Search

Dâng Hiến Cuộc Đời

Cho đi là nhận niềm vui

Lòng ta rộng mở thì đời thênh thang

Nâng niu sự sống nhẹ nhàng

Yêu thương lan toả hiến dâng cuộc đời.

Hôm nay với chủ đề “dâng hiến cuộc đời” chúng ta sẽ cùng nhau tham vấn với nhau, chia sẻ để chúng ta có một cái khái niệm sâu sắc hơn về sứ mệnh làm người sống trong cuộc đời biết dâng hiến. Các bạn thân mến, người theo Phật giáo của chúng ta và đặc biệt Phật tử tại gia chúng ta luôn luôn nhận biết cả cuộc đời Đức Phật đã luôn dâng hiến cho nhân loại, cho thế giới, cho mọi loài chúng sanh. Không phải chỉ vỏn vẹn trong suốt thời gian ngài hiện diện trong cuộc đời này nhưng mãi mãi những điều ngài đã dạy, chân lý của ngài đã truyền vẫn còn sống động và vẫn còn mang được cái sự sống khởi nguồn tươi vui, trọn vẹn trong sứ mệnh dâng hiến cho cuộc đời mãi mãi. Dù Đức Phật lịch sử không còn trên thế gian nhưng chân lý của Đức Phật vẫn còn rất màu nhiệm và chân lý đó vẫn còn dâng hiến và một cách tận hiến cho cuộc đời và muôn người, muôn chúng sanh. Chúng ta nhớ khi Đức Phật còn ở trên trần gian này, ngài không bao giờ ngừng nghỉ kể từ giây phút giác ngộ, ngài đi tới tất cả miền ngược miền xuôi, miền xa miền gần, thôn làng hẻo lánh, kinh thành thị tứ. Chỗ nào quán chiếu nhân duyên có tứ chúng phù hợp đúng thời, đúng lúc là ngài liền tới đó. Mà nhớ rằng thời đó Đức Phật đi bộ, kinh hành nhẹ nhàng bằng đôi chân đất, cứ thế mà đi để gieo mầm chân lý tới cho muôn người. Ngài dâng hiến cuộc đời cho tất cả, cho những ai mà đã phù hợp thời gian, phù hợp nhân duyên ngài liền tới để cái sự dâng hiến đó của cuộc đời của ngài làm lợi lạc cho tất cả mọi chúng sanh ở mọi nơi. Tất cả mọi con người thời đó không phân biệt hoàn cảnh người giàu có, người có quyền, người bình dân, người bệnh hoạn thậm chí còn có những người đang chết, đã chết ngài cũng tới để dâng hiến cuộc đời của ngài mang lại sự an lạc cho người còn sống cũng như người đã ra đi. Nhưng chúng ta phải học được gương của Đức Phật, gương của một vị giác ngộ vẫn không xa tình người, hiểu thấu được sự dâng hiến và luôn luôn mang cả cuộc đời của mình phụng hiến, dâng hiến cho tha nhân. Quan tâm không những tới con người mà còn tới tất cả mọi loài chúng sanh nên trong Phật giáo và so sánh với các nền tôn giáo khác chỉ có Đức Phật mới có tình thương và sự quan tâm tới mọi thể loại chúng sanh khác nhau, không phân biệt là người hay là súc sanh, là quỷ thần hay là chư thiên. Mọi loài chúng sanh trong lục đạo luân hồi ngài đều dâng hiến trọn vẹn để phụng hiến, khai thị cho chúng sanh thoát khổ.

Có một cái gương đặc biệt là ngài luôn nhắm đến, ngài luôn nhớ đến một đấng đã sinh ra ngài từ thuở tấm bé lọt lòng thì đấng đó đã ra đi mãi mãi, đó chính là mẹ của ngài. Bận rộn bao nhiêu năm trời giảng dạy cho chúng sanh nhưng ngài vẫn không quên viếng thăm mẹ ngài ở trên cung trời để rồi từ đó mang chân lý, khai thị, hướng dẫn cho mẹ. Điều này đã nhắc nhở cho mỗi người chúng ta nhớ rằng mẹ là đấng bậc dâng hiến cả cuộc đời cho chúng ta dù mẹ chỉ sinh ra ta rồi mất. Chúng ta nhớ như mẹ của Phật sinh ra ngài rồi mất vậy mà ngài không bao giờ quên ơn dù tháng ngày thật là gọn, cưu mang chín tháng mười ngày sinh ra ngài rồi ra đi nhưng Phật vẫn luôn luôn nhớ đến sự dâng hiến trọn vẹn cuộc đời của người mẹ. Hôm nay nói đến dâng hiến cuộc đời thì không một ai không nghĩ đến mẹ, mẹ của chúng ta đã dâng hiến cả cuộc đời cho chúng ta, dâng cả tuổi thanh xuân, dâng cả hơi thở, dâng cả sức lực, trí tuệ, kiến thức, dâng cả trái tim, dâng tất cả, dâng hết cho ta. Cho nên không phải rằng chúng ta học Phật mới học được cái sự dâng hiến cuộc đời cho tha nhân mà chân lý của Đức Phật hiện diện ngay trong trái tim của mẹ, trong môi mắt của mẹ, trong đời sống của mẹ, trong vòng tay của mẹ, mẹ đã dâng hiến tất cả. Các bạn, Bảo Thành không nói xa bởi không so sánh với ai nhưng chỉ nhớ về mẹ của Bảo Thành thôi thì Bảo Thành đã học được cái gương dâng hiến của mẹ trọn đời cho các con. Không những thế mà mẹ còn dâng hiến cả cuộc đời cho tha nhân, cho bạn bè, cho xóm làng, cho những người mẹ biết, mẹ quen. Mẹ của Bảo Thành là một người mẫu mực, có cái gương đức hạnh dâng hiến trọn vẹn. Đã gần 30 năm rồi, chính xác là 29 năm mẹ ra đi nhưng cái cuộc đời dâng hiến của mẹ đó vẫn còn luôn luôn hiện diện trong trái tim. Dù mẹ của Bảo Thành khi ra đi còn rất trẻ, mới có năm mươi mấy tuổi đã phải từ biệt cuộc đời ra đi nhưng cái gương đức hạnh, tinh thần sống cả cuộc đời dâng hiến, phụng hiến cho tha nhân mãi mãi thường hằng trong nhịp tim của Bảo Thành và các con của mẹ. Từ thuở rất bé, Bảo Thành luôn ngưỡng mộ những hành động của mẹ, mẹ chỉ biết cho đi mà không nhận lại. Bao nhiêu công sức của cha làm ra có tiền đó nhưng mẹ luôn luôn chẳng giữ cho mình mà trao tặng cho mọi người. Đối với các bạn trẻ chưa trải qua cái thời 1975 cho tới 1980, 1990, cái quãng thời gian đó thật là gian khổ cho hàng trăm, hàng triệu những người mẹ Việt Nam bởi những người cha phải ngồi ở trong lao tù. Và hoàn cảnh đất nước thời đó thật là khó khăn, kinh tế hình như bị khóa chặt, từng bước chân đi là từng giọt nước mắt, từng hơi thở, từng giọt máu chảy ra, đau đớn khốn cùng. Nhưng mẹ của Bảo Thành ngay từ cái thuở đó và trước thuở đó luôn luôn chẳng giữ, chỉ biết trao đi, biết hiến dâng. Cho tới lúc cha của Bảo Thành ngồi ở trong tù thì toàn bộ tiền tài của cha để lại thay vì dành dụm để nuôi con mẹ của Bảo Thành đã trao tặng, đã hiến dâng, đã gửi gắm tới biết bao nhiêu những con người quen biết khổ ở thời đó mà chẳng bao giờ đòi hỏi họ phải trả lại. Những người quen với mẹ của Bảo Thành còn sống vẫn nhớ và trong những con người đó vẫn có thật là nhiều người mà mẹ đã cho tiền, cho vàng, cho của cải cho họ làm ăn nuôi nấng gia đình cho tới khi mẹ mất đi họ đều tới xin mẹ như tha, như bỏ qua bởi biết bao nhiêu những cái mẹ trao họ chưa thể trả lại được. Trong thâm sâu Bảo Thành nhớ và vẫn biết rằng mẹ không bao giờ mong đón nhận lại những điều gì mẹ đã trao đi. Và từ cái gương mẫu của mẹ đó Bảo Thành đã học được cách dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho tha nhân dù trong cuộc đời của Bảo Thành không có gì nhưng vẫn còn có hơi thở lan tỏa để sách tấn những người đồng duyên phước đi trên con đường thiện pháp của chư Phật, tìm về cội nguồn an vui. Cuộc sống là dâng hiến mà sự dâng hiến trọn vẹn nhất đó luôn luôn ở nơi mẹ.

Mở đầu buổi đồng tu hôm nay ta nghe một bài hát mà nữ nhạc sĩ tài ba Lynh Nghy – Minh Nhật đã sáng tác ra và ca sĩ Thanh Hà đã thể hiện trong ngày hôm nay đó là bài “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi”. Mẹ đâu rồi mẹ ơi rất là đặc biệt trong những ngày này, ai ai trong chúng ta cũng nhớ về mẹ thật nhiều và biết bao nhiêu người đã phải chấp tay vào để nói lên một câu ca thán rằng mẹ đâu rồi mẹ ơi. Mẹ là gương mẫu của cuộc đời bởi mẹ của Bảo Thành cũng như mẹ của tất cả các bạn, mẹ của muôn loài, mẹ của chúng sanh được hiện thân nơi đức mẹ hiền Quán Thế  Âm thể hiện một tấm lòng dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho mọi chúng sanh, cho tha nhân. Các bạn, một cái gương cao cả, tỏa sáng trên bầu trời xua tan đi màn đêm u tối và đẩy lùi đi miền ký ức khổ đau của tất cả để đổ tràn vào trong đó năng lượng từ bi, ánh sáng chân tâm để các bạn và Bảo Thành ngày hôm nay nhìn lại thấy phước báu vô cùng bởi có đủ, có đầy, có dư trọn vẹn một cuộc đời, kiến thức, đức hạnh, noi theo gương hiền mẫu của chúng ta để đi vào cuộc đời tiếp tục dâng hiến cho đời, dâng hiến cả cuộc đời. Các bạn thân mến, cho đi là nhân của niềm vui, đúng, biết bao nhiêu người mẹ đã cho đi tất cả, cho tới mức mà xương đã tàn, sức đã cạn, mắt đã hóm sâu, tóc đã rụng, chân run rẩy, thở khó, từng cơn đau đay nghiến của tuổi già bệnh hoạn nhưng mẹ vẫn cho đi. Bởi sự cho đi, sự dâng hiến đó là niềm vui của mẹ, các bạn, chúng ta là con, có thể nào chúng ta học cái gương của mẹ là nhân của niềm vui hay không? Mẹ đã cho tất cả bởi mẹ thấy sự cho đi là sự dâng hiến và sự dâng hiến cho cuộc đời đó là nhân của niềm vui. Do vậy, chúng ta có chi đâu để cầu, để chúc cho nhau niềm vui, chỉ cần theo gương của mẹ biết sống đời phụng hiến, biết sống đời dâng hiến, biết cho đi, biết trao đi là chúng ta đã gieo nhân niềm vui vào chính cuộc đời của mình rồi.    

Cho đi là nhận niềm vui

Lòng ta rộng mở thì đời thênh thang

Các bạn, ta càng rộng mở thì lòng của ta sẽ thênh thang vô tận, nhớ:

Nâng niu sự sống nhẹ nhàng

Yêu thương lan toả hiến dâng cuộc đời

Ngày hôm nay thứ tư tại chánh điện chùa Xá Lợi tổ đình ở tiểu bang Maryland, ngồi ở đây Bảo Thành cảm nhận được sự dâng hiến của mẹ, của tất cả những người mẹ, của biết bao nhiêu Phật tử đã gói trọn tình thương dâng hiến cho sứ mệnh thành lập tổ đình chùa Xá Lợi. Cuối năm, nhìn lại biết bao nhiêu công đức của biết bao nhiêu con người đã hi sinh tất cả để dâng hiến thành tựu cho Bảo Thành, cho tăng thân chùa Xá Lợi có trú xứ gọi là chùa để ẩn thân, để tu và để mang lời Phật gửi gắm cho nhau cho những ai có nhân duyên. Thì không thể quên sự dâng hiến trọn vẹn của biết bao nhiêu con người gần xa. Dâng hiến cuộc đời là một gương mẫu mực chúng ta cần phải học từ Đức Thế Tôn, rồi chúng ta cũng phải học từ các bậc tổ. Thời Đức Phật, các hàng đệ tử của ngài đã theo Đức Phật dâng hiến cả cuộc đời trọn vẹn để rồi có những Phật tử thời đó đã ứng xử với các bậc tổ thời đó rất tốt. Nhưng có biết bao nhiêu những con người đối xử với các bậc tổ không tốt, đánh đập các ngài, xua đuổi các ngài, thậm chí còn giết các ngài nhưng các ngài không bao giờ từ bỏ sứ mệnh dâng hiến cuộc đời cho chúng sanh, sẵn sàng vì chúng sanh sân giận, hành hạ, đánh, chửi bới một cách tàn khốc nhưng các ngài vẫn hoan hỷ dâng hiến cuộc đời, bởi vì sao? Bởi các ngài đã học được Phật, bởi Phật đã trao truyền chân lý sống, sống là để dâng hiến, sống không thể chỉ cho riêng mình. Và chắc chắn tất cả những người mẹ và những đấng sinh thành là những người cha, đấng sinh thành nên chúng ta là cha mẹ đã cũng học theo Phật. Dù không phải là Phật giáo nhưng trong tâm tưởng, trong dòng máu vẫn luôn luôn thấu hiểu chân lý, biết dâng hiến trọn đời cho các con, cho muôn loài. Và ngày nay trong mỗi người trong chúng ta, các bạn, các Phật tử gần xa, thân hữu trong cộng đồng chúng ta vẫn biết bởi thấm nhuần cái chân lý cửu huyền thất tổ, của ông bà cha mẹ truyền lại là biết sống dâng hiến, chẳng riêng, ích kỷ cho mình . Nếu không có sự dâng hiến trọn vẹn như vậy ngôi tổ đình chùa Xá Lợi làm sao có thể hiện diện tại nơi đây. Và nếu như không có sự dâng hiến, tận hiến cả cuộc đời của mẹ, của cha sao Bảo Thành và các bạn có thể ngồi đây nghe pháp, có thể sống trọn vẹn và an vui.

Cho nên chủ đề dâng hiến cuộc đời phải là cái sự quy ngưỡng để chúng ta luôn luôn biết kính ơn, tri ân cả cuộc đời cha mẹ đã dâng hiến trong thế gian này cho ta và cho muôn người. Đúng, chủ đề này là để tôn vinh mẹ, tôn vinh cha bởi vì cha mẹ là hiện thân của Phật, cha mẹ là hiện thân của chư tổ, của ông bà, là hiện thân cả cuộc đời với sứ mệnh dâng hiến. Dâng hiến và trao đi nhưng chẳng bao giờ mong chờ sự đền đáp cho lại. Phận làm con như Bảo Thành và các bạn nhất định trong những ngày cuối năm này phải biết tôn vinh cha mẹ của mình, nếu đấng bậc đó đã ra đi mãi mãi thì sự dâng hiến đức hạnh của cha mẹ phải vẫn là ngọn đuốc ta cầm đằng trước tỏa sáng cho ta đi vào cuộc đời để biết dâng hiến, đó mới là sự biết tôn vinh, tôn kính đối với đấng bậc sinh thành. Còn nếu đấng bậc sinh thành còn ở hiện tại bởi ta có phước báu nên các ngài còn sống với chúng ta, còn ở đây trong cuộc đời nhất định các bạn phải biết tôn kính các ngài, biết tôn vinh công hạnh cả cuộc đời dâng hiến cho chúng ta. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng là đệ tử của Phật, là hàng đệ tử Phật tử tại gia còn không chúng ta không xứng đáng tiếp cận với chân lý của Phật. Và nếu như có được cái điều như vậy thì chân lý của nhà Phật cũng chẳng còn có thể ứng dụng được trong cuộc đời của những ai không biết tôn vinh, không biết tôn kính, không biết hiếu đạo với cha mẹ. Các bạn thân mến, dâng hiến cuộc đời là gương đức hạnh không xa vời hai ngàn năm trăm mấy chục năm trước đâu mà thật gần trong cuộc đời của chúng ta ai cũng nhận được từ cha mẹ. Do vậy mà cuộc đời này có ý nghĩa hơn bởi chúng ta nối truyền được sự dâng hiến của mẹ, của cha để sống trên cuộc đời này biết dâng hiến cho nhau. Dâng hiến và trao đi là nhân của niềm vui, của hạnh phúc, của sự an lạc, là thuyền đưa chúng ta vượt qua ngàn trùng khơi sóng gió của cuộc đời để tới được hạnh phúc tại gia đình. Dâng hiến cho đi là nhân của cái lòng yêu thương, là nhân để trổ mầm cho cuộc sống nhẹ nhàng, là gió lan tỏa tất cả những hương vị mang tới cho muôn người sự sống bình an. Cuộc đời rất cần sự dâng hiến bởi cuộc đời nếu không có sự dâng hiến thì chiến tranh, đau khổ, ích kỷ, chà đạp sẽ đầy rẫy, con người sẽ đau khổ. Cho nên sự hòa bình có hay không chính là do mỗi một người trong chúng ta biết noi gương của mẹ, của Phật, của chư tổ biết sống dâng hiến, cho ai? Nếu ngay trong gia đình phải nhớ đến cha mẹ, nhớ sống cuộc đời dâng hiến cho cha mẹ, dâng hiến cho vợ chồng, con cái, xã hội. Các bạn sẽ hỏi dâng hiến cái gì? Có thật nhiều thứ các bạn vốn có để dâng hiến. Dâng hiến kiến thức học hỏi được, dâng hiến cái tình yêu thương đối xử với muôn người, dâng hiến nụ cười tươi, ngôn ngữ thiện, dâng hiến ánh mắt yêu thương, vòng tay nhân ái, những hành vi, nghĩa cử cao đẹp, dâng hiến sự an ủi với người đau bệnh, người khổ, người nghèo. Dâng hiến cuộc đời bằng tất cả những gì bạn có được, chẳng kể là tiền tài đâu mà tất cả những gì các bạn có. Cái có mà tốt đẹp nhất luôn hiện hữu là có được đời sống đạo đức, thánh thiện thì khi chúng ta có được một đời sống đạo đức, thánh thiện là phẩm vật cao quý nhất để chúng ta dâng hiến lên đấng bậc sinh thành, để chúng ta dâng hiến cho muôn người. Chẳng phải đồng tiền đâu các bạn, chẳng phải gạo nước cơm ăn đâu mà phải là một đời sống đạo đức thánh thiện. Hãy sống đạo đức, hãy sống thánh thiện trong chân lý Phật dạy, hãy sống đạo đức, hãy sống thánh thiện theo lời của mẹ, của cha đã dạy cho chúng ta vậy là trọn vẹn sự dâng hiến rồi các bạn. Đây, mong rằng các bạn nhớ chỉ trong ngày cuối năm này ta ôn lại nếu như đã quên chưa thực hành thì nhất định chúng ta phải phát nguyện sống trọn đời dâng hiến bằng cách sống đạo đức, sống thánh thiện, sống gương mẫu theo chân lý của Phật, của chư tổ, của cha mẹ thường dạy cho chúng ta. Thì nhất định chúng ta sẽ tạo ra một môi trường lành manh, tươi vui, an lạc và hạnh phúc cho người yêu thương của chúng ta và cho tất cả những ai có nhân duyên đi vào cuộc đời đang cùng sống chung cộng đồng xã hội.

Cám ơn các bạn đã cùng chia sẻ và đã cùng ngồi đây lắng nghe Bảo Thành chia sẻ! Chúng ta nguyện mang tất cả những gì có thể tạo được trong cái giờ này gọi là chút phước đức và công đức tới tất cả muôn loài chúng sanh để muôn loài chúng sanh đều có nhân duyên nghe được lời Phật và đồng thành Phật đạo. Bảo Thành nguyện chúc cho tất cả các bạn sống một cuộc đời biết dâng hiến trọn vẹn cho tha nhân, cho cha mẹ, cho vợ chồng con cái, cho thân bằng quyến thuộc, cho những ai mà các bạn đã có phước báu tiếp cận với họ trong xã hội này. Cám ơn các bạn đã nghe.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa.                        

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts