đó chính là pháp tu vi diệu. Bạn có khổ là có hạnh phúc, bạn có khổ là có Niết Bàn, bạn có khổ là có bình an. Ở đâu có đau khổ ở đó sẽ có tình thương, ở đâu có tình thương ở đó có sự hiện diện của Bồ Tát Thánh Hiền, của chư Phật, ở đó có Mẹ Hiền Quan Âm, ở đó có trái tim lớn biết bao dung đùm bọc và che chở.

Các bạn, càng khổ càng phải tu và càng tu càng hạnh phúc, Phật chỉ cho chúng ta thấy khổ để tìm được hạnh phúc và bình an. Nếu đời bạn đang khổ tức là hạnh phúc bình an đang có với bạn, bạn chỉ cần Chánh niệm nhìn thẳng vào, mang tình thương thẩm thấu vào cái khổ đó, mang Trí Tuệ soi sáng để nhận rõ, bạn sẽ tìm được hạnh phúc và bình an, Niết Bàn tại thế trong cuộc đời đang gọi là khổ.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy cùng nhau đi vào ánh sáng của đuốc Tuệ, ngồi trên thuyền Từ để ngao du mười phương chư Phật.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức. Thưa Phật, sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới. Xin chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts