Search

CÚNG DƯỜNG CHƯ PHẬT

Hương phẩm này con cúng dường Chư Phật

Dâng tất cả thanh tịnh hướng Tôn Sư

Lìa bản ngã xã vơi lòng thủ chấp

Đắp khiêm cung làm bệ tháp Chân Như

Với những ngày chúng ta hợp tâm có đủ cái nhân duyên gặp gỡ, chia sẻ pháp thoại hạnh phúc và thật vui thay khi chúng ta lại có cơ hội gặp gỡ nhau trong cái tình thương trong sự chia sẻ. Ở cuộc đời người con Phật thấm nhuần giáo lý của Đức Thế Tôn dạy như trong kinh Bát Nhã thường nói không cao, không thấp, không tăng cũng không giảm, chẳng sanh chẳng diệt, với cái tâm nhất như hiểu rõ cái sanh tử. Để rồi thấu rõ được Tứ Thánh Đế, hiểu thấu được Khổ – Tập – Diệt – Đạo, tâm an nhiên chẳng còn có thích hoặc không thích. Chẳng dính vào cả hai bờ chứng ngộ hay không chứng ngộ, tốt hay xấu rồi đi tới cái chỗ kiến thức hay không có kiến thức. Mà chỉ ở trong cái trái tim thấm nhuần được cái sức sống thanh tịnh của nhà Phật bởi nuôi dưỡng trong Chánh Niệm khởi nguồn lên những cái ngôn từ, lời nói và hành động, ước nguyện sao cho muôn người nếu có nhân duyên đều hưởng được sự thái bình, an lạc trong cuộc sống. Đức Thế Tôn khi xưa lúc còn tại thế, một trong những điều ngài thường nhắc ngài không thể làm được đó chình là không thể độ được người không có duyên. Ngài là Phật, là bậc giác ngộ, ngài là đấng chứng đắc quả vị Phật thế vậy mà ngài còn phải nói rằng ngài một vị Phật, đấng đại giác đại ngộ cũng không thể miễn cưỡng và cũng không thể độ được người không có duyên. Chúng ta tới với nhau ở trong mọi góc độ của cuộc đời với kiến thức khác biệt, tầm nhìn khác biệt, sự hiểu biết khác biệt, niềm tin khác biệt, sự thực hành khác biệt. Nhưng nếu đồng nhân duyên ta sẵn sàng đi với nhau để cùng hiểu còn nếu không có nhân duyên coi như một sự tham khảo bởi vạn pháp phương tiện của Phật cũng chỉ là phương tiện cho chúng ta đi tới cái đích đó chính là sự an lạc và hạnh phúc để không dính mắc cả hai bên bờ có không.

Các bạn thân mến, chủ đề chúng ta chia sẻ ngày hôm nay đúng như lời dạy của ngài Đại Hạnh Phổ Hiền điều thứ ba “tam giả quảng tu cúng dường”. Chúng ta chia sẻ về cúng dường chư Phật. Hình như từ thuở còn rất nhỏ ta theo ông bà, cha mẹ tới chùa có lẽ ta được giao cho một cái túi đựng trái cây hoặc đựng bông hoa, nhang đèn. Và rồi tới chùa chúng ta cúng dường lên cho chư Phật như chuối, hoa, trái cây, đèn, nước, nhang khói, đủ hết. Nó hình thành một cái thói quen và được chấp nhận từ thuở bé đó được gọi là nghi lễ cúng dường chư Phật. Rồi sau dần chúng ta thấy những cái gì cao đẹp sinh hoạt ở trong đời đó rồi dâng bông, dâng hoa, dâng đủ mọi thứ, tất cả những cái gì gọi là cao đẹp nhất trong đời người ta mang tới cúng dường chư Phật. Dâng bông phải dâng thế nào, hoa trái phải loại hoa trái nào cứ như thế năm tháng trôi qua hình thành những phong tục khác biệt tùy theo địa phương, trú xứ và dòng thời gian của lịch sử mà cái phương pháp cúng dường lên chư Phật trong các nghi lễ, trong chùa và tại tư gia khác nhau. Có những nơi đơn giản là cúng hoa trái và đồ chay nhưng có những nơi là Phật tử cúng dường mặn. Chay mặn, bông trái hoặc chỉ đơn giản ba chung nước lạnh tất cả những hình thức cúng dường lên chư Phật như thế đều tới từ cái nhận xét riêng của mỗi người lệ thuộc riêng vào tập quán hay sự nhận thức riêng tư của mỗi người. Đôi khi chẳng có gì, chỉ có ba nén nhang thắp lên cúng dường cho chư Phật cũng đã hoàn hảo lắm rồi. Sự cúng dường lên chư Phật là quan trọng nơi cái tâm thành của mình bởi biết bao nhiêu câu chuyện trong đời Đức Phật đã nói như ông vua A Dục thuở xưa ở một kiếp trước cúng dường lên Phật với cái tâm thành chỉ một cái thành bằng cát nhỏ thôi. Vậy mà thành tựu được công đức lớn sau này tái sanh trở thành một vị vua xiển dương Phật pháp. Như bà cụ nghèo không có tiền nhiều, biết bao nhiêu vua chúa cúng dường thật là nhiều dầu để làm lễ hoa đăng cùng với Phật, bà cụ cúng một chút xíu dầu với cái tim đèn nhỏ. Với cái lòng thành thắp sáng lên trong ngày lễ hoa đăng cúng dường cho Phật vậy mà giông tố, bão tố kéo tới bao nhiêu đèn của người khác nhiều dầu cũng tắt lịm riêng chỉ ngọn đèn của bà cụ với tâm thành vẫn còn nguyên. Cúng dường lên chư Phật là cúng dường cái gì? Quan trọng vẫn là cái tâm còn vật chất dưới mọi hình thức chỉ là sự thể hiện cái tâm chân thành của ta mà thôi. Người có tiền nhiều cúng dường nhiều thứ cao quý thậm chí còn cúng dường đất đai, cúng dường gạch, cúng dường tất cả mọi vật liệu để xây dựng ngôi chùa, thiền thất, xây dựng chỗ ở cho người nghèo. Xây dựng đồ ăn, nước uống, các cái nơi phù hợp cho người ta tới trú ở đó đối với những mảnh đời bất hạnh. Tất cả mọi phương diện từ tịnh tài, sức lực, trí lực, mọi thứ đều có thể cúng dường lên chư Phật bằng cái tâm thành kính.

Tuy nhiên hôm nay Bảo Thành muốn nói tới một cái điều quan trọng trong cuộc đời của người học Phật khi ngài  Phổ Hiền dạy điều thứ ba là quảng tu cúng dường. Chúng ta tu, tu thật là rõ, tu thật là đúng chánh pháp. Quảng là lớn, là rộng, tu một cách sâu rộng pháp của Phật mới gọi là phẩm vật cúng dường lên chư Phật một cách cao quý. Còn những phẩm vật về vật chất, tịnh tài, của cải ở trong cuộc đời này chỉ là sự tượng trưng về tướng pháp. Rất thành công như một chút dầu, rất thành công như một cái thành, rất thành công như một đứa nhỏ cúng dường lên Phật một bông hoa đều được ghi nhớ và đón nhận được phước báu. Cho nên cúng dường tịnh tài, cúng dường vật liệu, cúng dường trí tuệ, sức lực, công quả dưới mọi hình thức cho chùa chiền, cho am thất, cho các trung tâm mồ côi, cơ nhỡ, trung tâm dưỡng lão, những nơi mà mảnh đời bất hạnh cần tới. Hoặc cúng dường tịnh tình, tiền bạc tới ông bà, cha mẹ, những người thân giúp đỡ lẫn nhau đều là cúng dường lên Phật nếu có tâm hướng về Phật. Chữ cúng dường cũng có thể nói gọn gàng hơn là dâng lên để Phật chứng minh chứ một một mâm cơm dù mặn hay chay Phật có ở trên Niết Bàn đi xuống để ăn đâu. Một dĩa trái cây, một bình bông Phật có ngửi, có nhìn đâu. Có là chính lòng của chúng ta thành kính dâng lên cho Phật để chứng minh cho cái tâm thành hướng về Phật để phát nguyện quảng tu, tu là quan trọng. Nhiều bạn vẫn nhắc nhở với tự thân rằng tu cái gì gọi là quan trọng và tu có phải chăng ai cũng phải tu đi tới sự chứng ngộ thành Phật hay sao. Và dĩ nhiên trên môi miệng của chúng ta, tư tưởng của chúng ta luôn luôn mong cầu một vị tu chứng. Nhưng khi hỏi ngược lại khi tu chứng quả, tu chứng đắc là chứng như thế nào, quả là quả gì, đắc là đắc cái gì? Đắc thần thông bay lên trên trời như các loài chim có cánh hay là thần thông chui xuống dưới đất biến hiện khắp nơi. Đắc cái gì, đó là chứng gì, quả gì, quả A La Hán, quả Nhân, quả Người hay quả gì? Đối với cái phần đó khi hỏi sâu hình như ai cũng bí bởi vì biết sao trả lời được ngoại trừ bậc chứng đắc thực sự là Đức Phật. Ngoài ra chưa ai dám vỗ ngực xưng tên là chứng đắc, chứng quả. Cúng dường chư Phật là phải quảng tu.

Trong kinh của nhà Phật Đức Phật dạy người đọc hằng hà sa số kinh, thông thạo hằng hà pháp không bằng người biết được một câu kinh, một câu kệ, một chữ và hiểu thấu được sanh tử thì người đó đã là chứng rồi. Chứng cái gì? Chứng vô thường. Thích hay không thích đều là vô thường, anh thích tôi ngày hôm nay ngày mai a hết thích, nó vô thường đâu có tồn tại. Anh yêu tôi ngày hôm nay ngày mai anh ghét tôi, giữa cái yêu và cái ghét, cái thích và cái không là vô thường. Anh giàu như vua, quyền lực như chúa ngày mai cũng có thể trở thành người ăn xin, quyền lực mất hết. Cái quyền lực, danh vọng, địa vị, quyền lực, tiền tài, kiến thức, sức khỏe, cái mà ta trong cuộc đời hiện hữu coi là có cũng chỉ là vô thường sanh diệt. Ngay cả cái chứng và không chứng cũng sanh diệt, con người cũng sanh diệt trong cái thân sanh lão bệnh tử. Tất cả vạn pháp phương tiện ở đời đều sanh diệt, đều là không đúng theo như Đức Phật dạy có và không như khúc cây trôi trên dòng sông nếu nó dính vào bên phải của cái đúng, cái hay, cái chứng đắc thì nó cũng mục nát ở trên bờ. Nếu nó dính vào cái bên trái của cái sai, cái chứng đắc, cái đau khổ, cái phiền não nó cũng mục nát mà thôi. Nhưng nó chẳng mắc cạn vào bên phải hay dính vào bên trái, nó nhẹ nhàng trôi mãi trên dòng sông nó sẽ về được biển đông. Cái không dính mắc đó chính là sự chứng ngộ của người Phật. Từ cái chứng ngộ như thế với sự liễu thông được hai chữ sanh tử, sanh và tử cũng cần phải rời, có và không cũng cần phải rời bỏ, chứng hay không chứng cũng phải rời bỏ, yêu ghét phải rời bỏ không bám vào một bên nào. Đó là nói đến sự chứng đắc nhưng để thực hành được điều đó không dễ. Chúng ta phải rất từng bước, từng bước tu, ít nhất cũng phải bám vào bên bờ của pháp thiện để tồn tại trong cái chuỗi thời gian thọ mạng ngắn ngủi của kiếp người mà thành tựu phước báu vươn lên tiếp tục mà đi. Còn chúng ta cứ vỗ ngực xưng tên là kẻ này người kia trong cuộc đời ngắn ngủi tàn lụi như một cái đóm sáng lóe lên trong vùng đất khô cằn của sa mạc rồi nó cũng tắt lịm đi mà thôi. Chiều dài của lịch sử đã chứng minh biết bao nhiêu con người xưng hùng, xưng bá, xưng tên, xưng vua chúa, xưng trời, xưng đất, xưng Phật, xưng thánh, xưng Bồ Tát, xưng là vị này vị kia rồi cuối cùng cũng trở về với mồ sâu, đất trắng, cỏ xanh còn ai biết tới đâu. Đúng như chư Phật dạy hương các loài hoa không bay ngược chiều gió. Hương tự xưng chẳng ngược gió tung bay đâu mà hương của người đức hạnh, người giới hạnh ngược gió vẫn tung bay. Chúng ta sống ở trên đời các bạn là ai? Là những người bình thường như Bảo Thành sống lam lũ, bận rộn trong cuộc sống, có thể là công nhân, có thể là nông dân, có thể là những con người làm những công việc rất bình thường trong xã hội, kiến thức có tầm mức, điều kiện thời gian sinh hoạt cũng có tầm cỡ giới hạn. Nhưng cái tầm mức kiến thức và giới hạn sinh hoạt và bận rộn trong cuộc đời đó không thể ngăn cản chúng ta đi tới sự quảng tu để mà dâng lên cho Phật gọi là cúng dường chư Phật.

Quảng tu không phải là vô những cái thiền viện lớn ngồi dưới một tòa sen trên đó có bậc chứng đắc ngồi hay bậc giáo thọ sư, bậc hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni. Không phải quảng tu là đến chùa, đình miếu lễ lạy rình rang mà chữ quảng tu là chúng ta phải tu trong cái cõi rộng hơn nơi cái môi trường sinh hoạt của người vợ bận rộn sớm khuya thức dậy thật là sớm nấu cơm chuẩn bị cho chồng đi làm, chuẩn bị cho con đi học. Rồi vội vội vàng vàng đi làm rồi tối cũng vội vàng trở về chuẩn bị cơm cho chồng, cho con sau một ngày mệt nhoài. Trong cái rộng lớn của cuộc đời mà người phụ nữ, người mẹ bận rộn đó tu với cái tâm rộng ra, nhìn rõ từng tạo tác nấu cơm, đưa con đi học, đón chồng về cho ăn đều là thấy Phật hiện hữu đó gọi là quảng tu. Tu lớn còn gọi là tu của người chồng, thấy vợ cơ cực sớm tối là bà nội trợ. Từ thuở nhỏ, còn thơ thương yêu nhau đưa nhau về sống chung từ một cô gái đẹp trải qua một thời gian ngắn đã tiều tụy theo thời gian. Thấy cái nét xuân xanh dần dần ẩn ra đằng sau, cái nét mà già dặn sương gió ẩn hiện ở trên mặt ta thương vợ, ta hỗ trợ, ta về đúng giờ đúng giấc không nhậu, lang thang ở ngoài đường cùng với vợ nấu cơm, lo cho con cái. Đó gọi là quảng tu ở trong gia đình. Và phận làm con thấy sự cơ cực của cha mẹ, thấy sự hy sinh tận tụy đó không rong chơi la cà, chuyên chú tu học, tu dưỡng cái đức hạnh, đó là quảng tu của người làm con. Tất cả sự tu rộng lớn trong cái môi trường sinh hoạt hạn chế của gia đình, của tình vợ, tình chồng, tình con cái, của cái lòng hiếu đạo ngưỡng lên với đấng bậc sinh thành. Chính những cái tạo tác, hành động đó gọi là quảng tu, là những phẩm vật vô giá cao siêu nhiệm mầu để dâng lên cúng dường cho chư Phật mười phương chẳng phải hoa trái ở ngoài kia đâu. Các bạn, hoa trái, đồ ăn ở ngoài kia nói vậy chứ tốn tiền lắm mà đôi khi không biết là hoa và trái có sạch hay không hay là được tẩm độc dược ăn vào còn chết, ngửi vào còn bị bệnh huống chi dâng lên Phật. Phật đâu có ngửi, nếu mà Phật lỡ ngửi xuống chắc ngài cũng xây xẩm mặt mày mà thôi. Cái quan trọng vẫn là sự quảng tu, nhìn rõ và nhìn rộng hơn để ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống của mình. Chữ tu ở đây là sửa những lầm lỗi từ từ, sửa trong cái môi trường rộng của cuộc sống chúng ta, giữa sự tương tác ở trong công xưởng, trong văn phòng, giữa sự tương tác ở chợ, tương tác giữa vợ chồng, giữa xã hội quần sanh. Ta giữ được tâm thanh tịnh, bớt sân, bớt si, chúng ta bớt tham, bớt đi một phần tham sân si, có dư một chút thanh tịnh để sống đó gọi là tu và đó cũng là phẩm vật cao quý cúng dường lên chư Phật. Chính những điều chúng ta thành tựu trong cái tâm như vậy mới gọi là:

Hương phẩm này con cúng dường Chư Phật

Dâng tất cả thanh tịnh hướng Tôn Sư

Bậc Tôn Sư của chúng ta là bậc Tôn Sư của trời và của người, không phải của anh hùng hảo hán, của những bậc xưng danh được gọi là Tôn Sư, Bổn Sư, Bổn Tôn. Vị Bổn Tôn, vị Tôn Sư của chúng ta chính là Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Và cái hương phẩm trong sự quảng tu ở cái môi trường mà chúng ta phải đương đầu hiện diện từng phút từng giây trong cuộc đời là công nhân, nông dân, những người buôn bán nhỏ hay chỉ là người làm những việc rất bình thường, hay là giám đốc, hay là văn phòng, thư ký, hay là người có quyền chức đi nữa trong cái môi trường đó ta ứng dụng Phật pháp vào cái tâm thanh tịnh đó gọi là sự quảng tu. Và mỗi một người chúng ta dù ở một cái địa vị nào đi nữa ở trong xã hội thì vẫn có cái cơ hội quảng tu, tu lớn, tu rộng để kiến lập nên cái phước báu sự thanh tịnh tạo thành hương phẩm.  

Hương phẩm này con cúng dường Chư Phật

Dâng tất cả thanh tịnh hướng Tôn Sư

Vậy ai là người xứng đáng để Phật đón nhận phẩm vật cúng dường? Tất cả mọi người không phân biệt kẻ giàu người nghèo, kẻ trí tuệ hay người bình thường, kẻ kiến thức hay không có kiến thức, kẻ mới tu hay đã tu lâu, kẻ đã chứng ngộ hay chưa chứng ngộ. Tất cả đều hiểu được rằng mỗi một nghĩa cử, mỗi một hành động, mỗi một suy nghĩ chúng ta trưởng dưỡng trong cái tâm thanh tịnh Chánh Niệm, làm việc trong sự tương tác, bớt tham bớt sân bớt si đi một phần mỗi ngày đều tạo thành một cái hương phẩm cao quý cúng dường lên cho chư Phật. Và chúng ta dâng tất cả những cái sự thanh tịnh đó hướng lên bậc Tôn Sư và chúng ta từ bỏ cái gì? Đó là:    

Lìa bản ngã xã vơi lòng thủ chấp

Tất cả những gì các bạn thủ chấp các bạn phải lìa cái bản ngã và xả vơi cái lòng thủ chấp đó đi. Chúng ta có thói quen chấp thủ, thủ đắc những cái điều ta ưa thích như loài bông đó, cái thức ăn đó, cái kiểu nhà cửa đó, tiêu xài như vầy, sống như vầy. Đó là nói về đời ta chấp thủ rồi cứ ư ư đắc chí, thủ đắc rằng những điều ta suy nghĩ là đúng. Nếu chúng ta có tư tưởng như vậy chúng ta chưa lìa được bản ngã để xả vơi đi lòng thủ chấp. Đó là chấp vào ngũ dục tiền tài, danh vọng, địa vị. Trong 4 điều Đức Phật dạy giới cấm thủ. Chúng ta cứ chấp vào những cái gọi là như thế này mới là đúng, như thế kia mới là đúng gọi là giới cấm thủ. Có người chấp rằng anh mới là người xứng đáng, anh không là người xứng đáng bởi vì anh tốt, anh xấu. Chúng ta cứ bị chia rẽ cái tư tưởng của mình trong những điều ta thích đó là sự thủ chấp. Nếu chúng ta lìa bản ngã, xả vơi cho nó vơi đi cái lòng thủ chấp của chúng ta, chấp giữa đúng và sai, giữa tốt và xấu mà chỉ trở về với cái lòng chân thật của mình, với sự thành kính quảng tu trong môi trường sống của gia đình, quảng tu trong môi trường của công việc, của thôn làng, xã hội, nhân quần, nhân sinh. Và làm với cái lòng thành với cái tâm thiện thôi thì đó chính là hương phẩm.

Hương phẩm này con cúng dường Chư Phật

Dâng tất cả thanh tịnh hướng Tôn Sư

Lìa bản ngã xã vơi lòng thủ chấp

Đắp khiêm cung làm bệ tháp Chân Như

Chúng ta phải khiêm cung, phải khiêm tốn. Ở đời chúng ta như con dế thấy người ta gáy là gáy cho thật to nhưng đâu biết tiếng gáy của loài dế sẽ tìm đường cho các loài sáo, loài chim nó tới nó giết chết chúng ta. Phải khiêm cung các bạn, mình lấy cái sự khiêm cung đắp lên người như cà sa tinh khiết, thanh tịnh và lấy cái sự khiêm cung đó đắp lên người của chúng ta để kiến lập một cái bệ tháp Chân Như dâng lên cho mười phương chư Phật. Các bạn thân mến, sống ở trên đời ai ai cũng muốn hơn người như ở đời vẫn hay nói gà hơn nhau tiếng gáy mà tiếng gáy đó sẽ hại thân chúng ta biết rồi tranh nhau để làm chi. Thay vì chúng ta tranh thủ thời gian hiểu thấu cái sanh tử, thấu được cái lý lẽ của sinh lão bệnh tử, của khổ tập diệt đạo. Thấu được những điều đó sống không dính mắc, xả vơi đi những cái thủ chấp và tu cái đức hạnh ở trong môi trường sống của mình, đối xử nhân ái, khiêm tốn, thành kính, thương yêu, chân thật, thiện lành thì tạo thành hương phẩm cao quý để cúng dường lên cho Phật để hồi hướng cho cha mẹ, đấng bậc sinh thành được tăng long phước thọ, cho vợ chồng con cái thân thì hết bệnh, tâm thì bình an, sống an vui trong cái pháp Phật nhiệm mầu, quảng tu trong cái môi trường sống của chúng ta. Các bạn, ai ai trong chúng ta cũng luôn luôn xứng tầm với cái sự thanh tịnh cúng dường lên Phật bằng cái sự tu tại gia đình của chúng ta. Ông bà thường nói thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba mới tới chùa. Như vậy, các bạn là Phật tử tại gia chúng ta có cơ hội thật nhiều để tu, chẳng phải tới chùa đâu bởi thân này của chúng ta là ngôi chùa các bạn ơi. Và nhịp đập của trái tim dung thông với tình yêu, sự tha thứ là tiếng mõ, tiếng chuông. Hơi thở của chúng ta là tiếng kinh giáo pháp giác ngộ của Phật. Nếu biết trở về với tự thân ngôi chùa của thân này, lắng nghe cái nhịp đập của trái tim dung thông với tình thương và sự tha thứ để theo dõi hơi thở như tiếng kinh thì nhất định ta đã thực sự nhập vào trong thiền định của một ngôi chùa cao quý nơi đó có Phật hiện diện trong tâm thức. Đó chính là phẩm vật, là hương phẩm cao quý nhất để Bảo Thành và các bạn cúng dường chư Phật.

Hương phẩm này con cúng dường Chư Phật

Dâng tất cả thanh tịnh hướng Tôn Sư

Lìa bản ngã xã vơi lòng thủ chấp

Đắp khiêm cung làm bệ tháp Chân Như

Đời sống bận rộn, mỗi người chúng ta đều có cái phước báu và nghiệp duyên khác nhau để rồi hình thành cái cách sống và sinh ra trong cái môi trường như vậy và có một thế đứng trong xã hội khác biệt nhau. Nhưng khi chúng ta tu, phương pháp khác biệt, hình thức khác biệt nhưng cái tâm chẳng khác biệt ứng với Tâm Kinh Bát Nhã bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Đó chính là tháp Chân Như hiện hữu mà chúng ta đắp lên thành cái tháp Chân Như đó bằng sự khiêm cung, bằng cái sự làm vơi đi thủ chấp, bằng cái sự lìa bản ngã xả vơi lòng thủ chấp. Bằng dâng lên tất cả sự thanh tịnh hướng đến Tôn Sư là Đức Bổn Sư Thích Ca, bằng hương phẩm của người con Phật biết tu rộng ở trong gia đình, môi trường ta đang sống, đối ứng phù hợp với dân tình thế thái. Với tình nghĩa vợ chồng keo sơn, tha thứ đùm bọc, gánh vác nỗi vui nỗi buồn, lúc sướng lúc khổ, lúc thành tựu cũng như lúc thất bại. Đối xử với cha mẹ hiếu đạo, luôn luôn đối xử với mọi người công bằng và giữ vững cái tâm thiện lành. Đó chính là những hương phẩm cao quý để dâng lên cho mười phương chư Phật. Nguyện chúc tất cả mọi người chúng ta nghe được những điều này cùng với Bảo Thành đồng hành trở về với ngôi chùa tự thân, lắng nghe nhịp đập của con tim, dung thông với tình yêu, tha thứ với mọi người. Để mình theo dõi cái tiếng kinh trong hơi thở Chánh Niệm của ta tạo thành hương phẩm cao quý nhất cúng dường lên chư Phật.

Cám ơn các bạn đã nghe. Chúng ta chắp tay vào hồi hướng công đức.

Chúng con nguyện mang công đức này hồi hướng lên tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo và đặc biệt hồi hướng tới người dân miền Trung của chúng con. Xin mẹ Quan Âm mở rộng lòng bao dung, yêu thương, từ bi tới muôn người xa gần, nới rộng vòng tay giúp đỡ người dân miền Trung của chúng con.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa          

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts