Search

Muốn Trở Thành Đại Gia Không?

Tâm Sĩ đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và trên Facebook Chùa Xá Lợi.  

Các bạn thân mến,

Chúng ta luôn luôn gặp những điều bất như ý, những thử thách trong cuộc đời. Càng gặp nhiều thử thách, có nhiều người càng vững chãi hơn, nhưng lại có nhiều người nhụt chí, sợ hãi.

Có một câu chuyện kể như vậy: Có hai anh em ruột, cha mẹ là thương buôn. Khi cha mẹ mất đi, hai anh em nối nghiệp cha mẹ để đi buôn. Chuyến buôn đầu, hai anh em mang vốn ra cho nhiều, bởi truyền thống ngày xưa gia đình luôn thành tựu, cho tới thời cha mẹ buôn bán thịnh vượng, thành công lắm. Chuyến buôn đầu đời, hai anh em cùng đi với nhau, trên đoạn đường đi xa, mua đồ thật là nhiều, hai anh em bàn với nhau nhất định trong chuyến buôn này, anh em chúng ta sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận lớn.

Trên đường trở về hai anh em vui vẻ nói chuyện với nhau, nhưng lại có kẻ ở dọc đường nghe được anh em nhà này là thương buôn, của cải quá nhiều, cho nên vào đêm tối, một nhóm trộm đã rình trộm lấy hết đồ đạc. Hai anh em thức dậy, thấy chuyến buôn đầu tiên bị mất hết, buồn lắm. Khi trở về nhà tay trắng trắng tay. Người anh biết bao nhiêu vốn liếng của cha mẹ để lại đi buôn mất hết, người em cũng vậy. Từ đó người anh không bao giờ đi buôn nữa và nguyện rằng không muốn đi buôn nữa, thất bại bị trôm cắp không còn. Người em không biết phải nói sao khi trắng tay, nhưng dòng máu thương buôn trong lòng vẫn còn.

Tích lũy một thời gian được ít tiền, người em lại đi buôn. Chuyến đi buôn này không có người anh, nhưng trên đường đi buôn thôi, chưa mua được hàng hóa, lại có kẻ trôm rình rập lấy hết tiền, người em trở về tay trắng trắng tay. Người anh khuyên người em rằng: Em ơi, chuyến trước đi hai anh em mình đã mất hết rồi, chuyến này em tích lũy được chút tiền cũng mất luôn thì còn gì mà buôn, thôi bỏ nghề buôn đi. Nghề buôn nghiệt ngã dọc đường gặp cướp thì sự thất bại đã rõ, hiểu cho thấu em ạ, hai lần rồi, em cần phải hiểu cho thấu sự thất bại này, và chúng ta đừng đi buôn nữa.

Người em không nói gì, cũng đi làm bình thường sau hai chuyến thất bại, nhưng dòng máu thương buôn cứ sôi sùng sục ở trong lòng, nghĩ đến sự thành công của ông bà cha mẹ, người em suy nghĩ kỹ, tích lũy lại được một số tiền, xong lại đi buôn bán. Chuyến buôn này trộm không ăn cắp được, bởi anh ta khéo léo đi không nói về không ai hay. Chuyến buôn đó anh ta thành công, kiếm được tiền, anh rủ người anh đi, người anh từ chối, cho đó là sự may mắn thôi. Chuyện thương buôn xui xẻo, thử thách quá nhiều, anh cảm thấy ngao ngán không muốn đi, thôi chú cứ đi làm đi.

Thế rồi người em cứ tiếp tục đi buôn, gặp thử thách không sợ. Mỗi lần bị mất mác, thất bại, người em về nhìn lại tấm gương của ông bà cha mẹ, suy nghĩ thật là kỹ vào trong mọi thử thách đó, thấy được làm sao để vượt qua. Suy nghĩ thật là kỹ, nhìn rõ vào sự thất bại đó để làm sao đi tới sự thành công. 

Trải qua vài năm, người em trở thành giàu có, ai ai cũng biết tới. Ngược lại người anh không đi buôn vẫn như vậy, càng ngày càng nghèo, chẳng có tiến bộ trong thương trường, bởi sợ hãi khi gặp thử thách và thất bại, đồng thời cứ nằm nhà làm nghề bình thường, công ăn việc làm thì không có, thất thểu đây đó, việc tiêu xài lại càng nhiều, càng ngày càng nghèo. Còn người em biết trực diện với sự thất bại, đối diện với thử thách, tiến lên càng ngày càng giàu.

Các bạn thân mến,

Câu chuyện thực tế, rất là thực tế, ở đời ai cũng gặp thử thách, nhưng khi thử thách tới, chúng ta không dám trực diện với thử thách đó, không đủ sức mạnh để vượt qua thì sẽ bị thất bại ngay, đến khi bị thất bại, chúng ta nghĩ đời quá nhiều thử thách đưa đến thất bại, chúng ta không dám trực diện với sự thất bại đó, để nghiên cứu đưa đến sự thành công. Và rồi càng tránh xa sự thất bại, càng trốn tránh sự thử thách, thì cuộc đời con người chúng ta càng thất bại, càng bị suy sụp. Chân lý hay lắm, là ở chỗ chúng ta đừng sợ trực diện với thất bại và thử thách.

Lời dạy của Đức Phật đi vào cuộc đời cũng thật rõ, nhắc nhở cho chúng ta phải trực diện với những thất bại trong cuộc đời, phải nhận rõ những thử thách đã tới trong cuộc đời, để có một sự chuẩn bị vươn lên khi thử thách tới, để có một sự chuẩn bị vượt qua mà không gây ra sự thất bại.

Đạo Phật dạy cho chúng ta không trốn tránh sự thất bại, sự thử thách, mà Đức Phật khích lệ chúng ta phải luôn luôn nhìn nhận sự thất bại đó, nhận rõ sự thất bại đó, tư duy cho rõ chúng ta thất bại trong cuộc đời, trong đời sống tâm linh để gây khổ, gây phiền não cho chúng ta. Chúng ta phải nghiên cứu nhìn rõ, tư duy. Và rồi thử thách tới trong cuộc đời cũng không sợ, phải trực diện nhìn rõ, để chúng ta tư duy thấu hiểu thử thách đó, làm giảm tối thiểu sự thất bại trong cuộc đời. Thất bại về tiền bạc buôn bán làm ăn, thất bại về tình cảm trong gia đình, thất bại về sự tương tác với khách hàng hoặc sự giao hảo với người khác. Chúng ta đều cần phải nhìn nhận sự thất bại một cách rõ rang và nhìn vào sự thử thách để chúng ta học hỏi nghiên cứu và vươn lên.

Đức Phật dạy cho chúng ta tất cả những khổ đau đều là do sự thất bại, bởi chúng ta nhìn không rõ, không thấu, do đó khi đau khổ tới trong cuộc đời, chúng ta phải nhận diện ra nó, phải dành thời gian nhìn để chiêm nghiệm, thấu hiểu nó. Chiêm nghiệm nhìn rõ trong sự thấu hiểu, nhất định các bạn đúng như lời Phật dạy, chúng ta sẽ bừng tỉnh và nhìn ra phương thức, phương pháp để đưa tới hành động thoát khỏi sự thất bại kia, để rồi đưa đến sự thành công.

Thử thách làm cho chúng ta trưởng thành hơn nếu chúng ta trực diện, còn nếu chúng ta trốn tránh, chúng ta sẽ dần dần mai một đi dũng khí của mình. Thất bại chúng ta biết trực diện nhìn rõ, đào sâu để nghiên cứu, sẽ đưa đến sự thành công. Còn thất bại rồi chúng ta sợ hãi, không dám trực diện sự thất bại, sự thử thách, như người anh càng ngày càng nghèo càng thất bại. Còn người em thất bại một lần, thử thách một lần, tiếp tục nghiên cứu học hỏi đi tiếp. Lại thất bại lần hai, thử thách lần hai lớn hơn, anh ta tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, cuối cùng là gì, là anh ta đã thành công, trở thành người giàu có, nối bước con đường của cha mẹ.

Sự thất bại chuyến đầu là bởi không chỉ mua được hàng, đi đường cứ nói chuyện, để kẻ xấu nghe thấy chúng ăn cướp. Thất bại lần hai đem vàng đi lỉnh kỉnh quá, tiền bạc nhiều quá, để người ta nhìn thấy mà ăn trộm. Lần ba thì anh ta hiểu được, đi thì âm thầm buôn bán, về thì lặng lẽ bán buôn, nhờ vậy anh ta đã thành công. Trong sự thất bại và thành công đó, anh ta nghiên cứu làm sao để bảo vệ những chuyến hàng vận chuyển về, nghiên cứu để khi đi người ta không biết có mang tiền mang bạc theo.

Cuộc đời của chúng ta Đức Phật dạy thật là rõ. Trên chuyến buôn của cuộc đời, chúng ta buôn cái gì? buôn sự thanh tịnh, chúng ta mang cái gì, mang cái tâm thiện lành. Cho nên khi bạn mua sự thanh tịnh bằng dốc lực của mình, thực hành những pháp thiện, bằng tâm thiện lành, thì mọi thất bại, mọi thử thách trong cuộc đời, sẽ là lực thúc đẩy các bạn, đưa đến sự thành công.

Trên con đường tu, y như người đi buôn, chúng ta gặp thử thách nhiều, chúng ta sợ, chúng ta thất thối tâm tu tập. Chúng ta gặp thất bại chúng ta đổ thừa, a… tôi đi tu nên tôi bị thất bại về làm ăn, về tình cảm, về phương diện này, phương diện kia, rồi từ đó chúng ta bỏ tu.

Người đi tu cũng như người thương buôn, phải nghe theo lời Phật, để đón nhận và nhìn nhận một cách trực diện, thật rõ, những thất bại trong cuộc đời trên con đường tu, để từ đó chúng ta thực tập chánh kiến, chánh tư duy của nhà Phật, nhìn cho thấu, nhìn cho rõ, để buông những cái không cần thiết, mà mang theo những hành trang cụ thể, rõ ràng hơn trên chuyến buôn, trên cuộc hành trình tu tập tâm linh, thì chúng ta sẽ thành công mà thôi. Bỏi không một sự thành công nào mà không trải qua sự thất bại, mà không phải đương đầu với sự thử thách.

Các bạn, cuộc sống hiện tại Phật tử tại gia chúng ta thử thách thật là nhiều, và cũng nhiều lần chúng ta bị thất bại, các bạn đừng sợ. Hãy như người em, trực diện với thất bại, nhìn thẳng vào thử thách, nghiên cứu cho rõ, và tịch tĩnh khi nhìn thấy trong chúng ta vẫn còn vốn liếng thật là nhiều, vốn liếng đó là tâm thiện lành, tâm hiền lương của chúng ta. Hãy mang cái vốn đó ra, để chúng ta làm một chuyến trao đổi buôn bán trong cuộc đời trầm luân này, để chúng ta gặt hái được nhiều lợi nhuận của sự an vui và hạnh phúc.

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts