Search

Sửa Đi Đừng Sợ

Thiện Chí đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn!

Cho tới hôm nay, tình bạn của chúng ta đã thắm thiết hơn bởi qua nhiều ngày tháng giao duyên trên mạng, trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn. Mục đích của Bảo Thành nói những lời như vậy là chỉ để gợi ý, không phải là để truyền đạo, cũng không phải là để giảng đạo hoặc là thuyết pháp, mà chỉ gợi ý cho mỗi người chúng ta có đôi chút lắng đọng tâm hồn, có điều gì đó để chúng ta tư duy.

Hôm nay chúng ta tư duy đến một vấn đề là nghe và làm đúng. Nghe để làm đúng, đặc biệt là những ai đang muốn tu học trên con đường Phật pháp huân tu, chúng ta cần phải nghe thật rõ những điều được hướng dẫn và làm đúng y như vậy để có được sự thành tựu. Tánh nghe của chúng ta cần phải phát huy đúng mức để nghe, để làm và hành động cho đúng, để tu cho đúng mới có thể thành tựu được các bạn ơi.

Trong một câu chuyện kể như vầy: Có hai người bạn chơi với nhau. Anh bạn này mới tới thăm nhà anh bạn kia, thấy vách tường của nhà anh ta láng o, láng soi gương được, láng mà đẹp một màu trắng đục, đẹp vô cùng. Nhưng cái vách tường đó nó lại có thể sáng như gương, sáng đục như gương nên anh ta nhìn vào anh ta thấy hình bóng của mình đẹp, thích lắm, và anh ta ngưỡng mộ người bạn có một cái nhà mà có vách tường đẹp như vậy, vì cái đẹp của cái màu trắng đục, vì cái đẹp do bức tường như gương có thể soi mình trong đó để thấy được mình, để thấy được mình. Cái quan trọng là bức tường vừa sáng mà vừa trong, trong đục đục một chút xíu, đẹp lắm các bạn, rồi lại nhìn thấy hình hài của mình trong bức tường phản chiếu của màu trắng đó.

Anh ta thích lắm, anh ta hỏi bạn: “Bạn ơi, làm sao bạn có thể có được bức tường đẹp và láng o như gương như vậy, bạn có thể chỉ cho tôi biết, để tôi có được bức tường như vậy nhà không?”

Người bạn chỉ anh: “Anh chỉ cần về lấy gạo xay ra thành bột trộn với nước, nhớ là trộn với nước, rồi trát lên, cà lên cái tường nhà của anh thì nó sẽ có màu trắng đục như vậy đẹp và nó láng o như vậy.”

Anh bạn kia về nhà xay gạo, thấy bột gạo mịn trắng đẹp thì khởi tâm thích thú nhưng bắt đầu suy nghĩ: “Sao ta phải trộn với nước? Nếu mà ta trộn với bùn sẽ tốt hơn”. Các bạn biết không hồi xưa người ta thường trộn rơm với bùn, trộn cái này cái kia với bùn để mà trét làm cái bức tường. Thì anh này cũng nghĩ như vậy, bức tường ta đã có rồi nhưng mà gạo xay thì mịn trộn với bùn đó, mình trát lên nó sẽ láng o, chắc còn đẹp hơn anh kia nữa. Nên anh bạn này bắt đầu trộn bột gạo vô với bùn, anh ta tráng lên nền, bờ tượng đó, chà cho thật là kỹ, anh ta càng chà thì bùn nó khô, bùn nó khô và bột gạo lẫn lộn với bùn nó đen tối rồi, nó rơi rụng, nó không có dính, nó lởm chởm, nó không có láng được như bức đường kia. Anh ta thấy buồn vô cùng, bởi vì bao nhiêu công sức xay gạo, gạo của mình cũng đã xay, không làm đúng cách, trộn bùn vô bây giờ nó hư hỏng cả một bức tường nữa, chứ không nói là mất luôn cả công sức xay gạo mà bây giờ bức tường nó dơ dáy, nó bẩn thỉu, lồi lõm không tốt. Anh ta rất là buồn và cuối cùng anh ta đã gia công cạo sạch xuống để làm lại y như lời hướng dẫn của bạn và anh ta có được một bức tường trắng láng bóng soi mình ở trong đó.

Các bạn thân mến, trong cuộc sống của chúng ta, đôi khi bởi vì bản ngã, ta không bao giờ muốn học hỏi. Muốn biết, muốn làm được những điều như người khác nhưng không có chú tâm học hỏi, nghe cho rõ và làm theo. Chúng ta học được, nghe được nhưng rồi về trộn lẫn với những suy nghĩ tư kiến, cách tính toán riêng biệt của mình để làm chủ, để mà gọi là à của ta. Trên đời này biết bao nhiêu thứ của ta, cũng có biết bao nhiêu thứ của người, nhưng cái của ta tốt ta có sẵn lòng trao dạy cho người khác không? Đó là một câu hỏi, ngược lại cái tốt của người trao cho ta, ta có dám thực hiện hay không? Hay pha trộn cái của người ta, như anh chàng này pha trộn không đúng với nước mà pha với bùn. Đặt lại câu hỏi nếu như anh chàng này có được bí kiếp làm tường đẹp như vậy liệu anh ta có sẵn sàng chỉ dạy cho người khác hay không?

Mỗi một người chúng ta có tánh học hỏi và thu vào cho mình nhưng hiếm ai muốn truyền dạy những điều tốt đẹp cho người khác. Sự cho và trao ra bên ngoài với tâm thành để làm tốt đẹp cho xã hội là điều đáng khích lệ, chúng ta nên làm. Và cái tâm mong cầu học hỏi để sửa đổi cuộc sống, để sửa đổi những điều từ xấu đến tốt là tánh rất cần thiết. Dù muốn dù không anh bạn này khi học đã không làm đúng như lời chỉ dạy pha trộn vào, thì sau khi sai, anh ta vẫn nhìn nhận, anh ta sửa đổi và cuối cùng đã thành công, đó là điều tốt.

Nhưng trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta thật là cứng đầu cứng cổ, có những bài học về đời sống tâm linh tốt lành, có những bài học về đời sống cho tinh thần, ngay cả những bài học nâng cao đời sống về vật chất, ta học nhưng ta không nghiên cứu kỹ để hành theo đúng như lời chỉ dạy, ta chỉ mập mờ nghe qua rồi bắt đầu pha trộn với những cách suy nghĩ riêng, nên nó hỏng riết, nó hỏng từ lúc này qua lúc khác, từ ngày này qua ngày kia, từ năm này tới năm nọ và cuộc đời cứ hư hoài, thất bại.

Nếu mà chúng ta không nghe theo sự chỉ dẫn cho rõ ràng để làm việc, sự thất bại kéo dài theo ngày tháng sẽ làm cho chúng ta mất niềm tin vào chính khả năng vốn có của chúng ta. Khả năng có được của chúng ta là tốt nhưng nếu biết tiếp thu những cái học đúng, những thành tựu của người, ta sẽ kiến lập được một sự thành công vững chắc. Đây là nói về tất cả mọi phương diện từ đời sống vật chất, tinh thần lẫn tu học về tâm linh.

Các bạn, Đức Phật dạy đã 2560 mấy năm rồi, mà có mấy người nghe thấu hiểu rõ để thực hành đâu, bởi những lời Phật dạy luôn luôn được pha trộn với tư kiến của con người phàm phu. Nếu một pha một còn đỡ, người ta lấy một lời của Phật pha đến chín lời của phàm phu, lấy một phương pháp của Phật pha trộn lấy hàng trăm phương pháp lẫn lộn của phàm phu, nên tìm hoài, nghe tiếng là Phật mà chẳng thấy được pháp của Phật. Thời mạt Pháp là như vậy, người ta pha trộn lẫn lộn như vậy. Cho nên sau khi Đức Phật tịnh diệt cho đến thời nay mấy ai chứng đắc, chưa nói chứng đắc quả a la hán, chứng đắc thành Phật, mà nói đến chứng đắc về vấn đề tịch tĩnh an nhiên tự tại.

Đó, các bạn nhìn đi, trong cuộc đời này đầy rẫy những đau khổ, lo toan, phiền lụy, người ta chạy nhao nháo ở ngoài đời để tìm cái này, tìm cái kia, thấy đâu được những khuôn mặt tịch tĩnh, an nhiên nữa đâu, hết rồi hoặc là họa hiếm may ra chúng ta mới gặp được một người, khó vô cùng. Bởi lời giáo truyền của Phật, bởi các pháp giác ngộ của Phật ngày nay không còn nguyên thủy để chúng ta tu tập. Hoặc là vì một lý do gì đó nó không còn hấp dẫn nữa, do con người đã tái tạo trở lại bằng những phương thức, ngôn ngữ, tư kiến riêng pha trộn vào đủ màu sắc tướng, để rồi những sắc tướng đó hấp dẫn, lôi kéo chúng ta, cho nên chúng ta khó mà giữ được tâm kiên cố, bất thối với lời giáo huấn của Phật để miên mật tu tập. Chúng ta chỉ rong ruổi theo những tư kiến riêng của mình, lượm lặt về với những mớ hổ lốn của thiên hạ đã trộn lẫn, rồi hầm bà lằng chẳng đi tới đâu. Để có được một cái tâm sẵn sàng cải hóa cuộc đời của mình dù sai, để hoàn thiện hơn, tâm đó rất quan trọng, rất quan trọng, mà quan trọng hơn là chúng ta biết lắng nghe, nghe cho rõ để chúng ta thực hành cho đúng.

Hôm nay gợi ý về con đường tu tập tâm linh giữa pháp thiền chánh niệm của Đức Phật dạy. Chính trong hơi thở chánh niệm đó ta sống trong chánh niệm, sống trong thực tại. Chúng ta thực sự là sống và nuôi dưỡng tất cả, nuôi dưỡng tất cả những cảm thọ, những suy nghĩ, những cái rất là người, trong cái năng lượng chánh niệm theo chiều hướng tích cực. Nếu các bạn làm được điều đó, các bạn sẽ thành công trong cuộc đời. Hơi thở chánh niệm đó là các bạn chỉ cần hít vào biết hít vào, thở các bạn biết thở, trong cái hít thở và các bạn biết đó, các bạn quán chiếu, quán chiếu cái gì? Lắng nghe, hạnh lắng nghe, chính vì các bạn chú trọng đến hạnh lắng nghe đó mà nhĩ căn, lỗ tai của các bạn sẽ nghe được thật rõ các pháp của Phật, để các bạn tinh tấn tu học, sàn lọc năng lượng tiêu cực bất tịnh để đạt được năng lượng tích cực, thanh tịnh.

Thiền chánh niệm trong hơi thở với cái tâm nguyện quán chiếu hạnh lắng nghe, các bạn lắng nghe, các bạn hít vào các bạn biết các bạn hít vào. Hít ngắn hít dài không quan trọng tùy theo cơ thể. Khi các bạn hít vào các bạn phải biết rằng các bạn đang hít vào, khi các bạn thở ra các bạn phải biết bạn đang thở ra, phải biết hít vào và thở ra và phải giữ tâm ý hít vào thở ra đó liền với nhau, cùng khởi lên hạnh lắng nghe. Các bạn hít, các bạn thở và các bạn nói: “Lắng nghe”, cứ như vậy thì các bạn sẽ tạo được một cái định tuệ, có cái lực để lắng nghe bản thân của mình. Tuệ lực do cái định trong hơi thở chánh niệm lắng nghe đó, bạn nghe được mọi sự thổn thức lương tâm của bạn, bạn nghe được sự thổn thức của những chúng sanh, của những con người cận bạn, cận nhất có thể là vợ chồng, con cái, hơn nữa như cha mẹ, ông bà, còn những người bạn, những người thân, những người tương tác trong cuộc đời. Bạn sẽ có được cái tuệ, cái định tuệ lắng nghe. Và nếu các bạn lắng nghe được điều đó, các bạn sẽ tô điểm cuộc đời của bạn bằng những kinh nghiệm của cuộc đời khi nghe người khác, đặc biệt trong đời sống tâm linh. Nếu các bạn lắng nghe được bằng định tuệ này thì những pháp mà Đức Phật truyền dạy cho các bạn, qua các pháp thở hơi thiền chánh niệm. Hơi thở thiền chánh niệm này và quán chiếu cái tâm hạnh lắng nghe, thì bạn sẽ trở thành một phần tâm hạnh của Ngài Quan Âm Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm. Quán, tai bạn sẽ quán và nghe được, tầm thinh cứu khổ chúng sanh trong kiếp này của mình, trong thân kiếp này của bạn và tầm thinh cứu khổ được những âm thanh đau khổ của những chúng sinh khác.

Các bạn ơi, các bạn có thể thử thực hành pháp thiền trong chánh niệm và tu hạnh lắng nghe được không? Khi các bạn biết lắng nghe các bạn sẽ giữ được cho khẩu ý thanh tịnh, thân xác của bạn sẽ thanh tịnh, bởi chính vì sự lắng nghe đó bạn sẽ không còn dùng khẩu nữa. Khẩu của bạn sẽ được thanh tịnh. Lời nói của bạn sẽ được thanh tịnh. Ý nghĩ của bạn sẽ được thanh tịnh. Tâm của bạn sẽ được thanh tịnh. Thân của bạn sẽ được thanh tịnh, tất cả ngũ căn của bạn sẽ được thanh tịnh. Hạnh lắng nghe và là hạnh của Ngài Quan Âm Bồ Tát, của Ngài Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát.

Các bạn, không bao giờ muộn hết, cũng như anh chàng kia không có muộn, khi thấy sai anh ta sửa lại, chà, và cái bức tường của anh ta sẽ láng, trong sạch. Và anh ta có thể nhìn thấy hình bóng của anh ta trong đó. Khi các bạn biết sai và tu thiền chánh niệm lắng nghe này là các bạn đã biết sửa cái tâm của các bạn lại. Xác bạn đã biết chà lên đó bằng hơi thở chánh niệm lắng nghe, thì trên bề mặt bức tường tâm của các bạn đó sẽ láng lại, nó sẽ sáng ra và nó sẽ soi rõ, soi tỏ nhất cử nhất động của bạn trong từng sát na. Bức tường tâm thức của bạn nó cũng sáng để soi tỏ, soi rõ mọi âm thanh đau khổ trong ta và của chúng sanh, để chúng ta bắt đầu dùng năng lượng yêu thương lắng nghe đó để giảm bớt những phiền lụy trong cuộc đời của ta và của người.

Cảm ơn tất cả các bạn đã lắng nghe Bảo Thành hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts