Search

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Cuộc sống cứ vội vã cứ vội vã và nó tạo cho chúng ta lật đật suốt ngày. Nếu có được gọi là thong dong thì có lẽ chỉ có những giây phút ngồi uống cà phê nói chuyện với bạn vào lúc buổi sớm rồi thì ai cũng phải vội vàng đi làm, dù là công nhân làm việc trong công xưởng hoặc làm văn phòng công ty hoặc làm trên đồng ruộng. Phương tiện nào cần làm để mưu sinh cũng thật bận rộn trong cuộc sống của thế giới ngày nay. Như các bạn cũng đã biết, có biết bao nhiêu thứ nó cứ chồng chất chồng chất. Ngay ở trong văn phòng thì có người không hoàn thành trách nhiệm của mình, đổ việc lên các bạn bè khác, hoặc ở trong công xưởng cũng có những con người thường mang công việc của mình đẩy đưa qua những người xung quanh. Rồi còn công việc trên đồng áng, nếu chỉ có một mình làm ta cũng đẩy qua vai của con trâu con bò hay con lừa. Và cả cuộc sống này khi gặp gỡ nhau ở trong gia đình, giữa tình nghĩa của đấng bậc sinh thành hay tình nghĩa của vợ chồng ta cũng thường hay đẩy đưa công việc và trách nhiệm cho người khác. Có lẽ đây là cái thói rất là thường của con người mà ta không để ý. Nhưng câu chuyện sau sẽ giúp cho các bạn hiểu thấu rằng không nên như vậy đâu. Trách nhiệm của ai thì mỗi người chúng ta phải hoàn thành trách nhiệm của mình. Không những thế, chúng ta còn phải có tinh thần hào hiệp hơn, biết nâng đỡ và giúp những người kề cận xung quanh ta. Câu chuyện kể như vầy:

Có một anh nông dân kia nuôi một con ngựa và một con lừa. Một hôm có một chuyến đi xa và phải mang theo thật nhiều hàng hóa. anh ngựa chẳng muốn mang một chút xíu gì nên giả đò yếu nằm bệnh, người nông dân thấy vậy nên chất từng đống từng đống lên lưng của con lừa, nặng hơn bình thường gấp bội lần. Lừa mới ghé ngang qua tai ngựa mà nói:” Anh ngựa, anh thật là khỏe thật là mạnh, sức của anh hơn tôi gấp đôi, nhưng trên lưng của tôi chủ nhân chất chồng quá nhiều thứ, vượt trội khả năng tôi có thể gánh gồng được. Hôm nay đi xa lại phải mang nhiều, anh có thể chia sẻ với tôi một chút như trách nhiệm thường nhật đó, anh có thể gánh bớt cho tôi một nửa được không, anh cũng vẫn làm như vậy mà”. Nhưng anh ngựa nói: “Không! Không! Không! Đó là số mệnh của anh phải gánh vác những chuyện như vậy, đó là chuyện riêng của anh, mệnh số của anh, nghiệp số của anh”. Rồi anh ngựa lý lẽ nhiều lắm, mang những ngôn từ như số mệnh đã được mặc định đã được an bài như số phận như nghiệp chướng, đủ thứ đủ thứ… Có lẽ anh ngựa này lắm chữ nhiều điều, mang kinh mang sách ra giải nghĩa để khước từ sự khẩn khoản của người bạn thân khi bị chất chồng quá nhiều. Đúng ra ngựa và lừa mà chia nhau thì nhẹ thôi, đó là chuyện làm bình thường của người nông dân. Nhưng hôm nay ngựa lại giả bệnh cho nên lừa phải gánh hết. Anh lừa rất là buồn, tuy nhiên chuyện phải làm vẫn cứ phải làm bởi ngựa đâu có tiếp dẫn chuyện đó cho mình. Chuyến hành trình bắt đầu và cuộc hành trình đi quá xa, con lừa mệt, mệt lắm, yếu dần yếu dần rồi kiệt sức và lăn đùng ra chết. Thế là người nông dân chẳng còn cách nào khác là mang tất cả những gì trên lưng con lừa chất hết lên lưng con ngựa. Ngựa cười chưa xong, bởi vì lừa đã chết, chưa kịp nhìn lại thì ông chủ đã chất tất cả lên lưng mình. Lúc này ngựa mới thấy được cái nặng thực sự mà lừa phải gánh, nó nặng trĩu nặng oằn trên lưng của mình. Bước chân đi khập khễnh mà tưởng chừng như sụp đổ bất cứ lúc nào và con mắt thì cứ mờ dần, chân rung như sắp sửa chết rồi vậy. Ngựa hối tiếc vô cùng, giá mà ta chia sẻ với lừa thì ta vẫn còn người bạn là lừa cùng chung sống và thân ta chẳng bị đày đọa gánh vác tất cả. Nhưng từ đây, mọi chuyện sẽ đổ lên đầu của ta và ta phải gánh gồng tất cả. Cũng chỉ vì một chút ta ích kỷ, chỉ nghĩ tới cái người của ta trong ta mà quên đi cái người ở trong người bạn.

Thân ta cao trọng hơn người – Người ta thấp bé nên mình dồn lên vai

Tội nghiêp! Tội nghiêp! Ngựa hối hận không kịp và ngựa đã khóc thực sự trong cảnh phải gánh gồng một mình biết bao nhiêu chuyện nặng nhọc.

Các bạn thân mến, câu chuyện rất bình thường, là câu chuyện của chú lừa và con ngựa. Nhưng ở trên đời nó có lý các bạn ạ, bởi biết bao nhiêu lần chúng ta – Bảo Thành và các bạn, thật là dễ dàng chê bai mặc định cuộc sống của người khác, số phận của người khác, nghiệp của người ta và chúng ta cứ chê, phỉ báng chì chiết “Ôi, nghiệp của anh mà, tai họa của anh đó, đó là số mệnh của anh, thật là tội nghiệp thấy thương quá”. Thương bằng miệng, nói bằng miệng nhưng trong ngôn ngữ từ miệng vẫn nặng trịch âm thanh chê bai, trách móc, nguyền rủa…Nặng lắm! Những ngôn từ như vậy, nhất là vào lúc mà những người thân, người ban, người ta hiểu ta biết, người ta gặp ở trên đời này đang đồng hành cùng với chúng ta vì nhân duyên gì đó mà phải gánh vác quá nhiều cần đến sự san sẻ nhưng ta đã làm ngơ. Ta đã bỏ qua, ta quay ngược lại chỉ trích họ như là trách nhiệm, như là nghiệp, số mệnh phải chịu. Để rồi cho tới khi người bạn lừa đó vong mạng ra đi, ta mới hối hận. Ở đời thật sự dễ chê bai chỉ trích người khác mà chúng ta nhất là ở trong gia đình, giữa vợ chồng hoặc là con đối với cha mẹ, chỉ trích nhau thật là dễ. Điều chỉ trích đó không khác gì ngựa không chấp nhận sự nhờ giúp đỡ của lừa. Đứng trên phương diện nói cho thật rõ thì con ngựa đã vô trách nhiệm bởi ngựa biết rằng ngựa và lừa đều được chủ nuôi trong nông trại thì hai con này phải san sẻ với nhau. Còn đứng trong bình diện của gia đình trong tình bạn tình người, chúng ta phải có trách nhiệm đối nhân xử thế với người thương yêu là đấng bậc sinh thành hoặc vợ chồng con cái hoặc những người bạn chúng ta có mối lương giao với nhau, đó là trách nhiệm, trách nhiệm trong tình người, trách nhiệm trong tình bạn. Thế vậy mà ta đã biết bao nhiêu lần, bao nhiêu lần các bạn và Bảo Thành đã cười lên, trên những gánh nặng của những người thân của chúng ta. Để rồi một mai con lừa mất đi, một mai người thân của chúng ta không còn, dù con ngựa kia có khóc, có những giọt lệ lăn dài trên gò má cũng trở thành vô nghĩa mà thôi. Đưa ngón tay ra chỉ trích người khác và đưa con mắt nhìn soi mói vào những điều sai trái, những điều mà người khác đang gặp phải thật là dễ. Nhưng cái cao quý của đời người không phải như vậy nghe các bạn. Cái đẹp của đời người là vẫn song đôi song hành, và vẫn đồng hành với nhau. Nếu là bạn đời vợ chồng vẫn song đôi song hành mãi cuộc đời ở chỗ là biết san sẻ gánh nặng cho nhau về vật chất tinh thần và cả về mặt tâm linh. Cuộc đời của chúng ta có cả 3 thứ: Vật chất, tinh thần và tâm linh, cả 3 phương diện này, là vợ vợ chồng chồng cần phải san sẻ gánh nặng từng chút từng chút cho nhau. Đối với ân nghĩa của đấng bậc sinh thành, phận làm con phải có trách nhiệm san sẻ niềm vui và nỗi buồn, tất cả như về tinh thần, vật chất và đời sống tâm linh. Trách nhiệm làm người ở chỗ là biết san sẻ – đó là trách nhiệm và bổn phận của một con người đúng mực. Hơn thế nữa khi là một Phật tử thì đây trở thành một hạnh nguyện mà chúng ta sẵn sàng phụng hiến cho tha nhân, cho bạn bè, cho những con người có lương duyên đi vào cuộc đời khi họ cần ta giúp đỡ, hoặc khi họ không cần ta giúp đỡ nhưng thấy sự nặng nhọc gian khó của họ, ta vẫn sẵn sàng trải lòng, mở tâm trí vòng tay ra để giúp đỡ. Đừng đợi để đến khi người ta phải quỳ lạy như anh lừa kia, chúng ta phải sẵn sàng bước tới để san sẻ chia sẻ. Đời là thế, là ta chỉ biết chỉ trích mà thôi. Đời là gì? Là biết chê bai, gièm pha và rồi nói người ta thế này thế kia, sai và đúng, nghiệp và nay kia đủ thứ…. Nhưng đạo phải khác, đạo là không chê bai chỉ trích, không gièm pha, đạo là dấn thân phụng hiến, đặc biệt trên con đường Phật đạo. Lòng từ bi phải lan tỏa thật rộng, phải ban rải và phải hướng tới, rải ra cho muôn người, không chờ đến lúc họ phải quỵ lụy van xin. Các bạn, sống với tinh thần này thôi thì xã hội này đẹp lắm, gia đình hạnh phúc lắm và tình nghĩa vợ chồng sẽ keo sơn muôn thuở và chúng ta còn có các đấng bậc ở trên như cha mẹ sẽ hạnh phúc biết bao khi phận làm con có trách nhiệm hiểu đúng nghĩa. Không phải sẵn sàng bò ra như con lừa con ngựa, mà sẵn sàng mở rộng trái tim như một người Phật tử, biết phụng hiến cho cha mẹ cho vợ chồng con cái, cho nhân quần xã hội. Đó là trách nhiệm của hạnh nguyện học Phật pháp. Nhiều bạn trong chúng ta học về Phật pháp nhưng lại coi nhẹ về góc độ này, ưng ý thì xả thân còn không ưng ý chúng ta giống như con ngựa – giả bệnh, giả đau, giả đò. Hóa ra làm người không muốn, muốn giả làm con đò nằm ở đó (Phân tích chữ “giả đò” theo kiểu này các bạn có ưng hay không, hihi…). Giả đò có nghĩa là người không muốn, giả làm con đò để đưa chuyện này chuyện kia – đò đưa mà, chuyện đò đưa.

Giả đò đưa chuyện đó đây – Tạo ra nghiệp chướng có ngày than thân

Các bạn thấy không, cho nên hãy làm người Phật tử với trái tim rộng mở, với lòng yêu thương và với chân tình thực sự nghe các bạn. Lừa thực sự cần sự giúp đỡ đã ngỏ ý, lòng sẵn sàng kia ngựa cũng phải giúp. Cho nên trong cuộc đời ta có lương duyên gặp gỡ nhau trên phương diện nào đi nữa, giữa tình nghĩa của đấng bậc sinh thành, vợ chồng con cái hay tình bạn hay chỉ là người trong xã hội thì hãy nhớ trách nhiệm của người Phật tử là phải phát nguyện phụng hiến cho tha nhân, không cần biết người đó là ai cũng chẳng đợi chờ họ phải van xin cầu lụy, mà hãy xả thân ra để giúp đỡ. Cảm ơn các bạn đã nghe.

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts