Search

H006. Năng lượng vi diệu, lan tỏa yêu thương, thắp sáng trí tuệ, luôn tỉnh thức, hãy cùng đón nhận

Bảo Nguyện đánh máy

https://youtube.com/live/zysqAzbN5sQ

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô, các bạn đồng tu ở trên các trang Youtube, Facebook và phòng zoom. Hôm nay thứ bảy, giờ tu Hành Mật Thiền Chánh Niệm hơi thở quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ, tỉnh giác đã tới. Mời tất cả chúng ta đồng quy ngưỡng về với 3 ngôi Tam Bảo.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thưa Phật, chỉ còn 2 tuần nữa là năm cũ sẽ qua đi và năm mới tới, trước thềm năm mới, hàng Phật tử tạ chúng con nguyện xin Chư Phật mười phương ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn tu học để tự đứng dậy thắp sáng đuốc Tuệ, giữ tâm tỉnh giác quán chiếu thấy rõ đời là Vô Thường – Khổ – Vô Ngã.

Trong những ngày này chúng con đều nghĩ về Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng, nguyện xin Chư Phật phóng qua tiếp dẫn chư hương linh mà chúng con luôn luôn nhớ về được siêu sanh tịnh độ. Đặc biệt chúng con nguyện xin Chư Phật gia trì cho ông bà cha mẹ hiện tiền đang sống trên đời với chúng con được tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc, tin sâu vào nhân quả. Chúng con cũng nguyện cho thế giới được hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin Chư Phật Từ Bi chứng minh.

Mời các bạn ngồi xuống với tư thế phù hợp với cơ thể của mình, có thể ngồi ở trên tọa cụ, xếp kiết già hoặc bán già, hoặc với tư thế nào đó mà cơ thể bạn thấy thoải mái phù hợp trong lúc đầu. Hoặc bạn có thể ngồi trên ghế, trên sofa nếu cơ thể bạn không cho phép ngồi những tư thế khác như trên tọa cụ hoặc trên mặt phẳng, chỉ cần bạn giữ lưng cho ngay thẳng, đầu cho ngay, cổ cho ngay, buông thư toàn thân, người có thể nghiêng về bên phải bên trái đằng trước đằng sau khoảng 5 độ, nhẹ nhàng buông lỏng. Trong hành Mật Thiền Thất Bảo chúng ta lấy hơi thở Chánh Niệm làm đề mục để điều tâm nơi tánh biết trụ ở giữa ấn đường (là ở giữa 2 chân mày của chúng ta), mà ở chỗ này đây người ta đã đặt tên cho một cái tên rất vi diệu, nhưng chẳng vì cái tên đó mà chúng ta đắm chìm đâu, nhưng cái tên đã quen sử dụng cho dễ nhớ. Ngay ấn đường này giữa 2 chân mày còn gọi là con mắt thứ 3, tánh biết an trú ở nơi đây. Khi bạn hít vào trong Chánh Niệm của Mật Thiền, bạn hít vào bằng mũi và phình bụng dưới, đưa hơi xuống dưới, ở dưới đó gọi là đan điền khí hải – nơi tích tụ nguyên khí của đốc mạch và nhâm mạch, nơi mà năng lượng gốc từ luân xa số 1 đưa tới chuyển hóa, bụng phình ra ở đó, giữ ở đó 3 giây. Rồi chúng ta hóp bụng lại thật chậm, đưa lên trên trái tim, lên ấn đường, lên đảnh đầu, đồng thời trì mật ngôn Mu A Mu Sa. Mu A Mu Sa có thể nghĩ là nước cam lồ, đan điền khí hải, có thể liên đới tới hình ảnh của biển Từ Bi mênh mông vô tận mãi hư không. Ta lấy năng lượng Từ Bi đó qua Mu A Mu Sa tiếp nhận được từ Chư Phật rải xuống đan điền khí hải, từ đó lan tỏa khắp châu thân lên tim, ấn đường và bách hội qua hơi thở. Nhớ hít vào bằng mũi và ta phình bụng ra, khi ta hóp bụng vào ta thở ra và trì mật chú có 4 âm Mu, A, Mu, Sa, có 4 số. Mu đầu tiên thì hơi thở từ dưới đan điền tạo thành âm Mu đưa lên nhẹ nhàng trầm và chậm rãi, A là ngay tim, âm Mu thứ 2 ngay ấn đường, và Sa ở trên bách hội. Hơi thở đi qua 4 số như thế, qua 4 âm của mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, kích hoạt năng lượng Từ Bi vốn có trong ta, và năng lượng Từ Bi đó sẽ gắn kết với năng lượng Từ Bi của các bậc giác ngộ ban rải xuống để dung thông hòa nhập làm một. Khi chúng ta hơi thở hít thở đều đặn như vậy với mật ngôn tổng trì bằng một lòng thành kính, bằng tâm chân thật, chúng ta sẽ tiếp nhận được nguồn năng lượng vi diệu để lan tỏa tình thương nơi thân tâm của mình, và mình lúc nào cũng có được nguồn năng lượng hoan hỉ lan tỏa. Năng lượng đó thanh lọc được mọi năng lượng bất tịnh ta tạo ra hoặc do môi trường ta đang tiếp cận. Năng lượng thanh tịnh của Mu A Mu Sa qua hơi thở Mật Thiền hộ trì bảo hộ thân tâm và lục căn của chúng ta mỗi giây phút, chuyển hóa tất cả những Nghiệp ác, chỉ cần chú tâm như vậy. Cho nên các bạn chỉ cần nhớ hít vào phình bụng, hóp bụng nhẹ nhàng thở chậm rãi vừa theo sức của mình, không cần kéo dài theo Bảo Thành, và trì tụng Mu A Mu Sa ở 4 điểm. Điểm thứ nhất ở đan điền khí hải – Mu, A lên tim, Mu lên ấn đường, Sa ở bách hội. Khi bạn trì niệm âm thanh đó có nghĩa là bạn quán Từ Bi, nhớ rằng ta luôn luôn có năng lượng Từ Bi ở nơi tâm. Bảo Thành có thể trì âm này cho các bạn nghe 2 lần để các bạn quen với âm thanh rất trầm ở đan điền khi Bảo Thành hít vào đưa xuống dưới bụng phình ra, thở ra hóp bụng và quán chiếu từ đan điền là số 1 – Mu, số 2 ở tim – A, số 3 ở ấn đường – Mu, số 4 ở bách hội – Sa, nguyên âm của mật ngôn là như vậy, chữ Sa cuối cùng hơi thở đi ra toàn bộ từ miệng. Và lại tiếp tục chu kỳ thứ 2, hít vào phình bụng thở ra hóp bụng, chậm rãi tùy sức, bạn sẽ nhận ra năng lượng chuyển vào thân và để tự nhiên, chỉ dùng tánh biết quán chiếu là đủ. Năng lượng Từ Bi có khả năng thay đổi tất cả cuộc đời của bạn theo chiều hướng hướng thượng thiện lành.

Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau tĩnh lặng nhẹ nhàng buông thư, chúng ta hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ quán tâm Từ Bi hóp bụng vào. Hít vào bằng mũi đưa xuống đan điền khí hải bụng dưới phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán tâm Từ Bi lan tỏa tới mọi người. Hít vào phình bụng dưới đan điền khí hải, thở chậm rãi tùy sức quán tâm Từ Bi hóp bụng vào, gắn kết với tất cả những người thân trong gia đình. Hít vào bằng mũi đưa xuống đan điền khí hải bụng dưới phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán tâm Từ Bi lan tỏa hồi hướng tới muôn loài. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng đan điền khí hải phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào quán tâm Từ Bi hồi hướng cho gia đình. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở chậm rãi tiếp nhận năng lượng hồi hướng cho nhau, quán tâm Từ Bi. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở chậm rãi hóp bụng vào quán tâm Từ Bi tiếp nhận năng lượng hồi hướng cho nhau.

Hãy buông thư nhẹ nhàng, bây giờ chúng ta sẽ đi vào 7 hơi thở tổng trì mật ngôn Mu A Mu Sa qua bốn bước, tâm nhận biết từ bụng khi thở ra – Mu, lên tim – A, lên ấn đường – Mu, và lên bách hội – Sa. Chúng ta hãy buông thư hít thở trì chú quán tâm Từ Bi tiếp nhận năng lượng. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, hóp bụng vào trì mật ngôn tiếp nhận năng lượng, trì Mu – A –  Mu – Sa (7 lần)

Bây giờ hãy hít thở bình thường, giữ tâm thanh tịnh, quán chiếu tâm Từ Bi yêu thương. Hít vào và thở nhẹ nhàng tiếp nhận năng lượng cảm ứng toàn thân từ đầu xuống gót chân, buông thư buông lỏng, lấy tánh biết từ giữa ấn đường giữa 2 chân mày cảm nhận mọi cảm xúc ở dưới bụng nơi đan điền khí hải, nơi ấy là cội nguồn của năng lượng tình thương Từ Bi bao trùm khắp châu thân, nhẹ nhàng quán tưởng năng lượng đó, lan tỏa tới vùng tim sưởi ấm và chữa lành tất cả mọi vết thương đau khổ phiền não hận thù của ta của người. Năng lượng từ trái tim này hãy quán tưởng lan tỏa tới những người yêu thương đang cần đến tình thương để chữa lành các vết thương nơi thân tâm. Từ hơi ấm của trái tim lan tỏa tới ấn đường con mắt thứ 3, nhận biết cho rõ muôn hiện tượng là vô thường sanh – diệt tới lui, chỉ có tình thương là tồn tại muôn đời. Nơi nhận biết ấy năng lượng lan tỏa lên trên đảnh đầu dung thông mười phương Chư Phật, cảm ứng năng lượng vi diệu của Từ Bi nơi Chư Phật chư Bồ Tát, vũ trụ, trời đất, hòa tan vào với thân của chúng ta. Hãy tiếp nhận năng lượng Từ Bi và nhận biết mọi cảm xúc toàn thân từ dưới bụng đi lên tim, từ tim lên ấn đường, từ ấn đường lên bách hội. Cứ thở chậm rãi nhẹ nhàng quán chiếu, lấy năng lượng tình thương tiếp nhận được lan tỏa gắn kết với mọi suy nghĩ lời nói hành vi, với mọi con người trong xã hội, với tất cả gia đình các đấng sinh thành ông bà, vợ chồng, con cái, thầy trò, đồng tu, đồng môn. Hãy tĩnh lặng trong 5 phút, dùng tánh biết giữa 2 chân mày nhìn xuống dưới bụng theo hơi thở phình bụng và thở ra hóp bụng nhẹ nhàng, trì mật ngôn trong tâm một cách âm thầm thầm lặng, lan tỏa năng lượng Từ Bi lên tim, ấn đường, bách hội. Chúng ta hãy bắt đầu thinh lặng, cảm ứng tiếp nhận năng lượng.

Các bạn hãy buông thư thư giãn nhẹ nhàng, trở về với hơi thở bình thường trong Chánh Niệm, vẫn tiếp tục tiếp nhận cảm ứng năng lượng tình thương đang rung chấn với các luồng xung lực từ trường lan tỏa toàn châu thân của các bạn, và gắn kết năng lượng đó với tất cả mọi người. Khi ta gắn kết với mọi người bằng năng lượng tình thương kiếp nhận được, năng lượng tình thương càng tăn trưởng lớn rộng hơn trong cuộc sống của chúng ta. Đây là pháp hồi hướng với tâm Từ Bi quán chiếu, có thành quả cao để chúng ta nhận rõ được ý nghĩa cuộc sống của mình. Đức Phật ngày xưa cũng từ tâm Từ Bi yêu thương khi nhìn thấy cái khổ của chúng sanh, cái khổ đó qua sinh – lão – bệnh – tử, cái khổ ấy đã làm cho Ngài nhận ra nơi Ngài có sức mạnh phi thường của năng lượng Từ Bi yêu thương. Tâm Ngài thường trú nơi năng lượng Từ Bi yêu thương này, để rồi tất cả những sự phát nguyện suy nghĩ hành động của Ngài đều được khởi dậy bằng tâm Từ Bi cho dù biết bao thử thách trái ngang trên con đường tu. Nhờ năng lượng Từ Bi mà Ngài chuyển hóa được tất cả và thành tựu được đạo quả giác ngộ. Khi các bạn và Bảo Thành hành Mật Thiền Chánh Pháp quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, Bảo Thành và các bạn sẽ tiếp được năng lượng vi diệu có nội lực thâm hậu, chẳng phải là làm chuyện kinh thiên động địa, mà nội lực thâm hậu của tình thương đó sẽ giúp cho mỗi người chúng ta có lập trường vững chãi tinh tấn tu học, hành được pháp Thiện, thành tựu được những ước mơ và sở nguyện của mình trong đời. Biết bao những ước mơ, dự kiến, dự định mà chúng ta mong muốn có được nhưng từ năm này tới năm kia mà nó vẫn chỉ là ước mơ dư định kế hoạch, chẳng đi tới đâu. Năm mới sắp tới nhất định chúng ta lại tăng trưởng biết bao ước mơ, những điều muốn làm, phải chăng năm nay những điều ấy lại như những năm cũ. Không, nhất định là không, khi mỗi người biết trở về an trú và kích hoạt năng lượng Từ Bi Mu A Mu Sa gắn kết với Chư Phật và các Đấng giác ngộ, năm nay không còn là ước mơ dự kiến dự định mà là sở nguyện sẽ viên mãn bởi vì mỗi người chúng ta luôn gắn kết với Phật với Bồ Tát. Mỗi người chúng ta luôn đón nhận được năng lượng vi diệu Từ Bi yêu thương của Phật qua mật hạnh 5 phút mỗi ngày thực hiện hơi thở của Mật Thiền Chánh Niệm. Các bạn hãy cố gắng tinh tấn thực hiện như vậy để chúng ta có những sở nguyện thanh cao hơn và dìu nhau bước qua mọi thử thách của cuộc sống, với tâm thái hoan hỉ đón nhận trong tình thương.

Các bạn chúng ta bắt đầu thư giãn nhẹ nhàng, và các bạn có thể chia sẻ với Bảo Thành sự cảm nhận năng lượng của các bạn hoặc chia sẻ những câu hỏi thắc mắc về sự vận hành của Mật Thiền hơi thở, sự quán chiếu của mật ngôn Mu A Mu Sa và những điều gì đã xảy ra trong những giây phút chúng ta đồng tu hôm nay, và những cảm ứng đặc biệt nào đã xảy ra trong tuần trước khi các bạn ứng dụng vào đời thường để trực diện những sự việc tiếp hiện mỗi ngày qua công việc làm ăn, qua đời sống của gia đình hoặc qua những mối tương giao trong xã hội bạn bè.

———————————-

Thưa Thầy, 5h sáng hôm qua con có thức dậy hành Mật Thiền, con nhận thấy con không tiếp nhận được nhiều năng lượng bằng buổi tối khi con thực hành đồng tu cùng Thầy. Như lúc này con cảm nhận rõ khí ấm lan tỏa từ bụng và đi lên từ từ đến đảnh đầu rồi lan tỏa khắp toàn thân, con thấy rất dễ chịu, rất vi diệu. Sau khi thiền xong con nhận thấy thân con ấm áp và khỏe hơn rất nhiều.

Con xin chia sẻ thêm ạ, trước đây khi đối diện với sự khác biệt của mọi người thì con rất hay nổi sân. Nhưng một năm kể từ khi theo Thầy và nghe Thầy chỉ dạy, bây giờ con không còn cảm thấy quá khó chịu trước sự khác biệt đó nữa, con biết thông cảm trước sự khổ đau của người khác và chia sẻ nhiều hơn, mối quan hệ được cải thiện rất nhiều, mặc dù còn chút lăn tăn trong lòng nhưng con đã vượt qua dễ dàng hơn. Hiện tại con rất hoan hỉ vì điều đó. Con cảm ơn Thầy và mọi người đã đồng tu cùng con ạ.

Các bạn thân mến, không thể nói rằng chúng ta quá bận rộn mà bỏ qua không chăm sóc đến đời sống của sức khỏe nơi thân, sự trong sáng nơi tinh thần và an lạc nơi tâm linh. Trên đời này ai là người bận rộn nhất, cực nhọc nhất? Chắc chắn là người mẹ có con thơ. Con có con nhỏ, khi chia sẻ mà mọi người vẫn nghe được khúc nhạc hồn nhiên của bé ê a, giống như Mu A Mu Sa. Âm a là âm nguyên thủy khởi đầu của tình thương, nên khi có con các mẹ thường a a, từ đó ra thành từ cha hoặc ba. Năng lượng tình thương rất tuyệt vời, là nhịp cầu để 2 người đứng ở 2 bờ ý thức; kiến thức; tư kiến; suy nghĩ; hành động; tính toán; nhân cách; số mệnh; đều được chiếc cầu của tình thương Mu A Mu Sa tạo cho nhau có thể tới hòa mình vào. Sự khác biệt chẳng còn là chướng ngại, nhưng là sự thông cảm; đồng hành và chia sẻ. Đó chính là điểm cần khời dậy để cùng đi với nhau trên con đường thành tựu. Nếu không có điều đó nơi rái tim của mình thì không có pháp nào cao siêu hơn mà bạn có thể thành công. Đức Phật đi từ tâm Từ Bi yêu thương Mu A Mu Sa có sức mạnh bởi là mật ngôn phá vỡ những chướng ngại trong ta, để kích hoạt tình thương, năng lượng đó vốn có của mình đó, và gắn kết với Phật, hòa quện dung thông với trời đất để chữa lành mọi vết thương nơi ta và nơi người. Bảo Thành luôn luôn kiên nhẫn đi từng bước như em bé ê a từng giây từng phút cùng các bạn, để chúng ta không đánh mất lẽ diệu của sự hồn nhiên ngây thơ khi tái sanh trở lại nơi năng lượng Từ Bi vốn có nơi mình. Sự chia sẻ của con rất tuyệt vời. Hãy cố gắng tinh tấn hơn, và Thầy mời gọi các bà mẹ, hãy cứ để em bên cạnh cho em ê a và mình thực tập Mu A Mu Sa, mời gọi những người cha dù bận rộn công việc nhưng bỏ chút thời gian trong 5 phút cũng ê a như đứa trẻ để trì Mu A Mu Sa tiếp nhận năng lượng. Mời gọi tất cả những ai xưa giờ vẫn có cái cớ tôi bận quá, tôi không có thời gian, hãy cho mình 5 phút như người khùng người điên vọng lên tiếng kinh cầu của Mu A Mu Sa, ê a như những đứa nhỏ, để được tắm gội năng lượng Từ Bi của mẹ hiền Quan Thế Âm.

Hôm nay con ngồi thì không bị đau chân nữa mà chỉ bị tê chân thôi ạ. Con cứ chú tâm vào hơi thở như Thầy hướng dẫn, nhưng sau khi thiền xong thì chân con rất buốt. Con muốn hỏi lần sau khi mình ngồi thiền như vậy thì lúc bị tê thì mình có nên duỗi chân ra không, hay cứ để yên như vậy cho đến khi kết thúc giờ Thiền ạ?

Cứ để tự nhiên. Trong y học cổ xưa và Tây y ngày nay họ đã tìm ra giữa tế bào của da và lớp mỡ lớp thịt đầu tiên của chúng ta nó như nệm lót, nó hở rỗng và nơi ấy có nguồn năng lượng giao thoa toàn thân như kinh mạch. Mà trong kinh mạch gọi là lạc kinh, nơi ấy là chỗ dung thông toàn bộ năng lượng của bề mặt da tiếp xúc với mỡ và thịt của chúng ta. Khi tê chân là bởi các khớp xương nó cấn, ngồi lâu nó tê là bình thường. Tê đau khó chịu rồi tê mà không khó chịu. Nhưng khi chúng ta buông thư tiếp tục vận khí từ đan điền đi lên tim, ấn đường bách hội bằng hơi thở chậm rãi phù hợp và mật ngôn này thì lạc kinh của chúng ta, tức là năng lượng sẽ dung thông giữa bề mặt da tiếp xúc với phần mỡ và thịt của ta, nó thông hết như các trục lộ giao thông không tắc nghẽn. Toàn thân của mình dần dần sẽ được khỏe, và dĩ nhiên không cần phải ngưng để duỗi chân mà cứ thả lỏng thân 5 độ bên phải bên trái đằng trước đằng sau để cho thân nhẹ nhàng. Cứ như vậy hít vào thở ra thì lạc kinh của chúng ta sẽ giúp cho chúng ta dần dần từ cảm giác tê đó thành cảm giác không còn tê, và xương hông được mở rộng để năng lượng đi xuống gót chân. Đây mới gọi là công phu, nên người ta gọi là hành Mật Thiền như là công phu Mật Thiền, tập từ từ mỗi ngày một tiến bộ, cơ thể sẽ khỏe, thích ứng với cái tâm bởi lúc đó tâm ta đã làm chủ được qua sự Chánh Niệm, tâm ta khi được làm chủ thì nó cũng bắt đầu vận hành làm chủ cái thân, và nó điều được khí điều được thân và điều được mọi cảm giác, sâu dần thì ta điều khiển được cảm xúc của mình. Cứ như vậy mà tập.

—————————————

Thưa Thầy, dạo này con ít tham gia trò chuyện cùng đồng nghiệp nên bị mọi người hỏi han là con bị buồn chuyện gì, có stress gì hay không. Thực tế là do con không thích buôn chuyện chứ không buồn gì. Trong lòng con thực sự rất hoan hỉ kể từ khi được đồng tu của mọi người. Biểu hiện ra ngoài của con bị trái ngược với nội tâm nên con cảm thấy sự cân bằng giữa việc tu và cuộc sống của con bị lệch. Mong lời khuyên từ Thầy.

Trong Giới thứ 4: không nói dối – khẩu Nghiệp, khi mình tám nghĩa là lắng nghe tâm sự chia sẻ mình phải xem xem mình có phạm Giới nói dối hay không. Nếu mình chân thật chia sẻ và bạn cũng chia sẻ chân thành thì mình không phạm Giới. Thứ 2, xem xem mình có nói thêm bớt hay không, khi nghe bạn nói thì tôi có thêu dệt hoa lá cành hay không, có đâm thọc, có thô ác hay không. Nếu mình chia sẻ với bạn trong cách nói không nằm trong những phạm trù vừa liệt kê kia thì là không phạm Giới. Phật không cấm chúng ta không được nói, Phật dạy chúng ta thanh tịnh khẩu, nghĩa là dùng những lời nói thanh tịnh dễ nghe để chia sẻ, Phật dạy chúng ta không nói dối thôi. Đừng không thông vấn để đó để rồi nghe tới chữ tám chuyện là chúng ta sợ, tám mà không dối không thêm không bớt không ác không đâm thọc thì cái tám đó là cái tám của ngôn ngữ trong thể loại ái ngữ dễ thương, để san sẻ đồng hành và thông cảm, được phép và được khích lệ, nhưng đừng tám quá luồng để quên mọi việc hoặc thất niệm, nghĩa là ta tám quá nên quên không giữ Chánh Niệm. Lắng nghe bạn, nói chuyện với bạn như bây giờ Bảo Thành đang nói với các bạn đây, ta đang nói mà, nhưng ta không nói những lời thêu dệt giả dối thô ác đâm thọc, ta nói trong sự chia sẻ chân thành với hơi thở của Chánh Niệm, ở một góc độ nào đó có thể gọi là tám trong Chánh Niệm. Còn tám trong thất niệm đâm thọc thị phi gian dối thêu dệt thô ác thì xin ngừng, mình tám trong sự hoan hỉ vui vẻ Chánh Niệm dễ thương thì cứ tám đi, để thông cảm chia sẻ với mọi người, chưa cần thiết phải đi tới trạng thái tịnh khẩu toàn diện như những vị độc giác hay có những sở nguyện không nói 1 năm 2 năm 3 năm. Phật còn nói đến 45 năm trời nhưng cuối cùng tới trước khi viên tịch Ngài nói rằng ta chưa nói một lời nào, nhưng thực sự Ngài nói quá trời quá đất, nhưng mà Phật nói rằng ta chưa nói một lời nào, chưa nói một lời thị phi thêu dệt đâm thọc thô ác, nhưng đã nói đầy 45 năm trời trong Chánh Niệm để khai thị cho chúng sanh. Cho nên con không cần thiết phải im hơi lặng tiếng mà lan tỏa ngôn từ yêu thương. Khi ta thiền Mật Thiền ta còn nói Mu A Mu Sa, tức là trì, thì năng lượng trong Chánh Niệm sẽ được lan tỏa tới ông bà cha mẹ đến người thân vợ chồng đồng nghiệp của mình nếu mình giữ được Chánh Niệm. Hãy nhớ một lời đó chuyển tải năng lượng, hãy nhớ rằng mình về nhà mẹ đang bù đầu tóc rối gặp mẹ an ủi mẹ, phụ mẹ, nói một lời rất chân thật thí tóc bạc của mẹ biến thành đen, sự mệt mỏi của mẹ trở thành thơi thới ở trong lòng. Chỉ vì một lời rất chân thật rất yêu thương của con mà mẹ và cha quên hết nhọc nhằn đau khổ, để ngày mai dù có bước ra chiến trường đi nữa, đổ máu hay chết đi nữa thì cũng sẵn sàng hy sinh vì con, vì một lời quá chân thật quá yêu thương. Một lời nói, một câu chào, một lời tử tế với nhau chân thành yêu thương nhau là mình trao cho nhau tặng phẩm vi diệu của năng lượng để vượt qua gian khó và khổ lụy. Mỗi lời không dễ thương gây tự ái sẽ giết chết người ta. Có khi nào mình nghe ai nói: sáng sớm nhìn cái mặt bà thấy ghét, không biết lời này do ai nói ra nhưng người nghe cả ngày hôm đó sẽ buồn vô tận. Lời nói có sức mạnh chữa lành, mà lời nói cũng có sức mạnh giết người, ông bà gọi là giết người bằng lưỡi, cho nên hãy suy nghĩ quán chiếu thật kỹ giữ tâm Chánh Niệm, Phật không cấm ta tám trong Chánh Niệm, Phật chỉ khuyên ta đừng tám trong thất niệm mà thôi. Mô Phật.

Trong lúc hành Thiền, lúc quán chiếu từ ấn đường lên bách hội thì mắt của con bị híp lại và rất buồn ngủ. Con đã nhiều lần cố gắng khắc phục nhưng không cải thiện. Mong lời khuyên từ Thầy ạ.

Con cứ để tự nhiên, khi tánh biết để trên ấn đường rồi đưa tánh biết lên đảnh đầu thì sẽ hết buồn ngủ. Tức là hơi thở thoát ra hết trên đảnh đầu trong âm cuối khi trì tụng làm mình hết  buồn ngủ. Chữ Sa mình hà hết hơi ra, hơi nhẹ và năng lượng lan tỏa làm đầu nhẹ nhàng không còn buồn ngủ, thực tập từ từ sẽ quen.

————————————

Tuần trước con thực tập hành Thiền thì bị đau tê cứng chân, sang tuần này nhờ Thầy hướng dẫn thì tình hình cải thiện hơn, con ngồi bán già thì không bị tê chân nữa dù ngồi lâu. Khi hít thở, con cảm nhận được 2 lòng bàn chân nóng ran tỏa lên 2 đầu gối, nhưng không lan tỏa hơi nóng lên trên nữa. Thầy cho con hỏi đó là do kinh mạch con chưa thông nên hơi nóng chưa lan tỏa lên trên hay vì có lý do nào khác ạ?

Chị còn nhớ cách nhóm bếp khi xưa, chỉ cần mồi lửa là rơm hay củi, mình cứ thổi đến khi nào hơi gió đủ mạnh và mồi lửa bắt lửa ra, rơm hoặc củi sẽ cháy. Mình đang thổi qua hơi thở Chánh Niệm kích hoạt năng lượng từ dưới nhâm đốc lan tỏa ra. Năng lượng của con đi từ từ như vậy là tốt rồi, không sao, cứ Chánh Niệm hơi thở hít vào thở ra. Hít vào đưa sâu xuống đan điền khí hải – vùng luân xa số 1 đằng trước xương cùng của mình và phần mềm của cơ thể, dưới rốn 1 đốt ngón tay là đan điền khí hải là luân xa số 2, mình tu luyện từng vùng không cần chi tiết từng luân xa. Vùng năng lượng ở luân xa 1 và 2 là năng lượng nguyên thủy không bao giờ mất, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, nay mình kích hoạt để đưa đến thềm lục địa của biển Từ Bi đan điền khí hải. Trong biển đó ngọn lửa của luân xa số 1 đó cũng như mình nấu nước sôi là năng lượng bắt đầu lan tỏa, vì năng lượng không thể chạy qua xương sống, nhưng từ đan điền đó hơi nóng đó từ nhiệt điện thành thủy điện chạy lên tỏa ấm vùng tim của mình. Con cứ từ từ sẽ tới 1 ngày con nhận thấy năng lượng đó nó lên thẳng vùng bụng. Vùng bụng được sưởi ấm rất quan trọng, mình nhớ các mẹ trẻ khi sinh con ngày xưa các cụ thường dạy phải giữ cho bụng ấm thì chúng ta cũng như vậy, bởi bụng lạnh thì vùng luân xa đan điền khí hải bị lạnh thì tim lạnh và cơ thể dễ bị bệnh. Cho nên hơi nóng của con sẽ từ từ lan tỏa lên trên vùng bụng, và khi cảm nhận nó ở vùng bụng rồi là điều rất tốt, lên tim lại càng tốt. Nhưng cứ từ từ, chỉ cần tánh biết ở ấn đường biết rằng từ dưới 2 lòng bàn chân lên tới đầu gối hơi nóng đã tỏa lên tới đâu, như vậy là được. Cứ từ từ công phu, con sẽ cảm nhận được nhiều điều vi diệu, đừng lăn tăn, năng lượng mới đi tới đó thôi chứ không phải phía trên bị tắc.

——————————————–

Thưa Thầy, truyền thống ngày Tết ở Việt Nam thường có dâng cúng lễ. Con muốn hỏi con nên cúng như thế nào để đúng đạo với Phật, với gia tiên. Nghi thức cúng thì rất nhiều, phong tục cũng không ít. Mong Thầy chỉ dạy.

Thời Đức Phật, Đức Phật dạy đừng đeo đuổi theo những kinh sách những tục lệ những lời của những bậc Thầy trưởng lão có quyền, hoặc những nghi thức thế tục đặt ra lưu truyền ngàn năm, ngay cả lời của Đức Phật nói cũng đừng có tin mà phải dùng Trí Tuệ trong chánh Tư duy quán chiếu mang vào ứng dụng. Có thật nhiều nghi thức từng năm dựa trên nền tảng ngũ hành bát quái âm dương phong thủy mà yêu cầu cúng màu gì, lễ nghi cái gì, kinh điển nhiều lắm. Mình phải nhớ đó là nghệ thuật của mỗi một dân tộc trong nghi lễ, của thôn vùng làng xóm được hình thành quá lâu rồi. Nhiều khi các Thầy theo đó mà nhắc nhở để chúng ta quan tâm đến tổ tiên ông bà trong ngày Tết. Hãy nhớ rằng ngày xưa người Việt chỉ ở ngoài Bắc, ngôn ngữ rất ngọt ngào, tiếng nói cũng giống giống nhau. Nhưng khi chúa Nguyễn vô tới Huế rồi thì giọng đổi khác liền, không những thay đổi giọng nói mà nghi thức với Phật cũng thành nghi thức cung đình khác hẳn ngoài Bắc. Nếu các bạn đi qua các miền Bắc Trung Nam sẽ thấy nghi thức thật khác vì nó pha trộn văn hóa vùng miền nếu nói về Phật Giáo. Và hãy nhớ mọi nghi thức đó như dâng cúng đồ ăn bông hoa trái cho ông bà, lau chùi bàn thờ tổ tiên với ý nghĩa ngày cuối năm ta phải sắm sửa tâm cho thanh tịnh đừng tạo Nghiệp cho trong sáng. Và trong sự lau chùi bàn thờ cửu Huyền Thất Tổ dâng bông hoa trái cúng cơm …. bằng lòng thành kính như nhớ về cội nguồn. Nơi ấy gọi là Cửu Huyền mà, nơi mạng mạch sự sống mà mình được tiếp hiện tới cuộc đời này, ta nhớ công cha nghĩa mẹ nhớ tổ tông, và nhớ rằng nền đức hạnh giáo dục của mình vẫn tiếp hiện trong con tim và dòng máu của ta qua những nghĩa cử ta sử dụng hàng ngày. Cho nên mình cúng kính với tâm chân thành là được, còn những nghi thức kia là tục lệ, mình theo được thì theo, đừng có lăn tăn cho rằng đó là cái chính, mà cái chính là lòng thành kính, bằng tâm chân thật trong sạch, nhớ tới đức hạnh của ông bà ngày Tết. Mình về lau chùi bàn thờ, dâng cúng những món cao quý nhất mà mình có thể sắm sửa được với tấm lòng thành để tổ tiên ông bà chứng tri cho và nhắc nhở mình nhớ đức hạnh của ông bà mà noi theo tiếp tục, bỏ đi thói xấu tật hư mà mình đã tiêm nhiễm ở đời. Nghi thức chỉ là phương tiện để tiếp bước cho mình đi lên cao hơn, khi mình đã lên được bước thứ 2 thứ 3 rồi thì đừng dính chặt vào bước thứ nhất qua những nghi lễ tục truyền của vùng miền mà hãy mạnh dạn bước lên trên tâm thanh tịnh với lòng hiếu kính biết ơn tri ân tổ tông của mình, và sắm sửa những phẩm vật cao quý nhất bằng tâm trong sạch không vẩn đục.

Còn với Phật, cúng Phật thì Phật chẳng ăn, đốt nhang thì Phật chẳng ngửi, đọc kinh thì Phật chẳng nghe. Phật nói Kinh 45 năm trời cho ta nghe nay ta tụng lại cho Phật nghe, thật vô lý. Ông Phật đâu có khảo kinh ta, mà ta cũng không thể trả kinh cho Phật. Phật nói là để ta nghe hiểu để ta thực hành. Cho nên hãy nhớ mình tụng kinh để cho mình nghe, còn tụng theo kiểu văn vần là để cho ta dễ nhớ, dễ hiểu, dễ biết để ta dễ thực hành, chẳng phải đọc lại cho Phật nghe. Ta cứ tụng cả trăm lần là để cho ta nghe, không phải cho Phật nghe để Phật thuộc mà chính ta cần phải thuộc để thực hành. Cho nên những kinh nào mình chọn tùy theo sao cho phù hợp, đặc biệt nhất là giữ tâm Chánh Niệm qua hơi thở Chánh Niệm đưa tới sự giác ngộ. Còn những phong tục vùng miền mà bạn bè người thân còn làm theo nếu ta nương theo được thì cứ nương theo họ, cái đó gọi là hằng thuận chúng sanh tùy hỉ cúng dường, để bạn bè nương theo pháp hằng thuận đó mà tâm họ được an. Còn ta đã bước lên bậc thềm thứ nhất, nay đã lên bước thứ 2 thì hãy bước lên thềm thứ 3, đừng có mua keo dán sắt dán chân mình ở bước thứ nhất rồi cảm thấy lúng túng, hãy mạnh dạn bước lên tới lầu 2 nhé con.

Hãy mang hơi thở Chánh Niệm, tâm ý thiện lành, hành động thanh cao trang điểm cho tất cả những món quà dâng cúng cho ông bà, trao tặng cho bạn bè người thân bằng tâm chân thật và bằng cái nhìn của mắt thương nhìn đời dễ thương nhất, dùng khả năng khéo léo trong trang trí với những điều ưng ý phù hợp mà mình thấy đẹp là trọn vẹn rồi, dù phẩm vật có nhỏ bé thì cũng vẫn thanh cao.

Còn về việc đốt vàng mã, số tiền mình mua vàng mã sắm sửa những đồ không phù hợp làm cho người khác như thâu tiền theo nghề nghiệp và làm thêm có tiền trong những mùa lễ cúng đó thì ta mang tiền đó làm từ thiện giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh, người neo đơn, người bệnh hoạn, người cùng khổ thì phước đức vô lượng hơn là mua bạc triệu xe bằng giấy, nhà bằng giấy, tiền đô giả bằng giấy, vàng mã là đồ giả, mình làm bằng đồ thật đi. Thay vào đó dùng tiền đó mua quà cho trẻ em vùng sâu xa xôi, Tết này không có bánh chưng bánh tét, Tết này không có kẹo bánh, gom 10 bạn được 10 triệu mua áo ấm gửi lên vùng cao lạnh lẽo, phước đức vô lượng hơn là đem đi đốt, ông bà ngửi sặc mũi thôi. Ở Chùa Bảo Thành không có đốt nhang, cửa đóng mà đốt nhang làm hư phổi, khoa học đã chứng minh. Thời Đức Phật không có đốt nhang, nhưng nếu chúng ta đốt nhang như nghi lễ thành kính để hương đó quện với tâm ta bay lên trời thì phải ở ngoài trời, không khí loãng khói bay đi không hít vào gây ra bệnh phổi thì được. Hồi xưa xông hương là trầm hương, giờ nhang toàn mạt cưa, nếu Phật thực sự ngửi thì Ngài có lẽ cũng phải đi gặp bác sĩ mỗi ngày. Cho nên hãy nhớ đừng tốn tiền cho vàng mã mà hãy lan tỏa tới 10 người 20 người 30 người mua quà gửi cho người nghèo, phước đức vô lượng. Quanh ta nơi làng xóm thôn quê của ta thành thị ta đang sống, nhất định vẫn có những người nghèo khổ không đủ tiền mua thuốc, không đủ tiền mua bánh chưng bánh tét trong ngày Tết này đâu. Hãy làm những việc cao quý hơn là những nghi thức cúng kiếng cho đầy mâm mà tốn tiền, vàng mã đốt cho nhiều mà hư hao bệnh hoạn. Chúng ta không phản kháng, không quyết liệt chống đối những nghi thức kia, nhưng khi đã có Trí Tuệ trí khôn hiểu rõ thì chúng ta phải xếp lại cho gọn gàng và bỏ đi những thứ quá xoàng gây hại cho mình về sức khỏe thể chất tinh thần, đắm chìm trong những tục lệ mê tín không phù hợp với giáo lý Trí Tuệ của Phật.

——————————————-

Khi ngồi Thiền thì người con xoay nhẹ nhẹ theo chiều kim đồng hồ, con nghĩ có khi nào cứ xoay một chiều như vậy thì nó có bị nghiêng về một hướng hay không, đôi khi con cảm giác người con không được thẳng cho lắm. Mong lời khuyên từ Thầy.

Lần sau mình nhớ tác ý, nó đang xoay từ phải sang trái mình tác ý bên trái thì năng lượng sẽ chuyển sang bên trái. Đừng nghĩ ngồi Thiền là cứng như tượng, hãy tìm hiểu Phật giáo Tây Tạng, các sư ngồi đọc kinh mà các Ngài xoay vòng vòng. Tại sao lại xoay? Bởi họ sống ở xứ tuyết, cần phải vận khí và vận động để sưởi ấm thân, thân của chúng ta là thân vật lý, tâm tịnh nhưng thân phải động để máu huyết điều hòa. Cho nên tu Mật Thiền có năng lượng, Bảo Thành hay nhắc mình cho cơ thể xoay nhẹ nhàng 5 độ, năng lượng di chuyển cứ để như vậy, miễn là thần kinh hông của mình tọa xuống vững chãi và rồi để cơ thể chuyển động theo chiều hướng tác ý, tự nhiên cơ thể sẽ thấy nhẹ nhàng. Cơ thể mình chà xát theo những tư thế chuyển động rất dễ đưa năng lượng từ luân xa số 1 và số 2 đưa lên vùng tim. Ngoại trừ những ai quá cứng trong những mớ lý thuyết Thiền là phải ngồi yên không lắc, người ta gọi lắc là trạo cử, trạo cử là do tâm chứ không phải do thân, tâm trạo cử mới là quan trọng, còn tâm di chuyển là bình thường, di chuyển nhưng tâm thanh tịnh là bình thường. Vạn pháp luôn luôn luân chuyển, vô thường sanh – diệt trong từng sát na trong từng giây phút thì cơ thể này chuyển động tới lui sanh – diệt trong từng giây phút mà. Đừng để sự vô thường sanh – diệt di chuyển đó làm ta khó chịu và đặt tầm quan trọng của nó lên quá cao mà không đi vào tâm trong Chánh Niệm. Con cứ để tự nhiên nha con.

Thưa Thầy con đã thử xoay ngược lại nhưng được 2 – 3 vòng thì thân con lại xoay lại y như ban đầu.

Con tác ý từ từ, vì đã thành thói quen mà. Giờ ta tập thành thói quen khác tác ý quay ngược lại. Để ý đi, hôm nay mình nhai cơm bên phải, mai mình nhai cơm bên trái, cứ luân phiên như vậy sẽ rất hay. Mình có cơ hội kích hoạt thần kinh ngoại vi số 7 cả bên phải và bên trái để hệ thống thần kinh của mình vận hành tốt. Lâu lâu tập sử dụng tay trái nếu người thuận tay phải, sử dụng tay phải nếu mình thuận tay trái, để hệ thống thần kinh mình được vận hành đồng đều. Cứ như vậy.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts