Search

Tâm Sĩ đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Chào các bạn, các bạn có khỏe không? chắc chắn các bạn khỏe, nên vẫn còn đủ sức để nghe Bảo Thành gợi ý hôm nay.

Biết bao nhiêu lần chúng ta gặp nhau, nhưng để tâm giao cần phải có nhân duyên. Các bạn có thể nghe có một lần, để có cảm tình với Bảo Thành, các bạn có thể nghe qua một lần, để rồi không muốn gặp Bảo Thành. Chuyện gặp hay không gặp đều do nhân duyên, nếu có nhân duyên trong lúc này, để nghe Bảo Thành nói chuyện, thì chúng ta chắc có lẽ đã hoan hỷ. Hoan hỷ tới đâu, vui tới đâu là cùng đồng hành tới đó. Trước khi hết duyên, chúng ta vẫn coi nhau như những người thật sự đang sống với tâm chân thật. Cám ơn các bạn.

Các bạn ơi. Bảo Thành sẽ đi vô một câu chuyện. Câu chuyện được gọi là Ăn Mày Cửa Phật. Câu chuyện được kể rằng: Có một lão tiều phu, anh ta làm việc cực nhọc bao nhiêu năm trời rồi, khổ vô cùng. Cả cuộc đời từ đời ông bà đến cha mẹ, cứ truyền xuống nghề làm nông cày ruộng. Ông ta cày ruộng, nhưng tuổi đời đã lớn, cho nên lúa gạo thu hoạch ít dần ít dần, chỉ vừa đủ ăn lúc ban đầu, dần dà bao tử cũng nhỏ lại, để ăn những thứ mình có thể có được. Nghĩa là lúa dần dà giảm bớt chất lượng, bởi sức cũng đã cao tuổi.

Có một hôm ông ta mới gặt lúa được hai ba bao, để trên xe đẩy đi về nhà. Trên đường đi, ông ta đi ngang qua một cái chùa, rồi không hiểu sao, chiếc xe đẩy này bị mắc vào một cục đá, làm cho ông ta bổ nhào té xuống, làm lúa tràn hết ra đường. Ông ta đã khổ bao nhiêu đời, từ đời cha mẹ, ông bà làm ruộng, rồi nay thân như vậy có được ít bao lúa, ngang qua chùa lại còn vấp vào cục đá làm rơi đổ, tốn công buồn thiệt là buồn.

Ông ta nhìn qua cửa Chùa, thấy trong Chùa có biết bao nhiêu người ăn mặc đẹp, tướng sang trọng, xe hơi đi vào đậu ở trong đó. Ông ta than thân trách phận, kêu với ông Trời: Trời ơi, Trời có mắt không, có công bằng không. Đời nhà tui ba đời làm nông, khổ cực vô cùng, lúa bòn được chút xíu đi ngang cổng Chùa, mà còn bị té đổ hết ra đường. Mà sao trên đời Trời công bằng há, công bằng mà sao trên đời có kẻ giàu sang, phú quý, tướng mạo đẹp đẹp đẽ, ăn mặc thì lộng lẫy, đi xe hơi.

Ông ta than khóc trước cổng Chùa, kêu trời trách đất thiên địa không có lòng bao dung, thương và công bằng với ông ta. Tại sao trên đời có kẻ như kia mà ta như vậy. Nhưng có một ông già, đứng ở cổng nhà Chùa nói cho anh ta biết: Này anh kia, nếu như anh đã đổ lúa trước cổng Chùa, nhìn vô bên trong đó rồi, thấy bao kẻ họ đẹp, họ giàu, họ sang, họ có xe hơi, tướng hảo, đi vô trong Chùa lạy Phật. Anh là người nghèo khổ, lúa đã đổ rồi còn gì than khóc, sao không bước vào trong đó mà cầu xin Phật đi.

Nghe có lý, trời ơi, cả cuộc đời bây giờ mới nghe được môt câu nói có lý, nên ông ta bỏ mặc lúa đổ, bước mon men theo hành lang đi vào Chùa, nhưng không hiểu sao trên con đường ông đi, lại gặp một vị Sư ngồi ngay cửa. Vị Sư nói: Có phải anh là người lần đầu tiên tới Chùa hay không. Ông ta nói: Dạ thưa đúng tôi là người lần đầu tiên đi tới Chùa. Nhà Sư hỏi: Vậy anh vô Chùa để làm gì. Ông ta nói: Tôi vô Chùa để cầu nguyện. Nhà Sư hỏi: Cầu nguyện chuyện gì. Ông ta nói: Trước là tôi nói với Phật là Phật không công bằng, sinh ra cuộc đời của tôi, ba đời làm nông, nghèo khổ vô cùng, sao lại sinh ra những người giàu sang phú quý, ăn mặc đẹp, có xe hơi lớn, như vậy là không công bằng, Trời đất không công bằng, tôi phải vô than trách với Phật. Nhà Sư lại nói với anh ta rằng: Lại gần đây anh ơi, để tui nói nhỏ cho mà nghe: Trời đất rất công bằng hay không công bằng, anh hãy tự tìm hiểu. Tôi nghĩ nếu như anh đã vào đây cầu nguyện Đức Phật, cùng với bao nhiêu người kia tài phú, đầy đủ xe cộ như vậy, quần áo đẹp, thì anh tới sát từng người nghe coi họ cầu nguyện cái gì.

Ông ta nghe theo, ông thấy một chàng đẹp trai, mặc áo vét đàng hoàng, quỳ xuống thành kính cầu nguyện. Ông ta xích sát lại để nghe anh thanh niên cầu gì, thì nghe anh thanh niên cầu chư Phật, hãy ban cho hãng xưởng của con đừng bị lỗ lã, phá sản, để con có thể nuôi được các công nhân và bảo vệ đời sống cho họ, hãng xưởng con thật là cực khổ Phật ơi.

Ông ta chột dạ mới hiểu: Ồ tại sao môt người tướng mạo đẹp đi xe hơi đó, vô đây lại sợ hãi như vậy để cầu Phật. Lúc đó ông mới nghĩ: À, anh này có hãng xưởng cũng phải lo lắng, cũng như mình có đám ruộng, cũng phải chăm sóc cho biết bao nhiêu con người. Phá sản không chỉ ta chết đói, mà cả hãng xưởng bị mất, công nhân bị đói, đó là một cái khổ chung hết, thì làm sao so sánh đám ruộng tự nhiên của mình, gieo thì có ăn, không gieo thì chỉ cần hứng nước mưa, cạp đất cũng sống, cuộc đời đơn giản, ba đời đã như vậy. 

Ông ta lại mon men qua một người phụ nữ sang trọng, giàu sang, người phụ nữ cũng thành kính cầu Phật: Lạy Phật, con bị bệnh ung thư, xin chư Phật hãy cứu con. Ông ta lại chột dạ, trời ơi, trời ơi, tướng đẹp như vậy, lại bị bệnh ngặt nghèo như vậy sao. Ông ta tiếp tục đi qua một người khác, người kia cũng tướng đẹp, cũng lại cầu xin Phật ban cho gia đình con được hạnh phúc, chồng con đừng có đi lung tung phóng túng, như vậy gia đình sẽ tan nát.

Ông ta đi đến từng người, thì hóa ra tất cả những người giàu sang, phú quý, đẹp trai, tướng hảo, vào đây đều có cảnh khổ riêng, đều có một lời nguyện cầu xin chư Phật riêng. Cuối cùng ông ta mới nghĩ ra rằng, tất cả mọi người vô trong Chùa này đều ăn mày cửa Phật, vì khó khăn nào đó trong cuộc đời. Ông ta lúc đó mới ngộ ra rằng trước cửa nhà Chùa, Phật đã cố tình tạo cho ông ta phải té trước cửa nhà Chùa, lúa gạo đổ ra mới bước vô trong Chùa.

Bởi cả cuộc đời từ đời ông nội đến đời cha mẹ, đời ông ta chưa một lần ghé vô Chùa, dù đã bước ngang qua cổng Chùa hằng bao nhiêu năm trời. Nhưng hôm nay nhân duyên vấp đá, té, lúa gạo đổ ra trước cổng Chùa, ông ta mới có cơ hội bước vào Chùa và hiểu được bao nhiêu con người vào trong Chùa, dù có xe, ăn mặc đẹp, tướng hảo đi nữa hay bần nông như lão, thì cũng cùng một cảnh, cũng có đau khổ dằn vặt, cũng có phiền muộn lo âu.

Ông Trời cho mỗi người mỗi cảnh, mỗi cảnh của mỗi người đó đều có phiền muộn lo âu. Ông Trời không phải không công bằng, chẳng qua cái miệng của chúng ta, đã trách ông Trời không công bằng mà thôi. Ông ta ngộ, trở về làm ruộng hạnh phúc vui vẻ, chẳng hề đau khổ, vẫn ghé vô ngôi Chùa cúng Phật, dâng lòng thành kính với Tam Bảo.

Các bạn thân mến. Chúng ta đã bao nhiêu lần đi ngang qua cửa Chùa, ngó một cái rồi bỏ đi. Chúng ta đã bao nhiêu lần đi qua Chùa, ngó một chút xíu rồi lãng quên, để rồi khi vấp té trong cuộc đời, đau đớn thân xác, dằn vặt lương tâm, đau khổ muôn trùng, lúc đó lại than trời trách đất không công bằng. Chúng ta có phước như ông cụ kia tới trước cửa Chùa, để vô lễ Phật hay không, hay chúng ta đã té sát cửa Chùa, té ở trước cửa cuộc đời, chẳng thể gần Phật để đi vào.

Các bạn, mỗi khi các bạn té xuống, chúng ta theo thói quen thường than trách trời đất, nhưng có khi nào các bạn bắt chước ông già kia, khi chúng ta té xuống, hãy cho mình một cơ hội bước vào nhà Chùa, bước vào trong cửa Thiền môn, lẳng lặng ngồi xuống, lắng nghe tâm thức thốt lên lời gì, để chúng ta cùng hiểu được sự cao quý của cuộc đời là gì, thành bại trong cuộc đời, giúp cho chúng ta hiểu được đời sống tâm linh.

Các bạn, mỗi người mỗi nhân duyên, mỗi người mỗi phước báu, mỗi dòng nghiệp thức tương ưng khác biệt. Nghiệp đó có phước có họa, phước tới chúng ta hưởng, có nghĩ đến trời không? Khi họa tới than trời, có nghĩ đến Phật đâu. Cho nên hãy tập cho mình một thói quen, dù thành hay bại, thành công và thất bại trong cuộc đời nhất định mỗi người đều phải trải qua, hãy cho mình một cơ hội, khi thành công cũng tới Thiền môn, thất bại cũng tới nhà Chùa. Cửa Thiền môn hay cửa Chùa đều là nơi thanh tịnh, để cho bạn lắng đọng tâm hồn, nhìn rõ chính mình, thấu rõ được muôn cảnh, để tiếp tục trên con đường chúng ta đang sống.

Giá trị để tìm về một con đường nào đó an lạc trong hạnh phúc, tùy vào phước báu của mỗi người. Nếu như trong sự thành bại đó, các bạn chỉ nghĩ tới một điểm, một chổ dựa cho tâm linh là Thiền môn hay nhà Chùa, phước báu vô cùng, các bạn hãy mạnh dạn bước vào. Đừng đi ngang nhìn liếc rồi đi, mà đã tới thì bước vào, chúng ta với tâm thành kính, chúng ta sẽ nhìn rõ cái sai lầm của cuộc đời. Thành tựu của mình để tri ơn phước báu chúng ta có được bởi những pháp thiện. Sự thất bại của ta để hiểu rõ nguyên nhân mà tiếp tục đi tới.

Đức Phật là tấm gương của trí tuệ sáng chiếu, để chúng ta nhìn rõ tất cả những thành bại trong cuộc đời, để chúng ta tiếp tục đi lên mà thành tựu. Chúng ta đừng than trách trời đất, với ai hết, tất cả cuộc đời vận số tới đều do ta. Khi đã từ chúng ta mà sinh ra, thì từ chúng ta cũng có thể chuyển hóa về những điều sắp sinh ra, sắp hiện ra, theo chiều hướng thượng tốt đẹp.

Các bạn, mỗi một người đều là mầm mống tốt đẹp, mỗi con người đều có lý tưởng để tiến lên, và mỗi một con người chúng ta đều có hướng đi tới, không bao giờ dừng trước ngưỡng cửa của sự thất bại. Thất bại trong cuộc đời nói là mẹ của sự thành công, mà Đức Phật dạy, nếu các bạn té ở đâu, vịn ngay chổ đó đứng dậy, dũng mãnh hơn mà tiến về phía trước.

Các bạn thân mến. Mỗi khi các bạn té xuống trong cuộc đời, hãy nhớ:

Thiền môn cửa mở đợi bạn về

Chùa kia hương khói vẫn còn linh thiêng.

Các bạn cứ về, về với cửa Chùa, về với Thiền môn để tâm an tịnh. Khi thành bại trong cuộc đời, hay nói đúng hơn, các bạn hãy cho mình một chút giây phút thời gian trong cuộc đời, để trở về với Chùa, với Thiền môn, nơi đấng tối cao tự giác ngộ, để các bạn có cơ hội nhìn rõ cuộc đời, để các bạn có cơ hội sách tấn tự thân, tiến mạnh trên con đường các bạn muốn thành tựu.

Các bạn thân mến. Bảo Thành cám ơn các bạn đã lắng nghe. Cầu chúc các bạn luôn bình an và hạnh phúc.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts