Search

Lời Phật Dặn Dò

Tâm Sĩ đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và trên Facebook Chùa Xá Lợi.

Các bạn thân mến,

Hôm nay Bảo Thành mang lời của Đức Phật đã dạy trong Kinh Đại Bát Niết Bàn vào những ngày cuối khi Đức Phật ra đi, nhắc nhở lại cho các đệ tử của Ngài những bài học vô giá, để cho hàng Phật tử tại gia, cũng như chúng Phật tử xuất gia, lấy đó để thực hành.

Một vị Thầy vĩ đại là một vị Thầy luôn quan tâm đến đồ chúng của mình. Đức Phật là một vị Thầy vĩ đại. Ngài luôn luôn trong từng giây phút, suy nghĩ ra những phương thức để truyền dạy cho đệ tử của mình, làm sao đó có thể đi theo con đường chánh pháp, tạo dựng phước báu, giữ được đức hạnh để đời bớt khổ, bớt phiền não, thêm vui, hạnh phúc và an lạc.

Trong cuộc sống hằng ngày, Phật tử chúng ta có nhiều khi mệt mỏi quá, chúng ta thường nói câu: chỉ cần xin hai chữ bình an là đủ. Đúng mà, chúng ta chỉ cần xin hai chữ bình an. Nhưng ở trên đời này bình an nó chạy đâu rồi, tìm không thấy, nó xa vời vợi, mà chúng ta đi tìm chẳng bao giờ thấy mặt của bình an, để biết bao phiền não, đau khổ chồng chất trong cuộc sống hằng ngày. Từ sáng sớm khi tiếng gà vừa gáy, có nhiều bạn đã phải thức giấc, để bươn chải làm ăn kiếm sống nuôi gia đình, đến khi trời tối mịt, mới trở về mệt nhoài, ăn được bữa cơm với vợ, với chồng và các con xong thì nằm xuống say vào giấc ngủ, để tìm được một giây phút tịch tĩnh có lẽ hơi khó trong cuộc sống, mà chúng ta phải chạy đua với thời gian, với công việc.

Ngày xưa ông bà mình sống ruộng đồng thẳng cánh cò bay, miếng ăn miếng uống dư dã, và hình như sống là để vui, để bình an, sống để hưởng thụ phước lộc của ông bà để lại. Ngày nay sự an nhàn của ngày xưa đã tiêu theo mây khói, cứ lòng vòng, cuống cuồng chạy theo nhịp sống không đều cao thấp, lẫn lộn vui buồn làm cho chúng ta say, chúng ta xây xẫm mặt mũi, chóng mặt, về nhà nhiều người quanh đi quẩn lại mới mấy mươi tuổi đầu mà nhìn trong gương giống như ông cụ, nhìn đã nhạt phai.

Cho nên trong những ngày cuối Đức Phật dạy: Này các con, khi ta ra đi, giới của ta truyền là điều phước báu vô cùng. Bởi giới làm cho người què được lành, được đi cho vững. Giới làm cho người mù sáng mắt thấy đường mà đi. Giới làm cho người mê thức tỉnh để nhận rõ. Giới làm cho người bệnh tiêu tan bệnh. Giới làm cho tâm rối loạn được bình tĩnh, thanh tịnh. Giới làm cho tất cả những cái xấu lìa khỏi chúng ta, nhường chỗ cho cái đẹp. Giới làm cho đau khổ không còn tồn tại, hạnh phúc hiện diện. Giới làm cho sự giao hòa giữa người và người không còn phân rẽ hơn thua. Giới rất cao trọng cho nên các con nhớ khi ta đi các con phải giữ giới. Đó là lời Phật dạy, bí quyết tối thượng, đưa chúng ta tận hưởng cuộc đời hạnh phúc bằng giữ giới.

Phật tử chúng ta có thể có một số bạn đã qui y. Qui y tức là nương vào Phật, Pháp và Tăng. Qui y Phật là nhận Phật làm Thầy, qui y Pháp là nhận giáo pháp, sự hướng dẫn, sự giáo dục của Phật để chúng ta sửa. Qui y với Tăng là thực tập đời sống dung hòa, dung thông với mọi loài, không cao thấp bình đẳng tánh trí. Khi chúng ta biết qui y với Phật Pháp Tăng, chúng ta được thọ năm giới. Có lẽ năm giới trong cuộc đời các bạn thường không muốn giữ, nhưng như lời Đức Phật dạy. Giới có công năng làm cho người già được trẻ, người bệnh hết bệnh, người què được đi, người mù được thấy, tâm trí rối loạn được bình tĩnh sáng suốt.

Giới rất quan trọng, chúng ta đừng phân tích quá sâu giới như thế nào, nhưng nhớ cái miệng chúng ta xử dụng mỗi một ngày, hành động chúng ta tương tác mỗi một ngày, không nói đến ý tưởng trong đầu không ai nhìn thấy, nhưng ngôn từ xử dụng ai cũng nghe được, hành động và đối ứng ai cũng nhìn rõ.

Giới trong nhà Phật có năm giới không sát sanh, thì miệng của chúng ta đừng nói những lời ghê gớm nguy hại đến người khác. Với một lời chúng ta nói như trút độc ô nhiễm cả thành phố, mà ngày nay phương tiện ghê gớm các bạn ơi. Một lời nói ra được ký tự trên văn, chữ, lưu trữ truyền bá trên mạng, chạy ngược xuôi trên thế giới đều hay. Cho nên chớ sát sanh, chẳng thể mang súng mang ống để giết người, sẽ bị bắt nhốt tù ngay. Nhưng chúng ta vẫn mang súng ống trên ngôn ngữ, cài đặt vào điện thoại, biến thành ngôn ngữ chữ viết, để đặt trên nền tảng của các trang mạng xã hội, lưu truyền lan tỏa giết hại biết bao nhiêu người, giết hại cả nhân phẩm của chúng ta.

Chúng ta phải cẩn trọng, bởi giới sát sanh bằng ngôn ngữ nếu không giữ, chúng ta sẽ làm tổn hại đến thanh danh của chúng ta, của gia đình và của Phật nữa. Chúng ta đang giết chết chúng ta và làm ô nhiễm cuộc đời, cần phải giữ giới sát sanh các bạn. Chúng ta không nói đến việc giết các loài thú để hưởng để ăn, chuyện đó bàn sau. Nhưng chuyện mà mỗi ngày chúng ta vẫn phạm giới sát sanh là do từ miệng chúng ta xử dụng ngôn ngữ, các bạn suy nghĩ coi có đúng không. Nhiều lúc ngôn ngữ của chúng ta sắc bén dữ lắm, hại người hại vật, rồi còn phóng tác ra những loại ngôn ngữ viết, nguy hại vô cùng, toàn là nhục mạ, sát hại, bất an, gây chia rẻ hiềm khích chiến tranh.

Giới sát sanh bằng ngôn ngữ ai cũng phạm, Bảo Thành phạm nhiều lắm, chúng ta phải sửa nghe các bạn, mà khi sửa, giữ được giới này, giới này là giới quan trọng đối với Phật tử tại gia, giúp cho chúng ta môi tươi, cười tươi, cuộc sống hạnh phúc, gia đình Cha Mẹ, Ông Bà thọ, vợ chồng chung thủy, con cái có hiếu đạo.

Giới thứ hai là chúng ta đừng có trộm cắp. Chúng ta cứ hay trộm cắp danh dự của người khác, lấy trộm danh của người khác, tiếng tăm của người khác để làm bậy. Mượn danh Phật, mượn danh Tổ, mượn danh Thầy, mượn danh Ông Bà Cha Mẹ mà làm toàn chuyện bậy không, đó cũng là giới trộm cắp, trộm thanh danh của hiền thánh, để làm ô nhục cửa Phật, ô nhục cuộc đời và cuộc sống,

Chúng ta phải giữ. Đừng trộm cắp, phải sống chân thật với chính mình, chân thật ở chỗ, nếu có người đối xử với chúng ta như vậy, thì xét lại chúng ta đã từng đối xử với họ như thế để sửa mình, đừng bao giờ bù lu bù loa rằng: người ta ác, đối xử với tôi như thế, không cần. Giới thứ hai giới trộm cắp, hiểu theo nghĩa đó cũng nhẹ lắm, là bởi vì chúng ta đã từng làm cái đó bằng ngôn ngữ hành động. Chúng ta không lấy của người, nhưng chúng ta có thể lấy danh dự của người một lời nói hay một điều gì đó cảm xúc ghi lên trên Facebook, trên mạng, chúng ta vẫn đã lấy mất đi danh phẩm của người khác, hạ nhục người đó.

Bảo Thành có thể đi tới năm giới liên tục. Giới thứ ba là giới xâm chiếm, xâm phạm đến quyền sở hữu cơ thể, mà không được sự đồng ý. Đó cũng là một giới phạm, ngày nay chẳng cần gặp người, mà chúng ta thấy rằng hệ thống phát triển như Bảo Thành thường nói là Facebook, Twister, Zalo, các trang mạng, thay vì chuyển tải những điều hay ý đẹp, chúng ta đã lợi dụng quá mức để tạo ra nghiệp, chưa kể đến vấn đề chúng ta nói dối ở trên mạng. Ôi chu choa, lên trang mạng rồi, viết toàn những chuyện không tưởng, rồi còn mang những ngôn ngữ say sưa, độc hại, để cho người khác thưởng thức, đâm ra say sưa mất đi trí tuệ.

Chúng ta nhớ, Phật đã dạy đừng bao giờ phạm giới, nói ở trên một khuôn mẫu thật nhỏ để dễ kiểm chứng, là khi chúng ta xử dụng đến trang mạng, ở trong cuộc sống hiện tại cần phải có, nhớ giữ giới ở trên mạng Facebook, Zalo, trên tin nhắn, bởi nó có sức mạnh phạm giới ở ngay chỗ đó và nó gây độc hại cho cuộc sống của chúng ta.

Các trang mạng điện tử, thông tin đại chúng trên Điện thoại, nhắn tín Zalo, Facebook, Twister nhiều lắm, đều là phương tiện chuyển tải lời hay ý đẹp, giáo pháp Như Lai qua năm giới. Ngược lại cũng rất tai hại nếu chúng ta không làm chủ được chúng. Đừng vào hùa với những thế lực khác, để thị oai thiên hạ, chứng tỏ mình hay, hóa ra mình đã làm tổn hại.

Đức Phật dạy: Này các con, khi Thế Tôn tịch diệt các con nhớ giữ giới, hai ngàn năm trăm sáu mươi mấy năm sau, ta đã phá giới ở trên mạng nhiều lắm.

Nay nói sơ qua để Bảo Thành và các bạn ý thức hơn, khi xử dụng phương tiện đại chúng. Đừng vì quá dễ dãi với bản thân để ngón tay bấm qua bấm lại, mà phạm cả năm giới hằng ngày, tổn phước báu không hay.

Cám ơn các bạn đã lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts