Search

Xả Buông Để Phụng Hiến

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Các pháp tu của con người ngày nay đã được truyền bá nhiều ở trên các phương tiện đại chúng. Đặc biệt ngày nay chúng ta có cơ hội học được Phật pháp, không những từ trong chùa, mà không những từ một vị sư phụ nữa. Chúng ta có thể học nhiều từ các bậc tôn túc, ngay cả những bậc nổi tiếng hoặc những bậc được mọi người yêu mến, từ những thiền viện am thất chùa chiền xa xôi hẻo lánh chưa có cơ hội đi tới nhưng vẫn có thể nhìn thấy ở trên mạng để học hỏi. Đa phương tiện là một sự kỳ diệu để mang pháp Phật tới cho chúng ta tu và dĩ nhiên chúng ta trong thời đại này có nhân duyên cao quý đó. Đây là một sự cần phải được tán thán để trong chúng ta ý thức rằng ở đâu ta cũng có thể tu được. Phương tiện này dẫn nhập vào cuộc đời mọi nơi mọi lúc mọi thời gian hay mọi quốc độ. Thật là một sự kỳ diệu vô cùng!

Kể đến một câu chuyện của một vị nhà bếp thuở xưa, tới một thiền viện thật là lớn rất đông thiền sư. Ông sư này chỉ xin vào làm trong nhà bếp mà thôi. Từ thuở vào làm trong nhà bếp, ông làm thật là khéo. Mỗi một ngày vị sư này phải nấu những cái nồi thật lớn – sữa bơ và đồ ăn cho thiền sinh trong thiền viện. Thiền sinh thì quá đông nên ít người muốn làm việc ở trong bếp. Vị sư này khoẻ, chỉ làm trong nhà bếp quanh năm suốt tháng liên tục như vậy, tâm hoan hỉ, miệng luôn cười. Từ thuở nhà bếp không ai muốn tới, không ai muốn vào làm việc cho tới khi vị này vào làm việc trong nhà bếp một thời gian thì ai ai cũng muốn lui tới nhà bếp hoặc ghé ngang một lần thăm hỏi, ngồi ở đó và sẵn sàng muốn vào nhà bếp để làm việc chung với vị sư này. Cả cái thiền viện đó, từ thiền sinh đến cả vị viện chủ cũng ăn uống và đều có cảm nhận rằng: Từ thuở vị sư này vào làm trong nhà bếp thì nơi đây có một năng lực kỳ diệu, làm cho mọi người hoan hỉ an vui và ai cũng muốn lui tới trong nhà bếp, nhưng chẳng biết nó như thế nào. Thật là kỳ diệu và khó hiểu! Trải qua mấy mươi năm trời từ khi vị sư ở đó, người người cứ lui tới nhà bếp và những cái nồi to lớn như vậy đều được vị sư này nấu thật là ngon, cúng dường cho cả thiền viện. Nhưng sau bao năm làm việc, thọ mạng đã tới, vị sư nhà bếp này viên tịch – tức là chết, và người ta là một lễ Trà Tỳ (hỏa thiêu) thì các vị cao tăng ở trong thiền viện ngồi chung quanh để tụng kinh hồi hướng cầu siêu cho một vị sư nhà bếp mới chết, và để tri ân công đức của vị sư này đã bao nhiêu năm trời hy sinh tận tụy tận hiến phục vụ thiền viện. Trong khi mọi người đang tụng kinh như vậy, lửa được đốt lên và khi lửa cháy đến phần đầu của vị sư nhà bếp kia thì người ta thấy những vòng tròn hào quang ngũ sắc lần lượt hiện lên bay lên bay lên… Một vòng, rồi đến hai vòng rồi thật nhiều vòng ánh sáng ngũ sắc hiện ra từ đảnh đầu của vị sư đó liên tục hiện và bay lên. Toàn bộ thiền sinh trong thiền viện, và ngay cả viện chủ, những vị lão sư, thạc đức trong thiền viện tụng kinh đều chứng thấy, ai cũng kinh ngạc và nhận thức ra rằng: Vị nhà sư đầu bếp này đã chứng đắc, đi đến sự thanh tịnh tuyệt đối chứng đắc. Từ đó người ta cứ râm ran kể về vị sư nhà bếp này. Có người kể rằng vị sư này tới nhà bếp chẳng đọc một câu kinh, chẳng làm một cái gì ngoài sự hoan hỉ tận tụy phục vụ. Nhưng sau nay người ta mới tìm hiểu ra và nhận thấy rằng: Đúng, trước khi vị sư này tới làm đầu bếp, ông ta một thời đã có tất cả như tiền tài danh vọng địa vị đều có hết, nhưng cuối cùng đã ngộ ra rằng tất cả những thứ đó chẳng là gì, nên từ bỏ tất cả, không ôm ấp thứ gì, ngay cả tiền tài danh vọng địa vị, kinh điển. Chỉ với một tâm hạnh hướng đến ngài Quan Âm tức là ngài Quan Thế Âm Bồ Tát, có tấm lòng độ sanh nên phát tâm phụng hiến, nấu để phụng dưỡng cho các thiền sinh và vị viện chủ ăn, tu đến sự chứng ngộ. Chỉ với một tâm hạnh duy nhất như vậy – phẩm hạnh của ngài Quan Thế Âm Bồ Tát là phụng hiến cho tha nhân, hy sinh tất cả, chẳng tiếng kinh cũng không tiếng mõ, một chữ trong kinh không ôm không ấp không chất không chứa, một danh, một địa vị cũng chẳng màng tới. Chỉ là một người biết hiến dâng cho cuộc đời và danh tiếng của vị sư đầu bếp này được truyền lại cho muôn đời. Đây là một câu chuyện về một vị nhà bếp của Tây Tạng, một vị lão sư nổi tiếng mà người Tây Tạng ai cũng biết.

Các bạn thân mến, hàm ý trong câu chuyện này dẫn đưa chúng ta tới tinh yếu trong nhà Phật là “Phục Vụ Quần Sanh”. Dĩ nhiên chúng ta không phản bác hoặc phủ nhận công phu tu tập của các thiền sinh, viện chủ, các bậc minh sư hay các bậc đại sư ở trong thiền viện. Nhưng để tán thán công hạnh rằng mỗi một người chúng ta đều có những phẩm hạnh riêng biệt và có phước báu thực hiện phẩm hạnh đó bằng tâm như thế nào. Nếu chúng ta có đủ phước báu để nghiên cứu kinh sách làm viện chủ, làm chủ trì, làm Phật tử, doanh nhân, người giàu có hay bất cứ một địa vị nào trong xã hội mà chấp vào cái phận đó, cái danh đó để thể hiện thì chẳng thể tu đâu. Tu theo pháp của nhà Phật là tu pháp xả ly tất cả mọi tục lụy trong cuộc đời. Chính vị sư nhà bếp này, chẳng mong cầu gì khi tới thiền viện, chẳng mong cầu những điều gì được gọi là tán tụng trong kinh trong sách, trong những ngôi vị phẩm trật của giáo hội, thiền viện. Nhưng chỉ có một tấm lòng duy nhất là phụng hiến giúp đỡ cho các bậc thiền sinh, viện chủ đại sư có đủ miếng ăn để mà tu đi đến sự chứng đắc. Chính tâm hạnh miên mật buông xả tất cả, không có chấp, không có dính đó, mà chỉ là đầu bếp bình thường, vị sư này đã đi tới sự chứng đắc. Chúng ta trong cuộc sống hiện tại vì có biết bao nhiêu hoàn cảnh khác biệt, có các bạn chưa một lần có thể tới chùa, chưa một lần có thể gặp được các vị sư phụ hoặc các bậc xuất gia. Nhưng ít nhất các bạn đã nghe được lời kinh tiếng kệ, đã nghe được giáo lý của nhà Phật, các bạn chỉ cần mang chân lý của nhà Phật ứng dụng vào thế đứng nơi xã hội các bạn đang có. Là doanh nhân hay là công nhân, hay là nông dân hay chỉ là người dọn dẹp làm thuê làm mướn mưu sinh qua ngày, hay là học trò học sinh, hay chỉ là người mẹ ở nhà nuôi nấng con cái ở gia đình hay là người cha lao lực trong xã hội, bất cứ tình huống sinh hoạt nào của hoàn cảnh các bạn đang có đều có thể được nâng tầm đi đến sự giải thoát bằng tâm ở bên trong, làm việc cũng rất bình thường nhưng thể hiện được tâm phụng hiến cho muôn người. Chẳng chấp vào kinh, chẳng chấp vào phẩm vị mà đi tới chỗ nâng tầm cho chúng ta. Bởi cuộc sống này có cái thế phước báu ta đang hiện diện, chỉ cần đưa vào đó cái tâm, tâm hạnh Bồ Tát phụng hiến tha nhân thì chúng ta sẽ tự nâng tầm của mình siêu thoát khỏi sự ràng buộc chấp trược, của mọi cảnh giới thế gian. Đạo Phật cao siêu, lý nhiệm màu ở chỗ không có phân biệt lý và tánh, phẩm vị và danh phận, mà chỉ phân biệt ở chỗ là ta có thực hành bằng tâm chân thành hay không. Đạo Phật không cầu kỳ trong văn tự trong nghi lễ. Đạo Phật là sửa sai đi tới sự toàn diện của tâm thức thanh tịnh, biết buông bỏ để thể hiện tình yêu thương, biết phụng hiến để biết san sẻ che chở. Vị sư kia làm việc trong nhà bếp với một tâm phát nguyện rằng mang tâm Bồ Đề – tâm Bồ Tát phụng hiến cho thiền sinh. Nấu cho thiền sinh và viện chủ ăn để thiền sinh và viện chủ thành tựu. Và với tâm hoan hỉ như vậy, cả cuộc đời ông ta khi ở thiền viện chưa bao giờ đi lên chánh điện để mặc y áo đang hoàng, để rồi tụng kinh, để rồi ngồi với các hàng đại sư cao cả, mà chỉ ở trong nhà bếp. Xông khói của nhà bếp tạo thành những món ăn, nấu những cái nồi thật lớn cho thiền sinh cho viện chủ cho các vị đạo sư trong thiền viện được nuôi dưỡng mà tu. Chúng ta, chúng ta có hành một điều gì trong pháp thiện của Phật, không phải nuôi dưỡng viện chủ, thiền sinh hay người này người kia mà là nuôi dưỡng tâm hạnh yêu thương của chúng ta hay không? Nếu chúng ta không biết nuôi dưỡng tâm yêu thương từ bi thì còn pháp nào để cho các bạn thành tựu? Nếu chúng ta không biết nuôi dưỡng tâm từ bi yêu thương thì còn chùa nào phẩm vị nào, ngôi vị nào, có thể đưa các bạn đến sự thành tựu? Chúng ta hãy bắt đầu đi từ sự thay đổi để tự nuôi dưỡng tâm từ tâm bi của mình, để làm việc với tâm đó thì dù ở mọi góc độ trong cuộc đời – có quyền chức, có danh phận, có quyền lực hay chỉ là một người rất bình thường trong xã hội, chúng ta đều có thể ứng dụng Phật pháp khởi nguồn từ tâm hạnh yêu thương từ bi ở ngay ngôi vị, địa vị, thế đứng của chính mình để ứng dụng đi đến sự thành tựu pháp Phật cao siêu. Chỉ là vị nhà bếp thôi mà đã trở thành chứng đắc, hào quang ngũ sắc tỏa ra toàn thân khi thiêu. Chúng ta không cần đợi đến chết để thấy hào quang ngũ sắc mà mỗi một hơi thở vào ra, mỗi một bước chân an lạc trong cuộc đời với tâm hạnh yêu thương, sẽ lan tỏa pháp Phật hiện thân trong cuộc đời bình thường của mỗi người chúng ta. Đó là lý nhiệm mầu của Phật đạo. Các bạn đã nghe nhất định các bạn sẽ thành công, không cần phải từ bỏ danh phận của mình, không cần tìm kiếm những gì cao siêu mà hãy tiếp cận với tâm từ bi vốn có và nuôi dưỡng nó thì hào quang ngũ sắc thanh lương từ tâm đức của các bạn sẽ lan tỏa chẳng đợi đến giây phút chết để được thiêu. Cảm ơn các bạn đã nghe.

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts