Search

Lời nói chẳng động tâm ta

Dù lời nói ngọt hay là đắng cay

Muốn nói bớt bảy còn ba

Bớt hai còn một, mới là an vui.

Các bạn, khi Đức Phật còn ở trên trần gian này ngài giáo hóa chúng sanh liên tục. Ngài là một nhà sư phạm tâm linh, ngài rất giỏi nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay. Thuở xưa người ta còn bỡ ngỡ với chư Phật bởi ngài nói những cái lời mà cả cái truyền thống Phật giáo thời đó chưa thịnh hành mà chỉ có hệ thống về Bà La Môn hoặc các tôn giáo bản địa, địa phương, những cách thờ cúng khác biệt thời đó. Họ thuần phục từ nhiều đời những văn tự, triết lý sống và những sự hiểu biết, nhận thức về tâm linh nơi tôn giáo họ đang  nương the. Nhưng khi Đức Phật giác ngộ, lời của ngài đã động vào tâm thức ngủ yên theo kiến thức văn hóa và truyền thống tôn giáo người ta đã chấp nhận lâu rồi, nhiều đời rồi, nhiều kiếp nữa. Cho nên lời của Phật lúc đầu thật khó nghe đối với họ, chỉ có ai có thượng duyên, căn cơ lớn nghe một lần mới bừng tỉnh và đi theo tu luyện theo Phật. Còn hầu hết sau này thấy chúng sanh căn cơ khác biệt và thật khó đánh thức. Ngài tư duy thật là nhiều với trí tuệ giác ngộ đó ngài đã tận tụy cả cuộc đời cho tới hơi thở cuối cùng ngài vẫn là bậc thầy mô phạm, mẫu mực, truyền dạy cho chúng sanh những bài học trong hơi thở cuối của cuộc đời. Nhìn lại cuộc đời của Đức Phật trong lịch sử ngài thật sự là một nhà sư phạm tài giỏi bởi lời dạy của ngài không chỉ dựa trên cái hệ thống kiến thức nhiều đời của truyền thống tôn giáo vốn có được đặt để thời đó. Mà các bạn nhớ rằng, chúng ta thời này cũng vậy, có nhân duyên sinh ra trong một tôn giáo nào, có nhân duyên sinh ra và học một pháp môn nào thì hệ thống kiến thức đó được đặt để theo một cái quy trình hợp với chúng ta và cứ lưu truyền mãi để rồi chúng ta đón nhận rập khuôn như thế để hình thành sự suy nghĩ và cái con đường giáo lý của chúng ta đi y như vậy. Thuở xưa, thuở nay không khác đâu các bạn, lúc Phật mới ra đời nhiều người khó chịu với Phật bởi nói những ngôn từ khó hiểu. Tại sao khó hiểu và không được chấp nhận ngay lúc đầu? Là bởi vì chưa bao giờ nghe nói như vậy, chưa bao giờ nghe truyền dạy như vậy. Thế nhưng Đức Phật không bao giờ bỏ cuộc, ngài hạnh phúc khi thấy chúng sanh có cái tánh Phật hiện hữu cho nên rất kiên nhẫn và rất từ từ, khiêm tốn, đúng là bậc giác ngộ. Đi cùng đường, tất cả mọi lối, mọi nơi, thành thị, kinh thành, thôn xóm, làng mạc ở quê ngài tới với những ai có nhân duyên với ngài để ngài gửi gắm cái lời khai thị khơi dậy nguồn sống thực sự mang lại hạnh phúc cho muôn người. Và trở lại vấn đề đó ngày hôm nay chúng ta sống trong một cái thế giới mà vườn hoa Phật pháp muôn màu, muôn sắc chúng ta có cơ hội nhìn thấu hơn. Từ thời Đức Phật truyền đến ngày hôm nay như dòng nước của pháp nhiệm mầu giải thoát trải qua biết bao nhiêu kênh rạch của những quốc gia, những quốc độ, thấm nhuộm những cái phong tục tập quán, tôn giáo, niềm tin, tín ngưỡng bản địa. Và từng dân tộc rồi lại dùng những cái ngôn ngữ khác biệt do cái sự thấm nhuần tư tưởng đó ngày nay truyền lại trăm kênh, trăm rạch, nhiều những cái mạng mạch của nhà Phật chi li, chi tiết được truyền dạy và cuối cùng các bạn nên nhớ cũng chảy về bờ giác ngộ mà thôi.

Tuy nhiên chúng ta nhớ, chính vì cái thời đại mà ta có phước báu ngày hôm nay dù không sinh ra trong cái thời Đức Phật còn. Nhưng chúng ta vẫn sinh ra trong thời pháp Phật hiện hữu đa dạng và được phổ truyền rộng lớn khắp mọi nơi, được truyền dạy khắp mọi nơi, được hướng dẫn và thật là dễ cho chúng ta. Dù ở tại nhà, văn phòng, ngay ở nhà trọ hay lầu cao, ngõ hẽm hay đường phố, trên xe hay đi bộ chúng ta đều có cơ hội nhìn, nghe, đọc và thực hành lời Phật. Chứ thời xưa khi Đức Phật còn ngài đi bộ, các bạn biết không người có phước duyên lắm mới được gặp, nghe được lời Phật. Mà kinh sách thời đó chỉ truyền miệng mà thôi chứ chưa ghi chép bằng văn tự, in ấn rộng rãi như ngày nay, chưa có mạng cho nên đọc kinh thật là khó. Bởi vậy chỉ có người đại phước mới có thể tiếp cận được trí tuệ của Phật qua kinh điển trì tụng thời Đức Phật và truyền dạy cho những bậc tổ, học trò sau này. Còn thời của chúng ta sanh sau đẻ muộn nhưng phước báu thật nhiều. Không gặp được Phật thực tế là một vị Phật lịch sử nhưng gặp được pháp của Phật được lưu truyền trong lịch sử, phổ truyền thật là rộng. Cộng thêm với cái tâm phát nguyện của các bậc hòa thượng, thượng tọa, tôn túc, những bậc giáo thọ sư, kinh sư từ các tông phái, từ các nền tôn giáo của Phật giáo khác biệt nơi mọi quốc gia nơi Á Đông chúng ta lại lan truyền đến phương tây, nước Mỹ hòa nhập vào với cách sống, tôn giáo bản địa làm nên những màu sắc khác biệt. Chính cái sự khác biệt đó có phước duyên để mọi người cùng học. Nhưng cũng tạo ra một cái môi trường bởi an trú trong cái gọi là quen thuộc đó, hấp dẫn bởi cái sự quen thuần đó ta bắt đầu khó có thể đồng hành cùng với cái tâm và sự nhận biết về Phật giáo, con đường giác ngộ, giáo lý của Phật khi nghe và nhìn thấy sự khác biệt. Và chính vì nghe và thấy sự khác biệt đó thường làm cho chúng ta khởi lên những cái lời không thuộc ái ngữ, những ngôn ngữ phân biệt tạo nên sự dị ứng chung. Đó không hẳn trong trong tôn giáo bởi lời Phật nó còn thấm nhuần đi vào từng ngõ ngách đời sống rất “người”. Ở cái chỗ tâm phân biệt đó lời Đức Phật đã không còn được nhẹ nhàng bởi có sự tranh luận. Lời của cuộc sống khi giao thoa đã không còn nhẹ nhàng bởi cứ vịn, cứ bám vào ý nghĩa của văn tự, thói quen, suy nghĩ, kiến thức, văn hóa và sự cảm nhận đồng thời song hành với những cảm xúc vui buồn sướng khổ của từng người. Cho nên chúng ta thiếu đi sự cẩn thận, nói năng cho phù hợp và lời ái ngữ dường như thiếu dần trong cuộc sống, lời nói dễ thương hình như hiếm lắm mới có thể gặp được. Mà rồi nói những lời không còn bao dung, thô ác, hằn học, miệt thị, đâm thọc, chì chiết, chê bai, hơn thua, gièm pha, thô lỗ, thô bỉ, tất cả nếu liệt kê nhiều lắm. Ái ngữ hiếm hoi rồi, trở thành gọi là hàng quý mà cái từ ngày nay người ta gọi là ái ngữ và lời nói dễ thương trở thành hàng “độc” rồi. Hiếm có, hàng hiếm là hàng độc, hàng độc là hàng hiếm có cho nên ái ngữ như một cái sản phẩm hiếm hoi, khó tìm trong cuộc sống xô bồ ngày nay.

Chính vì ái ngữ và những ngôn từ dễ thương không còn được áp dụng trong cuộc sống của đời thường nơi gia đình, nơi xã hội. Nó trở thành hình như hiếm quá, hàng độc quá cho nên chính cái hàng độc, hiếm hoi đó mà ta đã bị thấm nhuần vào những cái ngôn ngữ độc hại trong đời sống. Các bạn cứ thử đi, Á Đông ta, người Việt ta những nơi hội họp, những nơi tập trung, ngôn ngữ đầu môi của con người ngày nay thiếu đi sự tế nhị, hiếm hoi lời dễ thương, ái ngữ tiệt diệt khó tìm thấy. Mà tràn đầy những ngôn ngữ thô tục, đầy những năng lượng xấu, bất thiện, tranh đua, ganh ghét, hờn giận rồi phủ nhận nhau, chê bai nhau, chà đạp nhau. Những ngôn ngữ chợ búa đó chất chồng đầy mọi ngõ ngách, đi mà không khéo chúng ta dễ vướng vào. Bởi là người, trải qua một vòng của cuộc đời ngôn ngữ bất ổn đó, ngôn ngữ độc hại đó nó dễ bám vào. Và thật vậy, nhiều lần trong cuộc sống của Bảo Thành và các bạn chúng ta đã làm thiếu vắng ở trong tâm những lời nói dễ thương, những lời ái ngữ chạy mất rồi, nó chạy trốn chúng ta. Và rồi thay thế bằng lời dễ thương, ái ngữ đó là những ngôn từ ngổn ngang gai góc, mảnh sành, giáo mác, gươm dao, súng đạn nổ đùng đùng. Ai nghe sơ qua cũng rợn mình té chết ngay. Tại sao một cái xã hội văn minh, tại sao một xã hội hiện tại ta có cơ hội tiếp xúc với lời của Phật và tại sao những người Phật tử tại gia hay cũng như Bảo Thành đây, ta là Phật tử và ta tụng kinh, ta nghe giảng rồi ta tu pháp thiền này, pháp thiền kia, ta tu trong Tịnh Độ, ta tu trong Mật Tông, ta tu đủ mọi dạng, mọi pháp môn. Nói tới pháp môn của Phật thì hằng sa, ai trong chúng ta cũng có cơ may để học. Nhưng một cái pháp đơn giản nói lời ái ngữ để sống chan hòa yêu thương trong cuộc đời nó thật dễ dàng và nó gắn kết với đời sống của con người và rất thực dụng để kiến tạo một nền hòa bình trong gia đình, một nền hạnh phúc và bình an cho gia đình và xã hội chúng ta lại để nó quá hiếm, tìm hoài hàng độc không ra. Để cho ngôn ngữ chợ búa, ngôn ngữ xấu xa đầy ắp trên môi miệng, làm cho môi của ta thay vì nở hoa thì nó lại tím lịm như xác chết giữa cuộc đời, nhảy múa lung tung, tạo phiền não và gây ô nhiễm cho những người sống gần gũi với chúng ta.

Nói lời ái ngữ là một pháp vi diệu, đây là cái nền minh triết thật dễ áp dụng. Chỉ cần chúng ta tư duy cái mục đích nói ái ngữ để làm gì, cái mục đích nói  lời dễ thương để làm gì. Phật dạy tất cả những lời nói thô ác, đâm thọc, hơn thua, gièm pha, chê bai, tranh chấp, ngược ngạo, có không, không có, nói thêm, nói bớt, nói chia rẽ, nói mà đè bẹp người ta xuống, nói để hại và rồi nói để chiếm đoạt tiền tài, danh vọng địa vị, nói để cho hơn người, nói để thể hiện sự tự cao tự mãn của mình. Những lời nói như vậy độc hại vô cùng mà cái chất độc của những thể loại ngôn ngữ đó chết rồi nó chưa tan, nó thấm vào xương, nó làm tan thây nát thịt. Rồi nó thấm vào trong cái năng lượng tái sanh của chúng ta, trong cái tôi, cái ta, cái thần thức, cái linh hồn, cái gì gì đó còn tái sanh nó thấm vào đó, nó tạo thành cái phẩm chất, nhân cách, gen di truyền độc hại để hết kiếp này tới kiếp kia ta sinh ra, ta hiếm hoi ứng dụng ái ngữ, lời dễ thương vào cuộc đời. Ta không nhìn người các bạn, ta nhìn lại chính mình, Bảo Thành nhìn lại bản thân của mình và mong rằng các bạn cũng nhìn lại bản thân của các bạn. Chúng ta thấy ta thực sự đã để thiếu lời dễ thương trong sinh hoạt hằng ngày. Ta thực sự đã loại trừ ái ngữ ra trong sinh hoạt ngôn ngữ giao tế hàng ngày. Các bạn, chúng ta không nên làm như vậy, chúng ta là Phật tử tại gia hay chúng ta chỉ là con người bình thường thôi. Nhưng nhớ rằng chân lý của Phật không phải là chân lý của một tôn giáo để các bạn thực hành các bạn sẽ lệ thuộc hoặc bị gia nhập vào tôn giáo một cách ép buộc. Phật không sáng tác ra một tôn giáo, Phật không ép người ta theo một tôn giáo mới. Phật là bậc thầy, ngài dạy cho chúng ta chân lý sống để có hạnh phúc, an vui. Từ đó sự khác biệt về tông phái, sự khác biệt về tôn giáo, khác biệt về dân tộc, con người, quốc độ không có quan trọng. Cái quan trọng là chúng ta ứng dụng được nói lời ái ngữ, dễ thương sẽ kích hoạt được cái cội nguồn hạnh phúc, bác ái, từ bi, an lạc, bình an trong mỗi một chúng sanh. Đây là một phương tiện vi diệu để kích hoạt khởi nguồn cho những năng lượng thanh tịnh, năng lượng chứa đựng hạnh phúc và bình an cho muôn người. Đây là chìa khóa để bước vào một đời sống ngay trong kiếp người này ai ai cũng mong cầu là có được hạnh phúc và bình an. Ta tránh dùng chữ tôn giáo hay Phật giáo mà lời Phật là chân lý, là chìa khóa để đời sống bận rộn của Phật tử hoặc tất cả các bạn không thuộc tôn giáo là Phật giáo vẫn có thể ứng dụng vào những lời hay ý đẹp, chân lý Phật dạy để mang lại hạnh phúc cho chúng ta.

Các bạn, nói lời ái ngữ chúng ta cần phải tu tập, không có thói quen nên khi nói lời ái ngữ, dễ thương nó ngượng cái miệng. Nhiều người, nhất là ở trong các bạn thường nói ui cha bây giờ gọi anh ơi, chị ơi nó ngượng miệng quá, tôi quen gọi mày tao rồi. Bây giờ nói chuyện mà không có pha vào những cái ngôn ngữ thô tục nên nó ngượng miệng, khó nói quá. Cho nên nhịp điệu của những ngôn ngữ chửi, thô tục hình như nó trở thành những cái tiết tấu hòa âm, gai góc, đi vào lòng người ta không biết, để lại những ấn tượng thật xấu cho những thế hệ trẻ nhất là con em chúng ta. Do đó, một đời sống theo Đức Phật không hẳn là chỉ hạnh phúc cho chúng ta mà còn lưu truyền cho hậu thế là đời con cháu có được những cái ý tưởng ứng dụng chìa khóa sống hạnh phúc bằng thực hiện nói lời ái ngữ dễ thương. Mạch sống này nên được lưu truyền trong đời sống của gia đình, trong đời sống của mỗi cá nhân. Mọi sự hiềm khích, mọi sự đè bẹp, hơn thua, tranh chấp, hận thù, ghen ghét tới từ chỗ mỗi người chúng ta không nói lời ái ngữ, không khéo nói lời dễ thương. Mà cứ phan ra ầm ầm như cái máy in, như cái loa phát thanh chẳng có chuẩn mực, ngôn từ không sắp đặt trong cái mục đích mang lại hạnh phúc cho nhau. Mà cứ đổ bừa ra đường như những cái đống gạch vụn phá nát từ những cái nhà cũ lẫn lộn, trải ra trên đường xe đi còn bể bánh huống chi là tâm thức con người sao không bị thủng, rỉ máu và đau đớn. Các bạn:

Lời nói chẳng động tâm ta

Đây là một triết lý cao thâm. Người ta nói một cái điều mà sơ sơ thôi là tâm ta khó chịu rồi huống chi là nói rằng lời nói chẳng động tâm ta, khó đúng không các bạn. Ông bà thường nói gai mắt, chướng lỗ tai là bàn phải gãy, núi còn phải sập. Cơm không ngọt, canh không ngon, nhà không mát cũng chính là bởi vì những cái lời nói chướng tai gai mắt. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta chưa có thể tu luyện:     

Lời nói chẳng động tâm ta

Dù lời nói ngọt hay là đắng cay

Ôi cha, nói mà nói cay thôi là chát chúa gãy cái răng liền, bầm cái mặt ngay, nói mà ngọt ngào thì như bay bổng trên trời như con chim để rồi gãy cánh rớt cái bụp đau đớn vô cùng.

Lời nói chẳng động tâm ta

Dù lời nói ngọt hay là đắng cay

Để thực hiện được điều này các bạn và Bảo Thành phả tu, tu trong Chánh Niệm đời sống, hít vào thở ra giữ cho sự tịch tĩnh an nhiên tức là luôn bình tĩnh trước mọi lời nói. Dành riêng cho mình trong Chánh Niệm hơi thở để có cơ hội tư duy, suy nghĩ, suy niệm để hiểu rõ. Chứ đừng vội vội vàng vàng để lời của họ nói động vào tâm rồi mặt đổ máu, gãy răng, què chân, gãy tay, tội nghiệp, tội nghiệp. Các bạn nhớ, nói lời ái ngữ là một pháp vi diệu cần phải giữ sự thực hành để cho đỡ ngượng miệng.   

Lời nói chẳng động tâm ta

Dù lời nói ngọt hay là đắng cay

Cho nên các bạn phải chú ý đến cái điều này, thực tập trong hơi thở Chánh niệm và sống tịch tĩnh, an trú trong năng lượng từ bi để lấy yêu thương, từ bi làm cái động cơ sống trong cuộc sống để tạo ra những hành vi tốt đẹp. Trước khi các bạn muốn nói phải nhớ rằng:

Lời nói chẳng động tâm ta

Dù lời nói ngọt hay là đắng cay

Muốn nói bớt bảy còn ba

Bớt hai còn một, mới là an vui.

Nói văn chương vậy thôi chứ còn nói gọn thì bớt nói đi, Bảo Thành và các bạn bớt nói. Tức là ra đường ta tập lắng nghe như Mẹ Quan Thế Âm để cho chúng sanh, bạn bè, những người thân yêu có cơ hội thổ lộ và nhẹ cái cõi lòng của họ. Học lắng nghe và lời nói của chúng ta phải luôn luôn là ái ngữ, lời yêu thương, tránh xa những cái lời gai góc, hóc búa, chia rẽ, gièm pha, miệt thị chê bai, phân biệt, chia rẽ, hơn thua, tranh chấp, nói a dua, nói thêm nói bớt, nói đâm thọc, đâm bị thóc thọc bị gạo, nói cho có nói, nói luông tuồng, nói không có mục đích, nói như con vẹt, ta là người Phật tử không nên. Do đó buổi chia sẻ pháp thoại hôm nay chủ đề nói lời ái ngữ cần phải trải qua cái ý thức hiểu được mục đích ái ngữ mang lại hạnh phúc và bình an cho mỗi người từ trong gia đình, xã hội tới mọi tầng lớp sinh hoạt trong cuộc đời không phân biệt chủng tộc, tôn giáo. Do đó, chúng ta nhận thức được điều như vậy ứng dụng vào chúng ta thật sự đã mang lại hạnh phúc cho ta và cho người. Ái ngữ là viên ngọc quý, kim cương sáng ngời trên đỉnh trời để từ trong vùng tối của tội lỗi, của lầm chấp, của đau khổ, của phiền não ta có thể nhìn lên viên ngọc minh châu ái ngữ thấy đường đi ra. Do đó mà các bạn nhớ rằng:   

Lời nói chẳng động tâm ta

Phải tu nha các bạn để không động tâm còn chướng tai gai mắt là bể bàn, bể ghế, bể chén, bể ly.        

Dù lời nói ngọt hay là đắng cay

Muốn nói bớt bảy còn ba

Bớt hai còn một, mới là an vui.

Nếu các bạn sống trong một gia đình vợ chồng hay khắc khẩu đó là đổ thừa nha các bạn, chứ không có đâu. Vợ hoặc là chồng bớt bảy còn ba, bớt hai còn một, nói thật nhẹ nhàng, ái ngữ dễ thương nhà đó là Thiên Đàng, là Niết Bàn, là cảnh giới Phật đà, là Di Lặc hiện tiền an vui vô cùng. Do vậy mà chúng ta nếu trong gia đình của mình nếu có những điều mà khó chịu nhớ hãy học cách thở Chánh Niệm, tịch tĩnh nhẹ nhàng, lắng nghe ông chồng ổng nói cả ngày cũng được coi như đệm vào vài lời ái ngữ, như ổng một bài nhạc hát cho nghe. Ngược lại vợ mà nghe được chồng thì núi cũng có thể dời, biển cũng có thể lấp, thuận vợ thuận chồng lấp biển đông cũng cạn. Thuận ở đây là thuận cái lời chia sẻ với nhau, dùng ái ngữ sẽ thuận, thuận hằng tất cả mọi người. Các bạn, chúng ta hãy cố gắng cùng với Bảo Thành mỗi người ngày hôm nay bắt đầu thiết lập cho mình một đời sống có sự hiện diện của ái ngữ, một đời sống có sự hiện diện của những lời dễ thương để hình thành cái nhân cách sống tịch tĩnh trong Chánh Niệm hơi thở để:

Lời nói chẳng động tâm ta

Dù lời nói ngọt hay là đắng cay

Muốn nói bớt bảy còn ba

Bớt hai còn một, mới là an vui.

Chúc các bạn và chúc cho bản thân của Bảo Thành luôn an vui bởi bớt hai còn một, bớt bảy còn ba để chúng ta nghe cái lời chướng tai gai mắt không động cái tâm, bởi vì sao? Bởi ta thấu hiểu cái lời và hành động động tâm gai nó sẽ mọc, mảnh sành nó sẽ văng ra, thuốc độc nó sẽ ô nhiễm môi trường, bom nó sẽ nổ, giết chết người xung quanh. Cho nên không thể động tâm, các bạn cố gắng thực hành hơi thở Chánh niệm hít vào biết hít vào, thở ra biết thở ra, an trú trong Chánh Niệm và đón nhận lòng yêu thương của Phật. Để chúng ta nương vào hùng lực từ bi của Phật mà vượt qua mọi chướng ngại trong cuộc sống. Thực hiện nói lời ái ngữ để không bị ngượng cái quai hàm nha các bạn. Lời nói dễ thương nó ngượng, nó líu lưỡi nhưng lời nói thô tục, chia rẽ, thô ác, đâm thọc dễ lắm. Ta phải thay đổi phong cách sống đó đi, không ngượng miệng nữa mà để trị được cái thứ ngượng miệng nói ái ngữ đó ta cố gắng luyện tập hít thở nhẹ nhàng, nương vào lòng từ bi. Chỉ có vậy, một thời gian các bạn thấy lòng mình nhẹ và những cái lời ái ngữ dễ thương nó như khúc nhạc êm đềm được đệm và ca sướng lên làm cho muôn người được êm ái và không đau, không khổ nhất là gia đình của chúng ta.

Cám ơn các bạn đã nghe. Chúng ta hồi hướng công đức!

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Con nguyện hồi hướng công đức ngày hôm nay tới tất cả mọi chúng sanh để chúng sanh đồng thành Phật đạo trong tương lai.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts