Search

HẰNG THUẬN CHÚNG SANH

Mỗi người mỗi vẻ mỗi căn nguyên  

Tương ái dung hoà thuận chữ duyên 

Định tâm thanh tịnh tuỳ phước báu 

Chúng sanh hằng thuận giữa an bình

Với cái thế giới hiện tại thay đổi thật là nhanh phải không các bạn hôm qua mới đó mà hôm nay đã rồi. Cái chuyện đó và chuyện rồi để điền vào khoảng trống đó mỗi một con người chúng ta có biết bao nhiêu sự việc để điền vào đó và rồi. Người làm ăn thì hôm qua mới đó thành công hôm nay đã thất bại lại rồi, người làm việc thì hôm qua làm vừa phải thôi mới đó mà hôm nay cực khổ quá. Còn học sinh thì cũng có thể nói hôm qua gặp được thầy cô dễ thương vậy mà hôm nay sự việc đã rồi thầy sao không có được nhẹ nhàng. Ở đời từ nhỏ tới lớn, lớn tuổi hay trẻ tuổi chúng ta có biết bao nhiêu chuyện chúng ta có thể điền giữa cái “đó” và “rồi”, đó rồi như thế, nhanh quá. Ông trời đôi khi ngẫm nghĩ không biết có than hay không nhưng mà ở đời vẫn có câu sống sao cho vừa lòng người, trời đất sống sao cho vừa lòng người. Sống vừa lòng người thật là khó chuyện này xảy ra mỗi cảnh của gia đình. Nếu sống mà cứ vừa lòng người thì chẳng có gia đình nào phải ly dị, ly thân. Nếu sống cứ phải vừa lòng người thực sự thì cha mẹ, con cái, những người thân không bao giờ từ bỏ, chửi bới, cãi cọ rồi bực bội, đau khổ, phiền lụy. Nếu sống mà bằng lòng được với tất cả mọi người thì trong xã hội chẳng có người bị nghỉ việc chẳng có người bị đuổi, nhà chẳng tan, cửa chẳng nát, cuộc sống ôi thôi thái bình và hạnh phúc, phải không các bạn. Sống sao cho vừa lòng người, nắng kêu nắng quá, mưa thì kêu mưa, thật khó, thật khó. Nhưng không phải vì cái sự khó khăn như vậy mà rồi chúng ta sống không có cái nghệ thuật để an vui, thuận hảo với nhau. Mà cũng không phải vì như thế mà chúng ta lúc nào cũng phải hạ mình cuối xuống để cái gì cũng gật đầu cho vừa lòng mọi người. Nếu cái gì chúng ta cũng vừa lòng mọi người thì có phải giả dối không và rồi nếu cũng vì khó mà ta không sống vừa lòng mọi người thì đau khổ. Giữa sống giả dối và đau khổ ta chọn cái nào? Cả hai đều chẳng chọn, đời ai muốn giả dối bao giờ, đời ai muốn khổ bao giờ.

Hôm nay các bạn gợi ý cho Bảo Thành nói về hằng thuận chúng sanh. Hằng thuận không phải là bằng lòng, cái gì cũng bằng lòng, hằng thuận không phải là cái gì cũng chống đối. Sống hằng thuận là một trong những cái pháp mà ngài Đại Hạnh Phổ Hiền dạy dỗ cho chúng sanh hồi xưa. Ngài là Bồ Tát có lòng yêu thương thấy rằng có những điều chúng sanh cần phải chú ý tu học để có thể nâng cao phẩm cách của con người, chứng được đạo nhân rồi từ từ đi đến Phật quả chứng đắc. Một trong 10 điều mà ngài Phổ Hiền dạy điều thứ 9 là hằng thuận chúng sanh. Bởi cái chữ “hằng thuận chúng sanh” này mà ngay nay ở trong Phật giáo chúng ta các cái lễ hôn phối, cưới gả đi vô chùa được các bậc tôn túc, làm lễ thì không gọi là lễ tân hôn hoặc không gọi là đám cưới, đám hỏi, tất cả nghi thức ở đời người ta thường gọi thì không gọi. Mà gọi hai chữ thật đúng pháp của chư Phật là lễ “hằng thuận”. Một cái lễ được chứng minh bởi chư tôn túc rồi nội ngoại hai bên, cha mẹ, dòng họ chứng minh cho hai con người hằng thuận, tới với nhau sống hạnh phúc. Hằng thuận không phải chỉ là ngôn ngữ nói trên bờ môi mà nó là một cái giáo pháp cần phải nghiên cứu, cần phải thực hành, cần phải áp dụng. Bởi không có một cái gì nó đã sẵn tốt đẹp để chúng ta tới và hài lòng. Hai chữ “hằng thuận” là cả một cái đoạn đường thật là dài mà con người với con người sống với nhau phải nhận ra rõ ràng cái sai cái đúng để sống hằng thuận, thuận với nhau, thuận với lòng, thường hằng. Chứ không phải chỉ có thuận một ngày, ngày mai nghịch, hằng ở đây là liên tục không có gián đoạn, thuận là liên tục thuận hảo với nhau. Chứ không phải ngày hôm nay thương là thương hết mình chuyện gì cũng có thể bỏ, hy sinh cả cuộc đời đó nói hôm nay nhưng ngày mai có thể trở mặt biến thành thù. Trong cuộc đời thấy những chuyện đó xảy ra thật là nhiều là bởi họ không thấu được hai chữ “hằng thuận”. Họ chỉ thuận theo ý của họ mà thôi rồi bắt người khác phải phục tùng theo tư tưởng của mình như một cái con người có cái tư tưởng ta là trung tâm của vũ trụ, muôn người phải thuận theo ý ta không ta sẽ buồn, ta sẽ giận và ta rất là sợ. Ở trên đời người ta rất là sợ, sợ những người thân, sợ những người gần gũi giận hờn. Hình như giận hờn nó nguy hại tới mức mà người ta không còn sống chân thật với nhau bởi sợ giận, sợ buồn rồi sống không còn là mình.

Hằng thuận chúng sanh là một nghệ thuật tâm linh, sống để tăng phước, sống để giảm đi khổ đau, sống để an vui và hạnh phúc. Đã gọi là một môn nghệ thuật trong đời sống tu luyện tâm linh thì chúng ta phải thực sự tu tập, chúng ta phải quán chiếu. Chính vì hai chữ “hằng thuận” này ta có thể làm được, hành được, thực hiện được mà tình nghĩa trong gia đình chúng ta không bao giờ đổ vỡ ngay cả những đấng bậc ở trên như cha mẹ hay gần gũi như vợ chồng, con cái. Luôn luôn hiểu và hằng thuận gia đình đó tràn ngập ánh sáng của trí tuệ, tràn ngập tình yêu thương. Và nhất định nơi đâu có trí tuệ và yêu thương, sống hằng thuận với nhau ở đó có Phật, có Pháp và có Tăng. Ta không tìm Phật ở đâu xa, ta không tầm cầu Pháp ở đâu xa, ta cũng không tầm cầu chư Tăng ở đâu xa. Ngay trong gia đình cũng có Tam Bảo nếu biết sống hằng thuận để gia đình ấm êm hạnh phúc. Ở trong cái xã hội đôi khi vì quyền lực ta phải thuận theo ý của người ta, đôi khi vì công việc ta phải thuận theo ý của người khác. Đôi khi vì tình bạn ta phải thuận theo, đôi khi vì hàng trăm cái chữ vì mà ta phải thuận theo, đó chẳng phải là hằng thuận. Hằng thuận là sự thuận hảo liên tục không ngừng bằng sự hiểu biết trong cái tinh thần yêu thương đích thực, chỉ có yêu thương chân thật mới có được sự hằng thuận. Còn nếu không có sự yêu thương chân thật tất cả sự hằng thuận kia được gắn mác chẳng qua là chiều để được theo cái điều mình mong muốn. Cái đó nó có một phần của sự gian dối trong cái lợi riêng của chúng ta.

Hằng thuận trong chân lý gọn của Đức Phật, của ngài Phổ Hiền là một thông điệp của lòng từ bi, yêu thương chân thật. Ai có tình thương chân thật người đó biết sống hằng thuận với mọi chúng sanh, biết sống hằng thuận với muôn người. Đi tới đâu cũng được mọi người thương, đi tới đâu họ cũng trải lòng ra và đi tới đâu cái năng lượng từ bi của họ cũng làm cho mọi người dịu xuống, nhẹ nhàng. Dù là người đó có nghe sự trái ngang, sự khác biệt, sự chống đối, sự phỉ báng, sự chê bai, sự dèm pha, sự chê trách, sự phá hoặc thậm chí có thể gây hại tới sức khỏe, tinh thần họ vẫn tự tại an nhiên. Bởi trong lòng họ chỉ có một chất duy nhất đó là chất yêu thương chân thật. Có được cái phẩm chất yêu thương chân thật người đó sẽ sống hằng thuận với mọi chúng sanh. Đây là một phẩm hạnh cao quý nếu các bạn và Bảo Thành nghe và thực hành được xã hội tự nhiên có thái bình, thái bình ngay trong trái tim và cuộc đời của mỗi chúng ta . Mà để có được cái sự hằng thuận này một cách rõ ràng chúng ta cần phải có trí tuệ. Chỉ có một người có trí tuệ mới khởi lên được nguồn yêu thương chân thật. Người không có trí tuệ đúng theo tinh thần của nhà Phật là người chỉ biết chiều chuộng cái cảm xúc của riêng mình để thuận lòng người khác để có được họ. Còn nếu chúng ta có trí tuệ của nhà Phật, trí tuệ của nhà Phật là trí tuệ của sự hiểu biết, tất cả mọi lời nói, suy nghĩ và hành động khởi lên từ cái tình yêu thương để mang hạnh phúc và bình an tới cho ta và cho người, hạnh phúc cho hai đối tượng, cho muôn loài chứ không phải riêng ta. Các bạn thân mến, khó nhưng không khó. Bởi khó là chúng ta chưa được học còn dễ là bởi ta được chỉ dạy đàng hoàng. Các bạn nhớ, Đức Phật là thầy, không có một ông thầy nào có thể so sánh với Đức Phật được, ngài giỏi lắm, ngài là một vị giáo sư thật là giỏi. Phương pháp giáo dục của ngài thật rõ, thật gần gũi với đời sống của chúng sanh. Phương pháp giáo dục của Phật là một cái phương pháp phù hợp với mọi căn cơ, tầng lớp trong xã hội. Không phải dành riêng cho những bậc trí giả, kiến thức cao siêu, thông thái, bác học, uyên thâm ngôn ngữ, kinh điển, Phật học, không. Nền giáo dục của Đức Phật nói về hai chữ “hằng thuận” này phù hợp với mọi con người, mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh.

Hằng thuận chúng sanh, như vậy khi ta nói tới chúng sanh thì đối tượng chúng sanh đó là ai? Là những người sống xung quanh ta và chúng sanh đó như thế nào để chúng ta có thể hằng thuận tức là sống với cái tình yêu thương chân thật với chúng sanh đó. Nếu chúng ta không thấy được cái phẩm giá, phẩm cách cao, thanh tịnh của chúng sanh đó. Con người thông thường với cái bản tánh của nghiệp chướng bất thiện nhiều đời tích lũy hay có tâm sân, phỉ báng, chê bai, so kè, hơn thua cho nên luôn luôn thấy mình hơn hết từ đó mà chẳng khi nào chịu thuận theo họ, hằng thuận với họ mà chỉ bắt họ theo ý mình. Từ đó Phật mới dạy những điều mà nghịch ý sẽ tạo ra khổ. Nghịch ý bởi vì ta có cái tôi, có cái ta có bự như cả cái Thái Dương hệ không ai có thể lớn hơn được cho nên không hằng thuận ai. Thuận ta thì sống không thuận ta thì chết, hình như câu nói đó có nhiều lần chúng ta đã từng nói. Khi chúng ta thuận lòng ta thì sống, không thuận lòng ta thì chết, câu nói này thể hiện cái nhân cách của cái người có cái tâm bạo lực, bạo hành, muốn lợi dụng quyền lực để chà đạp, sát hại. Nhân cách này cần phải được chuyển hóa ngay, thay đổi vào cái nhân cách tàn bạo đó để bắt chúng sanh mọi loài thuận theo ta thì sống, không thuận theo thì chết bằng cái nhân cách của tình yêu thương chân thật, chẳng cần chúng sanh thuận theo ta mà chúng ta hằng thuận chúng sanh đó bởi nhìn thấy trong chúng sanh đó có một phẩm cách, một nhân cách cao cả để ta đáng kính để từ đó ta khởi nguồn từ bi, yêu thương, khả kính tới chúng sanh đó. Thì cái nhìn mà Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thật là rõ mà chúng ta đã từng nghe rồi, làm sao chúng ta có thể yêu thương những chúng sanh khác và hằng thuận chúng sanh đó tức là luôn luôn thuận hảo, sống dung thông hòa thuận liên tục không gián đoạn với chúng sanh đó? Chỉ có khi nào ta có thể thấy nơi chúng sanh đó có phẩm cách cao đẹp, đức hạnh. Cái nhìn của Đức Phật khai thị để chúng ta nhìn thấy điều đó là gì? Là tất cả chúng sanh sẽ là Phật, Phật ở đây tức là Phật tánh, Phật tánh ở đây tức là thiện lành. Khi chúng ta nhìn thấy mọi chúng sanh đều có cái tánh thiện lành thì từ đó khi mà họ sân, họ giận, họ bực mình, họ ác, họ tội lỗi, họ sai chúng ta nhận biết đó không phải là cái tánh của họ mà chỉ là nghiệp lực lôi kéo và hiển biến thành cái hành động, lời nói, suy nghĩ đó thôi. Còn cái tánh chân thật của họ là thiện lành, là Phật sẽ thành tức là tánh thiện lành vốn có trong mọi chúng sanh.

Khi nhìn thấy ở mọi con người có cái tánh thiện lành đó và chỉ nhìn thấy tâm tánh thiện lành thì tất cả những điều nghịch ý, sai trái, tội lỗi, ô nhiễm, uế trược của họ thì chúng ta nhận ra à chỉ là đám mây mù nó che phủ mặt trời, mặt trăng mà thôi. Chứ còn ánh sáng mặt trời, mặt trăng không bao giờ đen tối, khi mây tan trời sẽ sáng, các bạn từng nghe cái câu đó rồi. Thì y chang như vậy, cái mặt trời trí tuệ hiển hiện trong mỗi một chúng sanh là tánh thiện lành luôn luôn sáng chẳng bao giờ lu mờ. Có những hành động sai trái xảy ra trong cuộc đời của họ hay của ta chẳng qua chỉ là đám mây mù, bất thiện nghiệp kéo về nhưng khi trời quang mây tạnh nó sẽ sáng lại. Nhìn thấy được điều đó ta luôn luôn thuận hảo với những chúng sanh đó bằng cái tâm từ bi chân thật liên tục, không gián đoạn bởi ích kỷ và cái “ta”, cái tâm bạo hành của mình. Chính vì cái tâm bạo hành thuận ta thì sống không thuận ta thì chết đó mà xã hội, gia đình ngày nay biết bao nhiêu sự bạo hành, bất công. Cha mẹ có thể bạo hành con cái, cô giáo có thể học trò, học trò có thể bạo hành các thầy cô, con cái bạo hành với cha mẹ rồi thì bạn bè trong học đường, người này người kia bạo hành bởi vì thuận ta thì sống không thuận thì chết. Câu đó nghe ở đâu đó nhưng mà nó đã nhiễm vào đầu của con người rồi những ai thuận theo mình hình như có cửa để sống, những ai không thuận theo mình sẽ đi vào cửa tử mà thôi . Cái điều đó là một sự hiểu lầm, sai lệch gây ra tội ác và tội lỗi, hết phước báu, nguy hại sẽ gặp nhiều tai họa nay mai. Cho nên học theo ngài Phổ Hiền chúng ta phải thực tập cái tâm có trí tuệ bằng sự tu tịnh tâm trong Chánh Niệm đời sống. Để từ đó chúng ta luôn luôn thuận hảo với mọi người liên tục từng sát na trong cuộc đời bởi khởi nguồn từ cái tình yêu thương chân thật do trí tuệ thấy rõ cái tánh của con người, chúng sanh đó là tánh thiện lành, chính là phẩm cách thanh cao, tuyệt vời mà ta luôn luôn kính lễ, tôn trọng từ đó ta hằng thuận với họ. Chứ còn ta không thấy họ có cái phẩm cách thiện lành, có cái nhân cách thiện lành, có Phật tánh thiện lành thì chúng ta dễ nhìn của những kẻ bề trên ôi cái người này tội lỗi, cái người này xấu xa, người này không bằng ta. Mà từ đó ta dễ bạo hành từ trong tư tưởng, lời nói. Có những tư tưởng bạo hành ta khởi lên, có những lời nói bạo hành chửi bới, chê bai, dèm pha, miệt thị, chì chiết, thô ác, nói ngược, nói xuôi, nói đâm, nói thọc, nói mà để chửi người ta phải khô héo cuộc đời.

Trong kinh Hoa Nghiêm ngài Phổ Hiền dạy cái sự hằng thuận chúng sanh nó cao quý như gốc cây cổ thụ bất chợt đang sống hẳn hoi nhưng rồi cái vùng đất đó biến thành sa mạc nó sẽ chết. Thế nên khi có một nguồn nước tưới tẩm vào thì cái cây đó trở thành cây vương thọ tức là một loài cây của vua thọ mạng bền lâu trên sa mạc. Các bạn, cái gốc của gây vương thọ đó nó hút được nước, nước đó là nước từ bi. Và chúng ta là cái gốc cây cổ thụ vương thọ đang mọc trên sa mạc cuộc đời cằn cỗi những ác nghiệp. Nhưng nhờ cái nguồn nước từ bi thuận hằng với cái đời sống trên sa mạc của cuộc đời, cái gốc là ta đó trổ được cành lá là Bồ Tát và kết hoa, kết quả là Phật. Ta là gốc rễ, Bồ Tát là lá cành, còn Phật là quả. Cho nên cái gốc rễ của ta đây mà được tưới tẩm nước từ bi, biết sống hằng thuận trong cái tâm từ bi yêu thương chân thành thì sẽ trổ cái cành lá của những hành động Bồ Tát yêu thương từ đó mà nó sinh ra cái quả Phật. Hiểu thấu được điều đó không những chúng ta sống hằng thuận với chúng sanh bởi thấy chúng sanh đó là gốc rễ của cuộc đời đang bám vào sa mạc. Nhưng ở trong cái tâm tánh thiện lành của gốc rễ chúng sanh đó có cái bổn tánh của Phật là nguồn nước từ bi đang tưới tẩm một mai sẽ trổ cành lá Bồ Tát và kết quả Phật. Nhìn thấy như vậy ta thấy một cái lòng kính ngưỡng, tôn trọng, yêu thương chân thật, không còn chỉ là ta lớn nhất. Các bạn sống như vậy gọi là sống hằng thuận chúng sanh. Ngoài vấn đề đối ngoại là nhìn thấy mọi chúng sanh đều có tánh thiện lành ta phải sống hằng thuận với cái lẽ tự nhiên của bổn tánh nơi ta. Các bạn phải nhớ, không cần biết các bạn là ai thì các bạn phải nhìn thấy cái chân giá trị đích thực của chính ta là thiện lành. Chính vì chúng ta nhìn thấy trong ta có cái tâm tánh thiện lành của Phật tánh đó mà ta hòa thuận, ta hằng thuận với cái tâm tánh thiện lành đó. Để tâm tánh thiện lành đó được trổ ra những cái cành, những cái lá Bồ Tát và kết quả là Phật. Ta là tánh thiện lành cho nên những cái tánh nói xấu, nói thêm, nói thọc, nói giận, nói dữ, cái tánh mà không hiểu, vô minh, cái tánh tự cao tự đại, cái tánh mà tham sân si, cái tánh mà chấp trược, cái tánh mà hung dữ bạo hành nó không phải của ta. Đừng ôm ấp những cái tánh đó để tạo nên hình hài của ta mà ta là Phật sẽ thành có tâm tánh thiện lành. Nhìn rõ cái gốc rễ của ta thiện lành từ đó hằng thuận với cái tự nhiên thiện lành của ta và mang cái thiện lành của nơi ta, của chính ta sống lan tỏa với sự thiện lành của chúng sanh khác, đó gọi là hằng thuận. Chúng ta thấy, nước gặp với nước thì chúng hòa vào với nhau, trong ta có nước từ bi thiện lành, ta phát hiện ra được cái nguồn nước này thì khi chúng ta khai mở cái nguồn nước thiện lành thì nó sẽ hòa nhập vào cái nguồn nước thiện lành nới chúng sanh khác, nó thành một. Cái đó gọi là hằng thuận miên trường không bao giờ đứt đoạn đúng như cái tâm ý ngài Bồ Tát Phổ Hiền truyền dạy cho chúng ta:                                    

Mỗi người mỗi vẻ mỗi căn nguyên  

Chúng ta sống trên đời mỗi vẽ mỗi căn nguyên nhưng cùng chung một cái gốc thiện lành bổn tánh Phật ở trong ta.

Mỗi người mỗi vẻ mỗi căn nguyên  

Tương ái dung hoà thuận chữ duyên 

Duyên ở đây là duyên mà ta nghe được Phật, duyên ta nghe được Pháp, duyên ta hòa hợp với Tăng, duyên ta thọ tam quy y, ngũ giới, duyên ta gặp được Phật pháp, duyên hiểu lẽ và chân lý của Phật dạy. Thấu rằng căn duyên có khác biệt, căn nguyên có khác biệt thì chúng ta cũng có một cái duyên đó là đón nhận được sự khai thị của Phật thấu được rằng trong ta và trong chúng sanh có tánh thiện lành của Phật tánh. Từ đó ta hòa nhập vào không có phân rẽ, chia đôi cho nên đó gọi là hằng thuận chúng sanh bởi nhận rõ, bởi trí tuệ nhìn thấu và rõ trong ta và người có tánh thiện lành cho nên khởi nguồn từ bi chân thành với chúng sanh và với chính ta. Khi hiểu rõ như vậy ta mới định tâm thanh tịnh phước báu, chúng ta định tâm thanh tịnh tùy theo phước báu đó, tùy theo phước báu của mọi người chúng ta mới định được tâm thanh tịnh. Chúng ta không tùy duyên theo phước báu của mọi người, ta chỉ phân chia ra, sự chia rẽ, chúng ta chấp vào “ta”, ta không có định tâm thanh tịnh để tùy phước báu mà hằng thuận. Ta bắt đầu như người xưa hay nói là môn đăng hộ đối, ta cao gặp người khác phải là cao. Chính vì cái điều đó xã hội càng ngày càng trở nên chiến tranh và giữa con người với nhau ít có khi nào hằng thuận, luôn luôn thấy sự đối nghịch gây ra bạo hành với nhau.    

Mỗi người mỗi vẻ mỗi căn nguyên  

Tương ái dung hoà thuận chữ duyên 

Định tâm thanh tịnh tuỳ phước báu 

Chúng sanh hằng thuận giữa an bình

Khi chúng ta định tâm tùy phước báu thì mọi chúng sanh hằng thuận giữa sự an bình với nhau trong thế giới này. Các bạn thân mến, nói tóm lại để chúng ta có thể khởi lên cái tâm tánh hằng thuận chúng sanh thì chúng ta phải có con mắt trí tuệ dưới sự khai thị của Phật nhận rõ rằng trong mỗi một chúng sanh, nơi ta nữa có cái tâm tánh thiện lành. Ta và mọi chúng sanh đều là gốc rễ, gốc rễ của thánh thiện lành đang sống trên sa mạc cằn cỗi của cuộc đời đầy rẫy thử thách của bất thiện nghiệp, những ác trược, cấu nhiễm của nhiều đời tích lũy lại được. Nhưng cái gốc thiện lành của ta vẫn bám chặt trên cái miền đất khô cằn gọi là sa mạc cuộc đời đó. Và chính trong cái tánh thiện lành đó khởi nguồn nước từ bi, yêu thương tưới tẩm để có được cái nội lực thâm hậu trong cái đời sống gốc rễ thiện lành bám vào cuộc đời. Dù cuộc đời có là sa mạc, dù cuộc đời có là ác, có là lầm lỗi, có là tội lỗi, có sai phạm, có nhiều gian trá, có lầm chấp, có bất công, có tàn bạo thì nhớ rằng đó chỉ là cuộc đời. Ta bám vào cuộc đời đó không phải để hút những cái chất xấu đó vào. Mà ta bám vào cuộc đời để từ trong nội lực của ta có cái khởi nguồn từ bi, yêu thương từ tánh thiện lành thì cái tánh thiện lành của ta đó nó mới vương lên thành cành lá Bồ Tát từ bi để trổ quả Phật. Từ đó nó liên thông hằng thuận với tất cả mọi chúng sanh thật là dễ dàng. Các bạn quán chiếu cái điều đó thì các bạn sẽ hằng thuận chúng sanh thật là dễ. Cho nên phương pháp là các bạn cố gắng sống một đời sống sống trong Chánh Niệm bằng hơi thở Chánh niệm vào ra. Hít vào ta biết hít vào, thở ra ta biết thở ra và khi hít vào, thở ra chúng ta quán chiếu rằng tất cả mọi chúng sanh đều có gốc rễ thiện lành để từ đó hằng thuận với cái sự thiện lành nởi ta, nơi bổn nguyên thiện lành của ta nó sẽ vươn ra thành cành lá Bồ Tát từ bi, chân thật để trổ quả Phật tức là sự an vui và bình an cho muôn người. Phật tức là an vui, hạnh phúc; Bồ Tát là từ bi, yêu thương; gốc rễ của chúng ta là thiện lành. Gốc rễ thiện lành trổ cành lá từ bi chân thật để khởi nguồn cho hạnh phúc và an vui nơi ta và mỗi người. Đó gọi là hằng thuận chúng sanh.

Các bạn thân mến, cám ơn các bạn đã nghe qua bài chia sẻ ngày hôm nay. Chúc các bạn luôn hằng thuận chúng sanh với cái tâm tánh gốc rễ thiện lành nơi ta để khởi nguồn từ bi Bồ Tát yêu thương để trổ quả an vui và hạnh phúc, quả Phật trong đời. Và luôn luôn liên thông, dung thông với muôn loài, muôn vật bởi gốc rễ của ta và mọi loài, mọi vật đều là thiện lành Phật tánh cao sang.           

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts