Search

Tâm Sĩ đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.                                                                                 

Bảo Thành kính chào các bạn trên mạng Youtube Thất Bảo Huyền Môn

Hôm nay Bảo Thành đi thẳng vào câu chuyện, để chúng ta nghe rồi từ đó gợi ý cho nhau, ứng dụng lời Đức Phật dạy vào cuộc sống của chúng ta.

Ngài Đại Hạnh Phổ Hiền dạy cho chúng ta rằng: Mọi việc ở trên đời này, phải luôn luôn làm theo tâm hạnh của mình. Một trong những điều mà Ngài Bồ Tát Phổ Hiền dạy là Sám hối nghiệp chướng của chúng ta. Sám hối nghiệp chướng rất quan trọng, bởi người tu nếu không biết sám hối, sẽ không bao giờ thành tựu được sự an lạc.

Câu chuyện như vậy để chúng ta thấy Sám hối nghiệp chướng cao cả như thế nào, nếu như chúng ta sám hối càng sớm, thì cuộc đời có lẽ không bao giờ hối hận đâu.

Ở nơi thôn quê, trong một ngôi làng xa xôi kia, có một mẹ già đơn chiếc nghèo, nuôi hai người con một gái và một trai. Người mẹ tần tảo sớm hôm cả cuộc đời, ngoài đồng ruộng đến buôn bán, đủ mọi ngành nghể, cố làm sao cho con của Mẹ, đứa con trai, đứa con gái, học cho thành tài, thay đổi số mệnh, để không đơn chiếc như Mẹ, vất vả trên đồng áng, khổ cực sớm hôm.

Người Mẹ công lao mấy mươi năm trời nuôi con thành tựu, cho ăn cho học. Cuối cùng người con trai trở thành một vị thẩm phán tài ba, lỗi lạc trên thành phố. Người con gái trở thành bác sĩ chuyên khoa về mổ. Người con trai là thẩm phán, đã từng xét phán biết bao nhiêu trường hợp tội lỗi, phân tích kỹ càng, truy án đúng người đúng việc. Quả thật là một nhân tài. Thẩm phán phân tích cặn kẽ theo đúng tinh thần của luật pháp, một con người liêm khiết, tay không bao giờ nhúng vào việc hối lộ để ghép tội, cho nên được mọi người tôn kính. Còn người con gái là bác sĩ, có biết bao nhiêu ca mổ đều thành công, cứu vớt biết bao nhiêu con người.

Nỗi tiếng là thẩm phán, bác sĩ, nhưng vẫn tủi phận vì xuất thân trong gia đình nghèo. Trên tinh thần làm việc như vậy, nhưng chẳng bao giờ về quê thăm Mẹ từ thuở đã thành tài. Ở nhà Mẹ vui biết bao, sung sướng xiết bao, khi con của Mẹ sinh ra trong gia đình nghèo khổ, được Mẹ tần tảo nuôi nấng, nay đã đổi đời trở thành thẩm phán, bác sĩ, nỗi tiếng cả một vùng, thành phố ai cũng biết tên con, hỏi tới ai họ cũng biết. Nhưng ngược lại hầu hết bạn bè của hai người con, chẳng bao giờ nghe nói về Mẹ.

Một hôm người mẹ mới cảm thấy rằng, thôi đi lên phố thăm hai đứa con, để kể cho hai con nghe về người cha đã mất xưa kia trên chiến trường, cho hai con hiểu được lòng thương yêu của cha và tình thương yêu của mẹ, mà hiểu rõ mẹ cha thương yêu hai con vô cùng, đã dành trọn cả cuộc đời cho hai con ăn học thành tài. Nhưng hai đứa con đó khi nghe Mẹ tìm đến kinh thành, đã thay đổi chỗ ở liên tục, vì không muốn Mẹ đến thăm, người Mẹ quay về lại quê, và rồi vì sức già yếu đã qua đời.

Hai người con nghe tin trở về, người thẩm phán, kẻ bác sĩ ngồi bên giường than khóc, nhưng cuối cùng chính trong sự than khóc đó họ mới nhớ: À, sao trong gia đình mình chỉ có một người mẹ còn cha đâu? Mẹ thì tần tảo khổ cực trong kiếp nông dân. Cho nên hai anh em mới bắt đầu tìm thử trong nhà còn di tích gì về cha. Hai anh em cũng chẳng biết gì về mẹ, chỉ biết Mẹ là một nông dân thôi. Cuối cùng hai anh em tìm thấy trong tủ một lá thư của Mẹ viết để lại, cùng những hình ảnh trước kia.

Khi hai anh em nhìn vào hình ảnh và đọc lá thư mới ngạc nhiên vô cùng, vì sao, chính lá thư của Mẹ viết kể về Cha là một vị quân nhân lỗi lạc thời xưa, còn Mẹ là một Bác sĩ thời chiến, nhưng vì trên chiến trường Cha đã mất, nên Mẹ phải rời bỏ thành phố với thân phận là bác sĩ. Trong nỗi khổ mất chồng, mang con về quê ngoại nuôi cho các con thành đạt. Hình ảnh người cha, một người lính oai hùng trong quân đội và hình ảnh Mẹ, một vị bác sĩ thời đó, đẹp biết bao đứng cạnh bên người Cha.

Lá thư kể tỏ lộ về Cha Mẹ thời qúa khứ cho hai đứa con, một là thẩm phán, một là bác sĩ nghe. Đến lúc này người bác sĩ và thẩm phán lỗi lạc trên thành phố, đã không ngờ rằng Mẹ chẳng phải tầm thường như ta nghĩ, là một người nông dân đồng áng, mà Mẹ là bác sĩ, thế mà về quê tay Mẹ trần trụi, chai sạn cho màu đất, hạt lúa, cho đồng tiền, sau một thời chinh chiến vừa tan, để nuôi nấng các con ăn học thành tài.

Bây giờ hai anh em này mới biết, Cha của mình là một người anh hùng, đã bảo vệ đất nước. Mẹ là bác sĩ chữa lành vết thương cho đời. Hai người con hối hận vô cùng, bởi đến khi Mẹ mất mới nhận ra Mẹ là một bác sĩ, Cha là một quân nhân oai hùng. Thế mà khi trở thành bác sĩ, thẩm phán, lại chê bai hoàn cảnh của Mẹ, chỉ là một người nghèo khổ thôi, không bao giờ dắt bạn giới thiệu, hai anh em đau khổ lắm.

Cũng rất may là trong lá thư Mẹ để lại, có mười lời nguyện của Ngài Phổ Hiền, mà người Mẹ đã kẹp trong đó. Hai anh em đọc lướt qua và nhìn thấy câu thứ tư: “Sám hối nghiệp chướng”, tức là sám hối về những tư tưởng, suy nghĩ của mình đã sai hoàn toàn với Mẹ với Cha. Với tư chất thông thái của một vị bác sĩ mổ xẻ và tư chất của một thẩm phán phân tích, hai anh em hiểu thật rõ về Sám hối nghiệp chướng, liền quì xuống bên giường của Mẹ, thành kính sám hối. Trong giờ phút sám hối đặc biệt đó, toàn bộ những nỗi cưu mang nặng trĩu trong tâm hồn của hai anh em, đều rớt xuống nhẹ nhàng thanh thoát và hình như xác chết của người Mẹ nằm trên giường, tưởng chừng như đã lặng sóng, làn môi thắm đỏ, nở một nụ cười rất tươi, ra đi nhẹ nhàng. Con cái giờ đã hiểu Mẹ là ai.

Bảo Thành nói đến bài này, bởi vì có liên quan đến mùa Vu Lan, nói đến công lao hiến dâng của người Mẹ, người Cha cho con cái. Có lẽ câu chuyện rất bình thường, nhưng ở một góc độ nào rất trung thực. Có, có những phận con như chúng ta, thường bỏ rơi Cha Mẹ khi đã thành tựu trong cuộc sống, và rồi với kiến thức vốn có của một thời đại, được gọi là phù hợp, còn Cha Mẹ là lỗi thời, thì chúng ta thường hay nhìn Cha Mẹ dưới một góc độ thấp.

Bởi biết bao nhiêu thế hệ trẻ ngày nay, đã thường cảm giác rằng, chúng ta không còn được nối kết với họ, bởi không phù hợp với tư duy, suy nghĩ của họ. Họ cho rằng họ là những vị tân thời ở trong tương lai, có kiến thức suy nghĩ khác biệt, tốt đẹp hơn. Cho tới khi họ về già rồi, họ mới nhận thấy, chính những kinh nghiệm già dặn của người xưa, mới làm thay đổi và làm mới cuộc đời của họ, chứ chẳng phải kiến thức hiện tại của họ, tư tưởng của họ là tốt đẹp. Điều tốt nhất của họ có được ngày hôm nay, chính là do kiến thức già dặn, kinh nghiệm một thời quá khứ, đúc kết của cha mẹ, tổ tiên, ông bà.

Sám hối nghiệp chướng, mượn câu chuyện này để thấy rằng, người con thẩm phán và người con bác sĩ với tư chất hiểu biết, đọc tới điều Sám hối nghiệp chướng, nên đã phục xuống bên giường của Mẹ để sám hối, giờ đó là lúc Mẹ đã ra đi. Còn như khi Mẹ còn ở trần gian, trên thế gian này, tại sao không nói lên được một lời để cho Mẹ vui, Mẹ cười, tại sao không hãnh diện về Mẹ, có lẽ Mẹ của ta không như Mẹ của hai người kia là bác sĩ, thẩm phán, nhưng Mẹ của chúng ta cao cả hơn cả cái danh ở đời tặng cho là thẩm phán, bác sĩ. Đó chính là Mẹ, thì chữ Mẹ được kêu lên trong tâm thương yêu vô vàn của con cái. Nhớ, điều đó còn cao quý hơn tất cả mọi danh phận kiến thức ở đời mà chúng ta mong cầu.

Chữ Mẹ là âm thanh vi diệu, chẳng phải bác sĩ, chẳng phải thẩm phán, chẳng phải danh cao trọng vọng ở đời, mà chính là tình yêu, Mẹ là tình yêu. Chúng ta nhớ rằng Mẹ là tình yêu, và chỉ có tình yêu mới làm cho chúng ta thăng hoa và có được mọi kiến thức trong đời các bạn ơi.

Nhớ, vì tình yêu mà chúng ta có ở trên đời, vì tình yêu của Mẹ, mà chúng ta lớn lên ở trong đời,  vì tình yêu của Mẹ, mà chúng ta thành tựu được ở trong cuộc đời này. Mẹ là tình yêu, cho nên phận làm con như chúng ta, mỗi một con người phải nhớ, phải luôn luôn cố gắng thay đổi tất cả, sám hối cho nhanh những lỗi lầm chúng ta đã phạm, để làm gì, để chúng ta xứng đáng là người con của Mẹ.

Sám hối nghiệp chướng là một Pháp nhiệm mầu, ở đây Bảo Thành không phân tích nhiều về cách sám hối hay cách nhìn như thế nào, mà chỉ nói gọn gàng. Không cần biết bạn là ai, vì các bạn và Bảo Thành luôn luôn là con của Mẹ. Đã là con của Mẹ, sự sám hối đơn giản ý nghĩa, hiểu được ứng dụng ở trong đời là gì, là hãy biết nhận tất cả những lỗi lầm của mình khi suy nghĩ, khi nói và khi hành động với Mẹ, để cho Mẹ đừng buồn, để cho Mẹ được cười, để Mẹ là tình yêu chân thật nhất cho chúng ta trong hiện thời kiếp sống này.

Danh phận của bạn ở đời như thế nào, điều đó không quan trọng, Mẹ mới là điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Mẹ tới từ đâu và sống như thế nào không quan trọng, bởi vì Mẹ là tình yêu, chứ Mẹ không phải là bác sĩ, thẩm phán. Mẹ không phải là nông dân, Mẹ là tình yêu.

Hiểu được Mẹ là tình yêu, bao nhiêu tội lỗi, bao nhiêu những lời sai, tư tưởng bất thiện, những hành động không tốt của chúng ta đối với Mẹ, cần phải kịp sám hối ngay khi Mẹ đang còn ở trên cõi đời, để Mẹ là tình yêu vẫn lênh láng mãi trên biển đời, đừng để tình yêu của Mẹ khô cạn trên giường khi chết. Nước mắt có khóc, sám hối vẫn kịp, nhưng thật tiếc, thật tiếc, chúng ta không được uống và bơi vẫy vùng trong tình yêu của Mẹ khi Mẹ còn sống.

Hãy yêu Mẹ như Mẹ đã yêu chúng ta, để trong cuộc đời khi còn có Mẹ, chúng ta vẫn vùng vẫy như một trẻ thơ, bơi trên hồ yêu thương của Mẹ, mãi mãi trên cuộc đời hiện hữu, khi Mẹ còn sống ở trần gian này.

Cám ơn các bạn đã lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts