Search

Bài 2244. Ngân Hàng Nhân Quả

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu ngày hôm nay!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thưa Phật! Xin Ngài hãy rải năng lượng tình thương xuống tất cả mọi loài chúng sanh. Đặc biệt khơi dậy tình yêu thương nhân loại, mến chuộng hòa bình của những vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, để những vị này thấu rõ được nỗi thống khổ của con người trong chiến tranh. Ngõ hầu tìm mọi phương pháp ngồi lại để đưa tới nền hòa bình cho thế giới. Trong buổi đồng tu ngày hôm nay, chúng con nguyện xin chư Phật, chư Bồ Tát luôn luôn gia trì cho toàn thế giới này biết cùng chung một tiếng nói, nói lên hai chữ “Hòa Bình”.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Nguyện xin trong giây phút nhiệm mầu đồng tu này, chúng ta thể nhập vào năng lượng Từ Bi, thắp sáng Trí Tuệ để chuyển hóa hết mọi sự sợ hãi cho những ai đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nguyện sự an vui luôn được khơi dậy trong tâm của mọi người.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:34) Các bạn thân mến! Chúng ta đang sống ở trong một thời đại mà sự quyết định của các vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới lệch lạc một chút là có thể hủy diệt biết bao nhiêu mạng sống của con người, gây ra tang tóc, thảm hại, làm ảnh hưởng đến đời sống của toàn thế giới và nhân loại trên địa cầu này. Nhất định trong vài ngày qua, với sự thông tin hiện đại hóa toàn cầu trên thế giới, bất cứ ai, chúng ta cũng đều thấy và biết được thế giới đang xảy ra chiến tranh. Các cường quốc – là những nước mạnh lấn át các tiểu quốc – là những nước yếu. Nếu trở về mấy mươi năm trước, thập niên 40, 50, 60, khi chiến tranh xảy ra, không ai biết được, thông tin chưa có, mạng lưới toàn cầu chưa được phủ nhanh chóng trong từng giây phút, và những thông tin sai lệch đưa tin không đúng càng gây ra sự hiểu lầm, tạo tác nhiều chiến tranh. Nhưng ngày nay, nếu thực tâm chúng ta tiếp cận với mọi người dân trên thế giới, ở tất cả mọi quốc gia và hỏi: “Hai chữ “chiến tranh” có ai yêu chuộng không?” thì nhất định chúng ta sẽ nói: “Không! Không một con người nào lại yêu chuộng chiến tranh để xảy ra sự tàn khốc giết hại lẫn nhau!”.

Cuộc chiến đang xảy ra trên thế giới, dù các bạn ca ngợi sức mạnh của quân đội đất nước mình hay đất nước nào, thì nhất định chẳng ai ưa những cuộc chiến đang xảy ra. Cộng nghiệp do những biệt nghiệp riêng từng con người quyết định bởi tham – sân – si, hỷ – nộ – ái – ố; biệt nghiệp không thắng nổi sức mạnh hấp dẫn đó, đưa tới sự cộng nghiệp là sự cộng hưởng chung của toàn cầu; từ kinh tế, xã hội tới muôn mặt sinh hoạt của loài người đều gặp sự nguy hiểm; chúng ta trong thời đại này, đều nhận được thông tin thật nhanh, và đều có một trí tuệ đủ vững để nhìn nhận sáng suốt về những sự việc đang xảy ra.

Nguyện cho tất cả những vị lãnh đạo trên toàn thế giới biết bình tĩnh, biết lắng nghe, biết nhìn sâu vào thời quá khứ một thuở đã đi qua, nhận diện sự hiện tại trong cuộc sống, mang những quyết định lành mạnh bảo vệ hòa bình và gìn giữ cho địa cầu này được sống an vui, chung hưởng hạnh phúc với nhau. Nguyện cho tất cả những vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo và tất cả những ai đang tu tập theo các nền tôn giáo khác biệt, đều cùng chung hiệp nhất trong sự cầu nguyện hướng thiện tạo ra nguồn năng lượng lớn, yêu chuộng hòa bình để mong sao chiến tranh chấm dứt và con người trở lại đời sống bình thường, ôn hòa.

Quyết định của mỗi người chúng ta, ngoài sự ảnh hưởng riêng đối với cá nhân, còn có sự cộng hưởng chung đối với gia đình, xã hội và nhân loại; cái riêng gọi là biệt nghiệp, cái chung gọi là cộng nghiệp. Hôm nay nói về chủ đề các bạn gửi tới: “Ngân Hàng Nhân Quả”, hai chữ “ngân hàng” thời xưa ít ai hiểu, nhưng ngày nay, thời đại kinh tế phát triển, hầu hết chúng ta đều phải sử dụng ngân hàng để có tài khoản ngân hàng gửi tiền hoặc là chuyển tiền, hoặc là chi tiêu. Mọi kiến thức về ngân hàng, cơ bản ai cũng nắm bắt được. Từng xu, từng cắc bỏ vào hoặc lấy ra không thể lẫn lộn; nói chung thì không thể thất thoát, dư, thiếu, hụt, tăng, giảm một cách bất thường, nó đúng với điều ta bỏ vào, lấy ra chi xài cho cuộc sống. Khéo sử dụng ngân hàng, chúng ta sẽ có được một phương tiện thật dễ, thật gọn trong sự sinh hoạt cuộc sống hằng ngày. Nhưng ngân hàng chúng ta nói hôm nay được hoạt động dưới hình thức tâm linh là ngân hàng nhân quả.

Thời xưa Đức Phật – bậc giác ngộ, Ngài suy nghĩ thật nhiều về những ngôn từ Ngài sử dụng để làm sao giúp cho mọi người nghe hiểu, biết được mà thực hành. Khi nói về nhân quả, nơi lưu giữ nhân quả dù là ác hay thiện chẳng mất, chẳng tiêu, luôn luôn được giữ tùy theo người đưa vào ngân hàng đó là cái gì. Mà hai chữ “ngân hàng” ngày xưa Đức Phật gọi, ngày nay vẫn còn sử dụng đó là A-lại-da-thức – Tạng thức. Trong Ngũ uẩn có năm thứ chuyển vào từng giai đoạn, đầu tiên gọi là Sắc rồi đến Thọ, Tưởng, Hành, Thức; Thức là cái kho. Thức là ngân hàng của thời đại ngày nay đấy các bạn; ta tạm dịch như vậy và tạm nói như vậy để đi vào chủ đề “Ngân Hàng Nhân Quả”! Thức của chúng ta chính là ngân hàng của nhân và quả mà ta tạo ra!

Đức Phật ngoài sự nói và hướng dẫn về nhân quả biệt nghiệp và cộng nghiệp; các bạn, ta không đi quá sâu vào chữ “nghiệp báo” và quy luật sống rộng lớn; hàng Phật tử tại gia cần phải nghe để thấu hiểu được nhân quả trong nghiệp báo ứng xử hằng ngày để hạnh phúc, để an vui, để giữ cho ông bà, cha mẹ trường thọ, bớt bệnh, bớt phiền não, bớt đau khổ; để giữ cho tình nghĩa, ân nghĩa của vợ chồng bền vững, sống hòa thuận yêu thương và để cho con cái học thành tài, thành nhân; đó là ước muốn của tất cả mọi Phật tử tại gia nói riêng và của mọi con người nói chung.

Đức Phật là một nhà giáo dục, Ngài nhìn thấu, từ ngàn xưa Ngài đã dạy cho ta cả một chương trình và lập lên những kế hoạch để ta có thể noi theo ứng dụng để phát triển, để bảo vệ, để tăng trưởng và để không làm suy giảm tài khoản vô giá của loài người đó chính là phước báu và đức hạnh. Trong ngân hàng của A-lại-da-thức, Đức Phật dạy thật rõ cho chúng ta điều gì nên bỏ vào, điều gì không nên bỏ vào; và khi bỏ vào ngân hàng đó, Ngài còn dạy cho chúng ta những phương thức để đầu tư phước báu và công đức cho tăng trưởng hơn; và Ngài cũng khuyên chúng ta đừng đầu tư vào những khoản làm tiêu tán gia tài công đức và phước báu của chúng ta.

Nói đến ngân hàng hiện tại ta sử dụng, đồng tiền lao động mệt khổ để bỏ vào; nếu các bạn sử dụng không đúng, làm một tiêu mười, tài khoản sẽ bị âm, sẽ bị lủng, bị phạt, gây khổ cho đời sống; nếu bạn khéo biết ứng dụng, di chuyển số tiền trong ngân hàng vào những khoản đầu tư chính đáng, bạn sẽ có lời; điều này ai cũng biết, tất cả những người sống trong thời đại ngày hôm nay đều biết, ông bà mình hồi xưa cũng biết, nhưng không sử dụng cái ngôn ngữ ngày nay mà thôi.

Đức Phật ngày xưa thấu hiểu, nhưng chẳng chuyên chú sự phát triển về tài chánh, bởi Ngài thấy sự phát triển về tài chánh mà thiếu đi sự phát triển của phước báu và đức hạnh thì tài chánh, tiền bạc có lớn, có nhiều như núi Tu Di; trong kinh Phật, núi Tu Di là lớn dữ lắm, thì cũng sẽ bị bào mòn, phá sạch. Ngài là một nhà nhìn thấy (bởi Ngài giác ngộ mà) phương thức làm sao phát triển đời sống tâm linh, tăng trưởng phước báu và công đức, đức hạnh; cho nên Ngài dạy cho tất cả mọi người cách đầu tư nghiệp báo của mình, nghiệp của mình như thế nào, tạo ra nghiệp gì, đầu tư như thế nào, để ngân hàng nhân quả của chúng ta được tăng trưởng, để tài khoản phước báu và công đức của chúng ta được tăng trưởng.

Các bạn! Khi còn nhỏ, cha mẹ thường dạy cho chúng ta, đặc biệt là lúc biết xài tiền; làm sao để dành tiền, cần kiệm, tiết kiệm, có những quỹ tiết kiệm rồi truyền dạy những kiến thức cơ bản để đầu tư, phát triển tài chánh; cũng khuyên bảo đừng tiêu xài hoang phí. Nói đến sự hoang phí, tiêu xài không chuẩn mực, thường làm tán tài, tán lộc; nói đến điều này, Đức Phật cũng dạy; Đức Phật dạy cho chúng ta mười điều không nên xài, không nên làm để tán phước báu, tức là để làm cho hủy hoại phước báu và công đức. Mười điều không nên làm này, chúng ta tuyệt đối không bao giờ nên làm; ai tiếp tay đầu tư vào mười điều Đức Phật nói không nên thì sẽ đi tới sự phá sản tâm linh, ngân hàng nhân quả chẳng còn vốn để mà sống. Cha mẹ cũng dạy ta nên sử dụng tiền như thế nào thì Đức Phật cũng dạy cho chúng ta nên sử dụng con đường tâm linh tu thiện hạnh như thế nào để phát triển phước báu và công đức.

Cách mà Đức Phật dạy bằng ngôn ngữ của Phật học ngày xưa chuyển dịch theo ngôn ngữ phù hợp ngày nay, nếu thoáng một chút, không mắc kẹt vào trong ngôn ngữ của kinh tế, thì ngân hàng, sự ứng dụng và vận hành của ngân hàng về tài chánh chẳng khác gì sự ứng dụng và vận hành của ngân hàng nhân quả. Tạng thức – A-lại-da-thức, Thức của chúng ta là ngân hàng; bạn nhìn vào sổ ngân hàng tài chánh của bạn bạn biết trong đó có bao nhiêu tiền; bạn nhìn vào Thức của mình bạn biết bạn có phước báu hay là không có phước báu. Chỉ cần mang số tài khoản ra hỏi và ngày nay đã phát triển tới mức mà trên điện thoại cầm tay, bạn có thể vô được những cái app (ứng dụng) để kiểm tra tiền, chuyển tiền thật là nhanh, không cần phải lận đận ra ngân hàng như xưa; hình ảnh này đưa chúng ta liên tưởng tới Thức của chúng ta; nếu chúng ta biết nhìn vào Thức của chúng ta thật rõ, ta sẽ nhận ra còn có phước báu, còn có công đức hay không.

Bạn ra ngân hàng hoặc nhìn vô phone là bạn biết trong tài khoản của bạn có tiền hay không mà; bạn chi trả cái gì nó rõ rành rành, đâu có chạy trốn được; trong Thức của chúng ta, nếu chúng ta khéo, biết cách nhìn, thì chúng ta biết ta có phước báu, có công đức hay không; và chúng ta biết thật rõ những điều ta làm để tăng trưởng phước báu và công đức, cũng như những việc ta làm để làm cho phước báu, công đức bị suy giảm, bị triệt tiêu. So sánh như vậy nó hơi khập khiễng phải không? Không! Nếu đừng chấp, đừng dính vào ngôn từ, thì cách vận hành của tài chánh ngày nay sẽ giúp cho chúng ta hiểu thấu đáo về cách vận hành của phước báu và công đức; sự ứng dụng không khác!

Tại sao chúng ta phải biết kiểm tra tiền có ở trong nhà băng, khoản chi xài như thế nào? Tại vì chúng ta cần phải làm chủ đồng tiền trong cuộc sống. Đó là về vật chất, còn tâm linh, ta cần phải biết kiểm tra nguồn phước báu và công đức ở trong Thức của chúng ta, trong tâm của chúng ta. Và phải biết mọi hành động, tạo tác chi xài hoang phí ảnh hưởng đến phước báu và công đức để biết điều chỉnh, để có những khoản đầu tư đúng mức tăng trưởng kho tàng phước báu nhân quả thiện lành của chính mình.

Các bạn! Mười điều ngay cả trong kinh doanh cũng thế, thường nhắc nhở chúng ta không nên đầu tư vào những khoản mạo hiểm nhiều, gây ra thất thoát, có thể bị phá sản. Đức Phật dạy cho chúng ta mười điều không nên đầu tư vào bởi sẽ làm biến mất toàn diện phước báu và công đức của chúng nhiều đời. Điều này được nhắc nhiều lắm rồi! Bảo Thành nói với các bạn, các bậc tôn túc cũng nói nhiều, nhưng hôm nay Bảo Thành nói dưới ngôn ngữ của ngân hàng chi tiêu và đầu tư – đầu tư nhân quả trong ngân hàng tâm linh. Đức Phật dạy mười điều không nên đầu tư vào bởi sẽ bị phá sản phước báu, công đức, đời sống tâm linh sẽ gặp nhiều họa, khổ; mười khoản đó Đức Phật đặt thật là rõ bằng chữ “không” đứng ở đầu; “không” có nghĩa là không, không thể, không làm, còn nếu “có” thì nguy hiểm lắm! Mười cái không đó thật rõ là không tham, không sân, không si; ba cái không này tuyệt đối phải là không, còn chúng ta có một chút xíu thôi cũng là nguy hiểm, cơ hội phá sản tới ngay! Kế tiếp là không nói dối. Không nói dối nha các bạn! Không là không, chứ không phải nói dối chút xíu không sao! Không là không, tuyệt đối không! Chữ “không” đứng đầu tuyệt đối là không, không thể một chút xíu, một mảy may! Không tham, không sân, không si, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói thô ác, không nói thêm bớt, không sát sanh, không tà dâm, không trộm cắp; mười cách đầu tư đưa đến sự phá sản toàn diện phước báu và công đức trong đời sống tâm linh Phật tử tại gia, Phật nói thật rõ là không nên đầu tư.

Nếu bạn đầu tư vào mười khoản như vừa rồi, Phật nói không dù là chút xíu thôi, ít ít thôi, tham một chút xíu thôi, sân chút xíu thôi, si chút xíu hoặc cái gì cũng chút xíu thôi: “Nói dối chút xíu mà có sao đâu, nói thêm chút xíu mà có hại ai, thêu dệt chút xíu cho câu chuyện ly kỳ, thô ác chút xíu cho nó gay cấn, sát sanh tí tí thôi cho nó có kinh nghiệm, tà dâm chút xíu cho nó có mùi vị lạ, trộm cắp chút xíu…”. Cái gì cũng có thể viện cớ chút xíu, nhưng mười khoản không được đụng vào này dù một chút xíu thì ta đã đưa đến sự phá sản toàn diện, và nói đúng hơn, đang đi tới điểm tự sát tâm linh.

Không là không! Luật đi đường khi nói không được quẹo trái, quẹo phải, ngưng là phải ngưng, đèn đỏ ngưng là phải ngưng, phải ngừng. Stop, ngừng! Không thể nói: “Tôi nhích nhích chạy chậm”; không! Ký hiệu đó nói thật rõ phải ngừng ngay! Ký hiệu giao thông không được quẹo trái là không toàn diện, chứ không phải đợi không có gì rồi quẹo trái; luật là luật, nhân quả là luật – luật của tự nhiên, của thiên nhiên, giữa sự giao thoa bởi các lực ta tạo tác từ thân, ngữ, ý; chẳng vì là vua, là chúa có quyền lực mà nhân quả không tác động đến chúng ta. Do vậy mười điều Phật nói không đầu tư để hao tổn phước báu và công đức trong danh từ Phật pháp gọi là thập thiện (mười điều không nên làm); nhưng ngược lại nó là thiện, “không” là thiện rồi, bởi không sân tức là thiện rồi đó! Nhưng đôi khi chúng ta nói mười thập thiện mà toàn là không, thì cái gì là thiện? Thì rõ ràng mà, nếu bạn tham là bất thiện, bạn không tham tức là đã thiện rồi! Mười thập thiện, nếu bạn dùng chữ “không” và ứng dụng được “không!” là bạn không đầu tư vào những điều đó. Các bạn! Còn nếu các bạn đi ngược lại, là mười khoản đầu tư cốt yếu trong đời sống nhân quả tâm linh của mỗi người!

Hiểu được sự vận hành như vậy, chúng ta nhớ rằng giàu có đời sống tâm linh, phước báu và công đức hay không, nó đòi hỏi mỗi người chúng ta phải nghiên cứu, phải học hỏi cách vận hành nhân quả nghiệp báo của mình trong ngân hàng tâm linh là A-lại-da-thức. Đừng sợ trong nhà băng âm, không có tiền mà chỉ sợ chúng ta không biết vận hành! Có những người ngân hàng âm, thiếu tiền, nợ, nhưng hiểu thấu được cách vận hành tài chánh tăng trưởng trở thành triệu phú, tỷ phú; có những con người sinh ra ở đời không có đủ phước báu và công đức, ngân hàng nhân quả thiếu hụt, trả nợ không hết, nhưng thấu được phương pháp, những điều Phật căn dặn không nên đầu tư và nên đầu tư thứ gì để tăng trưởng phước báu và công đức; họ thực hành đúng, họ đã trở thành những người dư dả phước báu.

Hôm nay chúng ta nói tới những điều đơn giản mà người Phật tử tại gia có thể đầu tư vào trong hoàn cảnh của mỗi người để tăng trưởng nhân quả phước báu, công đức nơi ngân hàng Tạng thức của chúng ta nhiều hơn để đời sống bình an, hạnh phúc, bớt bệnh, bớt phiền não – đời sống của riêng ta, đời sống của gia đình chúng ta, đời sống của các đấng bậc sinh thành và đời sống của cộng đồng. Bởi một người thật khéo biết tăng trưởng biệt nghiệp theo chiều hướng thiện thì ảnh hưởng đến cộng nghiệp chung cả xã hội. Như trong thời đại ngày nay chiến tranh, nếu sự quyết định sai của một vị lãnh tụ quốc gia; đó là biệt nghiệp, không thắng nổi sự cám dỗ của quyền lực, của tiền tài, của danh vọng, thì sự cộng nghiệp là cả thế giới đau khổ. Cho nên lời Đức Phật dạy mỗi một cá nhân, mỗi một chúng sanh đều có thể chuyển hóa biệt nghiệp của mình để góp phần vào cộng nghiệp chung xây dựng nền hòa bình. Ngân hàng nhân quả nói đến ý thức của từng cá nhân phải chú ý tới, phải biết thật rõ những tài khoản chuyển vào là thiện hay ác, phải biết thật rõ những khoản đầu tư đưa đến sự phá sản và những khoản đầu tư đưa đến sự tăng trưởng phúc lợi đời sống phước báu, công đức của chúng ta.

Không cần cầu kỳ đâu, Phật dạy cho hàng Phật tử tại gia nhiều lắm, nhưng có mấy điều thật gọn mà Bảo Thành nhắc lại bởi phù hợp với chúng ta. Chúng ta có thể đầu tư dù nguồn vốn của chúng ta rất ít, đó là bố thí. Đừng đợi đến khi làm triệu phú, tỷ phú mới thực hiện khoản đầu tư bố thí các bạn ạ! Bố thí có nhiều dạng, nếu chúng ta có bao nhiêu giác quan thì từ những giác quan đó; chẳng liệt kê tiền tài đâu, chỉ là những giác quan lành lặn thôi; chúng ta đã thực hiện được hạnh bố thí, chúng ta có thể đầu tư vào chuyên mục bố thí này để tăng trưởng phước báu đấy. Ví dụ nếu các bạn có lỗ tai thính, tốt, nghe được, bạn biết lắng nghe sự đau khổ, sự phiền não của tất cả mọi chúng sanh khác; chỉ lắng nghe thôi, chưa làm gì các bạn ạ; thì sự đầu tư hạnh lắng nghe này đã tạo ra phước báu vô cùng. Ai đã đầu tư vào khoản lắng nghe này để có vô cùng phước báu mà cống hiến cho nhân loại, cho chúng sanh? Đó chính là mẹ hiền Quán Thế Âm! Cách đầu tư của Ngài thật là dễ là hạnh lắng nghe!

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Độ Cứu Nạn cho chúng sanh. Tầm thinh là lắng nghe, nhưng ngôn ngữ văn chương hoa mỹ đến mức mà ta tụng lên, ta thấy trời ơi, nó ngây ngất, cuối cùng chẳng hiểu. Bảo Thành xin lỗi, dịch ra đơn giản theo chủ đề nha các bạn, theo chủ đề để dịch: “Ngân Hàng Nhân Quả”! Mẹ hiền Quán Thế Âm đã biết đầu tư vào một chương mục đặc biệt là lắng nghe – cái hạnh của lỗ tai lắng nghe. Vậy mà biết bao nhiêu khổ hạnh của chúng sanh, Ngài đều có thể trao tặng công đức, phước báu để cho họ hết khổ, hết buồn. Mẹ nghe như thế nào, chúng ta nghe được như thế đấy! Chúng ta biết lắng nghe vợ chồng, cha mẹ, ông bà, mọi người, những người đang bệnh hoạn, đang đau khổ, chúng ta biết lắng nghe. Chỉ lắng nghe thôi, chỉ nghe thôi, nghe với tâm từ bi bởi hai chữ “Đại Từ”, “Đại Bi”, Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát, ta nghe bằng tâm từ bi. Mà nghe bằng tâm từ bi là một khoản đầu tư một chương mục đưa chúng ta trở thành triệu triệu, tỷ tỷ phú, công đức, phước báu nhiều lắm! Đầu tư vào chương mục lắng nghe bằng tâm từ bi tức là đầu tư thời gian vào chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa.

Các bạn, các bạn nghe Bảo Thành nói chưa? Mỗi khi trở về với hơi thở chánh niệm quán chiếu tâm từ bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, là chúng ta đang đầu tư vào một khoản chứng khoán một mà thành một tỷ, giàu vô cùng; giàu đức hạnh, giàu công hạnh, giàu tình thương, giàu lòng bác ái. Chỉ một chương mục đầu tư vào chứng khoán lắng nghe này thôi, ta đã trở thành tỷ phú rồi; thì ngân hàng nhân quả thiện lành của chúng ta sẽ dư dả phước báu và công đức; làm cho đời sống của cá nhân, của gia đình, của cộng đồng, của xã hội thêm phần an vui và hạnh phúc.

Hôm nay Bảo Thành nói sơ về bố thí – bố thí bằng hạnh lắng nghe, gắn kết mật thiết với chánh niệm hơi thở của Mu A Mu Sa – khoản đầu tư thật dễ dàng! Nếu các bạn biết tăng trưởng trong khoản đầu tư chứng khoán công hạnh lắng nghe của mẹ hiền Quan Âm bậc Đại Sĩ Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Âm Bồ Tát thì hạnh lắng nghe nhau sẽ chuyển hóa hết mọi khổ đau và sẽ hàn gắn, làm lành tất cả những vết rạn nứt trong trái tim, trong tâm hồn, trong đời sống của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Chỉ một khoản đầu tư này đã trở thành triệu phú, chỉ một khoản đầu tư là hạnh lắng nghe thôi mà mẹ hiền Quán Thế Âm đã được Đức Phật, Đức Bổn Sư tán thán công hạnh; người Phật tử tại gia của chúng ta, nếu không biết lắng nghe, thì ngân hàng nhân quả thiện lành biến mất, còn nếu ta biết lắng nghe, tập đầu tư theo mẹ hiền Quan Thế Âm sẽ trở thành triệu phú, tỷ phú.

Ta vẫn thường cầu mẹ độ cho chúng ta, ta thường niệm hồng danh Quan Thế Âm; những câu niệm: “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Âm Bồ Tát” nó quen thuộc với hàng Phật tử tại gia Việt Nam của chúng ta. Nếu chúng ta biết trì niệm những câu như thế, thì mẹ hiền Quan Âm liền tới như một nhà đầu tư phước hạnh để dẫn dắt chúng ta thực tập hạnh lắng nghe. Hạnh lắng nghe đó được Thiền Mật Song Tu nhắc đi nhắc lại trong sự đồng tu với nhau hằng ngày qua mật chú Mu A Mu Sa chánh niệm hơi thở quán chiếu tâm từ bi thể nhập vào phương thức đầu tư hiệu quả nhất nhất, bậc nhất của mẹ hiền Quan Âm, thì chúng ta còn có gì để lo ngại? Ngân hàng nhân quả của chúng ta sẽ tràn đầy, dư dả phước báu và công hạnh!

Một sự gợi ý thật nhỏ qua chủ đề, bởi chủ đề này nói rất rộng; sự đầu tư mà Phật dạy, các chư vị Bồ Tát dạy cho chúng ta để tăng trưởng phước báu và công đức thật là nhiều, phải trở thành một nhà đầu tư vĩ đại. Nhưng là Phật tử tại gia, ta đầu tư nhỏ nhỏ thôi, nho nhỏ là đủ rồi, không cần lớn lao đâu, bởi ta còn phải lo cho chồng, cho vợ, cho con, cho sự nghiệp, công ăn việc làm, cho cha mẹ, cho tất cả… nhiều lắm. Phật tử tại gia chúng ta đa đoan, đa sự, nhưng nếu khéo đầu tư nho nhỏ chút xíu thôi, vốn đầu tư chỉ là cái lỗ tai biết nghe bằng tâm từ bi – lỗ tai biết nghe bằng tâm từ bi đúng theo cách mà mẹ hiền Quán Thế Âm đã thành tựu và lưu truyền, dạy dỗ cho chúng ta, thì tất cả mọi người chúng ta sẽ trở thành những nhà tỷ phú mà trong ngân hàng nhân quả tràn đầy phước báu và công đức. Hạnh lắng nghe từ giác quan nho nhỏ là lỗ tai và từ tâm hạnh bình thường là từ bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa chánh niệm của hơi thở quán chiếu cho rõ, Bảo Thành và các bạn đã trở thành những nhà đầu tư để trở thành những bậc tỷ phú biết yêu thương, biết bao dung, biết che chở.

Các bạn! Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!

Thưa Phật! Chúng con hiểu được ngân hàng chính là tâm thức của chúng con, nhân quả là những việc làm thiện hoặc ác tạo thành. Chúng con nguyện theo phương pháp của mẹ hiền Quan Thế Âm hôm nay, biết đầu tư vào chương mục chứng khoán phẩm hạnh lắng nghe bằng tâm Từ Bi của mật ngôn Mu A Mu Sa. Thì ngân hàng tâm thức của chúng con tạo được thật nhiều nhân thiện trổ quả thiện lành.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta cùng hồi hướng công đức:

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con ngày hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng tới tất cả các vị lãnh tụ trên toàn thế giới, để họ biết lắng nghe sự thống khổ trong chiến tranh mà ngồi lại bàn thảo để lập nên nền hòa bình cho thế giới.

Xin chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts