Search

Khung Trời Bình Yên

Bảo Nguyện đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Dòng đời chuyển hoá vô cùng
Khổ đau chướng ngại chất chồng biển khơi
Trụ tâm bất biến giữa đời
Cất trong thanh tịnh khung trời bình yên

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô, cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Thứ bảy trong chương trình Đời Sống Chánh Niệm, chúng ta lại gặp nhau để đồng trì Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn. Giờ kinh kệ và nghe pháp đã tới, mời các bạn đồng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Thưa Phật, xin Ngài ban rải nguồn tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con luôn Chánh Niệm đời sống để tịnh dưỡng sự an lạc trong cuộc đời. Và giờ đây chúng con nguyện hồi hướng tất cả công đức nếu có cho tất cả các bạn đồng tu, cũng như mọi chúng sanh đang lâm trọng bệnh có đầy đủ phước báu gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Hồi hướng cho tất cả những ai đã mất theo thiện nghiệp mà tái sanh.

Xin Chư Phật chứng minh.

Chúng ta hãy cùng nhau niệm Phật trì chú.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)

Chú Đại Bi (01 biến):

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)

Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.

Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)

Chú Vãng Sanh (03 biến):

Nam mô A Di Đa bà dạ

Ða tha dà đa dạ

Ða điệt dạ tha

A Di rị đô bà tỳ

A Di rị đa tất đam bà tỳ

A Di rị đa tỳ ca lan đế

A Di rị đa tỳ ca lan đa

Dà di nị, dà dà na

Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê.

Sa Bi Mô U.

Sa U Sa U Ba Thê Um.

NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Các bạn, cuộc sống của chúng ta nó biến hóa vô cùng khó lường, nhưng ít nhiều gì trong giai đoạn vừa qua mỗi người chúng ta đều đương đầu với một sự biến hóa, một sự biến hóa lớn lao nhất mà có lẽ với tất cả mọi người thì đây là lần đầu tiên được trực diện thật rõ. Sự biến hóa vừa rồi đã làm đảo ngược quan niệm sống và làm thay đổi cuộc đời của mỗi người chúng ta. Bởi trước đó, có ai nghĩ đến những chuyện đang xảy ra cho ngày hôm nay, và có ai có đủ thời gian ngồi lại để bắt đầu đánh giá lại cuộc đời của mình. Nghe đến hai chữ “đại dịch” ai cũng sợ, nhưng thực sự đại dịch đã tới để giúp cho chúng ta cần phải đánh giá lại giá trị của cuộc sống. Các bạn, chúng ta tự hỏi bản thân của mình: giá trị của cuộc sống nơi mỗi người chúng ta là gì, để rồi cả cuộc đời lớn lên chúng ta vùi đầu vào học hỏi tất cả mọi kiến thức, làm đủ mọi thứ để thành tựu được giá trị cuộc sống ấy. Nhiều người trong chúng ta ngay cả Bảo Thành và các bạn nếu để trả lời giá trị của cuộc đời của mình là gì thì chúng ta thường đặt trên nền tảng có tiền, người ta nói có tiền mua tiên cũng được. Và giá trị của cuộc đời thật nhiều người đã lấy tiền làm giá trị của cuộc sống. Vậy nên vất vả trăm đường để có thật nhiều tiền, thật nhiều tiền, nghĩ rằng sẽ hạnh phúc, hạnh phúc để sống bên cha bên mẹ bên vợ chồng con cái. Nhưng trong giai đoạn vừa qua ta thấy một trong những người giàu nhất trên thế giới, Bảo Thành không nhắc tên nhưng chúng ta biết họ có tiền nhiều lắm, thì gia đình giữa vợ chồng cũng chẳng hạnh phúc. Và giá trị của cuộc đời nếu có tiền để tìm ra để mua và để được hạnh phúc thì dĩ nhiên vợ chồng họ không li dị đâu, mà họ đã thực sự li dị khi số tiền của họ đứng vào hàng có tầm cỡ trên thế giới, mà có lẽ là vô lượng kiếp mà mỗi người bình dân như chúng ta cũng khó có thể kiếm được số tiền như ông ấy. Rồi trong chúng ta lại có người nghĩ rằng phải có quyền lực ở trong tay, danh phận và quyền lực. Thời xa xưa trong lịch sử biết bao nhiêu vua chúa có quyền lực, biết bao nhiêu những tổng thống có quyền lực, biết bao nhiêu những nguyên thủ có quyền lực ở trong tay mà rồi họ có tìm được hạnh phúc đâu.

Giá trị của cuộc đời là gì? Vẫn biết là hạnh phúc, nhưng chẳng phải phải có đồng tiền, danh vọng, địa vị, quyền lực, của tất cả những thứ vật chất ta có đầy đủ để biến chúng thành hạnh phúc mà tận hưởng. Người nghèo nghèo xơ xác như xác con ve sầu trên hè phố, vẫn cũng có thể mỉm cười. Người giàu giàu mà có thể đỉnh đỉnh trên cõi trời cũng vẫn có thể khóc. Mỗi người chúng ta luôn luôn cứ tự hỏi rằng: cái gì quyết định cho sự sống của mỗi người. Vẫn biết miếng ăn miếng uống là đương nhiên trong cuộc sống vật chất nhưng con người chẳng phải như con thú đi tìm ăn rồi nằm phơi bụng ra giữa trời đất, đói lại đi ăn. Nhu cầu của con người khác dữ lắm, bởi chính trong chúng ta có sự phát triển tầm cỡ quá lớn mà Đức Phật cũng nhận diện con người, thân người, kiếp người là một phương tiện vi diệu. Vậy chúng ta không thể dừng ở thế giới vật chất được gọi là phủ lấp tất cả để thành tựu được điều ước mơ. Thầm kín trong trái tim của mỗi một người chúng ta đặc biệt trong thời đại dịch vừa qua, ai cũng mơ ước rằng chẳng cần nhiều tiền nhiều bạc hay quyền lực, chẳng mơ ước có nhà cao cửa rộng xe cộ, chẳng mơ ước tụm ba tụm bảy ăn uống hội hè, chẳng mơ ước sự nhộn nhịp như ngày thường bởi đại dịch đã tới. Mà chúng ta chỉ mơ làm sao hai chữ “bình yên”. Và rồi thực tế trong cuộc sống nhiều thứ thử thách, chúng ta đi đến sự chán nản đau khổ và phiền não, chỉ muốn thoát ly ra khỏi gia đình, khỏi cảnh sống với vợ với chồng, với cha với mẹ, với môi trường đang sống để tự đi tìm một khung trời bình yên đâu đó. Chủ đề “Khung trời bình yên”, thực sự trong chúng ta thuở nhỏ thiếu thời thanh niên thanh nữ cho đến khi trung niên lão niên chúng ta vẫn còn mơ ước là làm sao tìm được một khung trời bình yên hạnh phúc. Nhưng thử hỏi, hỏi cổ nhân đã mất hay hỏi những người đang có trí tuệ hiện thời khung trời bình yên ở nơi đâu. Nếu thực sự có một khung trời bình yên hiện hữu đây đó thì nhất định mọi người sẽ từ bỏ nơi chốn mình ở để đi tới đó định cư, hầu sống một đời sống bình yên và hạnh phúc. Bao nhiêu con người đã từ bỏ vợ bỏ , bỏ cha bỏ mẹ, bỏ gia đình, bỏ quốc độ, bỏ mọi nơi để đi tìm một khung trời bình yên nhưng mấy ai có thể trả lời rằng họ đã tìm thấy được khung trời bình yên đó đâu. Có là có những nơi thuận lợi cho cuộc sống về vật chất về tinh thần, nhưng sự an nhiên trong cuộc đời nơi tâm chẳng thể có dựa trên tiền tài, danh vọng, địa vị của cuộc sống. Khung trời bình yên ở đâu?

Dòng đời chuyển hóa vô cùng,

Khổ đau chướng ngại chất chồng biển khơi.

Trụ tâm bất biến giữa đời,

Cất trong thanh tịnh khung trời bình yên.

Khung trời bình yên ở trong sự thanh tịnh của cuộc đời. Khung trời bình yên ở giữa sự trụ tâm trong dòng đời bất biến, để rồi bao nhiêu khổ đau chướng ngại chất chồng như biển khơi kia giữa dòng đời chuyển hóa vô cùng ấy, chúng ta vẫn luôn luôn bình yên và hạnh phúc. Có một câu chuyện trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, và đây là về phẩm Dạ Minh Châu. Có một anh bạn nghèo và khổ lắm, cuối cùng tìm được một người bạn thân giàu có. Người bạn thân giàu có đó đã đãi một bữa tiệc thật là no nê đầy đủ thức ăn thượng hạng. Sau khi ăn no và uống say, người bạn nghèo kia lăn ra ngủ còn người bạn giàu phải có việc quan đi làm, nhưng lẳng lặng nhét vào vạt áo của người bạn nghèo viên dạ minh châu rồi ra đi họp. Khi người bạn nghèo thức dậy, thấy bạn đã đi rồi cũng từ giã mà ra đi tới một thôn làng xa làm ăn. Anh ta làm ăn thất bại rồi nghèo rồi khổ rồi trở thành ăn xin ăn mày, lệ thuộc vào sự bố thí sự cho đi của những người khác, sống qua ngày đoạn tháng kiếp ăn mày. Cho tới khi một thời gian sau gặp lại người bạn giàu năm xưa, người bạn ấy mới chỉ cho ở trong chính vạt áo của anh có một viên dạ minh châu quý giá. Lúc ấy anh ta mới lần trong vạt áo thấy có viên minh châu mà những ngày tháng qua không biết để tận hưởng viên minh châu đó, nên trở thành kiếp ăn xin đi ăn mày cơm thừa canh cặn của cuộc đời, để chỉ tồn tại trong cuộc sống của từng ngày. Các bạn, các bạn đi tìm khung trời bình yên như người bạn nghèo kia chẳng nhận ra rằng người bạn thân đã để vào đó nơi vạt áo viên dạ minh châu để cả cuộc đời ăn xin nghèo khổ. Chúng ta thực sự cũng như anh bạn nghèo đó, chúng ta đã trở thành người ăn mày, ăn mày hạnh phúc, bởi muôn sự cảm giác ở đời gọi là hạnh phúc vui vẻ đó ta hầu hết là lệ thuộc vào bạn bè, vào người bên ngoài để mong cầu họ tạo ra cảm hứng hạnh phúc, vui. Bởi vậy ở trong nhà buồn quá nên ta chạy tán loạn ra bên ngoài để tụ tập bạn bè, ăn uống hội họp, vui chơi sinh hoạt trong cuộc sống, về nhà thấy vợ thấy con buồn chán vô cùng. Vậy nên các ông các bà thường cứ ăn xong hay làm việc xong ít khi nào ngồi lại trong khung trời bình yên của sự tĩnh lặng của gia đình giữa vợ chồng con cái tận hưởng sự hạnh phúc an lạc đâu. Chúng ta đổ xô ra bên ngoài để tìm kiếm và đã trở thành ăn mày hạnh phúc trong dân gian. Để rồi hạnh phúc không tới, bình yên không tới, khung trời bình yên kia chẳng bao giờ có được trong tầm tay. Ta chạy ngược xuôi tới bạn bè, tới ăn uống, tới tiền tài, tới danh vọng, tới quyền lực, tới chùa, tới đình, tới miếu, những nơi thừa tự để van xin. Chúng ta là ăn mày, ăn mày cửa đời hay ăn mày cửa Phật để tìm hạnh phúc.

Các bạn, Phật tới trong thế gian, Phật chỉ cho kiếp ăn mày của chúng ta lang thang đây đó trong rừng vàng biển bạc, trong của cải thế gian, trong vật chất của nhân loại, một viên minh châu vốn có trong ta. Viên minh châu đó là suối nguồn tự tâm thuần tịnh vô nhiễm. Viên minh châu đó là khung trời bình yên bất biến giữa dòng đời an nhiên và tịch tĩnh, hạnh phúc tới vô biên. Viên dạ minh châu đó chính là khung trời bình yên vốn có trong ta, nó được pha vào hai màu sắc tuyệt vời của Trí Tuệ và Từ Bi. Trí Tuệ và Từ Bi đã hòa quyện với nhau, dung thông thành viên minh châu sáng ngời. Và khung trời bình yên chẳng ở đâu xa, nó ở trong chính cõi lòng thuần tịnh vô nhiễm của tánh Phật được hiển lộ bằng hai màu sắc Trí Tuệ và Từ Bi. Thấu được như vậy, chúng ta mới thấy chỉ có giá trị của sự bình yên khi tĩnh lặng ngồi một mình ta mới có thể chạm vào được khung trời bình yên, nơi ấy có viên minh châu sáng ngời của Trí Tuệ và Từ Bi, nơi ấy thấu được giá trị sự sống hiện thời trong môi trường tương tác với cha mẹ người thân và biết bao nhiêu con người có nhân duyên đang hiện hữu trong vòng tròn của gia đình, của xã hội, của cộng đồng. Cho nên đây chính là giây phút mỗi người chúng ta định lượng lại rằng: giá trị thực sự của con người là hai chữ bình yên, và khung trời bình yên đó nó không ở bên ngoài mà ở bên trong ta. Nó là viên minh châu mà Phật đã giáng trần để chỉ cho chúng ta thấy, viên dạ minh châu đó chính là Trí Tuệ và Từ Bi mà ai cũng vốn có, chẳng cần phải tìm. Chỉ cần thanh tịnh tâm ý, trở về với nguồn tâm thuần tịnh vô nhiễm, nơi ấy ta sẽ chạm vào khung trời bình yên có những vì sao, có những tinh tú lấp lánh trong khung trời bình yên của Trí Tuệ và Từ Bi, để chúng ta luôn sống hạnh phúc và an yên qua mọi thăng trầm của cuộc đời.

Hãy trở về với nguồn suối tâm thanh tịnh, thuần tịnh, an nhiên, bất biến giữa dòng đời ngược xuôi. Các bạn, để tận hưởng hạnh phúc của mình đừng như người bạn nghèo lang thang đây đó mấy mươi năm trời thành kiếp ăn mày, đi xin và sống nương nhờ vào hạnh phúc của những cuộc vui nhộn nhịp ở thế sự. Tâm Phật thuần tịnh là dạ minh châu, Trí Tuệ Từ Bi là khung trời bình yên. Trong sự tu, chúng ta thiền Trí Tuệ và Từ Bi là để thể nhập trở về chạm vào vạt áo mà Đức Phật trong vô lượng kiếp đã nhét vào đó viên dạ minh châu mà vô lượng kiếp qua ta đã không chạm vào được. Rồi ta trở thành kẻ ăn mày ở trong lòng đời, ở trong cửa Phật để xin chút thừa ân hạnh phúc trong những cái vui nhộn nhịp của thế trần, của tiền, tình, vật chất, quyền lực, danh vọng. Những thứ hư ảo của cuộc đời, hương khói thừa cặn đó tới rồi lại đi, ai nào có thể chạm và có sự trải nghiệm hạnh phúc trong khung trời bình yên dựa trên nền tảng của vật dục, của tâm dục.

Các bạn, thẩm định lại cuộc sống, hiểu thấu được giá trị của cuộc đời và đi tìm khung trời bình yên chẳng phải là bỏ nơi chốn này tới nơi chốn khác, chẳng phải bỏ vợ này đi tìm vợ khác, bỏ chồng này đi tìm chồng khác, bỏ gia đình, bỏ cha mẹ, bỏ những thứ ta đang có để đi tìm một khung trời bình yên nơi một con người nào đó, nơi một xứ sở nào đó. Bởi tất cả nơi những con người ta đang ngưỡng vọng sẽ cho ta sự bình yên, tạo cho ta hoặc đưa ta vào khung trời bình yên đó đều là giả tạo. Vô tình ta như kẻ ăn xin bởi người nghèo có viên dạ minh châu bạn tặng cho chẳng thấy, nên ăn mày khắp chốn đến phút cuối mới thấy. Phút cuối của anh người bạn nghèo đó có thể còn có sức lực, còn có trí tuệ, còn có sự nhận thức để nhận ra viên dạ minh châu. Nhưng phút cuối của chúng ta khi chạm vào viên dạ minh châu có phải chăng là phút cuối của cuộc đời, mà chưa chắc phút cuối của cuộc đời tới mà ta đã chạm vào được viên dạ minh châu đâu. Nếu như ta cứ ước muốn bên ngoài như một cầu vọng điều gì đó tới với ta do bên ngoài ban bố thì chúng ta là ăn mày trong cuộc trần thế và trở thành ăn xin trong cửa đạo để cầu mong ban tặng. Hãy nhớ khung trời bình yên vốn có bởi Phật đã khai thị điểm đạo cho chúng ta, chỉ dẫn cho chúng ta chính nơi tâm của chúng ta, Phật tánh của chúng ta là viên dạ minh châu. Nơi đó là suối nguồn của tâm thuần tịnh vô nhiễm trong dòng đời bất biến, nơi đó là khung trời bình yên an nhiên và tự tại, hạnh phúc vô song. Và chỉ có Trí Tuệ và Từ Bi mới có thể mang ta vào đặt vào khung trời bình yên vốn có nơi tâm Phật.

Làm sao chúng ta có thể kiểm định rằng chúng ta đã đặt chân lên khung trời bình yên? Khi chúng ta biết thương cha, thương mẹ, thương vợ, thương chồng, thương người thân trong gia đình thương mọi người bằng tình yêu đích thực, không dựa trên tiền tài, danh vọng, quyền lực, vật chất của thế gian. Khi trái tim của chúng ta rộng mở, biết bao dung và yêu thương, biết sống với muôn người chẳng có dính mắc để tạo ra phiền não, chính đó là dấu hiệu hiển lộ để ta nhận định rằng ta đã có cái chất của Trí Tuệ, ta đã có cái chất của Từ Bi. Chất Trí Tuệ và Từ Bi được nhận diện qua đời sống hàng ngày trong sự tương tác với muôn người, đặc biệt với những người trong gia đình. Nếu không thể sống hạnh phúc với cha với mẹ, nếu không thể thông cảm và san sẻ, nếu không thể mở lòng ra yêu thương với muôn người đang sống thì khung trời bình yên chẳng có ở ngoài kia đâu để ta đánh đổi cha, đánh đổi mẹ, đánh đổi vợ chồng, đánh đổi con cái, bạn bè để đi tìm một người khác, một nơi khác, một chốn khác mang lại sự bình yên cho chúng ta. Nếu bạn có quan niệm như vậy thì bạn sẽ trở thành ăn mày trong cuộc đời vần xoay. Và sự vần xoay của cuộc đời đó sẽ đưa bạn vào vùng trời đen tối để vùi dập, chà đạp, tạo ra muôn trùng đau khổ cho bạn.

Hãy nhớ nơi nào bạn đang đứng, chỗ nào bạn đang ở, thân nào bạn đang có, tâm nào đang hiện diện với bạn thì chính nơi đó là khung trời bình yên. Nếu bạn biết vận dụng Trí Tuệ và Từ Bi để trở về an ngự để đón nhận viên dạ minh châu quý giá mà Phật đã đưa vào trong tâm trí qua sự khai thị thì nhất định chúng ta sẽ hạnh phúc. Tóm lại, khung trời bình yên chính là nguồn thanh tịnh bất biến giữa dòng đời vạn biến, thuần tịnh vô nhiễm, là khung trời bình yên an nhiên tự tại, đó chính là phẩm tánh Phật của chúng ta vốn có. Không cần phải tìm, chẳng cần phải ăn mày, hãy hãnh diện lên bởi trong cuộc đời ta đã có một người bạn thân giàu có là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Ngài đã đãi tiệc cho chúng ta ăn no nê, tiệc của sự hạnh phúc, của những món ăn Trí Tuệ, của những món ăn đậm màu Từ Bi. Nếu bạn biết mang Trí Tuệ ra để tiếp đón người thân, mang Từ Bi ra để san sẻ trong cuộc sống thì bạn chính là hóa thân của Chư Phật. Để rồi nhắc nhở cho những người sống chung quanh ta về khung trời bình yên đang hiển lộ bằng Trí Tuệ và Từ Bi qua sự đối đãi với nhau trong gia đình, trong tình bạn, trong xã hội. Như vậy khung trời bình yên đó có trong ta để kết nối với mọi người tạo thành cả một khung trời bình yên vô tận mênh mông như hư không pháp giới.

Biết bao nhiêu gương của cuộc đời đã làm soi sáng tâm trí ta, nhận diện ra những thứ vật chất của cải, quyền lực, tiền tài, danh vọng, địa vị đều không mang lại sự bình yên. Chúng ta nói như vậy không phải trở thành cuộc sống tiêu cực để rồi từ bỏ tiền bạc, danh vọng, địa vị, quyền lực, kiến thức ở đời. Nhưng khi chúng ta chạm được vào khung trời bình yên bằng Trí Tuệ và Từ Bi thì muôn sự ở đời từ tiền bạc, từ tình cảm, từ quyền lực, danh vọng, địa vị được khởi lên và tiếp hành bằng tư tưởng thuần tịnh, trong sáng, an nhiên, vô nhiễm. Từ đó, muôn sự phương tiện mà dùng kiến thức có được đó luôn được ứng dụng phù hợp để mang lại sự lợi lạc cho tự thân sống an nhiên và san sẻ tình yêu thương bình an đó cho muôn người. Cho nên đừng nghĩ sai rằng chúng ta không thể có được sự bình yên nơi vật chất, tiền tài, danh vọng, địa vị để rồi không tìm kiếm những thứ đó. Nhưng ý rằng Đức Phật nói, nếu mỗi người chúng ta ứng dụng được Trí Tuệ và Từ Bi vận hành từ tánh Phật thanh tịnh thuần tịnh vô nhiễm nơi khung trời bình yên an yên tuyệt đối vô song ấy từ tánh Phật, thì giá trị của tiền tài của danh vọng của tình cảm của quyền lực sẽ được thăng hoa vận hành đúng mức để muôn người hạnh phúc, còn không thì chúng ta chỉ là người đã đi lệch lạc vào trong vô minh. Tất cả những thứ ta gọi là tình, tiền, tài, danh vọng, địa vị sẽ trở thành những đống củi khô được tẩm xăng tham dục, ái dục của cuộc đời, thiêu chết chúng ta trong vô lượng kiếp luân hồi sanh tử. Còn nếu như chúng ta chạm được vào khung trời bình yên, hiểu thấu Trí Tuệ và Từ Bi là viên dạ minh châu soi sáng. Và nơi ánh sáng của viên dạ minh châu Trí Tuệ và Từ Bi đó thuần khiết, vô song vô nhiễm, vô cấu trược sẽ tỏa sáng để ta thấy được khung trời bình yên nơi tâm, nơi Trí Tuệ và Từ Bi biết đối xử với nhau bằng lòng bao dung và tha thứ thì nhất định tình tiền tài, danh vọng địa vị chỉ là hưng phấn của cuộc đời, thăng hoa đời sống tâm linh. Mà ta chẳng lệ thuộc làm nô lệ và trở thành kẻ ăn mày van xin sự bình yên trong cuộc đời khi những thăng trầm đổ dồn tới với chúng ta, khi nghiệp bất thiện do ta tạo đã trổ quả.

Chia sẻ hôm nay để nhắc nhở ngày thứ bảy ngày cuối tuần, ngày mà mỗi người chúng ta hầu hết đều được thư thái nhẹ nhàng với vợ với chồng, với cha mẹ con cái, với người thân trong một khung cảnh của gia đình ấm cúng, để chúng ta đánh giá lại giá trị của cuộc sống, để tận hưởng khung trời bình yên trong khuôn mẫu của gia đình. Biết sống chân thật, biết chia sẻ, biết yêu thương, và biết thắp sáng Trí Tuệ nhìn bằng cái tâm mở rộng để đồng cảm, để không tạo nên chấp trược dính mắc, gây tai họa phiền não cho nhau. Viên dạ minh châu Đức Phật nhét vào vạt áo của mỗi người đó chính là Trí Tuệ và Từ Bi. Sống trong Chánh Niệm là sống bằng Trí Tuệ và Từ Bi để mỗi một ngày qua, mỗi một giây phút qua, mỗi một con người ta đang có nhân duyên phước báu hiện diện trong cuộc đời như ông bà của ta, như cha mẹ của ta, như vợ chồng của ta, như con cái của ta, dù là cái ta của phàm phu nhưng biết sống bằng Trí Tuệ và Từ Bi thì cái ta đó là cái ta của tinh thần Vô Ngã Tướng. Người Phật tử tại gia chúng ta nhìn thấu được điều đó để làm cuộc đời trọn hảo trong tình yêu, làm cho cuộc sống được bừng sáng bằng Trí Tuệ, để luôn luôn thông cảm và tha thứ. Đừng nhìn thấy sự khác biệt ở người rồi đắm đuối trong tiền, tình, tài, danh vọng, địa vị. Vua chúa ngày xưa quyền lực vô song nào có thể tìm kiếm được sự bình yên đâu. Thật là rõ trong Kinh Phật nói về ông vua A Xà Thế quyền lực vô song, muốn hại ai là hại, muốn giết ai là giết, tiền bạc vô số, quân hầu thì đầy, cái gì cũng có. Vậy mà vua A Xà Thế nào có thể tìm được khung trời bình yên đâu, phiền não vô cùng để cuối cùng phải đi tới trực diện với Đức Phật trong sự tịch tĩnh an nhiên, và gặp được Phật, tiếp cận được viên dạ minh châu Trí Tuệ và Từ Bi để tìm lại được khung trời bình yên. Giàu như Thái tử Kỳ Đà, như ông Cấp Cô Độc nào có được sự bình yên đâu. Nếu như không tiếp cận được với Đức Bổn Sư để Ngài chỉ cho viên dạ minh châu là Trí Tuệ và Từ Bi thì số tiền vô số, số vàng rải trên đất để mua Chùa Kỳ Viên cho Phật cũng trở thành vô nghĩa mà thôi. Nhưng chính vì chạm tới khung trời bình yên từ suối nguồn thanh tịnh, vô nhiễm không cấu trược, thuần tịnh an nhiên, bất biến giữa dòng đời đó là Phật tánh, nên Thái tử Kỳ Đà và ông Cấp Cô Độc đã sẵn sàng đổi vật chất thế gian qua tiền bạc, qua vàng bạc để có được một chỗ thỉnh Thế Tôn, bậc Thầy của Trời Đất tới thường trú và hướng dẫn cho mọi người chạm vào khung trời bình yên nơi tâm Phật của chúng ta.

Các bạn đó là sự chia sẻ của ngày hôm nay, mỗi người chúng ta phải đánh giá lại giá trị của cuộc đời dựa trên nền tảng gì. Khung trời bình yên vốn có nơi Trí Tuệ và Từ Bi, viên dạ minh châu vốn được Đức Phật khai thị, trao truyền và giới thiệu đó là Phật tánh, đó là sự thuần tịnh thanh sạch, vô nhiễm vô cấu trược.

Dòng đời chuyển hóa vô cùng,

Khổ đau chướng ngại chất chồng biển khơi.

Trụ tâm bất biến giữa đời,

Cất trong thanh tịnh khung trời bình yên.

Đừng làm kẻ ăn mày đi ăn mày hạnh phúc nơi sự đối đãi của những con người ngoài kia. Hãy trở thành một vị minh vương làm chủ được tâm, soi sáng cuộc đời bằng Trí Tuệ và Từ Bi để lan tỏa yêu thương tới ông bà cha mẹ, người thân, vợ chồng, con cái bằng một lòng kính trọng và sự thông cảm bao dung và tha thứ để khung trời bình yên luôn hiện diện trong tâm, trong gia đình, lan tỏa ra ngoài xã hội và cộng đồng.

Cảm ơn tất cả các bạn đã nghe. Và cầu chúc cho tất cả các bạn tìm được khung trời bình yên mà Đức Phật đã khai thị, đã giới thiệu, đã trao lại cho các bạn sau bao nhiêu kiếp luân hồi sanh tử lạc mất khung trời bình yên ấy. Mời gọi các bạn hãy trở về để đón nhận, đừng là kẻ ăn xin, đừng sống kiếp ăn mày nữa.

Mô Phật!

PHẦN HỒI HƯỚNG:

Thưa Phật, bao nhiêu năm qua chúng con đã là những kẻ ăn mày van xin trong cuộc đời, mò mẫm để tìm tới khung trời bình yên qua giá trị của tình, của ái dục, của tham dục, của tiền bạc, quyền lực, của vật chất, của cải thế gian, nhưng chẳng bao giờ chúng con tìm được sự bình yên và được bước vào khung trời bình yên ấy. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Dạ Minh Châu, Phật đã tới chỉ cho chúng con thấy Trí Tuệ và Từ Bi là suối nguồn thuần tịnh vô nhiễm, không có cấu trược, là cõi Trời bình yên an nhiên và tự tại bất biến giữa dòng đời vạn biến. Nguyện xin Chư Phật gia trì để cho chúng con trở về chạm vào khung trời bình yên ấy, sống hạnh phúc an nhiên, sống bao dung tha thứ, sống thông cảm và chia sẻ để giữa tình vợ chồng, cha mẹ, ông bà, người thân luôn thơm mùi hương đức hạnh.

Xin Chư Phật gia trì, nếu công đức có được trong buổi đồng tu hôm nay dù chỉ là chút xíu, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đều có thể trở về khung trời bình yên nơi tự tánh Phật thuần tịnh vô nhiễm.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts