Search

Sương Khói Quê Nhà

Bảo Nguyện đánh máy

Chỉ là sương khói thoảng qua
Mà nghe ký ức quê nhà còn in
Là bao thương mến nghĩa tình
Nguồn ân dưỡng dục tạo nên đời người 

Mô Phật. Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi. Hôm nay thứ bảy trong chương trình Sống trong Chánh Niệm chia sẻ Phật Pháp. Giờ đồng tu đã tới, mời các bạn cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay cùng với Bảo Thành.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thưa Phật, hôm nay là ngày kỉ niệm về những người mẹ, những Đấng đã cho chúng con nên hình hài của một kiếp người, nguyện xin Chư Phật ban rải mật Điển Từ Bi Trí Tuệ tỉnh giác tới với các Đấng sinh thành, để mẹ luôn luôn được an lạc, hạnh phúc, trường thọ và bình an. Chúng con cũng nguyện cầu an cho các bé đang lâm bệnh, có đầy đủ phước báu vược qua mọi chướng ngại để bệnh tật tiêu trừ, thân tâm được khỏe mạnh. Xin Chư Phật chứng minh.

Giờ đây mời các bạn cùng với Bảo Thành chúng ta cùng trì niệm hồng danh Đức Phật, trì Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

Chú Đại Bi…..Vãng sanh chú……

Mu A Mu Sa

Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang

Ma Sa Ốp Uê

Sa Bi Mô U

Sa U Sa U Ba Thê Um

Nam Mô Saka Pouttê, Nam Mô Saka Pouttê

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Mô Phật, Bảo Thành kính chào tất cả các bạn đồng tu và một lòng thành kính hướng tới tất cả các Đấng sinh thành là mẹ trong hôm nay. Ở nước Mỹ nơi Bảo Thành đang cư trú, ngày mai chủ nhật là ngày lễ về mẹ, nhưng hôm nay thứ bảy trong sự đồng tu đời sống Chánh Niệm, chúng con từng hơi thở vào ra trong Chánh Niệm, sự sống còn đây đều là nhờ ân đức của mẹ hiền. Nguyện xin ba ngôi Tam Bảo thường trụ Phật – Pháp – Tăng ban rải xuống cho mẹ tràn đầy hồng ân mật Điển vi diệu của tình thương, Trí Tuệ, tỉnh giác, để các mẹ luôn sống trường thọ hạnh phúc an vui cùng với con cháu. Kính xin Đức Phật chứng minh.

Các bạn, nhìn lên trên màn ảnh trong sự chia sẻ ngày hôm nay, một chủ đề rất quê, quê đến bốn mùa chứ không phải quê chỉ có một mùa. Một chủ đề quê bốn mùa, không phải là chủ đề quê mùa nha các bạn. Tại sao gọi là chủ đề quê bốn mùa, chủ đề “Sương khói quê nhà”. Ai là người Việt Nam dù sống ở thành thị hay ở thôn quê, ngày xưa ấy hoặc ngay bây giờ, chúng ta vẫn luôn luôn có một quê hương, có một quê nhà, nơi ấy có các Đấng sinh ra ta là mẹ tần tảo sớm hôm, trải qua cả bốn mùa sương khói của cuộc đời để sinh thành để nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng ta. Chủ đề “Sương khói quê nhà” mang lại thật nhiều cảm xúc, lại phù hợp vào ngày nhớ mẹ. Bảo Thành hạnh phúc lắm. Bảo Thành xin các bạn đồng tu ngày hôm nay chúng ta hãy nhớ về mẹ. Ngày lễ mẹ, chủ đề “Sương khói quê nhà” lại cùng đúng với thời gian kỉ niệm lễ Phật Đản, Đấng Từ Tôn giáo hạ thế cứu đời. Các bạn, xin các bạn hãy dâng những trái tim của mình đi, thả tim trên Facebook, các bạn thả nhiều tim để kính dâng lên cho mẹ như những đóa hoa kết tinh từ lòng tôn kính nhớ ơn mẹ. Các bạn thả càng nhiều tim thì điều này càng trở nên tuyệt vời. Các bạn cũng có thể dâng trái tim của mình như những bó hoa sen của cuộc đời ngoi lên trên mọi lầm chấp vất vả để kính lên đảnh lễ Chư Phật trong mùa Phật Đản này. Bảo Thành rất mong các bạn thả tim thật nhiều.

Các bạn thân mến, “Sương khói quê nhà ” ở một góc quê nào đó, Bảo Thành và các bạn vẫn còn nhớ người mẹ hiền tần tảo. Nhớ hồi xưa ấy, khi cái bếp quê còn đơn giản, chỉ là một túp lều tranh, một cái bếp đơn thuần chẳng có gas chẳng có cái bếp đẹp đâu, chỉ có gọi là ông lò 3 cục đá kê lên 3 góc, mẹ đã phải dùng củi khô dùng lá cây, có những mẹ quê phải quét lá tre để nấu cơm nấu canh. Cơm canh quê nhà của mẹ xưa thơm lắm, thơm đến mức mà cả thôn cả xóm đều có thể ngửi được. Bởi mùi thơm từ bếp của mẹ đó không những chỉ là những hạt ngọc, hạt ngọc đó là kết tinh của mồ hôi nước mắt của cha của mẹ cày cấy trên ruộng tạo thành, đó là lúa gạo thơm, mà còn là sự kết tinh của tình thương. Cho nên hương khói của cơm canh quê nhà xưa thơm lắm, mặc dù rất đạm bạc: canh rau muống, canh rau đay hay canh lặt vặt gì đó nhưng chẳng bao giờ thiếu chất yêu của mẹ. Ngày lễ mẹ, nhớ đến mẹ, ai trong chúng ta cũng nhớ đến mẹ. Các bạn,

Chỉ là sương khói thoảng qua

Mà nghe kí ức quê nhà còn in

Biết bao thương mến nghĩa tình

Nguồn ân dưỡng dục tạo nên đời người.

Chỉ là sương khói thoảng qua thôi các bạn, vì sao khói sương của ngày xưa, ngày mà mẹ còn, ngày mà thưở đó còn thơ lắm, luẩn quẩn bên chân mẹ, đói bụng ôm chân nói với mẹ rằng con đói. Trong nhà bếp thô sơ miền quê, nhà vẫn ấm bởi khói của bếp và bởi sương của cuộc đời, ta lại được no ấm. Khói là khói bếp, sự tần tảo mẹ nấu cho ta ăn, sương là sương sớm mai khi mặt trời chưa thức dậy, tiếng gà mới gáy canh 2 canh 3 thì mẹ đã trở dậy nấu cơm, và quẩy gánh ra đồng cày cấy, trên tấm lưng tần tảo của mẹ ấy, ngày xưa quê nhà ấy, ướt đẫm sương gió của cuộc đời và sương khói của quê nhà, chỉ là sương khói thoảng qua. Ngày nay trong thế giới này, chúng ta những người con đã lớn, thoảng qua trong cuộc đời biết bao những kí ức của quê nhà, nó lại hồi về bởi nó in sâu đậm trong tâm chẳng bao giờ phai mờ. Chỉ là sương khói đó thôi, nhưng các bạn biết không, biết bao nhiêu tình thương mến, những nghĩa tình của mẹ vẫn đọng mãi trong tâm thức. Nguồn suối ân dưỡng dục tạo nên cuộc đời của chúng ta vẫn chảy mãi để tắm mát cho ta trong những ngày thật nắng của những thử thách trái ngang. Ai trong chúng ta còn mẹ sẽ thấy được mẹ là cao trọng, ai mất mẹ rồi sẽ buồn lắm. Mở đầu sự chia sẻ Phật Pháp hôm nay, Bảo Thành và các bạn được nghe bài hát: Mẹ dạy con, sáng tác do ca nhạc sĩ Bảo Nghy, và trình bày do ca sĩ Khánh Ly, các bạn nghe thì các bạn sẽ thấm, rất hay. Có một câu mà Bảo Thành thích lắm, bởi mẹ dạy rằng: hãy đứng lên, đứng lên để làm người, bởi cuộc đời ngắn lắm con ơi. Đã bao nhiêu lần Bảo Thành và các bạn vấp ngã thì trong tâm thức của chúng ta vẫn vang vọng lời của mẹ dạy: hãy đứng lên. Nhớ thưở nhỏ khi ta té khi ta ngã, mẹ đưa bàn tay với xuống và nói rằng hãy nắm lấy tay mẹ mà đứng dậy, chúng ta nắm tay mẹ và đứng dậy. Hãy đứng lên làm người, đứng cho ngay cho thẳng, lời giản dị nhưng vẫn còn chất rất quê nhà. Lời giản dị vẫn còn chất sương khói của những ngày tần tảo. Nhớ mẹ quá, có một cảm xúc mênh mông vô tận, và nỗi nhớ khi chủ đề này được đọc lên: “Sương khói quê nhà”. Nhớ mẹ lắm, nhớ mẹ lắm thay.

Chỉ là sương khói thoảng qua

Mà nghe kí ức quê nhà còn in

Biết bao thương mến nghĩa tình

Nguồn ân dưỡng dục tạo nên đời người.

Các bạn, chỉ thấy khói sương mà nhớ đến mẹ, mà nhớ đến quê nhà. Phật tử tại gia của chúng ta nếu không nhớ đến lời Phật dạy, có một lòng hiếu đạo đến mẹ, kính yêu mẹ thì chẳng còn có ý nghĩa gì khi còn là Phật tử. Ta nhất định phải luôn luôn nhớ lời Phật dạy, một lòng thành kính thương yêu, ghi nhớ nguồn ân dưỡng dục tạo nên đời người của chúng ta. Biết bao nhiêu thương mến nghĩa tình của mẹ đã dìu dắt còn in sâu thẳm trong tâm thức, biết bao nhiêu những kí ức ta vẫn còn nghe hồi về và biết bao nhiêu sương khói của cuộc đời vẫn thoảng qua trong những lúc thử thách trầm kha của chính mình. Sương khói quê nhà rất đặc biệt, nói đến quê nhà là quê ta được sinh ra bởi mẹ, nhưng nói đến quê nhà là quê của tâm linh nơi Đức Phật hướng dẫn ta trở về đó chính là Niết Bàn an vui. Nơi quê nhà Niết Bàn kia nếu như mỗi người chúng ta có thể nhìn thấy sương tụ lại từ sự kết tinh trong suốt của tình yêu của lòng Từ Bi mà mẹ hiền Quan Thế Âm đã dùng nhành dương liễu để rải xuống cuộc đời đau khổ của chúng sanh, để đưa chúng ta một đoạn đường vượt qua gian truân khổ cực, để hạnh phúc và an vui thì thật là tuyệt vời. Và nếu như chúng ta khi nghĩ về quê nhà của mẹ lại nghĩ đến quê nhà mà Phật đã giới thiệu – Niết Bàn, để mỗi khi chúng ta thấy khói hương của Giới, khói hương của Chánh Định, khói hương của Tuệ Giác thì không phải chỉ nhớ đến mẹ mà hình ảnh của thập phương Chư Phật sẽ hiện hữu ngay quê nhà Niết Bàn của chúng ta. Người Phật tử tại gia chúng ta bôn ba khắp nơi, nhưng không thể nào quên được quê nhà đâu. Chúng ta theo thời gian, tuổi thơ đã đứng và tuổi trẻ cũng sẽ qua, để chúng ta có sự trải nghiệm làm cha làm mẹ là những người đã lớn. Tuy có thể ta đã là ông bà nhưng sương khói quê nhà ngày hôm nay vẫn đưa chúng ta man mác tràn đầy sự rung cảm nhớ về mẹ. Con đường học Phật, hơi thở Chánh Niệm, sống đời Chánh Niệm sẽ luôn luôn giúp cho chúng ta nhìn thấy thật rõ sương khói quê nhà để báo ân báo hiếu với mẹ, để luôn luôn tôn trọng nguồn ân dưỡng dục tạo nên đời người do mẹ, để luôn luôn biết trả ân nghĩa của tình thương mà mẹ đã trao tặng cho chúng ta. Để trên lưng của mẹ đẫm sương gian khó của cuộc đời, để cho mắt của mẹ mờ ảo khói trong căn bếp nhỏ cho chúng ta được no ấm thân và được đầy đủ kiến thức. Tới với Phật là nhớ mẹ, tới với Phật là nhớ tới từng hạt sương tinh tuyền như cam lồ như ngọc của mẹ hiền Quan Thế Âm. Tới với sự đồng tu là ta dâng lên cho Phật chẳng phải là khói của rơm của rác rưởi bất thiện mà là hương khói của Giới, của Định, của Huệ.

Các bạn thân mến, các bạn đang nghĩ gì về “Sương khói quê nhà”.

Chỉ là sương khói thoảng qua

Mà nghe kí ức quê nhà còn in

Biết bao thương mến nghĩa tình

Nguồn ân dưỡng dục tạo nên đời người.

Phật tử tại gia khi Chánh Niệm hơi thở đồng tu mỗi ngày, chúng ta có cơ hội tiếp cận với sương khói của mật Điển Từ Bi, tha lực vi diệu tới với chúng ta. Như nguồn ân dưỡng dục để ta được no ấm đời sống tâm linh. Để ta thấy Đức Phật như mẹ hiền, Quan Thế Âm như mẹ hiền luôn luôn kề cạnh chúng ta, để chúng ta thấy được giá trị tuyệt vời mà cuộc đời của mỗi người chúng ta được thừa ân dưỡng dục của chính mẹ mình và dắt dìu đưa chúng ta tới gặp được Phật Bồ Tát, gặp được Pháp gặp Chư Tăng, và gặp được trên con đường đồng tu. Ngày lễ mẹ ta phải nhớ đến mẹ thật nhiều qua Đức Thế Tôn. Tại sao nhớ đến Thế Tôn là nhớ đến mẹ, nhớ đến mẹ là nhớ đến Phật. Ngày xưa trong Kinh, Phật đã dạy: mẹ là Phật, các con phải luôn luôn quán chiếu tất cả mọi chúng sanh đều là mẹ nhiều đời của chúng ta. Và qua hình ảnh của mẹ chính là hình ảnh của Đức Phật, lam lũ trong cuộc đời, ám khói nơi quê nhà, chính là những hình ảnh yêu thương, hương đồng gió nội, thơm lắm. Ngồi nơi đây Bảo Thành vẫn còn mường tượng ngửi được hương vị quê nhà và sự tần tảo của mẹ đã hi sinh. Các bạn nhớ về mẹ đi, các bạn sẽ thấy mẹ đẹp lắm. Phật tử chúng ta không thể nói đến học Phật để giải thoát mà quên đi mẹ, bởi qua mẹ ta được gặp Phật, không ai có thể tới với Phật mà không qua người mẹ kính yêu của chúng ta, không ai có thể diện kiến Phật mà không thể nhìn rõ mẹ yêu của mình, không ai có thể trở về với Niết Bàn mà không thẩm thấu được sương khói quê nhà, nơi ấy người mẹ của chúng ta đã cả đời lo cho mình. Mẹ là thiên sứ, mẹ là trung gian giữa ta và Phật. Mẹ sẽ dắt dìu ta vượt qua gian khó để được hạnh phúc và bình an. Không cần biết vì một lý do gì, ta không thể nào vì lý do đó mà làm cho mẹ buồn mà xa cách mẹ. Lễ Phật Đản đưa chúng ta nhớ đến cội nguồn của Đấng Từ Ân, bậc giác ngộ đã sinh ra ở đời, và chỉ dạy cho chúng ta con đường vượt qua luân khổ, thì hình ảnh của mẹ mà  Đức Thế Tôn giáo giới thiệu cho chúng ta để mỗi người chúng ta phải nhớ rằng mẹ chính là Phật. Lễ về mẹ là lễ để nhớ về Đức Phật, Phật là mẹ, mẹ là Phật. Các bậc lớn tuổi khi nói đến sương khói quê nhà, trong lòng vui mà trào nước mắt bởi sung sướng. Bảo Thành vẫn còn nhớ thật rõ trong tâm về làn khói bếp ở quê, sự tần tảo của mẹ thưở xưa, dù câu nói chỉ là sương khói thoảng qua nhưng chúng ta có biết sương sớm mai ướt đẫm trên lưng mẹ nghĩa là gì không, là sự hi sinh cả cuộc đời của mẹ để cưu mang, để chăm sóc, để dưỡng dục để tạo nên một đời người có giá trị nơi các con. Các bạn có thấy được khói quê nhà không? Mỗi một chặng đường đi qua nếu như chúng ta có một sự tư duy sâu sắc, chúng ta sẽ sống có ý nghĩa hơn. Chúng ta sẽ sống vững chãi hơn, chúng ta sẽ sống có tình thương hơn, có sự thông cảm, có sự lắng nghe và biết mang tất cả để san sẻ, để yêu thương, để đùm bọc. Người Phật tử phải nhớ lời Đức Phật dạy, những lời của Ngài dạy thật gần gũi với mẹ. Mọi tạo tác của mẹ đều là các Pháp của Phật ẩn hình trong đó. Học Phật mà không học qua tấm gương của mẹ thì học Phật như vậy thật sáo rỗng, không có ý nghĩa.

Chỉ là sương khói thoảng qua

Mà nghe kí ức quê nhà còn in

Biết bao thương mến nghĩa tình

Nguồn ân dưỡng dục tạo nên đời người.

Trong cuộc sống hiện tại, cuộc sống vội, nhưng không thể vì vậy mà ta có thể vội quên mẹ được. Trong cuộc sống hiện tại, cuộc sống vội của một nền kinh tế mở rộng, khoa học kiến thức có tầm cao vượt trội, không thể quên sương khói quê nhà, không thể quên hình ảnh của mẹ và chẳng thể quên Đức Phật. Mẹ là Phật, nhớ đến mẹ là nhớ đến Phật, lễ Phật Đản nhớ đến Phật đã sinh ra ở đời là nhớ đến mẹ của chúng ta. Giữa mẹ và Phật có sự liên quan mật thiết, một là hai, hai mà là một, mẹ là Phật, Phật là mẹ. Phật tử chúng ta suy nghĩ như vậy sẽ thấy Phật thật là gần. Phật tử chúng ta tôn kính Phật sẽ được gần mẹ, sẽ được gần mẹ mãi mãi. Phải sống chân thật như vậy để thấy được Phật trong đời thường qua hình ảnh của mẹ, để thấy được mẹ trong đời thường qua hình ảnh của Chư Phật. Đừng lãng phí cuộc đời vùi đầu vào trong quên lãng của sự vội vàng mỗi ngày trôi qua. Bảo Thành và các bạn đã lãng phí thời gian quá nhiều, chỉ nhớ về mẹ khi thân của mình bị tàn lụi, chỉ nhớ về mẹ khi mà ta bị ốm đau đói khát. Mà đúng, khi ta bị tàn dại bị ốm đau đói khát ta mới nhớ đến Phật, ta lại mới nhớ đến mẹ. Tại sao chúng ta lại để cho thói quen đó lặp đi lặp lại. Ta phải nhớ đến Phật và mẹ khi còn rất khỏe khi còn rất tươi khi còn sức trẻ, để có thể rong chơi với Phật, để có thể rong chơi với mẹ. Bảo Thành và các bạn còn trẻ lắm, còn thơ lắm, dù con số đếm của từng năm đã trôi qua rất lớn, nhưng ta còn trẻ còn thơ, sự thơ trẻ của chúng ta không đến nỗi dại, không phải là thơ dại mà trẻ thơ dễ thương bởi vẫn biết đồng tu biết câu kinh câu kệ, bởi vẫn nghe tiếng mõ tiếng chuông, vẫn trì chú niệm Phật, vẫn Thiền Định, vẫn văng vẳng bên tai tiếng chuông Chùa, vẫn lẳng lặng lắng nghe tiếng mõ. Chúng ta vẫn nhớ về Phật, nhớ về mẹ, chúng ta vẫn còn dòng máu của mẹ lưu truyền. Vậy ta vẫn đồng tu nhớ đến Phật. Hãy nhớ “Sương khói quê nhà”

Chỉ là sương khói thoảng qua

Mà nghe kí ức quê nhà còn in

Biết bao thương mến nghĩa tình

Nguồn ân dưỡng dục tạo nên đời người.

Ngày Lễ mẹ, hãy luôn nghĩ đến mẹ. Không phải trong ngày này mà trong mỗi ngày, mỗi hơi thở của Chánh Niệm tỉnh thức phải thấy được mẹ trong tâm. Bởi khi mẹ mà chúng ta mời gọi ngự trong tâm ta chính là hình ảnh của bậc Thầy giác ngộ hiện hữu, ta đã thỉnh Ngài trụ vào trong đời. Mẹ là Phật. Bạn đang đợi trông điều gì, một phép lạ ngoài kia sao? Phép lạ cao siêu nhất chính là chúng ta còn có mẹ. Bởi khi còn mẹ là còn có Phật ở bên đời. Bởi khi còn mẹ ta hiểu được đích thực giá trị cao quý của sự hy sinh tần tảo của mẹ, của hương khói thật thơm chân chất của mẹ. Người mẹ quê nhà, thấy được mẹ là thấy quê nhà, thấy được mẹ là thấy Phật, thấy được Phật nơi mẹ là thấy được quê nhà tâm linh Niết Bàn tại thế. Bao nhiêu khổ cực, bao nhiêu trần ai, bao nhiêu thống khổ khắc khoải ở đời khi trở về quê ta đều có thể quẳng mọi gánh lo đi để vui sống để hạnh phúc bởi nơi quê nhà đó có mẹ, nơi quê tâm linh đó có Phật. Nếu các bạn mệt mỏi rồi thì hãy về nhà đi để ngửi mùi khói quê hương, để được tắm gội trong sương sớm mai. Nếu bạn đau khổ và trần ai, hãy về quê nhà tâm linh đi, có Phật. Quê nhà của chúng ta, quê nhà tâm linh của chúng ta nằm trong hơi thở của Chánh Niệm. Một đời sống Chánh Niệm là một đời sống luôn luôn nương vào quê nhà tại tâm. Phật tại tâm, mẹ tại tâm, trong tâm ta có mẹ. Nơi ấy có Phật. Đừng để cho sự sống vội đẩy lùi chúng ta vào vùng tối của tâm thức. Đừng để cho cuộc sống vội đẩy chúng ta xa vòng tay của mẹ, của Phật. Hãy sống chân thật và hãy trở về quê một lần để thăm mẹ, hãy trở về quê một lần trong Chánh Niệm hơi thở để thăm Phật. Một đời sống Chánh Niệm, một hơi thở Chánh Niệm, chỉ một sát na Chánh Niệm đã là đủ. “Sương khói quê nhà”:

Chỉ là sương khói thoảng qua

Mà nghe kí ức quê nhà còn in

Biết bao thương mến nghĩa tình

Nguồn ân dưỡng dục tạo nên đời người.

 Chúng con trong ngày lễ mẹ, nguyện xin Chư Phật luôn thương mẹ, luôn ban tràn đầy hồng ân Tam Bảo xuống cho mẹ. Để mẹ được trường thọ, được khỏe, được vui. Và chúng con cũng nguyện mẹ hiền Quan Thế Âm che chở cho các em đang lâm bệnh, các bé thơ đang lâm bệnh, các người con đang bệnh tật có đủ phước báu, đủ sự chăm sóc của mẹ để vượt qua sự thử thách của bệnh tật. Chúng con cũng nguyện xin mẹ gia trì cho các Phật tử đang bệnh tật thân tâm thường an lạc, giữ được tâm thanh tịnh để bệnh của thân sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh đưa mọi người trở về với nguồn ân dưỡng dục của Đức Phật, của mẹ, của cha. Chúng con cũng nguyện xin Chư Phật ngày lễ mẹ, gia trì cho tất cả những người mẹ trên thế giới được hạnh phúc, được khỏe mạnh. Nguyện Chư Phật gia trì cho thế giới được hòa bình, để những người mẹ không còn phải khóc con, không còn phải đau khổ nữa. Đó là sự chia sẻ của chúng con hôm nay về chủ đề “Sương khói quê nhà”.

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe, đã trì niệm hồng danh Phật, Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn và nghe Bảo Thành chia sẻ tâm sự đôi chút những cảm xúc nhẹ về mẹ, về “Sương khói quê nhà”

Hồi hướng:

Thưa Phật, chúng con nguyện hồi hướng tất cả mọi công đức lên mẹ. Nguyện mẹ luôn trường tồn với chúng con trong sự an lạc, mạnh khỏe và yêu thương. Chúng con cũng hồi hướng công đức cho tất cả những Phật tử, các bé Phật tử đang lâm bệnh được hết bệnh hết phiền não được khỏe mạnh. Nguyện cho thế giới hòa bình chấm dứt chiến tranh.

Xin Chư Phật chứng minh cho chúng con.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts