Search

Quán Chiếu Sanh Diệt

Tâm Sĩ đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào Qúy Bạn. Nguyện chúc các bạn tâm an, thân luôn tự tại, vạn sự kiết tường, gia đình hạnh phúc.

Các Bạn thân mến,

Bảo Thành cám ơn các bạn đã đăng nhập vào kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn, để tiếp xúc với Bảo Thành qua những lời gợi ý như vậy. Hoặc đồng tu với Bảo Thành trên Youtube vào mỗi một ngày. Chúng ta tạm mượn phương tiện Youtube này để tiếp cận với nhau. Các bạn có thể là những người đã gặp Bảo Thành, biết Bảo Thành, cũng có thể là những người chưa bao giờ gặp, nhưng đã quen biết nhau trên mạng, đó cũng là một nhân duyên tốt.

Các Bạn thân mến!

Có một câu chuyện hồi xưa thời Đức Phật kể lại như vậy: Có một cô kia đã có gia đình rồi. Cô ta sanh được một đứa con khôi ngô, đẹp, rất kháu khỉnh. Từ khi sanh đứa con này ra, gia đình hai bên nội, ngoại đều an vui và hạnh phúc. Bao nhiêu hy vọng trong cuộc sống, cô ta đều đặt hết trên đứa bé này. Đứa bé đã trở thành nguồn sống và mục đích sống duy nhất của người Mẹ, của cô ta. Nhưng cuộc đời không phải chỉ đẹp như một giấc mơ, cuộc sống không trải thảm để chúng ta đi lên. Đứa bé bắt đầu lâm bệnh và kéo dài mà chết đi. Bao nhiêu những ước mong, những mục đích cao cả, những kỳ vọng nơi đứa bé, hay nói đúng hơn, cuộc sống của người phụ nữ này, hầu như bị chấm dứt khi đứa bé chết rồi, người phụ nữ đau khổ vô cùng.

Đúng như vậy các bạn, người Mẹ rất thương con, ở trên đời này không có một người Mẹ nào mà không đau đớn khi con mình phải ra đi. Chính trong sự đau đớn tột cùng đó, bao nhiêu hy vọng, kỳ vọng của người Mẹ đặt để nơi đứa con tiêu tan không còn. Người Mẹ đã ôm người con chạy ngược xuôi tìm đến những bác sĩ, những người có tài, có đức, để giúp mang lại sự sống cho đứa con, cứu đứa con sống trở lại. Cô ta đã đi riết rồi mà không một ai cứu được, rồi cô ta có nghe nói Đức Phật là người đã giác ngộ, là đấng toàn năng, Ngài có lòng từ bi vô biên, tới với Ngài ngài có thể cứu con mình sống lại, nên cô ta ôm đứa con đã chết tới gặp Thế Tôn, nguyện xin Thế Tôn nhủ lòng thương yêu từ bi mà cứu sống đứa con trở lại.

Cô ta bắt đầu kể thật dài về sự yêu thương, về giá trị nguồn sống của đứa con. Phật ngồi lắng nghe một lúc, để cho cô ta nói hết cõi lòng của mình cho nhẹ xuống. Phật bảo rằng: “À, được rồi bây giờ ngươi hãy đi xin một hạt cải, ở trong một gia đình người nào đó, mà chưa có ai chết, ngươi xin được hạt cải đó mang về đây, ta sẽ cứu đứa con của ngươi sống lại”. Một tia hy vọng được thắp sáng, cô ta bừng tỉnh, đặt đứa con trước mặt Thế Tôn, chạy ngược xuôi trong thôn xóm để xin hạt cải từ những gia đình không có người chết. Nhưng than ôi, cô ta đi khắp cả làng cả xóm, từ thành này qua thành kia, đi miệt mài hết, mà nhà nào cô tới xin hạt cải, nhà đó đều nói với cô, nhà của tôi cũng đã có người chết. Cô ta ngẫm nghĩ, ồ nhà nào cũng có người chết, có người thì con chết, mẹ cha, ông bà, thân bằng quyến thuộc, họ hàng người quen, nhà nào cũng có người đã chết. Cô ta chạy về bẫm Phật: “Thưa Phật, con không thể tìm ra hạt cải ở một gia đình nào chưa có người chết.” Thế là cô ta lại khóc.

Đức Phật mới nói với cô ta: “Sinh lão bệnh tử là luật tái sanh của con người, khổ dữ lắm. Có sinh thì có tử, không ai trốn được hết, không ai chạy trốn được nó. Chính vì vậy mà Đức Thế Tôn phải đi tu, để giúp cho con người thoát khỏi luân hồi, thoát khỏi sinh tử, cho nên sinh tử là lẽ đương nhiên của kiếp người, muốn thoát khỏi sinh tử cần phải huân tu, dưới sự giác ngộ sinh tử sẽ không còn.”

Các Bạn thân mến!

Bảo Thành không gợi ý để các bạn tu, thoát khỏi sinh tử của cuộc đời. Bảo Thành không mang câu chuyện này của Phật nói, để mà đánh thức, Bảo Thành và các bạn hãy tu để thoát sanh tử, và dĩ nhiên đó là cứu cánh tột cùng cao qúi của Bảo Thành và các bạn đang hướng tới. Tuy nhiên mượn câu chuyện này, giãm nhẹ một chút ý nghĩa, để nói tới cuộc sống này, có bao nhiêu sự việc đã xảy ra mà chúng ta bị thất bại, cũng như đứa nhỏ đã chết, người mẹ đặt biết bao nhiêu kỳ vọng nơi người con, nuôi dưỡng ước mơ của mình nơi người con, để khi người con chết đi cảm thấy tuyệt vọng.

Các Bạn và Bảo Thành đã biết bao nhiêu lần kỳ vọng vào một ước mơ, vào một sự việc, để rồi khi ước mơ không thành, sự việc bị thất bại, chúng ta bị đổ sụp. Có thể chúng ta đặt ước mơ trong việc làm ăn để có tiền sinh sống, thành bại trong cuộc đời về tiền bạc. Cũng có thể chúng ta đặt kỳ vọng để thành tựu trong tình cảm, hoặc xây dựng danh vọng, địa vị, để có ngôi nhà cao, có cuộc sống bình an phú qúi.

Ở đời có những người vì tiền mà thất bại, mà khi thất bại vì tiền, họ đắm chìm trong những thất bại đó, rồi cuối cùng kết liễu cuộc đời, hoặc đưa tới sụp đổ tinh thần, không thể vươn lên được nữa. Cũng như có những con người thất bại trong tình yêu, họ đã tự huỷ hoại thân xác của họ, và nếu không huỷ hoại đến chết thì cuộc đời họ hoàn toàn sụp đổ, không tìm lại được niềm tin yêu trong cuộc đời. Cũng có những người khi thất bại về danh vọng, họ sụp đổ trở thành điên rồ, khùng, khủng hoảng, sống trong trầm cảm, nguy hại đến tính mạng và làm đau khổ cho người khác.

Nói chung về phương diện thất bại trong cuộc đời, có những thất bại lớn chồng chất, bởi vì những kỳ vọng mà chúng ta nuôi dưỡng trong hành xử đó, để rồi khi bị sụp đổ, chúng ta cảm thấy tuyệt vọng, để không còn trí tuệ mà phân biệt, như người mẹ con đã chết, không thể sống. Khi chúng ta sụp đổ đi đến mức trầm cảm như vậy, thì chúng ta không nhận thức được, mà tưởng như nó vẫn còn, chưa bị sụp đổ, thành ra sống trong ảo tưởng hôn trầm, sống trong ảo tưởng của trầm cảm, điên khùng, không làm chủ được cuộc sống.

Nhận thức trong cuộc đời này, vạn vật nhà Phật gọi là vạn pháp, sanh diệt trong từng sát na. Tuỳ theo nhân duyên mà pháp đó, hiện tượng đó, sự thành công đó có phước báu để tồn lâu dài hay không. Dù lâu hay mau, nó cũng phải tới điểm huỷ diệt, để trở thành một nhân duyên mới, để có một hiện tượng mới xảy ra. Cũng như đứa nhỏ, đứa nhỏ đã mất, thì nó bắt buộc phải mất, bởi vì phước báu của thọ mạng chỉ tới đó. Khi thọ mạng đã chấm dứt, người mẹ hiểu, thì sẽ nhẹ nhàng để cho người con đi tái sanh, còn không hiểu thì sẽ ôm ấp chấp thủ, không những làm cho người con khó tái sanh mà người mẹ còn đau khổ. Phước thay, lành thay là Đức Phật còn trong thời đó, đã khai thị cho chị ta, chị ta giác ngộ và thoát khỏi.

Trong cuộc đời của chúng ta, có lẽ khi người thân chết, chúng ta cũng nhẹ nhàng, bởi đó là một thói quen cuộc đời, sẵn sàng đưa người thân về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng khi trở về, chúng ta vẫn sống trong đau khổ, nuối tiếc người thân đó. Nếu hiểu được nhân duyên: sinh, lão, bệnh, tử là cõi luân hồi chúng sanh trầm luân vô lượng kiếp, ta nhẹ nhàng khi người thân ra đi, chú trọng phần tâm hồn tịch tĩnh an nhiên, trong cách tu của nhà Phật.

Hồi hướng là điều tốt, đó là nói về khía cạnh của tâm linh, còn nói về góc độ của cuộc đời, những thành bại trong cuộc đời về tiền, về tình, về danh vọng, địa vị trong xã hội. Tất cả những điều đó đều tồn tại ngắn hay dài, tới và đi, thành hay bại, là do phước báu của mỗi người chúng ta. Để biết rõ nhân duyên đó, để chúng ta tăng trưởng phước báu, để những thành tựu đó được bên vững trong cuộc đời, để mỗi người chúng ta xử dụng nó như một phương tiện lớn, mang lại niềm vui giúp người nơi ta, và mang lại niềm vui khi san sẻ với người khác làm sao thành tựu được, đó là phải tăng trưởng phước báu trong hạnh bố thí, trong hạnh san sẻ quan tâm. Nhưng ở đây nói đến góc độ, làm sao chúng ta làm chủ được tâm tịch tĩnh, khi đương đầu với thất bại của cuộc đời, để không trầm mê trong đau khổ nuối tiếc, để đày chúng ta trong vùng năng lượng tiêu cực trầm cảm, huỷ hoại cuộc đời của mình, thì Đức Phật dạy cho ta có hơi thở chánh niệm. Chúng ta phải hít thở trong hơi thở chánh niệm và quán chiếu sự sanh diệt, hiểu được sự sanh diệt từng sát na. Vạn pháp đều sanh diệt, thân này cũng sanh diệt, tình cảm cũng sanh diệt, tiền tài, danh vọng cũng sanh diệt, nhà cửa sanh diệt, sự ăn uống ngủ nghỉ cũng sanh diệt, tất cả các pháp hiện hữu trong cuộc đời tới rồi đi, có rồi mất, sanh rồi diệt.

Quán chiếu sự sanh diệt như vậy trong hơi thở chánh niệm giúp cho các bạn có một công lực dũng mãnh, đương đầu với vạn pháp sanh diệt của cuộc đời để tịch tĩnh an vui. Phương thức là các bạn phải thực tập hít vào, thở ngắn dài không quan trọng, quan trọng ở chỗ khi bạn hít vào ngắn, thở ra ngắn, hít vào dài, thở ra dài, các bạn phải biết. Khi các bạn hít vào các bạn biết hít vào, khi thở ra biết thở ra và các bạn nói nhẹ sanh diệt, để tâm quán chiếu sự sanh diệt, để hiểu rằng sanh diệt từng sát na, vạn pháp sanh diệt từng sát na. An trú trong hơi thở chánh niệm, quán chiếu sự sanh diệt đó, sanh diệt về tài, về danh, sanh diệt về tình cảm, về những thứ nhà cửa, ăn uống, ngũ dục.

Tất cả ngũ dục chỉ là phương tiện do phước báu có. Ta tăng trưởng phước báu trong an trú nơi hơi thở chánh niệm, quán chiếu sự sanh diệt, ta sống bình an, bình tĩnh, tự tại, ta sống an nhiên, khoẻ mạnh. Ta sống vui, không còn điên cuồng như người mẹ, chạy ngược xuôi tìm phương cách chữa cho người con sống lại khi đã chết. Ta không thể làm cho một việc thất bại trở lại, nhưng ta có thể tái tạo một việc mới, thành công hơn, bởi chúng ta biết đứng lên từ sự thất bại.

Cầu chúc cho tất cả các bạn, nếu có ai đó đã thất bại, xin để nó trôi vào dĩ vãng, quán chiếu sanh diệt. Nó đã khởi lên do ta, và nó cũng diệt bởi phước báu nên duyên của ta. Ta không nuối tiếc, đắm mình trong biển luỵ đó, để đau khổ trầm cảm, mà ta vịn ngay chỗ đó đứng dậy, như lời Đức Phật dạy, quán chiếu nhân duyên mới trong vòng sanh diệt, ta khởi lên tâm thiện, an trú trong chánh niệm, nuôi dưỡng phước báu, để bắt đầu thành tựu một sự việc mới, trong chánh kiến trong tâm an lạc.

Cám ơn các bạn đã nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts