Search

Đợi gì thế bạn?

Cây đã vươn chồi                    

Đang cần dưỡng chất

Hít thở đi thôi.

Hôm nay trong ngày sinh hoạt Phật pháp sống trong Chánh Niệm, Bảo Thành và các bạn đã cùng gặp gỡ nhau nơi đây để nhắc nhở và chia sẻ cho chúng ta luôn nhớ về lời Đức Phật dạy. Mong rằng trong đời sống hàng ngày Phật tử tại gia của chúng ta nghe được sự nhắc nhở của nhau chúng ta sẽ nhớ lại lời Phật thực hành nhẹ nhẹ thôi mỗi một ngày để mỗi ngày trôi qua một chút lời dặn của Phật, một chút chân lý của Phật được ứng dụng vào trong cuộc sống chúng ta sẽ vui lắm. Không nhất thiết phải nhồi sọ cho thật nhiều, không nhất thiết phải ôm ấp cho thật nhiều, cưu mang để trở thành những nhà nghiên cứu Phật học. Không cần, Phật không phải để học nhồi sọ, giáo lý của Đức Phật không phải học để mang trưng bày, trang điểm cho cuộc sống khi ta là Phật tử. Và Phật tử tại gia của chúng ta phải nhớ rằng lời Phật dạy là chân lý để ứng dụng vào đời sống mỗi ngày. Các bạn sinh ra ở một hoàn cảnh khác nhau, các bạn sinh hoạt trong nhiều môi trường khác nhau và tất cả chúng ta đều đương đầu với những cái sự tương tác hằng ngày khởi lên với nhiều cái nhân duyên khó có thể nắm bắt kịp. Cho nên bao nhiêu chuyện xảy ra ta vui nhưng cũng xen kẽ vào đó là những cái nỗi buồn khó có thể đẩy lùi được. Đời không buồn, chẳng thể hạnh phúc tìm đâu ra mà hạnh phúc quá không chen cái mùi buồn buồn chút xíu thì không có ý nghĩa cho nên trong nụ cười còn có nước mắt, trong cay đắng có vị ngọt bùi, trong đau khổ còn có hạnh phúc. Luôn luôn nó cứ như vậy, nó cứ xen kẽ hoài. Nhưng ở trên đời không phải vì biết bao nhiêu chuyện xảy ra như thế rồi chúng ta cứ rậ khuôn “đợi”, đợi gì? Đợi trời mưa xuống lấy nước tuôi cấy, để ở trong ruộng tôi có thể cày, để trồng, để ăn hay sao. Đợi gì? Đợi sung rụng như cuội ngồi gốc cây sung hay sao? Ở đời có bao nhiêu thứ ta cứ đợi, đợi đi, một mai lớn lên tôi sẽ làm việc, tôi sẽ trưởng thành. Đợi đi, khi tôi có tiền tôi sẽ xây nhà to, đợi đi tới khi phù hợp tôi sẽ làm chuyện này, chuyện kia. Đợi đi đến khi tôi có tiền của tôi báo hiếu cha mẹ, đợi đi khi xảy ra chuyện tôi chạy tới chùa cầu xin, cúng kiến. Đợi đi, khi khổ thì mới bắt đầu đi tìm cái hạnh phúc để giữ gia đình, đợi đi để khi gia đình vợ chồng tan nát mới tìm cách níu kéo. Đợi đi, khi chết rồi mới hối hận, bao chuyện ta cứ đợi đợi hoài, đợi đến ngàn sau, đợi đến mãi mãi, đợi đến bao giờ.

Các bạn và Bảo Thành đã từng nói với bản thân hãy đợi đó, hãy đợi đó mà chúng ta quá thụ động, không có tích cực chủ động để cái điều gì gọi là đợi đó có những bước bắt đầu để đi tới sự thành công. Mà chúng ta cứ thụ động, ám thị mình cứ đợi đó đi ông trời sẽ ban và trên đời đã hình thành những cách nói là ông trời đã có cách an bài hết rồi cứ ăn chơi xả láng đừng sợ gì, mệnh số nằm trong vòng tay ông trời. Chỉ cần lâu lâu khen ông một tiếng chuyện gì cũng có. Các bạn có thấy trong tình bạn, nói về tình cảm thôi có những người đợi đến khi người ta lên đò qua sông theo người xa lạ về làm vợ rồi mới hối tiếc. Hoặc có người cứ đợi đến khi người ta đi lấy vợ rồi mới tủi ngủi một mình, đó là trong tình cảm. Con người lại còn đợi đến khi có cơ hội sẽ đáp đền ơn cha nghĩa mẹ nhưng khi cha mẹ trở về với ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ rồi lúc đó lại cúng kiến cho ruồi muỗi nó ăn, chuông mõ cho sáo nó ca, ếch nhái nó gầm có lợi ích gì đâu. Cuộc đời là một chuỗi cứ đợi hoài, đợi hoài, nhiều người còn nói thôi đợi khi về già, về hưu tui đi tu. Nhiều người còn hứa đợi đi tôi trúng số tôi làm cái này, làm cái kia, Bảo Thành nè gặp biết bao nhiêu Phật tử, biết bao nhiêu người tới đây thật là oanh oanh liệt liệt như một anh hùng rồi hứa thầy cứ yên tâm trúng số con sẽ làm tất cả. Hình như người đó không phải là lập dị đâu, Bảo Thành và các bạn cũng bị lậm ở trong cái chữ “hứa”, hứa với người, hứa với ta. Để rồi trên đời này ta cứ hứa để rồi cứ đợi, đợi hoài, đợi hoài, các bạn đợi đến khi nào. Có phải chăng các bạn đợi khi thất bại trong cuộc đời lúc đó mới nghĩ đến những lời dạy dỗ kiến thức của ông bà, cha mẹ, các bậc thầy dạy dỗ cho chúng ta hay sao. Đúng, ở trên đời chúng ta cứ đợi đến khi hoàn toàn thất bại rồi mới quay ngược lại tìm hiểu kiến thức chứ biết bao nhiêu kiến thức trao truyền từ những lời mớm đầu tiên trong cái thuở lọt lòng mẹ từ cha, từ mẹ, từ ông, từ bà, những lời dạy kiến thức truyền dạy của những nhà mô phạm, của bậc giáo sư, của thầy cô ta không ứng dụng mà đợi khi thất bại mới trở về lần mò kiến thức đó. Có không các bạn? Có. Chúng ta cứ đợi để khi tình bạn bị đổ bể rồi mới lần mò trở lại để hàn gắn, còn đâu, vết rạn nứt ở trong tim người bạn mình làm sao mà hết được, giọt máu năm xưa đã cạn khô bên bờ khóe mắt làm có thể chui ngược lại để luân lưu trong đời với cái mối giao hảo với tình người nữa đâu. Những cái sự hàn gắn sau khi tình bạn, tình nghĩa vợ chồng hay tình con người đổ vỡ thật khó hàn gắn bởi những vết thương đó vẫn hằn ở trong tâm, vẫn thật rõ ở trên khóe mắt. Tại sao chúng ta cứ đợi?

Đừng đợi nữa các bạn, chúng ta cứ đợi, đợi cái gì? Đợi đến khi già rồi mới làm cái việc gọi là chuẩn bị cho tâm linh nhưng khi già chân yếu tay run, mắt mờ, bệnh tật đầy người sao mà học được cái con đường giải thoát. Có người phải đợi đến khi bệnh rồi mới tìm bác sĩ rồi bác sĩ mới khuyên về tập thể dục thể thao sao ta không tập luyện đi cho khỏe mà đợi đến khi bác sĩ nói, khi lâm bệnh rồi mới chạy ngược, chạy xuôi. Chúng ta đợi, đợi đến khi cha mẹ chết đi mới báo hiếu, hỏng rồi. Chúng ta đợi đến khi có thật nhiều tiền mới làm từ thiện. Nhiều người cứ đợi, đợi hoài mà đâu ngờ rằng cuộc sống này như vầy thôi, những gì bạn có, khả năng như thế nào các bạn đều có thể làm cho tình bạn tăng trưởng, làm cho tình yêu bền vững, làm cho lòng hiếu đạo trong cái sự dâng hiến thật là bình thường, bình dị khi đấng bậc sinh thành còn hiện hữu trong cuộc đời. Làm từ thiện khi bàn tay chẳng có gì chỉ có tình yêu thương và ánh mắt từ bi. Làm cho sự thành công chẳng chờ đến thất bại bởi ta có đầy đủ kiến thức ở đời cũng như ở trường và ở cha mẹ dạy dỗ rồi. Chúng ta thấy đó, đừng đợi đến khi bệnh gặp bác sĩ rồi mới đi tập thể dục, phải tập ngay, đừng đợi tới chết rồi mới tu. Chúng ta cứ đợi biết bao nhiêu cái cuộc đợi chờ cứ hẹn đó để đợi rồi cho nhau leo cây như cái bài gì trong dân gian nói: anh cứ hẹn nhưng em đừng đến lấy. Ta hẹn ta không tới để người bên kia cứ đợi, mà đúng vậy cái người hẹn và người đợi đó tạo khổ cho nhau thì chính chúng ta đã tạo khổ cho bản thân bởi ta đã hẹn hò với chính mình biết bao nhiêu chuyện để rồi cứ đợi, cứ đợi hoài. Các bạn ơi, chúng ta đã đợi quá lâu, chúng ta cứ đợi quá lâu cho những cái ước hẹn, cho những điều kỳ vọng, cho những điều hão huyền, cho những mộng ảo của cuộc đời đâm ra bị ảo tưởng, hóa ra người Phật tử chẳng tu đạo Phật. Ta là Phật tử ta không tu đạo Phật bởi ta cứ đợi, thật ra chúng ta tu cái kiểu đợi đó là tu cái đạo của thằng Cuội, Cuội ngồi gốc cây sung rồi đợi sung rụng há miệng để ăn. Chúng ta theo Phật, chúng ta là Phật tử, ta mặc áo tràng, ta tới chùa, ta tụng kinh, ta theo các bậc thầy ta học giảng, ta đủ hết. Nhưng ta lại không hành theo lời của Phật dạy, ta hành theo lời của Cuội dạy, đợi đi và cứ đợi hoài. Mang danh Phật tử mà tu theo đạo của Cuội rồi chúng ta cuội gầm làng cuối xóm, khổ cho ta. Đợi cái gì các bạn?         

Đợi gì thế bạn?

Cây đã vươn chồi                    

Đang cần dưỡng chất

Hít thở đi thôi.

Đức Phật dạy cho chúng ta một cuộc sống rằng đợi cái gì của ngày sau, chúng ta có tất cả trong hơi thở, đây là lời dạy của Đức Phật. Tiền tài, vật chất, địa vị, kiến thức để mà chúng ta hành xử trong tương tác, giao xử hàng ngày cũng nằm trong hơi thở à. Nhiều khi chúng ta thấy thật là kỳ, tại sao trong hơi thở? Phật không có nói dối các bạn ơi, Phật là người chân thật với điều ngài đã ngộ và đã hành đưa đến sự thành tựu. Chỉ cần quay về với hơi thở, sống với cái Chánh Niệm của hơi thở thôi bạn có tất cả, bởi vì sao? Trong hơi thở của Chánh Niệm bạn có được hạnh phúc và an vui. Các bạn nhớ, chính cái nguồn năng lượng hạnh phúc và an vui là năng lượng tích cực nhất để thúc đẩy chúng ta vươn tới thành tựu tất cả những phương tiện trong cuộc sống. Bạn cứ nghĩ nếu như các bạn sân giận, bực bội trong xử thế bạn sẽ rất là không hài hòa, cục mịch, khó chịu, dễ gây xích mích. Nhưng bạn đang hạnh phúc, bình an, hòa ái thì dĩ nhiên trong cái sự tương tác giữa người với người bạn sẽ dễ đối xử một cách tử tế, tương ái, kính trọng, lễ phép, nhẹ nhàng, hòa hợp, biết nhường nhịn. Phật dạy không có sai, nếu các bạn trở về với hơi thở thì không có hồi hộp, không có sợ hãi bệnh nó tiêu tan. Tất cả bệnh tật đều do hơi thở mà ra, hơi thở ngắn, hơi thở dài, hơi thở hồi hộp, hơi thở sợ hãi, hơi thở của niềm vui thấp thỏm hơi thở không được đều, hơi thở mà tâm tán loạn, hơi thở sân giận, hơi thở ghen tuông là những cái hơi thở nguy hại. Chỉ có hơi thở Chánh Niệm mới là hơi thở của liều thuốc bổ đưa các bạn tới hạnh phúc, giúp các bạn bình an. Và khi các bạn hạnh phúc và bình an, không điều gì mà xa tầm tay của các bạn, Phật dạy như thế, nếu đặt tâm ngồi ở trên hơi thở Chánh niệm bình an, hạnh phúc sẽ tới và muôn sự ở đời chẳng cần chờ sung rung. Đừng tu đạo của anh Cuội ngồi dưới gốc cây sung chờ sung rụng mà hãy tu chân lý của Đức Phật dạy để chúng ta đứng dậy thắp đuốc mà đi, đừng đợi nữa. Đợi gì các bạn? Đợi cái cây phước đức, cái cây trí tuệ, mầm mống từ bi gieo vào trong Chánh Niệm hơi thở nó đã vươn chồi rồi, các bạn, nó vươn chồi rồi thì chúng ta phải vươn dậy để đi tới. Cho nên trong cuộc đời này nhất định Bảo Thành và các bạn đã lầm lỡ thật là nhiều, cứ đợi hoài. Nhiều khi nghe một cú điện thoại trong đêm khuya có ai đó là bạn gợi tới nói bạn ơi mình buồn quá, rồi mình nói thôi bạn yên tâm sáng mai mình sẽ tới. Nhưng mình đâu có biết trong cú điện thoại trong nửa đêm đó với cái cơn buồn tận cùng của người bạn tới đôi khi ta cố gắng nghe một vài giây, một vài phút bạn ta sẽ vơi đi nỗi buồn. Nhưng ta nói thôi đợi đi, đến sáng đi café rồi tâm sự nhưng nào có biết rằng suốt cả đêm trường đó, cái sự buồn đó não nùng vô cùng, nó làm tan nát trái tim người bạn của chúng ta. Chúng ta cứ hứa hẹn, chẳng phải họ Hứa mà cứ hứa rồi đợi. Các bạn, đó là nói đơn giản trong cuộc sống, có biết bao nhiêu sự việc ở trong đời ta cứ nói đợi, đợi hoài nhất là những cái việc tốt ta cứ đợi. Phật dạy những việc thiện, những cái gương lành, những điều tốt đừng khi nào đợi dù nó thật nhỏ và nhẹ như tơ hồng cũng đừng bỏ qua, làm ngay, đừng đợi. Đừng đợi như người xưa nói nước tới chân mới tát, hỏng rồi. Đợi tới ung thư thời kỳ cuối mới khám bệnh, đợi tới bệnh nằm liệt giường mới tới khám bác sĩ, đợi khổ đến chết mới đi tìm nguyên nhân khổ, đợi nước dâng tới nóc nhà bắt đầu mới chạy trong khi đài khí tượng đã báo, trong khi ta đã được báo, ta đã được nói, ta đã được hướng dẫn nhưng ta không bao giờ để ý, cứ đợi.

Các bạn, Đức Phật là người cầm canh, ngài đã đi vào cuộc đời đánh thức chúng ta và dạy chúng ta là hãy Tỉnh Thức, hãy Tỉnh Thức đi. Đừng đợi tới phút chót của cuộc đời, nước tới chân tát không kịp nữa. Ngài đã dấn thân vào cuộc đời bởi cái tình yêu thương, bởi lòng từ bi, lòng bi mẫn ngài đi mãi mãi song hành trong cuộc đời gõ tiếng chuông cảnh tỉnh trong những đêm dài ngủ mê của chúng ta bởi vì cái tánh cứ đợi. Ngài đã gọi đừng đợi con ơi hãy Tỉnh Thức, hãy Tỉnh Thức mà bước đi, bước lên nhưng chúng ta chẳng bao giờ nghe, không nghe. Chúng ta đợi đến khi bệnh hoạn, đau khổ, tình bạn tan rã, đến khi thất bại, đến khi té xuống tận cùng, đến khi đau khổ, đến khi không còn gì, hư hết, suy sụp toàn diện. Lúc đó lại đi theo phương pháp hối lộ, ra ngoài chợ mua hai, ba kí trái cây thêm một vài bình bông, mua thêm cây nhang cho lớn tới chùa thắp làm cho ông Phật mù luôn, nghẹt thở rồi chúng ta rình rang chuông mõ, kêu cầu van xin thảm thiết. Không có làm được gì các bạn ơi nhưng sao chúng ta cứ tái lặp lại những cái cách như vậy mà không nghe lời Đức Phật như một người cầm canh đi vào cuộc đời đánh tiếng chuông cảnh tỉnh giúp ta thức dậy mà đi, mà vượt qua. Ngài đã dạy cho chúng ta thấy thật rõ tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời chúng ta có thể thay đổi, đừng đợi đến khi nó trổ quả. Mà hãy bắt đầu gieo nhân, gieo nhân vào mầm thiện lành để ngay bây giờ cái gì ta gieo đó sẽ trổ mầm, đâm chồi nở hoa tốt lắm.                                   

Đợi gì thế bạn?

Cây đã vươn chồi                    

Đang cần dưỡng chất

Hít thở đi thôi.

Chúng ta hít vào thở ra trong Chánh Niệm hơi thở dựa trên nền tảng đặt tâm trong hơi thở đó quán chiếu tự thân và sự suy nghĩ của chúng ta. Nhìn cho rõ, quán chiếu cho thông những điều ta làm hàng ngày để buông những điều không có tốt, những cái pháp bất thiện, tăng trưởng những điều thiện, hành những điều tốt. Đừng tu theo anh Cuội nhà ta ngồi gốc cây sung chờ nó rụng mà phải đứng dậy. Phật dạy hãy tự thắp đuốc mà đi, đứng dậy hãy tự thân làm ốc đảo riêng cho mình, thắp sáng mà đi. Nhưng chúng ta tu đạo “đợi” không à, ở đời đợi hoài rồi đến khi vào con đường đạo ta cũng để Phật đợi từ vô lương kiếp. Đừng đợi nữa bởi vì các bạn nghe phưởng phất đâu đây cái chữ đợi đó, hối hận bởi vì tất cả sự đợi đều là trễ rồi, khi đợi là trễ. Trong dân gian thời gian gần đây người ta nói đến những cái câu mà nghe để cứ mà lộn xộn lên là trễ một giờ hay trễ một ngày mà trăm năm mới gặp lại. Hay, nghe hay quá mà đúng trong cuộc đời có biết bao nhiêu sự chờ đợi để trễ một giây thôi chứ đừng nói trễ một ngày, trễ một giây mà vạn kiếp lưu đày chứ đừng nói trăm năm. Chỉ một giây chúng ta trễ thôi thì hằng hà sa số kiếp chưa chắc đã tìm gặp lại phước báu để diện kiến chân lý của bậc giác ngộ đâu. Cho nên hôm nay chúng ta, các bạn là Phật tử tại gia, các bạn có đầy đủ phước báu đã từng nghe qua biết bao nhiêu lời giảng của các bậc tôn túc tôn quý. Các bạn có đủ phước báu để tham dự các khóa thiền, các khóa mật thất, tịnh thất, niệm Phật, thiền định, nghe giảng, học giáo pháp, tụng kinh, tới chùa phước báu vô lượng. Nhưng các bạn phải chủ động mang những điều đã được nghe, những điều đã được học, những điều đã được thấy nơi chân lý của Phật ứng dụng vào cuộc đời, đừng đợi phút chót khi cái sự việc xảy ra rồi mới mang ra. Các bạn nhớ, kiến thức Phật học khi nghe giảng, chân lý Phật học đọc ở trong kinh hoặc là những chân lý ta thực hành trong những khóa tu cần phải ứng dụng. Đừng coi như là một cái thứ gì đó thâu gom lại cho đầy, cho nhiều, trang trí ở trong phòng, ở trong nhà để như là ta đây có đầy đủ bằng cấp, có đầy đủ văn bằng chứng chỉ của những khóa tu. Cái đó chết mà có để đầy hòm đi nữa thì xuống Diêm Vương cũng đốt hết à. Người ta cứ đợi đến chết rồi phủ lên người cái áo gọi là cái áo gì đó không biết, thời xưa không có, thời xưa khi ông bà mình chết đi chẳng phủ lên cái áo gì bởi vì đã có cái áo tâm thanh tịnh thậm chí quấn chiếu chôn hoặc là quấn chiếu để thân trần thiêu vậy mà siêu, tiêu diêu miền Cực Lạc. Ngày nay rườm rà quá, những cái người thương buôn tạo nên áo này áo kia, chết phải cột đầu, trùm chân, trùm tay, phủ lên áo toàn là những chữ rồng rắn của tàu, của hán, của này, của kia, gọi là áo phép, chẳng biết tên và họ gì nữa, quên mất rồi. Chi vậy, chi vậy các bạn, đó cũng là một hình thức đốt vàng mã gọi là cuộc đời sống chết chẳng tu bao nhiêu nghiệp ác ôm vô trong lòng, đến khi đã tắt thở rồi vội vàng thay áo mặc vào để hiển linh, áo gì? Thế mà có, tốn tiền mua, áo đó làm sao hộ mạng cho các bạn được, áo đó làm sao có thể đưa các bạn từ những cái bất thiện nghiệp ta tạo ra tới bờ bến an vui. Đừng đợi tới lúc chết để rồi mặc cái áo gì đó vào, không cần mà ngay bây giờ hãy lột trần tất cả những bất thiện nghiệp chúng ta khoác lên trên đôi vai gầy gò, yếu mềm và tội lỗi. Và mặc vào sự thuần tịnh, thanh khiết của cái tâm hướng thượng, hướng thiện trong hơi thở từng giây của cuộc đời Chánh Niệm. Chết là trở về với bụi tro, với cát bụi, có gì đắp lên để thay đổi bất thiện nghiệp được đâu. Cho nên các bạn đừng đợi tới lúc chết mà ngay bây giờ nếu các bạn có khả năng với cái tâm Tỉnh Thức Chánh Niệm đừng đợi đến khi giàu có tiền mà hãy dấn thân giúp đời những người nghèo, san sẻ tình yêu thương, chăm sóc cho người bệnh hoạn, thăm viếng người cô đơn, người già neo đơn, làm được mà. Nhất là những ngày cuối năm này, các bạn cứ đếm đi còn có mười mấy ngày nữa thôi năm 2020 sẽ hết rồi, cuối năm tích đức một chút các bạn à. Quay về với việc thiện lành, tích một chút phước đức, đừng tu đạo của thằng Cuội mà tu đạo của Đức Phật, làm ngay đừng đợi.             

Đợi gì thế bạn?

Cây đã vươn chồi                    

Đang cần dưỡng chất

Hít thở đi thôi.

Hít thở để mang dưỡng chất Chánh Niệm vào trong cuộc đời, trụ tâm nơi đó đón nhận cái năng lượng từ bi của Phật và lan tỏa đến muôn người, đừng đợi. Ta là Phật tử, ta theo Phật, ta không theo anh Cuội để ngồi gốc sung mà đợi, đợi đến bao giờ.

Trễ một giây vạn kiếp lưu đày

Làm sao gặp được nhau đây

Sao kiếp này em cứ hẹn hò

Để anh đợi vạn kiếp lưu vong.

Các bạn, “em” ở đây tức là chúng ta cứ hẹn với cái tâm linh, cái người anh của đời sống tâm linh, người em của kiếp này cứ bắt người anh tâm linh đợi mãi, cái tâm thiện đợi mãi. Đợi, đợi đến bao giờ, ta cứ cho người anh tâm linh leo cây hoài. Các bạn, phải đứng dậy, đừng đợi nữa trễ rồi, đừng đợi nước tới chân mới tát, lửa cháy cả nhà rồi mới chạy, phòng cháy hơn chữa chày, ông bà đã dạy phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đức Phật dạy cho chúng ta là đứng dậy mà đi, đừng đợi. Cuối năm rồi các bạn đừng đợi nữa, hãy về với gia đình của mình, đừng chờ, ngay bây giờ hãy về với đấng bậc sinh thành làm những điều có thể làm, nói những điều có thể nói, chia sẻ những điều có thể chia sẻ để cha mẹ an vui. Hãy về với vợ, với chồng làm tất cả những điều gì ta có thể làm, hãy gặp nhau đừng đợi đến phút cuối như ai đó trong cuộc đời gần đây đã đợi đến phút cuối để rồi than vãn trễ có một ngày, trễ có một giờ mà cả trăm năm chưa chắc gặp lại đâu chứ  đừng nói cả trăm năm mới gặp lại. Làm sao mà gặp lại. không thể gặp lại đừng có hưa suông, đừng có hứa kiếp sau chuyện đó không có cửa. Các bạn ơi, kiếp sau không có cửa, kiếp này không làm những việc tốt hẹn đến kiếp sau làm gì. Và cũng đừng hẹn kiếp sau vô Niết Bàn, kiếp sau an vui, kiếp này không làm được để cái kiếp này an vui kiếp sau lấy vui để an ở đâu có để mà an. Hãy đứng dậy như lời Đức Phật dạy, đừng để Đức Phật như người cầm canh đi mãi trong cuộc đời gõ tiếng chuông thức tỉnh mà ta cứ mê muội. Đừng đợi nữa nha các bạn, hãy Tỉnh Thức, Phật đã tới gọi, Phật đã mời gọi chúng ta rằng hãy Tỉnh Thức, hãy Tỉnh Thức thắp đuốc mà đi đừng đợi nữa. Thì các bạn hôm nay chúng ta là Phật tử tại gia trong những ngày cuối, thấy đi năm 2020 kề sát vách rồi, từng ngày trôi qua, từng ngày trôi qua, tích tắc, tích tắt chẳng còn nữa đâu, đừng đợi hãy làm những điều gì có thể làm. Đặc biệt nhất là trên con đường tu đạo Phật chẳng ở đâu xa, Phật ở ngay trong nhà nơi đấng bậc sinh thành, Phật không ở đâu xa Phật trong trái tim của vợ chồng biết thương yêu, biết đùm bọc. Phật không ở đâu xa, Phật ở nơi ánh mắt của những người con, của thân bằng quyến thuộc, của những người bạn. Phật không ở đâu xa, Phật ở trong đời sống của những bậc trưởng thượng, những bậc thầy, những con người ta tương tác hàng ngày, Phật hiện diện trong cuộc sống thận gần. Thật gần như cây sung gần đó chỉ cần trèo lên là có sung ăn rồi nhưng cái đạo của anh Cuội cứ nằm ì ra đó để chờ. Đừng có cái thói quen giãi đãi, làm biếng để rồi cứ đợi, cứ chờ, nằm đó mà chờ Phật cứu độ, không có. Phật đã tới tại sao phải đợi, chỉ cần đứng dậy và thắp đuốc theo Phật và thực hành thì muôn sự ở đời sẽ an vui, năm mới tới sẽ tràn đầy hạnh phúc bởi chúng ta đã làm được và làm nên những điều kỳ diệu trong những ngày cuối của năm cũ này. Đừng than trách trễ một ngày trăm năm mới gặp mà phải nói rằng trễ một giây vạn kiếp chẳng thể gặp được, các bạn nhớ.

Chúc các bạn đứng dậy thắp đuốc mà đi, đừng đợi nữa.

Mô Phật! Cám ơn các bạn đã nghe.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện hồi hướng chia sẻ pháp thoại ngày hôm nay tới tất cả mọi chúng sanh đều thành sự an lạc, an vui, Phật đạo.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts