Search

CHUYỂN HÓA SỰ BẾ TẮC

Vô thường mọi lẽ sanh rồi diệt

Bế tắc cùng đường cũng lắm khi

Giữ tâm thanh tịnh hành pháp thiện

Trí tuệ thông tường mở lối đi

Bảo Thành kính chào đại chúng! Kính chào các bạn! Chúng ta hôm nay gặp nhau và chia sẻ về phương pháp làm sao chuyển hóa sự bế tắc. Ai trong chúng ta cũng thường gặp bế tắc mỗi ngày, bế tắc nhỏ, bế tắc lớn. Bế tắc trong công ăn việc làm, bế tắc trong sự suy nghĩ để giải quyết những vấn nạn của cuộc đời, bế tắc trong mối giao hảo của gia đình như bế tắc trong cái tình nghĩa của vợ chồng đi đến sự bế tắc tan rã. Hoặc bế tắc trong cái sự đối xử với cha mẹ, với mọi người, với xã hội, bế tắc trong tình bạn. Hoặc có chuyện gì đó xảy ra giữa hai con người rồi đưa đến sự bế tắc ta không giải quyết được sau đó tình bạn có thể bị ly tán, tình nghĩa gia đình không còn tồn tại như thuở xưa. Ai cũng sẽ gặp phải những sự bế tắc như vậy mà thôi, không ai trốn tránh được đâu. Vậy thì làm sao chúng ta chuyển hóa sự bế tắc? Đầu tiên mỗi người phải nhận định rằng ai cũng có bế tắc và sự bế tắc đó sẽ theo chúng ta mãi suốt cuộc đời, bởi vì sao? Bởi nó không phải mới tới trong ngày hôm nay, sự bế tắc đó nếu quán chiếu theo Nhân Quả nhiều đời thì nó là những sự bế tắc được di truyền do cộng nghiệp và do cái biệt nghiệp của riêng ta nhiều đời lưu truyền tới ngày nay, ta kế thừa nó. Cũng như người đã mù, lại đi trong đêm tối thì dù có càng đi thì càng quờ quạng, cũng chẳng thấy đường và chúng ta, sự bế tắc tới nếu nói về phương diện của nghiệp do ác nghiệp tạo cho nên sống trong vô minh, do lầm chấp chẳng thấy nên cứ quờ quạng trong bế tắc. Nói về phương diện hiện tại sự bế tắc là chúng ta không đủ bình tĩnh để ngồi lại ngay trong giây phút đó để nhìn sự việc xảy ra. Ta không có thói quen thực tập để giữ được sự bình tĩnh giải quyết vấn đề cộng thêm về mặt kiến thức của cuộc sống. Tất cả mọi kiến thức có thể được gọi bằng hai chữ là “nghệ thuật”. Nghệ thuật sống bằng cái kiến thức khoa học, nghệ thuật sống bằng cái kiến thức nhân sinh, xã hội, nghệ thuật sống bằng các kiến thức của các nền triết học, triết lý, nghệ thuật sống có thể bằng những cái kiến thức ở trong cuộc đời. Kiến thức về đời sống đôi lứa, kiến thức về đời sống của sinh hoạt xã hội, của tập thể, của cá nhân, của sinh hoạt trong gia đình về tài chính, về công ăn việc làm, về sự đối đãi với nhau hàng ngày. Tất cả mọi mặt này nó thuộc dạng kiến thức được đúc kết nhiều đời từng trải qua biết bao nhiêu ngàn năm, con người đã để lại cái nền kiến thức đó, kiến thức của đạo học, kiến thức của xã hội học. Tất cả những thể loại kiến thức đó đã được truyền lại cho chúng ta bởi ông bà, bởi cha mẹ, bởi thầy cô, xã hội và ngoài đời. Ta học, học mãi để tăng trưởng kiến thức để khi gặp chuyện ta chuyển hóa được sự bế tắc đó. Cho nên khi chúng ta gặp bế tắc, chúng ta có ba điều cần suy nghĩ: điều thứ nhất là do nghiệp ác nhiều đời ta đã tạo ra; Điều thứ hai là ta chưa đủ bình tĩnh để đương đầu với sự bế tắc đó nên lúng túng và không tìm ra hướng giải thoát; điều thứ ba ta chưa đủ kiến thức. Điều này phải nhận diện thật là rõ thì mới có thể chuyển hóa được bế tắc.

Ví dụ như bế tắc ở trong tình cảm của người bạn với người bạn, chúng ta vẫn thường gặp bế tắc mà. Nhớ rằng khi là học sinh hay bây giờ đã lớn rồi ta có bạn và đôi khi trong tình bạn có cái sự giao tiếp với nhau về những phương diện của cuộc đời ta gặp bế tắc bởi vì bạn nói một đường ta nghĩ một đường khác. Và rồi cái cách nhìn của bạn về cuộc sống, về cái phương diện chia sẻ đó không phù hợp, nó dị hợm bởi vì ta nghĩ như vậy, rồi nó không có đồng bộ với ta do đó ta bị bế tắc. Và những lần gặp sau ta giữ khoảng cách bởi ta biết không giải quyết được vấn đề. Khi càng không giải quyết được vấn đề bế tắc đó thì bế tắc trở thành trở ngại để ngăn cách tình cảm của nhau. Đó là nói về phương diện của tình bạn, còn nói về cái phương diện của tình người trong gia đình của chúng ta, gia đình nếu không thể giải quyết được những sự bế tắc vụn vặt, nhỏ bé và đôi khi chúng ta coi rất là thường sẽ tạo thành một bức tường ngang trái. Để rồi vợ đi đường vợ, chồng đi đường chồng, con cái không còn nghe lời cha mẹ, xã hội sẽ hư chính từ trong cái gia đình có những sự bế tắc nhỏ mà người cha người mẹ không chú ý để sửa ngay. Cho nên cứ để dồn lại ôi chuyện nhỏ có gì đâu phải quan tâm, chuyện không đáng. Nhưng các bạn phải nhớ rằng những cái chuyện không đáng đó nó thật đáng ngại, nguy hại sau này. Do đó chúng ta không thể coi thường những cái chuyện gọi là không đáng. Biết bao nhiêu gia đình tan nát cũng chính là vì những sự bế tắc gọi là không đáng cứ lập lờ bỏ qua đến khi nó hình thành một cái khối ung thư trong cuộc sống của gia đình, gia đình đó tan nát không tìm được vết hàn gắn. Bởi mỗi khi nhìn lại trong trái tim của người vợ, người chồng, của cha mẹ có những cái lỗ thủng không thể hàn gắn được. Và trong lỗ thủng của trái tim đó nó còn đau nhoi nhói hàng ngày dù chuyện đó đã xảy ra thật là lâu, rất bình thường, rất nhỏ. Trong kinh Pháp Cú Đức Phật dạy những chuyện sai trái, những bất thiện nghiệp dù nhỏ như hạt bụi cũng không thể làm, mang cái lý lẽ này ra để ứng dụng vào đời sống. Những cái bế tắc thật là nhỏ do sự sai trái của nhau, do sự không đồng thuận hòa hợp, do cái nhìn khác biệt dị hợm chúng ta nếu không chuyển hóa sự bế tắc nhỏ đó thì dần dần như Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú nó tạo ra nghiệp lực. Cái lực của sự sai trái trong hình thành cái bế tắc đó nó đẩy lùi nhau ra, hồi xưa chúng ta thông nhau dữ lắm khi yêu thương nhau, khi mến mộ nhau, khi trân quý nhau. Khi thương như vậy trái tim đồng nhịp nó tự tới với nhau thật gần để rồi chỉ thì thầm, chỉ nói thật nhỏ, chỉ vài câu ngắn gọn ta đều hiểu hết. Nhưng rồi khi tiếp cận, gần gũi lâu ngày những cái sự sai phạm hoặc khác biệt nhau bắt đầu xuất hiện. Mỗi một hạt bụi của sự khác biệt, của sự bế tắc trong cuộc đời do hai cái tâm không thể tương giao nó cứ đóng cứng từ từ và nó có một cái lực đẩy hai trái tim của những người đó xa dần, xa dần, xa lắm, xa thật là xa, xa đến mức hơn ngày hôm qu, xa đến vô tận. Để rồi chúng ta không thể thì thầm cho nhau hiểu mà phải thét lên, phải rống lên, phải la to. Và rồi những hành động của ta người ta không hiểu nữa bởi trái tim quá xa do những bế tắc vụn vặt không chuyển hóa ngay lúc đầu. Để rồi từ những âm thanh thì thầm nhỏ hiểu đó thành những tiếng la ó, giận hờn, chửi bới để cho nghe mà trái tim quá xa, trái tim đã quá xa làm sao nghe đây. Rồi ta phải thể hiện bằng những hành động đập bàn, đập ghế, đập chén, đập nhà, đập cửa thậm chí đập nhau cho đau đớn vô cùng.

Các bạn, đừng coi thường những bế tắc vụn vặt xảy ra trong cuộc đời dù là cảnh sống trong gia đình hay là cảnh sống trong xã hội, trong thôn xóm hay trong những mối giao hảo của tình người. Chúng ta phải luôn luôn coi trọng, đừng bao giờ coi thường. Chúng ta phải nhớ rằng vô thường, mọi lẽ sanh rồi diệt, trong cuộc sống vô thường này cái gì cũng sanh diệt, nó không có tồn tại mãi đâu. Tất cả bế tắc nó cũng sanh trong cõi vô thường có đó rồi đi, bế tắc đó tới rồi đi. Các bạn nhớ, nó tới rồi đi dù các bạn có bế tắc từng ngày thì chúng ta nhớ rằng nó tới nó đi, nó không có tồn tại mãi trong cuộc sống của chúng ta, đừng chấp. Từ cái chỗ mà chúng ta nhận thức được theo như lời Phật trong cuộc sống vừa lòng mọi lẽ nó sanh rồi nó diệt, bế tắc tới, bế tắc đi. Không khi nào mà chúng ta có thể nói không có bế tắc, nhiều lắm. Đức Phật dạy cho chúng ta phải biết nhìn nhận những bế tắc do sự ngang trái và không hòa thuận, không hòa thuận nên bế tắc. Còn hòa thuận như thuở xưa, trái tim thật là gần, thì thầm mà gió nghe không được nhưng vẫn hiểu là bởi vì tình yêu thương, lòng từ bi. Các bạn bế tắc do chính cái chỗ không hòa thuận cho nên chuyển hóa bế tắc theo như Đức Phật là phải tăng trưởng sự hòa thuận. Mà để tăng trưởng sự hòa thuận chuyển hóa bế tắc này, nhỏ hay lớn cũng vậy ta phải tăng trưởng tình yêu thương, lòng từ bi. Đây chính là mấu chốt. Nói ngược lại và nói rõ hơn để chuyển hóa sự bế tắc trong cuộc đời tất cả mọi phương diện ngay cả về nghiệp chướng của quá khứ hoặc hiện tại do thiếu kiến thức hoặc thiếu sự hiểu biết đầu tiên và vẫn là nền tảng vững chải chắc chắn để không có sự bế tắc chính là sự hòa thuận. Các bạn đừng nghĩ rằng chúng ta phải có thật nhiều kiến thức mới có thể giải quyết mọi bế tắc. Bởi hồi xưa ông bà, cha mẹ mình, từ thời thật là xưa đó không có được đi học nhiều bởi chiến tranh, bởi hoàn cảnh, bởi thời kỳ lịch sử đó chưa có nhiều học đường để ông bà học. Cái điều mà ông bà tổ tiên ta học chỉ dựa trên nguyên tắc sự hòa thuận trong tình thương. Thế vậy mà trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh thăng trầm trong cuộc đời của tổ tiên ta mọi bế tắc không bao giờ dừng lại trong cuộc sống gia đình thế nên ông bà của chúng ta, cha mẹ của chúng ta ngày xưa sống với nhau cả trăm năm, răng long tóc bạc, gối nó mòn tới mức mà run rẩy đứng không được chỉ nằm ở trên giường thôi mà cái tình yêu, sự hòa thuận đó vẫn còn liên kết để được sống mãi với nhau cho tới giây phút cuối cùng của cuộc đời chính là sự hòa thuận trong tình yêu thương chân thật. Nên những ngang trái ở cuộc đời đi tới, những thử thách ở cuộc đời đi tới không biến thành bế tắc chính là bởi vì cái lòng hòa thuận, thương yêu. Ông bà mình có học đâu, có kiến thức xã hội, tâm lý, có kiến thức về tất cả mọi phương diện ví dụ như khoa học, kiến thức hôn nhân, kiến thức giao tiếp, kiến thức này, kiến thức kia,…những bộ môn đó hầu như không có sách ghi lại. Nhưng chỉ có sự sống, sự sống hòa thuận thương yêu bởi cha mẹ, người đi trước truyền lại sống thương yêu hòa thuận, sống phải yêu thương, phát triển trong năm chữ “hòa thuận trong tình yêu”. Tình yêu sẽ đưa đến sự hòa thuận, yêu thương đích thực đi đến sự hòa thuận bởi vậy ông bà mình nhẹ nhàng như cái đòng đòng của bông lúa, thơm ngát như cái cánh đồng lúa mênh mông vô tận, cái tâm hồn của ông bà ta mênh mông như cánh đồng lúa vô tận cò bay thẳng cánh không có sự vướng mắc nên chẳng có bế tắc.

Còn cái tâm của chúng ta học nhiều lắm, học kinh, học sách của nhà Phật, học kinh sác của các tôn giáo, học kinh điển đối nhân xử thế. Rồi mọi cái nghệ thuật sống, nghệ thuật làm chủ cảm xúc, nghệ thuật làm chủ thân tâm, nghệ thuật giao tiếp, nghệ thuật này, nghệ thuật kia. Thế mà vợ chồng cứ ly thân rồi ly dị, bế tắc đầy, học đủ thứ mà vẫn bế tắc, là bởi sao? Là bởi dựa trên cái nền tảng kiến thức để xử lý, là dựa trên cái tâm thiếu tình yêu và hòa thuận. Chỉ mang kiến thức mà ứng dụng, nó khô, nó khô như ruộng không có nước, nứt nẻ, cằn cõi, lúa đâu mà mọc, đòng đòng đâu mà có, cò bay sao mà thẳng cánh, tư tưởng hạn hẹp, cái nhìn ngắn củn, hạnh phúc chẳng còn, gia đình tan nát. Các bạn, để chuyển hóa mọi bế tắc trong đời của chúng ta, chúng ta phải noi gương Đức Phật dạy, như ngài Phổ Hiền chuyển hóa giáo lý của Phật bằng ngôn ngữ hằng thuận, ông bà mình gọi là hòa thuận. Ngài Phổ Hiền dạy phải sống hòa thuận và trong nhà Phật có một chữ, chữ này lớn lắm đó là chữ “tâm”. Tâm từ là cái tâm lớn cho nên chúng ta có cái tâm yêu thương nhau thực sự, tâm từ bi là tình yêu. Có cái tâm yêu thương thực sự, quý kình thì luôn luôn sống hòa thuận với tất cả mọi người ta yêu thương cũng như sống hòa thuận với muôn người. Để từ đó chẳng so sanh với nhau bằng kiến thức cao rộng ở đời bác sĩ, luật sư hay đại học sĩ, hàm vị cao siêu, cao nhất thế giới. Cái sự cao nhất thế giới không thể cao bằng cái sự hòa thuận trong tình yêu. Nếu mà nói về học thì Đức Phật là đấng đại giác đại ngộ, cái học của ngài mênh mông vô tận bởi ngài giác ngộ. Nhưng ngài không tới với chúng sanh để so sánh cái học của ngài để ứng với chúng ta. Ngài tới với chúng ta bằng tình yêu thương, lòng từ bi và sống hằng thuận với mọi chúng sanh.

Chúng ta nhớ thuở xưa có một đệ tử của Phật ông ta chỉ là một người đi hốt phân, kiến thức không có, đời đời nối tiếp nhau trong cái dòng tộc giai cấp đó chỉ đi hốt phân, hạ hạ đẳng bị coi thường. Thế mà Phật tới chẳng phải như một bậc đại sĩ, kiến thức rộng, Phật tới đã chạm vào trái tim của anh hốt phân đó. Y như vậy, đồng bộ bởi trong tâm của ngài có sự hằng thuận chúng sanh và tràn đầy năng lượng từ bi, hòa ái, yêu thương chân thật. Cho nên đã cảm hóa được người hốt phân đó đi theo để hốt những đống phân của cuộc đời do ác nghiệp tạo ra mà không ám ảnh cuộc đời, không còn mùi hôi thối, uế trược củ đống phân bất thiện nghiệp đó tạo ra. Chuyển hóa sự bế tắc không thể vượt ngoài hai chữ “hòa thuận” và “yêu thương” do đó người Phật tử chúng ta làm sao chuyển hóa sự bế tắc đây? Sống hòa thuận, làm sao sống hòa thuận được? Ta thực tập quán chiếu hơi thở Chánh Niệm, quán chiếu lòng bao dung. Khi bạn có cái lòng bao dung rộng lớn bạn sẽ hài hòa với mọi người, bạn sẽ hằng thuận với muôn người bởi bạn đã thực tập đời sống bao dung, cái tâm bao dung. Muốn có được cái tâm bao dung đó luôn phải nhận ra đời sống là vô thường, mọi lẽ nó sanh rồi nó diệt chẳng còn tồn tại mãi cho nên ta không bám víu nữa. Cũng như ta có một căn phòng cái gì cũng chất chứa dù rộng tới đâu cũng chật chội. Cái tâm của ta cái gì cũng chấp dù biết nó sanh, nó diệt, nó vô thường mà cái tâm ôm lấy khư khư, nó chật chội cái tâm rồi làm sao mà bao dung. Tâm bao dung là tâm buông xả, không chấp, không dính mắc. Để có được cái lòng bao dung đó các bạn phải thực tập theo lời Đức Phật dạy sống Chánh Niệm hơi thở, sống thuận hằng với hơi thở của mình và quán chiếu bao dung, bao dung bằng cái gì? Bằng lòng từ tâm tức là tình yêu, trong tình yêu người ta bao dung, trái tim thật gần, thỏ thẻ nhẹ nhàng cũng hiểu, cũng nghe. Còn nếu đã không còn yêu trái tim xa nghìn trùng, hét lên, rống lên chẳng nghe được đâu để rồi đi tới chân tay đụng chạm nguy hại đến đời sống. Các bạn, chuyển hóa sự bế tắc phải bằng hằng thuận và yêu thương đích thực do chính sự tu tập hơi thở Chánh niệm để quán chiếu lòng bao dung bằng tâm từ bi. Để từ đó chúng ta biết nhìn nhận đời sống là vô thường sanh diệt và mọi loài không có ai hoàn hảo và không có ai toàn diện, toàn mỹ để rồi có những hành động, tư tưởng, suy nghĩ và lời nói hài hòa với muôn người đâu. Do đó ngoài cái sự bao dung, quán chiếu lòng từ tâm ta phải luôn luôn Chánh Niệm hơi thở để phát triển cái sự tha thứ cho nhau và nhận diện được sự lầm lỗi của mình từng lúc để biết tha thứ cho chính mình. Khi biết tha thứ chính mình, biết bao dung cho chính mình và biết khởi nguồn cho cái lòng yêu thương phát triển trong chính mình thì ta chuyển hóa được mọi bế tắc của chính ta. Đồng thời cũng chuyển hóa bế tắc cho người khác.

Có một câu chuyện hai người lính ở trong quân đội cùng một nhóm với nhau. Trong cái cuộc chiến đó hai người xông pha trên chiến trường, hai người này được huấn luyện phải hỗ trợ, bảo bọc nhau trên chiến trường. Thế rồi một anh lính nhìn lại thấy bạn mình cứ nằm đằng sau trong khi đó lửa đạn đang ầm ầm phía trước cần phải tiến lên để ngăn quân địch tiến vào trong kinh thành. Nhưng nhìn lại người bạn cứ nằm phía sau không chịu tiến lên, anh ta nghĩ rằng người bạn sợ cho nên anh ta bực bội dữ lắm, trong lòng căm phẫn xong trận này nhất định anh ta sẽ giải quyết vấn đề. Khi anh ta tiến lên phía trước và không hiểu nguyên nhân gì quân địch đã yếu, cuộc chiến đã tàn có lẽ là cả hai bên nhìn thấy sự tàn khốc trong cuộc chiến nên đã nhường bước cho nhau. Anh ta quay trở lại tìm người bạn coi người bạn này nhát, trốn ở đâu không đúng tinh thần của một người chiến sĩ. Nhưng khi về người bạn vẫn nằm tại chỗ, anh ta tới gần tính la to lên và chửi người bạn không có lòng dũng cảm nhưng nhìn kĩ thì thấy người đó đã bị thương không thể đi được.

Các bạn thấy không, chính vì chúng ta nhìn không rõ đôi khi ta trách nhầm trong cái cuộc chiến đi lên bạn đã bỏ ta. Trong cuộc đời, biết bao nhiêu người đã lùi lại đứng một chỗ, ta đừng vội vàng chê bai, chửi bới, hờn trách họ. Mà chúng ta phải đi ngược lại nhìn cho rõ, ta cứ phóng ầm ầm về phía trước như hõa tiễn, chẳng chịu nhìn lại phía sau bởi vì ta thấy ta tài, ta giỏi, ta lao về phía trước. Cho nên những bế tắc nhỏ bế trong cuộc đời giữa vợ chồng, giữa người thân, giữa bạn bè với nhau ta cứ tưởng, ta có tư tưởng hiểu rõ, hiểu thấu và thường ta dính mắc rằng ta là người hiểu, người biết cho nên ta hay trách người khác. Và sự trách cứ bởi dựa trên cái hiểu biết của ta tạo ra sự bế tắc trong cuộc sống. Ta không chịu lùi lại một bước, lùi lại phía sau thật sau để nhìn rõ người bạn đang bị thương. Trong cuộc đời không ai kiện toàn đời sống của mình bằng tất cả mọi sự việc đâu bởi có ai hoàn hảo nhưng cuộc đời không thể kiện toàn mãi mãi và luôn hiện hữu có sự sai phạm tạo ra bế tắc. Từ đó mà chúng ta sống bao dung, sống hiểu biết, sống nhún nhường, khiêm tốn, sống để nhận diện ra cái nguyên nhân thật là rõ khi nó xảy ra để không dính mắc, chấp trược tạo ra bế tắc.

Hôm nay chúng ta nói chuyện về sự bế tắc, Bảo Thành trở lại một lần nữa thật ngắn gọn rằng để chuyển hóa mọi bế tắc trong cuộc đời giữa vợ, giữa chồng, giữa cha, giữa mẹ, giữa con cái, giữa xã hội, giữa tình bạn do sự hiểu lầm, do sự không đồng ý sự trái chiều, do sự làm việc và cách nhìn khác biệt nhau. Chúng ta không có hoàn hảo và không bao giờ kiện toàn mọi việc trong cuộc sống phù hợp với mọi người. Phải nhận diện được điều đó và bắt đầu tăng trưởng sự hòa thuận bằng tình yêu thương thật sự do phát triển lòng bao dung với cái tâm từ bi và lượng thứ thì mọi bế tắc sẽ tiêu tan. Nếu các bạn đang gặp bế tắc trong cuộc đời hãy quán chiếu sự hòa thuận và tình yêu đích thực bằng lòng bao dung, bằng tâm từ bi và sự tha thứ. Mọi bế tắc dù có lớn như núi đi nữa cũng phải biến mất bởi khi bạn biết bao dung bằng lòng từ bi và tha thứ bạn sẽ hòa thuận trong tình yêu, nụ cười của bạn có sức mạnh siêu thế đẩy lùi cái núi bế tắc, dòng sông cản trở, những đợt sóng thần cuồn cuộn đang cuốn trôi các bạn đi mỗi người một hướng để các bạn trở về với tình yêu đích thực và sự giao hảo trân quý trong cuộc đời. Các bạn thân mến, các bạn hãy:

Giữ tâm thanh tịnh hành pháp thiện

Trí tuệ thông tường mở lối đi.

Các bạn nhớ vô thường mọi lẽ nó sanh rồi diệt, bế tắc nó luôn luôn tới không bao giờ ngừng chỉ cần các bạn giữ cái tâm thành của mình rồi tinh cần hành các pháp thiện. Pháp thiện ở đây nói là theo từ ngữ của Phật, pháp thiện là sự hòa thuận trong tình yêu, lòng bao dung khởi lên từ cái lòng từ bi và tha thứ. Hằng thuận yêu thương với lòng bao dung, từ bi, tha thứ trí tuệ của bạn sẽ được thông tường, mở lối đi cho bạn nhìn thấy mọi nguyên nhân bế tắc trong cuộc sống. Ngay cả bế tắc từ kinh tế, bế tắc từ công ăn việc làm, bế tắc từ cái sự sinh hoạt trong xã hội, bế tắc trong cuộc sống đối nhân xử thế, bế tắc trong tình nghĩa vợ chồng, cha mẹ , con cái, bế tắc trong tình bạn. Khi trí tuệ thông tường rồi sẽ mở lối cho ta đi mà để có trí tuệ thông tường ta phải giữ tâm thanh tịnh hành pháp thiện. Pháp thiện là pháp bao dung, từ bi và tha thứ để hòa thuận, yêu thương đích thực. Muốn như vậy các bạn cố gắng sống đời sống Chánh Niệm hơi thở quán chiếu lòng bao dung, quán chiếu tâm từ bi, quán chiếu sự tha thứ để thực sự biết sống hòa thuận và yêu thương nhau.

Cám ơn các bạn đã nghe, chúng ta chắp tay vào hồi hướng công đức!

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Chúng con nguyện hồi hướng công đức này tới muôn loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.        

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts