Search

Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký

Bảo Thành kính chào các bạn đang ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Các bạn thân mến, cuộc đời như một vòng tròn xoay mãi và khi chúng ta đứng trong cái vòng tròn đó, nó xoay nó xoay và cái tốc độ nó xoay sẽ tăng dần theo năm tháng bởi tuổi đời của con người dần sẽ già đi. Tại sao? Bởi chúng ta có biết bao nhiêu những kỳ vọng ước muốn. Khi tuổi đời trôi qua và khi chưa thành tựu được nó thì lòng ham muốn của chúng ta sẽ dâng cao và thế là ta cứ phải chạy rượt theo những ước mơ đó. Còn cái vòng tròn của cuộc đời nó cứ xoay và tăng tốc theo tuổi đời lớn dần. Dĩ nhiên khi tuổi đời của chúng ta lớn, sức khỏe đã hao mòn và với vòng xoay quá nhanh ta dễ bị gục ngã trong cuộc đời. Đó cũng chính là vì lòng tham của con người cứ thò tay vào vòng danh lợi của cuộc đời mãi mà không biết đủ, và không biết khéo léo ứng dụng được các phương tiện trong cuộc đời, không hiểu rõ được cặn kẽ lời của những người đi trước giáo dưỡng hướng dẫn cho chúng ta. Phần đông chúng ta cứ tự ý làm theo những suy nghĩ, suy diễn của riêng mình, ít có khi nào lắng lòng suy nghĩ để rồi khi xảy ra chuyện, chúng ta mới so sánh lại với lời của người xưa, rút tỉa ra kinh nghiệm thì thấy đúng nhưng tiếc là nó đã muộn rồi. Cuộc đời mà, đã có biết bao nhiêu lần đã lầm lỡ, biết bao nhiêu lần đã sai và biết bao nhiêu lần chúng ta đã từng nói rằng chúng ta đã quá muộn màng. Thế nhưng tất cả sau đó chúng ta lại không nhớ, phải chăng con người ích kỷ ra hay vì cuộc đời bận rộn, sự xoay vần quá nhanh bắt không kịp với vòng xoáy của cuộc đời, nên ta buông xuôi theo số mệnh. Và việc thực hiện mọi vấn đề trong cuộc đời chỉ là đáp ứng nhu cầu cảm xúc xảy ra trong từng giây phút khi có chuyện, mà không có một sự chuẩn bị rõ ràng. Ở trên đời này, đôi khi chỉ là một sự hướng dẫn thật nhỏ, hiểu được chân lý đó và áp dụng vào mọi hoàn cảnh của cuộc sống, ta sẽ có được hạnh phúc và bình an – an vui. Ai là người có thể đón nhận được những điều khai thị như vậy? Ai là người có thể mở lòng ra để suy nghĩ? Đó cũng là tùy mỗi một con người có cá tánh riêng biệt. Sự khác biệt giữa người này và người kia sẽ làm cho họ khác ra dần dần mỗi ngày chính là bởi vì sự nghe hiểu biết và hành cho đúng.

Có một câu chuyện kể rằng có một người mẹ có hai đứa con trai còn nhỏ. Người mẹ đi chợ để mua một chút đồ mới dặn con cái ở nhà rằng đừng có làm bất cứ chuyện gì mà mẹ chưa cho phép. Nếu con muốn làm gì thì hỏi mẹ trước khi mẹ đi, các con muốn gì? Hai cậu bé nói với mẹ: “chúng con không muốn làm gì hết, chúng con nghe lời mẹ sẽ chẳng làm gì, đợi mẹ đi chợ về”. Thế rồi người mẹ đi chợ nhưng ở trên bàn đó – cái bàn ở trong nhà đó mà, có một hũ bánh. Cái miệng của hũ bánh chỉ lọt được bàn tay của đứa em mà thôi. Đứa em nhìn thấy hũ bánh ngon và hấp dẫn quá ở trên bàn, khó cưỡng lại được với hình hài của cái bánh nó đẹp làm sao, mà càng tưởng tượng, cái bánh lại càng ngon. Kiềm lòng không được người em mở nắp và thọt bàn tay vào bên trong nắm lấy một nắm bánh cho thật lớn và nghĩ rằng với nắm bánh lớn như vậy có thể chia sẻ với người anh của mình, và hai anh em có được những cái bánh ngon trong lúc chờ mẹ về. Thế nhưng khi cậu bé nắm chặt bàn tay với một vốc bánh lớn như vậy, kéo, thì cái miệng của bình đựng bánh nhỏ chỉ vừa tay thôi nên kéo hoài không ra, nhưng mà còn nhỏ không suy nghĩ được, người anh cũng còn nhỏ nên rồi cũng ôm chặt người em của mình cố gắng giựt mạnh cho nó ra, nhưng không thể ra được. Người em thì không buông bánh bởi không thể hiểu được chân lý đó, còn nhỏ mà nên cứ nắm chặt như vậy, kéo mãi kéo mãi không ra. Cuối cùng hai anh em quyết định chờ mẹ về nhờ mẹ giúp. Khi mẹ về thấy tình cảnh đó mới nói các con rằng “Con à, con buông bánh ra đi, buông ra”. Thực sự khi người con buông ra thì rút tay ra được. Đứa nhỏ cảm thấy ngạc nhiên và hỏi với mẹ “Thưa mẹ, tại sao buông cái bánh ra thì mới có thể rút tay ra được”. Người mẹ nói thật nhẹ nhàng” Con ơi, cái hũ bánh nó nhỏ chỉ vừa bàn tay của con, cho nên khi con đút tay vào thì được nhưng khi con vơ và nắm chặt các thứ bên trong thì con không thể rút ra được, đơn giản vậy thôi. Khi con buông tay ra con đã rút ra được rồi thì những gì ở trong đó con cứ tuần tự lấy từng chút từng chút sẽ đủ để ăn, không cần thiết phải thò tay vào lấy hết một lần đâu con.

Các bạn, câu chuyện này nó bình thường mà. Có lẽ các bạn cười bởi vì câu chuyện này có thể đã được nghe được kể theo những dạng hình thức khác. Nhưng hôm nay cũng câu chuyện này, Bảo Thành dẫn ý các bạn đi qua một chiều hướng khác của cuộc đời. Biết bao nhiêu chuyện trong cuộc sống của chúng ta, vòng danh lợi nó tuy thật là nhỏ, nhưng đã biết bao nhiêu lần mỗi người chúng ta đã chui đầu vào, chui cả người vào để vơ vét cho hết. Cái chỗ mà nắm cho thật nhiều, vơ vét cho thật nhiều mới là chỗ cần phải bàn. Còn chuyện mà lấy ở trong đó ra để ứng dụng vào đời thường thì là chuyện bình thường. Bánh ngon ta có quyền ăn nhưng lấy làm sao, đó là phương thức lấy làm sao, lấy bánh ra như thế nào để chúng ta hưởng dụng? Bởi bánh là phương tiện cho chúng ta ăn, và ở trên đời này danh lợi của cuộc đời đều là phương tiện ứng dụng vào cuộc sống. Nhưng chúng ta lấy và sử dụng phương tiện này như thế nào để cuộc đời không bị kẹt, dính và tự nhốt mình vào trong vòng danh lợi đó. Đây mới là chuyện chúng ta cần phải suy nghĩ. Trong nhà Phật, Đức Phật dạy như vầy: chuyện tới chuyện đi, đó là chuyện bình thường, còn muôn sự ở đời đều là phương tiện, tới là do phước báu. Người biết tận dụng như đi vào ở trong rừng để hái rau, thấy rau cỏ nhiều chỉ cần hái đủ ăn là được rồi. Nhưng có kẻ đi vào rừng hái rau lại sợ kẻ khác ăn được, bởi thấy nhiều nên hái cho mình thật nhiều. Không những thế còn xóa sổ tức là còn triệt tiêu những loại rau ở đó bởi vì sợ người khác tới. Cuộc đời khác ở chỗ là chúng ta đi vào phương tiện của cuộc đời, chúng ta vơ vét quá nhiều cho chính mình và sợ người khác có thể có được điều đó. Cho nên ngoài sự lấy hết cho ta, ta còn phá hết để người tới sau không còn gì để hưởng nữa. Đây là lòng tham vô đáy. Cho nên khi tròng vào cổ vòng danh lợi của cuộc đời, ta khó có thể thoát được. Phật dạy y như những gì ta đã từng nghe “Thiểu dụng tri túc”- biết đủ để sống an vui. Sống an vui để tăng trưởng sự tịch tĩnh trong cuộc đời để chúng ta tu phần tâm linh cho những ngày tháng tới và ngay hiện tại được vui được sống. Có lẽ cậu bé còn ngây thơ chưa hiểu, nhưng trong dòng đời của chúng ta, đừng tưởng rằng 100 tuổi là chúng ta khôn đâu. Trẻ chưa hẳn là đã không biết, già chưa hẳn là đã thấu. Những lúc chúng ta bị dính mắc vào trong cuộc đời ở vòng danh lợi đó, nhớ chúng ta vẫn còn có một người mẹ để chúng ta hỏi, để mẹ hướng dẫn cho chúng ta thoát ra như hai em nhỏ kia, dĩ nhiên chỉ muốn ăn bánh thôi, tâm vẫn còn rất thơ nên khi bị mắc kẹt mẹ đã hướng dẫn để thoát ra và cũng vẫn tiếp tục lấy bánh để ăn. Người mẹ dạy cho chúng ta ở trên đời này chính là mẹ Quan Âm Bố Tát, dạy cho chúng ta tâm lương thiện, hiền lương. Và với tâm hiền lương, lương thiện từ bi đó thì mỗi một người chúng ta có khả năng ứng dụng được mọi phương tiện tới lui trong cuộc đời để sống, để an vui. Mẹ Quan Thế Âm còn hướng dẫn cho chúng ta biết đối đãi xử thế ở đời với tâm thái của người có vòng tay rộng lớn bao dung, để gặp bất cứ chuyện gì mang lại lợi lạc cho chúng sanh thì ta biết san sẻ chia sẻ, biết hưởng dụng nó cho ta và san sẻ cho những người khác. Chẳng thể cứ thọt tay vào nắm, vơ vét cho hết, để rồi giành phần cho mình mà bị mắc kẹt ở trong đó. Mẹ Quan Thế Âm là quán chiếu ngũ uẩn là không trong cuộc đời vòng danh lợi chập chờn trước mắt, thấy vạn sự đều không nhưng có. Có là có phương tiện để ứng dụng vào đời, không là bởi vì tâm chẳng tham.

Các bạn thân mến, với ý tưởng như vậy thì chúng ta nên nhớ không cần biết ta bao nhiêu tuổi mà hãy luôn đặt để mình như những đứa trẻ thơ đang trải nghiệm và trinh thám vào những miền tư tưởng rất người, ở trong đó có một vòng danh lợi, có một cái hũ danh lợi của cuộc đời. Nhớ rằng 100 tuổi vẫn còn danh còn lợi, tham sân vẫn đó vẫn đòi vẫn ham. Do đó mà chúng ta khi đứng trước vòng danh lợi, không cần biết ở tuổi nào, hãy luôn luôn phải đặt mình như một đứa trẻ thơ, chỉ thám nghiệm bằng tâm ngưỡng cầu đến mẹ Quan Âm chỉ dạy cho chúng ta phương thức làm sao đối ứng với vòng danh lợi đó, để cuộc đời này bớt đi phiền não cho chính mình, và mang lại hạnh phúc cho muôn người sống chung quanh bằng tâm biết san sẻ, rằng tất cả phước báu tới với ta và tới với muôn người đều có thể san sẻ cho nhau, và sự san sẻ đó tăng trưởng phước báu. Mẹ dạy buông để có. Đứa trẻ nó đã nghe mẹ dặn và dạy như vậy, chỉ dẫn như vậy nên nó đã buông để có toàn bộ hũ bánh từ từ mà ăn bởi thuộc về nó mà. Chúng ta có điều gì thì đó là nhân duyên phước báu của chúng ta, chỉ cần rằng chúng ta đừng vơ vét, nắm hết. Chúng ta buông và tận dụng nó như một phương tiện hiện hữu trong cuộc đời bởi phước báu một cách từ từ, và biết san sẻ thì chúng ta luôn có đầy đủ cho ta và đầy đủ cho những người đang sống kề cận chung quanh ta. Chỉ cần lòng của chúng ta hiểu rằng tất cả chuyện tới đi trong cuộc đời đều là phước báu của ta và muôn người hiện hữu, nên chúng ta có thể tận hưởng. Nhưng tận hưởng làm sao đó một cách khéo léo để muôn người thấy rằng ta không phải nhào vào trong đó để vơ vét. Ở trên đời tuổi nào cũng vẫn còn có tham, vòng danh lợi nhỏ bé quanh co, càng đi càng thấy vo vo một mình. Thôi, cuộc đời đến đó là đã đủ với tâm an lạc trong cuộc sống. Cái tham, tham tới đâu nó cũng chẳng biết thế nào là đủ đâu. Hãy sống bình tĩnh và an nhiên tự tại, hưởng những tháng ngày cùng với mẹ hiền Quan Âm, luôn cân kề với cuộc đời của chúng ta, giáo dưỡng cho tâm biết san sẻ và yêu thương. Cảm ơn các bạn đã nghe.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts