Search

Thay Đổi Cuộc Sống

Bảo Nguyện đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Thong dong tự tại an nhiên
Xa rời chấp trược não phiền oan gia
Đổi thay cuộc sống tự ta
Tâm hằng tỉnh thức ấy là đắc tu

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô, cùng các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Hôm nay thứ bảy trong đời sống Chánh Niệm, Bảo Thành mời gọi các bạn cùng tụng Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú, Thất Bảo Huyền Môn. Nguyện hồi hướng cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch, cho tất cả các chư vị hương linh, Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, người thân đã quá vãng được siêu sanh miền cực lạc, và cho tất cả mọi người chúng ta luôn tinh tấn tu học, thân tâm thường an lạc.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)

Chú Đại Bi (01 biến):

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)

Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.

Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)

Chú Vãng Sanh (03 biến):

Nam mô A Di Đa bà dạ

Ða tha dà đa dạ

Ða điệt dạ tha

A Di rị đô bà tỳ

A Di rị đa tất đam bà tỳ

A Di rị đa tỳ ca lan đế

A Di rị đa tỳ ca lan đa

Dà di nị, dà dà na

Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê.

Sa Bi Mô U.

Sa U Sa U Ba Thê Um.

NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Kính chào tất cả các bạn đồng tu trên kênh Youtube và Facebook. Hôm nay ngày thứ bảy ngày cuối tuần, và chúng ta đang cùng nhau đồng tu Sống Trong Chánh Niệm. Ai cũng có một đời hiện tại để sống. Sống Trong Chánh Niệm sẽ mang lại hạnh phúc và sự bình an cho chúng ta. Sống trong thất niệm, tán niệm thì chúng ta sẽ phiền não và đau khổ. Cuộc sống là một chuỗi dài cho tới khi nằm xuống và chúng ta trong từng chuỗi ngày của cuộc đời phải tự lựa chọn cho mình một cách sống tích cực hơn. Không thể sống một cách nhàm chán, đắm chìm trong đau khổ phiền não. Thật nhiều lúc mỗi người chúng ta muốn thay đổi cuộc sống của mình. Điều đó ai mà không biết, câu đó nghe qua thật quen. Nhưng làm sao mà có thể vượt qua? Làm sao có thể thay đổi cuộc sống? Có biết bao nhiêu những ước mơ của các bạn và Bảo Thành, có biết bao nhiêu những điều chúng ta đặt ra để rồi muốn thay đổi, nhưng ngày qua tháng lại cái cũ nó cứ lặp đi lặp lại và rồi khó thoát ra, làm sao cái mới trong cuộc sống có thể tới? Hình như cuộc sống của chúng ta không hề thay đổi, hay nó thay đổi một cách tinh tế theo chiều hướng tiêu cực mà không nhận ra. Cái tích cực trong cuộc đời ít có ai nhìn thấy, nhưng cái tiêu cực dễ thấy, dễ đi vào, dễ cảm nhận nhưng nó thật khó thoát.

Chủ đề Sống Trong Chánh Niệm ngày hôm nay là “Thay đổi cuộc sống”. Việt Nam chúng ta nói riêng thôi, còn nói chung trên thế giới đang mở cửa sau những ngày tháng đại dịch bị cách ly. Nhất định trong thời kỳ mới mở cửa này, mỗi người chúng ta có cơ hội nhìn lại và tự nói với cuộc sống này đây ta đang có cần phải thay đổi. Bởi sau khi đại dịch tới, mọi người có cơ hội nhìn rõ về cuộc sống nhiều hơn, nay đây mai đó, có đó rồi mất đó, tới rồi đi, sống rồi chết. Những chữ như vậy nó xảy ra liên tục trong thời gian qua, và không cần nói tới ngôn từ của Phật giáo thì chúng ta cũng nhận ra cuộc đời này về mọi phương diện: từ sức khỏe, từ tuổi tác, từ thân xác này, từ tư tưởng suy nghĩ, từ hành vi lời nói, từ sự tương tác trong cuộc sống về muôn mặt kinh tế, tình cảm, con đường công danh sự nghiệp, con đường sung túc của nhà, cửa vật chất, đều thay đổi một cách chóng mặt, nhìn rõ trong thời buổi đại dịch. Chúng ta lại còn có cơ hội nhìn rõ tấm lòng của nhau, tấm lòng của thế thái nhân tình đổi thay thay đổi chóng mặt khó ngờ. Trong một thế giới ngày nay khi dịch tới, ta đã thấy biết bao nhiêu những con người rất bình thường nhỏ bé nhưng lại có trái tim rộng mở. Suốt chiều dài của đại dịch đã chẳng sợ gì hết, sẵn sàng mang tất cả yêu thương góp lại cùng với nhau, san sẻ với mọi người. Nhưng có một số người lại ngồi đó, hình như họ muốn nhìn đại dịch này như là một cơ hội để tiến thân trên con đường công danh lợi lạc và tiền bạc. Vậy nên mấy ngày qua, ta thấy xì xào rầm rầm về những con người qua một mùa dịch ở Việt Nam kéo tới, hằng có biết bao con người nằm xuống chết đi tang thương màu trắng phủ đầy đất nước, nhưng túi của họ lại thêm nhiều tiền hơn. Nhìn thấy những não phiền ngược xuôi trong cuộc đời, chúng ta nhất định phải thay đổi, nhưng thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tích cực hơn. Để làm gì? Để ta:

Thong dong, tự tại, an nhiên,

Xa rời chấp trược não phiền oan gia.

Đổi thay cuộc sống tự ta

Tâm hằng tỉnh thức, ấy là đắc tu.

Chúng ta hôm nay nói tới trong cái vòng nhỏ của sự đồng tu với các bạn. Sự đắc tu của mọi người cứ ngưỡng ở trên cao không à, chẳng nghĩ rằng những sự rất bình thường. Thực ra sự chứng đắc, giác ngộ, đắc tu của một đời người trong kiếp phàm phu là tâm ta hằng tỉnh thức mỗi giây phút trong Chánh Niệm, đó là đắc tu rồi. Dù có muốn thay đổi hay không thì cuộc sống về vật chất, tinh thần và tâm linh luôn luôn biến động thay đổi, tới rồi đi, có rồi không. Ta nhất định phải tương tác với mọi sự đổi thay trong cuộc đời theo tâm thái tích cực sẽ vui, còn tiêu cực sẽ buồn. Nếu bạn muốn vui thì phải tích cực trong cuộc sống, nếu bạn muốn buồn phiền não đau khổ thì chỉ cần sống tiêu cực. Và tiêu cực hoặc tích cực đều là sự lựa chọn riêng của mỗi người. Đức Phật không ép chúng ta phải theo chiều hướng nào, Ngài chỉ khai thị tức là giới thiệu hướng dẫn vạch cho rõ để chúng ta thấy được rằng cuộc sống tích cực nó có sự lợi lạc như thế nào và cuộc sống tiêu cực gây tai hại ra làm sao. Chúng ta đừng nghĩ Phật Giáo như một tôn giáo cao siêu, tin tưởng, quỳ lạy, cúng kiếng kinh điển rần rần, mà hãy nhớ lời của Đức Phật là lời của bậc minh sư hướng dẫn cho chúng ta thấy rõ được sự lợi lạc trong cuộc đời, để từ đó chủ động đứng dậy thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tích cực.

Muốn có một đời sống an vui và hạnh phúc chúng ta phải thay đổi theo chiều hướng tích cực. Chỉ cần ngược lại một chút là chúng ta sẽ thấy được sự tích cực luôn có trong cuộc sống. Những thói quen hằng ngày chúng ta không để ý, nhưng trong đó thường là tiêu cực nhiều hơn tích cực và thường lặp đi lặp lại mà ta không biết. Trong bài Chuyển Pháp Luân đầu tiên Đức Phật dạy cho năm anh em Kiều Trần Như, Đức Phật nói thật rõ nghệ thuật sống để thoát khỏi luân hồi sanh tử trong bốn chữ KHỔ – TẬP – DIỆT – ĐẠO. Khổ, nếu các bạn thấy cuộc sống hiện tại đang khổ, khổ vì công danh sự nghiệp không bền vững, khổ vì tiền tài không đầy đủ cho nhu cầu của cuộc sống, khổ vì tình cảm giữa con người đổi thay thay đổi, khổ vì cái nhà lớn mất đi nhà nhỏ chẳng có túp lều cũng không, khổ vì vật chất đời sống cách ly chẳng như ý muốn, khổ nhiều lắm. Nếu nói về khổ thì ta sẽ thật sự khổ nhiều. Và trong cái khổ đó ta than. Và cái khổ nhất trong cuộc đời là chúng ta đi tới đâu cũng không bao giờ gặp được những đối tượng, môi trường thuận theo ý ta. Tới nhà người khác thấy không ưng ý than rồi, tới Chùa cũng không thấy ưng ý than rồi, tới bất cứ một môi trường nào làm sao như câu ta thường than: ở sao cho vừa lòng người. Ông Trời ở không vừa lòng người, nắng thì kêu nắng, mưa thì kêu mưa, ở đời câu đó hình như đúng. Bảo Thành và các bạn và đại đa số có tâm trạng thường không vừa lòng với mọi sự việc trong tương tác hoặc xảy ra đối với chúng ta, nên chúng ta cứ cau có giận hờn tủi phận, sân giận xấu lắm.

Chúng ta phải ý thức rằng thời kỳ đang bắt đầu, và đây gọi là mở cửa trong thời kỳ mới, ở xã hội Việt Nam gọi là mở cửa thời kỳ mới thì mỗi người chúng ta phải làm mới cuộc sống bằng sự thay đổi, bằng sự canh tân cách sống mới. Đó mới là sự thể hiện hiểu thấu giá trị làm người và giá trị của cuộc sống sau khi đại dịch đã, đang và còn quét qua quê hương Việt Nam và toàn thế giới. Không thể sống theo những cách sống của ngày tháng cũ, phải xác định lại những điều gì cần làm, những điều cần phải sống cho phù hợp tích cực hơn thôi. Cách sống tiêu cực nếu như có trong quá khứ cần phải gạn lọc. Bao nhiêu tháng ngày ta nói trong sự chanh chua, trong sự tranh chấp, sự đấu khẩu, trong sự không vừa ý, trong sự thể hiện cái tôi bực mình đối với cha mẹ, vợ chồng, con cái, người thân, xã hội, thường thường chúng ta hay thể hiện cái tôi của mình. Do đó khi va chạm, khi nói chuyện, chúng ta cứ gằn giọng của mình lên, la cho to, phùng mang trợn mắt, dữ dằn lắm. Bởi vì ta luôn luôn là ta, ta là chúa tể càn khôn cai trị mọi người chung quanh. Ngay trong gia đình nhỏ bé, đôi khi ông chồng hoặc bà vợ đóng vai chúa tể càn khôn làm cho gia đình chật chội khó chịu, trong quan hệ bạn bè đôi khi cũng có những con người thích cầm cây phương trượng bảo kiếm tiền trảm hậu tấu. Họ thích thể hiện uy quyền, và sự thể hiện uy quyền đó có trong Bảo Thành, có trong các bạn, đó là cách sống độc quyền không tốt trong quá khứ. Nay rất may mắn nhờ đại dịch ta nhìn lại, thấy hổ thẹn với chính mình đã sống trong cách sống ấy.

Phải thay đổi các bạn. Chúng ta phải sống thong dong tự tại và an nhiên. Dù dịch vẫn còn đây đó nhưng nhất định phải sống thong dong tự tại an nhiên thôi, chứ không thể sống một cách hấp tấp vội vàng phiền não và đau khổ. Chúng ta phải sống thong dong tự tại và an nhiên bằng cách xa rời mọi chấp trược, mọi não phiền và oan gia, không tranh chấp, phải đồng lòng nhẹ nhàng, người nói kẻ nghe, thông cảm hiểu biết rộng mở và yêu thương. Nhất định gia đình đó sẽ ấm cúng vô cùng, vật chất có thể không bằng ai nhưng vẫn đầy đủ, đủ đầy là bởi vì tình vợ chồng luôn luôn đong cho nhau đầy đủ tình thương qua mọi nghĩa cử giao tiếp hằng ngày. Đối với tình nghĩa cha mẹ đấng bậc sinh thành và con cái cũng như thế, với xã hội cộng đồng cũng như thế. Từ những suy nghĩ làm sao ứng dụng những lời nói ngôn ngữ hành vi một cách tích cực hơn bằng tâm rộng mở và yêu thương, luôn luôn thầm nhắc phải thong dong và tự tại an nhiên. Phải rời xa mọi chấp trược trong những cách nói cách làm của nhau. Phải không để sự não phiền của sự khác biệt nó xâm lấn, nó làm cho ta loạn tâm. Phải tránh xa những oan gia trái chủ cãi nhau đấu khẩu, hơn thua cao thấp. Sống bình dị nhẹ nhàng, bằng phẳng như mặt đất, thấp như mặt đất nhưng có thể ôm ấp tất cả sự sống vào trong tâm.

Và muốn thay đổi như đó và làm được những điều đó, sống tích cực như vậy thì mỗi người chúng ta phải tự chúng ta mới thay đổi cuộc sống đó mà thôi. Và khi thay đổi cuộc sống như vậy từ tiêu cực thành tích cực, chúng ta sẽ có được sự tỉnh thức trong nhận thức của Chánh Niệm tương tác với cuộc sống hàng ngày. Và tâm hằng tỉnh thức trong từng giây phút Chánh Niệm đó để đối xử với nhau theo đó gọi là đắc tu gọi là chứng đắc, gọi là chứng ngộ, gọi là giác ngộ. Tâm hằng tỉnh thức là tâm đắc tu giác ngộ, chứ không phải cao siêu là chỗ đắc tu giác ngộ là bay bay như Tề Thiên Đại Thánh hái sao trời tặng lại người yêu thương. Chẳng phải bay bay lởn vởn trên trời, đưa mây về đất cho người, ta khoe. Không cần phải như vậy. Đắc tu là tâm hằng tỉnh thức, mà muốn có tâm hằng tỉnh thức thì chúng ta phải sống một đời sống thong dong tự tại an nhiên bằng cách xa rời mọi chấp trược, mọi não phiền. Và điều đó đòi hỏi mỗi người chúng ta phải biết canh tân đổi thay cuộc sống của mình, nhất là trong thời kỳ này đây.

Tứ Diệu Đế, Đức Phật thấy Khổ thì nhất định phải có sự sung sướng. Hai cái này luôn luôn đi với nhau. Nếu có khổ thì phải có sung sướng và hạnh phúc. Vậy trong cuộc sống ta nhìn kỹ lại đi, nếu bạn than ôi tôi khổ quá, tôi khổ với ông chồng của tôi quá, tôi khổ với bà vợ của tôi quá, tôi khổ với huynh đệ của tôi quá, tôi khổ với cộng đồng, tôi khổ với Phật Tử quá bởi tới chùa họ làm như này như kia, tôi khổ với ông Thầy, Sư Cô quá, bởi tới chùa họ như này như kia, đó là cách nhìn của ta. Nếu như ta thấy rằng trong sự tương tác giữa vợ chồng, cha mẹ, bạn bè, giữa các bạn đồng tu, giữa ta và chùa, giữa ta và quý Thầy quý Sư Cô là khổ thì nhất định hạnh phúc sung sướng nó đâu đó ngay gần vậy thôi, không xa đâu. Thay đổi ngược lại thôi, nếu giữa tình vợ chồng, tình bạn trong tương tác của gia đình, hoặc trong sự tương tác với cộng đồng xã hội, với chùa chiền, với quý Thầy quý Sư Cô, các bạn đồng tu, mà bạn cảm thấy khổ trong cách nói đó, thấy phiền não trong cách nói đó thì bạn chỉ cần thay đổi ngược lại cách nói thì hạnh phúc sung sướng ngay chỗ đó. Ví dụ: xưa giờ họ nói gì là ta thấy không ưng ý, không chấp nhận, ta khổ, ta phiền não và ta nói với họ mạnh hơn, tranh chấp thành ra gọi là khắc khẩu. Mà đi giải hoài các thầy tướng thầy bói rồi, các thầy cúng sao này sao kia đủ thứ sao, sao đen sao trắng rồi đến sao gà mà rồi cũng chưa có an lòng, cứ gáy hoài đấu hoài, khổ quá. Tại vì ta không hiểu được nguyên nhân Đức Phật dạy, nếu có khổ thì phải có nguyên nhân tạo ra khổ, hiểu được nguyên nhân tạo ra khổ đó, thay đổi ngược lại thì hạnh phúc sung sướng ngay. Một ví dụ nhỏ như thế cho chúng ta thấy, khổ là bởi vì chúng ta chấp trược, não phiền nó tới và rồi tạo ra oan gia, làm sao chúng ta thong dong tự tại an nhiên được. Chính vì sự chấp trược nó có là chỗ ta đưa cái tôi bản ngã mình lên, từ đó mở cửa “khẩu” (miệng) tuôn ra những điều oan gia trái chủ phiền não. Nhận định được nguyên nhân tạo ra phiền não đau khổ đó từ cửa “khẩu” tuôn ra những lời bất như ý, những lời thô tục, những lời thô ác, những lời thêu dệt, những lời mà chúng ta gọi là thêm bớt đâm thọc, hiểu được điều đó ta thay đổi tích cực hơn, đổi thay nó ngược lại. Thay vì nói những lời thô ác thì ta nói ái ngữ. Bạn thử đi rồi bạn thấy nó tuyệt vời.

Thay đổi bằng tâm tỉnh thức nhìn rõ được những điều ta đang làm tạo ra khổ, hãy làm ngược lại tạo ra hạnh phúc và sung sướng. Bạn khổ là bởi vì bạn không nhìn ra nguyên nhân, còn bạn nhìn ra nguyên nhân ấy bạn thay đổi, bạn sung sướng và hạnh phúc. Phật muốn chúng ta sung sướng và hạnh phúc ngay trên cõi đời này, đời này sung sướng và hạnh phúc, đời sau sung sướng và hạnh phúc, 2 đời đều sung sướng và hạnh phúc. Đời này phiền não đau khổ, đời sau não phiền khổ đau, 2 đời đều khổ đau và não phiền. Thật rõ, một lời ác bởi chấp trược, tranh đấu, đấu khẩu mang lên võ đài đánh khi nào họ chết thì thôi mới thỏa mãn. Sao cần phải dụng sức như thế, chỉ cần đối xử với nhau tử tế bằng tâm tốt đẹp, tránh xa chấp trược não phiền, đừng tạo thêm oan gia thì các bạn sẽ có hạnh phúc sung sướng. Một lời của bạn làm cho bà vợ hoặc ông chồng, hoặc cha mẹ, bạn bè, con cái, mọi người trong xã hội, chùa chiền, thầy sư cô, các bạn đồng tu Phật tử nhận thức được rằng trong sự tương tác đó luôn tạo ra phiền não và đau khổ, ta làm ngược lại. Cách nói của ta thì ta nhìn xem cách tương tác của ta, cách nói của ta có nằm trong bốn thứ ngôn ngữ mà Phật đã dạy rồi hay không: ngôn ngữ thô ác, ngôn ngữ của sự thêm bớt, ngôn ngữ của sự đâm thọc, ngôn ngữ của có nói không, không nói có. Từ đó, ta thay đổi bằng những ngôn ngữ chân thật, yêu thương, tỏ lộ lòng quan tâm để thông cảm lắng nghe, phiền não biến ngay. Không chấp vào chỗ đó, khắc khẩu được giải, chẳng cần phải cúng sao. Không có sao nào cần phải cúng để giải hạn của oan gia bằng sự thay đổi cách tương tác trong ngôn ngữ và hành vi và suy nghĩ của chúng ta đối với mọi người.

Hơn…

Chỉ hai thước đất chôn vùi bấy lâu

Mộ kia dù có xây to

Cốt xương cũng thế đong vào đong ra

Một nắm tro một nắm tro tàn

Hũ kia để đó hỏi người còn hay không

Hũ tro còn đâu? Các bạn, ta phải thay đổi cuộc sống bằng cách nhìn rõ lời Đức Phật dạy, có khổ là phải có sung sướng hạnh phúc, và nhìn lại sự tương tác của chúng ta trong những ngày tháng qua như thế nào để ta khổ, để ta phiền não. Thì chúng ta sẽ nhận ra, à bấy lâu nay chúng ta chấp trược, chúng ta cứ ôm ấp não phiền để thể hiện cái tôi của mình quá cao tạo ra oan gia. Có biết bao nhiêu Phật tử tại gia của chúng ta khi đi tới Chùa quên mình là ai.

Vào Chùa chẳng thấy Phật đâu

Nhìn qua nhìn lại thấy một mình ta

Sư cô cùng lẫn với Thầy

Coi như người ở sai vào sai ra

Thế nên nghiệp chướng tuôn ra

Cả đời chẳng có phước mà oan gia thì tới nhiều

Lại có những vị xuất gia thấy cảnh đó nữa chán chường quá thì từ bỏ chỗ này tìm chỗ kia. Người ta gọi là “đứng núi này trông núi nọ”, tìm chỗ này tìm chỗ kia, tìm một chỗ thánh mà tu. Cuộc đời là bể khổ, chỗ nào cũng có não phiền mà thôi. Có những vị xuất gia bỏ chùa này, đi chùa kia, cứ bỏ chỗ này đi chỗ kia là bởi vì muốn tìm một chỗ Phật tử tử tế để mà tu. Trên đời chúng ta mượn sự não phiền, oan gia trái chủ, những điều bất như ý mà tu. Phật tử tại gia hay các bậc xuất gia cũng nương vào nghịch cảnh của cuộc đời để làm cho tâm bớt phiền não, bởi nhận ra sự đối ứng của ta và mọi sự nghịch cảnh đó đều tới do Nghiệp Duyên của chính mình chứ chẳng phải do người tạo ra. Chúng ta không chạy xa. Từ chỗ đó để nói rằng trong mọi mối quan hệ của cuộc sống không có một mối quan hệ nào mà không có sự ngang trái, không có não phiền, không có chấp trược, oan gia, không có những điều bất như ý xảy ra, luôn luôn có. Phật dạy hãy nhìn thẳng vào những sự oan gia não phiền đó để nhận ra chấp trược của cái tôi quá lớn của mình. Từ đó chúng ta làm ngược lại, đang tiêu cực trong lời nói, trong suy nghĩ và hành vi đối với mọi người thì cần suy nghĩ, nói năng và hành động tích cực là có sự sung sướng hạnh phúc hiện diện trong cuộc đời.

Hôm nay chúng ta chia sẻ đơn giản như vậy thôi. Nếu các bạn trong từng giây phút Chánh Niệm hơi thở, dùng Trí Tuệ và Từ Bi quán chiếu, để tâm của các bạn hằng tỉnh thức nhận ra những điều tiêu cực trong lời nói, hành vi và suy nghĩ của bạn, bạn thay đổi nó để cuộc sống hạnh phúc và an vui hơn thì đó chính là sự đắc tu, sự chứng ngộ, sự giác ngộ của kiếp người phàm phu ngay trong cõi đời này. Nếu các bạn thấy trong cuộc sống còn có góc độ, khía cạnh nào đó đang làm cho bạn khổ, bạn chỉ nhìn thật rõ để hiểu được nguyên nhân và làm ngược lại, bạn sẽ sung sướng và hạnh phúc. Sung sướng trong tầm tay, chỉ cần đi ngược lại mà thôi. Thay vì những lời nói thô ác đối với vợ, với chồng, với người thân trong tương tác tạo ra cái khổ và phiền não, khắc khẩu, xung khắc, đấu đá lẫn nhau, ta hãy dùng ái ngữ tình thương nói lời chân thật yêu thương nhẹ nhàng, khổ kia thì làm sao còn nữa, hạnh phúc hạnh phúc lắm, sung sướng sung sướng lắm. Từ ví dụ nho nhỏ như vậy để các bạn thấy rằng chúng ta không cần phải chạy trốn tất cả mọi não phiền khổ đau ở trong gia đình, trong cộng đồng, trong bạn bè đồng tu, hoặc trong chùa, mà chúng ta hãy nhìn bằng tâm chân thật và khiêm tốn, hạ mình xuống thấp nhìn cho thật rõ mọi não phiền đó là do ta chấp trược nên não phiền oan gia nó tới. Với tâm Từ Bi, với lời ái ngữ, với lòng tương thân tương ái, với suy nghĩ bằng Trí Tuệ bằng Phước Huệ, nhất định chúng ta sẽ thong dong tự tại ở mọi cõi để sống an nhiên. Xa rời chấp trược đi các bạn, phiền não và oan gia sẽ tận. Mà muốn xa rời chấp trược đó phải dẹp bỏ bản ngã của chúng ta và sự dẹp bỏ đó phải là sự thay đổi tự nơi ta chứ không bắt người thay đổi. Khi chúng ta tới đâu, tương tác với ai đừng bao giờ thay đổi người, mà thay đổi cái ta cái tôi của mình, hòa nhập vào. Một giọt nước rơi vào dòng sông mà muốn thay đổi cả dòng sông thì đó là sự ngạo mạn. Giọt nước rớt xuống sông, nó hòa mình vào dòng sông, nó thành dòng sông ấy. Chúng ta hòa mình với dòng sông của cuộc sống trong sự tương tác với muôn người bằng tâm hằng tỉnh thức, chính là sự đắc tu, thì chúng ta ở nơi đâu thì toàn bộ nơi đó là dòng sông, là ta.

Phật dạy, thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tuần này Bảo Thành mong rằng chúng ta quán chiều những đau khổ và phiền não hiện hữu còn đó trong ta một cách thật tích cực, bằng cách là các bạn ghi xuống những điều phiền não còn trong bạn: phiền não với chồng, với vợ, ghi hết xuống. Khi các bạn cho mình một hệ thống hóa rõ ràng, ghi xuống những điều phiền não đó, rồi chúng ta tập thể dục là vận động suy nghĩ. Tập thể dục không hẳn là tập tay tập chân đâu, não bộ cần tập thể dục bằng sự suy nghĩ và tư duy. Và cách để tư duy suy nghĩ mà Phật đã dạy đó là Chánh Tư Duy, ghi xuống toàn bộ những điều phiền não còn tồn đọng ở trong kho, tập thể dục não bộ bằng Chánh Tư Duy và Chánh Kiến trong Chánh Niệm vậy thôi. Các bạn thấy chưa, rồi sau đó thay đổi ngược lại và tái tạo lại một môi trường sống lành mạnh hơn trong cuộc đời. Các bạn, chỉ cần sự thay đổi nhỏ bé như vậy thôi và các bạn tích cực làm điều đó, ghi xuống những não phiền, nhìn rõ nguyên nhân – đó là do bạn và Bảo Thành quá chấp nên tạo ra não phiền và oan gia. Nay không chấp nữa, làm ngược lại, cách nói hàng ngày tạo ra não phiền với người quen đó nay nói ngược lại. Xưa mình nói chanh chua, giờ mình nói dịu dàng, xưa mình nói tranh chấp, giờ mình nói hòa ái, xưa mình nói to tiếng trợn mắt, nay mình nói nhẹ nhàng mỉm cười, bạn chỉ thay đổi ngược lại thôi thì sự sung sướng hạnh phúc sẽ tràn ngập trong gia đình. Thay đổi như vậy trong thời mở cửa sau đại dịch rất cần thiết bởi qua đại dịch ai cũng hiểu thấu cuộc sống của con người mong manh vô cùng, sống chết tới và lui chẳng đợi tuổi tác, chẳng chê bai khỏe hay yếu. Cho nên chúng ta thấy nó vô thường chỗ đó, hãy thay đổi và sống tích cực để tận hưởng sự sung sướng và hạnh phúc ngay trong cuộc đời này. Mô Phật!

PHẦN GIAO LƯU:

Phật tử Bảo Nghy: Lúc thực tập Chánh Niệm trong sự tương tác và trong cuộc sống hàng ngày, có thể chúng con gặp trường hợp là dù nỗ lực sử dụng ái ngữ, hành động đẹp, hạ mình xuống đối với những người mình tương tác đặc biệt là trong công việc nhưng điều nhận lại chỉ là sự lợi dụng, tánh phàm sẽ cảm thấy bị ấm ức chèn ép trong đó. Thưa Thầy trong những trường hợp đó thì chúng con cần quán chiếu suy nghĩ như thế nào mà vẫn giữ được Chánh Niệm, đồng thời vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp, tránh được sự lợi dụng và cho công việc trôi chảy ạ? Xin Thầy khai thị ạ.

Thầy Bảo Thành: Mô Phật! Dưới công lý của nhân quả thì chẳng ai có thể chạy xa được tất cả những lầm lỗi sai phạm của mình, rất công bằng. Chúng ta Chánh Niệm bằng Trí Tuệ để tâm mình như tận hư không pháp giới. Tâm như hư không pháp giới tức là tâm rộng lớn như cái bụng của Đức Phật Di Lặc, như cái thùng không có đáy thì không có thứ gì mà người ta lợi dụng bỏ vào trong đó mà nó có thể lỉnh kỉnh được hết. Dĩ nhiên ta là người vẫn còn chút sân chút giận chút bực mình. Không sao, đừng lúc nào cũng nghĩ rằng ta phải trọn vẹn hoàn hảo, chỉ cần phối âm phối khí cho hay. Nếu cái thùng đó chưa có đáy, chưa đủ rộng mà người ta lợi dụng, quẳng vô trong cái thùng của lòng khiêm tốn, hạ mình yêu thương nhường nhịn để nó lỉnh kỉnh thì hãy học cách phối âm phối khí cho hay, phối những âm thanh đó thành những nốt nhạc cao, những cung trầm bổng của âm Từ Bi và sự trung đạo của Trí Tuệ nhìn rõ. Phối làm sao để tâm không quá căng để rồi bị đứt, tâm quá trùng trong sự nhún nhường thành nhu nhược, không tạo ra âm thanh hay. Cho nên Trí Tuệ là con đường trung đạo thấy rõ nhưng không để cho mình quá căng hoặc quá trùng để thành nhu nhược, thành bực mình sân hận nhưng vừa đủ trong sự tương tác để thể hiện ánh sáng Trí Tuệ, người ta sẽ nhận ra. Nếu bạn khiêm tốn quá đi tới chỗ nhu nhược, nếu bạn hạ mình quá tới chỗ nhu nhược thì người ta sẽ lấn tới. Nhưng trong sự khiêm tốn hạ mình, đối tượng tương tác đó vẫn cần phải nhận ra Trí Tuệ của bạn được thể hiện qua lòng Từ Bi yêu thương đúng mực, không phải là một sự nhún nhường quá mức để người ta cảm thấy mình như một kẻ nịnh bợ họ, từ đó họ chà đạp xâm chiếm mình.

Các bạn, chỉ cần thực tập Chánh Niệm, công phu của mình đó càng ngày sẽ càng có nội lực để thể hiện được góc cạnh của Trí Tuệ bừng sáng và năng lượng yêu thương Từ Bi, để khi tiếp cận với mọi người, họ sẽ cảm ứng được. Nói đơn giản thôi, năng lượng luồng từ trường trong ánh Minh Tuệ rèn luyện công phu và năng lượng yêu thương Từ Bi của chúng ta đó có thể tiếp cận giao thoa với họ và đối tượng đó sẽ nhận ra ta là người có lòng Từ Bi và Trí Tuệ tỏa sáng trong sự tương tác này, không phải ta là người nhún nhường nịnh bợ xiểm nịnh đi tới chỗ nhu nhược để họ chà đạp lên. Dĩ nhiên khi ta chưa đủ mạnh để luồng từ trường đó có thể giao thoa với họ và họ vẫn lấn tới, rồi từ đó tâm sân giận của ta dễ lỉnh kỉnh khó chịu, đâm ra bực bội. Nhớ thất bại là mẹ thành công, Phật dạy té ở đâu vịn chỗ đó đứng dậy, mỗi khi thấy tâm bực bội bởi khi thực hành Chánh Niệm Trí Tuệ và Từ Bi yêu thương chưa đủ mạnh thì người ta vẫn lợi dụng thì nhớ rằng, à thấy cái gai rồi, mua thêm cái dũa Chánh Niệm dũa cho nó mòn đi. Gai góc của tâm sân giận như vậy đó nó sẽ êm ngay từ từ. Nhớ gọi là công phu tu tập, ít nhất là bạn đã nhìn thấy sự bực bội, nhìn và nhận ra tánh sân của mình khi họ lợi dụng quá mức. Thì khi nhìn, tánh nhìn ra cái sân đó tức là tánh nhìn của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tánh nhìn của Lăng Nghiêm, nay dùng Trí Tuệ và Từ Bi tẩy rửa, chiếu vào đó để tâm sân đó ta hoan hỉ, à ta còn sân đây, thì sự khiêm tốn này chưa đúng pháp. Bởi tác ý như lý, tác ý như pháp, Từ Bi mà tác ý vẫn còn rằng người ta phải tôn trọng tôi, vẫn còn có chút tôi trong đó. Khi mình tác ý Từ Bi và Trí Tuệ chẳng còn cái tôi, đối tượng sẽ cảm nhận được luồng năng lượng từ trường của mình chạy vào tâm thức của họ và họ phải đối xử tốt với mình một cách tử tế hơn. Hãy cố gắng thực tập thêm. Mô Phật!

Phật tử Bảo Nghy: Thưa Thầy, nếu mình chưa có đủ định lực trong tâm để cho người khác cảm nhận được và đối xử tử tế với mình thì phải giữ tâm thanh tịnh không bị sân si, còn sự chịu đựng sự lạm dụng của người khác vẫn là thứ yếu có phải không ạ?

Thầy Bảo Thành: Mình chỉ cần Chánh Niệm trong Trí Tuệ và Từ Bi. Cũng như quần áo dơ tới đâu thì ta đổ nước và xà bông, chúng ta đổ thêm nước Từ Bi vào trong đó và dùng xà bông Trí Tuệ thì gội rửa sạch cái tâm của mình chứ không cần gội rửa sạch cái Tâm của người ta. Bởi khi người ta lợi dụng điều đó, mình thấy Tâm của mình sân, tức là Tâm dơ rồi, thì dùng Tâm Từ quán chiếu và Trí Tuệ tẩy rửa ngay, đừng để nó dính vào trong lòng của mình, dơ chỗ nào rửa ngay chỗ đó, dính mắc chỗ nào rửa ngay sự dính mắc đó. Dần dần lúc nào tâm mình cũng sạch thì gọi là, như là tâm hằng tỉnh thức ấy là đắc tu.

Tâm của mình chứ không phải Tâm của người ta nghe con. Nếu Tâm của người ta đối xử với mình như hung thần ác quỷ, như Thiện Thần, như Phật, như Bồ Tát, không có sao, ta không dính mắc vào cái Tâm của họ. Nhưng chỉ cần Tâm của ta luôn tỉnh thức để nhận biết ra, dùng Trí Tuệ và Từ Bi tương tác với họ. Và tâm tỉnh thức nhận ra họ đối xử với ta như vậy thì cũng không sao, miễn là ta, cái Tâm ta đừng có dính mắc, đừng có chấp trược, đừng để sự chấp trược tạo ra não phiền, gây ra oan gia thì tâm mình đã đắc sự tu rồi. Cho nên nhớ nhìn lại mình. Mô Phật!

PHẦN HỒI HƯỚNG:

Thưa Phật, trong sự đồng tu của chúng con ngày hôm nay với Đời Sống Chánh Niệm: Thay đổi cuộc sống, để tâm của chúng con hằng tỉnh thức, để chứng đắc được đạo quả vô thượng an nhiên tự tại thong dong. Chúng con biết rằng trong sự tu này mọi người chúng con phải ý thức thay đổi, xa rời mọi chấp trược, mọi não phiền tạo ra oan gia, và sự thay đổi đó phải do chính tự thân của chúng con ý thức và tích cực thay đổi. Nguyện xin Chư Phật gia trì để trong tuần này chúng con thực sự thay đổi được cuộc sống, ngõ hầu mang lại sự hạnh phúc và an vui nơi gia đình, nơi xã hội cộng đồng chúng con tương tác.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn