Search

Khép Mắt Đợi Ngày Mai

Bảo Nguyện đánh máy, Bảo Ngân biên tập 
Chớ hoài khép mắt đợi ngày mai
Sống từng hơi thở, sống hôm nay
Thời gian có bao giờ trở lại
Đừng chưa từng sống đã tận ngày

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô, cùng các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Thứ bảy hôm nay chúng ta trong Chánh Niệm hơi thở sẽ cùng nhau đồng trì Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn. Chúng ta đồng tâm nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và thắp sáng đuốc Tuệ để chúng ta tinh tấn Chánh Niệm hơi thở, thấy rõ các pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Chúng ta cũng đồng hồi hướng cho tất cả tinh tấn tu học vượt qua mọi chướng ngại, sống đời an lạc. Hồi hướng cho tất cả các chư vị hương linh đều tái sanh cảnh thiện lành theo thiện nghiệp của mình.

Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau trì tụng.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)

Chú Đại Bi (01 biến):

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)

Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.

Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)

Chú Vãng Sanh (03 biến):

Nam mô A Di Đa bà dạ

Ða tha dà đa dạ

Ða điệt dạ tha

A Di rị đô bà tỳ

A Di rị đa tất đam bà tỳ

A Di rị đa tỳ ca lan đế

A Di rị đa tỳ ca lan đa

Dà di nị, dà dà na

Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê.

Sa Bi Mô U.

Sa U Sa U Ba Thê Um.

NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Các bạn thân mến, hôm nay là ngày thứ bảy trong Đời Sống Chánh Niệm, buổi đồng tu trì tụng Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn để nhắc nhở cho mọi người chúng ta rằng cuộc sống này mong manh dễ vỡ, tất cả đều là Vô Thường sanh – diệt tới lui, mà mỗi người chúng ta nếu không tu thì khó có thể tự chủ được mọi cảm xúc trong cuộc đời. Là chúng sanh hữu tình thì cảm xúc luôn luôn được lặp đi lặp lại theo những chu kì bất định khó tưởng và mọi cảm xúc của chúng ta thăng trầm vui buồn sướng khổ tới lui liên tục. Có những người trong chúng ta may mắn và hạnh phúc, được sinh ra và lớn lên trong những nền giáo dục căn bản, có kiến thức được học hỏi, lại được hỗ trợ về chân lý tâm linh theo truyền thống tôn giáo tốt đẹp của gia đình. Nhưng vẫn thật nhiều người sinh ra trên đời kém may mắn hơn chúng ta, cách nói rất bình thường mà, họ kém may mắn, họ sinh ra ở những nơi biên địa xa xôi rừng núi, hay sinh ra trong những hoàn cảnh gia đình nghèo khổ lam lũ, hoặc sinh ra với thân tật nguyền, hoặc chẳng có cơ hội học hỏi nhiều kiến thức, hoặc ở chỗ nền kinh tế bấp bênh, muôn sự đổi thay chóng mặt, họ hoàn toàn lệ thuộc vào vòng xoáy nhận chìm lên xuống. Và biết bao nhiêu thứ tới với cuộc đời một cách dồn dập như vậy thì họ khó có thể đặt tay vào xoay chuyển, đành bó tay đầu hàng, xuôi vận mệnh theo dòng trôi của cuộc sống lênh đênh chìm nổi, mặc kệ. Mỗi một người chúng ta đều có những ấn tượng về cuộc sống, và mỗi một ấn tượng đều là những nỗi khắc khoải trong trái tim. Cuộc sống này có nhiều mặt chi phối vào cảm xúc từng giây phút, ai ai cũng bị, chúng sanh hữu tình là như thế. Con người luôn có tình cảm, mọi tạo tác, mọi tương tác đều tạo nên cảm xúc vui buồn sướng khổ. Khi vui thì chẳng ở mãi trong đời, cái khổ thì dằn vặt mãi không nguôi. Ngẫm cho kỹ thì cuộc đời có thể khổ nhiều hơn vui, phiền não nhiều hơn an lạc.

Khi đi tới ý tưởng rằng ngậm đắng nuốt cay khép mắt đợi ngày mai, gọi trong những chữ như để an ủi tâm lý rằng ngày mai trời sẽ sáng. Dĩ nhiên vào ban đêm thì ngày mai trời sẽ sáng, nhưng câu đó hình như để hướng chúng ta đến ngày mai trời sẽ sáng bởi hôm nay chỗ này ngay tại đây đang là đêm tối. Và chúng ta cứ hướng vọng tới ngày mai trời sẽ sáng để cho mọi chuyện đau khổ trong cuộc đời, khi hai bờ mi khép hờ lại chẳng thấy gì, để cõi lòng trống vắng cô đơn vơi dần đi mà chờ vọng, kỳ vọng và ước vọng rằng ngày mai trời sẽ sáng. Biết bao nhiêu ngày khi thức dậy vào buổi sớm mà trời chẳng sáng, sương mù, mưa dầm, cả ngày u tối. Thậm chí có những cuộc đời ở những nơi khi thức dậy mặt trời chẳng bao giờ sáng suốt cả nửa năm, đó là nói về địa lý địa hình trên thế giới. Nhưng nói về mặt tâm địa của con người, cảm xúc lui tới thì có những con người sống ở trong hoàn cảnh mà mở mắt ra dù sau bao nhiêu năm tháng khép mắt đợi chờ ngày mai trời sẽ sáng, nhưng cả cuộc đời chẳng bao giờ thấy bóng mặt trời. Khổ từ buổi sớm đến buổi tối, khổ từng giây phút trôi qua trong cuộc đời. Và chúng ta chắc có lẽ đã trải nghiệm qua những nỗi khổ còn khúc mắc thắt chặt ở trong tâm, dù đã trải qua bao nhiêu năm tháng cũng chưa thể nguôi. Và nhất định trong chúng ta đã từng gặp những trường hợp có thể gọi là sống triền miên trong cơn khổ của cuộc đời. Bởi không làm chủ được vận mệnh, không nhìn thấy đường để thay đổi, chẳng đủ sức nữa rồi, gục ngã trong đau đớn, vươn dậy mà hình hài không có, để rồi đành phải khép mắt nằm đó bất động đợi đến ngày mai. Đợi như đợi một anh hùng tới cứu, đợi như đợi một vị thần linh tới ban ơn giúp đỡ, đợi như đợi một chuyện lạ một phép lạ xảy ra, sự đợi chờ đó đã có ở trong con người từ thật nhiều kiếp qua. Và bao nhiêu ngàn năm qua chúng ta luôn luôn chấp nhận. Nếu thấu hiểu được thì sự chấp nhận đó là khởi điểm của một sự thành công bởi thấu rõ. Thành công vì thấu rõ được điều đó nên chấp nhận để vươn qua, để thành tựu. Còn chấp nhận mà không thấu rõ là khép mắt đợi chờ ngày mai. Ta cứ đợi, và ta cứ chờ ngày mai tới mặt trời có lên không. Ta cứ chờ và ta cứ đợi ngày mai tới có thực sự sáng hay không, chỉ có cõi lòng của ta mới hiểu được.

Chúng ta nhớ chúng ta là người Phật tử, chúng ta học Phật để vượt qua những sự ủy mị tiêu cực, chấp nhận một cách mù lòa vô minh, để cứ trông chờ một đấng nào đó cứu độ ban ơn, một vị Thần, một vị Trời, một vị Thượng Đế hay một vị Phật hóa thân giáng trần mang thân xác làm người chễm chệ ngồi trên ngôi tòa gọi là cứu vớt chúng ta. Cứu vớt chúng ta qua bể khổ của những cuộc tình bị vỡ vụn, cứu vớt chúng ta qua cái khổ của danh phận trong cuộc đời không công bằng, của quyền lực bị mất, nhà cửa bị tiêu tan, của vợ chồng ly tán, của sự nghiệp bị hoàn toàn phá sản, hay của sự đói khát. Trong hoàn cảnh đại dịch vừa qua, chúng ta đã thấy được sự khác biệt giữa những số phận của con người ngay quê hương của chúng ta, nếu chúng ta lấy đó để quán chiếu thì chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao và tri ân Trời Phật, Cửu Huyền Thất Tổ, cha mẹ từ muôn đời qua đã luôn luôn giáo dưỡng chúng ta trên con đường Phật pháp để có đầy đủ phước báu. Thấy một chặng đường dài trong mấy tháng đại dịch ở quê hương, không phải là khép mắt đợi chờ ngày mai tốt đẹp hơn mà là nhắm mắt trăn trở, hoặc là trợn mắt mong chờ trong sự tuyệt vọng của những thôn xóm, của những bức tường của những nơi ngăn chặn rào kín hoàn toàn không được đi. Có biết bao nhiêu con người chờ từng ngày từng ngày, mong đợi những vị ân nhân, những nhà từ thiện hoặc Chính Quyền tới để trao tặng từng chén cơm manh áo nước uống thuốc thang. Không phải là họ tật nguyền, họ đầy đủ bởi họ vốn đã từng nuôi sống được bản thân bằng sức lực lao động của họ. Nhưng trong giai đoạn đại dịch thì họ đã trở thành tật nguyền bởi sức lực không làm việc, tật nguyền về tinh thần, tật nguyền về tâm linh, tật nguyền toàn diện, chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ, đến mức mà không còn một cái gì để có thể tồn tại được. Sự bức bách tới dồn nén, họ phải đi bộ về quê. Còn nếu như đợi chờ ở nơi ấy, tiếng gõ cửa đưa tới chẳng phải là món quà mà đôi khi là hũ tro cốt của người đã mất, cảnh đó thực sự đã xảy ra.

Nhưng trong biết bao nhiêu cảnh khổ của cuộc đời đó chúng ta có những con người vẫn may mắn hơn, cũng cách ly đó mà không ly biệt với người thân, cũng cách ly đó mà tự cung tự cấp để bảo tồn sự sống, cũng cách ly đó mà dù nghèo túng dù khổ sở vì thiếu thốn nhưng cũng an và may mắn hơn hàng ngàn hàng ngàn những con người khác. Lại cũng có những con người trong đại dịch đó họ lại sống đầy đủ sung sướng. Và cũng trong đại dịch, khi nhìn thấy biết bao nhiêu con người túng thiếu đói khổ, họ không khép mắt đợi chờ ngày mai trời sẽ sáng, bởi vì mượn cơ hội đó họ lại giàu to làm ra tiền. Sự khác biệt đó chính là do phước báu của mỗi một con người. Ta không bàn về chuyện đó nhưng ta nói về chân lý của Đức Phật dạy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đương đầu trong cuộc sống, những cái khổ từ đại dịch hay những sự đau đớn dằn vặt bởi những trường hợp bất đắc dĩ, hay những trường hợp xảy ra theo ý muốn nhưng nghịch lại đã tạo ra đau khổ cho chúng ta mà chúng ta khép mắt đợi một ngày mai bởi không bao giờ tin tưởng rằng chúng ta có thể thay đổi được để trông chờ ai đó, thì tinh thần như vậy thật tiêu cực. Tiêu cực cũng đúng thôi bởi chúng ta đã cố gắng lắm rồi, nhưng không thể xoay sở và nhìn thấy một con đường có thể giải thoát, khép mắt đợi ngày mai:

Chớ hoài khép mắt đợi ngày mai,

Sống từng hơi thở sống hôm nay,

Thời gian có bao giờ trở lại,

Đừng chưa từng sống đã tận ngày.

Chúng ta, ngoài gian khổ của cuộc đời tới để rồi hoàn toàn bó tay chờ đợi cũng có thật nhiều người thờ ơ. Cứ sống đó mà mơ ước một cách hão huyền, khép mắt hờ mà chờ đợi một ngày mai hoàng tử tới phá cửa của sự u ám, của sự không thành công. Bởi có biết bao nhiêu công chúa ngồi bên cửa sổ chẳng tự thân đứng dậy để thể hiện cái đẹp của mình, nhưng mong chờ một hoàng tử bay qua ở trên trời, cưỡi con ngựa trắng phá tan cửa sổ rước mình lên mây. Chuyện đó là huyền thoại, không có. Đời có những con người không tích cực các bạn ơi, họ luôn tiêu cực, họ cứ chờ hoài và khép mắt đợi một ngày mai bằng cách cúng kiếng, xin xăm, cầu nguyện, thỉnh sự may mắn rồi lễ Thiên lễ Thần cầu xin. Đó là một dạng mà khép mắt đợi ngày mai trong sự mê tín dị đoan. Nói về cuộc đời thì có biết bao nhiêu chuyện ta đã khép mắt đợi bởi vì thực ra có những lúc ta không thể vượt qua được. Nhưng nói về đời sống tâm linh nếu các bạn cứ hoài hoài như thế, khép mắt đợi ngày mai, biết bao nhiêu sự may mắn tới qua những nghi thức cúng kiếng cầu xin cầu lụy thì đó chẳng đúng như nhân quả của Phật dạy, mà chúng ta đang tạo những điều bất thiện cho chính mình. Chẳng khác gì người lặn xuống dưới sông, đuối rồi muốn ngoi lên để thở nhưng không biết đường lại tròng thêm đá vào cổ, chết ngộp thôi. Cũng có những con người chúng ta chẳng có hiểu được thời gian có bao giờ dừng lại đâu, nó đi qua mãi mãi không bao giờ dừng lại, vậy mà chúng ta cứ đứng chờ. Các bạn, đừng chưa từng sống đã tận ngày. Các bạn có thấy không, có những lúc mà chúng ta mới mở mắt ra đã tối rồi, mới ăn sáng đã ăn tối, mới đánh răng đã lại đi ngủ, tức là chưa từng sống mà đã hết một ngày rồi, chưa từng sống mà đã hết cuộc đời rồi. Chúng ta thực sự để thời gian trôi qua lãng phí bởi không thấu được thời gian trôi qua không bao giờ trở lại.

Đức Phật tới trong cuộc đời đã nhấn mạnh một chỗ và nhớ rằng Đạo Phật thường bị người ta gán ghép rằng là tiêu cực nhưng thực ra Đạo Phật rất tích cực. Tích cực ở chỗ, Đức Phật tới hướng dẫn cho chúng ta bởi Ngài là bậc giác ngộ, Ngài hướng dẫn chìa khóa để sống tích cực hơn, để thay đổi vận mệnh và cuộc đời, để làm chủ sự sống đang hiện thân ở nơi đây. Chưa bao giờ Đức Phật nói, này các chúng đệ tử, này các Phật Tử, này các tín đồ nam nữ, không cần làm gì hãy tới ta sẽ ban và cho, Ngài chưa bao giờ. Đức Phật như một vị lão sư tận tụy suốt 45 năm trời cho tới khi 80 tuổi đời thì Ngài vẫn tận tụy tới từng người từng người khi nhìn thấy họ cần sự giúp đỡ, để trao truyền kiến thức thay đổi cuộc đời sống tích cực hơn để trải nghiệm hạnh phúc và an vui. Nếu chúng ta tu tập đúng mức thì chúng ta là những con người tích cực, không bó tay chịu trận, dù dưới bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa thì tâm vẫn an, lòng vẫn vui, sức vẫn khỏe dưới bất cứ một hình thức nào, dù có tồi tệ tới đâu xảy ra vẫn luôn luôn có được tâm thái như vậy. Bởi ta làm chủ được cảm xúc, ta làm chủ được cái Tâm, và cái Tâm đó luôn an lạc tịch tĩnh thanh tịnh. Mà khi tâm bạn an lạc thanh tịnh thì tâm đó tự nó có nguồn năng lượng siêu thế, tạo ra được vô cùng phước báu để vận hành cuộc đời tích cực, vươn lên khỏi mọi lầm chấp đau khổ, khỏi mọi vấp ngã và mọi đày ải trong thế gian. Đây là sự thật, muôn sự xảy ra với bạn và Bảo Thành đều do Tâm, nếu tâm an lạc và thanh tịnh thì năng lượng siêu thế sẽ hiển lộ, muôn sự ở đời sẽ đi vào khuôn mẫu và tốt đẹp như từng bước, như cái cầu thang tạo ra từng bước cho chúng ta bước lên và vượt qua. Cho nên tín đồ Phật Giáo hay Phật tử của chúng ta nhớ, khi tới với Phật, lấy công phu công hạnh đức hạnh làm đầu, và lấy chìa khóa của sự kham nhẫn, tu luyện, thiền Tuệ để trải lòng yêu thương, để mở rộng tầm nhìn thấu suốt được những điều đang xảy ra cho chúng ta. Ngồi một chỗ Chánh Niệm hơi thở, Trí Tuệ bừng khai, Từ Bi mở rộng. Ngồi một chỗ Chánh Niệm như thế, ta có thể thấu được mười phương ở tận hư không cũng có thể thể nhập được. Vì sao, vì ta có thể đi vào ngồi trên thảm Phật tánh thanh tịnh, thảm Phật tánh thanh tịnh đó còn hơn thảm thần thoại Hy Lạp có thể bay lên mọi cõi và không vướng mắc vào bất cứ một sắc tướng nào chúng ta nhìn, chạm, thấy, cảm.

Khép mắt đợi ngày mai một tinh thần tiêu cực, nhưng ít nhất nhìn thấy sự tiêu cực để ta tích cực sống. Khép mắt đợi ngày mai, đại dịch đã giúp cho chúng ta nhìn rõ được sự khác biệt của phước báu, và nhìn rõ được bản thân của mình đã nhiều lần bị vào tình huống hoàn toàn bó tay, khép mắt đợi chờ một ai đó cứu vớt mình. Khi đói người ta có thể cho chúng ta ăn, khi khát người ta có thể cho chúng ta uống, rách rưới có thể cho ăn mặc, nhưng tâm linh Trí Tuệ Từ Bi tình yêu thương phải tự nơi lòng của chúng ta khơi dậy do công phu tu tập. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, biết bao nhiêu nhà từ thiện có thể giúp đỡ chúng ta trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Nhưng nói về Trí Tuệ và Từ Bi thì phải đích thị nơi mỗi người chúng ta công phu tu tập để thành tựu, chẳng ai có thể cho được. Cho nên nếu bạn đói ăn khát uống, rách rưới mà không thể tạo ra được đồ ăn nước uống và quần áo mặc, bạn vẫn có thể khép mắt đợi ngày mai do những nhà từ thiện tới giúp đỡ. Nhưng nếu bạn đang đói khát Trí Tuệ đời sống tâm linh, thiếu năng lượng Từ Bi thì bạn nhớ dù có đợi suốt kiếp ngày mai tới thì cũng vẫn chỉ là như ngày hôm nay đen tối. Nếu bạn không tích cực đứng dậy công phu và tu tập Chánh Niệm hơi thở để thể nhập vào Trí Tuệ và Từ Bi thì muôn muôn đời ngày mai bạn đang trông chờ vẫn là màn đêm u tối, khắc khoải trong đau khổ của vô minh.

Con đường tâm linh là công phu, chúng ta cứ tới với các bậc tôn túc cứ hỏi, các Ngài cũng phải công phu cả cuộc đời, Đức Phật cũng công phu cả cuộc đời tu tập. Chúng ta tới với Phật hời hợt như là để trao đổi bởi luôn luôn biến Phật thành người cung phụng cho chúng ta. Phật cung cấp theo yêu cầu của chúng ta qua những lời cầu nguyện, biến con đường chân lý giác ngộ bởi công phu để thành tựu thành con đường giao thương thương mại. Người gian thương là người mua một bán mười, người tâm không vững chẳng có Chánh Định chẳng có Chánh Niệm là người cầu ít mà muốn được nhiều. Khép mắt đợi ngày mai, các bạn, nó không phải là một chuyện phim hay của cuộc đời bởi vì nó tình cảm sướt mướt, khóc lên khóc xuống, mà là chuyện thực tế của kiếp người. Nếu các bạn sống một cách tiêu cực thì biết khép mắt đợi chờ ai đó trên con đường tâm linh thì bạn nhớ bạn sẽ là người tự làm cho mình mù lòa và què quặt trong cuộc sống, dù từ miếng ăn miếng uống, hay áo mặc, hay những cơ hội, hoặc những phương tiện, hoặc môi trường sống. Những điều đang xảy ra với bạn Phật nói đều do phước báu và chỉ có sự tu mới thay đổi được phước báu. Cho nên tu tâm linh đúng như Phật sẽ có đầy đủ phước báu, nếu chưa nói là đi tới chỗ giải thoát luân hồi thì ít nhất cũng tận hưởng được phần phước báu nhân thiên, đỡ khổ, chứ không phải đợi đó chờ những nhà từ thiện đâu. Các bạn, ta từ thiện cho người nhưng quên từ thiện cho chính chúng ta. Từ thiện cho chính chúng ta là người có tâm thiện, có tâm từ, biết nhìn rõ chân lý công phu sớm khuya, để không khép mắt đợi ngày mai trong những nỗi khổ của những mối tình, danh vọng, địa vị, tiền tài, vật chất bị hư mất hoặc đối xử không để rồi chúng ta cứ phải trợn mắt nữa. Mà thay vào đó, chúng ta mở mắt đón nhận, chúng ta không hy vọng, chúng ta không kỳ vọng mà chúng ta biết chắc con đường đó thực sự mặt trời Trí Tuệ sẽ hiển lộ nếu đi theo hướng thiện của lòng người sẽ thành tựu được ngay thôi.  

Chớ hoài khép mắt đợi ngày mai,

Sống từng hơi thở sống hôm nay,

Thời gian có bao giờ trở lại,

Đừng chưa từng sống đã tận ngày.

Các bạn, chúng ta hãy sống tích cực trong từng hơi thở sống ngay hôm nay Chánh Niệm Từ Bi và Trí Tuệ, đừng bao giờ sống một cách tiêu cực và thụ động, nhắm mắt để mà chờ đợi cứu tinh tới với chúng ta. Bởi nhớ, thời gian như con thoi, nó không bao giờ trở lại khi đã đi qua, và đừng để tự oán trách than van sau này khi chưa từng sống mà một ngày đã đi qua.

Chúc các bạn an lành trong cuối tuần. Mô Phật!

Câu hỏi:

Phật tử Bảo Nghy: Thưa Thầy, nhà Phật có câu “vạn sự tùy duyên” thì chữ “tùy” đó phần nào có nghĩa là chờ đợi phải không ạ? Theo con hiểu là chờ đợi trong Trí Tuệ, tức là thấy được mình khi nào đầy đủ phước đức và hạnh nguyện thì “duyên” cũng sẽ đến. Nhưng con vẫn thấy có sự thụ động và tiêu cực trong đó. Mong thầy khai thị thêm cho con.

Thầy Bảo Thành: Mô Phật! nếu chúng ta hiểu theo góc độ như vậy, đó là pháp quán của một vị thánh nổi tiếng lắm, tuổi trẻ chắc có nghe: Thánh Cuội. Thánh Cuội tùy duyên đến mức mà nằm dưới gốc cây sung chờ sung rụng. Nếu chúng ta hiểu theo cách đó tức là cách tùy duyên theo pháp thiền quán của thằng Cuội, mà thánh Cuội, ngày xưa người ta gọi là thằng Cuội, ngồi gốc cây sung chờ sung rụng thì cái tùy duyên đó sai. Tùy duyên là tùy thời tùy mùa, chẳng ai mùa đông mà mặc áo mỏng ra ngoài, chẳng ai mùa hè mà mặc áo ấm ra bên ngoài. Người nông dân tùy duyên ở chỗ tùy từng thời mùa thời vụ mà biết gieo trồng hạt giống vào ruộng của mình. Cho nên người ta rất giỏi để biết được thời tiết và đúng mùa vụ để gieo trồng.

Chúng ta đã tùy duyên theo Cuội mà chẳng gieo duyên. Duyên tức là hoàn cảnh do tâm kiến lập lên, tùy là tương tùy vào hoàn cảnh đó, khéo ứng xử theo phương tiện để gieo trồng những điều thiện thì mới là trọn hảo sự tùy duyên của nhà Phật. Còn tùy duyên như vừa nói là tùy tiện theo pháp quán của Cuội, làm biếng đợi chờ, thôi mọi chuyện tùy duyên sao cũng được, cái đó là tùy duyên sao cũng được. Tùy duyên cùa nhà Phật là hiểu thấu được nhân duyên, tương tùy nghĩa là tương tác với hiện thực đó để gieo trồng những chủng tử, những mầm mống thiện cho phù hợp. Cho nên trong cái tùy duyên của nhà Phật đúng lúc là một sự tích cực tương tác để vươn lên theo chiều hướng thiện, không phải là tùy duyên theo pháp quán của Thánh Cuội ngồi gốc cây sung chờ đợi. Cho nên nó không tiêu cực thụ động mà rất tích cực để phấn đấu vươn lên, rất tích cực chứ không có tiêu cực thụ động. Cho nên hãy thay đổi cách suy nghĩ để đừng lầm lạc. Mô Phật!

PHẦN HỒI HƯỚNG:

Thưa Phật, trong sự đồng tu hôm nay, chúng con thấu rõ con mắt Tuệ không phải là con mắt khép lại mà là con mắt bừng tỉnh mở ra thấy rõ, để chúng con sống từng hơi thở, sống hôm nay trong Chánh Niệm, để chúng con thấu rõ được thời gian trôi qua không trở lại, để chúng con sống một cách tích cực không thụ động, để từng ngày trôi qua sẽ trở thành ruộng phước biết gieo trồng những mầm mống chủng tử thiện lành trong cuộc đời. Có được chút phước báu nào xin hồi hướng cho tất cả chúng sanh đồng thành Phật Đạo.

Xin Chư Phật mười phương chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts