Search

Bài 1318: Đừng Giới Hạn Bản Thân – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô, cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên youtube Thất Bảo Huyền Môn, kênh facebook chùa Xá Lợi.

Đã tới giờ chúng ta đồng tu với nhau, mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con.

Mô Phật! Các bạn, trước khi chúng ta đi vào 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa và chí thành đón nhận năng lượng tình thương của mười phương Chư Phật ban rãi xuống cho mỗi người chúng ta, Bảo Thành xin thông báo Chủ Nhật này (hôm nay là thứ sáu, ngày mai thứ bảy, rồi đến chủ nhật), giờ giấc ở bên Mỹ và các nơi giống nhau vẫn bình thường. Nhưng chỉ ở Việt Nam, chúng ta sẽ thay đổi thời gian lên một tiếng, thay vì 9h tối thì chúng ta sẽ bắt đầu 8h tối, trước một tiếng. Bởi ở bên Mỹ vào mùa xuân giờ thay đổi, mong các bạn nghe và theo dõi để chúng ta không vào trễ.

Giờ đây, mời các bạn đặt bàn tay phải bàn tay tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi, để chúng ta bắt đầu. Chúng ta hãy nguyện một lòng chí thành, thành kính và mang tâm chân thật ngồi tại nơi đây, đón nhận năng lượng tình thương ban rải xuống cho mọi loài chúng con.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, với chủ đề “Đừng Giới Hạn Bản Thân”, đã nhắc nhở cho mỗi người chúng ta thấy rằng nơi thân phận làm người, và với thân kiếp chúng ta đang mang trong cuộc đời này đây là một phương tiện vi diệu mà Phật đã dạy, có khả năng đạt được những chuyện tột cùng, khó nghĩ bàn. Chẳng qua là trong suốt cuộc đời chưa có ai trong ta lắng nghe thật kĩ lời đức Phật khai thị, giới thiệu và hướng dẫn. Để chúng ta có thể ứng biến thân kiếp làm người đạt được những thành tựu cao. Mà chúng ta chỉ thỏa mãn cuộc đời bằng những cảm xúc riêng tư lặt vặt và chúng ta đã để cho những cảm xúc bám dần, rồi những cảm xúc đó dối lừa chúng ta. Để chúng ta cứ trượt dài trên những con dốc của cuộc đời, lao vào trong cảm xúc thỏa mãn mà quên đi chí nguyện cao cả mà ta đã bao nhiêu năm trời cưu mang, nuôi dưỡng trên con đường học Phật. Các bạn biết vì sao không? Vì trong chúng ta, các bạn phải khẳng định thật rõ như lời Phật dạy, chỉ có tâm thiện lành mà thôi. Y như ta chạy xe ở ngoài đường, ta chạy một vòng thì bụi bặm dính vào ta nhưng cái thanh sạch vẫn ở trong, chỉ cần gội rửa ta sẽ sạch sẽ trở lại. Bụi kia là bụi đường bám vào, những cái tâm bất hảo, những cái tâm bất thiện, những cái tâm ác trược, tham sân si, chẳng phải của ta. Chỉ là bụi đường, sương gió mà khi chúng ta đi vào cuộc đời từng bước chân thiếu sự an lạc, thì sương gió, tham sân si, bất thiện, tham ái, tham dục nó dính vào nhưng ta không hiểu thấu, lần mò trong cuộc đời và tưởng nó là ta.

Các bạn biết rồi, những hạt bụi của cuộc đời khi dính vào mắt, nó lóe lên những hình sắc đẹp để rồi nó làm cho ta u mê. Những hạt bụi của cuộc đời trong tham ái, trong tham sân si, trong những tư lợi cảm xúc riêng khi nó dính vào tai, nó biến thành những âm thanh êm dịu, dìu dắt ta đi mãi vào vùng tối của cuộc đời. Nó dính vào môi miệng thì những ngôn ngữ nhảy múa lung tung, lôi kéo. Nó dính vào thân thì biết bao nhiêu hành vi tạo ra chẳng thể làm chủ được. Từ đó, ta đánh mất đi tự chủ của chính mình.

Các bạn, chúng ta phải luôn luôn thật bình tĩnh trong cuộc sống, lắng nghe lời Phật. Và phải tinh tấn tu học miên mật, giải đãi chúng ta sẽ mất đi cơ hội tiếp cận với lời dạy của Phật, và rồi ta khó làm chủ được trong cuộc sống. Chúng ta phải luôn luôn thức tỉnh cuộc đời của mình trong chánh niệm hơi thở từ bi quán. Bởi những cảm xúc vụn vặt, những tư lợi riêng tư chỉ là những bụi đường dính vào, nhưng chúng rất khôn khéo, chúng chẳng thuộc của ta, chẳng thuộc về ai. Nhưng chúng đã thì thầm và gắn kết với những cái tham, sân hận của cuộc đời, những vị kỷ cá nhân, để rồi ta đã vô tình đồng hóa chúng thành một phần của đời sống riêng ta. Và ta cũng vô tình ta trao quyền để cho những hạt bụi vớ vẩn, vụn vặt đó được chỗ trú ngụ ở trong thân tâm của ta. Các bạn biết chúng là như thế nào không? Chẳng phải là thường trú nhân, chỉ là tạm trú ghé ngang bởi tâm cảm của con người bằng cảm xúc yêu thương; hoặc bằng những tình cảm riêng tư. Chỉ tạm trú ở đó nhưng quá khôn khéo, khôn khéo đến mức mà nó lừa chúng ta, để rồi chúng ta đã dấn thân, hạ mình, làm mất đi giới hạn bản thân thanh cao, chí nguyện giác ngộ của mình. Để đưa những hạt bụi đường vớ vẩn lăn tăn trong những ngọn sóng cảm xúc của mình, được có chủ quyền thường trú vĩnh viễn. Để cho những hạt bụi đường cảm xúc vớ vẩn kia từ tạm trú vương vấn trên chuyến hành trình của cuộc đời chúng ta, biến thành thường trú vĩnh viễn, thành chủ nhân. Mà ta phải suy nghĩ, ta phải thay đổi nhân cách, ta phải thay đổi chí nguyện của cuộc đời để làm phục dịch, nô lệ, xuôi theo những ý tưởng của bụi đường cảm xúc lăn tăn, vụn vặt trong bất thiện kia. Ta đã đánh mất chủ quyền của mình và đã cởi bỏ những tâm tưởng cao đẹp để mặc vào những chiếc khố của lầm tưởng trong cuộc đời. Để tôn vinh những hạt bụi của cảm xúc bất thiện kia và biến chúng thành chủ quyền. Những hi sinh cả cuộc đời cha mẹ trao tặng, thầy tổ dạy dỗ mà ta còn đánh mất. Đánh mất sức mạnh thanh cao vốn bao nhiêu năm trời ta huân tu, vốn bao nhiêu năm trời ta hướng tới, ta thành tựu. Chỉ một phút chốc sơ ý, hạt bụi dính lâu năm kia đã tước tạo thành hình hài của chủ nhân trong những cảm xúc tầm thường vụn vặt của ta. Và rồi ta đã bán mạng để biến những hạt bụi đó thành hình ảnh chân thật mà ta đeo đuổi. Để cuối cùng ta đã đưa hình ảnh đó làm thành cứu cánh vấn đề cần giải quyết cho chính cuộc đời của chúng ta, mà quên đi tất cả những ý nghĩa cao đẹp khác.

Các bạn phải nhớ, Đức Phật dạy rằng tánh thiện vốn có trong tâm Phật, còn những tâm tưởng, cảm xúc khác chỉ là những điều vớ vẩn trong đời dính vào mà thôi. Vẫn là người, vẫn đi trên con đường hành trình làm người, nhất định ai ai trong chúng ta, Bảo Thành và các bạn cũng sẽ thật nhiều lần bị dính mắc vào những hạt bụi đó. Nhưng may thay, ở nhà vẫn còn có hồ nước tĩnh lặng của tâm thanh bình, ở nhà vẫn còn có hồ nước tịnh thủy lưu ly nơi tâm Phật, nơi tâm hướng đến sự giác ngộ. Để chúng ta chỉ cần múc nước ở đó gội rửa lên trên người thì bụi bặm kia sẽ tiêu tan. Ngoại trừ ai trong chúng ta không muốn tắm rửa mà thôi, còn thật sự khi gội rửa cho chân tâm, dù cho có dơ bẩn cỡ nào thì cam lồ tịnh thủy lưu ly, tánh thiện nơi Phật tánh của chúng ta đều có khả năng gội rửa và giúp ta trở lại. Bởi vậy trong cuộc đời khi lầm lỗi, các chư tổ thường mượn lời của Chư Phật khuyên bảo chúng ta hãy sám hối và hãy trở về tắm rửa thật sự. Hãy lắng lòng thanh tịnh, trở về với cội nguồn chân như để luôn luôn khắc cốt nghi tâm lời của cha mẹ, lời của tổ thầy, lời của Chư Phật, lời ta đã phát nguyện. Để đừng bị mai một theo dòng đời, khi lớp bụi trần lãng tử ở ngoài bám víu trên bờ vai mỏng manh, yếu đuối của chúng ta.

Các bạn nhớ, không những thế mà biết bao nhiêu con người gần gũi chúng ta, họ cũng chẳng định được tâm nhưng rất thích mặc định cho chúng ta ở những thứ lớp, cấp bậc thấp hơn trong đời sống, đó là nói hơi đẹp, nói đúng hơn là để thống trị chúng ta. Chúng ta hãy trở về với thời Đức Phật tại nơi xứ sở Ấn Độ, những người nắm giữ quyền lực trong xã hội, họ đã chia ra nhiều đẳng cấp, đẳng cấp cao cho đến đẳng cấp thấp. Và xếp đặt một hệ thống thống trị toàn dân, để những ai sinh vào đẳng cấp thấp không thể có cơ hội ngoi lên, phải chấp nhận như vậy mãi mãi. Không những trong đời này mà vô lượng kiếp sau đều phải chấp nhận như vậy. Đức Phật – đấng giác ngộ, Ngài đã nhìn được ở trong chúng sanh có huyền cơ vi diệu nơi tánh Phật và khả năng ở tánh Phật đó là vô hạn. Có thể vượt ra, bóc từng lớp từng lớp bụi trần người khác phủ lên để hiện lộ chân như thành Phật. Nhưng ở đời người ta không muốn chúng ta như vậy, họ đã tìm đủ mọi cách từ những thủ thuật tâm lý, thì thầm qua lỗ tai thích những cảm xúc lạ của cuộc đời. Họ đã dùng những thủ thuật tâm lý, triết lý của con người để dẫn đưa, dụ dỗ, đẩy ta trên dốc bôi toàn là dầu mỡ trơn mà khó có thể dừng lại được, trượt vào trong cõi u mê để đánh mất mình. Họ thật sự đã dùng những thủ thuật đó để giới hạn bản thân của chúng ta, giới hạn khả năng của chúng ta, với mục đích là thống trị và biến ta thành nô lệ.

Đức Phật đã giải phóng người dân Ấn Độ bằng một nền Minh Triết của tuệ giác nhìn thấu, nhìn rõ và biết thật chân thật. Để cho mỗi một chúng sanh không hẳn chỉ là con người Ấn Độ thời đó, mà tất cả chúng sanh đều nhận rõ nơi mỗi chúng sanh đều có những khả năng vi diệu vươn tới để thành Phật. Cho nên thông điệp này đã nhắc nhở một cách mạnh mẽ và làm sụp đổ toàn diện những hệ thống thống trị của con người đối với con người. Và đánh thức mọi chúng sanh, nhất là con người chúng ta nhận ra rằng chúng ta đừng bao giờ giới hạn bản thân. Từ khi ta nhận ra Đức Phật là thầy thì phải nhớ được điều đó để vươn lên, vươn lên đến tận cùng, vươn lên để thành Phật. Dù phải trải qua vô lượng kiếp chúng ta cũng sẽ thành Phật, nên cần phải tích lũy công lực và cố gắng vươn lên.

Các bạn, có một câu chuyện kể như vầy, vào thuở xưa có một nhóm quan triều của nước họ, vì một hoàn cảnh nào đó đã di cư qua một nước lớn hơn. Tại đó, tại quốc độ đất nước mới, nhóm quan triều này giỏi được trọng dụng và được mời làm việc cho nhà vua để xiển dương những chân lý tốt đẹp, giúp đời thoát khổ. Nhưng không phải chỉ có nhóm quan triều này phải di dời khỏi đất nước đó, thật nhiều những binh lính của đất nước đó cũng di chuyển đến đất nước này. Những vị quan luôn luôn thương những người lính của quốc độ xưa tại đó, nên tỏ tình thương để bảo bọc che chở. Và mong rằng những người lính đó không bị dị nghị bởi quốc độ mới và dẫn đưa họ nhập tịch, chuyển khẩu để thành những con người thật sự sống mà không bị phân biệt. Thật nhiều những chính sách ở quốc độ mới này vẫn tạo điều kiện cho di dân nước ngoài vào đây. Nhưng có một số người lính không chấp nhận điều đó bởi họ vẫn bám víu vào một điều gì riêng tư lắm, cho nên có một vị quan thần đã chứa một người lính trong nhà, trong dinh thự của quan. Và rồi vị quan này dần dần đã nghe những lời xuôi gọi là xuôi thuyền mát mái và muốn làm cho người lính này trở thành người dân trong kinh thành, và trở thành người ở trong dinh thự của nhà quan.

Các quan, huynh đệ xưa nhìn thấy chia sẻ nói với vị quan đó rằng không thể như thế. Bởi mỗi một địa vị, mỗi một thế đứng ở trong đời đều có những phương tiện khác biệt để làm. Bởi khi chúng ta làm quan thì không thể nuôi dưỡng binh lính ở bên xứ người ở trong nhà quan, nếu vô tình khó hiểu người ta sẽ nghi ngờ mình đang nuôi dưỡng lính để làm phản lại triều đình. Do đó, khuyên bảo cặn kẻ không thể, nhưng ông quan này vẫn có ý tưởng rằng mượn vào danh phận làm quan để tạo điều kiện cho người lính kia, hợp thức hóa làm người dân trong quốc độ mới này. Những người quan bạn kia mới nói rằng, nếu ta làm như vậy chúng ta đã phạm vào luật của quốc độ này và không thể giấu được. Khi những vị vua mà biết được sẽ trừng phạt chúng ta, chẳng thể trốn tránh được bởi luật nơi quốc độ này thật rõ. Và hơn nữa, bởi luật lương tâm thật rõ chẳng giấu được. Đó là những lời khuyên của nhau của những đồng liêu, đồng xứ, đồng quê, đồng một cảnh ngộ, đồng tình thương đối với tất cả mọi người bình đẳng. Tuy nhiên ở trên đời, bất cứ một quốc độ nào mỗi một địa vị trong xã hội đều có cách giải quyết khác nhau không thể đánh đồng. Và để có thể làm cho người lính kia trở thành người dân trong quốc độ này hợp thức hóa và sống trong dinh thự của nhà quan, điều đó không thể. Nếu muốn thì quan phải từ chức về hưu và phải cải thành dân thường hợp thức hóa thì mọi chuyện không sao. Nhưng nếu vẫn khoác trên mình chiếc áo của nhà quan, vẫn mang luật của quốc gia ra để trị vì dân chúng, vẫn mang giới luật ra hướng dẫn cho mọi người thì không thể phạm vào luật của quốc gia, giới luật. Điều suy nghĩ của vị quan đó là phải cần rất nhiều thời gian để suy nghĩ.

Các bạn thân mến, chúng ta không khác gì vị quan đó. Tâm của ta là vị quan, làm chủ những binh lính của mình nơi quốc độ vô lượng kiếp tái sanh trong kiếp này. Chúng ta có binh lính thuộc về tâm của mình đó là tâm thiện, cũng có những binh lính trốn chạy từ nước ngoài có tâm bất thiện vương vấn, lẩn trốn, nấp vào nơi dinh thự của tâm chúng ta. Những vị lính đó nơi tâm bất thiện đó, họ không màng tới danh dự, danh phận của ta, sự thanh tịnh của ta. Họ tìm đủ mọi cách miễn là họ thành tựu được những điều ước muốn của riêng họ. Rồi chúng ta vì tình đồng liêu, vì tình thương, vì sự đồng hành quá nhiều kiếp với những tâm bất thiện này mà vô tình tưởng rằng những tâm bất thiện đó là những điều cao cả. Bởi đã lợi dụng tình cảm của ta, cảm xúc của ta nên ta quên mất mình, tâm mình là tâm sáng, tâm thiện. Để rồi quên mất những luật lệ, những giới luật của kiếp hiện tại ta đang giữ.

Đức Phật tới trong cuộc đời nhắc rằng trong chúng ta giới luật từ bi khác với giới luật yêu thương cảm xúc của con người với con người. Từ bi là lòng yêu thương cực độ lớn, có thể xả thân mình để cứu người, để yêu thương người, không phải là để làm tất cả mọi chuyện, mọi việc để thỏa mãn cảm xúc của tình yêu giữa con người với con người. Năng lượng từ bi lớn lắm, không phải nhỏ bé và vụn vặt như chuyện ta đang nghĩ. Vị quan kia nhất định phải bế quan để suy nghĩ, còn không sẽ ảnh hưởng đến quốc độ, ảnh hưởng đến những vị quan cùng thời với mình từ quốc độ kia tới đây. Bởi miệng lưỡi thế gian thường hay vơ đũa cả nắm, và như vậy một mình ta làm có thể ảnh hưởng đến biết bao nhiêu những con người khác. Cho nên ở trên đời này, mỗi một người chúng ta khi quyết định làm một việc gì đó cần phải đắn đo suy nghĩ. Bởi việc gì chúng ta làm không những ảnh hưởng đến biết bao nhiêu mà ảnh hưởng đến vô lượng kiếp của chúng ta trong tương lai. Ảnh hưởng đến con đường tái sanh, ảnh hưởng đến con đường chuyển hóa khổ não, khổ đau, ảnh hưởng đến con đường tiếp xúc với hạnh phúc và bình an. Đức Phật tới và đánh thức chúng ta đừng để cho những cảm xúc vụn vặt của cuộc đời, đừng để cho những lời thì thầm của con người chìm đắm trong những mưu cầu lợi ích riêng tư, dìm chúng ta xuống. Để rồi chúng ta tự giới hạn bản thân, tự giới hạn mình với mức quá tầm thường, không vươn lên để thành tựu những điều cao cả.

Các bạn thấy không, chưa có một vị thầy, một vị giáo chủ nào cao cả như Phật. Bởi Phật tới với chúng ta đối xử bình đẳng, Phật nói: “ta là Phật, còn tất cả mọi chúng sanh đều là Phật sẽ thành”. Hai cái đó thật bình đẳng, Phật không tới nói ta là vua, ta là trời, phải quân phục, phải phục lệnh ta không ta trừng phạt. Mà Phật tới, Phật nói ta là Phật còn tất cả mọi chúng sanh đều là Phật sẽ thành. Như vậy riêng chỉ có đức Phật mới là đấng không bao giờ giới hạn bản thân của chúng ta, mà nâng tầm bản thân của chúng ta đi đến sự tột cùng thành Phật. Trên con đường đó, ta luôn luôn phải nương vào hùng lực của Chư Phật, hùng lực của các bậc tổ, bậc thầy, của ông bà cha mẹ, của những sư huynh đệ nhắc nhở ta khi ta lầm đường lỡ bước để biết dừng lại giữ vững tâm của mình.

Chuyện gì cũng có thể xảy ra, chuyện gì ta cũng có thể làm, nhưng chuyện giới hạn bản thân của mình, chuyện mà làm nghịch lý với con đường ta tin, với chân lý ta theo, với lời nguyện ta phát, điều đó cần phải suy nghĩ thật kỹ. Nhất là những người làm quan không thể phạm luật, nhất là những người Phật tử không thể phạm giới, nhất là những người xuất gia không thể khước từ đi những giới luật ta đã thọ trong bất cứ một tình huống nào. Dù người ta có mang vàng bạc, châu báu, ngọc ngà, dù người ta có mang quyền danh; hoặc tình cảm tới cho ta thì chúng ta là người con Phật không thể để những phần như vậy dụ dỗ, dẫn đường ta như mỡ dụ mèo vào cạm bẫy của cuộc đời. Ta vẫn còn lý trí, ta vẫn còn ý chí, ta vẫn còn sức mạnh, ta vẫn còn tinh thần trong sáng mà ta đã nhận được lời chân lý của Phật giáo truyền. Ít nhất các bạn nhớ, cả một năm qua chúng ta đã tu tập, tu tập để đón nhận năng lượng từ bi, tình thương của Phật ban rãi xuống cho cuộc đời của chúng ta. Để tắm gội những hạt bụi vớ vẩn của cuộc đời, những cảm xúc hoang dại, bất thiện đã bám vào tận cốt tủy của chúng ta. Để chúng ta được sạch, trở nên tinh tuyền thanh tịnh, để chúng ta không còn bị những người khác giới hạ tầm mức của mình dưới những kiếp sống tầm thường, lầm lũi trong địa ngục. Để chúng ta không tự ngộ nhận đó là ta, ta như vậy để tự giới hạn bản thân của mình.

Phật đã tới gõ cửa tâm tức, Phật đã tới và trao truyền một thông điệp, năng lượng từ bi có sức mạnh vi diệu để chúng ta vững bước trên con đường đã phát nguyện, đã định hướng. Để không còn giới hạn bản thân của mình, để vùi đầu vào trong những áo choàng màu sắc rực rỡ của thế gian, của con người. Để rồi chúng ta lầm bước, để những triết lý của người này người kia nghe riết thấy hợp lý, lao đầu đi theo. Gần đèn thì sáng gần mực thì đen, ngưu tầm ngưu mã tầm mã. Mỗi một người chúng ta làm việc gì đó – nhớ, chúng ta đều biết rằng thân phận của mình, kiếp sống của mình nơi phẩm vị; hoặc nơi địa vị trong xã hội của chúng ta, người ta cũng như ta. Nhưng vì lý do họ làm sai, chẳng thể vì thấy rõ là sai mà ta thấy người ta làm ta có thể làm – không thể! Đức Phật dạy đừng theo người mà phải theo Chánh Kiến, Chánh Tư Duy. Xưa giờ người ta hình thành nên những cái luật, luật của từng nhóm để phục vụ lợi ích nhóm, luật của cá nhân để phục vụ lợi ích của họ, luật riêng tư để phục vụ lợi ích riêng tư và luật trong xã hội để phục vụ cho sự thống trị, sự cai trị. Đức Phật tới phá đi những nguyên tắc phàm phu đó và đưa chúng ta tới một cung bậc cao hơn, bay bổng trên trời cao, thoát khỏi màn đêm u tối của địa ngục của vô minh.

Các bạn, ta phải nhận ra điều đó để không giới hạn bản thân của ta, rất quan trọng. Bằng Chánh Kiến có một cái nhìn thấu rõ nơi chính mình trong sự tư duy, hiểu thấu nơi nhân quả, ta nhất định không thể để gần mực mà bị đen, gần đèn rồi mới sáng. Mà ta sáng trong ánh tự tâm của Chánh Kiến, ta sáng từ trong Chánh Tư Duy để đi tới sự Chánh hành động, Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Hành Động, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng để chúng ta Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm để ta đạt tới Chánh Định, toàn diện trong Bát Chánh Đạo. Người con của Phật phải nhớ rằng Đức Phật dạy cho chúng ta, hầu tất cả một việc gì ta làm đều phải dựa trên nền tảng của Chánh Kiến và Chánh Tư Duy. Đừng vội vội vàng vàng thấy người ta làm mà bắt chước như con khỉ, ta là người đâu phải là khỉ.

Các bạn, đừng thấy người ta nói mà bắt chước như con vẹt, ta là người không phải vẹt để bắt chước người ta nói, ta là người không phải khỉ để bắt chước người ta hành động. Ta là con người ta tự chủ được ý nghĩa, sống ở đời phải làm chủ được giác quan, cảm xúc. Từ đó mà tám con đường Thánh Đức Phật dạy – Chánh Kiến rất quan trọng trên con đường tầm cầu đạo giác ngộ. Chánh Kiến, đừng lệ thuộc vào những tư tưởng của người khác ngồi sọ; hoặc gần gũi ta nhìn thấy mà bắt chước như khỉ, bắt chước như vẹt. Chúng ta phải có tự lực cầu đạo bằng Chánh Kiến, Chánh Tư Duy. Hầu như khi chúng ta nhìn thấy những điều sai trái, dù người đó có địa vị cao ta cũng không thể theo, dù người đó có khoác vào áo là nhà Phật, Bồ Tát, Chư Tăng Tôn Quý, là cha mẹ, ông bà nhưng làm sai ta cũng không thể theo họ được. Phật tới dạy cho chúng ta, dù ai là thân phận gì, làm sai – ta cũng không thể đi theo. “Y pháp bất y nhân” tức là y giáo pháp của Chánh Kiến, Chánh Tư Duy mà theo, chứ không phải y như thân phận của người đó. Để rồi chúng ta thấy, à vị đó cũng như ta; hoặc hơn ta làm chuyện đó ta làm được mà – không phải! Y như giáo pháp của Phật mà hành, để chúng ta không bị những lời của thế nhân, những mưu mẹo của cuộc đời, những hạt bụi cảm xúc vớ vẩn của bất thiện bám víu riết rồi biến ta thành như một ông Tế Điên Hòa Thượng dơ bẩn, cạ cạ thành viên thuốc tể tự uống vào cho hết bệnh tâm thần của chúng ta – không thể!

Chúng ta phải có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, suy nghĩ cho cặn kẽ, hiểu thấu được lý nhân duyên ở đời. Còn nếu như chúng ta không phải là Phật tử, không phải là người tu tại gia, hay tu xuất gia chưa phải là người khoác vào mình một cái y áo của người xuất gia; hoặc áo tràng của người Phật tử, chúng ta có thể làm những điều gì như chưa biết. Nhưng nếu chúng ta đã đắp vào mình là thân phận của Phật tử, của người đi theo giáo lý của nhà Phật, chúng ta không để làm chuyện đó. Ngoại trừ chúng ta cởi bỏ áo tràng, từ bỏ thân phận của con người đã theo Phật để trở thành những thân phận trong vô lượng kiếp qua ta đã tạo nghiệp thì muốn làm gì cũng được. Nhưng dù ta làm gì cũng được đó cũng chẳng thể thoát khỏi luật mà Chư Phật đã dạy đó là luật nhân quả. Nhớ, trong cuộc đời, những miếng mồi của những lợi ích riêng tư, của những cảm xúc vụn vặt thường lúc nào nó cũng xuất hiện ở ngay mũi để ta ngửi, ngay mắt để ta nhìn, ngay tai để ta nghe, ngay môi miệng để chúng ta nếm được mùi vị, ngay thân xác để chúng ta có được cảm xúc.

Trong những giác quan của chúng ta, nếu không có một nhìn chân chánh thì giác quan của chúng ta đã vô tình trở thành những người lính phản bội chúng ta, được cài đặt bởi quốc độ của Ma Vương để phá vỡ nền trật tự an bình, an yên của chúng ta. Chúng ta nhớ ông quan kia không thể nuôi dưỡng một người lính ở đất nước khác trong dinh thự của quan. Như vậy là phạm luật bởi vì lính nước ngoài không thể ở trong triều của quan nước này, nếu muốn ở anh ta phải đăng ký với quốc độ sở tài theo luật để được từ từ đón nhận. Chứ anh ta không thể mặc nhiên vào trong đó, mà ông quan này lại lấy quyền làm quan, suy nghĩ của kẻ làm quan bao che, bảo bọc để hợp thức hóa một cách vô trật tự, phá luật, phá giới nguy hại lắm, nguy hại không tưởng, thật lớn các bạn ơi.

Các bạn phải nhớ rằng, thân phận ta dù là nhỏ không ảnh hưởng đến ai nhưng những điều ta làm sai cũng ảnh hưởng đến anh chị em, đến vợ chồng, ảnh hưởng đến con cái, cha mẹ, ông bà của mình. Còn nếu như ta là người có tầm ảnh hưởng rộng hơn thì những quyết định sai trái của ta sẽ ảnh hưởng thật nhiều, lây lan, ô nhiễm, tạo ra tiếng xấu, mây đen sẽ phủ kín. Và ta đã làm cho muôn người cùng đang đồng hành, định hướng với ta lâm vào cảnh thật là khó giải thích. Hãy sáng suốt, đừng bao giờ giới hạn bản thân của mình. Hãy vươn lên với chân lý tầm cao mà Đức Phật đã khai thi cho chúng ta.

Các bạn thân mến, trong Thiền Mật song tu, trong pháp Thiền Mật từ bi quán chánh niệm hơi thở có sức mạnh diệu dụng để ta định lại giữa cuộc đời muôn trùng sóng gió. Để ta không để cho bất cứ một người nào dò la, rình rập, lôi kéo để đè ta xuống vùng giới hạn tầm thường để lẫn lộn trong hàng ngũ của Ma Vương. Mà chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức tu tập trong chánh niệm từ bi quán, để đón nhận năng lượng siêu thế, tình thương của Chư Phật. Để mẹ hiền Quan Thế Âm đồng hành, nhắc nhở ta. Chúng ta, để vươn lên tất cả, để không còn giới hạn bản thân mà thấy rõ ràng cứu cánh, định hướng cuộc đời của chúng ta là vươn tới tầm cao để thoát khỏi chiếc áo ma ta đã mặc vào trong vô lượng kiếp qua, và tạo nên muôn trùng những điều bất thiện gây ra khổ đau, để khoác vào chiếc áo giải thoát của chí nguyện thanh cao. Ta làm được điều đó các bạn. Phật tới nói rằng mỗi người chúng ta, mỗi một chúng sanh đều có khả năng vươn lên để thành Phật và đều có khả năng nghe và hiểu rõ bằng Chánh Kiến, Chánh Tư Duy. Để trong vùng tối ta không bị tối, để trong vùng sáng ta sáng hơn, đi trong vùng tối ta vẫn tự sáng. Để ta nhìn và nhận rõ ràng điều nào sai điều nào đúng, để bất cứ ai trong cuộc đời ta quen biết dù có khoác lên trên người những danh phận quyền quý, quyền lực cao đi nữa. Trong địa vị của xã hội, trong địa vị của tôn giáo, trong địa vị gia đình, của mối tương tác. Trong mối tương tác như thế, cũng không thể vì họ như vậy mà khi làm sai ta lại nhắm mắt xuôi tay theo họ làm những chuyện đó. Bởi lầm tưởng rằng những người đó hiểu đúng, những người đó làm đúng bởi người ta có thân có phận, có danh có vị. Nhà Phật dạy cho chúng ta không không phán xét dựa trên danh phận và địa vị, mà phải nhận định rõ bằng Chánh Kiến, Chánh Tư Duy.

Đừng để những tư tưởng đó luẩn quẩn, trở thành một lực, nghiệp lực trong tâm, vận hành biến thành những nghiệp của miệng nói ra ngôn ngữ biến thành hành động. Khi cả ba tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi nó đã có lực tương tác mạnh rồi thì quán tính đó thật khó kiềm hãm. Hãy chặn đứng ngay khi ở trong trứng nước, ở tư tưởng khởi dậy những cái niệm đó, ta phải biết trở về với tâm tánh thiện lành. Ta phải biết trở về với chí nguyện thanh cao, ta phải biết trở về với Phật, với mẹ Quan Âm, với Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, với các vị thầy tổ đã giáo dưỡng chúng ta, với các vị thầy, huynh đệ đang đồng hành với chúng ta, với cha với mẹ, với bổn tánh thanh tịnh và với trí tuệ từ bi.

Thiền Mật song tu rất quan trọng và trong chánh niệm từ bi quán giúp cho chúng ta không xa lìa sức mạnh của tự tâm, để có một sự quyết định vững trãi trong cuộc đời, để có những lựa chọn trong sáng hơn. Đừng cô quạnh cuộc đời của mình, nhốt vào trong những tư tưởng của chính mình; hoặc đừng bao giờ để cho mình đồng lõa với những tư tưởng sai trái. Đừng đồng lõa mình với những lời, những hành động của ai đó thật sai để vô tình đã giới hạn bản thân của mình. Và làm chết đi sự thanh cao tuyệt đẹp nơi Phật tánh hiển ngự nơi cuộc đời đang có được.

Các bạn, chúng ta phải rất cẩn thận. Nhớ rằng, hãy thực hiện từ bi quán chánh niệm hơi thở, quán chiếu sâu sắc. Bởi trong phép quán chiếu chánh niệm này, năng lượng tình thương từ bi của Phật luôn gần gũi với chúng ta. Để đánh thức, để dắt dìu, để hỗ trợ, để dẫn đưa, để soi sáng, để khai thị, để mà không bao giờ quên ta. Gần gũi, phát huy Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, đi tới sự Chánh Hành Động. Điều rất quan trọng trong Bát Chánh Đạo không thể quên, người đã được học, đã được thuần thục không thể quên. Và khi đã thuần thục rồi, nhớ hãy luôn luôn kề cận với những bậc thiện tri thức. Người ta nói đi với ma thì mặc áo giấy, đi với Phật thì mặc áo cà sa. Chúng ta cứ đi với những con người sai trái, cứ gần gũi với những con người phủ lấp chân lý, ta sẽ bị áo giấy của những sự lầm lạc khoác lên trên người biến ta thành ma. Ma tức là chướng ngại, biến ta thành người gây ra chướng ngại cho cuộc sống của chính mình. Mà chúng ta phải đi với Phật để mặc áo cà sa, áo cà sa là áo giải thoát chúng ta mỗi chướng ngại trong cuộc đời, áo cà sa là áo giải thoát cho chúng ta khỏi mọi chướng ngại trong cuộc đời. Áo cà sa là áo của trí tuệ, là áo của tuệ giác, áo của một cái nhìn viên mãn thấy rõ, biết buông bỏ để đi tới hành động chân chính. Đừng đi với ma đắp vào áo giấy mà hãy đi với Phật để có chiếc áo cà sa trí tuệ mà đồng hành trong cuộc đời.

Cuộc đời không êm dịu như những bản nhạc Jazz, nhẹ nhàng có âm thanh, mà cuộc đời sóng gió vô tận người khôn sẽ mượn sóng mà đi, người có trí tuệ sẽ giương buồm mượn gió mà tới đích. Chúng ta nhất định phải trải qua thật nhiều những thử thách khó khăn trong cuộc đời, nhưng hãy nhớ rằng bên cạnh chúng ta còn có cha mẹ, bên cạnh chúng ta còn có anh chị em, còn có những bậc đồng hành với chúng ta, còn có biết bao nhiêu con người yêu thương và nhắc nhở chúng ta phải có lực tự tâm trong sáng để vượt qua.

Đừng chứa lính nước ngoài trong dinh thự làm quan, như vậy là sai luật. Tình thương là luôn luôn dĩ nhiên phải có, nhưng phải hiểu đúng luật. Còn lâu ngày, ở quốc độ ta ở người ta có thể hiểu lầm rằng ta đang nuôi lính nước ngoài để phản động, phản kích, phá vỡ trật tự trong xã hội người ta sẽ truy bắt ta. Truy bắt bằng ngôn ngữ thị phi, truy bắt bằng những lời hàm tiếu, truy bắt bằng hiện cứ rõ ràng trong nhà ta có lính nước ngoài.

Các bạn nhớ, khi chúng ta phục vụ trong căn nhà của Như Lai, của Chánh Pháp, của Chánh Kiến, khi chúng ta là người làm việc trong ngôi nhà của tự thân, gia đình chớ bao giờ nuôi lính nước ngoài ở trong nhà của ta. Có nghĩa là đừng bao giờ nuôi dưỡng những phẩm chất bất thiện, những nhân cách tầm thường, những cảm xúc vụn vặt. Bởi ta đã có đầy đủ phước báu biết được Phật, nghe được lời Phật, đã giữ giới của Phật và đã công phu tu tập bao nhiêu lâu nay. Không thể để một ngày, một giây, một phút mà trượt dài trên miền dốc của những điều ta ưng ý. Bởi sự thì thầm của những tên lính nước ngoài rình rập trong những cái căn của ta, giác quan của ta. Những người lính đó họ có tài nghệ, họ được huấn luyện, họ là lính nên họ biết chiều chuộng, sai đâu đánh đó, nói gì họ làm đó. Để chiều cảm xúc, lâu ngày ta phải thân thiện và rồi ta quên rằng họ là lính ta là quan. Họ là những tư tưởng trái luật, trái chiều tới phục vụ, phụng dưỡng tất cả, chiều chuộng tất cả, để làm cho chúng ta thỏa mãn cảm xúc. Để rồi từ đó đưa ta vào một con đường phán quyết, nhận định và hành động trái chiều với những điều ta đang nói, đang dạy; hoặc ta đang hành động trong cuộc sống.

Thân giáo rất quan trọng! Bảo Thành vẫn thấy chúng ta là con người luôn luôn có tội, luôn luôn tạo nghiệp nhưng phải tắm rửa bằng sám hối, phải trở về. Bảo Thành đã thật nhiều lần sai phạm trong cuộc đời, sai đến mức mà gây ra biết bao nhiêu chướng ngại cho tự thân và những người xung quanh. Nhưng chẳng vì thế mà quên rằng mình vẫn còn có nhiều cơ hội nếu theo chân lý của Phật, qua lời dạy dỗ của chư tổ là trở về. Trở về để tắm rửa, trở về để sám hối, trở về để tiếp cận với ánh từ quang nơi Chư Phật, để đón nhận năng lực Phật điển từ bi trong chánh niệm hơi thở từ bi quán.

Hãy đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi để chúng ta bắt đầu 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa. Hãy thành tâm đón nhận năng lượng vi diệu, từ bi của Chư Phật vào cuộc đời của chúng ta.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng con. Và gia trì Phật lực để chúng con không còn giới hạn bản thân nữa. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Các bạn, trong thời hiện đại, đại dịch đã đưa và nhắc nhở con người, tới sự ngồi phải có khoảng cách an toàn, tiếp xúc phải có khoảng cách an toàn, phải biết bịt miệng, phải biết ăn nói cẩn thận. Ở bên ngoài xã hội biết phòng ngừa, không những cho ta mà cho muôn người xung quanh. Bài học ta rút ra từ câu chuyện hôm nay để nâng tầm hiểu biết đừng giới hạn bản thân, đó là quan của quốc độ này dù năm xưa ta là quan nước kia thì không thể nuôi lính của nước ngoài trong nhà của quan. Dễ bị bắt bởi ta đồng lõa với lính nước ngoài nơi quốc độ ta đang ở. Chỉ tiếp kiến họ nơi cộng đồng, xã hội, nơi chỗ phù hợp và khi tiếp xúc với họ ta phải giữ một khoảng cách an toàn để thể hiện sự tôn trọng. Bởi ta là quan họ là lính nước ngoài, hai tư tưởng khác biệt, hai chính sách khác biệt, hai quốc độ khác biệt, ta là người làm quan họ là người  dân, ta là người Phật tử họ là người ô nhiễm trong trần đời, chẳng phải ganh ghét mà không tiếp xúc nhưng phải giữ khoảng cách. Ta là người tại gia hay ta là người xuất gia, khi tiếp xúc với những bạn hữu thân bằng chưa thấm nhuần được giáo lý và giới luật ta phải có một khoảng cách để tôn trọng. Đây không phải cho bản thân mà để cho muôn người nhìn vào ta trong thân giáo đó, tôn trọng ta, tôn trọng giáo lý, tôn trọng con đường ta đi. Ta phải biết giãn cách đừng có đứng sát vào với nhau gây ô nhiễm tâm thức, gây ô nhiễm của những tư tưởng đen tối. Những siêu vi khuẩn của tâm bất thiện dễ nhiễm ô vào lòng người nếu ta không biết giữ khoảng cách. Ta chưa chết thì biết bao nhiêu con người khác họ đã bị mất niềm tin nơi ta, phải rất cẩn thận.

Các bạn, chúng ta trên con đường của kiếp người này thử thách luôn tới, hãy giữ vững tâm của mình trong Giới–Định–Huệ, trong niềm tin bất thối vào ba ngôi Tam Bảo, trong sự hiểu rõ luật nhân quả. Và trong thấu được tất cả các giới ta đã thọ, ta đều hiểu phải luôn luôn giữ mình có một khoảng cách an toàn. Để bảo vệ cho cuộc sống chung, để bảo vệ cho lý tưởng cao đẹp, để cho những lời sai lầm, thị phi đừng tuôn ra tạo khổ, chướng ngại cho một tập thể ta đang sống chung. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ – một con người trong tập thể mà vương vào một điều gì rồi thì cả tập thể đó sẽ phiền não bất an. Hãy nhớ mình là ai đang làm gì, hãy nhớ mình là con Phật, mình được giáo lý của Phật khai thị. Hãy trở về với từ bi quán chánh niệm hơi thở, để định tĩnh trong cuộc đời, không rơi vào ngã chấp, cũng chẳng rơi vào vùng tối của sự cám dỗ thỏa mãn những cảm xúc riêng tư, những cảm xúc vụn vặt của cuộc đời. Ta vẫn có những ý tưởng thanh cao hơn mà Phật đã giới thiệu, đó là vươn lên để không nằm trong vùng chướng ngại, vùng trở ngại, vùng tối của những tâm thức bất thiện, của những anh nước ngoài rình rập. Nhớ ta là người học Phật, không phải khỉ để nhìn thấy người ta rồi bắt chước làm theo, nhớ ta là người học Phật không phải con vẹt để nghe nói lặp lại. Ta là người có Chánh Kiến và Chánh Tư Duy.

Hãy đặt bàn tay trí tuệ và bàn tay từ bi vào với nhau, ta đi vào 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Thưa Phật! Người ta đã tạo ra những thói quen, luật lệ để khống chế, chống con nhiều kịp theo chân lý của Phật để giải thoát, đi tới sự thanh cao không còn giới hạn. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con đã nhận ra Chánh Kiến là con đường duy nhất để chúng con nhìn rõ, và nhìn thấu. Nguyện từ bi quán chánh niệm hơi để có được Chánh Kiến. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con sẽ không còn giới hạn bản thân bởi trở về với Chánh Tư Duy trong chánh niệm từ bi quán. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Thưa Phật! Chúng con đã hiểu, nhất định chúng con phải theo Phật để làm chủ được thân tâm, giữ khoảng cách an toàn với những vùng tối của cuộc đời xâm chiếm. Để có tâm thanh tịnh qua pháp quán từ bi chánh niệm hơi thở. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Cuộc sống kiếp người thật yếu đuối dễ lầm lỗi và lạc đường, chúng con sẽ luôn nương vào hùng lực của Chư Phật, Chư Bồ Tát, thầy Tổ, Thánh Tăng, các bạn hiểu, các bạn đồng tu để vươn dậy trong vùng tối, trong gục ngã của tâm thức bằng chánh niệm hơi thở từ bi quán. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Hôm nay, chúng con đã nhận ra mỗi một chúng con vẫn có khả năng vươn tới sự cao tột là thành Phật. Nguyện một lòng chí thành, vươn tới ánh sáng của trí tuệ đó bằng pháp thiền từ bi quán của Phật trao truyền. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện một lòng quay về và từ bỏ để đi tới sự nhận thức rõ ràng, không gần vùng tối, tiếp cận vùng sáng, vững bước, thân hành trên con đường giải thoát. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mô Phật! Các bạn chúng ta đã đồng tu xong, xin hãy chắp tay hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền gia trì cho chúng con để chúng con có đủ lực tại tâm, biết giãn cách với những thế lực đen tối đang bao vây, cám dỗ, đang dẫn dụ chúng con đi vào con đường tội lỗi, phản nghịch lại với những chân lý và lời nguyện của chúng con. Xin hãy luôn luôn ngự trị trong tâm trí để chúng con nương vào sức mạnh và sự thanh tịnh mười phương Chư Phật để thoát khỏi. Biết giãn cách, biết giữ khoảng cách, sống đúng với phẩm vị, lời chí nguyện của mình. Nguyện hồi hướng tới các nguyên thủ quốc gia biết thành lập chính sách hòa bình trên thế giới, không còn chiến tranh. Nguyện cho nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được nhiều thuốc và nhiều vắc-xin (vaccine) trị bệnh. Nguyện cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ cứu tế trên thế giới chữa lành các bệnh nhân. Nguyện cho những ai còn đau khổ, phiền não, cuồng ngạo tìm được hạnh phúc và bình an và khiêm tốn. Nguyện cho các hương linh được tái sanh cảnh thiện lành.

Con xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts