Search

Bài 2245. Oan Gia Trái Chủ Hiện Tiền

Bảo Thiện đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Kính mời các bạn cùng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh và gia trì tràn đầy hồng phúc xuống cho các vị lãnh đạo các quốc gia, các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo biết cùng chung một tiếng nói, ngồi lại với nhau chuyển hóa sự khác biệt, kiến lập lại nền hòa bình cho thế giới và ngừng hẳn chiến tranh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Cùng với nhau nhất tâm, chúng ta hồi hướng năng lượng tình thương và cầu nguyện cho thế giới này được hòa bình, cho tất cả các dân tộc sống chung với nhau trên tinh thần tôn trọng và bảo vệ mạng sống cho nhau.

Chúng ta trong từng giây phút của Chánh Niệm hơi thở, hít vào nhẹ nhàng, dung thông với mười phương chư Phật quán chiếu thật rõ tâm tánh của mình.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)

Các bạn thân mến, sự tu tập của mỗi người chúng ta khi đồng tu đã có sự tiến bộ thật nhiều. Tiến bộ ở chỗ nào? Ở chỗ là đã gần hai năm rồi, chỉ còn hai tuần nữa là chúng ta bước vào năm thứ ba. Trong Thiền Mật Song Tu Thất Bảo Huyền Môn có 7 câu mật chú giúp cho chúng ta quán chiếu về tâm, mỗi một câu mật chú chúng ta phát nguyện đồng tu trong một năm, một năm với hơi thở Chánh Niệm vào ra, quán chiếu tự thân. Năm đầu, chúng ta quán chiếu lòng đại từ đại bi để nhận ra sức mạnh vi diệu của năng lượng tình thương nơi mười phương chư Phật và đặc biệt hiện hữu gần gũi trong cuộc đời đó chính là tấm gương của Mẹ Hiền Quan Thế Âm. Năm thứ hai, chúng ta quán chiếu tâm Trí Tuệ, nhìn xuyên suốt vạn pháp Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Một tuần và một tuần nữa cộng lại hai tuần, ta bắt đầu bước vào câu thứ ba. Tại sao có tiến bộ? Là từ cái môi trường sinh sống bình thường, chúng ta đã tái lập được một cái kênh YouTube, Facebook và được chia sẻ rộng rãi, hình thành một khung giờ đồng tu với nhau dù chúng ta sống khác biệt các múi giờ, khác quốc gia. Như hiện thời Bảo Thành là đang 7 giờ sáng, thì tại nước Mỹ này như ở miền đông bắc Hoa Kỳ tổ đình chùa Xá Lợi là 8 giờ sáng rồi, còn đối với Việt Nam quê hương thì chúng ta là 8 giờ tối. Khác múi giờ, khác quốc gia nhưng không khác với chí nguyện đồng tu. Hai năm trôi qua, còn đồng tu hay không còn đồng tu, đồng tu ít hay đồng tu nhiều thì chúng ta vẫn còn một chữ “đồng”, đồng tâm với nhau phát nguyện giải thoát. Điều rất cao quý là mỗi người đã nhận thức Trí Tuệ, Trí Tuệ cần phải được khai thác qua công hạnh thực chứng của sự đồng tu, phát huy tới mức để ứng dụng vào đời sống, tầm cầu con đường giải thoát khỏi mọi phiền não và đau khổ.

Nhìn thấy được điều đó nơi các bạn, Bảo Thành hạnh phúc. Vì sao? Vì chủ đề ngày hôm nay nói “Oan Gia Trái Chủ Hiện Tiền”, không phải oan gia từ vô lượng kiếp trước, mà oan gia trái chủ chúng ta đang tạo ra cho nhau trong từng giây phút của cuộc sống. Cái oan gia trái chủ nhiều kiếp thì đã hình thành cái nghiệp rồi, ta chuyển nghiệp ta tu. Nhưng cái oan gia trái chủ hiện tại trong sự tương tác hàng ngày đối với người thân trong gia đình, đối với những người trong cộng đồng và xã hội, đối với vật và người, nếu ta không ngừng hẳn thì oan gia trái chủ kiếp trước chưa chuyển được lại thêm oan gia trái chủ ngay bây giờ lại tạo ra quá nhiều. Nợ chưa trả hết mà còn dồn nợ, từ nợ mẹ đến nợ con, đến nợ ông, nợ cháu, nợ bà, cả một dây chằng chịt của những cái mối nợ truyền kiếp oan gia trái chủ, làm sao ta có thể chuyển hóa được phải không các bạn?

“Oan Gia Trái Chủ Hiện Tiền”, chúng ta thực sự sẽ hóa giải được qua sự đồng tu quán chiếu lòng Từ Bi, quán chiếu Trí Tuệ vốn có nơi tự tánh, thắp sáng bằng cách nương vào hùng lực của chư Phật mười phương, bằng cách đưa vào tình thương của Mẹ Hiền Quan Âm, để chúng ta khơi nguồn cho cái vốn có nơi tự tánh Phật, để ứng dụng vào đời thật để giải oan những trái chủ ngay bây giờ, tại nơi đây. Chúng ta cứ tìm mọi cách để giải oan gia trái chủ nhiều đời nhưng trong kiếp này lại không chịu chuyển hóa những oan gia trái chủ ngay bây giờ. Chẳng khác gì người dọn rác đằng trước dồn vào đằng sau, chuyển từ phòng này qua phòng kia rác rưởi vẫn ở trong nhà. Nhất định phải mang chúng ra hết, không cần biết rác đó là rác oan gia trái chủ của đời trước hay rác rưởi oan gia trái chủ ngay bây giờ, đã gọi là rác, đã gọi là oan gia trái chủ, cần phải ngừng tạo ra và cần phải chuyển.

Có một câu trong kinh Pháp cú nói về hiện tượng mà chúng ta tạo ra oan gia trái chủ mà không hay biết. Câu đó nói như vầy “Chiến thắng gây hận thù”, thật rõ chỉ một câu như vậy rồi đã khẳng định trong cuộc đời của chúng ta, Bảo Thành và các bạn thường tạo ra oan gia nhiều lắm, oan gia với chồng, vợ, bạn bè, con cái, người thân, oan gia với súc sanh nữa, chúng ta cùng nhìn về thử coi có phải không? “Chiến thắng gây hận thù”, Bảo Thành và các bạn chúng ta là con người, cái câu thường nói “là người mà”, là người mà nên chúng ta thường hay giận, hay sân, hay si, thường hay tức tối, thường hay muốn thắng kẻ khác, chèn ép kẻ khác, dồn nén kẻ khác vào cái ngõ cụt. Là người mà, ai không muốn chiến thắng, là người mà, ai muốn thất bại. Đúng! Không biết từ cái thời nào nhưng khi chúng ta sinh ra đã nuôi dưỡng trong con người này dòng máu của sự chiến thắng và đi tới đâu chúng ta cũng muốn chiến thắng, chẳng bao giờ muốn thua. Không những bản thân của ta muốn chiến thắng, mà cha mẹ, ông bà, người thân, môi trường, xã hội, đi đâu cũng giành hai chữ chiến thắng đặt lên hàng đầu, in ấn vào cái tâm của mọi người. Họ đã cắt xén ngắn đi cái câu kinh pháp cú ba chữ, mà chỉ còn giữ lại hai chữ chiến thắng, chiến thắng và chiến thắng. Chiến thắng đã trở thành một danh hiệu để tôn vinh nhưng mà tối nghĩa, bởi chính hai chữ chiến thắng này chúng ta nuôi dưỡng và tìm đủ mọi cách để thực hành, chúng ta đã gây ra quá nhiều oan gia trái chủ ngay trong kiếp này, chưa tính sổ nợ của vô lượng kiếp trước.

Các bạn cứ nhìn lại đi, trong gia đình giữa những người chung sống với nhau, mình gọi thật rõ đó là tình nghĩa vợ chồng. Thương thì thương, yêu thì yêu, hứa trăm năm đó, sống suốt cuộc đời đó, thế nhưng mỗi một ngày trôi qua nếu lược lại những ý tưởng trong cuộc sống, sự tôn trọng nhau vẫn có, nhưng thật nhiều sự len lỏi của cái tâm tưởng muốn thắng, muốn mạnh, muốn hơn vợ, muốn thắng, muốn mạnh, muốn hơn chồng. Để rồi chỉ hai con người đơn giản trong mái nhà đó có cái sự tranh chấp hơn thua. Nó nhỏ, nó không lớn, đó là sự khởi đầu, nhưng nó tích lũy dần dần, đến khi mà giữa hai con người thật sự yêu thương ấy lại trở về với cái thời ngày xưa của thời đại Trung Hoa xây nên bức tường thành vĩ đại ngăn cách đôi bên, Vạn Lý Trường Thành. Chúng ta cứ muốn thắng mọi người, nhưng chẳng hiểu rằng hai chữ “chiến thắng” đó theo nhà Phật còn ba chữ nữa như Bảo Thành nhắc nhở lúc đầu. “Chiến thắng” là hai chữ ta tôn vinh, nhưng thiếu ba chữ “gây hận thù”. Nếu chữ “chiến thắng” được gắn liền theo một câu Pháp Cú, câu kinh của nhà Phật, ba chữ nữa thôi sẽ là lời cảnh báo để cho chúng ta phải dè dặt, suy nghĩ trước khi khởi lên cái hành động muốn chiến thắng người khác. Bạn cứ ghi đúng năm chữ này xuống gắn ở ngay cái cửa phòng các bạn, bạn sẽ thấy cuộc đời đổi thay biết bao. “Chiến thắng gây hận thù”, chỉ có năm chữ nhỏ vậy thôi, nếu được quán chiếu, nhắc nhở thì mỗi người chúng ta thực sự đã biết ngừng tạo nghiệp, để không còn oan gia trái chủ hiện tiền trong cuộc sống.

Bạn nhìn lại đi, từ trong gia đình bước ra ngoài xã hội, nơi công sở văn phòng hãng xưởng, nơi chợ búa, hoặc ngay chỉ là một quán cà phê cóc ở góc phố nhỏ tới ngồi uống, hoặc chỉ là một quán ăn điểm tâm ban sáng trong một cái phố nhỏ, nhưng bạn nhìn đi, khi bước vào những chỗ như thế có ngoài những câu chuyện xã giao thường gay cấn. Bởi khi bàn bạc nói đến những cái chủ đề khác, ai ai cũng muốn cái sự lý luận, sự biện giải của mình là hơn, là đúng, vậy nên từ một khu phố, từ một góc phố thật yên ắng, bao giờ cũng ồn ào tiếng tranh, tranh đua, luận bàn. Mà lạ lùng, chính cái cảnh tranh đua luận bàn đấy nó hấp dẫn quá. Với những ai khi thức dậy thì cũng cảm thấy trống vắng cái sự tranh đua ồn ào đấy nên vội vội vàng vàng, cà phê vợ pha hoặc chồng pha, đồ ăn vợ nấu hoặc chồng nấu chẳng thèm, đi ra cái quán cóc đã. Ăn thì có bao nhiêu, uống thì có bao nhiêu, nhưng một tiếng, hai tiếng khởi đầu cho một ngày mới bằng sự tranh luận, nó hăng máu, nó tạo cho cái sức sống để chiến thắng mọi chướng ngại sẽ phải đương đầu trong ngày ấy.

Chúng ta đã được đúc vào cái khuôn phải chiến thắng, nhưng không bao giờ được nhấn mạnh ba chữ cuối “gây hận thù”. Đức Thế Tôn, bậc giác ngộ đã nhắn nhủ cho mỗi người chúng ta, đặc biệt Phật tử tại gia về ý nghĩa của cuộc sống, làm sao dọn sạch những oan gia trái chủ mà ta đang tạo ra ngay trong từng giây phút của cuộc sống. Để ý thức cao về vấn đề này, Phật đã gắn năm chữ trong kinh Pháp cú, có bốn câu các bạn ơi, nhưng mà chỉ một câu “Chiến thắng gây hận thù” quán chiếu nhìn rõ thực hành được thì gia đình sẽ thái bình, thế giới sẽ hòa bình và con người sống chung với nhau không bao giờ có hận thù. Nhưng tiếc thay dòng máu của sự chiến thắng, quên đi ba chữ “gây hận thù”, mà gắn liền với hai chữ khác để kích thích như một liều thuốc độc gây ra đau đớn cho người khác. Chữ “chiến thắng” gắn liền với hai chữ “danh dự”, là vinh quang, là anh hùng, kẻ chiến thắng là vinh quang, kẻ chiến thắng là anh hùng. Hai chữ “anh hùng” nó đã làm đảo lộn thần trí, sự suy nghĩ, nó làm cho con người mất đi thần tính, chẳng còn sự bình tĩnh, nó làm cho chúng ta mất đi sự tự tại, tràn đầy sự phiền não. Anh hùng gì cái thứ chiến thắng bằng cách đè bẹp những người khác, thậm chí trong những cuộc chiến thắng chúng ta còn giết hại sinh mạng của họ nữa.

Nhìn lại hiện tại trong cuộc sống của mỗi người, chúng ta gây ra oan gia trái chủ quá nhiều. Bởi đi đâu cũng muốn chiến thắng kẻ khác, đi đâu cũng muốn mang cái sức mạnh của kiến thức mình học được, sức mạnh của cơ bắp, sức mạnh của cái tiếng nói, sức mạnh của quyền lực, sức mạnh của sự giàu có về tiền tài, sức mạnh về cái đẹp của thân xác, thân tướng, sức mạnh của tất cả những cái gì ta có được không cần biết nó từ đâu, để lúc nào cũng sấn lên đằng trước, xô đẩy, đè bẹp, đạp lên những con người khác, để có được hai chữ chiến thắng, để xứng với cái danh là anh hùng. Thật là đau thương khi trong tâm tưởng của những người Phật tử tại gia, học Phật mà vẫn luôn nuôi dưỡng hai chữ chiến thắng. Chiến thắng gây hận thù các bạn. Bậc giác ngộ, bậc thầy của trời và người đã dạy thật rõ: Chiến thắng gây hận thù. Chiến thắng từ trong nhà bếp, nấu ăn cũng phải ngon, nấu ăn cũng phải hơn người. Chiến thắng từ trong cái bàn ăn, cái phòng ngủ, phòng khách, ngoài chợ, ngoài đường, đi tới mọi nơi toàn là người hùng không, toàn là anh hùng khắp chốn tụ về, bàn ra một chút, chiến tranh đầy đường. Cứ thế mà biết bao nhiêu con người đổ máu, đau khổ.

Chúng ta cứ muốn phô trương cái sức mạnh cơ bắp. Nhìn lại hiện trạng hiện thời cuộc chiến tranh trên thế giới đang xảy ra, dù ở mức độ chưa đến nỗi nhưng đã gây ra sự tang thương, giết hại biết bao nhiêu những mạng sống của những người dân vô tội. Cuộc chiến của Nga và Ukraina, một bên đại diện cho sức mạnh quyền lực về vũ khí, một bên đứng lên vì chính nghĩa bảo vệ, ai thắng ai thua thì cũng biết bao nhiêu xương cốt phơi đầy đường, máu chảy thành sông, nước mắt đầy biển, đau khổ. Tất cả các bạn trẻ, tất cả mọi con người trên thế giới ngày nay, không một ai hài lòng với sự tranh chấp bằng quả đấm, bằng cơ bắp, bằng vũ khí, bằng cái sức mạnh gây ra chiến tranh để tạo ra sự chiến thắng. Sự chiến thắng như vậy không còn gọi là anh hùng nữa, mà sự chiến thắng đó đã gây ra oan gia trái chủ, gây ra hận thù. Sự chiến thắng đó là một sự tủi nhục cho ai gây ra cuộc chiến, cho đất nước nào gây ra cuộc chiến, là một sự tủi nhục các bạn. Chiến tranh nơi từng quốc gia xảy ra chính là cái tâm của mỗi người chưa nhìn ra sự chiến thắng gây hận thù. Nếu từ tâm tưởng của từng cá nhân, từng con người biết tư duy, biết thiền định, biết quán chiếu theo lời Phật nói “chiến thắng gây hận thù”, ý thức được điều đó ta sẽ đẩy lùi đi những cái năng lượng tiêu cực, chuyển hóa hai cái danh từ gọi là “chiến thắng”, “anh hùng” kia thành sự hòa bình và an lạc. Chiến thắng không còn mà chỉ còn sự hòa bình, chữ anh hùng không còn, chỉ còn chữ an lạc trong cuộc sống. Oan gia trái chủ hiện tiền đó xảy ra bởi ai cũng muốn thắng, thắng cái gì?

Có một cuộc chiến cần phải thắng nhưng chúng ta lại không nghĩ tới, cuộc chiến đó rất quan trọng nhưng không ai chịu nghĩ, chỉ muốn chiến thắng những sự hão huyền không đúng, sống ảo tưởng. Sự chiến thắng gì là quan trọng? Phật dạy: chiến thắng khỏi sanh tử, đấy quan trọng lắm. Chiến thắng khỏi sanh tử là một cuộc chiến mà chúng ta cần phải đầu tư thật nhiều thời gian để suy nghĩ, để bàn kế hoạch, để có một cái chính sách thật rõ, lập ra cái đường hướng dẫn tới sự chiến thắng sanh tử này. Một nhà quân sự đại tài đã lập ra một thế trận để cho chúng ta có thể chiến thắng trong cuộc chiến sanh tử này, đó chính là Đức Phật. Không có một cái cuốn binh thư nào có thể đưa đến sự toàn diện chiến thắng khỏi sanh tử bằng cuốn binh thư Đức Phật đã tóm gọn trong Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo là tám con đường binh thư lỗi lạc của bậc giác ngộ, dìu dắt cho mỗi người chúng ta phải thắng, nhưng thắng sanh tử chứ không thắng bằng cách đè ép, chiếm đoạt đất nước, chủ quyền, tiền tài, danh vọng, địa vị, thế đứng của xã hội. Chiến thắng sanh tử. Nếu bạn muốn chiến thắng thì hãy gia nhập vào một binh đoàn được học hỏi chính sách thật rõ, một chính sách, một kế sách, một thể loại binh thư đặc biệt của một bậc giác ngộ là Phật để thấu được đường đi nước bước để chiến thắng một cuộc chiến, cuộc chiến thoát khỏi sanh tử.

Hôm nay nói như vậy để nhắc nhở cho mỗi người thấy, chúng ta không phải không chiến thắng, nhưng những cuộc chiến về danh dự, về tiền tài, về vật chất, về sắc tướng của cuộc đời, về sự tài phú của quốc gia, ta chẳng cần. Từ nguyên thủy xưa cho tới nay, biết bao nhiêu những con người, những bậc lãnh đạo cấp quốc gia, biết bao nhiêu những quốc gia hùng cường tôn vinh hai chữ chiến thắng để làm chủ quyền, nhưng rồi quốc gia ấy, con người đó hoàn toàn bị xóa sổ. Bằng chứng là hai cuộc chiến thật lớn đệ nhất và đệ nhị, chiến tranh đệ nhất, đệ nhị thế giới, những cái nước tạo ra chiến tranh đều bị triệt tiêu và gây tổn hại. Nếu không biết ngừng sớm trong thời đó sẽ bị xóa sổ hết. Chúng ta nếu chỉ vì những điều như vậy thì đã xóa sổ, chẳng còn hiện hữu trong cuộc đời là một kiếp người, mà chỉ hiện hình là ma vương đội lốt người, gây oan gia trái chủ thêm mà thôi. Hãy trở thành một người hùng, một chiến sĩ dưới sự hướng dẫn của bậc minh quân là thế tôn, để chiến thắng một cuộc chiến sanh tử. Vậy hãy trở về học con đường Bát Chánh Đạo.

“Chiến thắng gây hận thù” là năm chữ vàng của bậc giác ngộ truyền trao, nếu bạn in ra gắn ở trên cửa phòng mỗi khi bước vào bước ra bạn đều nhìn thấy, thì nhất định các bạn sẽ dừng cuộc chiến ngay tại tư phòng của mình. Và từ tư phòng đó ta tạo ra sự thái bình, sự bình an, khi bước ra khỏi phòng là sự hòa bình hiện hữu ngay chỗ đó. Và hiện tại không tạo ra oan gia thì những oan gia trái chủ đời trước cũng phải dừng bước ở xa. Vì sao? Vì nếu ngay bây giờ không tạo ra oan gia thì ta đã tạo ra phước báu, ta đã tạo ra năng lượng thanh tịnh rồi. Chính các phước báu và năng lượng thanh tịnh hiện tiền ta đang kiến lập được sẽ chuyển hóa thành hằng hà sa những năng lượng bất tịnh của oan gia trái chủ nhiều đời, mấu chốt ở chỗ này.

Chủ đề rất sâu đấy, cần phải suy nghĩ thật kỹ. Chúng ta là người mà sống như con khỉ, đi đâu cũng vỗ ngực dương oai cho mạnh để muốn chiến thắng. Trong cái sự khao khát chiến thắng để trở thành anh hùng kia, ta đã lập ra biết bao nhiêu những mưu mẹo, mưu chước để hại người. Hãy dừng ngay, hãy mang năm chữ vàng của Đức Thế Tôn truyền cho chúng ta “Chiến thắng gây hận thù”. Bạn có muốn sống trong sự hận thù của từng giây phút hay không? Bạn có muốn sống trong sự hận thù của vợ, của chồng, của con cái, của cha mẹ, của bạn bè, của cộng đồng, của xã hội, của đất nước này với đất nước kia hay không? Bạn có muốn sống trong cái hành tinh tràn ngập những cái năng lượng bất tịnh, tiêu cực, oán thán, hận thù không? Không ai muốn sống như vậy hết, chúng ta phải tự chủ, bởi chính Đức Phật đã dạy chúng ta là một chiến binh có thể dùng tám con đường thánh trong Bát Chánh Đạo, có thể thực tập theo năm chữ vàng “Chiến thắng gây hận thù” để chiến thắng sanh tử. Cuộc chiến sanh tử này cần phải là một chiến binh thật giỏi, không màng vũ khí, tiền tài, sức mạnh để tiêu diệt kẻ khác. Nhưng chiến binh này theo Phật rồi, phải mang Trí Tuệ để soi sáng, phải mang Từ Bi để gội rửa và dung dưỡng nền hòa bình nơi tự thân. Hai thể loại binh khí tinh diệu mà một người chiến binh Phật tử đi theo Đức Phật – nhà quân sự đại tài để chiến thắng khỏi sanh tử, đó chính là binh khí của Trí Tuệ và Từ Bi. Người có Trí Tuệ và Từ Bi là người không bao giờ gây hận thù. Người có Trí Tuệ và Từ Bi là người biết không tạo ra chiến tranh để giành chiến thắng, bởi hiểu thấu chiến thắng gây hận thù, họ ngừng chiến tranh để gây tạo sự hòa bình. Nhường một bước mà biển rộng trời cao, chẳng lấn tới mà sát hại muôn người.

Chiến tranh gây đau khổ và chết chóc, oan gia trái chủ tới từ ngay chỗ đấy. Nhìn thấy khí oán thán trên thế giới này ngất trời rồi, ai ai cũng trách, ai ai cũng oán trách cái đất nước đang tạo ra chiến tranh. Và ai ai cũng đứng về cùng một hướng với những con người yếu đuối, đang đứng dậy để bảo vệ chủ quyền, để bảo vệ sự sống, sự tự do. Đúng mà! Trên thế giới hiện tại đã có biết bao nhiêu cuộc biểu tình trên toàn thế giới chống lại chiến tranh, kêu gọi hòa bình, bởi đó là chính nghĩa. Chúng ta nếu học Phật, Phật tử tại gia ngừng hẳn cuộc chiến đối với nhau, tạo nên nền hòa bình, chúng ta sẽ có Long Thần, Hộ Pháp, chư Thiên, chúng ta sẽ có chư Bồ Tát, Thánh Hiền, chư Phật mười phương đồng hành biểu dương cái chánh khí ta làm đúng, bởi ta đã không còn gây chiến tranh để giành chiến thắng tạo ra hận thù nữa. Bạn không chiến thắng gây hận thù, không chiến tranh gây hận thù thì liền liền trong cuộc đời, chư Thiên, chư Hộ Pháp luôn luôn kề cận các bạn, ủng hộ các bạn, bảo vệ các bạn. Bởi bạn là một chiến binh chính nghĩa, dùng đúng cái thể loại binh khí tinh diệu là Trí Tuệ và Từ Bi để chiến thắng khỏi sanh tử. Đây là một cuộc chiến rất cần được tu luyện, sử dụng hai loại binh khí tinh diệu Trí Tuệ và Từ Bi của nhà quân sự đại tài – đức Bổn Sư Thích Ca hướng dẫn cho chúng ta – Phật tử tại gia chiến thắng khỏi oan gia trái chủ, chiến thắng khỏi mọi sự hận thù, chiến thắng khỏi sự sanh tử. Thể loại binh khí Trí Tuệ và Từ Bi, chúng ta sẽ có được qua Thiền Mật Song Tu Thất Bảo Huyền Môn, mật ngôn Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Hãy ngừng tạo ra oan gia trái chủ ngay trong cuộc sống, hãy xây dựng một đời sống an yên, một thế giới hòa bình nơi tự thân của mỗi người, bằng cách nhìn thấu năm chữ vàng Phật đã trao “Chiến thắng gây hận thù”

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Thưa Phật! Chúng con xin gắn năm chữ vàng “Chiến thắng gây hận thù” trên đảnh đầu để tư duy. Bao nhiêu công đức tu tập chúng con hiệp nhất với nhau, với một lòng thành kính ngưỡng cầu đến ba ngôi Tam Bảo ở mười phương thường trụ gia trì cho cuộc chiến trên thế giới này ngừng lại và cho các vị lãnh đạo các quốc gia được khởi nguồn yêu thương, thắp sáng Trí Tuệ, hiểu thấu chiến thắng gây hận thù, bình tĩnh trở lại, bàn thảo để đưa ra một chính sách bảo vệ mạng sống cho muôn người.

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, nhìn cho thấu năm chữ vàng “Chiến thắng gây hận thù”, chúng ta bắt đầu trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức. Thưa Phật! Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay nếu có cho nền hòa bình thế giới. Xin Chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts