Search

Đừng Hóng Chuyện

Con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn, trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Hôm nay Bảo Thành muốn nói về một sự gợi ý tinh tế trong cuộc đời mà ai trong chúng ta cũng thường lặp đi lặp lại. Vẫn biết chúng ta tu theo lời của Đức Thế Tôn dạy. Chúng ta quy y theo Phật Pháp Tăng, chúng ta thọ 5 giới, đó là những điều rất căn bản trong Phật pháp và trên con đường tu hành của Phật giáo. Những ai đã gọi là Phật tử phải quy y Tam Bảo và thọ 5 giới. Thế nhưng trong cuộc đời, chúng ta ít để ý, là bởi vì khi chúng ta quy y hoặc thọ giới, nó nằm ở quan niệm rằng đó như là một truyền thống để chính thức trở thành Phật tử, chứ không phải là điều cần phải thực hành miên mật mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta. Từ đó nó trở thành như một tiền đề và coi nó như là nghi thức mà thôi, không có ấn tượng sâu sắc mấy đâu. Đôi khi bàn về góc cạnh này chúng ta thấy nó hơi tế nhị bởi ai cũng thường phạm phải.

Một trong những điều hôm nay Bảo Thành đề cập tới đó là “lắng nghe”. Hai chữ lắng nghe đối với người Phật tử hình như quá quen thuộc, quen thuộc đến mức mà chúng ta hiểu rằng hạnh lắng nghe đó tới từ ngài Quan Âm Bồ Tát. Bởi chúng ta thường niệm” Nam Mô Đại Từ Đại Bi tầm thinh cứu khổ. Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát trong chú Đại Bi nhắc đến chỗ, là Ngài có ngàn mắt ngàn tay, có hạnh tầm thinh cứu khổ – hạnh lắng nghe sự đau khổ của chúng sanh. Nhưng khi chúng ta – người Phật tử học tới hạnh này rồi cũng bắt đầu nói tới sự lắng nghe, nhưng sự lắng nghe của chúng ta nó bị thay đổi theo thời gian. Bởi chưa hiểu sâu về hạnh lắng nghe, chưa có được sự phân tích kỹ, hoặc cuộc đời của chúng ta có quá nhiều chuyện để chúng ta lo toan. Hạnh lắng nghe nó không chuyên nhất như một pháp tu thực sự để chuyển hóa khổ đau của mình, để chuyển hóa tất cả những điều mà chúng ta thường gặp hàng ngày gây và tạo ra phiền não. Do đó hai chữ “Lắng nghe” về danh tức là về chữ nghĩa, ta thông thạo, ta nói, ta truyền miệng cho nhau nhưng khó thực hành. Bởi chúng ta không chú tâm, chứ thực ra nó dễ thực hành mà thôi. Nếu chúng ta thực sự là Phật tử, chúng ta đã quy y theo Phật Pháp Tăng và thọ 5 giới, dưới sự hiểu biết rõ ràng chúng ta sẽ thấy được giá trị của hạnh lắng nghe. Nhưng rất tiếc cái “lắng nghe” mà chúng ta thường nghe truyền miệng cho nhau nay được biến tướng thành hai chữ cũng là nghe, nhưng là “hóng nghe”. Thay vì như ngài Quan Thế Âm Bồ Tát, ngài lắng nghe mọi nỗi đau khổ của chúng sanh để từ đó tư duy quán chiếu nhân duyên, căn cơ nghiệp thức của từng chúng sanh rồi như phẩm Phổ Môn, Ngài ứng hiện, hóa hiện thành nhiều thân tướng khác nhau để đi vào lòng người, đi vào tư tưởng của chúng sanh đó, để có thể đồng bộ, đồng hợp không có sự dị biệt, làm cho chúng sanh cảm thấy thật dễ dàng đi với ứng hóa thân của ngài Quan Thế Âm Bồ Tát. Rồi từ đó những nỗi niềm, những sai phạm của chúng sanh được thổ lộ cho ngài Quan Âm và lúc đó sự hóa hiện của ngài Quan Âm như một bác sĩ tâm lý trị liệu. Ngài lắng nghe não phiền, sự than van, sự thống khổ của chúng sanh bởi Ngài là bác sĩ tâm lý trị liệu. Ngài nghe để cho chúng sanh nhẹ lòng rồi từ đó Ngài lại truyền cho chúng ta những ngôn từ vi diệu của bậc giác ngộ, của bậc đại từ đại bi. Từ đó mà khi chúng ta nghe được lời của Ngài chúng ta thấy nhẹ lòng hết và khi chúng ta tâm sự với Ngài thì mọi sự thống khổ trong cuộc đời đều không còn tồn tại. Và ngược lại, khi Ngài nói chuyện với chúng ta qua tâm thanh tịnh của người con Phật, chúng ta nghe được vi diệu âm như hải triều âm, tiếng Quan Âm mang tới sự tươi mát cho lòng người và làm tan chảy những băng giá lạnh lùng, những tảng núi sầu muộn của cõi lòng nơi chúng ta. Ngài Quan Âm có sức nghe mà tam thiên thế giới xa xôi cách trở cỡ nào Ngài cũng nghe được. Ngài có hạnh lắng nghe thật sâu, thật xa, cõi giới nào Ngài cũng nghe thấy, chúng sanh nào than Ngài cũng nghe được. Đặc biệt trong hạnh lắng nghe, xa như vậy, sâu lắng như vậy, Ngài biết tất cả và Ngài tới để an ủi, chia sẻ, trị liệu như vị bác sĩ. Cho nên chúng sanh than van sầu muộn, than khổ kêu oán, tất cả những điều như vậy thì Ngài thiên thủ thiên nhãn đại bi Quan âm tầm thinh cứu khổ đều tới để chữa trị cho chúng ta. Đó là nói về hạnh bác sĩ tâm lý của Ngài Quan Thế Âm. Còn đối với hàng chúng sanh chúng ta, chúng ta lại không suy nghĩ kỹ, tu hạnh lắng nghe mà bị biến tướng thành “hóng nghe”, biến chữ “lắng” thành chữ “hóng”, cho nên chúng ta hóng nghe. Hóng nghe mọi chuyện trên thế gian, thậm chí chúng ta chỉ đi một vòng ở ngang chợ – sáng đi chợ để mua đồ chuẩn bị bữa ăn sáng hoặc bữa trưa bữa tối, chỉ một vòng như vậy thôi, vậy mà khi về nhà biết bao nhiêu chuyện ở chợ chúng ta hóng nghe đoạn được đoạn không, câu đầu câu cuối ghép thành những câu chuyện dài dăng dẳng. Kể cho chồng cho vợ, kể cho những người thân trong nhà nghe. Chỉ hóng nghe thoáng qua, mà kể chi tiết như thật. Thật đến mức mà những câu chuyện đó trở thành những câu chuyện truyền kỳ. Đó là nói ở chợ cuộc đời còn chưa nói đến công sở, chúng ta tới cũng vậy. Thay vì lắng nghe để làm việc, chúng ta lại hóng nghe những chuyện ở trong công xưởng, hóng nghe những chuyện trong xã hội bên lề của cuộc đời, hóng nghe những chuyện của bạn bè, hóng nghe trực tiếp bằng tai, mặt đối mặt, hóng nghe ở trên phone rồi chúng ta lại còn hóng nghe ở trên những cái gọi là thông tin đại chúng như tin nhắn gửi qua gửi lại. Chưa xong, nếu như chưa có ai nói cho chúng ta nghe trực tiếp trên phone, nhắn tin thì chúng ta lại tìm trên thông tin đại chúng như facebook, twister hoặc zalo…để chúng ta hóng những tin tức lặt vặt ở trên đó để rồi ta kết, đan xen thành như một chiếc áo cổ tích đầy dẫy những chuyện. Thế rồi chẳng có chuyện gì để nói với nhau trong tình thương của gia đình, quan tâm hoặc chuyên chú đến chồng vợ con cái cha mẹ, mà chỉ tản mạn bao trùm tất cả những câu chuyện thâu lượm được ở bên ngoài, thêu dệt lại thành ý tưởng sống mỗi ngày. Do đó, thay vì hạnh lắng nghe để chia sẻ, nâng đỡ, an ủi, sách tấn, để cho mỗi người được nhẹ lòng, hay mỗi người được hoan hỉ hạnh phúc hơn, thì chúng ta lại hóng nghe ở bên ngoài rồi chúng ta về nhà dồn những chuyện hóng nghe đó đặt nặng lên lỗ tai của người ta yêu thương. Cảnh này xảy ra rất nhều, ai trong chúng ta cũng phải trải qua những kinh nghiệm như thế và phạm phải. Ngay như Bảo Thành cũng từng có thời khi còn trẻ cứ hóng nghe chuyện này chuyện kia, phân tích cho kỹ, tự bàn luận, tự định luận rồi tự phán xét rồi tự thêu dệt thành những cỗ máy của những câu chuyện hoang tưởng nghe ngóng đây đó. Rồi khi gặp ai cũng mang chuyện đó ra để kể, hóa ra mình cũng chỉ như những con nhện, cứ giăng tơ giữa trời hư không để bắt con đà điểu, con đại bàng. Tơ của nhện sao có thể bắt được đà điểu hoặc đại bàng – những loài chim lớn như thế. Vậy mà chúng ta cứ hay thêu dệt khi hóng nghe để làm gì? Để mà giăng tơ bắt chuyện với mọi người, hết chuyện này đến chuyện kia. Những cách hành xử hóng nghe như vậy không phải ở đời là Phật tử chúng ta tạo ra đâu. Ngay cả những bậc xuất gia, dù hạnh cư sĩ hay xuất gia, thì chúng ta nhớ rằng hạnh xuất gia chúng ta vẫn bị những tư tưởng thâu nhập vào, không chứa đựng được bởi định tịch tĩnh nên vẫn xuất ra thật là nhiều… cho những người khác. Thay vì chúng ta xuất gia là xuống tóc thì bây giờ tất cả những câu chuyện đi vào đầu chúng ta lại xuất ra cho người khác, rồi từ đó phiền não tràn đầy. Biết bao nhiêu những vị đã đi tu vẫn hóng nghe chuyện của bàn dân thiên hạ, thêu dệt thành một cỗ máy đầy ắp những chuyện ở ngoài đời. Rồi khi Phật tử tới bắt đầu một…hai… và đôi khi cả cuộc đời cỗ máy chuyện hóng nghe đó chưa hết – kể hoài không hết.

Các bạn thân mến, Bảo Thành nói giữa hai hạnh Lắng Nghe và Hóng Nghe để chúng ta để ý một chút trong cuộc đời. Chớ nên hóng nghe chuyện ở đời, Phật dạy như vậy. Hãy lắng nghe chính tâm của mình và hãy nhìn vào chính mình. Nhìn vào chính mình để làm gì? Là để lắng nghe tiếng nói từ trong tâm của chúng ta – tiếng nói thiện và tiếng nói ác, từ đó chúng ta bắt đầu sửa ngay từ trong sự thổn thức của tâm mình. Những điều sai phạm, những điều tà pháp ác pháp, ta nhìn ta nghe ta cố gắng vận dụng những pháp thiện Phật dạy, những phương tiện giáo lý của nhà Phật để chuyển dịch. Y như người thợ xây khi xây nhà nó không thẳng nó không đúng, mới xây xi măng còn ướt thì cần phải sửa ngay. Đừng đợi qua ngày qua tháng nó khô cứng rồi, sửa không được mà chỉ còn một nước duy nhất đó là đập bỏ nó mà thôi. Hạnh lắng nghe là để cho tất cả những nỗi niềm trong lòng của chúng ta khi khởi dậy theo những tà kiến sai phạm, như xi măng chưa khô thì ta sửa lại còn kịp, còn nếu khi nó đã khô đóng băng cứng ngắc ở trong đầu rồi, thì cái lắng nghe từ tâm của mình thổn thức không còn nữa mà trở thành hóng chuyện. Bởi vì ta chẳng nghe được ta, ta chẳng nghe được người, mà ta chỉ hóng nghe chuyện thị phi của thiên hạ, dồn cho đầy đầu, thêu dệt vẽ vời cho nhiều như chứng tỏ ta biết nhiều chuyện. Càng nhiều chuyện để chứng tỏ bằng cách hóng nghe thì càng nhiều khẩu nghiệp tạo ra mỗi ngày.

Các bạn thân mến, chúng ta tu là nhìn rõ nghiệp chướng được tạo ra từ miệng lưỡi của ta mỗi ngày, và tránh đi kiểu cách hóng nghe chuyện để thêu dệt, mà hãy trở về tâm hạnh của Quan Âm Bố Tát là lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe bằng tâm từ, lắng nghe bằng lòng bao dung, lắng nghe chính bản thân của mình. Nhìn rõ chính mình để chúng ta biết tri ân những lời dạy của Đức Phật, thật vi tế, thật tinh tế, thật siêu mầu nhưng bình thường và thật dễ ứng dụng trong cuộc đời. Nhất là ngày nay chúng ta có cơ hội tiếp cận với muôn người có mặt hay vắng mặt trên những phương tiện, chúng ta phải nhất như biết lắng nghe bằng tâm chân thật. Còn không chúng ta sẽ trở mình xoay ngược lại theo chiều hướng nghịch, đó là hóng nghe tạo chuyện gây nghiệp tổn phước. Cảm ơn các bạn đã nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn