Search

Hãy Sống Chân Thành

Bảo Nguyện đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Chân thành nhận, chân thành trao
Chân thành sống, tự đáy sâu tâm hồn 
Yêu thương, thành kính, biết ơn
Phước điền vô tận khởi nguồn an vui

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô, cùng các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Hôm nay ngày thứ bảy, trong chương trình Sống Trong Chánh Niệm, Bảo Thành đang ở Chùa Xá Lợi, tiểu bang Minnesota, cùng với các bạn đồng tu giờ đây hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo, Phật Pháp Tăng để chúng ta bắt đầu. Và chúng ta trong ngày hôm nay cũng nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho chúng ta đón nhận được thật nhiều năng lượng tình thương, có đầy đủ Trí Tuệ để nhìn thấu vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã. Nguyện thành tâm hồi hướng xin mười phương Chư Phật gia trì đặc biệt cho quê hương Việt Nam của chúng ta và cho toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch, để muôn người được trở về với đời sống bình an. Chúng ta hãy thành tâm và bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (03 lần)

Chú Đại Bi (01 biến):

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)

Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắt ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.

Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)

Chú Vãng Sanh (03 biến):

Nam mô a di đa bà dạ

Ða tha dà đa dạ

Ða điệt dạ tha

A di rị đô bà tỳ

A di rị đa tất đam bà tỳ

A di rị đa tỳ ca lan đế

A di rị đa tỳ ca lan đa

Dà di nị, dà dà na

Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê.

Sa Bi Mô U.

Sa U Sa U Ba Thê Um.

NamMô SaKa PuốtTế, NamMô SaKa PuốtTế.

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Mô Phật! Bảo Thành kính chào tất cả các bạn đồng tu. Hôm nay là một buổi sáng thứ bảy tuyệt đẹp, tại tiểu bang Minnesota, nơi ngôi Chánh Điện nhỏ bé xinh xắn của miền đất Tâm thanh tịnh, tuy nhỏ thật nhưng có một trái tim rộng lớn. Hình như đây là cách nói mà mỗi người chúng ta đều thích. Cuộc đời có khác nhau, khác ở chỗ là người giàu và kẻ nghèo, khác ở chỗ là kẻ có quyền lực và người không có quyền lực, khác ở chỗ là chúng ta sống đầy đủ phước báu hơn người và người thì bần hàn đau khổ, khác ở chỗ có người tướng hảo đẹp đẽ và có người thì bình thường. Khác cảnh, khác nơi ăn chốn ở nhưng chẳng bao giờ chúng ta khác trái tim vĩ đại của tình yêu vốn có, trái tim vĩ đại với tình yêu lòng Từ Bi, Trí Tuệ vốn có trong chúng ta. Và không ai trong chúng ta có sự khác biệt cả. Đó là cái nhìn về thể tánh viên dung mà chính Đức Phật đã khai thị cho chúng ta. Khi Ngài thành Phật, Ngài biết rằng Ngài là Phật, tức là đấng đã tỉnh thức, tỉnh giác, còn chúng sanh mê muội chưa thành Phật nhưng sẽ thành, nghĩa là sẽ thức tỉnh mà thôi. Và cái nhìn đó đã cho chúng ta niềm vui bất tận bởi trái tim của Thế Tôn vĩ đại bao la, có thể bao trùm tình thương tới muôn loài để trong trái tim của Ngài có chúng ta.

Các bạn, với chủ đề “Hãy Sống Chân Thành”, cuộc đời của con người tìm được người chân thành ngày nay có lẽ hơi hiếm bởi vì đó là hàng quý. Cái gì quý bao giờ cũng hiếm, vậy nên ngôn ngữ Việt Nam mới gọi là hàng quý hiếm. Nhưng ngày nay nó còn được gọi là hàng độc, hàng chất, chất ngất như nước cất. Ngôn từ thay đổi theo thời đại nhưng tựu chung cũng nói về Tâm chân thành rất cao quý. Chúng ta đừng vì cuộc sống bận rộn, đừng vì màn trời chiếu đất, đừng vì miếng cơm manh áo, đừng vì sự khổ ở đời ràng buộc, đừng vì những điều cám dỗ về tiền tài, danh vọng, địa vị, đừng vì vật chất, đừng vì tất cả những gì hấp dẫn chúng ta vươn lên để có mà ôm vào mình, chết về tay không, để rồi chúng ta đánh mất phẩm giá cao quý nơi mỗi một con người, đó là tâm chân thành, tâm chân thành cao quý. Thử hỏi, trong cuộc đời của Bảo Thành và các bạn nếu có được những người bạn có tâm chân thành thì ta thật yên tâm, bởi vì người bạn có tâm chân thành là người luôn mang tới cho chúng ta hơi ấm của tình người, lúc hạnh phúc thì họ thắp sáng nguồn hạnh phúc để ta dâng trào ra, lúc đau khổ họ tới để sưởi ấm cho trái tim của chúng ta có được nguồn hạnh phúc trở lại.

Người chân thành không hiếm như chúng ta nói đâu, nhưng có điều mỗi một người trong chúng ta không phát hiện được rằng trong ta vốn là người rất chân thành. Từ đó để cho rong rêu, thử thách của cuộc đời, bươn chải trên trần đời kiếm cơm kiếm áo phủ kín trên thềm chân tâm chân thành ấy. Và khi trở về với chính mình, ta thấy trong căn phòng của cuộc đời, cái tâm của ta bận rộn quá nhiều điều rơm rác. Nếu chịu khó một chút, lấy cây chổi Chánh Niệm hơi thở, lấy năng lượng Từ Bi và Trí Tuệ, chúng ta chỉ cần quét ngang nhẹ nhàng thì thềm tâm chân thành sẽ hiển lộ nơi mỗi một người trong chúng ta. Người có tâm chân thành thì ánh mắt của họ sáng dịu như sao trên trời, người có tâm chân thành ánh mắt của họ như tinh tú soi đường ta đi. Tuyệt vời! Tuyệt vời! Trong màn đêm mà mây trời thanh, tịnh, trong, ta có thể ngước mắt nhìn lên trên khung trời cao rộng hằng hà những tinh tú lấp lánh thì thật tuyệt vời. Ánh mắt của người có tâm chân thành nó sáng dịu như sao ở trên trời. Nụ cười của người có tâm chân thành tỏa nắng yêu thương sưởi ấm lòng người. Mỗi khi các bạn tiếp cận được với người có tâm chân thành, họ cười thôi là bạn đã đón nhận được năng lượng ấm áp. Gần gũi người có tâm chân thành ta nhìn thấy đường để đi, ta được sưởi ấm trong những lúc đau đớn. Người có tâm chân thành có từng hành động an lạc, mà càng gần gũi thì dù đau khổ bất an đến đâu thì chúng ta cũng đón nhận được năng lượng an lạc đó để trụ vững trong cơn bão tố của cuộc đời. Người có tâm chân thành thì từng bước chân của họ đi trong cuộc đời tịch và tĩnh, để ta đặt dấu chân ngang trái của ta vào trong dấu chân của họ, ta không bao giờ bị sa ngã nữa.

Chắc có lẽ trong cuộc đời của Bảo Thành và các bạn không ít thì nhiều ta đã có sự trải nghiệm tiếp cận với người có tâm chân thành rồi. Chân thành là gì? Chân thành là sống chân thật bằng trái tim luôn biết trao đi và không bao giờ mong cầu sự đền đáp. Chân thành là người sống chân thật, biết trao, biết tặng, biết hiến dâng bằng cả trái tim nồng ấm, tràn đầy yêu thương và Trí Tuệ cao quý. Bởi trong cuộc đời của người học Phật, các bạn luôn kiếm người có tâm chân thành. Nhưng câu hỏi là, có khi nào bạn chân thành với chính mình hay không? Ta cầu mong tìm được người chân thành với mình, họ sống chân thật. Một trong những điều cao quý của đời người là chân thành để sống chân thật, nhưng chúng ta lại không chân thành chân thật với chính mình. Người không chân thành thường hay sống màu mè hoa lá, người không chân thành thường hay sáo rỗng, người không chân thành thường để cho người ta cười vui nhưng chẳng có chất lượng sống chân thực trong cuộc đời. Thử hỏi, trên con đường học Phật ta có tâm chân thành hay không? Hay chúng ta chỉ như người khách ghé ngang cuộc đời để lại chút thoáng cười rồi tắt lịm trên bờ môi. Chúng ta thực ra không chân thành với mình mấy đâu trên con đường học đạo, bởi cũng ít chân thật lắm. Ta đối xử với Pháp của Phật, ta đối xử với Phật, ta đối xử với chính ta trên con đường học Phật chỉ như người khách vãng lai, tới qua đền, qua thất, qua ngôi chùa, qua Thiền Viện, qua những lời dạy của Phật, để như một người ngang qua thử mà thôi. Nhất định trong chúng ta sẽ chẳng ước mong gặp một người bạn chỉ thử chơi mà thôi.

Cuộc đời ngắn lắm ai ơi.

Tại sao cứ phải thử chơi hoài hoài.

Ta không thử, trong tình bạn không thể thử, trong tình người cũng không thể thử, cần phải sống chân thành. Trên con đường cầu đạo ta không thể thử đâu, mà chúng ta phải chân thành với lòng khao khát, đối xử với Phật Pháp một cách chí kính chân thật, mới ngõ hầu mang lại lợi ích chân chính cho chúng ta. Còn không, chúng ta tới với nhà Phật như một vị khách vãng lai, ngõ hầu trong sự tương tác với điều Đức Phật dạy, chỉ đáp ứng những điều mong muốn sở cầu của chúng ta vậy là đã đủ thì ta đã đặt mình chỉ là người khách tạm bợ ghé ngang mà thôi. Có bạn cần phải có bạn chân thành, sao ta lại không chân thành với chính mình khi tu học Phật Pháp? Chúng ta cứ thử xem, nếu có một người bạn không chân thành mà bạn giao tiếp với sẽ làm phiền bạn dữ lắm. Huống hồ khi chúng ta tới với Phật mà không có trái tim chân thành, sống thật với tâm chân thật làm mình khao khát cầu đạo giác ngộ chuyển hóa và sửa đổi những phạm sai của mình để thanh tịnh hóa thân tâm, đưa tới mối giao hảo gắn kết mật thiết với Chư Phật bằng pháp Thiện và tâm thiện lương, để thắp sáng đuốc Tuệ và lan tỏa yêu thương thì chúng ta sống quá giả dối với chính ta và với Phật. Bạn chơi ở đời mà không chân thành, không chân thật thì ta chẳng chơi đâu. Vậy mà ta chẳng chân thật với cõi lòng của mình, chẳng chân thành với Phật khi học pháp của Phật. Chẳng chân thành với chính mình, chẳng chân thật với cõi lòng mình để chân thành trên con đường cầu đạo, mà chúng ta hời hợt như người khách vãng lai tạm bợ ghé ngang. Chân thành nhận, chân thành trao, chúng ta có thực sự trong phép tu Chánh Niệm hơi thở với sự chân thành đón nhận hay không, để chúng ta được Chư Phật chân thành trao tặng cho Pháp Bảo giải thoát của Như Lai. Chân thành sống từ đáy sâu tâm hồn, thử hỏi chúng ta có chân thành sống từ đáy sâu của tâm hồn hay không, hay hời hợt gợn sóng ba đào giữa cuộc đời của hồng trần đầy bọt bèo lục bình và rác rưởi.

Các bạn, nếu chúng ta chân thành nhận thì chân thành trao, chân thành sống từ đáy sâu tâm hồn:

Yêu thương, thành kính, biết ơn

Phước Điền vô tận khởi nguồn an vui.

Đúng như vậy, trong cuộc sống rất cần sự chân thành đối với nhau. Và đặc biệt trên con đường phát nguyện tầm cầu đạo giải thoát với chí nguyện giải thoát, lấy Trí Tuệ để có ánh sáng soi đường ta đi, lấy Từ Bi để thắp sáng đuốc Tuệ và lan tỏa yêu thương, thì chính chúng ta sẽ dần dần trở về nguyên vị của hương vị tánh Thiện lương, biết sống chân thành, để từ đó ta chân thành nhận được năng lượng vi diệu của Chư Phật. Và chúng ta cũng chân thành trao, ban rải, gửi gắm, hiến tặng năng lượng vi diệu, tình yêu Trí Tuệ của Phật mà ta nhận được cho muôn người. Và ta sẽ là người chân thành sống, sống chân thật từ đáy sâu của tâm hồn nơi mỗi người chúng ta để muôn sự khó ở đời ta vẫn tịch tĩnh, mắt như sao trời soi đường dẫn lối cho chúng ta đi, và mang niềm vui sách tấn mọi người, nụ cười tươi thơm như hoa Giới, hoa Định, hoa của Trí Tuệ. Và dĩ nhiên trong tận đáy sâu tâm hồn của người sống chân thành như chúng ta đó, tình yêu thương, lòng thành kính và lòng biết ơn nhau sẽ có để Phước Điền vô tận, sẽ khởi nguồn an vui. Bởi khi sống chân thành, ta nhận ra giá trị chân thành của người khác đối xử với chúng ta. Chúng ta không hời hợt, bới và moi theo những ý ích kỷ, những cái nhìn thiển cận, những cái tâm rác rưởi của ta. Ta nhận biết ra được những người sống chung quanh chúng ta sống chân thành và chân thật, họ đã hiến dâng, họ đã trao tặng và họ đã làm với tất cả con tim từ đáy sâu tâm hồn của họ, và họ sống thật, chân thật, chân thành với chúng ta. Tình yêu thương của họ lan tỏa, và nếu như chúng ta có tâm chân thành, ta sẽ cảm nhận được năng lượng đó, để ta sống biết ơn với những người đã chân thành với chúng ta, để chúng ta không lạc vào cánh đồng hoang của sự vô ơn. Thấy được người chân thành đối xử với ta, thấy được hành động chân thành của người đối xử với ta, thấy được những cái tâm chân thành trao cho chúng ta, thấy được họ chân thành sống với chúng ta từ đáy sâu tâm hồn của họ mà ta chẳng có một chút chân thành để nhận, để yêu thương để kính trọng, để biết ơn, để ruộng Phước Điền của chúng ta không phải là khởi nguồn an vui mà chất chứa sự phiền não, đau khổ, bon chen, chanh chua, hờn giận, ganh tỵ, tham sân.

Các bạn, có khi nào Bảo Thành và các bạn đã tự hỏi, trong cuộc đời của mình có biết bao nhiêu những người sống chung quanh ta rất chân thành nhưng chúng ta đã vô tâm? Chúng ta đã vô tâm đón nhận sự chân thành của họ không bằng cái tâm chân thành, mà bằng cái tâm vô ơn lạnh lẽo như mùa đông băng giá dài hạn cả năm trời. Và có khi nào có biết bao nhiêu người chân thành sống chung quanh đã hiến dâng, đã trao tặng, đã đồng hành và hy sinh tất cả với ta, mà ta chẳng có một chút cảm nhận bằng tâm chân thành để biết ơn, để cho ruộng Phước Đức của ta thay vì phì nhiêu phong phú, khởi nguồn an vui lại bắt đầu trổ sinh gai góc sỏi đá hận thù? Những người đã có Phước Báu như chúng ta tiếp cận được Phật Pháp nhất định là người luôn luôn có thật nhiều bạn chân thành đối xử với ta. Chẳng qua chúng ta vẫn còn ưu ái mình quá mức, vẫn còn chiều chuộng mình quá mức, còn chảnh chọe quá đáng để đặt những yêu sách lên hàng đầu là họ phải sống chân thành với tôi. Cái Tôi quá cao để đi đến ngã mạn. Trong ứng xử đời thường bắt muôn người theo ý và luôn luôn nghĩ rằng người ta phải có trách nhiệm sống chân thành tốt với mình, còn mình thì thôi, chẳng cần thiết. Bởi vì sao? Tư tưởng cống cao ngã mạn, coi mình là trung tâm điểm của đời sống, để sống thỏa mãn những cảm giác, những ý tưởng riêng tư của mình nên chẳng bao giờ có lòng biết ơn tri ân, chẳng bao giờ có tâm thành kính để tỏ lộ yêu thương đối với những ai đã sống chân thành, tận hiến trao cho chúng ta từ đáy sâu tâm hồn của họ, từ cách sống chân thật chân thành của họ. Để từ đó, những gì ta đón nhận từ họ, nó lầm tưởng vào trong tư tưởng, suy nghĩ rằng người đó phải có trách nhiệm sống như vậy để ta nhận bằng tâm vô ơn, chẳng biết chân thành, tổn phước. Ruộng Tâm của ta chẳng còn gọi là Phước Điền nữa, mà đã biến thành ngục tù địa ngục, rất tội nghiệp.

Sống trên đời này, trong hoàn cảnh đại dịch lan tràn, đừng vì miếng cơm manh áo, đừng vì sự bố thí, từ thiện của người khác để cho chúng ta sanh lòng tham vơ vét ôm cho đầy, mà cần phải sống chân thành với chính mình. Để từ đó, ta tiếp cận được với nguồn sáng Trí Tuệ nơi chân tâm mà Đức Phật thắp vào cuộc đời của chúng ta, để chúng ta có lòng biết ơn, có lòng thành kính yêu thương chân thật, chân thành khi đón nhận phẩm vật ai đó hiến tặng nuôi sống cuộc đời và san sẻ với muôn người. Trong bóng tối thường có sự quờ quạng tranh chấp, trong gian nan đau khổ đại dịch thường nảy lòng tham vô đáy, và trong đại dịch khó khăn này thường xảy ra sự lạm quyền lực và đánh mất chân giá trị của đời sống để thay vì sống chân thành thì ta sống vô ơn, ta sống phản phúc, ta sống mà lợi dụng sự đau khổ của người khác, để thị oai quyền lực nâng cao bản ngã, xiển dương cái tôi. Các bạn thân mến, trong bất cứ một hoàn cảnh nào, người sống chân thành luôn tịch tĩnh an vui, nụ cười luôn tươi, ánh mắt luôn sáng, bước chân luôn tịch tĩnh. Gần gũi với họ, ta như bớt đi cả biết bao nhiêu sầu muộn đau khổ. Tiếp cận với họ, biển khổ cuộc đời của chúng ta như cạn xuống tận đáy để ta không bị ngập chìm trong những sự ưu phiền ai oán. Đại dịch đang ở gần và sẽ tồn tại lâu lắm các bạn. Và qua cách sống nhận diện trong đại dịch, ta thấy được Vô Thường đây đó hiện rõ, ta cần thực tập đời sống chân thành để chân thành nhận tình yêu thương của muôn người trong gia đình, thân tộc, xã hội trao. Và rồi ta chân thành trao cho những mảnh đời bất hạnh khó khăn hơn chúng ta.

Ta phải sống chân thật các bạn ơi. Chúng ta hãy chân thành sống trong mùa dịch này, và sự chân thành đó phải khởi lên từ đáy sâu tâm hồn của mỗi chúng ta. Chúng ta phải biết yêu thương, thành kính, chúng ta phải biết ơn Tam Bảo, Chư Phật, ơn Cửu Huyền Thất Tổ, ơn cha mẹ, ơn quý thầy, ơn vợ chồng huynh đệ bạn bè, ơn Tổ Quốc, ơn đồng bào. Để từ đó ruộng Phước Điền của chúng ta sẽ mênh mông vô tận, khởi nguồn cho sự an vui, dù đại dịch có bao quanh thì nụ cười vẫn tươi, ánh mắt vẫn sáng và từng tạo tác vẫn lan tỏa yêu thương, dấu chân đặt ở đâu thì nơi đó tịch tĩnh an vui. Rất cần, các bạn! Hãy sống chân thành, đừng để cho những hoàn cảnh khó khăn ta đang đương đầu mà mỗi người chúng ta đánh mất đi điều cao quý, phẩm giá cao quý, đó là tâm chân thành. Trên con đường học đạo hãy chân thành với chính mình, tới với Phật bằng tâm chân thật, đừng coi mình là vị khách ghé ngang chùa chiền, tịnh thất, am như hưởng phước báu ai đó để lại, mà hãy thành tâm và hãy chân thành tới với Phật bằng lòng con hiếu thảo, hiếu kính với tâm thành kính chân thật. Tâm chân thành là chân thật sống với chính mình, nơi phẩm chất thanh cao quý báu nhất. Từ đó, ta sẽ thừa hưởng được Pháp Bảo của Như Lai. Đừng hờ hững đối xử với Phật như một vị khách vãng lai ghé tới gõ cửa để xin, mà phải chân thành với Phật như một bậc Thầy nhất mực tôn kính để chúng ta chân thành nhận lãnh Pháp Bảo của Phật, để chúng ta được trao và được thọ nhận những Pháp Bảo nơi Đức Phật trao cho chúng ta.

Các bạn, rất cần trong thời đại đại dịch này, mỗi người cần phải thẩm định lại cách sống của riêng chúng ta. Chẳng có thời gian mà ôm đồm quá đáng nhiều chuyện, chúng ta phải bỏ đi những rườm rà trong cuộc sống, trở về với phẩm chất thanh cao tinh túy, đó là tâm chân thành để sống chân thật với chính mình bằng phẩm cách thanh cao cao quý, Trí Tuệ và Từ Bi. Đừng ôm đồm quá nhiều, một chuyến qua sông, con đò nhỏ bé chất chứa nhiều chìm giữa dòng sông. Bể khổ đang cập tới sát cửa, đại dịch đang lấn chiếm cuộc đời bình an, gieo rắc đau khổ vào lòng đời. Sao cứ ôm đồm trong sự chạy loạn như thế, mà ôm cả nhà, cả rác rưởi lên trên thuyền đời mong manh bé nhỏ. Hãy học buông, buông những thứ không cần. Hãy học bỏ, bỏ những thứ không cần. Để làm gì? Để sống chân thành, chân thành nhận, chân thành trao, chân thành sống từ đáy sâu tâm hồn:

Yêu thương, thành kính, biết ơn,

Phước Điền vô tận khởi nguồn an vui.

Dù cho dịch có muôn năm,

Đời ta vững chãi bởi lòng an yên.

Các bạn, chúng ta hãy nhớ lời Đức Phật dạy và về với Phật bằng người con, bằng tâm trạng của một đệ tử, bằng người sống chân thành có tâm thành kính để biết ơn tri ân Phật đã khai thị cho chúng ta nhận rõ được đời sống Vô Thường trong đại dịch, biết bỏ, biết buông, thong dong tự tại. Hãy sống chân thành, đừng sống giả với chính mình, hãy đối xử với mình chân thành hơn, để sống chân thật với chính mình. Hãy tới với Phật một cách chân thành, để có lòng thành kính biết ơn, để ruộng Phước Điền của chúng ta luôn tràn ngập đầy ắp nguồn an vui. Đừng tự biến mình như khách trọ vãng lai bên lề đường vất vưởng của muôn sự gian trá, mà hãy sống chân thật thành kính. Hãy sống chân thành.

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.

PHẦN GIAO LƯU:

Phật tử Bảo Nghy: Con rất thấm thía về bài giảng này. Nhiều khi chúng con chỉ nhớ tới sự chân thành với người khác mà quên đi sự chân thành với chính bản thân mình. Con rất tri ân Thầy đã khai thị. Thưa thầy, câu hỏi của con có liên quan đến sự chân thành với những người xung quanh. Con nhận thấy một trong những điều khiến con người ngày nay sống thiếu chân thành không hẳn là vì tham lam ích kỷ, mà đôi khi nó là sự sợ hãi bị người ta chê cười là ngu ngốc, bị lợi dụng, sợ sự vô ơn của người nhận lòng chân thành của mình, hay nói khác hơn là thiếu niềm tin vào cuộc đời và con người. Vì xã hội thể hiện ngày càng rõ ràng hơn sự vô cảm thiếu tình người, và con nghĩ rằng đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc sống thiếu chân thành như ngày nay. Mong Thầy khai thị cho con cách quán chiếu và vượt qua những trở ngại đó để có thể sống chân thành hơn với mọi người và với chính mình. Mô Phật!

Thầy Bảo Thành: Các bạn, hãy sống chân thành đi. Chúng ta sẽ nhận được yêu thương, dù biết bao nhiêu con người ta đối xử với họ chân thành nhưng họ lại gian dối, họ lừa lọc, họ phản bội, chẳng trân trọng, chẳng biết ơn, chẳng thành kính. Nhưng không, đừng sợ, bởi Đức Phật dạy cái Tâm chân thành là tâm chân thật sống với phẩm cách yêu thương và Trí Tuệ, chẳng mong cầu sự đền đáp của người khác. Nhưng chúng ta định nghĩa tâm chân thành là khi chúng ta sống chân thành với mọi người thì họ phải có trách nhiệm biết ơn thành kính, họ phải có trách nhiệm coi ta là người tốt, như thế thì chúng ta vẫn còn có cái tôi. Chân thành mà vẫn còn có cái tôi, rằng người ta phải biết tôi chân thành với họ thì người ta phải đối xử với tôi trở lại như thế này như thế kia thì cái tôi đó là cái Ngã, cái Ngã đó là không nhận ra Vô Thường và Trí Tuệ không có.

Chân thành là tâm chân thật sống với chính mình bằng Trí Tuệ Từ Bi, biết hiến dâng và trao đi nhưng chẳng biết cưỡng cầu sự nhận lại. Nhưng thông thường Bảo Thành và các bạn bị vướng một chút dính mắc, làm một chuyện gì ở trên đời luôn mong rằng người kia đón nhận phải biết ơn. Họ không biết ơn mà họ còn khinh thường ta thì ta đau. Từ đó, tâm chân thành co cụm lại, biến thành con mối gặm nhấm hết lâu đài chân tâm thanh tịnh của chúng ta, và làm sụp đổ niềm tin đối với mọi người. Từ đó lẩn trốn, chẳng bao giờ biết sống chân thành nữa. Làm sao để sống chân thành trở lại? Hãy nhớ rằng Đức Phật rất chân thành với mọi chúng sanh dù Ngài là bậc Giác Ngộ. Ngài luôn luôn mang Trí Tuệ và Từ Bi tới với muôn người và gõ cửa từng người chân thành trao cho Pháp Bảo, chân thành đến mức ngay cả kẻ thù sát hại Phật thì Phật cũng chẳng nhìn thấy lầm lỗi của họ. Phật luôn nhìn thấy phẩm giá cao quý nơi mỗi một chúng sanh. Để chúng ta có thể tìm lại tâm chân thành của mình sau bao ngang trái, đặc biệt trong những va chạm của cuộc đời mà bị đối xử với lòng vô ơn, bất kính, thì khi ta chân thành với họ trong tình người, trong tình bạn, trong tình vợ chồng, hoặc cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, xã hội cộng đồng, hãy nhớ, chúng ta tâm chân thành vốn có từ tánh Phật thể hiện lòng thành kính chân thật, để luôn luôn thấy rằng Trí Tuệ, Từ Bi có trong ta hiến dâng chẳng mong cầu đền đáp. Đó là nhân sống của Phật Tánh luôn tồn tại. Và để chúng ta nhìn thấu được điều đó, để vượt qua những trở ngại mà chúng ta đã bị, hãy nhớ rằng Đức Phật dạy điều cao quý để tìm lại nguồn cội của chính mình, đó là Trí Tuệ và Từ Bi, chỉ qua một phương pháp đơn giản là hãy Chánh Niệm hơi thở từng giây phút sống với hiện tại, Từ Bi-Trí Tuệ quán sẽ nhận rõ rằng lòng chân thành của mình chẳng thể bị phai mờ, chẳng thể bị lu mờ bởi lòng bất kính vô ơn của người khác dù ta đối xử chân thành với họ. Chánh Niệm hơi thở Từ Bi-Trí Tuệ quán, chúng ta có sức mạnh nhìn rõ bản thể của mình là Trí Tuệ và Từ Bi hiến dâng mà chẳng mong cầu đền đáp.

Còn nếu như chúng ta còn một chút lăn tăn, mong rằng những người ta chân thành với họ phải chân thành với ta, nhớ rằng mọi người không cần thiết phải chân thành với ta nhưng ta rất cần thiết phải chân thành với chính mình, sống bằng Từ Bi và Trí Tuệ, tận hiến mà không mong cầu sự đền đáp. Đó là bản thể thanh tịnh của Phật tánh nơi mỗi chúng ta. Hãy sống với điều đó qua Chánh Niệm hơi thở, bạn sẽ thấy rằng hãy sống chân thành đi, hạnh phúc bình yên và sự thanh tịnh sẽ hiển lộ ngay lập tức.

Chúc bạn luôn sống chân thành. Mô Phật.

PHẦN HỒI HƯỚNG:

Thưa Phật, từ lâu chúng con quên mất rằng, tâm chân thành là tâm chân thật sống với chính mình bằng phẩm giá thanh cao của Trí Tuệ và lòng Từ Bi, tận hiến mà không mong cầu sự đền đáp. Chúng con đã bỏ quên phẩm chất cao cả đó, bởi cuộc đời vô ơn bất kính, muôn người đối xử thậm tệ với nhau nhưng chẳng vì vậy mà chúng con đánh mất tâm chân thành. Nguyện xin Chư Phật gia trì cho chúng con để chúng con nhìn thấu Vô Thường, Vô Ngã, Khổ, để chúng con nhận diện được trong chính mỗi một chúng sanh vốn có tâm chân thành cao quý, sống với phẩm giá tuyệt vời là Trí Tuệ, Từ Bi, hiến dâng, tận hiến. Xin cho chúng con biết sống chân thành trở lại với chính mình, với tha nhân, với cộng đồng, đặc biệt với cha mẹ, với vợ chồng con cái.

Nếu sự đồng tu này có chút công đức phước báu nào, chúng con nguyện xin hồi hướng cho chúng sanh đồng thành Phật Đạo, cho quê hương Việt Nam chúng con và thế giới mau qua đại dịch.

Nguyện xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts